Chủ tịch quốc hội Nguyễn T. Kim Ngân và bốn Phó : Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển tại Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/10/2016.
Trong khi việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng còn lúng túng trong Đảng, cũng như Quốc hội vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết hợp lý, lại xảy ra chuyện bỏ trốn của các cán bộ cao cấp có biểu hiện tham nhũng.
Cùng lúc, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ kinh tế cho một thanh niên 26 tuổi không một ngày nào làm việc trong guồng máy hành chính, việc này cho thấy sự lỏng lẻo mà dư luận gọi là tha hóa ngay tại trung ương.
Đây có phải là dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã vượt ngưỡng báo động ? Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương để tìm hiểu thêm sự vận hành trong hệ thống về vấn đề nhân sự.
Hàng loạt sai phạm
Mặc Lâm : Thưa ông, Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với hàng loạt chuyện bê bối trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, đặc biệt là các cá nhân vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi mới đây lại xảy ra chuyện bổ nhiệm sai nguyên tắc cho vị trí Vụ phó kinh tế trong Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Là người sinh hoạt lâu năm trong Đảng ông có nhận xét gì vể vụ bê bối này ?
Nguyễn Khắc Mai : Tất cả những việc vừa xảy ra như các vụ bổ nhiệm từ Trịnh Xuân Thanh cho tới Phùng Quang Hải rồi bây giờ là anh Vũ Minh Hoàng vào Ban công tác Tây Nam bộ. . . . nó phản ảnh một trạng thái tất nhiên của chế độ vì ngay việc bổ nhiêm lãnh đạo đất nước của Trung ương Đảng, rồi Tổng bí thư, hay Bộ chính trị nó cũng không có quy trình gì tử tế đâu.
Làm gì có những biện pháp khoa học, văn minh, dân chủ để tuyển chọn người thủ lĩnh đâu ? Tuyển tướng cốt chọn người thao lược, chớ kể con ông cháu cha. Trước hết phải chọn người tài, người thao lược thì hiện nay trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia chả thấy ông nào có tính cách thao lược cả, từ ông Trọng trở đi không thấy sự thao lược, thế thì chóp bu đã vậy thì bên dưới nhí nhố là chuyện bình thường thôi.
Thí dụ như trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu. Tư cách như thế từ bao nhiêu đại hội tới nay nó dẫn đến tình trạng người ta lợi dụng cái kiểu ấy để người ta bố trí những người phe cánh, con ông cháu cha rồi thông tự của mình, đấy là chuyện tất yếu của một hệ thống đã mang tính chất siêu phong kiến, nó tiếp nhận phong kiến và nó làm băng hoại thêm cho phong kiến, đấy là chuyện tất yếu mà nó phải xảy ra.
Mặc Lâm : Nhưng hình như Đảng cũng thấy sự nguy hiểm gần kề nên đã mạnh dạn kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp liên quan. Theo ông thì đây có phải là giải pháp mạnh mẽ và đưa ra kịp vào lúc này hay không ?
Nguyễn Khắc Mai : Đấy là cái hạ sách. Xử lý một vài anh cán bộ tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy một vài anh trách nhiệm vụ việc ấy thì đấy là giải pháp bệnh nặng mà bôi dầu xoa bóp thì làm thế nào cải tạo được ? Hết keo này đến keo khác hết vụ này đến vụ khác nó sẽ tiếp tục diễn ra như vậy và họ ngang nhiên khẳng định rằng họ làm như vậy là vì cán bộ vì dân vì nước ! Họ ngang nhiên nói như vậy.
Triết lý chuyên chính vô sản
Mặc Lâm : Trong các lần chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhiều Đảng viên kỳ cựu cho rằng hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm tiếp tục tư duy và hành động theo mô hình của Xô viết cũ là chuyên chính vô sản, ông có cho điều này là đúng không ?
Nguyễn Khắc Mai : Hiện nay tuy người ta không dám nói "chuyên chính vô sản" công khai nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này, thể chế chính trị này là "chuyên chính vô sản". Chuyên chính vô sản nghĩa là gì ? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định : Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lênin.
Vậy mà anh còn giữ lại cái này thì vô phương ! Không cấp này nó vượt qua luật pháp thì cấp khác. Ngay cái tư cách của những người lãnh đạo mà họ nói rằng họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho nhà nước, chức trách của họ là thế thì luật pháp nào quy định cái này ? Chả có luật pháp nào quy định cả. Họ làm việc theo lối bất chấp luật pháp vậy thì cấp dưới nó ngu hơn nó đần hơn, tham hơn, lộng quyền hơn, nó sẵn sàng chà đạp những quy định của luật pháp.
Muốn giải quyết tận gốc phải xem xét lại một cách hệ thống toàn bộ các vấn đề của thể chế chính trị. Rõ ràng phải xây dựng một chế độ pháp quyền thật sự của dân, vì dân và do dân. Hiện nay họ nói của dân, vì dân và do dân nhưng bắt đầu công việc thì gạt dân ra. Từ bầu cử cho đến luật pháp cũng như chính sách…cho nên những câu nói đầu miệng như thế chả giải quyết được gì cả.
Mặc Lâm : Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 lần này ông Tổng Bí thư nói nhiều đến việc tự diễn biến trong nội bộ đảng, ông có nghĩ là từ nhận thức và báo động này Đảng sẽ có thay đổi hay không ?
Nguyễn Khắc Mai : Hội nghị trung ương 4 khóa 11 thất bại, bây giờ là Trung ương 4 khóa 12 thì tôi thấy với tình hình này cũng không thể thành công được. Mà đây không phải là ý kiến của một mình tôi mà là ý kiến, ý nghĩ của một số khá đông kể cả những anh em trong Trung ương Đảng khi họ nói chuyện riêng với chúng tôi thì họ cũng bày tỏ thái độ như thế.
Đây là một vấn đề phải dũng cảm lắm. Gạt bỏ phe nhóm gạt bỏ ý thức hệ. Cũng phải gạt bỏ mô hình Xô viết đi. Hiện nay lãnh đạo của chúng ta không có đủ năng lực, vừa phải có một cái quyền, vừa phải có cái năng lực để lựa chọn giải pháp văn minh nhất, văn hóa nhất, tiến bộ nhất, dân chủ nhất để áp dụng. Đấy là cái bi kịch của dân tộc hiện nay.
Nguyễn Khắc Mai
Nguồn : RFA tiếng Việt, 23/12/2016