Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/02/2019

Đầu năm lại nói chuyện khủng hoảng niềm tin của người Việt

Việt Hoàng

Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết là các dịch vụ tâm linh lại nở rộ hơn bao giờ hết, các chùa chiền đông nghịt khách đến thăm và đặc biệt là để dâng sao giải hạn. Chùa Phúc Khánh-Hà Nội là tiêu biểu với đợt rằm tháng Giêng lên đến 14 vạn người tham gia, họ đứng tràn ra cả đường và gây ách tắc giao thông. Ở Sài Gòn cũng tương tự, hàng nghìn người dân Thành phố Hồ Chí Minh chen nhau đội sớ cúng sao giải hạn trong ngày 12/02/2019 tại chùa Ngọc Hoàng, Quận 1.

cung1

Hàng ngàn người đội sớ cúng sao, giải hạn tại chùa Viên Giác ở quận Tân Bình dịp đầu năm - Ảnh minh họa 

Năm nay đặc biệt có thêm một lễ hội kỳ quái xuất hiện đó là "nhổ lông lợn" để lấy may. Đây là một bước "phát triển vượt bậc" so với các lễ hội như chém lợn, chém trâu, đút tiền vào miệng Phật hay giành giật một sợi chiếu để sinh con trai…

Quan chức Việt Nam thì khỏi nói. Cứ sau Tết là xe công biển số xanh tấp nập chở quan chức và vợ con đi chùa khiến nhiều nơi tắc đường. Càng quan chức và có chút chức sắc thì càng mê tín và cầu cúng nhiều hơn hẳn người dân thường.

Vì sao lại có những chuyện như vậy ? Vì sao người Việt bỗng nhiên đặt nhiều hy vọng vào thế giới tâm linh như thế ?

Giáo sư Mạc Văn Trang có bài viết rất hay và đáng suy nghẫm trong dịp năm mới, đó là bài "Một xã hội kỳ lạ". Ông cho biết :

"Các quan chức nhà nước từ Chủ tịch, Thủ tướng trở xuống hầu hết đều đầu tư khá lớn để xây Đền thờ cho họ mình, nhà mình, lo lăng mộ cho mình thật hoành tráng ; nhiều người âm thầm "công đức", "cung tiến" vào đền, chùa… khá nhiều tiền của. Rồi họ tổ chức cúng lễ linh đình, cầu khẩn thần, phật khắp nơi … Có những quan chức có cả thầy tướng số, phong thủy thân cận để thường xuyên "tham vấn" mọi việc từ lớn đến nhỏ…" (1).

Trong khi đó theo chủ thuyết Mác-Lê nin thì "tôn giáo là thuốc độc ru ngủ quần chúng" vì thế phải tiêu diệt mọi tôn giáo. Người cộng sản ngày xưa phá chùa, phá nhà thờ và lên án bài trừ các hoạt động tâm linh thì nay chính họ là người tỏ ra sùng bái và tin tưởng nhất vào những thứ đó. Điều này nói lên rằng chủ nghĩa Mác-Lê nin đã hết thiêng. Không ai còn tin vào nó nữa vì vậy họ phải tìm đến thánh thần.

Có hai bức ảnh rất đặc biệt là bức ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng và "đệ tử" Trần Bắc Hà ngồi rúm ró phía sau hồi sang thăm ngôi chùa Mahabodhi nổi tiếng ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ và bức ảnh thứ hai là hình ảnh ông cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân Nguyễn Thị Hiền cũng đến thăm ngôi chùa đó hôm 2/3/2018. Hình ảnh ông Quang gục mặt vào bức tường chùa trông rất thành tâm nhưng rồi sự thành tâm đó cũng không giúp ông thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

cung2

Ông Nguyễn Tấn Dũng và "đệ tử" Trần Bắc Hà ngồi rúm ró phía sau hồi sang thăm ngôi chùa Mahabodhi nổi tiếng ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ

cung3

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân Nguyễn Thị Hiền cũng đến thăm ngôi chùa Mahabodhi hôm 2/3/2018

Kinh doanh tâm linh đang là một nghề phát đạt nhất ở Việt Nam hiện nay. Các ngôi chùa được gọi là "lớn nhất Việt Nam và thế giới" luôn bị phá kỷ lục. Chùa An Nam Quốc Tự phải nhường chỗ cho Bái Đính và rồi Bái Đính đã phải nhường chỗ cho chùa Ba Chúc. Người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng không tiếc tiền để cúng bái, giải hạn và xin xỏ thánh thần. Mỗi năm người Việt đốt khoảng 5.000 tỷ đồng tiền vàng mã và người ta đốt cả những thứ đặc biệt cho người chết như ô tô, xe máy, điện thoại di động, cả "chân dài" và ô-sin (2).

Ban đầu, đảng cộng sản "định hướng" cho người dân tin vào tâm linh là có lý do, họ muốn đổ hết trách nhiệm quản trị đất nước yếu kém của họ cho số phận. Ví dụ mỗi năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, thay vì nhận trách nhiệm thì Đảng cộng sản đổ thừa cho số… Trời. Đảng cùng với tổ chức Phật giáo quốc doanh thường xuyên làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân với sự tham gia của các cơ quan chính quyền và cả quan chức cao cấp của đảng (3).

Các lễ hội khắp đất nước được nâng cấp và phục hồi với việc quan chức Việt Nam thường xuyên đến thăm và thờ phụng khiến người dân tin và làm theo. Văn hóa bầy đàn và suy nghĩ "đến ông bà quan chức lãnh đạo cao cấp thế còn đến đây cúng bái thì chắc chùa phải thiêng lắm"… khiến người dân nô nức "học tập và làm theo". Ví dụ chùa Phúc Khánh, chỉ vì có chủ trì là ông sư Thích Thanh Quyết, cũng đồng thời là một quan chức của quốc hội nên có nhiều vị lãnh đạo đồng liêu đến cúng bái là chuyện đương nhiên, thế nhưng sự việc bình thường đó đã trở thành "thiêng liêng" trong con mắt người dân và thế là họ kéo đến đây để dâng sao giải hạn gây tắc cả đoạn đường xung quanh khu vực chùa. Chùa Ngọc Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhờ sự kiện ông Obama ghé thăm hồi tháng 5/2016 mà cũng trở thành địa điểm linh thiêng khi biển người đổ về đây cầu an.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì "sự cuồng tín được đẩy đi quá xa do các cơ sở tín ngưỡng đã lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi" (4). Theo ông thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho chuyện này. Theo tôi thì chưa đúng, vì trên Giáo hội còn Mặt trận tổ quốc và trên Mặt trận còn có sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối của đảng". Đừng quên rằng Giáo hội chỉ là một tổ chức ngoại vi của đảng, chịu sự quản lý và lãnh đạo của đảng. Sự thao túng của đảng vào nội bộ Giáo hội Phật giáo bằng cách o ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là điều mà ai cũng biết từ lâu.

Sự biến tướng của các lễ hội và sự cuồng tín của đám đông vào thánh thần không phải tự nhiên mà có. Đó là "sản phẩm" mà chính quyền tạo ra nhằm ru ngủ người dân và nhằm đổ hết mọi trách nhiệm và sự yếu kém của họ trong việc quản trị quốc gia cho thánh thần và số phận. Đám đông thì bị tâm lý bầy đàn chi phối và dẫn dắt. "Nhà dột từ nóc", quan làm sao thì dân làm vậy. Với người dân Việt Nam thì không khó để giải thích hiện tượng này vì văn hóa người Việt Nam quen với việc hối lộ và luồn lách để giải quyết các vấn đề của cá nhân. Việc thường xuyên phải hối lộ cho các công chức chính quyền mỗi khi đến "cửa quan" làm việc đã khiến cho văn hóa này "thăng hoa". Suy nghĩ "dương sao, âm vậy" làm cho người dân nghĩ rằng phải cúng bái, hối lộ cho thánh thần thì mới thành tâm và mới được phù hộ độ trì.

Trong Kinh Thánh có câu : "Người giàu đi vào nước trời khó như lạc đà chui qua lỗ kim" nhưng nay câu ấy không còn đúng với người giàu Việt Nam. Có lẽ "người giàu" và quan chức Việt Nam không còn tự tin vào bản thân và sức mạnh của đồng tiền nên đành chen nhau "chui qua lỗ kim" ?

Mọi tôn giáo đều hướng thiện và khuyên con người nên cư xử với nhau bình đẳng, bao dung, bác ái và nhân nhượng lẫn nhau vậy việc người Việt Nam tin vào tâm linh như vậy có khiến họ sống đúng với giáo huấn của nhà Phật hay không ? Có lẽ là không. Theo báo chí nhà nước thì mặc dù có giảm so với tết năm 2018, nhưng tết năm nay vẫn còn đến 6.000 người phải nhập viện do dùng nắm đấm "giải quyết mâu thuẫn".

Vì sao như vậy ? Theo tôi thì xã hội Việt Nam ngày nay đang đỗ vỡ nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực nhất là đổ vỡ về niềm tin và các giá trị đạo đức truyền thống. Các giá trị đạo đức theo "tiêu chuẩn cộng sản" (là làm bất cứ cái gì có lợi cho cách mạng) đã phá nát và làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống mà ông cha đã đúc kết từ hàng ngàn năm qua. Một xã hội tha hóa và đảo lộn mọi giá trị khiến người dân mất hết niềm tin nên phải tìm đến thánh thần để mong có một chỗ dựa dù mong manh và không có gì chắc chắn. Bản thân Đảng cộng sản cũng không còn niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin nên họ cũng phải tìm đến Trời Phật. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng không mấy ai tin vào con đường dân chủ hóa đất nước nên họ chỉ quanh quẩn trong việc "viết thư ngỏ" thay vì thành lập đội ngũ để tranh đấu một cách có bài bản và lớp lang…

tuyetvong1

Điều đáng nói là trí thức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng bế tắc và tuyệt vọng. Họ không biết làm gì để kéo dân tộc ra khỏi tình trạng này.

Tóm lại cả xã hội Việt Nam đang tuyệt vọng và mất niềm tin, cả người dân, đối lập lẫn chính quyền. Điều đáng nói là trí thức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng bế tắc và tuyệt vọng. Họ không biết làm gì để kéo dân tộc ra khỏi tình trạng này. Thay vì làm gương, cảnh báo và phân tích cho người dân để giúp họ nhận ra vấn đề thì thậm chí không ít người còn tiếp tay và hùa vào với chính quyền làm người dân đã u mê càng u mê hơn.

Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, một nhóm người vẫn có niềm tin vào tương lai Việt Nam, những người dám mơ ước về "giấc mơ Việt Nam" để rồi kiên nhẫn xây dựng một tổ chức dân chủ đối lập với một tư tưởng chính trị trong sáng và khả thi, xây dựng một đội ngũ nhân sự chính trị có đồng thuận và quyết tâm mang lại dân chủ cho Việt Nam như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có vẻ vẫn còn xa lạ và lạc lõng với quần chúng. Tuy nhiên làm chính trị là hò hẹn với tương lai nên chúng tôi vẫn có đủ niềm tin và nghị lực để đi đến cái đích sau cùng với sự kiên nhẫn và hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Việt Hoàng

(20/02/2019)

(1) https://www.thongluan.blog/2019/02/mot-xa-hoi-ky-la-mac-van-trang.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/dot-chan-dai-osin-cho-nguoi-am-cuong-tin-me-muoi-va-tham-lam-469080.html

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/to-chuc-dai-le-cau-sieu-cho-cac-nan-nhan-tu-vong-vi-tngt-vao-ram-thang-7-20180822201223597.htm

(4) https://tuoitre.vn/chan-hung-van-hoa-di-chua-lam-sao-dep-nan-truc-loi-tam-linh-2019021808364236.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)