Khi thầy không ra thầy, trò không ra trò
Có khá nhiều câu chuyện thầy cô cư xử, nói năng không đúng với chuẩn mực của một nhà giáo, thậm chí nhục mạ, đánh đập học sinh. Chỉ cần gõ cụm từ "thầy giáo đánh học trò" hoặc "cô giáo đánh chửi học sinh" là sẽ cho ra hàng loạt kết quả. Một vài ví dụ : Bắc Giang : "Thầy giáo chủ nhiệm lăng mạ, đấm đá hàng loạt học sinh ngay tại lớp", (Thanh Niên), Thành phố Hồ Chí Minh : "Vụ cô giáo tát tai, mắng chửi hàng loạt học sinh : Phòng Giáo dục lên tiếng" (Lao Động), "Cô giáo Hà Nội bị tố dùng thước sắt đánh học sinh" (VietnamNet)…
Không chỉ đánh mắng học sinh, nhiều người còn có những cách trừng phạt học sinh rất phản cảm, phản giáo dục mà nếu không được báo chí đưa tin thì có lẽ nhiều người trong chúng ta không sao tưởng tượng nổi. Chẳng hạn : "Rùng mình 8 hình phạt quái dị khiến học sinh ám ảnh" (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh) như : Bắt học sinh uống nước giẻ lau ở Hải Phòng, Cho cả lớp cào, tát vào mặt học sinh vì nói bậy ở Hà Nội, Ép học sinh súc miệng bằng nước xà phòng ở Vĩnh Phúc, Bắt học sinh liếm ghế vì vẽ bậy ở Hà Tĩnh v.v.
Ngay trẻ em còn ở lứa tuổi mầm non cũng không thoát. Có rất nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non do cô giáo, bảo mẫu hoặc người giữ trẻ tại gia gây nên : Quảng Ninh : "Vụ cô giáo quăng quật trẻ mầm non : Bạo hành trẻ em là một thảm họa" (Lao Động), "Nhìn lại những vụ giáo viên đánh tát đến cắn, nhốt trẻ mầm non gây chấn động năm 2020 : Người bị nghỉ việc lập tức, người cầu xin tha thứ" (Afamily)…
Và nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả trẻ mầm non hay học sinh. Thủ Đức : "Bé 18 tháng bị bảo mẫu đánh tử vong" (Soha News), An Giang : Bị cô giáo bạo hành tinh thần đến mức tự tử : "Nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử vì uất ức", Thanh Niên…
Rồi những vụ thầy giáo xàm sở, xâm hại, thậm chí cưỡng bức học sinh : "Hiệu trưởng xâm hại tình dục 9 nam sinh ở Phú Thọ lĩnh án 8 năm tù", (Lao Động), "Thầy giáo ở Bắc Giang bị tố dâm ô nhiều học sinh Tiểu học" (VOV), Thanh Hóa : "Nữ sinh 14 tuổi 2 lần bị thầy giáo cưỡng bức" (Đất Việt), "Thầy giáo dâm ô 4 học sinh nam ở Tây Ninh lĩnh án 7 năm tù" (Tuổi Trẻ)… Lớn hơn một chút ở bậc đại học thì lại có những chuyện như "gạ tình đổi điểm, sửa điểm"…
Chính vì thầy không ra thầy nên trò cũng không ra trò. Cũng không ít vụ trò đánh thầy "Những vụ học trò đánh thầy, cô giáo gây phẫn nộ" (Zing News), Bình Định : "Học sinh dùng cây sắt đánh thầy giáo phải nhập viện cấp cứu" (Tuổi Trẻ)… Còn học trò đánh nhau thì nhiều vô kể. Học sinh nam đánh nhau đã đành, học sinh nữ cũng đánh nhau, thậm chí xé quần áo của nhau, quay clip tung lên mạng…
Trường học lẽ ra phải là nơi an toàn nhất, môi trường giáo dục lẽ ra phải là nơi con người ứng xử với nhau tử tế, đẹp đẽ nhất, nhưng dưới nhiều mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì lại không phải như vậy. Khi chính người thầy còn chưa được giáo dục một cách đầy đủ để làm một Con Người tử tế nói chung và làm một người thầy tử tế nói riêng, thì làm sao giáo dục được ai ?
Khi nghệ sĩ không ra nghệ sĩ, khán giả không ra khán giả
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ-khán thính giả là một mối quan hệ đặc biệt. Nghệ sĩ là những người có tài năng trời cho trong một lĩnh vực nào đó, đem chữ nghĩa cho tới lời ca tiếng hát, nghệ thuật biểu diễn, để phục vụ khán thính giả, đồng thời cũng là để làm cho cuộc sống được đẹp hơn, nhân bản hơn từ ý nghĩa sâu sắc, nhân văn trong những tác phẩm hay nghệ thuật trình diễn, biểu diễn của mình. Khán giả là người bỏ tiền ra thưởng thức, đồng thời cũng là người nhận được về những giá trị giải trí đơn thuần có mục đích thư giãn chốc lát cho tới những giá trị cao đẹp, có sức ảnh hưởng lâu dài tới người xem, người nghe.
Gần đây có cuộc tranh luận "nghệ sĩ và khán giả ai nuôi ai" với rất nhiều ý kiến trái chiều. Và có rất nhiều ý kiến đã hạ thấp người nghệ sĩ khi hiểu chữ "nuôi" theo nghĩa đen thuần túy, rằng khán giả người bỏ tiền ra mua vé, là người "nuôi" nghệ sĩ, không có khán giả thỉ nghệ sĩ có mà chết đói. Điều đó không hoàn toàn sai nhưng lại quá đơn giản, chưa kể, cuộc sống sẽ khô héo tẻ nhạt tầm thường biết bao nếu không có nghệ thuật, không có giới nghệ sĩ ?
Sở dĩ có cuộc tranh luận trên có lẽ nguyên nhân sâu xa cũng vì trong môi trường văn hóa nghệ thuật, nhất là trong giới biểu diễn ở Việt Nam, có quá nhiều sự bát nháo ! Có nhiều người tài năng không đáng đến mức đó nhưng lại được tôn xưng là siêu mẫu, là ông hoàng bà hoàng hoặc Diva trong lĩnh vực âm nhạc, có nhiều người chẳng tài cán gì nhưng vì có tiền, có sắc nên cũng nổi đình đám…
VN là một quốc gia còn nghèo nhưng thu nhập và mức sống của nhiều người trong giới showbiz ở Việt Nam đến mức nước ngoài cũng phải "choáng" khi nhìn vào bộ sưu tập hàng hiệu, xe hiệu, những ngôi nhà, biệt thự thiết kế lộng lẫy hoặc "bộ sưu tập" bất động sản trải dài từ Nam ra Bắc cho tới nước ngoài của họ. Cuộc sống của họ khác một trời một vực với đa số người nghèo, công nhân viên chức ở Việt Nam. Có tiền có danh, có đội ngũ người hâm mộ hùng hậu, nhiều người dù tài năng thực sự không phải là cao nhưng đâm ra kiêu ngạo, khiến một số người bình thường đâm ra ghen ghét. Không có gì lạ khi gần đây chuyện một ca sĩ hoặc một nữ doanh nhân livestream "bóc phốt" đời tư những người nổi tiếng lại được nhiều người tò mò theo dõi, thậm chí thích thú, hả hê.
Quan tâm tới đời tư người nổi tiếng là thói thường tình, cho dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, Anh, Pháp… thì báo chí "lá cải", scandal của người nổi tiếng luôn thu hút đám đông. Có chăng là ở Việt Nam trong giới gọi là nghệ sĩ ấy, số người vừa có tài năng vừa có tư cách, có lòng tự trọng, có đời tư sạch sẽ thật hiếm hoi, trong khi số người tài không bao nhiêu mà từ đời tư cho tới cách hành xử đầy "phốt" thì đầy, sự giàu có của họ buổi ban đầu cũng thường không phải do tự thân mà ra, chính vì vậy nếu ai muốn bóc "phốt" thì cũng dính lắm người.
Và cũng không lạ gì vì một số bộ phận nghệ sĩ như vậy, nên mới có những khán giả cho mình cái quyền được công khai nhục mạ, tung hê đời tư người nổi tiếng, trong khi những người nổi tiếng lại không dám kiện vì sợ còn bị "khui" thêm !
Công an, tòa án, chính quyền không làm đúng chức năng nên người dân "tự xử"
Từ khoảng chục năm trước ở Việt Nam chúng ta đã nghe nói đến chữ "tự xử" xuất hiện trên báo chí, trong dư luận để nói lên tình trạng người dân "tự làm luật" với nhau và với chính quyền.
"Tự xử" ví dụ như những vụ người dân hè nhau đánh đập, có khi tới chết, một kẻ bắt trộm chó. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần, tại các vùng khác nhau như Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị... Có khi người dân tức giận đến mức đánh chết xong còn thiêu cả xe, cả xác của kẻ trộm chó.
"Tự xử" ví dụ như có những bệnh nhân, sản phụ bị tử vong do "tai nạn nghề nghiệp", do cung cách làm việc tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế, khiến người nhà nạn nhân tức giận, xông vào bệnh viện đập phá đồ đạc, đuổi đánh y bác sĩ, hoặc mang xác nạn nhân tới bệnh viện để đòi làm ra lẽ.
Kéo nhau "tự xử" những kẻ mà họ cho là có những hành đông sai trái : "Lo ngại tình trạng dân tự xử lý các hành vi bất bình thay cơ quan chức năng" (Quảng Ninh)
Tiến tới một bước, có nhiều sự việc kéo dài mà chính quyền không giải quyết hoặc "bó tay" như với nạn "cát tặc", khiến người dân bức xúc, phải "tự làm luật" "…bằng cách ném đá, chai thủy tinh lên những chiếc tàu hút cát ; đồng thời thay nhau túc trực để xua đuổi tàu hút cát ra khỏi khu vực sát mép sông. ("Không thể để người dân tự xử" (Báo điện tử Bình Phước)
Có những khi, vì uất ức, tuyệt vọng quá mức, người ta chỉ còn cách đem chính sinh mạng của mình ra "tự xử". Ðã có những vụ tự thiêu mà nguyên nhân sâu xa do cách làm ăn quan liêu, coi thường tính mạng, danh dự nhân phẩm người dân của nhà cầm quyền, hay do luật pháp bất công, xét xử oan sai.
Rồi những vụ nổi dậy làm xôn xao dư luận. Như vụ án cưỡng chế đất tại đầm Cống Rộc, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào đầu năm 2012, mà nhiều người vẫn so sánh với vụ án Ðồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Hai anh em nông dân Ðoàn Văn Vươn đã dùng súng hoa cải chống lại lực lượng cưỡng chế đất đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội, làm bị thương 2 công an và 4 người thuộc ngành quân đội.
Vụ thứ hai là anh Ðặng Ngọc Viết, năm 2013, xuất phát từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng không thỏa đáng của chính quyền địa phương, đã dùng súng bắn chết và bị thương 5 cán bộ của Trung Tâm Phát Triển Quỹ Ðất Thành phố Thái Bình, rồi tự sát sau đó vài giờ.
Hoặc vụ án Đồng Tâm mới đây-một tội ác dã man, tàn bạo của nhà cầm quyền Việt Nam gây chấn động dư luận, mà khởi đầu chỉ vì người dân Đồng Tâm đã dám đứng lên bảo vệ đất đai của mình.
Tất cả đều là "tự xử". Người dân, do tuyệt vọng với việc "đối thoại" với nhà cầm quyền, tuyệt vọng với sự chờ đợi và những bất công phi lý phải chịu đựng quá lâu nên họ phải đi đến quyết định tự hành động.
Trở lại vụ một nữ doanh nhân-đại gia livestream tố cáo một "thần y" là lang băm, lừa đảo, một danh hài lùm xùm tiền từ thiện…cũng là một hình thức "tự xử", dùng sức mạnh của mạng xã hội và dư luận để "hạ gục" những "thần tượng", lôi ra những mặt trái hay khui ra những vấn đề gây nghi vấn.
Lý giải điều này, nhiều nhà xã hội học, luật sư cho tới đại biểu Quốc hội cho rằng đó là do người dân mất niềm tin vào pháp luật, vào chính quyền ("Dân "tự xử" khi mất niềm tin vào hệ thống pháp luật", VOV, "Dân 'tự xử' vì mất niềm tin", VNExpress…)
Sâu xa hơn, những hành vi "tự xử" liên tục xảy ra, với mức độ bạo lực ngày càng cao chứng tỏ mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền và nhân dân ngày càng sâu sắc. Nó cũng nói lên sự bất lực của bộ máy khi không thể giải quyết được những yêu cầu chính đáng của người dân, nói lên bản chất của chế độ : sự quan liêu, xa rời dân, coi thường dân, không lắng nghe, thấu hiểu những nỗi bức xúc của dân.
Tóm lại : Một xã hội có quá nhiều hành vi dùng luật rừng để "tự xử" là một xã hội thụt lùi trở về thời kỳ mông muội, dã man, con người coi thường luật pháp, vì chính nhà nước này đã tự đặt mình, đặt đảng cầm quyền đứng cao hơn luật pháp.
Một xã hội có quá nhiều sự lệch lạc về tiêu chuẩn, giá trị, danh xưng, thầy không ra thầy, trò không ra trò, nghệ sĩ không ra nghệ sĩ, khán giả không ra khán giả v.v..thì cuối cùng con người không còn biết đâu là chuẩn mực nữa. Cả hai đều dẫn tới một hậu quả là cuối cùng con người không còn có niềm tin vào bất cứ ai, cho dù đó là một nhà giáo, một nghệ sĩ hay công an, tòa án, cũng không còn có lòng tin vào nhau.
Song Chi
Nguồn : RFA, 28/05/2021 (songchi's blog)
Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết là các dịch vụ tâm linh lại nở rộ hơn bao giờ hết, các chùa chiền đông nghịt khách đến thăm và đặc biệt là để dâng sao giải hạn. Chùa Phúc Khánh-Hà Nội là tiêu biểu với đợt rằm tháng Giêng lên đến 14 vạn người tham gia, họ đứng tràn ra cả đường và gây ách tắc giao thông. Ở Sài Gòn cũng tương tự, hàng nghìn người dân Thành phố Hồ Chí Minh chen nhau đội sớ cúng sao giải hạn trong ngày 12/02/2019 tại chùa Ngọc Hoàng, Quận 1.
Hàng ngàn người đội sớ cúng sao, giải hạn tại chùa Viên Giác ở quận Tân Bình dịp đầu năm - Ảnh minh họa
Năm nay đặc biệt có thêm một lễ hội kỳ quái xuất hiện đó là "nhổ lông lợn" để lấy may. Đây là một bước "phát triển vượt bậc" so với các lễ hội như chém lợn, chém trâu, đút tiền vào miệng Phật hay giành giật một sợi chiếu để sinh con trai…
Quan chức Việt Nam thì khỏi nói. Cứ sau Tết là xe công biển số xanh tấp nập chở quan chức và vợ con đi chùa khiến nhiều nơi tắc đường. Càng quan chức và có chút chức sắc thì càng mê tín và cầu cúng nhiều hơn hẳn người dân thường.
Vì sao lại có những chuyện như vậy ? Vì sao người Việt bỗng nhiên đặt nhiều hy vọng vào thế giới tâm linh như thế ?
Giáo sư Mạc Văn Trang có bài viết rất hay và đáng suy nghẫm trong dịp năm mới, đó là bài "Một xã hội kỳ lạ". Ông cho biết :
"Các quan chức nhà nước từ Chủ tịch, Thủ tướng trở xuống hầu hết đều đầu tư khá lớn để xây Đền thờ cho họ mình, nhà mình, lo lăng mộ cho mình thật hoành tráng ; nhiều người âm thầm "công đức", "cung tiến" vào đền, chùa… khá nhiều tiền của. Rồi họ tổ chức cúng lễ linh đình, cầu khẩn thần, phật khắp nơi … Có những quan chức có cả thầy tướng số, phong thủy thân cận để thường xuyên "tham vấn" mọi việc từ lớn đến nhỏ…" (1).
Trong khi đó theo chủ thuyết Mác-Lê nin thì "tôn giáo là thuốc độc ru ngủ quần chúng" vì thế phải tiêu diệt mọi tôn giáo. Người cộng sản ngày xưa phá chùa, phá nhà thờ và lên án bài trừ các hoạt động tâm linh thì nay chính họ là người tỏ ra sùng bái và tin tưởng nhất vào những thứ đó. Điều này nói lên rằng chủ nghĩa Mác-Lê nin đã hết thiêng. Không ai còn tin vào nó nữa vì vậy họ phải tìm đến thánh thần.
Có hai bức ảnh rất đặc biệt là bức ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng và "đệ tử" Trần Bắc Hà ngồi rúm ró phía sau hồi sang thăm ngôi chùa Mahabodhi nổi tiếng ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ và bức ảnh thứ hai là hình ảnh ông cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân Nguyễn Thị Hiền cũng đến thăm ngôi chùa đó hôm 2/3/2018. Hình ảnh ông Quang gục mặt vào bức tường chùa trông rất thành tâm nhưng rồi sự thành tâm đó cũng không giúp ông thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Ông Nguyễn Tấn Dũng và "đệ tử" Trần Bắc Hà ngồi rúm ró phía sau hồi sang thăm ngôi chùa Mahabodhi nổi tiếng ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ
Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân Nguyễn Thị Hiền cũng đến thăm ngôi chùa Mahabodhi hôm 2/3/2018
Kinh doanh tâm linh đang là một nghề phát đạt nhất ở Việt Nam hiện nay. Các ngôi chùa được gọi là "lớn nhất Việt Nam và thế giới" luôn bị phá kỷ lục. Chùa An Nam Quốc Tự phải nhường chỗ cho Bái Đính và rồi Bái Đính đã phải nhường chỗ cho chùa Ba Chúc. Người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng không tiếc tiền để cúng bái, giải hạn và xin xỏ thánh thần. Mỗi năm người Việt đốt khoảng 5.000 tỷ đồng tiền vàng mã và người ta đốt cả những thứ đặc biệt cho người chết như ô tô, xe máy, điện thoại di động, cả "chân dài" và ô-sin (2).
Ban đầu, đảng cộng sản "định hướng" cho người dân tin vào tâm linh là có lý do, họ muốn đổ hết trách nhiệm quản trị đất nước yếu kém của họ cho số phận. Ví dụ mỗi năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, thay vì nhận trách nhiệm thì Đảng cộng sản đổ thừa cho số… Trời. Đảng cùng với tổ chức Phật giáo quốc doanh thường xuyên làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân với sự tham gia của các cơ quan chính quyền và cả quan chức cao cấp của đảng (3).
Các lễ hội khắp đất nước được nâng cấp và phục hồi với việc quan chức Việt Nam thường xuyên đến thăm và thờ phụng khiến người dân tin và làm theo. Văn hóa bầy đàn và suy nghĩ "đến ông bà quan chức lãnh đạo cao cấp thế còn đến đây cúng bái thì chắc chùa phải thiêng lắm"… khiến người dân nô nức "học tập và làm theo". Ví dụ chùa Phúc Khánh, chỉ vì có chủ trì là ông sư Thích Thanh Quyết, cũng đồng thời là một quan chức của quốc hội nên có nhiều vị lãnh đạo đồng liêu đến cúng bái là chuyện đương nhiên, thế nhưng sự việc bình thường đó đã trở thành "thiêng liêng" trong con mắt người dân và thế là họ kéo đến đây để dâng sao giải hạn gây tắc cả đoạn đường xung quanh khu vực chùa. Chùa Ngọc Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhờ sự kiện ông Obama ghé thăm hồi tháng 5/2016 mà cũng trở thành địa điểm linh thiêng khi biển người đổ về đây cầu an.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì "sự cuồng tín được đẩy đi quá xa do các cơ sở tín ngưỡng đã lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi" (4). Theo ông thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho chuyện này. Theo tôi thì chưa đúng, vì trên Giáo hội còn Mặt trận tổ quốc và trên Mặt trận còn có sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối của đảng". Đừng quên rằng Giáo hội chỉ là một tổ chức ngoại vi của đảng, chịu sự quản lý và lãnh đạo của đảng. Sự thao túng của đảng vào nội bộ Giáo hội Phật giáo bằng cách o ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là điều mà ai cũng biết từ lâu.
Sự biến tướng của các lễ hội và sự cuồng tín của đám đông vào thánh thần không phải tự nhiên mà có. Đó là "sản phẩm" mà chính quyền tạo ra nhằm ru ngủ người dân và nhằm đổ hết mọi trách nhiệm và sự yếu kém của họ trong việc quản trị quốc gia cho thánh thần và số phận. Đám đông thì bị tâm lý bầy đàn chi phối và dẫn dắt. "Nhà dột từ nóc", quan làm sao thì dân làm vậy. Với người dân Việt Nam thì không khó để giải thích hiện tượng này vì văn hóa người Việt Nam quen với việc hối lộ và luồn lách để giải quyết các vấn đề của cá nhân. Việc thường xuyên phải hối lộ cho các công chức chính quyền mỗi khi đến "cửa quan" làm việc đã khiến cho văn hóa này "thăng hoa". Suy nghĩ "dương sao, âm vậy" làm cho người dân nghĩ rằng phải cúng bái, hối lộ cho thánh thần thì mới thành tâm và mới được phù hộ độ trì.
Trong Kinh Thánh có câu : "Người giàu đi vào nước trời khó như lạc đà chui qua lỗ kim" nhưng nay câu ấy không còn đúng với người giàu Việt Nam. Có lẽ "người giàu" và quan chức Việt Nam không còn tự tin vào bản thân và sức mạnh của đồng tiền nên đành chen nhau "chui qua lỗ kim" ?
Mọi tôn giáo đều hướng thiện và khuyên con người nên cư xử với nhau bình đẳng, bao dung, bác ái và nhân nhượng lẫn nhau vậy việc người Việt Nam tin vào tâm linh như vậy có khiến họ sống đúng với giáo huấn của nhà Phật hay không ? Có lẽ là không. Theo báo chí nhà nước thì mặc dù có giảm so với tết năm 2018, nhưng tết năm nay vẫn còn đến 6.000 người phải nhập viện do dùng nắm đấm "giải quyết mâu thuẫn".
Vì sao như vậy ? Theo tôi thì xã hội Việt Nam ngày nay đang đỗ vỡ nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực nhất là đổ vỡ về niềm tin và các giá trị đạo đức truyền thống. Các giá trị đạo đức theo "tiêu chuẩn cộng sản" (là làm bất cứ cái gì có lợi cho cách mạng) đã phá nát và làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống mà ông cha đã đúc kết từ hàng ngàn năm qua. Một xã hội tha hóa và đảo lộn mọi giá trị khiến người dân mất hết niềm tin nên phải tìm đến thánh thần để mong có một chỗ dựa dù mong manh và không có gì chắc chắn. Bản thân Đảng cộng sản cũng không còn niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin nên họ cũng phải tìm đến Trời Phật. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng không mấy ai tin vào con đường dân chủ hóa đất nước nên họ chỉ quanh quẩn trong việc "viết thư ngỏ" thay vì thành lập đội ngũ để tranh đấu một cách có bài bản và lớp lang…
Điều đáng nói là trí thức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng bế tắc và tuyệt vọng. Họ không biết làm gì để kéo dân tộc ra khỏi tình trạng này.
Tóm lại cả xã hội Việt Nam đang tuyệt vọng và mất niềm tin, cả người dân, đối lập lẫn chính quyền. Điều đáng nói là trí thức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng bế tắc và tuyệt vọng. Họ không biết làm gì để kéo dân tộc ra khỏi tình trạng này. Thay vì làm gương, cảnh báo và phân tích cho người dân để giúp họ nhận ra vấn đề thì thậm chí không ít người còn tiếp tay và hùa vào với chính quyền làm người dân đã u mê càng u mê hơn.
Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, một nhóm người vẫn có niềm tin vào tương lai Việt Nam, những người dám mơ ước về "giấc mơ Việt Nam" để rồi kiên nhẫn xây dựng một tổ chức dân chủ đối lập với một tư tưởng chính trị trong sáng và khả thi, xây dựng một đội ngũ nhân sự chính trị có đồng thuận và quyết tâm mang lại dân chủ cho Việt Nam như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có vẻ vẫn còn xa lạ và lạc lõng với quần chúng. Tuy nhiên làm chính trị là hò hẹn với tương lai nên chúng tôi vẫn có đủ niềm tin và nghị lực để đi đến cái đích sau cùng với sự kiên nhẫn và hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Việt Hoàng
(20/02/2019)
(1) https://www.thongluan.blog/2019/02/mot-xa-hoi-ky-la-mac-van-trang.html
(4) https://tuoitre.vn/chan-hung-van-hoa-di-chua-lam-sao-dep-nan-truc-loi-tam-linh-2019021808364236.htm