Lời giải thích từ những người trong cuộc trải dài từ sự thiếu hiểu biết đến ý thức hệ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc gặp với Tổng thống Tunisia Kais Saied (không có ảnh) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 31 tháng 5. Tingshu Wang / AFP
Nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động rất tồi tệ. Sự phục hồi hậu đại dịch yếu hơn và ngắn hơn nhiều so với dự đoán của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng chính thức đáng nể, nhưng đã giảm xuống còn 5,2% vào năm 2023, thực tế có thể chậm hơn nhiều, với một số nhà phân tích ước tính mức tăng trưởng không quá 1-2%. Một số chỉ số cho thấy sự cải thiện khiêm tốn trong vài tháng đầu năm 2024, nhưng nền kinh tế dường như vẫn đang chững lại, với tăng trưởng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Cùng với suy thoái kinh tế, niềm tin vào con đường tương lai của Trung Quốc đã sụp đổ, cả trong và ngoài nước. Dữ liệu định lượng rất rõ ràng, cho thấy sự sụt giảm đột ngột lòng tin của người tiêu dùng và nhà sản xuất vào mùa xuân năm 2022 sau khi Thượng Hải bị phong tỏa. Triển vọng tiêu dùng được cải thiện ngắn hạn khi các chính sách zero-Covid kết thúc vào cuối năm 2022 nhưng kể từ đó vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục. Các chỉ số kinh doanh nội địa khác nhau cho thấy sự phục hồi khiêm tốn trong giai đoạn gần đây, nhưng các con số vẫn còn kém xa so với mức cao lịch sử của chúng.
Dữ liệu này có thể đã đánh giá thấp mức độ lo lắng sâu rộng của người dân Trung Quốc về hiện tại và tương lai của đất nước – những lo ngại mà tôi đã trực tiếp nghe được trong chuyến nghiên cứu kéo dài vào mùa xuân này.
Ngoài nền kinh tế khó khăn và sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, một vấn đề đáng lo ngại khác là chính sách zero-Covid và sự kết thúc đầy hỗn loạn của chính sách đó, các cuộc tấn công kéo dài nhắm vào các công ty công nghệ tư nhân, sự tập trung cao độ vào vấn đề ý thực hệ, quá trình theo đuổi tự chủ công nghệ phi thực tế và căng thẳng gia tăng với phương Tây. Những lo ngại này dẫn đến nhu cầu tiêu dùng yếu, đầu tư kinh doanh bị hạn chế và xu hướng chuyển tài sản, đưa gia đình ra nước ngoài.
Một câu hỏi lặp đi lặp lại : Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc không làm nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế và phục hồi niềm tin ? Và khi nói đến giới lãnh đạo, nhiều người ngầm ám chỉ một người duy nhất, Tập Cận Bình. Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, sự chuyển đổi về quản trị quốc gia sang các cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc do ông kiểm soát và sự chú ý quá mức mà ông nhận được trên các phương tiện truyền thông chính thức khiến người dân Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) có ấn tượng rằng ông đang hoàn toàn nắm quyền ra quyết định.
Bắc Kinh không phải là không làm gì ; họ đã nới rộng tín dụng, đưa ra các kế hoạch đa điểm để trấn an khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, giảm bớt hạn chế việc mua căn nhà thứ hai và giảm bớt các giọng điệu "chiến lang". Nhưng phần lớn những người tôi gặp – vốn không phải là các nhà khoa học – không hề ấn tượng với những chính sách nêu trên, những bước đi này dường như vẫn quá ít và quá muộn màng.
Có bốn quan điểm thường được đưa ra về lý do tại sao Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác không tiến hành một cách tiếp cận khác, mà chúng ta có thể gọi là "Bốn Không" theo phong cách chính trị Trung Quốc. Thứ nhất là, "Ông ấy không biết". Một số người suy đoán rằng Tập Cận Bình đang bị che mắt về tình trạng tồi tệ của nền kinh tế bởi các cán bộ không muốn báo tin xấu cho ông vì sợ ông sẽ đổ lỗi cho họ. Do đó, họ chỉ cung cấp cho ông ấy những báo cáo tích cực, được tô vẽ.
Một nguồn tin cho biết họ nghe nói các quan chức cấp thấp tại Trung Nam Hải đã yêu cầu các nhà nghiên cứu bên ngoài chỉ nộp các báo cáo tích cực. Một người khác nói rằng các quan chức cấp cao kiểm soát luồng tài liệu đến Tập Cận Bình có liên quan đến bộ máy an ninh và tuyên truyền, vì vậy tài liệu đến tay của ông ấy phản ánh định kiến của họ. Nhưng những người khác mà tôi nói chuyện thì lại hoàn toàn không đồng ý rằng Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác không được thông tin đầy đủ. Một chuyên gia đã gửi nghiên cứu cho Đảng nói rằng họ được yêu cầu cung cấp các phân tích trung thực vì lãnh đạo muốn nhận được các quan điểm có tính tranh biện.
Quan điểm thứ hai là "ông ấy không biết phải làm gì", dựa trên giả định rằng Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác được thông tin đầy đủ nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Danh sách này rất dài – từ khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương phình to, tỷ lệ sinh giảm mạnh, bất bình đẳng gia tăng, bất mãn ở Hồng Kông đến căng thẳng gia tăng với phương Tây và hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc – và các giải pháp thì không hề đơn giản.
Hơn nữa, ban lãnh đạo hiện tại được cấu thành bởi "đội hình B", trong đó nhiều người có kinh nghiệm hạn chế trong chính quyền trung ương, và việc hoạch định chính sách đã trở nên tập trung cao độ vào Đảng cộng sản Trung Quốc đến mức sự phối hợp giữa các cấp lãnh đạo và giữa Bắc Kinh với các địa phương trở nên khó khăn hơn chứ không hề dễ dàng hơn.
Nhiều nguồn tin thân cận cho biết họ nghe nói rằng trong một số vấn đề, giới lãnh đạo đã có những cuộc tranh luận dài về cách giải quyết, trì hoãn các quyết định và việc triển khai các chính sách mới. Ví dụ, giới lãnh đạo dường như đã xác định thị trường chứng khoán yếu kém là một vấn đề vào mùa hè năm 2023, nhưng các giải pháp mới chỉ được triển khai vào đầu năm 2024, khi người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc bị thay thế. Điều thách thức hơn là việc tìm ra các cách giải quyết một vấn đề mà không làm trầm trọng thêm các vấn đề khác hoặc đưa ra một kế hoạch tổng thể tìm ra cách tiếp cận cân bằng.
Giải quyết mớ bòng bong bất động sản – và mất cân bằng trong nền kinh tế – có thể là ví dụ điển hình, cho thấy rõ ràng để tìm ra một con đường chính sách có hiệu quả điều hướng các lợi ích xung đột giữa tất cả các bên liên quan khó khăn như thế nào, bao gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các nhà phát triển, người mua nhà, các tổ chức tài chính và các lĩnh vực kinh tế khác. Tương tự như vậy, Hội nghị Trung ương 3 được cho là đã bị hoãn từ tháng 1 năm 2024 sang mùa hè do thiếu sự đồng thuận.
Một số nguồn tin nhấn mạnh đến sự suy giảm chất lượng điều hành của các quan chức hàng đầu, và so sánh một cách tiêu cực Thủ tướng Lý Cường với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường, người đã qua đời đột ngột vào mùa thu năm ngoái. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Hà Lập Phong, được cho là kém năng lực hơn người tiền nhiệm Lưu Hạc.
Kịch bản thứ ba, "Ông ấy không quan tâm", bắt nguồn từ giả thuyết rằng ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình là củng cố sự độc quyền nắm giữ quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc và sự thống trị chính trị cá nhân của ông. Mặc dù truyền thông cho thấy ông ấy đang thăm các nhà máy và tổ chức các phiên thảo luận về các thách thức kinh tế khác nhau, nhưng lịch trình hàng ngày của ông ấy có thể bị chi phối bởi việc quản lý các vấn đề an ninh và chính trị, bao gồm các quyết định về nhân sự, chứ không phải nền kinh tế.
Đây là kịch bản không được tán thành nhiều nhất bởi những người Trung Quốc mà tôi khảo sát, nhưng số ít người ủng hộ nó lại tin tưởng mãnh liệt vào kịch bản này. Quan điểm cốt lõi của họ là Tập Cận Bình dường như sẵn sàng hy sinh nền kinh tế vì chủ nghĩa dân tộc và sự thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Hơn nữa, Tập Cận Bình không đơn độc ; ông được chọn làm người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, như người ta nói, "để không trở thành Mikhail Gorbachev", chứ không phải để thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Điều đáng nói là những người ủng hộ quan điểm này thường lớn tuổi hơn (trên 60 tuổi) ; họ nhấn mạnh những điểm tương đồng rõ ràng trong tính cách của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông, và sự quan tâm chung ở cả hai giai đoạn về sự trong sạch ý thức hệ cũng như đấu tranh giai cấp, dẫn đến căng thẳng đáng kể trong xã hội và giới tinh hoa.
Câu trả lời cuối cùng, "Ông ấy không đồng ý", cho rằng vấn đề không phải là Tập Cận Bình thiếu thông tin, thiếu quyết đoán và năng lực, hay thiếu quan tâm mà là ông và các cộng sự không đồng ý với những lời chỉ trích cho rằng đường lối chính sách hiện tại là không chính xác và không đáp ứng được thách thức. Thực tế, quan điểm của giới lãnh đạo có thể là bởi vì Trung Quốc mất quyền tiếp cận đáng tin cậy với công nghệ, thị trường và tài chính phương Tây, nên Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ưu tiên phát triển công nghệ trong nước và đạt được càng nhiều lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu càng tốt.
Quan trọng hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể chỉ ra một số bằng chứng cho thấy kế hoạch của họ đang hiệu quả – sự thống trị trong lĩnh vực xe điện và pin, hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, máy bay phản lực thương mại C919, một loạt các nền tảng internet rất phổ biến, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, v.v.
Phần lớn những người cung cấp thông tin chọn quan điểm cuối cùng này. Họ tin rằng Tập Cận Bình có quan điểm mạnh mẽ về tầm quan trọng cốt yếu của việc kiểm soát các công nghệ tiên tiến, phục vụ cho cả nhu cầu kinh tế và chiến lược của Trung Quốc, và đang kiên quyết thực hiện tầm nhìn này. Do đó, chiến lược đầu tư đã chuyển dịch từ bất động sản sang sản xuất tiên tiến và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, Đảng cộng sản đối với các công nghệ mới nổi có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa củng cố an ninh quốc gia. Trong khi một số người được hỏi nêu những lý do liên quan tới sự thiếu hiểu biết, yếu kém về mặt năng lực hoặc sự không quan tâm, đa số người được hỏi lại nhận thấy sự rõ ràng trong xác định mục tiêu và tính quyết đoán của lãnh đạo.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lựa chọn "Ông ấy không đồng ý" lại chia thành hai phe. Hầu hết những người chọn lựa chọn này tin rằng lãnh đạo Trung Quốc đã phạm sai lầm chiến lược khi đi theo hướng ưu tiên tập trung hóa cao độ với chính sách phát triển công nghiệp ồ ạt và đặt cược quá nhiều vào việc kiểm soát các công nghệ của tương lai. Theo quan điểm này, việc quay lưng với tự do hóa và không đủ chú ý đến kinh tế hộ gia đình và tiêu dùng đồng nghĩa với năng suất thấp hơn, nợ cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và hơn nữa là căng thẳng gia tăng với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Một nhóm nhỏ hơn ủng hộ lựa chọn này lại có phản ứng ngược lại. Thực tế, họ đồng ý với cách tiếp cận của lãnh đạo Trung Quốc và tin rằng những người chỉ trích là những người theo chủ nghĩa tân tự do phản đối một nhà nước tích cực theo bản năng và bỏ qua những dấu hiệu chính của tiến bộ công nghệ một cách không công bằng. Có lẽ không ngạc nhiên, một số người (mặc dù không phải tất cả) trong nhóm thứ hai này mà tôi biết đến đều làm việc trong các tổ chức nghiên cứu của chính phủ.
Những niềm tin này rất quan trọng. Nếu một trong hai lựa chọn đầu tiên – "Ông ấy không biết" hoặc "Ông ấy không biết phải làm gì" – là chính xác, thì con đường hiện tại là kết quả của những sai lầm không chủ ý, và tất cả những gì cần thiết để tạo ra sự thay đổi là cung cấp cho ban lãnh đạo thông tin tốt hơn và các kế hoạch hiệu quả hơn để giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước. Cách nhìn nhận vấn đề này từ bên ngoài Trung Quốc cũng quyết định cách tiếp cận của Trung Quốc về các vấn đề khác. Nó sẽ củng cố quan niệm của một số quan chức ở Washington rằng điều quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden là phải có các cuộc đối thoại trực tiếp với Tập Cận Bình để đảm bảo ông ấy hiểu chính xác về chính sách đối ngoại của Mỹ về các vấn đề như Ukraine và Đài Loan.
Nhưng nếu Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác không quan tâm đến nền kinh tế hoặc không đồng ý với những lời chỉ trích, thì quỹ đạo hiện tại là kết quả của một kế hoạch có chủ ý, và các dữ liệu và báo cáo chính sách mới với các chiến lược thay thế sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.
Rất có thể giới lãnh đạo sẽ chứng minh những người chỉ trích là sai lầm, nhưng nếu họ không làm vậy, thì có hai nguồn thay đổi tiềm năng. Đầu tiên sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn tạo ra sự thay đổi về mặt chính trị : Giới lãnh đạo hiện tại có thể nhận ra những sai lầm của mình và thay đổi cách tiếp cận, một nhóm tinh hoa khác có thể tập hợp và thay thế nhóm hiện tại, hoặc, ít có khả năng xảy ra nhất, công chúng có thể nổi dậy phản đối và cố gắng lật đổ hoàn toàn Đảng cộng sản Trung Quốc. Mặc dù có thể có nhiều thứ đang diễn ra ngầm bên dưới bề mặt mà người ngoài không thể nhìn thấy, nhưng không có kịch bản nào trong số này có vẻ khả thi trong ngắn hạn và trung hạn.
Nguồn thay đổi thứ hai sẽ là việc giới lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với một môi trường quốc tế ôn hòa hơn nhiều, nơi Mỹ và phương Tây nói chung, đưa ra những đảm bảo đáng tin cậy rằng họ trở lại thành một nhà cung cấp đáng tin cậy về công nghệ, thị trường và tài chính ; vô điều kiện công nhận tính hợp pháp của hệ thống độc tài của Đảng cộng sản Trung Quốc ; và chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Đài Loan. Nhưng khả năng thay đổi này xảy ra thậm chí còn nhỏ hơn bất kỳ kịch bản nào do nội bộ Trung Quốc thúc đẩy.
Một lý do khiến phương Tây khó có khả năng trở nên hợp tác hơn là vì các giám đốc điều hành và quan chức nước ngoài, khi được khảo sát ở cả trong và ngoài Trung Quốc, thường chọn "Ông ấy không đồng ý". Từ góc nhìn của các phòng họp và thủ đô nước ngoài, Tập Cận Bình dường như nắm toàn quyền kiểm soát chính trị và quyết tâm tiến tới chiến lược này, với bất kỳ điều chỉnh nào cũng chỉ là những thay đổi chiến thuật nhỏ để xoa dịu một cách tối thiểu các tiếng nói chỉ trích trong và ngoài nước. Do đó, họ tin rằng mình cần phải kiên định hơn, chứ không phải kém kiên định hơn trong việc bảo vệ lập trường của mình.
Mặc dù không mang tính khoa học, cuộc khảo sát không chính thức này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa một phần xã hội Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ cũng như giữa Bắc Kinh và các thủ đô khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là sẽ có rất ít cơ hội cho các hành động mới táo bạo – nhưng những mâu thuẫn giữa lãnh đạo và các quan điểm đối lập trong nước và quốc tế báo trước những căng thẳng và xung đột gay gắt hơn sắp tới.
Scott Kennedy là cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy thác về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Scott Kennedy
Nguyên tác : "Why Is Xi Not Fixing China’s Economy ?", Foreign Policy, 30/05/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/06/2024
Những tháng vừa qua là giai đoạn kinh tế khó khăn nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ khi cuộc cải cách sâu rộng của Đặng Tiểu Bình bắt đầu vào những năm 1990. Năm ngoái nước này ghi nhận mức tăng trưởng 5%, nhưng những trụ cột của phép màu kinh tế mấy thập niên nay đang lung lay. Lực lượng lao động nổi tiếng cần cù của nước này đang bị thu hẹp, cuộc bùng nổ bất động sản điên cuồng nhất trong lịch sử đã đi sang sườn bên kia, và hệ thống thương mại tự do toàn cầu mà Trung Quốc từng dựa vào để làm giàu đang tan rã. Như chúng tôi từng đưa tin, phản ứng của chủ tịch Tập Cận Bình là đẩy mạnh một kế hoạch táo bạo nhằm tái thiết nền kinh tế Trung Quốc. Pha trộn giữa chủ nghĩa công nghệ-không tưởng, kế hoạch hóa tập trung, và nỗi ám ảnh về an ninh, chương trình của ông Tập đặt ra tham vọng Trung Quốc thống trị các ngành công nghiệp tương lai. Nhưng những mâu thuẫn nội tại của gói chính sách sẽ chỉ làm cho người dân Trung Quốc thất vọng và chọc tức phần còn lại của thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một mình trên nền đỏ đậm, chuẩn bị nhấn nút để khởi động một kế hoạch táo bạo nhằm tái thiết nền kinh tế Trung Quốc…
So với 12 tháng trước, tâm trạng ở Trung Quốc thật ảm đạm. Mặc dù sản xuất công nghiệp có khởi sắc trong tháng 3, người tiêu dùng vẫn chán nản, giảm phát rình rập, và nhiều doanh nhân vỡ mộng. Đằng sau nỗi u ám bề mặt là những lo ngại sâu sắc hơn về sự dễ tổn thương của Trung Quốc. Người ta dự đoán nước này sẽ mất 20% lực lượng lao động vào năm 2050. Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản, vốn chiếm 1/5 GDP, sẽ mất nhiều năm để giải quyết. Nó sẽ gây tổn hại cho các chính quyền địa phương vốn phải dựa vào việc bán đất để có doanh thu ngân sách và bất động sản để tăng trưởng. Mối quan hệ với Mỹ đang ổn định hơn, như cuộc điện đàm giữa ông Tập và tổng thống Joe Biden trong tuần này đã cho thấy. Nhưng nó cũng rất mong manh. Các quan chức Trung Quốc tin chắc rằng Mỹ sẽ hạn chế thêm hàng nhập khẩu của Trung Quốc và trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc hơn, bất kể ai giành được Nhà Trắng vào tháng 11.
Phản ứng của Trung Quốc là một chiến lược được xây dựng dựa trên cái mà các quan chức gọi là "lực lượng sản xuất mới". Lựa chọn này tránh con đường thông thường là kích thích tiêu dùng lớn để phục hồi kinh tế (mà "phương Tây suy đồi" hay sử dụng). Thay vào đó, ông Tập muốn quyền lực nhà nước thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến, từ đó tạo ra việc làm năng suất cao, giúp Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp, và bảo đảm an ninh trước Mỹ. Trung Quốc sẽ bỏ qua thép và các tòa nhà chọc trời để đi thẳng đến kỷ nguyên vàng của sản xuất hàng loạt ô tô điện, pin, sản xuất sinh học, và "nền kinh tế bay tầm thấp" dựa trên máy bay không người lái.
Phạm vi của kế hoạch này thật ngoạn mục. Chúng tôi ước tính khoản đầu tư hàng năm vào "lực lượng sản xuất mới" đã đạt 1,6 nghìn tỷ USD – tức 1/5 tổng vốn đầu tư và gấp đôi so với 5 năm trước theo danh nghĩa. Con số này tương đương với 43% tổng vốn đầu tư kinh doanh ở Mỹ vào năm 2023. Công suất nhà máy ở một số ngành có thể tăng hơn 75% vào năm 2030. Một vài trong số này sẽ được thực hiện bởi các công ty đẳng cấp thế giới mong muốn tạo ra giá trị, nhưng phần lớn sẽ được thúc đẩy bằng trợ cấp và sự chỉ đạo ngầm hoặc rõ ràng của nhà nước. Các công ty nước ngoài đều được chào đón, dù nhiều công ty từng bị thiệt hại ở Trung Quốc. Mục đích cuối cùng của ông Tập là đảo ngược cán cân quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc không chỉ thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây mà còn kiểm soát phần lớn tài sản trí tuệ quan trọng trong các ngành công nghiệp mới và cứ thế tính tiền phí sử dụng. Các công ty đa quốc gia sẽ đến Trung Quốc để học chứ không phải để dạy.
Nhưng kế hoạch của ông Tập về cơ bản là sai lầm. Một lỗ hổng là nó không nhắc gì tới người tiêu dùng. Mặc dù chi tiêu của họ lấn át tài sản và lực lượng sản xuất mới, nó chỉ chiếm 37% GDP, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn toàn cầu. Để khôi phục niềm tin giữa khủng hoảng bất động sản và từ đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, cần phải có biện pháp kích thích. Để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm ít đi đòi hỏi một hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cũng như những cải cách nhằm mở rộng dịch vụ công cho tất cả người di cư thành thị. Việc ông Tập miễn cưỡng chấp nhận điều này phản ánh tư duy khắc khổ của ông. Ông ghét ý tưởng giải cứu các công ty đầu cơ bất động sản hoặc phát tiền cho người dân. Năm ngoái ông từng nói người trẻ nên bớt được chiều chuộng và sẵn sàng "ăn đắng".
Một nhược điểm khác là nhu cầu trong nước yếu đồng nghĩa với việc một số sản phẩm mới sẽ phải xuất khẩu. Đáng tiếc là thế giới đã không còn ở trong giai đoạn thương mại tự do của những năm 2000 – một phần do chủ nghĩa trọng thương của chính Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ chặn hàng nhập khẩu tiên tiến từ Trung Quốc, hoặc những sản phẩm do các công ty Trung Quốc sản xuất ở nơi khác. Châu Âu đang hoảng loạn trước việc xe điện Trung Quốc quét sạch các nhà sản xuất ô tô nội địa. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước phương Nam. Nhưng nếu sự phát triển công nghiệp của các nước mới nổi bị suy yếu bởi "cú sốc Trung Quốc" mới, thì chính họ cũng sẽ trở nên cảnh giác hơn. Trung Quốc chiếm 31% sản xuất toàn cầu. Trong thời đại bảo hộ, con số đó có thể tăng thêm bao nhiêu ?
Khuyết điểm cuối cùng là quan điểm thiếu thực tế của ông Tập về giới doanh nhân, những động lực tăng trưởng của Trung Quốc 30 năm qua. Đầu tư vào các ngành được ưu đãi về mặt chính trị đang tăng vọt, nhưng cơ chế chấp nhận rủi ro cơ bản của chủ nghĩa tư bản đã bị tổn hại. Nhiều ông chủ phàn nàn về việc ban hành quy định khó lường của ông Tập và lo sợ bị thanh trừng hoặc thậm chí bị bắt. Định giá tương đối của thị trường chứng khoán đang ở mức thấp nhất trong 25 năm ; các công ty nước ngoài cảnh giác ; xuất hiện hiện tượng tháo vốn và các ông trùm tài chính đang di cư khỏi Trung Quốc. Trừ khi các doanh nhân được cởi trói, đổi mới sẽ bị ảnh hưởng và nguồn lực sẽ bị lãng phí.
Trung Quốc có thể trở nên giống Nhật Bản của những năm 1990, bị mắc kẹt bởi giảm phát và khủng hoảng bất động sản. Tệ hơn nữa, mô hình tăng trưởng lệch lạc của họ có thể phá hủy thương mại quốc tế, từ đó khiến căng thẳng địa chính trị càng leo thang. Mỹ và các đồng minh không nên vui mừng với kịch bản đó. Nếu Trung Quốc trì trệ và bất mãn, nước này có thể còn hiếu chiến hơn cả khi đang thịnh vượng.
Nếu những sai sót này là hiển nhiên, tại sao Trung Quốc lại không thay đổi hướng đi ? Một lý do là ông Tập không lắng nghe. Trong gần 30 năm qua, Trung Quốc đã cởi mở với quan điểm bên ngoài về cải cách kinh tế. Các nhà kỹ trị của nước này nghiên cứu các phương pháp thực hành tốt nhất trên toàn cầu và hoan nghênh tranh luận. Dưới sự cai trị tập trung hóa của ông Tập, các chuyên gia kinh tế đã bị gạt ra ngoài lề và những phản hồi mà các nhà lãnh đạo từng nhận được giờ chỉ còn là lời tâng bốc. Một lý do nữa là ông Tập đặt an ninh quốc gia lên trên thịnh vượng kinh tế. Trung Quốc phải chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sắp tới với Mỹ, ngay cả khi phải trả giá. Đó là một sự thay đổi sâu sắc so với những năm 1990, và những tác động xấu của nó sẽ được cảm nhận rõ ràng ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới./.
The Economist
Nguyên tác : "Xi Jinping’s misguided plan to escape economic stagnation" The Economist, 04/04/2024.
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/04/2024
***********************
Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Quốc
Minh Anh, RFI, 10/04/2024
Cơ quan xếp hạng Fitch hôm 10/04/2024, thông báo hạ mức đánh giá triển vọng tín nhiệm Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do có những rủi ro ngày càng lớn cho các nguồn tài chính công của nước này. Trung Quốc ngay lập tức đã có phản ứng.
Logo của Cơ quan xếp hạng Fitch tại New York, Mỹ. Reuters/Alessandro Garofalo
AFP trích dẫn thông cáo từ cơ quan xếp hạng Fitch, nêu rõ việc xét lại những triển vọng này phản ảnh "những rủi ro ngày càng tăng đang đè nặng lên nền tài chính công của Trung Quốc", vào lúc nước này đang đối mặt với nhiều triển vọng kinh tế được cho là "bất định" hơn.
Cơ quan này lo ngại rằng thâm hụt ngân sách đáng kể, mức tăng nợ công trong những năm qua đã làm "xói mòn" nguồn dự trữ ngân sách. Theo dự phóng của Fitch, các chính sách thuế khóa của Bắc Kinh có thể sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vốn dĩ đang trong tình trạng trì trệ, trong nhiều năm tới, dẫn đến nguy cơ duy trì xu hướng tăng nợ đều đặn.
Dù vậy, Fitch vẫn khẳng định duy trì mức hạng A+ cho tín nhiệm của Trung Quốc. Một quyết định mà cơ quan này cho rằng, phản ảnh "nền kinh tế lớn và đa dạng của Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng GDP vững mạnh so với các nước đối tác, vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh trong nền thương mại toàn cầu, nguồn tài chính bên ngoài dồi dào cũng như là quy chế tiền tệ dự trữ của nhân dân tệ".
Bộ Tài chính Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng, và "lấy làm tiếc" về quyết định trên của Fitch. Trong thông cáo, Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng "kết quả này cho thấy hệ thống chỉ số về phương pháp xếp hạng tín nhiệm quốc gia đã không phản ảnh được một cách có hiệu quả và chủ động các nỗ lực mà Bắc Kinh triển khai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Minh Anh
Tăng trưởng chậm tại và khủng hoảng địa ốc kéo dài khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục giảm lãi suất, "bơm thêm" thanh khoản để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Những biện pháp "truyền thống" dường như chưa đủ mạnh. Bắc Kinh cân nhắc sử dụng đến "công cụ tiền tệ cuối cùng" để cứu vãn tình hình.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Reuters - Florence Lo
"Mua lại công trái phiếu" của chính phủ là gì ? Hiệu quả đến đâu và tại sao giới trong ngành thận trọng với "công cụ tiền tệ này" ngay cả khi đã được chủ tịch Trung Quốc đã gợi ý ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia về tiền tệ và ngân hàng, Victor Lequillerier, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris, trả lời các câu hỏi trên.
Nhật báo Hồng Kông ngày 28/03/2024 nhắc lại tuyên bố từ tháng 10/2023 của ông Tập Cận Bình là "cần sử dụng triệt để hơn và mở rộng các công cụ tiền tệ", đã đến lúc "Ngân hàng Trung ương từng bước mở rộng các khoản giao dịch công trái phiếu trên thị trường mở". Từ đó đến nay, chỉ thị này vẫn chưa được chấp hành. Thống đốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) vẫn chưa mua vào công trái của chính phủ. Nhưng theo giới quan sát đấy chỉ là vấn đề thời gian, bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn để phải tính đến giải pháp đã "không được sử dụng từ hơn 20 năm qua".
Thiếu thanh khoản hay khối lượng tiền lưu hành tăng không đủ nhanh ?
Trên đài RFI Việt ngữ, Victor Lequillerier ngạc nhiên về đề nghị của ông Tập Cận Bình đòi Ngân hàng Trung ương sử dụng một công cụ "gây nhiều tranh cãi" trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Nhưng trước hết, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris phân tích vì sao báo chí Trung Quốc nhắc lại gợi ý của ông Tập từ mùa thu 2023.
Victor Lequillirier : "Phải đặt lại bối cảnh tuyên bố này. Thực ra đề xuất đã được ông Tập Cận Bình nêu lên từ hồi tháng 2023 nhưng từ đó đến nay Ngân hàng Trung ương không tỏ ra mặn mà. Vả lại, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại có vẻ khả quan hơn. Tháng 10 năm ngoái, tăng trưởng bị chựng lại ; Trung Quốc bị đặt trước nguy cơ bị giảm phát ; đầu tư tăng rất chậm và đó cũng là thời điểm người ta hoài nghi về khả năng thanh toán và khả năng đi vay thêm tín dụng của một số chính quyền cấp tỉnh, cấp địa phương. Sau khóa họp Quốc Hội vào tháng 3/2024 Bắc Kinh đề ra mục tiêu 5 % tăng trưởng cho năm nay. Mục tiêu đó chỉ đạt được nếu như chính quyền trung ương tăng ngân sách chi tiêu để kích cầu (…).
Sở dĩ giờ đây báo chí Trung Quốc nhắc lại tuyên bố này của ông Tập, có lẽ công luận thực sự lo ngại là tình trạng tài chính của nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang xấu đi và vì nên vậy phải kết hợp cùng lúc hai công cụ để vực dậy kinh tế. Nghĩa là vừa phải tăng ngân sách vừa phải nới rộng các chính sách tiền tệ và phải tích cực hơn trong nỗ lực vận dụng cả hai công cụ này".
Nhưng về cơ bản "mua lại công trái phiếu là gì" và trong trường hợp của Trung Quốc, giải pháp đó có hiệu quả hay không ?
Victor Lequillerier : "Áp dụng biện pháp đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp để thúc đẩy kinh tế. Ngân hàng Trung ương không bơm thêm tiền để làm tăng mức nợ công của nhà nước hay của các chính quyền địa phương. Định chế này chỉ mua lại công trái phiếu nhà nước phát hành và có thể là chúng đang do các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư … hay các chính quyền địa phương nắm giữ.
Trong trường hợp của Trung Quốc có nghĩa là chính sách tiền tệ sẽ có hiệu quả lớn hơn, một khi mà những ai đang nắm giữ công trái phiếu được bảo đảm rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, chúng cũng có thể được hoán chuyển thành tiền mặt. Điều đó có nghĩa là lãi suất chỉ đạo ngân hàng sẽ lại càng được giảm xuống, qua đó những lãi suất tín dụng khác cũng giảm xuống theo …. Câu đặt ra là liệu rằng biện pháp mua lại công trái phiếu có thích hợp với trường hợp của Trung Quốc hiện nay hay không ? Tôi nghĩ là không : bởi vì Ngân hàng Trung ương vẫn còn nhiều công cụ có thể sử dụng được trước khi cần phải mua lại công trái phiếu".
Chưa cần đến giải pháp cuối cùng
Mua lại công trái phiếu cho phép nới lỏng định lượng ngân hàng, qua đó giảm lợi suất trái phiếu và kích thích kinh tế nhưng đối với Trung Quốc, thì thứ nhất là lãi suất đã được giữ ở mức thấp và thứ hai là như chuyên gia về tài chính ngân hàng của Pháp Victor Lequillerier vừa giải thích Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn còn nhiều lá chủ bài trong tay trước khi phải sử dụng đến đòn mua lại công trái phiếu như ông Tập Cận Bình đề xướng. Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics cho rằng trước mắt Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chưa sử dụng hết tất cả những công cụ có sẵn trong tay :
Victor Lequillerier : "Những công cụ đó thông thường là các loại lãi suất ngân hàng, với một vài nét hơi đặc biệt của Trung Quốc. Tôi muốn nói đến lãi suất LPR, tức là lãi suất cho vay cơ bản. Ở Trung Quốc LPR có thời hạn 5 năm được xem là một lãi suất để tham khảo và từ đó ấn định lãi suất thế chấp trên thị trường. Ngoài ra còn có những công cụ tài chính khác như các khoản giao dịch Repo và Reverse Repo để những ai đang nắm giữ cổ phiếu hoặc công trái phiếu dễ dàng bán đi với cam kết là sẽ mua lại chúng trong một thời hạn nhất định với giá cao hơn so với giá đã bán ra ban đầu. Biện pháp này cho phép nhanh chóng huy động tiền mặt.
Công cụ thứ ba là lãi suất cho vay trung hạn MLF. Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương vừa có thể điều chỉnh các loại lãi suất ngân hàng như đã nói, vừa có thể điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Hạ thấp khoản dự trữ bắt buộc cho phép ngân hàng dễ dàng mở van tín dụng, cấp thêm vốn cho tư nhân, cho các chính quyền địa phương để thúc đẩy kinh tế. Vậy tại sao lại phải sử dụng đến chính sách "mua lại công trái phiếu" ? Trên nguyên tắc, mua lại công trái phiếu là liều thuốc sau cùng, khi "đã hết thuốc chữa". Tuy nhiên tình trạng của Trung Quốc không tuyệt vọng đến như vậy bởi vì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục hạ lãi suất để kích cầu".
Coi chừng lợi bất cập hại
Đề xuất của ông Tập Cận Bình là con dao hai lưỡi. Một mặt biện pháp này cho phép kích cầu nhờ lãi suất chỉ đạo ngân hàng được hạ xuống thấp. Mặt khác, lãi suất thấp cũng có nhiều bất lợi cho Trung Quốc nhất là khi mà suất ngân hàng ở Mỹ, Châu Âu đang tăng lên cao. Đồng nhân dân tệ bị mất giá và vốn đầu tư ngoại quốc có khuynh hướng "chạy" sang nơi khác với hy vọng kiếm lời cao hơn.
Ngoài ra Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thận trọng với giải pháp của ông Tập Cận Bình do biện pháp mua vào công trái phiếu sẽ thổi nên những quả bóng đầu cơ khác và đó là điều Ngân hàng Trung ương không muốn xảy ra.
Câu hỏi cuối cùng : giải pháp huy động Ngân hàng Trung ương mua lại công trái phiếu có cho phép kích thích tăng trưởng của Trung Quốc và ngăn chận hiện tượng chảy máu đầu tư trực tiếp nước ngoài khỏi Hoa Lục hay không ?
Victor Lequillerier : "Ở đây có hai vấn đề : quyết định của ông Tập là nhằm tăng cường mọi khả năng để hạ lãi suất ngân hàng và bảo đảm rằng mọi tác nhân trong chuỗi kinh tế của Trung Quốc không sợ bị thiếu thanh khoản, bởi đã có Ngân hàng Trung ương đứng ra bảo đảm. Hệ quả kèm theo là các chính quyền địa phương có thể huy động thêm vốn để tiếp tục tài trợ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cần thiết, họ được trung ương, qua vai trò của Ngân hàng Trung ương cung cấp tiền mặt. Nói cách khác các cấp tỉnh, cấp vùng có phương tiện để đạt mục tiêu tăng trưởng 5 % như trung ương đã đề ra. Nhưng bên cạnh đó biện pháp này không giúp giải quyết vấn đề Trung Quốc đang để thất thoát đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Lục giảm mạnh là do những chính sách kinh tế của Bắc Kinh, do môi trường cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp ngoại quốc... Thành thử biện pháp mua vào công trái phiếu không giúp Bắc Kinh đảo ngược thế cờ và lôi kéo trở lại các nguồn đầu tư của quốc tế vào Trung Quốc".
Bên cạnh những phân tích thuần túy mang tính kỹ thuật của ngành ngân hàng đó, giới nghiên cứu cũng lưu ý rằng : Bắc Kinh đang đi tìm một "mô hình kinh tế mới" với "những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng" có nghĩa là vừa phải "ổn định được những gì đang đem lại tăng trưởng cho Trung Quốc từ trước đến nay" (như bất thị trường nhà đất, như các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng) đồng thời phải "ồ ạt đầu tư vào các mảng công nghệ mới" (trong số này bao gồm từ trí tuệ nhân tạo đến công nghiệp sản xuất xe ô tô điện hay pin mặt trời …).
Trung Quốc ý thức được rằng lĩnh vực địa ốc, có trọng lượng tương đương với gần 1/3 tổng sản phẩm nội địa trong ba năm liên tiếp cần phải được hồi sinh. Các giới chức chính trị và kinh tế ở Bắc Kinh hiểu rõ hơn ai hết là đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm sắp tới không phải là sản xuất hàng may mặc hay máy tính điện tử và kể cả những tấm pin mặt trời mà là những trang thiết bị viễn thông thế hệ mới, là bí quyết làm chủ trí tuệ nhân tạo … do vậy Trung Quốc cần rất nhiều vốn trong giai đoạn chuyển đổi sang một nền công nghệ của tương lai.
Để bảo đảm tăng trưởng cho cả các lĩnh vực truyền thống và tương lai đó mà Trung Quốc cần huy động nhiều vốn tối đa và trong thời gian ngắn nhất. Có lẽ đấy mới là chủ đích khi ông Tập huy động Ngân hàng Trung ương mở rộng chính sách tiền tệ.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 09/04/2024
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách kinh tế năm 1978, tăng trưởng GDP bình quân qua các năm đã đạt trên 9%.
Nhiều cuộc khủng hoảng đến cùng lúc đang phủ bóng lên nền kinh tế số hai thế giới
Nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành động cơ tăng trưởng của thế giới. Nhưng khi đại dịch Covid-19 tràn tới, động cơ ấy đã gặp trục trặc. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 2,2%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Năm kế tiếp, con số này đã bật lên mức 8%, nhưng sau đó lại tụt về 3% vào năm 2022.
Liệu đây có phải sự khởi đầu cho giai đoạn trượt dài của kinh tế Trung Quốc ?
Cùng xem xét năm câu hỏi lớn dưới đây để hiểu chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế số hai thế giới và những ảnh hưởng của nó đến toàn cầu.
1. Chuyện gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc ?
Tháng Một vừa qua, Trung Quốc công bố GDP nước này tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, mức tăng cao thứ hai trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Hiện quy mô kinh tế Trung Quốc đang gấp năm lần Ấn Độ.
Nhưng ở trong lòng đất nước, người dân có cảm nhận khác : Năm 2023, lần đầu tiên sau năm năm, Trung Quốc ghi nhận tình trạng mất dòng vốn, tức lượng vốn chảy ra nước ngoài cao hơn lượng chảy vào trong nước ; tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ chạm mức kỷ lục 20% vào tháng Sáu năm ngoái ; và đầu năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm.
Xuyên suốt cả năm ngoái, tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã trở thành nơi để một số người Trung Quốc bất mãn tới xả nỗi bức xúc về tình hình kinh tế của đất nước.
Một người dùng khẩn nài được giúp đỡ vì đã "thất nghiệp lâu lắm rồi, lại còn đang gánh nợ". Một bình luận khác kể chuyện mình thua lỗ trên sàn chứng khoán và đề nghị Mỹ "để dành cho chúng tôi vài quả tên lửa để đánh sập Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải".
Nhiều bình luận sau đó đã bị xóa, theo truyền thông phương Tây.
Tống Lâm, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng tại Ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết lý do Trung Quốc phục hồi yếu kể từ sau đại dịch Covid-19 là bởi "khác với nhiều quốc gia, Trung Quốc không áp dụng các chính sách quá quyết liệt để kích thích tăng trưởng".
Các nước khác như Mỹ thường tung ra các gói cứu trợ kinh tế trong thời kỳ Covid. Nổi bật là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đầu năm 2021 của chính quyền Biden nhằm hỗ trợ người thất nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, các bang và chính quyền địa phương.
Ông Tống giải thích : "Chính sách kinh tế của Trung Quốc thường là dè dặt hơn. Kết quả là Trung Quốc không phải lo về lạm phát nhưng tốc độ phục hồi kinh tế cũng chậm hơn".
Uông Đào, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng đầu tư UBS, chỉ ra một nguyên nhân lớn nữa đằng sau tình trạng phục hồi yếu kém : "Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất lịch sử".
"Hơn 60% tài sản hộ gia đình của Trung Quốc nằm ở bất động sản. Khi giá nhà đất giảm, người dân cảm thấy không còn tự tin để chi tiêu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Một dấu hiệu rõ ràng cho việc đó là lượng mua sắm các mặt hàng gia dụng lớn đã giảm đáng kể", bà phân tích.
Bán nhà trên giấy là mô hình huy động vốn phổ biến của các công ty bất động sản Trung Quốc. Nhưng bong bóng nhà đất vỡ khiến nhiều dự án không thể hoàn thành, còn người mua có nguy cơ mất trắng tiền cọc.
Các vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc đang gây ảnh hưởng lớn do khu vực này chiếm tới 1/3 quy mô nền kinh tế.
Toàn ngành đang lao đao vì chiến dịch siết chặt tài chính từ năm 2021, khi chính quyền áp đặt biện pháp hạn chế lượng tiền mà các công ty bất động sản lớn được phép vay.
Trong nhiều năm, ngành bất động sản của Trung Quốc đã quen huy động vốn cho các dự án mới bằng cách vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và bán nhà trên giấy (nhà ở hình thành trong tương lai) cho người mua.
Mô hình kinh doanh này đã tồn tại từ lâu ở nhiều quốc gia, nhưng các nhà phát triển Trung Quốc đang tận dụng quá mức đòn bẩy - tức vay quá nhiều tiền.
Một số nhà phát triển bất động sản lớn đã lâm vào cảnh vỡ nợ trong vài năm gần đây.
Nhiều người Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng tiền cọc đã trả cho chủ đầu tư để mua những dự án chưa khởi công hoặc đang xây dở. Với một số người, khoản cọc đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của họ.
Về phía chính quyền địa phương, vốn đã vay hàng tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và vẫn dựa nhiều vào việc bán đất để có nguồn thu, tình hình cũng đang ngày một căng thẳng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2022, tổng nợ của chính quyền địa phương đạt 92.000 tỷ nhân dân tệ (12.600 tỷ USD), tương đương 76% GDP của Trung Quốc, năm 2019 tỷ lệ này là 62,2%.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Từ Thiên Thần, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, "nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng không phải đang khủng hoảng".
Ông cho rằng thành tích tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm 2010 chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn tín dụng dồi dào, tạo điều kiện phát triển nhanh theo chiều rộng, đi kèm với sự bùng nổ thị trường bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng.
"Khi Trung Quốc bắt đầu cố gắng tái cân bằng từ mô hình đó, việc điều chỉnh là không thể tránh khỏi", ông nói với BBC.
"Giống như một cỗ máy khổng lồ đang rệu rã và trên một số bộ phận bắt đầu xuất hiện vài vết nứt".
2. Liệu kinh tế Trung Quốc có vượt Mỹ ?
Khi Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 xét theo quy mô GDP, đã manh nha nổi lên nhiều dự báo về việc nước này sẽ vượt qua Mỹ. Đa số đều tin rằng đó chỉ là chuyện sớm muộn.
Sở dĩ có chuyện này là do thành tích kinh tế ấn tượng của Trung Quốc : Trong vòng hai thập kỷ tính đến trước năm 2010, đã có hai giai đoạn Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm hai con số : 1992-1995 và 2003-2007.
Trước khi Trung Quốc mất đà như hiện nay, các dự báo lạc quan cho rằng nước này sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, trong khi số khác dè dặt hơn thì lùi mốc này tới năm 2032.
Nhưng với tình hình kinh tế khó lường hiện tại, liệu Trung Quốc có còn thực hiện được tham vọng này ?
"Có, nhưng không phải chỉ trong một vài năm mà làm được", Giáo sư Lý Thành, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Thế giới Đương đại (CCCW) thuộc Đại học Hong Kong và cựu giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington DC, nhận định.
Ông Từ Thiên Thần thì đưa ra mốc thời gian cụ thể hơn : thập niên 2040.
Giáo sư Lý giải thích rằng Mỹ cũng phải đối mặt với những bất trắc mang tính đặc thù của mình, bao gồm cả kết quả của cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
"Mọi chuyện phía trước không hề suôn sẻ với nước Mỹ, chia rẽ chính trị sâu sắc, mâu thuẫn sắc tộc, chính sách nhập cư - là một vài trong số những khó khăn trước mắt cần phải lường trước.
"Còn với Trung Quốc, họ đã đạt được một số lợi thế mới, chẳng hạn như đã trở thành nước dẫn đầu ngành xe điện chỉ trong vòng vài năm, khiến nhiều người phải kinh ngạc".
"Nhưng tin không vui cho Trung Quốc là dân số đang già đi. So với Trung Quốc thì Mỹ nhẹ gánh hơn nhiều, họ có tỷ lệ sinh cao hơn và có nguồn dân số nhập cư để bổ sung cho lực lượng lao động".
Trung Quốc đang là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới. Ước tính đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm đến 38% dân số nước này.
Giáo sư Andrew Mertha, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu về Trung Quốc tại trường SAIS thuộc Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng chính bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng còn do dự.
"Trung Quốc thậm chí cũng chưa chắc muốn vượt Mỹ do lo ngại nguy cơ kinh tế đi trật đường ray.
"Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng dự kiến thấp, khủng hoảng bất động sản và việc tái điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, có vẻ giới lãnh đạo Trung Quốc có phần muốn né rủi ro và khó có khả năng sẽ đưa ra các sáng kiến kinh tế đủ đột phá để thách thức thế thống trị của Mỹ".
3. Hậu quả nào có thể xảy đến với Trung Quốc ?
Khi câu hỏi này được nêu lên, người ta thường nghĩ đến cụm từ "thập niên mất mát" - chỉ thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài mà giới chuyên gia đang cảnh báo.
Đằng sau những con số, ông Tống Lâm cho rằng một vòng phản hồi âm của niềm tin là thủ phạm đang kéo tụt nền kinh tế : sụt giảm niềm tin khiến chi tiêu cho đầu tư và tiêu dùng giảm theo, lợi nhuận doanh nghiệp cũng theo đó đi xuống, hậu quả là tài sản mất giá quay lại làm xói mòn thêm niềm tin, cứ như vậy không dứt.
"Cần có các chính sách hỗ trợ để thoát khỏi vòng lặp này".
Một số người sợ rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đánh Đài Loan để xoa dịu bất mãn trong nước.
Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai mà tất yếu một ngày sẽ trở lại nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Giáo sư Mertha cho rằng ý tưởng về một cuộc chiến như vậy là "hơn cả điên rồ - nhưng tôi nghĩ sẽ có nhiều hành động diễu võ dương oai hơn, như một cách để hiệu triệu đoàn kết".
Giáo sư Lý cảnh báo rằng "bất cứ ai muốn chiến tranh ở Đài Loan, dù đó là giới làm chính sách ở Trung Quốc, Mỹ hay Đài Loan, đều nên suy nghĩ cho kỹ ; cuộc chiến này sẽ rất khác với Ukraine".
"Đây có thể sẽ là cuộc chiến AI đầu tiên. Sẽ là một cuộc chiến tổng lực công nghệ cao, giữa máy móc với máy móc.
"Đương nhiên, Đài Loan là vấn đề cốt yếu với Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận rằng chiến tranh là giải pháp cuối cùng - trong khi kinh tế đình trệ chưa phải lý do đủ lớn để đi đến bước đó".
4. Trung Quốc khó khăn sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới ?
Trung Quốc vừa là công xưởng của thế giới, vừa là nhà nhập khẩu lớn của nhiều loại hàng hóa
Ông Từ Thiên Thần cho rằng ảnh hưởng sẽ đến từ ba phương diện : hàng hóa, du lịch và địa chính trị.
"Thứ nhất, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nên việc nước này mất đà tăng trưởng đồng nghĩa với nhu cầu cho các loại hàng hóa sẽ thấp hơn, đặc biệt là những nguyên vật liệu sử dụng trong xây dựng, như quặng sắt và bauxite.
"Thứ hai, sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ là một mất mát cho các điểm đến nổi tiếng - du lịch quốc tế sẽ phải vật lộn để phục hồi lại mức trước đại dịch.
"Thứ ba, kinh tế giảm tốc - đặc biệt nếu có đi kèm với khủng hoảng tài chính công trong nước - sẽ kìm hãm năng lực định hình địa chính trị thông qua các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc".
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường hiện diện toàn cầu của mình thông qua hàng loạt các khoản đầu tư và dự án cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với 152 quốc gia và rót vốn vào hơn 3.000 dự án.
Nhưng phía chỉ trích cho rằng BRI đã đẩy các nước vào những "bẫy nợ". Thông qua BRI, Trung Quốc đã trở thành kênh vay vốn ưu tiên đối với nhiều nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Một phụ nữ trải nghiệm xe điện tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Hải Nam hồi tháng 3/2024
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Maldives, Pakistan và Sri Lanka.
Các cam kết đầu tư mới công bố của Tập Cận Bình, theo như báo cáo trong kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào tháng Ba vừa qua, đã giảm đáng kể về quy mô so với trước đây.
Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra nước ngoài quy mô lớn là không bền vững trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện tại.
Nhưng ông Tống Lâm nhấn mạnh rằng ngay cả khi đang mất đà, quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ cho phép nước này đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng toàn cầu.
"Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ đóng góp 20% hoặc hơn cho tăng trưởng toàn cầu trong vòng năm năm tới".
5. Liệu Trung Quốc có thể vực dậy nền kinh tế ?
Tự chủ công nghệ là một trong những mục tiêu đang được chính phủ Trung Quốc ráo riết thực hiện. Kỳ họp Lưỡng hội đầu tháng 3 cũng xác định phát triển chất lượng cao là con đường tất yếu của thời đại mới. Nhưng các biện pháp siết chặt bảo hộ thương mại của Mỹ đang chất thêm khó khăn cho nỗ lực tự chủ của Bắc Kinh.
Ông Tống cho rằng giai đoạn phát triển kế tiếp của Trung Quốc là chuyển đổi thành công nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng chất lượng cao hơn và leo lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng.
"Kỳ họp Lưỡng hội vừa qua cho thấy giới làm chính sách tiếp tục chú trọng vào bức tranh vĩ mô đó, cũng như các ưu tiên dài hạn mang tính quyết định đến thành bại của Trung Quốc trong công cuộc chuyển đổi sang giai đoạn kế tiếp".
Chuyên gia Từ Thiên Thần hiến kế như sau :
"Mấu chốt là Trung Quốc phải giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản một cách có trách nhiệm hơn.
"Thứ hai, cần chuyển trọng tâm chính sách sang phía cầu, thay vì chỉ tập trung vào phía cung của nền kinh tế.
"Trung Quốc cũng nên tăng cường tự do hóa nhiều lĩnh vực cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, ngoài ra, sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, giờ là lúc nên tiến hành cải cách tài khóa để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nền tài chính công".
Còn trong giai đoạn trước mắt, ông Tống tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% do quốc hội đặt ra.
"Và mặc dù chúng tôi ghi nhận đã có các chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ cao hơn đôi chút, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có thêm các biện pháp kích thích được triển khai trong những tuần và tháng tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024".
Nguồn : BBC, 01/04/2024
Đêm trước kỳ thi công chức của Trung Quốc, Melody Zhang bồn chồn đi đi lại lại trong hành lang ký túc xá, ôn các câu trả lời. Chỉ đến khi về đến phòng, cô mới nhận ra mình đã khóc suốt.
Bất động sản giảm giá đáng kể ở Trung Quốc thời gian gần đây, nhu cầu thuê hoặc mua cũng lao dốc. (Photo by Jade GAO / AFP)
Zhang hy vọng bắt đầu sự nghiệp trong ngành tuyên truyền của nhà nước sau hơn 100 lần nộp đơn xin việc không thành trong ngành truyền thông. Với mức kỷ lục là 2,6 triệu người cạnh tranh nhau để giành được 39.600 suất công việc của chính phủ trong bối cảnh có khủng hoảng thất nghiệp ở giới thanh niên, cô đã không kiếm được một suất.
"Chúng tôi sinh ra nhầm thời", cô gái 24 tuổi tốt nghiệp Đại học Nhân dân hàng đầu Trung Quốc nói.
"Chẳng còn ai quan tâm đến ước mơ và tham vọng của mình nữa trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Suốt ngày lúc nào cũng phải cố tìm việc làm thật là một cực hình", vẫn lời cô.
Một cuộc khủng hoảng niềm tin vào nền kinh tế đang làm người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và các doanh nghiệp không muốn tuyển dụng và đầu tư, điều này có thể trở thành một vòng xoáy tự tạo thêm đà làm xói mòn tiềm năng kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn. Nhưng đối với những sinh viên ra trường bị thất nghiệp, những người sở hữu bất động sản cảm thấy nghèo hơn vì căn hộ của họ mất giá trị và những người lao động kiếm được ít tiền hơn năm trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang thụt lùi.
Zhu Tian, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc-Châu Âu ở Thượng Hải, nói rằng định nghĩa trong sách giáo khoa về suy thoái kinh tế - 2 quý suy giảm kinh tế liên tiếp - không nên áp dụng cho một quốc gia đang phát triển với mức đầu tư là khoảng 40% sản lượng hàng năm, gấp đôi mức đầu tư của Hoa Kỳ.
"Chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái", ông Zhu nói. "Nếu bạn nói chuyện với 10 người, 7 người sẽ nói rằng chúng ta đã có một năm tồi tệ".
Ông nói tiếp : "Tôi không nghĩ chính phủ có đủ khả năng để chống đỡ cho điều đó. Sự thể như vậy không thể tiếp diễn mãi mãi". Ông đề nghị phải có thêm các biện pháp kích thích để phá vỡ "vòng luẩn quẩn" của sự thiếu niềm tin sẽ ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm ở Trung Quốc nói riêng.
Mất đi khát vọng
Hơn 1/4 trong số khoảng 100 triệu người Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp vào tháng 6/2023, là thời điểm cuối cùng có dữ liệu trước khi các quan chức dừng công bố chuỗi dữ liệu này. Trung Quốc lại tiếp tục công bố dữ liệu vào ngày 17/1, nhưng không bao gồm sinh viên đại học, họ thông báo tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 14,9% trong tháng 12/2023. Các cuộc khảo sát cho thấy, Thế hệ Z (sinh ra trong khoảng 1996-2010) của Trung Quốc là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Những người tìm được việc làm nhận mức lương ít hơn mong đợi do các doanh nghiệp cắt giảm chi phí để đáp lại mức nhu cầu thấp ở trong nước. Hãng đầu mối tuyển dụng Zhaopin ghi nhận rằng mức lương trung bình mà các nhà tuyển dụng đưa ra ở 38 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm 1,3% so trong quý 4/2023 với cùng kỳ năm trước.
Đối với một nền kinh tế đã tăng trưởng gấp khoảng 60 lần, quy theo đồng đô la, kể từ những năm 1980, đây là một sự thay đổi mang tính lịch sử về tâm trạng. Thành công đó đạt được phần lớn thông qua các khoản đầu tư khổng lồ vào sản xuất và cơ sở hạ tầng ; nhưng từ khoảng một thập kỷ trước, mô hình đó bắt đầu tạo ra nhiều nợ hơn mức tăng trưởng, với tổng số tiền vay nợ hiện đã đạt đến mức mà Trung Quốc phải chật vật trả nợ.
Trong khi đó, Trung Quốc đào tạo sinh viên để làm những công việc đòi hỏi kỹ năng cao trong lĩnh vực dịch vụ thay vì làm việc ở nhà máy hoặc xây dựng. Tiêu dùng hộ gia đình giảm sút và các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các ngành tài chính, công nghệ và giáo dục đã làm giảm đi cơ hội của các sinh viên đó.
Janice Zhang, 34 tuổi, đã làm việc trong ngành công nghệ cho đến cuối năm 2022 thì nghỉ việc để giải quyết một việc khẩn cấp của gia đình. Chị tự tin rằng mình có thể dễ dàng tìm được công việc mới nhờ kinh nghiệm và được đào tạo ở Mỹ.
Nhưng Zhang chỉ tìm được một vị trí tiếp thị trên mạng xã hội, yêu cầu phải làm việc theo ca kéo dài 15 tiếng, nên chị đã nghỉ việc sau một thời gian ngắn.
Chị nói tình hình kinh tế khiến chị cảm thấy mình giống như "hạt cát trên bãi biển", không thể làm chủ được số phận.
"Ở Trung Quốc, từ 'khát vọng' đã thúc đẩy mọi người, bởi vì họ tin rằng mai kia sẽ là thời điểm tốt nhất. Thế mà điều tôi đang cố gắng chinh phục trong đời bây giờ chỉ là vỗ về, an ủi cho nỗi thất vọng mà ngày mai sẽ mang lại".
Khủng hoảng bất động sản
Vincent Li, chủ một quán cà phê cao cấp ở Thượng Hải, đã nhận hai cú đấm quyết liệt liên tiếp mà theo ông, đã đánh bật ông ra khỏi tầng lớp trung lưu.
Khi người Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, họ thích cà phê rẻ hơn. Và hai căn hộ mà ông mua với giá 4 triệu nhân dân tệ (558.612 USD) vào năm 2017 trên đảo du lịch Hải Nam đã không có ai đoái hoài tới chuyện thuê hoặc mua trong 3 năm nay.
"Thị trường bất động sản đã bão hòa", ông Li nói.
Tại Trung Quốc, 96% trong số khoảng 300 triệu hộ gia đình thành thị sở hữu ít nhất 1 căn hộ vào năm 2019, theo dữ liệu mới nhất của ngân hàng trung ương. 1/3 số đó sở hữu 2 căn, 1/10 sở hữu 3 căn trở lên.
Khoảng 70% tiền tiết kiệm của hộ gia đình được đầu tư vào bất động sản.
Các đại lý bất động sản cho biết ở một số thành phố, các căn hộ đã mất 2/3 giá trị kể từ khi thị trường bất động sản bắt đầu suy thoái vào năm 2021, khiến chủ sở hữu cảm thấy kém giàu đi và phải cắt giảm chi tiêu.
Lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng 1/4 hoạt động kinh tế vào thời kỳ đỉnh cao, hiện được coi là mối nguy chính đối với nỗ lực thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc.
Bà Yuen Yuen Ang, Chủ tịch chương trình Kinh tế Chính trị Alfred Chandler tại Đại học Johns Hopkins, nói : "Rủi ro lớn ở đây là hậu quả từ việc suy giảm các nguồn tăng trưởng cũ có thể trở nên quá lớn không ngăn chặn được và chúng kiềm chế các nguồn tăng trưởng mới. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi".
Không chỉ các chính sách trong nước ảnh hưởng đến cuộc sống ở Trung Quốc. Căng thẳng ngoại giao với phương Tây về vấn đề Đài Loan, Ukraine và Biển Đông đã góp phần khiến nước này lần đầu tiên bị thâm hụt đầu tư nước ngoài.
Các cơ quan thương mại đã đưa ra cảnh báo về các cuộc khám xét những công ty tư vấn và thẩm định cũng như các lệnh cấm xuất cảnh, cùng nhiều vấn đề khác.
Các hạn chế về công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã ngăn cản công ty tư vấn của David Fincher ở Thượng Hải kinh doanh các mặt hàng bán dẫn hàng đầu, chặn mất một nguồn thu nhập quan trọng.
Ông đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài vì lo ngại căng thẳng ngoại giao gia tăng hoặc những thay đổi về quy định mới từ Bắc Kinh có thể khiến hoạt động kinh doanh của ông không thể trụ vững.
Fincher nói : "Có cảm giác như một con tôm hùm ở trong nồi. Nước trở nên nóng hơn và ta cứ ngồi đó".
"Tôi lo lắng nhiều về Bắc Kinh cũng như mọi người khác", vẫn lời ông.
Reuters
Nguồn : VOA, 18/01/2024
Hội nghị trung ương ba nhiều khả năng sẽ bị hoãn đến năm 2024, và vấn đề Evergrande cũng chưa được giải quyết.
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn chưa từng có dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh Nikkei/Yusuke Hinata và Getty Images)
Chưa đầy hai tuần sau khi trở về từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Thượng Hải vào cuối tháng 11, lần đầu tiên sau một thời gian dài.
Trong một động thái hiếm hoi, lịch trình chuyến thị sát từ ngày 28/11 của Tập đã được cơ quan chức năng tiết lộ trước và được lan truyền rộng rãi trên cả nước.
Các phụ tá thân cận của Tập rõ ràng đang muốn gây ấn tượng mạnh về chuyến đi của nhà lãnh đạo tới trung tâm kinh tế của đất nước. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, các quan chức đã tìm cách thu hút sự chú ý đối với các chuyến thăm của Tập tới các địa điểm quan trọng về mặt kinh tế như Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange) và các địa điểm công nghệ cao, cũng như các bài phát biểu của Tập ở những nơi đó.
Nhưng phản ứng của thị trường lại không mấy thuận lợi. Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) đã không tăng trong suốt thời ra diễn ra chuyến thăm của Tập, và thậm chí giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 điểm vào thứ Ba (05/12/2023).
Có một quy định bất thành văn là mỗi khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện các chuyến thị sát với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế, các công ty nhà nước sẽ đón nhận thông điệp và cố gắng khơi dậy xu hướng thị trường bằng cách mua mạnh cổ phiếu.
Tập đến thăm Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải vào ngày 28/11. (Ảnh chụp màn hình từ trang web của chính phủ Trung Quốc)
Điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra, nhưng tại sao ?
Có nhiều lý do. Ngày 27/11, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị do Tập chủ trì, nhưng lại không đưa ra thông báo rằng Hội nghị Trung ương ba, cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng vốn đã bị trì hoãn, sẽ được tổ chức vào tháng 12. Các nhà quan sát đã kỳ vọng cuộc họp này sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Nhưng không hiểu vì lý do gì nó lại bị hoãn lại sang năm sau.
Năm 2024, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sẽ bắt đầu vào đầu tháng 2. Do kỳ nghỉ sẽ kéo dài, đồng thời phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc sẽ được triệu tập vào đầu tháng 3, nên có rất ít lựa chọn về ngày có thể tổ chức hội nghị.
Nên những người tham gia thị trường thất vọng là điều đương nhiên.
Hội nghị trung ương ba là một sự kiện cấp cao, với sự quan tâm từ quốc tế, diễn ra 5 năm một lần, nhằm đề ra các chính sách kinh tế dài hạn cho Trung Quốc. Nó thường được tổ chức vào mùa thu, một năm sau khi Ban chấp hành Trung ương khóa mới được bầu tại đại hội toàn quốc. Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 đương nhiệm đã được bầu tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào tháng 10/2022.
Gần 400 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành Trung ương sẽ tập trung tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị trung ương ba. Phương hướng chính sách kinh tế đặt ra tại hội nghị này sẽ được tuyên bố rộng rãi, cả trong và ngoài nước.
Không có gì ngạc nhiên khi ngày diễn ra hội nghị trung ương ba phản ánh mong muốn của Tập, người đã nắm trong tay quyền lực tối cao. Ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm tổ chức và đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ngay cả trong một cơ cấu chính trị kiểu này, sự chậm trễ bất thường vẫn cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng khó khăn chưa từng có.
Nhiều khả năng đang có xung đột quan điểm nghiêm trọng trong nội bộ và các phụ tá thân cận của Tập, khiến họ không thể phối hợp nhịp nhàng như trong quá khứ.
Một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế Mỹ-Trung chỉ ra rằng một "vấn đề quan trọng khác đã bị bỏ qua".
Nguồn tin cho biết, những gì đã được thảo luận (hoặc chưa được thảo luận) tại cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 là một lý do dẫn đến trì hoãn hội nghị trung ương ba.
Cuộc họp ở California của hai nhà lãnh đạo đã không mang lại bất cứ tiến triển nào trong vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc : gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trên thực tế, ngay từ trước khi các cuộc thảo luận được bắt đầu, đã có thể thấy rõ rằng thượng đỉnh Biden-Tập sẽ không mang lại nhiều kết quả kinh tế.
Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Hà Lập Phong, phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách các chính sách tài chính và kinh tế, đã không có mặt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chào đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào ngày 9/11 tại San Francisco. © AP
Ông vốn là trợ lý thân cận của Tập. Hai người gặp nhau lần đầu tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, khi họ đang trong độ tuổi 30 và là những người bạn không thể tách rời.
Ông còn giữ chức Bí thư Đảng ủy Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Tài chính Trung ương, đồng thời là nhân vật chủ chốt phụ trách kiểm soát rủi ro tài chính phát sinh từ thị trường bất động sản.
Hà Lập Phong đã trở thành "sa hoàng kinh tế" mới của Trung Quốc vào đầu năm nay, thay thế Lưu Hạc, người từng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Lưu cũng luôn tháp tùng Tập trong các chuyến thăm Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung mới nhất, sau cuộc gặp song phương mở rộng là một bữa trưa mà mỗi bên đều có ba đại diện tham dự.
Ngồi cạnh Tập trong bữa trưa này là Thái Kỳ, một trong bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng cộng sản. Thái cũng là một trong những trợ lý thân cận nhất của Tập.
Ông là một nhân vật nặng ký phụ trách an ninh quốc gia, đặc biệt là về khía cạnh đối nội, cũng như công tác tuyên truyền và tư tưởng. Ông được xếp hạng thứ năm trong hệ thống phân cấp của đảng.
Thái Kỳ cũng đồng thời giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, một chức vụ quản lý công tác hành chính của Ban chấp hành Trung ương. Ông có phạm vi nhiệm vụ vô cùng rộng lớn. Một số người còn xem Thái "có quyền lực lớn hơn Thủ tướng Lý Cường [người đứng thứ hai trong hệ thống cấp bậc của đảng]", trích lời một nguồn tin trong đảng.
Trong bữa trưa còn có Vương Nghị, một thành viên khác của Bộ Chính trị và là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, người đã đảm nhiệm ghế ngoại trưởng sau khi Tần Cương bị cách chức hồi tháng 7.
Nếu không có sự hiện diện của một chuyên gia về các vấn đề tài chính và kinh tế, thì phía Trung Quốc không tài nào có thể thảo luận chi tiết về các vấn đề kinh tế.
Trong khi đó, về phía Mỹ, ba đại diện tham dự bữa trưa là Biden, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và Ngoại trưởng Antony Blinken. Người đồng cấp phía Trung Quốc của Sullivan và Blinken lần lượt chính là Thái Kỳ và Vương Nghị.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tập Cận Bình tại dinh thự Filoli bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương ở Woodside, California, vào ngày 15/11. © Reuters
Thật ra, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong đã tới Mỹ trước chuyến thăm của Tập và hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Nếu ông đạt được những thỏa thuận đáng chú ý với Mỹ thông qua các cuộc họp để chuẩn bị cho thượng đỉnh Tập-Biden, thì hẳn Hà đã tháp tùng Tập đến Mỹ để khoe về những thành tựu của mình ngay tại hội nghị, vốn là một sự kiện quan trọng.
Về phần mình, Yellen đã đóng một vai trò quan trọng trong chuyến thăm của Tập. Bà luôn tạo ấn tượng rằng mình là người thân Trung Quốc và đã chào đón Tập bằng một cái bắt tay sau khi ông bước xuống chuyên cơ tại Sân bay Quốc tế San Francisco.
Chức vụ Bộ trưởng Tài chính rất quan trọng, thể hiện qua việc Yellen ngồi cạnh Biden tại cuộc họp mở rộng trong thượng đỉnh. Nhưng ngồi đối diện với Yellen không phải là chuyên gia kinh tế Hà Lập Phong, người vắng mặt, mà là Thái Kỳ, nhân vật phụ trách an ninh quốc gia.
Danh sách người tham dự cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung phần lớn bị chi phối bởi các vấn đề an ninh.
Thay mặt cho Hà, Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã tháp tùng Tập trong chuyến thăm Mỹ để hỗ trợ đối thoại về chính sách kinh tế giữa hai nước. Khác với Ủy viên Bộ Chính trị Hà, Trịnh là thành viên cấp thấp trong Ban Chấp hành Trung ương.
Trịnh cũng không hiện diện nhiều trong hội nghị thượng đỉnh. Suy cho cùng, ông chỉ là một chính trị gia cấp thấp, ít kinh nghiệm trên trường quốc tế.
Nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế song phương nhận xét "Khi người ta biết rằng Hà Lập Phong không phải là thành viên trong đoàn tháp tùng Tập đến Mỹ, việc thiếu vắng thành tựu kinh tế trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung là một kết luận có thể đoán trước được".
Nguồn tin cho biết rất nhiều người trông chờ tiến bộ đạt được trong các vấn đề kinh tế và thương mại song phương, vốn rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Hà hóa ra chỉ là chuyến đi hình thức trước thềm chuyến thăm của Tập.
Vì không thể mang thành tựu kinh tế nào từ thượng đỉnh về nhà, chính phủ Tập Cận Bình không thể nhanh chóng tổ chức hội nghị trung ương ba. Kế hoạch tuyên truyền thành tích đã bị sụp đổ.
Chuyến thị sát Thượng Hải của Tập gần như không thu hút được phản ứng nào của thị trường, bất chấp sự xuất hiện của các thông báo trước. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ hỗ trợ cũng không hưởng ứng bằng cách mua cổ phiếu một cách nhiệt tình.
Nếu các công ty nhà nước không có động thái nào, thì các công ty tư nhân sẽ không thể nào hành động – đơn giản là họ không đủ khả năng để làm điều đó, do hiệu quả kinh doanh đang sa sút.
Ngoài ra, còn một diễn biến rất thú vị khác vào thứ Ba.
Tòa án Tối cao Hong Kong đã hoãn phiên điều trần yêu cầu thanh lý tài sản của tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group cho đến ngày 29/01. Tòa có lẽ đã trì hoãn ra quyết định vì cho rằng thời điểm trong và ngoài nước chưa chín muồi.
Nhưng tập đoàn này có trụ sở chính và phần lớn tài sản ở Trung Quốc đại lục. Chưa rõ liệu thẩm quyền của Tòa án Hong Kong đối với việc xử lý tài sản có mở rộng sang tài sản ở đại lục hay không.
Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn là người quen biết rất rộng, và nhiều khả năng ông có mối quan hệ bền chặt với các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Hứa chính là người thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở phù hợp với chính sách quốc gia. Ông thường xuyên đi lại giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục để gọi vốn.
Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn tham dự cuộc họp báo về kết quả kinh doanh hàng năm của tập đoàn tại Hong Kong vào ngày 28/03/ 2017. © Reuters
Nhưng những mối quan hệ chính trị của ông giờ đã trở nên vô ích. Ông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam.
Evergrande tuyên bố vỡ nợ ở nước ngoài sau khi không thể trả lãi cho khoản trái phiếu bằng đô la Mỹ trong thời gian ân hạn. Vụ bê bối này có liên quan đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, vấn đề Evergrande vẫn được để ngỏ là bởi các nhà chức trách chưa thể đưa ra quyết định về việc khắc phục khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Trung Quốc sẽ bước vào năm mới trong khi vẫn chưa giải quyết được vấn đề quan trọng và cấp bách nhất mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Xi-Biden summit leaves China’s economic policies up in air", Nikkei Asia, 07/12/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/12/2023
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Trong lúc Bắc Kinh vật lộn với suy thoái, một số chuyên gia đã dự đoán về một tương lai sáng sủa hơn.
Người đi bộ dọc theo bờ sông Bund của Thượng Hải với các tòa nhà chọc trời của khu tài chính Lujiazui ở phía sau vào ngày 23 tháng 8. Wang Gang/VCG via Getty
Những ngày này thật cô đơn đối với những ai còn lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, có sự nhất trí rộng rãi giữa các nhà quan sát Trung Quốc – và đây là một nhóm lớn – rằng nước này đã bước vào thời kỳ khó khăn và tình hình chắc chắn sẽ sớm tệ hơn rất nhiều.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi nền kinh tế Trung Quốc là "quả bom hẹn giờ". Paul Krugman của New York Times nhận định vài năm tới "có thể sẽ khá tồi tệ" đối với Trung Quốc. "Những đám mây đen đang bao trùm nền kinh tế Trung Quốc", Fareed Zakaria của CNN nói. Cựu giám đốc điều hành PIMCO Mohamed El-Erian thì tuyên bố ông không chắc rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua nền kinh tế Mỹ, dù quy mô nền kinh tế Trung Quốc gần bằng 3/4 nền kinh tế Mỹ và thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn Mỹ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy một tương lai u ám cho Bắc Kinh. Vẫn có một quan điểm cần được cân nhắc, quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ một lần nữa thách thức mọi dự đoán và tiếp tục tăng trưởng lành mạnh, nếu không muốn nói là với tốc độ đáng kinh ngạc mà nước này từng đạt được. Việc chỉ có một quan điểm thống nhất về một hệ thống phức tạp và đầy bí ẩn như nền kinh tế Trung Quốc là việc làm nguy hiểm. Giả định của các nhà phân tích về giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách họ diễn giải dữ liệu kinh tế Trung Quốc và có thể dẫn đến những kết luận sai lầm.
Chẳng hạn, suốt nhiều năm, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng siêu nhanh của Bắc Kinh sẽ không bị gián đoạn. Sự lạc quan đó đã biến mất, nhưng giờ đây, người ta hoàn toàn có thể mắc sai lầm tương tự và đánh giá sai tốc độ suy thoái của Trung Quốc.
Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, nhận xét "Các lãnh đạo Trung Quốc rất giỏi che giấu thông tin về cách họ suy nghĩ và vận hành, đến mức mọi thứ trở nên giống như sự kết hợp giữa hộp đen và bài kiểm tra Rorschach. Khi chúng ta đọc các bài viết về giới lãnh đạo Trung Quốc, chúng ta chủ yếu đọc về quan điểm cơ bản của các nhà phân tích, hơn là những gì giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự suy nghĩ".
Orlik chắc chắn nằm trong nhóm những người lạc quan. Cuốn sách xuất bản năm 2020 của ông có tên China : The Bubble that Never Pops (Trung Quốc : Bong bóng không bao giờ vỡ), và ông nói rằng hiện tại mình vẫn chưa nghe thấy tiếng vỡ nào. Xin tiết lộ, tôi và Orlik đã làm việc cùng nhau vài năm tại văn phòng Bắc Kinh của Wall Street Journal.
Nhà Trắng nhìn chung có quan điểm tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc – như được phản ánh trong phát biểu hồi tháng 8 của Biden về quả bom hẹn giờ. Nhưng họ cũng đang tìm kiếm thông tin mới. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20 ở New Delhi vào tháng 9, những người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và Hội đồng Kinh tế Quốc gia đã nhóm họp với một số nhà kinh tế tư nhân để lắng nghe quan điểm của họ.
Quan điểm của những người lạc quan đến từ việc xem xét kỹ lưỡng dữ liệu kinh tế Trung Quốc, nhưng đồng thời phản ánh suy nghĩ rằng : dù Chủ tịch Tập Cận Bình và phần còn lại của giới lãnh đạo Trung Quốc là những người có đường lối cứng rắn về mặt chính trị, họ là những người thực dụng về kinh tế, muốn đi theo truyền thống của Đặng Tiểu Bình, người đã chủ trương Trung Quốc cần mở cửa với phương Tây. Đúng là Tập đã trấn áp các doanh nhân giàu có trong lĩnh vực công nghệ và bất động sản, cũng đúng là ông đã buộc đóng cửa các trường dạy thêm tư nhân, và chắc chắn là ông đã tập trung hóa hơn nữa khu vực nhà nước, nhưng ông vẫn có khả năng điều chỉnh hướng đi, như những người lạc quan lập luận.
Nhà kinh tế Nicholas Lardy của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson viết "Vào tháng 7/2023, các cơ quan quản lý đã đưa ra một dấu hiệu rõ ràng" cho khu vực tư nhân, rằng cuộc đàn áp đối với các công ty internet đã phần nào kết thúc. Ông ước tính đầu tư tư nhân vẫn chiếm hơn một nửa tổng đầu tư ở Trung Quốc, phản ánh sự thừa nhận của Bắc Kinh rằng họ cần khuyến khích khu vực tư nhân. Lardy, người được xem là nhà kinh tế học của các nhà kinh tế học Trung Quốc, không phải lúc nào cũng lạc quan. Cuối thập niên 1990, ông là một trong những nhà kinh tế đầu tiên trình bày chi tiết những vấn đề sâu xa của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trước khi Bắc Kinh buộc phải công khai chúng.
Ngay cả trong số những người lạc quan, vẫn có sự nhất trí rộng rãi rằng kỷ nguyên tăng trưởng hai con số, hoặc chí ít là 7-9%, của Trung Quốc đã kết thúc. Và các cuộc thanh trừng chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục. Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang ôm món nợ khổng lồ, cho biết chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn, Hứa Gia Ấn, đang phải chịu "các biện pháp bắt buộc" – một dạng quản thúc tại gia – trong khi bị điều tra về các cáo buộc phạm tội.
Lâm Nghị Phu, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, hiện là trưởng khoa tại Đại học Bắc Kinh, khẳng định rằng Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng ở mức 8% mỗi năm, nhưng ông cũng là một ngoại lệ ngay cả ở quê nhà. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" cho năm 2023, một mục tiêu thấp hơn nhiều người nghĩ, vì năm cơ sở, 2022, đã quá tệ hại. Orlik nói, "Tăng trưởng chậm sẽ được che đậy bởi số liệu thống kê".
Câu hỏi đặt ra là liệu tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm tốc dần dần qua các năm, như quan điểm của nhóm lạc quan, về mức 2% hay 3%, giống với các nước giàu như Mỹ, hay sẽ giảm tốc đột ngột hoặc sâu rộng đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng.
Người xin việc đang đọc các mẫu đơn trong lúc tham dự hội chợ việc làm ở Vũ Hán, Trung Quốc, trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 vào ngày 21/04/2020. © Getty Images
***
Những người bi quan – với sự đồng thuận ngày càng cao – đã đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng mô hình Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn lực vì sự kết hợp của các vấn đề mang tính cơ cấu. Chúng bao gồm dân số già ; lực lượng lao động bị thu hẹp ; nợ tăng cao ; thị trường bất động sản sụp đổ ; quan hệ lạnh nhạt với các khách hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc, là Mỹ và Châu Âu ; và việc người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu do lo sợ cách giới lãnh đạo xử lý cuộc khủng hoảng Covid và các vấn đề khác.
Sau khi phong tỏa dân chúng liên tục trong gần ba năm, Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 12/2022 nhưng lại không tiêm chủng cho nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ước tính gần 2 triệu người có thể đã chết trong hai tháng đầu tiên sau khi dỡ lệnh phong tỏa. Chủ tịch Viện Peterson, Adam Posen, một thành viên của phe bi quan, cho biết Trung Quốc đang phải hứng chịu "đại dịch Covid kéo dài về kinh tế", thể hiện qua việc chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh nhỏ giọt.
Những đòn bẩy thông thường mà Trung Quốc sử dụng khi gặp khó khăn đã không còn hiệu quả. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích ngày càng nhỏ sau hàng chục năm xây dựng đường sắt cao tốc, cầu, tàu điện ngầm, và những công trình tương tự. Việc đẩy mạnh cho vay sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính. Theo Michael Pettis, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, người cũng giảng dạy tài chính tại Đại học Bắc Kinh, "Lập luận rằng họ [chính phủ Trung Quốc] sẽ giải quyết được vấn đề là một lập luận vô lý".
Về cơ bản, những người bi quan nói rằng Trung Quốc đã dùng hết bài của mình. Như Herb Stein, một nhà kinh tế học nổi tiếng với khiếu hài hước, từng nhận xét "Nếu điều gì đó không thể tiếp diễn mãi mãi, nó sẽ dừng lại".
Tuy nhiên, Pettis thừa nhận ông đã đưa ra lập luận về tăng trưởng chậm ở Trung Quốc chí ít là từ năm 2012, trong khi nước này vẫn tiếp tục tiến lên phía trước. Và trong thời gian đó, Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 6,4% hàng năm, so với mức 2,1% của Mỹ, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Một công nhân kiểm tra dải đèn LED điện áp thấp trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở Cửu Giang, Trung Quốc, vào ngày 4/1/2022. © Wei Dongsheng/VCG. Getty Images.
***
Nếu xét đến những câu chuyện ồn ào xoay quanh các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, người ta sẽ rất dễ quên sự trỗi dậy kinh tế của nước này từng đáng chú ý như thế nào. Năm 1980, khi Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm cải cách thị trường, quy mô nền kinh tế của họ chỉ bằng 11% quy mô của Mỹ. Hiện nay, con số này đã lên tới 71%, theo ước tính của IMF, bất chấp khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và 1998 cũng như khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và 2009. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo và nước này đã trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ.
Arvind Subramanian, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ, nhận định "Dù hiện tại họ đang gặp vấn đề, nhưng chúng ta không nên quên rằng những gì Trung Quốc đạt được là phép màu kinh tế vĩ đại nhất mà nhân loại từng chứng kiến". Năm 2011, Subramanian xuất bản một cuốn sách dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ vào khoảng năm 2030. Ông cho biết mình vẫn giữ nguyên dự đoán đó bất chấp các vấn đề của Trung Quốc, vì ông vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ trong phần còn lại của thập niên này.
Andy Rothman, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty đầu tư Matthews Asia, nói rằng điều quan trọng là phải ghi nhớ thành tích của Trung Quốc. Ông đến sống ở Trung Quốc vào năm 1980, khi nước này còn nghèo, và đã chứng kiến họ vượt qua nhiều vấn đề và dần phát triển thịnh vượng. Ông cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về hồi kết của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông nói, "Một trong những yếu tố khiến Trung Quốc yếu đi là do người dân nước này chỉ mới thoát khỏi Covid vào tháng 1 năm nay. Chẳng ai ở Trung Quốc làm ra tiền [trong thời gian phong tỏa]. Chúng ta cần kiên nhẫn thêm chút nữa".
Ông và những người lạc quan khác tin rằng dữ liệu kinh tế không thực sự nghiêm trọng như những gì đang được diễn giải. Ví dụ, phe bi quan chỉ ra những vấn đề lớn trong lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng khoảng 20% trở lên trong hoạt động kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán căn hộ và đất nền đang giảm sâu, trong khi một số nhà phát triển lớn đang chuẩn bị phá sản.
Theo Lardy, doanh số bán nhà đạt đỉnh vào năm 2021, ở mức 1,8 tỷ mét vuông, và giảm xuống còn 1,4 tỷ vào năm ngoái. Ông ước tính con số sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,2 tỷ vào năm 2023. Điều đáng ngạc nhiên là giá căn hộ không giảm nhiều như tưởng tượng, dù nguyên nhân có thể là do chính quyền địa phương đã nhúng tay vào việc ấn định giá cho căn hộ mới. Bloomberg báo cáo rằng dữ liệu giá chính thức có thể không phản ánh được mức độ sụt giá vì Trung Quốc thu thập dữ liệu một phần từ các cuộc khảo sát nhà ở, thay vì giao dịch thị trường.
Những tòa chung cư chưa hoàn thiện nằm sau hàng rào đổ nát ở thành phố Tân Trịnh, Trịnh Châu, Trung Quốc, vào ngày 20/6. © Pedro Pardo/AFP. Getty Images.
Các vấn đề liên quan đến bất động sản có tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng đến ngành xây dựng, nội thất, thiết bị, gạch lát, và các mặt hàng có liên quan, cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân cho các hàng hóa và dịch vụ khác. Chính quyền địa phương, vốn đã mắc nợ nặng nề, cũng trông cậy vào việc bán bất động sản để có nguồn thu tài trợ cho các hoạt động của mình.
Nhưng sự sụp đổ của thị trường bất động sản sẽ trở nên nguy hiểm nhất khi người đi vay không trả được nợ thế chấp, như đã xảy ra ở Mỹ trong năm 2008 và 2009. Điều đó sẽ làm suy yếu các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, đồng thời đóng băng hoạt động cho vay trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, những người vay thế chấp hiếm khi vỡ nợ, bởi vì họ phải đặt cọc lên tới 20% hoặc 30%, khiến tác động tài chính của việc từ bỏ khoản vay lớn hơn nhiều so với ở Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, khi người đi vay gần như không phải đặt cọc gì cho khoản thế chấp.
Lardy cũng lưu ý rằng trong khi ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, báo cáo tổng các khoản nợ xấu là 1,38% vào cuối năm 2022, thì tỷ lệ vỡ nợ thế chấp nhà ở chỉ là 0,39%.
Theo tính toán của Orlik, nhà kinh tế học của Bloomberg, Trung Quốc đã xây quá 30% số nhà cần thiết ở thời điểm bong bóng bất động sản xuất hiện và mọi người mua bất động sản như một khoản đầu cơ. Hiện tại, phần cung dư thừa đã giảm xuống còn 18%, tính toán dựa trên số liệu khấu hao và di cư, có nghĩa là Trung Quốc đã đi được một nửa chặng đường để giải quyết vấn đề về cung của mình.
Tuy nhiên, cầu cũng đã giảm xuống dưới mức mà Orlik gọi là "mức bền vững" – nghĩa là số lượng căn hộ cần thiết để thay thế các tòa nhà đổ nát, trở thành nơi ở cho các gia đình mới và người di cư chuyển đến thành phố. Dù điều đó có nghĩa là sẽ rất khó để cân bằng cung và cầu, làm sâu sắc thêm tình trạng suy thoái, Orlik cho rằng nó vẫn mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ hội khuyến khích mua bất động sản một lần nữa, nhưng lần này không gây ra bong bóng.
Quả thực, kể từ tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác đã tìm cách thúc đẩy thị trường khi cắt giảm lãi suất, giảm yêu cầu thanh toán trước, và nới lỏng việc thực thi các quy định chống đầu cơ.
Tương tự, những người lạc quan có cũng có cách diễn giải khác về mức tiết kiệm hộ gia đình, vốn đã tăng lên 36% từ mức 32% trước Covid, theo Bloomberg. Gia tăng tiết kiệm thường được hiểu là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nền kinh tế Trung Quốc, phản ánh những lo lắng của người tiêu dùng về giá bất động sản, nợ và các chính sách Covid thiếu sót của chính phủ. Tại sao lại tiêu tiền hôm nay nếu bạn lo rằng mình sẽ cần tiền để tồn tại vào ngày mai ?
Nhưng Lardy có một lời giải thích đơn giản hơn cho việc tiết kiệm tăng lên. Các hộ gia đình Trung Quốc đã bị nhốt trong nhà gần ba năm qua và chẳng có cách nào để tiêu tiền, nên tiền tiết kiệm của họ mới tăng lên. Ông tin rằng điều này tạo ra một kho tiền mặt sẽ sớm được khai thác. Ông cho biết thu nhập khả dụng của các hộ gia đình tại các thành phố của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong nửa đầu năm 2023, trong khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng nhanh gấp khoảng 10 lần so với năm trước.
"Mọi người đã không thể ra khỏi nhà của mình", ông nhận xét. Tỷ lệ tiết kiệm "không phải là một chỉ báo tốt về tính bất định hoặc về nỗi lo bị chiếm đoạt tài sản".
Cần cẩu xây dựng tại một khu phức hợp bất động sản đang được xây dựng ở Hoài An, Trung Quốc, vào ngày 20/06. © Costfoto/Nurphoto. Getty Images.
***
Đằng sau sự khác biệt trong cách giải thích dữ liệu là sự khác biệt trong quan điểm về các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Pettis, từ Carnegie, nhận định giới lãnh đạo vẫn mắc kẹt trong suy nghĩ rằng Trung Quốc chỉ có thể phát triển thông qua đầu tư – ngay cả khi việc thúc đẩy đầu tư không còn mang lại kết quả như trước. Tập Cận Bình và các cấp dưới của ông quá cứng nhắc và không sẵn sàng trả giá chính trị để chuyển nền kinh tế sang phụ thuộc nhiều hơn vào chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là hướng đi mà Pettis và nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc phải hướng tới.
Ông nói "Cần một sự thay đổi lớn trong các thể chế trong nước" để hệ thống kinh tế không ưu ái các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất, và doanh nghiệp nhà nước hơn người tiêu dùng. "Vấn đề không nằm ở chủ nghĩa cộng sản. Brazil đã trải qua tình trạng tương tự vào những năm 1960 và 1970 dưới chế độ độc tài quân sự. Nhật Bản cũng từng trải qua điều đó".
Matt Turpin, giám đốc về Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Trump, đã tóm tắt quan điểm bi quan về Tập và các đồng minh của ông một cách ngắn gọn, "Những ông cụ 70 tuổi trong nhiệm kỳ thứ ba hiếm khi thực hiện những thay đổi mạnh mẽ về phương hướng".
Tuy nhiên, những người lạc quan cho biết họ đã nhận ra một số tín hiệu cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện một số thay đổi – chí ít là bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng và khuyến khích người nước ngoài đầu tư. Bắc Kinh thường gửi tín hiệu thông qua các bài phát biểu, chiến dịch, và quy định về định hướng mà giới lãnh đạo muốn nền kinh tế đi theo. Sau đó, các địa phương sẽ tự tìm ra cách thực hiện những mong muốn đó.
Các lãnh đạo địa phương, những người mà khả năng thăng tiến phụ thuộc vào việc triển khai các ưu tiên của đảng, sẽ cạnh tranh với nhau để bắt đầu các dự án, ngay cả khi điều đó dẫn đến sản xuất dư thừa và kém hiệu quả. Không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc tràn ngập các sản phẩm từ thép, xe điện, đến pin mặt trời, khiến giá giảm liên tục cho đến khi nhiều nhà sản xuất hoạt động thua lỗ.
"Họ mắc rất nhiều sai lầm", Rothman nhận xét. "Nhưng chúng tôi đã thấy những dấu hiệu mới kể từ tháng 7, cho thấy họ đang thừa nhận sai lầm và đang chuyển sang chủ nghĩa thực dụng".
Một nhân viên gia công vành thép để xuất khẩu tại một nhà máy ở Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 4/6/2018. © VCG/VCG. Getty Images
Ông nói những dấu hiệu đó bao gồm các bài phát biểu của Tập và Thủ tướng Lý Cường đề cao vai trò của khu vực tư nhân. Cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7 do Tập chủ trì "đã kêu gọi các chính sách và biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân và cung cấp cho các doanh nghiệp tư nhân một môi trường thuận lợi", theo Thời báo Hoàn cầu, một trang tin tức thuộc sở hữu nhà nước, đặt tên cho các chính sách mới là "Xiconomics". Một tháng sau, 8 bộ của Trung Quốc đã ban hành 28 biện pháp hỗ trợ khu vực tư nhân.
Rothman giải thích đề xuất nới lỏng các quy tắc an ninh mạng mà các công ty nước ngoài từng phàn nàn là một dấu hiệu khác của chủ nghĩa thực dụng. Nhưng có rất nhiều dấu hiệu trái ngược nhau cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường cũ. Một ấn bản ngày 30/9 của Wall Street Journal đã đăng tải những câu chuyện về việc các nhà chức trách Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Apple cung cấp các ứng dụng truyền thông xã hội của phương Tây trên iPhone ở Trung Quốc và cấm một nhân viên của công ty tư vấn rủi ro Kroll rời khỏi đất nước. Sự việc đó xảy ra sau một cuộc đột kích vào các văn phòng của công ty thẩm định Mintz Group, cùng với những động thái hà khắc khác.
Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc của CIA, cũng chỉ ra rằng giới lãnh đạo đã chậm trễ trong việc ấn định ngày tổ chức hai hội nghị kinh tế quan trọng vốn thường được tổ chức 5 năm một lần. Một là Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng ; hai là Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia.
Các lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng những hội nghị đó để đưa ra những thông báo kinh tế quan trọng. Hội nghị trung ương ba năm 2013 tuyên bố rằng thị trường sẽ đóng "vai trò quyết định" trong nền kinh tế, dù điều đó đã không xảy ra. Sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán vào năm 2015 và 2016, Tập đã có những động thái dứt khoát hơn nhiều trong việc củng cố khu vực nhà nước. Johnson, người hiện đứng đầu công ty tư vấn rủi ro chính trị China Strategies Group, cho biết "Họ đang cố gắng tạo ra một định hướng mới".
Eswar Prasad của Đại học Cornell chỉ ra sự thiếu liên kết giữa các thông điệp đến từ Bắc Kinh và trung tâm tài chính ở Thượng Hải. Ông cho biết, trong chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng 7, các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh đã đảm bảo với ông rằng họ đang thực hiện các bước quan trọng để củng cố niềm tin vào nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng ở Thượng Hải, quê hương truyền thống của các doanh nhân Trung Quốc, ông lại nghe được một câu chuyện rất khác. Ông kể lại "Có quan điểm cho rằng một điều gì đó cơ bản đã thay đổi trong quan điểm của Bắc Kinh về doanh nghiệp tư nhân. Họ xem Bắc Kinh là có phần thù địch và cần phải hết sức thận trọng".
Prasad nói rằng ông nghĩ Trung Quốc sẽ tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn và phát triển lành mạnh hơn, nhưng đó sẽ là cú hồi sinh từ cửa tử. Ông nhận xét "Mỗi khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, người ta thường có xu hướng nói rằng cuối cùng thì hồi kết cũng đã gần kề. Quan điểm của những người lạc quan có thể quá lạc quan, nhưng nó cung cấp cơ sở để chúng ta không quá phấn khích mỗi khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn".
Bob Davis
Nguyên tác : "Maybe China’s Economy Isn’t So Doomed", Foreign Policy, 17/10/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/10/2023
Bob Davis là phóng viên chuyên đưa tin về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung trong nhiều thập niên cho tờ Wall Street Journal. Ông là đồng tác giả của cuốn sách "Superpower Showdown : How the Battle Between Trump and Xi Threatens a New Cold War".
Từ đầu năm 2023, tiền Trung Quốc mất giá 8% so với đô la. Giữa tháng 9/2023, giới tài chính báo động nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất từ 2007. Trong suốt mùa hè Bắc Kinh huy động các ngân hàng Trung Quốc và cả các cơ quan giám sát trên mạng "vào trận", dùng mọi cách giữ giá cho đồng tiền quốc gia, ngăn chặn thất thoát vốn khỏi Hoa Lục.
Giữa tháng 9/2023, giới tài chính báo động nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất từ 2007 © Yi Fan / Featurechina / ROPI-REA
Tại sao đồng tiền Trung Quốc bị suy yếu ? Hiện tượng nhân dân tệ mất giá đã đến mức báo động hay chưa và những công cụ nào giúp Bắc Kinh giữ giá đơn vị tiền tệ ? Thường bị chỉ trích phá giá đồng tiền, tạo cạnh tranh bất bình đẳng để kích thích xuất khẩu, tại sao lần này các giới chức tài chính Trung Quốc đã hối hả ban hành nhiều biện pháp "ngăn chặn chảy máu tư bản" ?
RFI tiếng Việt mời chuyên gia về tiền tệ và ngân hàng, Victor Lequillerier, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris, trả lời các câu hỏi trên.
"Nhân dân tệ trượt giá, rơi xuống mức thấp nhất từ 16 năm nay", Trung Quốc "Có thể làm được những gì để chống đỡ" và sẽ "Cầm cự được bao nhiêu lâu ?" : Đó là tựa những bài báo gần đây trên hãng tin Mỹ Bloomberg, trên báo kinh tế Nhật Bản Nikkei Asia, hay trên báo Hồng Kong South China Morning Post.
Một số các chuyên gia chờ đợi nhân dân tệ còn "rớt giá mạnh hơn" nữa, có thể là mất 10% so với đô la từ nay đến cuối năm. Với đô la đã đành, nhân dân tệ cũng mất giá hơn 6% so với đồng euro của Châu Âu từ đầu năm tới nay và giảm 9% so với đồng bảng Anh.
Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics (Brainstorming Initiative in Economics), trụ sở tại Paris, Victor Lequillerier nêu lên ba nguyên nhân làm suy yếu đồng tiền của Trung Quốc :
Victor Lequillerier : Yếu tố thứ nhất liên quan đến tình hình kinh tế chung hiện tại, có nghĩa là kinh tế Trung Quốc khó phục hồi và các chỉ số từ đầu năm đến nay gây thất vọng. Mọi người thất vọng vì chỉ số bán lẻ, chỉ số tiêu thụ … Hơn thế nữa, ngành địa ốc tiếp tục tuột dốc. Cho nên mọi người lại càng bị quan hơn.
Thống kê chính thức của Bắc Kinh trong suốt mùa hè vừa qua cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2023 giảm gần 9%, nhập khẩu giảm hơn 7% so với một năm trước đó. Các chỉ số tiêu thụ nội địa cũng vậy, trong lúc công ty môi giới địa ốc ngồi trên núi nợ hàng trăm tỷ đô la… Từ tháng 7/2023, nhiều nghiên cứu tại Bắc Kinh và nước ngoài báo động trước nguy cơ Trung Quốc bị giảm phát và rơi vào cái vòng luẩn quẩn kinh tế đình đốn kéo dài.
Mối lo "chảy máu tư bản"
Bên cạnh đó, yếu tố thứ nhì làm suy yếu đồng tiền Trung Quốc là khác biệt về lãi suất ngân hàng. Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ đã nâng lãi suất chỉ đạo lên tới mức cao nhất từ 22 năm trở lại đây, trong lúc Bắc Kinh sử dụng những biện pháp kích thích đầu tư và tiêu thụ với hy vọng tạo một lực đẩy mới cho tăng trưởng.
Victor Lequillerier : Lý do thứ nhì thuần túy liên quan đến tài chính : Trung Quốc hiện không có cùng một nhịp với Hoa Kỳ. Tại Mỹ, vì mục tiêu chống lạm phát, Cục Dự Trữ Liên Bang và trong khu vực đồng euro, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu cũng đã TĂNG lãi suất chỉ đạo. Trái lại, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã nhiều lần HẠ lãi suất để kích cầu và khuyến khích đầu tư. Khác biệt về lãi suất ngân hàng đó khiến đầu tư vào Trung Quốc không còn có lợi như trước nữa cho nên, người ta bán đi đồng nhân dân tệ để mua đô la hay euro và đem vốn ra khỏi Hoa Lục. Vì vậy mà nhân dân tệ trượt giá.
Mua trái phiếu 10 năm của Mỹ thì được lãi 4,2% thay vì chỉ được 2,55% nếu nắm giữ nợ của Trung Quốc. Do vậy, ông Lequillerier lưu ý rằng, chính sách nới lỏng các biện pháp tiền tệ để kích cầu của Bắc Kinh bất lợi cho việc giữ giá đồng nhân dân tệ
Môi trường bất lợi
Sau cùng là cuộc tranh hùng giữa hai siêu cường thế giới và lo ngại xung đột bùng phát ở eo biển Đài Loan lại càng tạo nên làn sóng ngờ vực mức độ an toàn của các khoản đầu tư vào Hoa Lục.
Victor Lequillerier : Yếu tố thứ ba mang tính chính trị và địa chính trị, chủ yếu liên quan đến kết quả bầu cử Đài Loan vào đầu năm tới. Nhưng theo tôi, tác động sẽ càng rõ rệt hơn trong 6 tháng đầu năm 2024. Sau bầu cử Đài Loan, có thể là căng thẳng sẽ gia tăng trong khu vực và có khả năng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn. Giới đầu tư lại càng hoài nghi về mức độ an toàn khi đổ vốn vào Trung Quốc. Hệ quả kèm theo là đồng nhân dân tệ lại càng mất giá.
Vào lúc xuất khẩu đang bị chựng lại, đồng nhân dân tệ mất giá trong một chừng mực nào đó như hiện nay là một điều đáng mừng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ?
Victor Lequillerier : Đúng là nhiều năm liền trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã cố tình giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp để kích thích xuất khẩu, giữ cho hàng của Trung Quốc có sức cạnh tranh cao. Nhưng giờ đây Bắc Kinh đã thay đổi tầm nhìn. Trước hết là bởi vì Trung Quốc đang thay đổi mô hình kinh tế để bớt phụ thuộc vào xuất khẩu, chủ trương lấy tiêu thụ nội địa làm cột trụ. Thành thử không nhất thiết Trung Quốc phải ghìm giá đồng tiền quốc gia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang muốn nâng cao chất lượng các sản phẩm làm ra. Trong bài toán này, phá giá đồng tiền không chắc là đã có lợi.
Vậy tại sao phải can thiệp tránh để tiền bị phá giá ?
Victor Lequillerier : Bởi đơn giản làTrung Quốc quyết tâm biến nhân dân tệ thành một đơn vị tiền tệ quốc tế, một đồng tiền đáng tin cậy. Điều đó có nghĩa là đồng tiền này phải ổn định, không dao động bất thường… Chính vì thế mà các giới chức tài chính đã can thiệp nhiều lần trên thị trường hối đoái trong những tháng vừa qua để giữ giá cho đồng tiền quốc gia. Đây cũng là cách để giữ ngoại tệ, đầu tư ở lại Hoa Lục. Nếu nhân dân tệ trượt giá quá mạnh, đó sẽ là một cái vòng luẩn quẩn, vì điều đó có nghĩa là giới tư bản ngoại quốc không còn xem Trung Quốc là điểm đầu tư hấp dẫn và đồng nhân dân tệ lại càng bị mất uy tín.
Công tác theo dõi, chức năng mới của ngân hàng
Bắc Kinh đã làm những gì và còn có thể làm gì thêm nữa để giữ giá cho nhân dân tệ ?
Từ cuối 2022, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã can thiệp qua nhiều ngả khác nhau : một là hạ mức tối thiểu dự trữ ngoại tệ của các tập đoàn ngân hàng ở Hoa Lục và kể cả Hồng Kông. Trước đây, bất kỳ một ngân hàng nào cũng phải nắm giữ ít nhất 6% ngoại tệ. Tỷ lệ này được đẩy xuống còn 4%. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc có thể bán đi ngoại tệ để đổi lấy nhân dân tệ. Với luật cung cầu, đồng tiền Trung Quốc tăng giá lên trở lại. Bản thân Ngân Hàng Trung Ương đã bán bớt một phần dự trữ bằng đô la để mua vào nhân dân tệ.
Biện pháp thứ nhì là ra lệnh cho các tập đoàn tài chính ngoài Hoa Lục nâng cao các chi phí ngân hàng, để những dịch vụ mua đô la trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng "cầm cự" và giữ giá cho đơn vị tiền tệ một cách "giả tạo" là một biện pháp rất tốn kém, như Adarh Shinha, Bank of America ghi nhận và nhất là một định chế như Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc không muốn trông thấy "gối dự trữ ngoại tệ của họ bị xẹp xuống".
Sau cùng, theo nhật báo Pháp Les Echos giữa tháng 8/2023 "không những nhiều ngân hàng nhà nước Trung Quốc phải can thiệp, mua vào nhân dân tệ mà còn có nhiệm vụ theo dõi các thân chủ, đề phòng họ mua quá nhiều ngoại tệ. Ngân hàng như vậy cũng có trách nhiệm ngăn cản mọi hoạt động quá đáng". Một chỉ thị cuối tháng 8/2023 lưu ý các ngân hàng Trung Quốc nên khuyến khích thân chủ giao dịch trực tiếp với các đối tác quốc tế là hãy "thong thả" trong việc đổi đô la hay euro sang nhân dân tệ.
Hãng tin Bloomberg đầu tháng 9/2023 chờ đợi nhân dân tệ còn tiếp tục mất giá từ nay đến cuối năm bởi ít có dấu hiệu tăng trưởng của Trung Quốc nhanh chóng bật dậy trở lại, xuất khẩu tăng chậm trong lúc bối cảnh địa chính trị thì càng lúc càng bấp bênh. Điểm son duy nhất đối với Bắc Kinh là "Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dường như bắt đầu dừng lại chính sách tăng lãi suất chỉ đạo". Điều đó báo trước hiện tượng "chảy máu tư bản" từ Trung Quốc sang Mỹ may ra thì sẽ dừng lại.
Victor Lequillerier, thuộc cơ quan tư vấn tài chính BSI Economics, tuy nhiên nhấn mạnh : Hiện tại chưa thể nói là Trung Quốc đang "bấn loạn" vị hiện tượng đồng tiền mất giá. Bắc Kinh đã có nhiều bước chuẩn bị tránh để nhân dân tệ bị phá giá làm phương hại đến uy tín của một đơn vị tiền tệ đang có tham vọng từng bước thay thế đô la Mỹ.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFA, 17/10/2023
(*) Victor Lequillerier - BSI Economics, Paris
Tình hình kinh tế của Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2023 và những ảnh hưởng đến khu vực
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cấu trúc và các thách thức khác : năng suất sụt giảm, lực lượng lao động bị thu hẹp, hạn chế chuyển giao công nghệ do Mỹ và các nước khác áp đặt hạn chế, bong bóng bất động sản,… Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng gần 1/5 GDP toàn cầu, những sự biến động của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia có liên hệ nói riêng.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Khâm Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 14/1/2021 (Ảnh THX/TTXVN)
Tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố các chỉ số kinh tế quan trọng của 8 tháng đầu năm 2023, dữ liệu tháng 8 cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc có thể đang dần được cải thiện. Theo ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Trung Quốc, "nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi với những tiến bộ vững chắc trong phát triển chất lượng cao", tuy nhiên ông cũng thừa nhận "Trung Quốc vẫn đang đối mặt với những thách thức, trong đó chịu ảnh hưởng từ sự mờ nhạt của nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề cơ cấu trong nước. Mặc dù sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ổn định tốt những vẫn cần điều chỉnh thêm [1]. Trong 6 tháng đầu năm, GDP của Trung Quốc tăng 5,5%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 3% của năm ngoái và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong ba năm dịch bệnh [2].
Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc chưa được ổn định. Trong khi thế giới lo lắng về lạm phát, Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm 0,3% vào tháng 7/2023 trước khi tăng lại 0,1% vào tháng 8. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp tại JP Morgan, ông Nora Szentivanyi cho rằng : "Vào đầu năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, phần còn lại của thế giới đang chậm lại. Sự thúc đẩy nhu cầu toàn cầu từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đã bị lấn át bởi sự thúc đẩy nguồn cung toàn cầu. Động lực dư thừa nguồn cung này đã khiến giá cả trong nước và xuất khẩu của Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát" [3]. Tuy nhiên, ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống k ê Trung Quốc phủ nhận nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát.
Theo CNN, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với 4 thách thức chính :
Thứ nhất, người tiêu dùng cảnh giác với chi tiêu tiêu dùng, mức độ chi tiêu biến động mạnh mẽ qua từng thời điểm. Dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 6/2023 chỉ tăng 3,1%, thấp hơn đáng kể so với mức 12,7% của tháng 5 [4]. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới Covid-19. Các hộ gia đình vẫn đang duy trì mức tiết kiệm phòng ngừa cao trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Do đó, thúc đẩy nhu cầu đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, là nguồn tạo việc làm lớn nhất, đang ngần ngại thuê nhân công hoặc thực hiện đầu tư mới. Thời gian Trung Quốc đóng cửa đã làm nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, khi nước này mở cửa trở lại, thị trường quốc tế cũng chưa có nhiều nhu cầu, đơn hàng ít khiến việc sản xuất xuất khẩu bị chậm lại. Trong khi đó tiêu dùng trong nước cũng bấp bên, các doanh nghiệp tư nhân không có nhu cầu mạo hiểm vay vốn, mở rộng sản xuất. Thị trường việc làm ở Trung Quốc trong năm nay rất cạnh tranh. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 cao kỷ lục, đạt 21,3% trong tháng 6 [5].
Thứ ba, thị trường bất động sản vẫn đang "sa lầy" trong đợt suy thoái lịch sử. Năm 2022, đầu tư vào bất động sản đã giảm 10%. Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến nay và sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới, trong 6 tháng đầu năm, đầu tư vào BĐS tiếp tục giảm 7,9% [6]. Niềm tin suy giảm và những mối lo ngại đã gia tăng sau vụ vỡ nợ của Country Garden, từng là một nhà phát triển bất động sản lớn nhất về doanh số và Zhongrong Trust, một quỹ tín thác hàng đầu tại Đại Lục.
Cuối cùng, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái đã làm tăng thêm những khó khăn cho Trung Quốc. Theo số liệu hải quan công bố, trong tháng 3, tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng này chậm lại ở mức 8,9% trong tháng 4 và tiếp tục trượt xuống chỉ còn 0,5% so với cùng kỳ vào tháng 5. Đến tháng 6, xuất khẩu giảm 12,4%, tốc độ nhanh nhất trong 3 năm, còn nhập khẩu giảm 6,8% [7]. Xuất nhập khẩu – yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi lạm phát cao và suy thoái kinh tế ở các thị trường nước ngoài quan trọng như EU và Bắc Mỹ. Khi người tiêu dùng nước ngoài thắt lưng buộc bụng, họ sẽ chi tiêu ít hơn cho hàng hóa Trung Quốc. Cùng lúc đó, khối lượng nhập khẩu vẫn ở mức thấp do nhu cầu trong nước yếu. Tính cả 8 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng 0,8%, nhập khẩu giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước [8].
Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số thách thức dài hạn, trong đó có khủng hoảng dân số và căng thẳng thương mại với các đối tác quan trọng như Mỹ và Châu Âu.
Theo một nghiên cứu của một đơn vị thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Jiemian.com, tổng tỷ suất sinh quốc gia, số con trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,09 vào năm ngoái từ mức 1,30 chỉ hai năm trước đó. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện nay thậm chí còn thấp hơn Nhật Bản, một quốc gia từ lâu đã nổi tiếng với xã hội già hóa. Các nhà phân tích từ Moody’s Investor Service cho biết : "Nhân khẩu học già đi của Trung Quốc đặt ra những thách thức đáng kể đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước này" [9]. Trong dài hạn, sự suy giảm nguồn cung lao động, chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khỏe tăng lên có thể dẫn đến thâ m hụt tài chính rộng hơn và gánh nặng nợ cao hơn. Lực lượng lao động ít hơn cũng có thể làm xói mòn tiết kiệm trong nước, dẫn đến lãi suất cao hơn và đầu tư giảm.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp sau "sự cố khinh khí cầu" hồi tháng 02/2023 và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia đã khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thắt chặt các hạn chế xuất khẩu những công nghệ mới nổi quan trọng. Vào tháng 01/2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật liên quan đến Trung Quốc với sự ủng hộ của lưỡng đảng : Thành lập Ủy ban về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự đối đầu về thương mại giữa hai quốc gia đã quay lại và tập trung nhiều vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Các giải pháp thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc
Mặc dù lạm phát vẫn tương đối thấp so với nhiều nền kinh tế lớn khác, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm giải quyết những thách thức mà ngành công nghiệp và tiêu dùng của nước này phải đối mặt.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước sự phục hồi kinh tế không đồng đều, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư nước ngoài để kích thích nền kinh tế.
Cuối tháng 3/2023, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định gia hạn một số chính sách thuế ưu đãi nhằm hỗ trợ các công ty quy mô nhỏ, lợi nhuận thấp và các ngành công nghiệp trọng điểm. Các chính sách ưu đãi bao gồm khấu trừ thuế cho hoạt động R&D (Nghiên cứu và phát triển) và giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ có lợi nhuận thấp.
Kể từ tháng 6/2023, hàng loạt biện pháp thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân đã được đưa ra mạnh mẽ nhằm kích thích hơn nữa sức sống của kinh tế tư nhân. Chính quyền các tỉnh, thành phố đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, Thượng Hải đã đưa ra một số biện pháp mới nhằm thu hút FDI, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân [10]. Ủy ban Trung ương cũng đã chính thức phê duyệt việc thành lập Cục Phát triển kinh tế tư nhân trong Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, với tư cách là cơ quan làm việc đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân, thúc đẩy sớm thự c hiện các biện pháp lớn và đạt được kết quả thiết thực. Trong tháng 8, Chỉ số Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng trở lại trong ba tháng và sự phục hồi niềm tin phát triển doanh nghiệp tăng tốc.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã tích cực nỗ lực xây dựng niềm tin của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể từ khi gỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 cuối năm 2022. Bất chấp việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế ở Trung Quốc đã giảm trong nửa đầu năm 2023, số lượng các công ty FDI mới thành lập đã tăng lên đáng chú ý. Dữ liệu do Bộ Thương mại công bố cho thấy từ tháng 01/2023 đến tháng 8/2023, có 33.154 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được thành lập, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái [11]. Điều này cho thấy các công ty nước ngoài vẫn lạc quan về thị trường Trung Quốc, ngay cả khi tổng lượng vốn nước ngoài đã giảm.
Chính sách tiền tệ và tài khóa
Trung Quốc nhìn chung đã áp dụng chính sách tài chính và tiền tệ thận trọng khi đối mặt với những bất ổn kinh tế đáng kể. Bằng cách sử dụng chính sách tiền tệ "thận trọng", chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã tránh được lạm phát cao và duy trì tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định trong suốt đại dịch. Chính phủ và ngân hàng trung ương đã duy trì cách tiếp cận thận trọng này đối với nền kinh tế vào năm 2023. Vào tháng 01/2023, Bộ Tài chính tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ mở rộng vừa phải chi tiêu tài khóa vào năm 2023, trong đó sẽ tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường an ninh lương thực và hỗ trợ phát triển công nghệ.
Chính sách kích thích tiêu dùng
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%, Trung Quốc cho biết sẽ triển khai gói kích thích tương tự năm 2020. Tiêu dùng chiếm khoảng 37% nền kinh tế Trung Quốc [12]. Vì vậy, việc người tiêu dùng trở lại hoạt động bình thường là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Do đó, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất đối với một loạt các khoản tiền gửi và giảm lãi suất thuế chấp nhằm giảm chi phí cho vay cho người vay. Ngày 15/6/2023, để tăng thêm thanh khoản cho thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn, tổng trị giá khoảng 33,1 tỷ USD, giảm từ 2,75% xuống 2,65%. Ngày 19/6/2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay kỳ hạn một năm từ 3,65% xuống 3,55% và kỳ hạn 5 năm từ 4,3% xuống 4,2%, nhằm giảm chi phí vay và thúc đẩy tiêu dùng.
Chính sách thúc đẩy ngành bất động sản
Bắc Kinh đã ra tín hiệu rằng hỗ trợ thị trường bất động sản là một nhiệm vụ quan trọng bất chấp quyết tâm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này. Bất động sản chiếm khoảng 30% GDP tại Trung Quốc và phần lớn tài sản của người dân nước này đều xuất phát từ bất động sản. Nên sự suy thoái của ngành bất động sản thường là mở đầu cho một cuộc suy thoái kinh tế rộng lớn hơn trong khắp các ngành khác. Tại cuộc họp của Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 7/2022, các quan chức cho biết cần phải "ổn định" thị trường bất động sản của nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo những ngô i nhà được hoàn thiện trước khi bán [13].
Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát hành thêm nhiều trái phiếu địa phương đặc biệt để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, đã mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho ngành xây dựng vốn đang phải vật lộn với những khó khăn xuất phát từ tình trạng suy thoái bất động sản diễn ra nghiêm trọng ở nước này.
Chính sách thúc đẩy ngoại thương
Phát biểu tại kỷ niêm 74 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (01/10/1949 – 01/10/2023), Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu tích cực thúc đẩy hơn nữa "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) phát triển chất lượng cao để thúc đẩy xuất khẩu sang quốc gia này, thay thế cho các thị trường chính bị suy giảm. Trong 6 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước dọc theo BRI tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái [14], đóng góp rất lớn vào tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc.
Những chính sách mới được đưa ra đã phản ánh quyết tâm của chính phủ trong việc kích thích phục hồi kinh tế và tăng cường thanh khoản tài chính tổng thể trong nước. Nhà kinh tế học Nancy Qian chia sẻ với Business Insider rằng trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc không đến nỗi tệ như người ta tưởng, chỉ là các nhà hoạch định của nước này đang kỳ vọng quá nhiều mà thôi. OECD dự báo vào tháng 9 rằng kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay, là tốc độ tăng trưởng dự kiến cao thứ hai trong số các quốc gia mà OECD theo dõi. Có lẽ sự phát triển chênh lệch giữa các lĩnh vực và tăng trưởng không ổn định là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại. Nhưng trong tương lai xa, Trung Quốc c ần tính đến bài toán lực lượng lao động khi tỷ lệ sinh đang giảm mạnh.
Ảnh hưởng đến khu vực
Trong khi chính phủ Trung Quốc tuân theo biện pháp khắc phục tiêu chuẩn là tăng cung tiền trong nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất tiền gửi, khuyến khích cho vay, khuyến khích đầu tư… người dân Trung Quốc vẫn ít quan tâm đến việc vay vốn, ngoại trừ các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình không có hứng thú với việc gánh thêm một khoản nợ khác để mở rộng đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và nhu cầu vẫn còn hạn hẹp. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp của chính phủ Trung Quốc có mang lại hiệu quả như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách hay không ?
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng gần 1/5 GDP toàn cầu, những sự biến động của kinh tế Trung Quốc ít nhiều vẫn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia có liên quan nói riêng.
Thứ nhất, sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục suy thoái và tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, nó sẽ tác động đến lĩnh vực tài chính không chỉ ở Trung Quốc mà có thể sẽ lan ra toàn cầu. Trong một nghiên cứu năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các nhà kinh tế ước tính rằng GDP của Trung Quốc giảm 8,5% sẽ dẫn đến giảm 3,25% ở các nền kinh tế tiên tiến và giảm gần 6% ở các nền kinh tế mới nổi [15].
Thứ hai, sự mở cửa và giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu có thể không phải là tín hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh kinh tế tất cả các nước đều khó khăn, nhu cầu hàng hóa chưa ổn định trở lại, sự mở cửa của Trung Quốc bổ sung một nguồn cung hàng hóa lớn với giá rẻ, sẽ đẩy lùi sự vươn lên của các nền kinh tế nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Việc cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc trong hàng hóa xuất khẩu hay hàng hóa tại nội địa đều sẽ dễ làm nền kinh tế bị tổn thương.
Thứ ba, trong khi Trung Quốc là một nhà xuất khẩu lớn, nước này đồng thời cũng là một nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới. Khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, hoạt động nhập khẩu cũng giảm sút và tác động đến hàng hóa xuất khẩu các nền kinh tế khác. Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics, cho biết : "Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn từ nhiều nước trên thế giới, vì vậy khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nó sẽ tác động đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia".
Từ đây, có thể thấy rõ ràng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, do đó Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng từ biến động kinh tế Trung Quốc. Để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, đa dạng hóa thị trường vẫn là chiến lược cần ưu tiên. Bên cạnh đó, yêu cầu cốt lõi vẫn là cần nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa "Made in Vietnam, Made by Vietnam" để có nhiều cơ hội hơn trong khi các nước cũng tìm cách hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc./.
Thi Thi
Nguồn : Nghiên cứu chiến lược, 06/10/2023
Tài liệu tham khảo
[1] Giulia Interesse (2023), "China Economic Roundup – August 2023", China Briefing
[2] 环球网 (2023), "中国经济在持续恢复中展现韧性与活力",Sina Finance
[3] JP Morgan, "Deflation in China : The spillover effects for global markets"
[4] Laura He, "More stimulus ‘desperately’ needed as China’s economic recovery slows further", CNN
[5] Amy Hawkins (2023), "Peak China ? Jobs, local services and welfare strain under economy’s structural faults", The Guardian
[6] Nicholas R. Lardy (2023), "How serious is China’s economic slowdown ?", PETERSON INSTITUTE FOR INTERNATIONAL ECONOMICS
[7] Laura He, "More stimulus ‘desperately’ needed as China’s economic recovery slows further", CNN
[8] 新华网 (2023), "新华视点|稳步恢复显韧性 回升向好有支撑——从前8个月主要指标看中国经济走势",Sina Finance
[9] Laura He, "China’s economy is in trouble. Here’s what’s gone wrong", CNN
[10] Shanghai Municipal Development & Reform Commission, "【文字】《上海市加大力度支持民间投资发展若干政策措施》文件解读"
[11] 新华网 (2023), "新华视点|稳步恢复显韧性 回升向好有支撑——从前8个月主要指标看中国经济走势",Sina Finance
[12] Linette Lopez, "China’s economy is way more screwed than anyone thought", Business Insider
[13] John Power (2022), "As China’s property crisis grows, is the global economy at risk ?", Al Jazeera
[14] 人民网 (2023), "海关总署:上半年我国与"一带一路"沿线国家进出口同比增长9.8%",中央统战部版权所有
[15] John Power (2022), "As China’s property crisis grows, is the global economy at risk ?", Al Jazeera
Người ta thường nói rằng khi nước Mỹ hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc không được khỏe ?
Kinh tế Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tăng trưởng toàn cầu
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi sinh sống của hơn 1,4 tỷ người, đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề - bao gồm tăng trưởng chậm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và thị trường bất động sản hỗn loạn.
Hiện tại, chủ tịch của tập đoàn bất động sản nợ nần lớn nhất ở Trung Quốc, Evergrande, đã bị cảnh sát giám sát và cổ phiếu của công ty này đã bị đình chỉ trên thị trường chứng khoán.
Trong khi những vấn đề này khiến Bắc Kinh đau đầu, thì chúng có ý nghĩa gì với phần còn lại của thế giới ?
Các nhà phân tích tin rằng những lo lắng về một thảm họa toàn cầu sắp xảy ra là cường điệu hoá. Nhưng các tập đoàn đa quốc gia, công nhân của họ và thậm chí cả những người không có mối liên hệ trực tiếp với Trung Quốc có thể sẽ cảm nhận được ít nhất một số tác động. Cuối cùng, ảnh hưởng ít nhiều phụ thuộc vào việc bạn là ai.
Người thắng kẻ thua
"Ví dụ, nếu người Trung Quốc bắt đầu cắt giảm việc ăn trưa ở ngoài, điều đó có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu không ?" Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore đặt câu hỏi.
"Câu trả lời là không nhiều như bạn tưởng tượng, nhưng việc này chắc chắn ảnh hưởng đến các công ty phụ thuộc trực tiếp vào sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc".
Hàng trăm công ty lớn trên toàn cầu như Apple, Volkswagen và Burberry có được phần lớn doanh thu từ thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc và sẽ bị ảnh hưởng nếu các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu. Hiệu ứng dây chuyền sau đó sẽ lan ra hàng ngàn nhà cung cấp và công nhân trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào các công ty này.
Khi bạn cho rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hơn một phần ba mức tăng trưởng trên thế giới, thì bất kỳ hình thức giảm tốc nào cũng sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới của nước này.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch của Mỹ hồi tháng trước cho biết sự suy thoái của Trung Quốc đang "phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu" và hạ mức dự báo cho toàn thế giới vào năm 2024.
Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế, ý kiến cho rằng Trung Quốc là động cơ đẩy của sự thịnh vượng toàn cầu đã bị cường điệu hóa.
Trung Quốc với 1,4 tỷ dân là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
"Về mặt toán học, đúng vậy, Trung Quốc chiếm khoảng 40% tăng trưởng toàn cầu", George Magnus, nhà kinh tế học tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford nói.
"Nhưng sự tăng trưởng đó mang lại lợi ích cho ai ? Trung Quốc có thặng dư thương mại khổng lồ. Nước này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, vì vậy việc Trung Quốc tăng trưởng hay không tăng trưởng thực sự là ảnh hưởng tới chính Trung Quốc hơn là phần còn lại của thế giới", ông cho biết.
Tuy nhiên, việc người Trung Quốc chi tiêu ít hơn vào hàng hóa và dịch vụ - hoặc xây dựng nhà ở - có nghĩa là nhu cầu về nguyên liệu thô và hàng hóa cũng ít hơn. Tháng 8/2023, nước này nhập khẩu hàng hoá ít hơn gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái - khi họ vẫn đang trong tình trạng hạn chế theo chính sách Zero Covid.
"Các nhà xuất khẩu lớn như Úc, Brazil và một số nước ở Châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi điều này", Roland Rajah, giám đốc Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Lowy ở Sydney, cho hay.
Nhu cầu thấp ở Trung Quốc cũng có nghĩa là giá cả trong nước sẽ ở mức thấp. Từ góc độ của người tiêu dùng phương Tây, đây sẽ là một cách đáng hoan nghênh để kiềm chế giá cả tăng cao mà không liên quan đến việc tăng thêm lãi suất.
"Đây là tin tốt cho người dân và doanh nghiệp đang vật lộn với lạm phát cao", ông Rajah nói. Vì vậy, trong ngắn hạn, người tiêu dùng phổ thông có thể được hưởng lợi từ sự suy thoái của Trung Quốc. Nhưng có những câu hỏi dài hạn hơn dành cho người dân ở các nước đang phát triển.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hơn một ngàn tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ được gọi là ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’.
Hơn 150 quốc gia đã nhận được tiền và công nghệ của Trung Quốc để xây dựng đường sá, sân bay, cảng biển và cầu cống. Theo ông Rajah, cam kết của Trung Quốc đối với các dự án này có thể bắt đầu bị ảnh hưởng nếu vấn đề kinh tế trong nước vẫn tiếp diễn.
"Bây giờ các công ty và ngân hàng Trung Quốc sẽ không còn nguồn tài chính dồi dào để vung tiền ra nước ngoài", ông nói.
Trung Quốc trên thế giới
Mặc dù có khả năng Bắc Kinh giảm đầu tư ra nước ngoài nhưng vẫn chưa rõ tình hình kinh tế trong nước của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này như thế nào.
Một số người cho rằng một Trung Quốc dễ bị tổn hại hơn có thể tìm cách hàn gắn mối quan hệ bị tổn hại với Mỹ. Các hạn chế thương mại của Mỹ đã phần nào góp phần khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 25% trong nửa đầu năm nay, trong khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gần đây gọi quốc gia này là "không thể đầu tư" đối với một số công ty Mỹ.
Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy cách tiếp cận của Trung Quốc đang trở nên mềm mỏng hơn. Bắc Kinh tiếp tục trả đũa bằng những hạn chế của riêng mình, thường xuyên chỉ trích "tâm lý Chiến tranh Lạnh" của các nước Phương Tây và dường như duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo độc tài của các chế độ bị trừng phạt, như Vladimir Putin của Nga và Bashar Al-Assad của Syria.
Đồng thời, một loạt quan chức Mỹ và EU tiếp tục tới Trung Quốc hàng tháng để duy trì các cuộc đàm phán về thương mại song phương. Sự thật là rất ít người thực sự biết điều gì nằm giữa lối thuyết diễn của Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc.
Một trong những nhận định cực đoan hơn về sự không chắc chắn này đến từ các nhà quan sát chính sách diều hâu ở Washington, những người cho rằng sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cách nước này đối phó với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) đã gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp cao vào đầu năm nay
Phát biểu hồi đầu tháng này, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Gallagher - chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện Mỹ - cho biết các vấn đề trong nước đang khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình "khó đoán hơn" và có thể khiến ông "làm điều gì đó rất ngu ngốc" liên quan đến Đài Loan.
Ý tưởng là, như ông Rajah lập luận, nếu rõ ràng là "phép màu kinh tế của Trung Quốc đã kết thúc", thì phản ứng của Đảng cộng sản Trung Quốc "thực sự có thể chứng tỏ sẽ gây ra hậu quả".
Tuy nhiên, có rất nhiều người bác bỏ quan điểm này, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden. Khi được hỏi về khả năng này, ông Biden cho biết ông Tập hiện đang "bận rộn" giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước.
"Tôi không nghĩ điều đó sẽ khiến Trung Quốc xâm lược Đài Loan – thực tế là ngược lại. Trung Quốc có lẽ không còn năng lực như trước đây", ông Biden nói.
Đón chờ những việc không ngờ tới
Tuy nhiên, nếu có một bài học rút ra từ lịch sử, đó là hãy đón chờ những điều không ngờ tới. Như bà Elms đã chỉ ra, trước năm 2008, rất ít người dự đoán rằng các khoản vay thế chấp dưới chuẩn ở Las Vegas sẽ gây ra những làn sóng chấn động lên nền kinh tế toàn cầu.
Bài học của năm 2008 đã khiến một số nhà phân tích lo lắng về cái được gọi là "sự lây lan tài chính". Điều này bao gồm kịch bản ác mộng về cuộc khủng hoảng tài sản ở Trung Quốc dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của nền kinh tế Trung Quốc, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới.
Tính đến tháng 8/2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ tư liên tiếp
Những điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng vay thế chấp dưới chuẩn - chứng kiến sự sụp đổ của gã khổng lồ đầu tư Phố Wall Lehman Brothers và cuộc suy thoái toàn cầu - có thể diễn ra. Tuy nhiên, theo ông Magnus, sự so sánh này không hoàn toàn chính xác.
"Đây sẽ không phải là một cú sốc kiểu Lehman", ông nói. "Trung Quốc khó có thể để các ngân hàng lớn của họ phá sản - và họ có bảng cân đối kế toán mạnh hơn hàng nghàn ngân hàng khu vực và công đã phá sản ở Mỹ".
Bà Elms đồng quan điểm : "Thị trường bất động sản của Trung Quốc không được liên kết với cơ sở hạ tầng tài chính của họ giống như các khoản thế chấp dưới chuẩn của Mỹ. Ngoài ra, hệ thống tài chính của Trung Quốc không đủ mạnh để gây ra tác động trực tiếp toàn cầu như chúng ta đã thấy ở Mỹ năm 2008".
"Chúng ta được kết nối trên toàn cầu", bà nói. "Khi bạn để một trong những động cơ tăng trưởng lớn không hoạt động, điều đó sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của chúng ta và thường ảnh hưởng theo những cách không thể lường trước được".
"Điều đó không có nghĩa là tôi nghĩ chúng ta đang hướng tới việc lặp lại năm 2008, nhưng vấn đề là những gì đôi khi có vẻ mang tính địa phương, những mối lo ngại trong phạm vi một nước có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Ngay cả theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được".
Nick Marsh
Nguồn : BBC, 29/09/2023