Tuần này, Venezuela trở thành một trong những chủ đề được người Việt bàn tán rôm rả trên Internet. Sở dĩ công chúng tham gia bình luận sôi nổi về Venezuela là vì hệ thống công quyền Việt Nam từng tỏ ra hết sức tâm đắc với con đường mà Hugo Chavéz đã chọn và đó là lý do khiến quốc gia Nam Mỹ này vỡ nợ.
Tờ bạc Bolivar tiền Venezuela - Hình minh họa.
Tuy nhiên nếu chỉ nhìn Venezuela ở góc độ đó thì dường như là chưa thấu đáo…
***
Standard & Poor – tổ chức chuyên thu thập thông tin, xếp hạng về mức độ tín nhiệm nhận định Venezuela đã vỡ nợ bởi chính phủ Venezuela liên tục bội ước, không thanh toán vốn và lãi cho nhiều khoản vay đáo hạn. Standard & Poor ước đoán, tổng nợ mà Venezuela thiếu thiên hạ khoảng 150 tỉ Mỹ kim.
Tại sao Venezuela – quốc gia dẫn đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ và xuất cảng dầu lại có thể vỡ nợ ?
Đó là "công" của Hugo Chávez – người đặc biệt ái mộ Karl Marx, Vladimir Lenin và Mao Trạch Đông.
Năm 1999, sau khi trở thành tổng thống của Venezuela, Chávez tìm mọi cách để chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, biến Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" ở Nam Mỹ. Chavez làm tổng thống của Venezuela suốt 14 năm cho đến khi tắt thở (2013).
Sau 14 năm dựa vào dầu thô, vay mượn để đầu tư cho những dự án vô bổ, thiếu căn cơ, băm bổ lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Nợ nần (bao gồm cả vốn đã vay lẫn lãi) cao dần. Ba năm nay Venezuela luôn luôn dẫn đầu thế giới về lạm phát, dân chúng Venezuela chết dần, chết mòn vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Riêng năm 2016, có 11.000 trẻ sơ sinh uổng mạng vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, ¾ người lớn xác nhận trọng lượng của họ giảm 9 ký/năm. Cướp bóc xảy ra khắp nơi nhưng Nicolás Maduro – người được Hugo Chávez chỉ định làm người kế nhiệm để tiếp tục phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" tại Nam Mỹ - chỉ quan tâm tới việc đàn áp đối lập để duy trì sự lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" của mình.
***
Giữa bối cảnh chủ nghĩa cộng sản bị nhân loạt gạt bỏ, chính quyền cộng sản ở Liên Xô, các quốc gia Đông Âu sụp đổ, Hugo Chavéz trở thành cái phao cho chính quyền cộng sản ở Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên bám vào để biện bạch cho việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhằm xây dựng cho bằng được chủ nghĩa xã hội…
Giờ, khi Venezuela đã rơi xuống vực, nhiều người Việt dẫn lại những nhận định của giới lãnh đạo chính quyền cộng sản Việt Nam về việc xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" tại Venezuela ("Phong trào cách mạng ở Venezuela giành thắng lợi tốt đẹp, cho thấy nó như một điểm sáng, một niềm hy vọng cho phong trào cách mạng chủ nghĩa xã hội khắp thế giới, mang lại cho những người cộng sản trên khắp thế giới một nguồn sinh khí mới". "Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội tốt đẹp nhất dành cho loài người". "Dù có muôn vàn khó khăn nhưng chủ nghĩa xã hội sẽ luôn chiến thắng") kèm đề nghị giải thích… thêm.
Trong khi có những facebooker như Đô Thành Sài Gòn bỡn cợt : "Chúc mừng ‘đồng chí’ Venezuela chính thức bước tới ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa’. Ơn Đảng Cộng sản, ơn ‘bác’ Hugo Chavez" thì cũng có những facebooker như Quốc Vương âu lo : "Vài năm tới sẽ đến lượt Việt Nam thôi !". Những âu lo dạng đó bị một số facebooker như Joshep Trinh Thiên Phúc phản bác : Dựa vào đâu mà các bạn nghĩ Việt Nam sẽ như Venezuela ? Nghĩ như thế là… phản động ! Chúng ta vốn hơn hẳn nên phải vỡ nợ nhanh và nhiều hơn chứ làm sao bằng hoặc thua được !
***
Sự kiện Venezuela vỡ nợ khiến người ta liên tưởng ngay đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – doanh nghiệp nhà nước từng đem 1,8 tỉ Mỹ kim "đầu tư" vào Venezuela để khai thác dầu và giờ, tuy đã mất trắng 1,8 tỉ Mỹ kim đó nhưng ông Đinh La Thăng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN - chỉ cần gật đầu nhận lỗi, bước ra khỏi Bộ Chính trị là xong.
Việt Nam đâu chỉ có một tập đoàn, tổng công ty nhà nước như PVN. PVN đâu chỉ có một dự án đầu tư vào Venezuela. Cuối tháng rồi, Bộ Công Thương loan báo sắp hoàn tất việc "xem xét, xử lý" những tập thể và cá nhân đã được xác định là liên đới về trách nhiệm đối với 12 "đại dự án" của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trị giá 63.610 tỉ không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nợ nần. Cũng cuối tháng rồi, Tổng Kiểm toán Nhà nước, bật mí, con số "đại dự án" mất vốn, thua lỗ không còn là 12 mà "đã hơn 40" !
Tuy nhiên hình như công chúng Việt Nam chỉ mới ngậm ngùi cho dân chúng Venezuela đang chết dần, chết mòn bởi tất cả các thứ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều thiếu, phụ nữ - kể cả giáo viên - đổ sang các lân bang bán thân .để giúp thân nhân của mình tồn tại. Khi một quốc gia vỡ nợ thì sẽ không còn nơi nào để vay, không có nguồn đầu tư nào để giúp hồi phục. Không thể xuất cảng vì hàng hóa bị thu hồi để trừ nợ cũng chẳng có nhập cảng do thiên hạ không cho mua chịu. Khi một quốc gia vỡ nợ thì doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan. Chính phủ không còn tiền nên không thể cung cấp những dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông,… Khi một quốc gia vỡ nợ thì thường chính phủ sẽ xin thương lượng lại về các khoản nợ, các khoản lãi và chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo do các chủ nợ đặt ra. Giới lãnh đủ thua thiệt từ những điều kiện đó là dân.
Theo các thống kê, nguồn thu cho ngân khố của Việt Nam tiếp tục giảm, chi tiêu – đặc biệt là những khoản dùng để nuôi hệ thống công quyền tiếp tục tăng, các số liệu về nợ nần tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh và nhiều.
Không có nhiều facebooker nhìn vấn đề như Khanh Tran : Đừng bận tâm đến Venezuela. Hãy lo cho Việt Nam.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/11/2017