Thương mại, đầu tư và du lịch có thể bị ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Một phụ nữ ghi lại những hình ảnh từ màn hình video lớn bên ngoài trung tâm mua sắm, quay cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 2021. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn vì bảy lý do liên kết với nhau, phần lớn là do các chính sách của chính phủ và xu hướng thích kiểm soát của ông Tập. Andy Wong/AP
Những quan ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã trở thành thành mối lo ngại về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế nước này cũng như khả năng đứng vững của mô hình phát triển dựa trên đầu tư. Tiếng vọng của những quan ngại này không ở đâu nhiều hơn ở khu vực Đông Nam Á.
Khi kinh tế Trung Quốc vật lộn vì nhiều nguyên nhân có liên quan đến nhau – phần lớn là do các chính sách của chính phủ và khuynh hướng thích kiểm soát của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, sau ba thập kỷ được nâng đỡ bởi sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á giờ đây phải đối mặt với những ảnh hưởng dây chuyền trong thương mại, đầu tư và cho vay.
Trước tiên, việc hồi phục tiêu dùng sau đại dịch đã không diễn ra. Người dân cảm thấy không an tâm về nền kinh tế, sự gia tăng thất nghiệp hoặc khả năng các đợt phong tỏa có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai và những điều này đã dẫn tới một giai đoạn giảm phát kéo dài. Tiêu dùng trong nước chỉ chiếm 38% tổng GDP của Trung Quốc.
Một người phụ nữ tại một cửa hàng tạp hóa ở Bắc Kinh, vào năm 2020. Sự phục hồi tiêu dùng kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc đã không diễn ra như mong đợi. Ảnh : Mark Schiefelbein/AP
Thứ hai, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh. Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,8% so với cùng kỳ cho dù đã có cải thiện so với tháng 7 – thời điểm xuất khẩu giảm tới 14,5% so với một năm trước đó. Xuất khẩu sang Mỹ và EU lần lượt giảm 17,4% và 10,5%.
Thứ ba, đầu tư theo danh mục đang tháo chạy khỏi Trung Quốc với hơn 3,4 tỷ đô la đã ra đi chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 8. Tuy nhiên, nước này vẫn tục đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các tập đoàn của phương Tây và Nhật Bản cũng đang tích cực đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, Việt Nam và các thị trường mới nổi khác. Tập đoàn HP vừa công bố sẽ rời một dây chuyền sản xuất máy vi tính sang Thái Lan và Việt Nam trong khi Apple đã chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ.
Đàn áp ảnh hưởng tới cảm xúc
Việc Trung Quốc bắt giữ các nhà điều tra thẩm định từ tập đoàn Mintz và Bain, sự ra đời luật tình báo mới cùng với các cuộc bắt giữ các giám đốc điều hành nước ngoài, đã trở thành một rào cản răn đe khác đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự đàn áp này bổ sung thêm vào việc ông Tập bóp nghẹt những bộ phận mang tính đổi mới, sáng tạo nhất của nền kinh tế, lĩnh vực công nghệ nói chung và FinTech (công nghệ tài chính) nói riêng nhằm thâu tóm quyền kiểm soát.
Một nguyên nhân khác là chi phí lao động của Trung Quốc tiếp tục tăng vì dân số giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã lên đến trên 20% trước khi chính phủ ngừng công bố số liệu thống kê này từ tháng 8/2023. Tiền lương lao động ở Trung Quốc tiếp tục tăng so với chi phí này ở các quốc gia đối thủ.
Một người đàn ông đi ngang qua một công trường xây dựng chung cư của tập đoàn nhà phát triển Trung Quốc Country Garden, ở Bắc Kinh, ngày 11/8/2023. Những quan ngại trong lĩnh vực bất động sản nay đã trở thành lo ngại về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc và khả năng tồn tại của mô hình phát triển dựa vào đầu tư. Ảnh : Tingshu Wang/Reuters
Liên quan chặt chẽ tới cuộc khủng hoảng bất động sản là vấn đề nợ. Trung Quốc đang ngập trong nợ nần với tỷ lệ nợ công ở mức 267% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP). Các đơn vị tài chính của các chính quyền địa phương đang gánh khoản nợ hơn 9.000 tỷ USD – tương đương với một nửa GDP của Trung Quốc. Suy thoái kinh tế và sự sụt giảm giá bán và nhu cầu bất động sản sẽ khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là ở vùng xa thành thị. Doanh số bất động sản ước tính chiếm khoảng 1/3 doanh thu của chính quyền địa phương.
Vụ vỡ nợ tại tập đoàn bất động sản Evergrande và gần như vỡ nợ tại tập đoàn Country Gardens và vụ việc tương tự tại hàng chục công ty phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao (tỷ lệ nợ trên tài sản cao) và đang trong hoàn cảnh nợ nần, có thể dẫn tới một dòng thác vỡ nợ. Theo Nikkei, tập đoàn Country Gardens đã công bố khoản lỗ 6,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 và có khoảng 190 tỷ USD nợ khó đòi. Nợ xấu bất động sản tại 32 ngân hàng lớn nhất đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối cùng, chiến lược tăng trưởng dựa trên đầu tư – chiến lược tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc - đã gặp phải trở ngại lớn. Một lượng lớn nợ nần được sử dụng để chi trả cho việc làm đường, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao đã không mang lại tăng trưởng kinh tế. Riêng hệ thống đường sắt của Trung Quốc đã nợ khoảng gần 1.000 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 3% nhưng thời kỳ tăng trưởng chậm đã đến.
Trong khoảng 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã kéo theo tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia Đông Nam Á. Giờ đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tụt lại sau so với kinh tế các quốc gia láng giềng. Vậy, sự kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao của Trung Quốc có tác động như thế nào đối với Đông Nam Á ?
Hàng hóa, du lịch sẽ bị ảnh hưởng
Thứ nhất, thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nước trong khu vực. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN tăng 50%, từ 641,5 tỷ USD năm 2019 lên 975,3 tỷ USD năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm 2023, thương mại đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 447,3 tỷ USD.
Chắc chắn xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc sẽ giảm sút và Indonesia sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hầu hết trong số 54 tỷ USD hàng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc trong năm 2021 là tài nguyên thiên nhiên. Các quốc gia khác trong khu vực có thể cũng sẽ chứng kiến cảnh giá hàng hóa sụt giảm do nhu cầu thấp đi.
Xuất khẩu của các nước như Việt Nam, vốn là một phần của chuỗi cung ứng sản xuất phía Nam Trung Quốc, cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hội chợ việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học tại một nhà thi đấu ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, ngày 4/9/2023. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã ở mức trên 20% trước khi chính phủ nước này ngừng công bố số liệu thống kê vào tháng 8/2023. Ảnh : China Daily/ Reuters
Đầu tư của Trung Quốc trong khu vực sẽ có những diễn biến khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực.
Khi nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, các tập đoàn Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, hiện tại không thể hoặc không muốn thực hiện một số khoản đầu tư lớn tại Trung Quốc, đang tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á.
Theo một báo cáo mới đây về đầu tư trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á do Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown thực hiện, các tập đoàn Alibaba, Tencent và Huawei đã xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu trong khu vực hơn các đối thủ Mỹ đồng thời đang gia tăng đầu tư vào các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) địa phương. TenCent là nhà đầu tư lớn vào công ty công nghệ VNG, một trong số bốn kỳ lân (unicorn) của Việt Nam và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước lớn nhất của nước này.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây, nhà sản xuất chất bán dẫn Tsinghua Unigroup, vốn đã có cơ sở sản xuất tại Singapore, Malaysia và Indonesia, tuyên bố mở rộng hoạt động sản xuất và R&D ở Đông Nam Á.
Tác động lan tỏa không thể tránh khỏi
Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực trong bối cảnh không có Mỹ - nước đã nhường sự ảnh hưởng cho Trung Quốc khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm 2017.
Trung Quốc đang thúc đẩy việc thực thi đầy đủ Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hiệp định có sự tham gia của toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN. RCEP đang đàm phán với ASEAN về việc thành lập một Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) dành cho một thị trường hai tỷ dân. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) là một sự thanh thế không đầy đủ cho Hiệp định TPP xấu số và không phải là một đối trọng với RCEP.
Nhiều công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á để né tránh các lệnh trừng phạt và hạn chế đầu tư của Mỹ hoặc EU. Thêm vào đó, vì phương Tây tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, các công ty Trung Quốc sẽ tìm kiếm xem họ có thể mua gì ở Đông Nam Á thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại.
Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng thống trị một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là sản xuất xe điện. Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang xây dựng dây chuyền lắp ráp trị giá 1,44 tỷ USD tại Thái Lan và cũng đã công bố xây dựng một dây chuyền khác tại Việt Nam để cạnh tranh với VinFast. Trung Quốc sẽ tiếp tục các khoản đầu tư chiến lược vào Đông Nam Á nơi có nhiều nguyên liệu cần thiết cho sản xuất xe điện như niken và đất hiếm.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vẫy tay chào sau khi chụp ảnh cùng lãnh đạo và Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Jakarta, Indonesia, ngày 6/9/2023. Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế của mình với sự thiếu vắng Mỹ, nước đã rút khỏi TPP vào đầu năm 2017. Ảnh Willy Kurniawan / Pool via Reuters
Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á cảm nhận được những ảnh hưởng lan toả từ khu vực bất động sản đang ngập trong nợ nần của Trung Quốc.
Các công ty bất động sản của Trung Quốc trên khắp khu vực Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề và hiện có một sự tức giận đáng kể ở Malaysia về các khu nhà dang dở, việc thanh toán các khoản vay thế chấp và các dự án phát triển nhà chưa hoàn thành. Theo Nikkei, dự án Thành phố Rừng trị giá 100 tỷ USD của tập đoàn Country Garden ở Johor mới chỉ hoàn thành được 15% các hạng mục. Với tình hình giá bất động sản xuống dốc, đây là một lời nhắc nhở về việc Trung Quốc đã xuất khẩu mô hình phát triển bất động sản dựa trên nợ và bong bóng (sự bất ổn định).
Một lượng lớn vốn sẽ tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc. Số lượng văn phòng quản lý quỹ gia đình của người Trung Quốc tại Singapore đã tăng từ 400 vào năm 2021 lên 1.500 vào cuối năm 2022. Khi đầu tư 1,8 triệu USD, người nước ngoài có thể nộp đơn trở thành thường trú nhân tại Singapore. Và những người Trung Quốc từng gửi tiền của họ ở Hồng Kông đang cố gắng đưa tiền của mình vượt ra khỏi tầm với của Bắc Kinh. Điều này đã dẫn đến việc người Trung Quốc mua bất động sản ở Singapore tăng mạnh. Người Trung Quốc cũng mua bất động sản ở Malaysia và Thái Lan nhưng với mức độ thấp hơn.
Trong khi sự chậm lại của Trung Quốc có thể mang lại những cảm xúc lẫn lộn đối với phương Tây, thì Đông Nam Á lại quan ngại rất nhiều về sự suy giảm thương mại, tiềm năng là bao gồm cả sự suy giảm trong đầu tư và ít tiền cho vay phát triển cơ sở hạn tầng và hỗ trợ phát triển. Khu vực này nhiều khả năng cũng sẽ thấy sự sụt giảm du khách Trung Quốc.
Các thể chế kinh tế đa phương và các ngân hàng thương mại lớn đã hạ mức dự đoán tăng trưởng GDP năm 2023 của Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam và giải thích một phần nguyên nhân là do sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
Một Trung Quốc trỗi dậy trong những thập kỷ gần đây có thể đã là kẻ bắt nạt người khác (bully) nhưng điều đó là dự đoán được và tốt cho tăng trưởng. Một Trung Quốc đi xuống, không rõ, sẽ dẫn đến điều gì nhưng nó khiến cho giới tinh hoa chính trị và kinh doanh trong khu vực vô cùng lo lắng.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 25/09/2023
* Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Kinh tế : Khi tư tưởng Tập Cận Bình vấp phải thực tế
Trang nhất ba tờ báo lớn của Paris ngày 15/09/2023 tập trung vào những vấn đề thiết thực với đời sống hàng ngày của dân Pháp.
Ngành xây dựng và mua bán nhà đất tại Trung Quốc bị đóng băng. Ảnh ngày 17/08/2023 chụp tại một công trường củatập đoàn Country Garden. AP - Ng Han Guan
"Mùa tựu trường ảm đạm vì lạm phát", tít lớn trên báo Le Figaro. Báo cáo mới về tình trạng các dịch vụ công, đặc biệt là trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục tại Pháp được công bố, tờ Le Monde nhìn nhận chính phủ có đầu tư thêm nhưng "Nhu cầu lớn hơn nhiều so với những phương tiện đang có". Libération dành hồ sơ chính tổng kết chính sách "bình đẳng nam - nữ" từ khi tổng thống Emmanuel Macron lên cầm quyền năm 2017 : một sự "chắp vá để che mắt thiên hạ".
Trong trang quốc tế, cây bút Alain Frachon trên Le Monde nêu lên những mâu thuẫn trong kinh tế giữa "tư tưởng Tập Cận Bình với thực tế".
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 1978, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1% so với của Hoa Kỳ. Hiện tại tỷ lệ đó là từ 75 đến 80%. Nhưng sau ba năm đại dịch Covid, các đầu máy tăng trưởng tại Hoa lục đang bị hỏng, từ xuất khẩu đến tiêu thụ nội địa hay đầu tư, công nghiệp …
Khác với 15 năm trước đây, hồi 2008 - khi khủng hoảng tài chính dấy lên từ Wall Street, các gói kích cầu của Trung Quốc đã tránh cho thế giới một tai họa. Lần này, Bắc Kinh thông báo một vài biện pháp lẻ tẻ khuyến khích tiêu thụ và đầu tư nhưng chẳng vì thế mà tình hình ở Trung Quốc "sáng sủa hơn", bởi công luận hoài nghi về đà bật dậy của đất nước trong tay Tập Cận Bình.
Từ khi "mở cửa" ra thế giới đến nay, kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều thử thách nhưng lần này ông Tập chủ trương tất cả phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng. Ông sẵn sàng "kềm tỏa lĩnh vực kinh tế tư nhân để thiên về khu vực Nhà nước" cho dù các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động "kém hiệu quả". Hơn nữa, chỉ cần nhìn vào cách Trung Quốc đối xử với các công ty cũng đủ để giới đầu tư nước ngoài hoang mang.
Tạp chí Anh, The Economist từng ghi nhận lãnh đạo Bắc Kinh xem "an ninh toàn diện" của đất nước mới là tham vọng hàng đầu. Có nghĩa là "tăng trưởng trong ngắn hạn không phải là ưu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc". Ông Tập Cận Bình "chuẩn bị cho Trung Quốc để đối phó với một cuộc xung đột dài hơi về kinh tế và có thể cả về mặt quân sự với Mỹ". Nói một cách đơn giản,Trung Quốc đang có một tầm nhìn "xa", muốn đầu tư vào những công nghệ trong tương lai để tự chủ về phương diện này.
Nhìn từ Bắc Kinh, đương nhiên mục tiêu "an ninh toàn diện đó" chỉ có thể đạt được nếu như tất cả mọi việc –cả về đối ngoại lẫn đối nội, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo cây bút bình luận của báo Le Monde, mâu thuẫn ở đây là Tập Cận Bình lại không trông cậy vào lĩnh vực tư nhân để đưa đất nước trở thành một nền kinh tế với những công nghệ tiên tiến nhất. Không có các doanh nghiệp tư nhân "năng động" và "vững chắc", tham vọng thống lĩnh thế giới nhờ công nghệ mới của ông Tập "chỉ là một giấc mơ".
"May mà Lehman Brothers phá sản"
15/09/2008-15/09/2023 : đúng 15 năm trước, ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, kéo theo một cuộc "khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất "từ cuộc đại suy thoái 1929. Nhân dịp này Les Echos chạy hàng tựa khiêu khích : "May mà Lehman Brothers phá sản". Tạo sao lại là "may" ? Nhật báo kinh tế Pháp đưa ra ba yếu tố để trả lời câu hỏi này.
Thứ nhất, chính nhờ "tấm gương" của Lehman Brothers mà các ngân hàng đã "cẩn trọng sắm áo phao an toàn", không cấp tín dụng "bừa bãi và đề phòng sẵn một khối tiền mặt lớn hơn". Nhờ thế mà các ngân hàng lớn đều đã "dễ dàng" vượt qua những giai đoạn khó khăn như trong thời kỳ đầu 2020 khi mà một phần các hoạt động kinh tế của thế giới bị phong tỏa để chống dịch Covid.
Bài học thứ nhì từ vụ Lehman Brothers vỡ nợ là chính quyền Mỹ qua nhiều đời tổng thống liên tục củng cố các cơ chế giám sát tình hình hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Nhờ vậy tránh được "hiệu ứng đô mi nô" xuất phát từ vụ Silicon Valley Bank-SVB phá sản. Ít được công chúng biết đến nhưng SVB là ngân hàng của các công ty khởi nghiệp (start up) cấp hơn 200 tỷ tín dụng cho các thân chủ.
Cái may mắn thứ ba là từ 2008 đến nay, phần lớn các khoản tín dụng địa ốc được cấp theo chế độ lãi suất cố định. Có nghĩa là bên đi vay để mua nhà không bị động trong trường hợp lãi suất ngân hàng tăng lên. Từ một năm qua để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ và BCE của Châu Âu liên tục tăng lãi suất chỉ đạo. Nhờ chế độ lãi suất cố định mà các hộ gia đình không phải trả tiền lãi cho ngân hàng nhiều hơn. Âu Mỹ tránh được một vòng xoáy như kịch bản 2007-2008 xuất phát từ Hoa Kỳ.
Chiến tranh Ukraine đã tràn sang lãnh thổ Romania
Liên quan đến chiến tranh Ukraine, "Kiev vẫn loay hoay đi tìm những ngõ thoát để xuất khẩu ngũ cốc", tựa trên báo Le Monde. Bài phóng sự trên Libération cho thấy Litva đang củng cố đường biên giới phía đông, giáp ranh với Belarus, cánh tay nối dài của Nga để phá rối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Báo Le Figaro chú ý đến hiện tượng ngày càng có nhiều mãnh vỡ drone Nga rơi xuống lãnh thổ Romania, một thành viên NATO.
Đầu tháng 8/2023 tại thị trấn Ceatalchioi, nằm ở cực bắc đồng bằng sông Danube, sát biên giới với Ukraine dân cư hồi hộp lo âu trước những đợt oanh kích của Nga. Không khí ở đây cũng trĩu nặng như trên lãnh thổ Ukraine sát cạnh. Ở bên kia sông, cách xa chưa đến 300 mét là cảng Izmail, một cửa ngõ mang tính sống còn để đưa nông phẩm Ukraine ra khỏi vùng có chiến tranh. Cảng này đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của quân Nga.
Drone tự sát của Nga liên tục lai vãng khu vực này và không hề phân biệt đâu là ranh giới giữa Ukraine với Romania. Kiev xác định "có bằng chứng " Nga vi phạm không phận của Romania. Tổng thống Romania ban đầu cương quyết chối bỏ thực tế ấy trước đổi ý. Bộ trưởng quốc phòng nước này kêu gọi công luận tỉnh táo "phân biệt giữa một sự cố với những hành vi gây hấn" nhắm vào một thành viên NATO.
Phóng sự trên báo Le Figaro trích dẫn một dân cư địa phương, Daniel Tanase, ông này phẫn nộ cho biết phải trải qua ba đợt Nga oanh kích sát bên kia sông, thì họ mới được chính quyền báo động về "một mối nguy hiểm đang rình rập".
Tại Kiev, cố vấn của tổng thống Zelensky lên án Bucarest "im lặng " như thể ngầm "cho phép Nga sử dụng không phận của các nước láng giềng sát cạnh Ukraine, để từ đó dùng tên lửa tấn công Ukraine".
Ý bị quá tại vì người nhập cư
Thất bại của nữ thủ tướng Ý Giorgia Meloni trên vấn đề nhập cư. Cách nay đúng một năm bà Meloni đảng cựu hữu lên cầm quyền với hứa hẹn thiết lập một "vành đai bảo vệ nước Ý trước các làn sóng di dân".
Nhưng báo Les Echos và Le Figaro cùng ghi nhận trong vỏn vẹn hai ngày 12 và 13/09/2023 đã có 8.000 người nhập cư cập bến cảng đảo Lampedusa, "con số này như vậy đông hơn cả so với toàn bộ dân cư" trên hòn đảo. Từ đầu năm tới nay tổng cộng đã có 126.000 người nước ngoài đổ bộ lên Lampedusa, miền nam nước Ý. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2022.
Khi lên cầm quyền lãnh đạo đảng cựu hữu này từng quả quyết bà sẽ thuyết phục các đối tác trong Liên Âu chia sẻ với Roma gánh nặng đón nhận người nhập cư. Nhưng rồi Meloni đã thất bại. Les Echos nói đến "một thất bại ê chề về mặt ngoại giao" của thủ tướng Ý, cả với những đối tác ngoài Liên Âu như Tunisia, hay những đồng minh thân thiết nhất trong Liên Hiệp. Berlin vừa thông báo ngưng đón nhận người nhập cư từ Ý sang. Còn Paris tăng cường các lực lượng biên phòng ở đường biên giới với Ý.
Lòng can đảm của phụ nữ Iran
Trước kỷ niệmmột năm phụ nữ Iran vùng lên đòi tự do phơi trần mái tóc, sau cái chết thảm của một cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Ngày 16/09/2022 Amini bị cảnh sát đạo đức Iran hành hung đến chết chỉ vì đeo khăng choàng đầu của người Hồi giáo không đúng cách, để lộ mái tóc ra ngoài. Từ đó đến nay phong trào bất phục tùng dân sự tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran với khẩu hiệu : Phụ nữ, Sự sống và Tự do vẫn bền bỉ. Hàng chục người đã chết, hàng ngàn người bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì đòi quyền tự do từ bỏ khăn choàng đầu, họ xem quyền tự định đoạt để tóc dài, hay ngắn, nhuộm tóc hay không và ra đường không phải che kín mái tóc... là một thứ quyền cơ bản. Báo La Croix dành 3 trang báo để nói về lòng can đảm của phụ nữ Iran trong lúc chế độ độc tài và bảo thủ ở Tehran "nhất quyết không nhượng bộ một ly".
Caroline Guiela Nguyễn, cô là ai ?
Trong khi đó tại một đất nước tự do như ở Pháp, Caroline Guiela Nguyễn, 42 tuổi, một kịch tác gia, một nhà đạo diễn sân khấu kịch nghệ là phụ nữ duy nhất điều hành một trong 5 nhà hát quốc gia.
Cũng La Croix phác họa chân dung của người nghệ sĩ mà tờ báo đánh giá là "một trong những tài năng có sức lôi cuốn nhất trong thế hệ của cô". Caroline Guiela Nguyễn chính thức điều hành Nhà hát Quốc gia Strasbourg từ đầu tháng 9 và để đánh dấu điểm khởi đầu này, cô mời dân cư thành phố đến dự những buổi hòa nhạc, văn nghệ, tham gia các chương trình nấu ăn… Bởi đấy là nhịp cầu giao lưu giữa các nền văn hóa. Caroline mang hai dòng máu Algeria và Việt Nam. Trước khi được mời điều hành Nhà hát Quốc gia Strasbourg, cô đã là một nghệ sĩ thành danh, là người sáng lập ra đoàn kịch Les Hommes Approximatifs, tên gọi được mượn từ tập thơ của thi sĩ người Romania Tristan Tzara. Caroline Guiela Nguyễn đã dựng nhiều vở kịch, trong đó có tác phẩm như là Saigon hay Fraternité, Conte fantastique. Những vở kịch này đã gây tiếng vang lớn tại liên hoan kịch nghệ Avignon năm 2017 và 2021. Cô đang ấp ủ một dự án mới và chuẩn bị cho ra mắt công chúng vào tháng 5/2024. Vở kịch mới của Caroline lấy nguồn cảm hứng từ những người thợ thêu Ấn Độ và những nghệ nhân làm đăng-ten của thành phố Alençon, vùng Normandie miền tây bắc nước Pháp.
Thanh Hà
Trung Quốc : Khủng hoảng địa ốc bộc lộ những điểm yếu trong mô hình kinh tế
Philippe Aguignier, Chi Phương, RFI, 29/08/2023
Gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhiều dấu hiệu khiến giới đầu tư và các nhà kinh tế lo ngại : xuất khẩu giảm, tiêu dùng giảm, thậm chí là nguy cơ xảy ra giảm phát. Theo chuyên gia kinh tế Philippe Aguinier, tại viện nghiên cứu Institut Montagne, mô hình kinh tế giúp Trung Quốc đạt được những tăng trưởng đáng kể trong hàng chục năm qua đã không còn hiệu quả nữa, "nhưng chưa ai biết mô hình nào có thể thay thế".
Một người đi gần Trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/07/2023. Reuters – Thomas Peter
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản bắt đầu từ vài năm qua, tiếp tục trầm trọng hơn khi những nhà đầu tư địa ốc lớn như Country Garden bên bờ vực phá sản, vì không trả được nợ, phải xin tái cấu trúc nợ vào tháng 8/2023. Theo Bloomberg, các công ty xây dựng thuộc doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc cũng báo cáo lỗ trong 6 tháng đầu năm nay.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố các số liệu quan trọng, như tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ, sau 6 tháng liên tiếp tỷ lệ này tăng ở mức kỷ lục. Bắc Kinh cũng ngừng công bố khảo sát về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng (China consumer confidence index) sau khi các báo cáo trước đó chỉ ra rằng chỉ số này ngày càng xuống thấp, do người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin.
Vào tháng Bảy, thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy, giá trị xuất khẩu giảm 14,5% so với cách nay 1 năm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ vào tháng 2/2020, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và sản xuất. Đồng Nhân dân tệ, hôm 16/08 vừa qua, đã xuống mức thấp nhất từ 16 năm qua, (1 đô la đổi 7,29 nhân dân tệ).
Tám tháng kể từ khi chấm dứt chính sách "Zero Covid", kinh tế Trung Quốc không đưa ra bất cứ dấu hiệu phục hồi nào. Về tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn kinh tế gia Philippe Aguignier, giảng dạy môn kinh tế Trung Quốc tại Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông - Inalco, ông cũng là nhà nghiên cứu tại Institut Montagne.
RFI : Tình hình kinh tế Trung Quốc không mấy khởi sắc có phải là điều khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên ? Liệu đây có phải là điều có thể dự đoán trước hay không ?
Philippe Aguignier : Tất cả những ai theo dõi kinh tế Trung Quốc đều biết rằng điều này không bắt đầu từ hôm qua mà từ vài năm nay. Đại dịch Covid-19 trên thực tế chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề nội tại của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng đã giải thích cách nay vài năm rằng không thể duy trì tăng trưởng 9% 10% và cần phải làm quen với một hiện tượng mà tiếng Trung gọi là tình trạng "bình thường mới". Tức là trước kia, tăng trưởng 10% là bình thường thì bây giờ Bắc Kinh hy vọng chỉ khoảng 5%.
Tôi thấy tỷ lệ này vẫn còn quá tham vọng (…) Có nhiều lý do dẫn đến tăng trưởng của Trung Quốc giảm. Thứ nhất là tình trạng dân số giảm (nhân lực vốn là một lợi thế của Trung Quốc). Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư hạ tầng và bất động sản. Đến khi các công trình xây đường sắt, đường cao tốc, bị chậm tiến độ, đã xây quá nhiều rồi những vẫn tiếp tục xây dựng thêm nữa thì lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới không là bao.
RFI : Nói đến thị trường bất động sản, vốn chiếm hơn 20% GDP của Trung Quốc, hiện đang điêu đứng vì nhiều công ty bất động sản lớn gặp khó khăn, thiếu thanh khoản, không thể thanh toán nợ đáo hạn… điều này có tác động như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc ?
Philippe Aguignier :Tại Trung Quốc, cách nay 30, 40 năm, nhu cầu về nhà ở tăng mạnh, vì dân số tăng, đi kèm với hiện tượng đô thị hoá. Do vậy chính quyền đã cấp các khoản vay để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khi quá trình đô thị hoá chậm lại, nhiều người đã mua được nhà, nhu cầu giảm. Cán cân cung cầu có sự chênh lệch, nhưng các nhà đầu tư bất động sản vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà, vì điều này tạo ra hoạt động kinh tế. Chính quyền địa phương rất hài lòng vì thu được tiền từ thuế (mua bán đất). Tuy nhiên vấn đề là khi có nhiều nhà không bán được thì số nợ cũng tăng theo. Các nhà đầu tư vốn đang mắc nợ nhưng vẫn tiếp tục xây thêm nhà trong thời gian dài.
Mọi người chắc chắn vẫn nhớ đến cuộc khủng hoảng Evergrande cách nay 2 năm, trước đại dịch Covid. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà cả xã hội. Hàng triệu người đã mua nhà trên bản vẽ trước, nhưng nếu các nhà đầu tư bất động sản ngừng xây dựng thì những người đã trả tiền mua nhà không có nhà. Do vậy, thị trường bất động sản có những dấu hiệu suy yếu. Có thể nói rằng đó là một hiện tượng "ứng xử theo dự đoán" (anticipations auto-réalisatrices), nghĩa là mọi người bắt đầu lo lắng rằng giá sẽ giảm, và không đi mua vội. Vì họ cho rằng nếu không mua hôm nay thì sẽ rẻ hơn ngày mai, vậy nên đợi đến ngày mai. Khi cầu càng ít thì giá lại tiếp tục giảm. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn, tồi tệ hơn, như rơi vào một vòng luẩn quẩn, khó có thể ra khỏi.
RFI : Tình hình hiện nay ở Trung Quốc gợi lại cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản vào cuối những năm 1990, khiến kinh tế Nhật Bản bị chững lại trong một khoảng thời gian dài vì giảm phát. Liệu kinh tế Trung Quốc có đang phải đối mặt với giảm phát hay không ?
Philippe Aguignier : Tất cả mọi người đều hốt hoảng vì những chỉ số mới ra gần đây, cho thấy giá cả đã giảm xuống, giá tiêu dùng cũng như giá sản xuất. Tuy nhiên, nếu xét kĩ, thì giá tiêu dùng so với cách nay 1 năm đúng là có giảm, nhưng so với tháng Bảy thì có tăng một chút. Do vậy vẫn còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát. Nhưng có thể nói rằng một số lĩnh vực trong kinh tế Trung Quốc trong tình trạng giảm phát, nhất là tại thị trường bất động sản, đó lại là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Giảm phát tức là tình trạng giá cả giảm xuống kéo dài, không chỉ người tiêu dùng, nhà sản xuất, các doanh nghiệp, tất cả đều dự trù giá sẽ giảm, tức là dự trù giảm hoạt động kinh tế. Người tiêu dùng không mua ngay vì giá có thể còn giảm nữa trong 6 tháng hay một năm sau. Như vậy là tình hình ngày càng xấu đi (hiện tượng quả cầu tuyết) và kinh tế rơi vào suy thoái. Cầu càng ít thì cung cũng giảm. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm cho nền kinh tế và cần phải tránh. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc biết chuyện gì đang xảy ra và nhận thức được rủi ro và sẽ có nhiều biện pháp để đối phó. Vẫn còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc giảm phát, cần phải chờ thêm một vài quý nữa mới có thể đánh giá được.
RFI : Vào tuần trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiếp tục giảm lãi suất, để khuyến khích cho vay với lãi ưu đãi. Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm tỉ lệ trả trước và lãi suất cho vay đối với một số đối tượng mua nhà. Ông đánh giá thế nào về biện pháp mà chính quyền Trung Quốc đưa ra ?
Philippe Aguignier : Trung Quốc không ở trong tình huống giống như Hoa Kỳ hay Châu Âu phải đối mặt với lạm phát. Tức là khi lạm phát xảy ra thì tăng lãi suất, nhưng Trung Quốc thì khác, lạm phát ở mức 0% thậm chí còn âm, giảm lãi suất là cách để kích hoạt lại nền kinh tế, do vậy khá là logic, nhưng hiệu quả thì ra sao thì khó có thể nói được. Khi lãi suất cho vay thấp, thì người vay sẽ trả ít lãi hơn. Nhưng tùy thuộc vào tình hình kinh tế của mỗi người. Trước nguy cơ giảm phát, giá giảm, thì không ai muốn đầu tư ngay cả khi lãi suất cho vay thấp.
RFI : Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó khăn, kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động như thế nào ?
Philippe Aguignier : Dĩ nhiên đây không phải là điều tích cực đối với kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Châu Âu, như Pháp chẳng hạn, mặc dù vốn nhập từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất sang
Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì có nghĩa cầu sẽ ít hơn, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ (tiếp tục giảm). Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn, tất cả các nước xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước ở Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Ngoài ra, phải nói rằng Trung Quốc có khả năng sản xuất công nghiệp rất lớn, lớn hơn cả nhu cầu nội địa. Nếu như thị trường nội địa đã quá tải thì điều gì sẽ xảy ra ? Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu nhiều hơn, và có khả năng phá giá. Vậy thì một số lĩnh vực mà Trung Quốc vốn đang cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới, sẽ càng cạnh tranh khốc liệt hơn
Đó là điều đã xảy ra cách nay vài năm, trong lĩnh vực pin mặt trời. Các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất với giá thấp, nên họ đã phá giá thị trường quốc tế, khiến các nhà sản xuất khác không có chỗ đứng, bị phá sản.
Điều này có thể xảy ra trong các thị trường khác, hiện nay là xe điện. Khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc quá lớn, mà thị trường tiêu thụ trong nước không thể đáp ứng. Do vậy có nguy cơ, xe điện Trung Quốc có thể tấn công vào thị trường của phương Tây.
RFI : Nhưng mỗi khi kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề, nhiều người nói đến mô hình kinh tế Trung Quốc đã sụp đổ, ông có nhận định như thế nào về điều này ?
Philippe Aguignier : Tôi nghĩ rằng một phần là đúng. Trung Quốc đã duy trì một mô hình kinh tế trong thời gian dài : ưu tiên đầu tư so với tiêu dùng. Nhưng mô hình này dần không hiệu quả nữa. Cách nay vài năm, lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới đã giảm. Vì ngày càng có nhiều đầu tư được tài trợ từ các khoản nợ, điều này dẫn đến những vấn đề trong hệ thống tài chính. Các doanh nghiệp bị nợ quá nhiều. Do vậy, ngày nay cần phải thay đổi mô hình kinh tế này, tức là tăng tiêu dùng so với đầu tư. Điều này nói thì dễ nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào.
Ví dụ trong lĩnh vực địa ốc, rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thì hiện nay, cầu ngày càng giảm, do vậy cần phải có điều chỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản, chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền địa phương, của các tỉnh thành lớn, đã sử dụng thị trường bất động sản để có được nguồn thu tài chính. Đó là một nguồn thu nhập lớn. Ban đầu là từ lĩnh vực địa ốc, sau đó là việc bán đất, thuế thu được từ bán đất…
Để thay đổi mô hình kinh tế thì cần phải thay đổi toàn bộ mô hình tài chính của chính quyền cấp địa phương, đây không phải là điều dễ dàng, không thể làm được trong ngày một ngày hai. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc nhận thức được điều này nhưng không thể tìm được giải pháp ngay lập tức.
Khi có quá nhiều nợ, và những khoản nợ này không thể hoàn toàn trả được thì có nghĩa là sẽ bị thất thoát vốn và cần phải chia ra, ai sẽ trả ? Nhà nước Trung ương ? hay các chính quyền địa phương ? Người tiêu dùng hay ngân hàng ?
Đây là vấn đề khá phức tạp và cũng là một vấn đề chính trị.
Mô hình kinh tế Trung Quốc đúng là đã kiệt quệ, nhưng không ai có ý tưởng rõ ràng về một mô hình mới, và làm sao có thể thay thế mô hình cũ này.
Chi Phương
Nguồn : RFI, 29/08/2023
**************************
Trung Quốc có còn là một nước đang phát triển ?
VOA, 30/08/2023
Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển hay đã phát triển, từ lâu đã là đề tài tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và giới chuyên gia về Trung Quốc - đặc biệt khi Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trở thành một cường quốc sản xuất toàn cầu.
Ô tô Trung Quốc chờ xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ngày 7/12/2021.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở Johannesburg, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "Trung Quốc đã và sẽ luôn là thành viên của [các] nước đang phát triển".
Tuy nhiên, tại Washington, các nhà lập pháp tại Quốc hội đã đưa ra luật yêu cầu chính quyền Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế để tước bỏ tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc.
Cuộc tranh luận nghe có vẻ hàn lâm nhưng nó có ý nghĩa thực tế. Những lợi ích đi kèm với nhãn hiệu quốc gia đang phát triển bao gồm ưu đãi thuế quan từ các nước phát triển, giúp hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Trung Quốc cũng sử dụng vị thế đang phát triển của mình để biện minh cho việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp như đánh cá và công nghệ, cho dù nhiều ngành do nhà nước sở hữu và có tác động toàn cầu.
Tình trạng phát triển của một quốc gia được xác định theo nhiều cách khác nhau bởi các tổ chức quốc tế khác nhau. Ví dụ, Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các quốc gia tự xác định là "đang phát triển" hoặc "đã phát triển".
Các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sử dụng nhiều số liệu khác nhau để đo lường mức sống của một quốc gia, sử dụng các chỉ số như thu nhập quốc dân bình quân đầu người, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, tuổi thọ và các chỉ số về giáo dục.
Weifeng Zhong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mercatus của đại học George Mason, nói với VOA rằng đây là những cách khác nhau để cố gắng đo lường cùng một thứ.
"Tôi nghĩ vấn đề nằm ở mức độ bình quân đầu người - nghĩa là mỗi người - thu nhập cao như thế nào, vì vậy khi thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở một quốc gia đủ cao, chúng tôi nghĩ họ là quốc gia đã phát triển chứ không phải quốc gia đang phát triển", ông Zhong nói.
Trung Quốc được phân loại như thế nào ?
Bắc Kinh tự xếp mình là quốc gia "đang phát triển" trong WTO. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc xếp Trung Quốc là quốc gia có "thu nhập trung bình cao", trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gọi nước này là "nền kinh tế mới nổi và đang phát triển".
"Chúng ta có một đất nước có nhiều đặc điểm của một quốc gia đang phát triển và có đủ tiêu chuẩn về mặt lịch sử là một quốc gia đã phát triển và về mặt kỹ thuật vẫn đủ tiêu chuẩn là một quốc gia đang phát triển, nhưng cũng có nhiều đặc điểm của một nền kinh tế tiên tiến giàu có và theo cách nào đó là một nền kinh tế giàu có tiên tiến lớn", ông Philippe Benoit, giám đốc nghiên cứu Phân tích Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu và Tính bền vững 2050, nói với VOA.
Trung Quốc cũng thách thức việc phân loại dựa theo một chỉ số thường được sử dụng khác – mức tiêu thụ năng lượng. Ông Benoit nói : "Vì lý do cơ cấu, nhu cầu năng lượng, việc sử dụng năng lượng ở Trung Quốc sẽ tăng trong một số năm cho đến khi họ đạt được mức độ phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người cho phép họ đạt được mức đó".
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy nhà nước tìm kiếm nguồn lực ở các nước đang phát triển nghèo hơn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thường hành xử như một quốc gia đã phát triển trên bình diện quốc tế. Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latin, Châu Phi và Trung Á, dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng.
Ông Benoit gọi Trung Quốc là "siêu cường hai thì". Ông nói triển vọng sức mạnh toàn cầu của nước này xấp xỉ sức mạnh của một siêu cường truyền thống và nó thể hiện những đặc điểm của một quốc gia đã phát triển như các khoản đầu tư lớn vào công nghệ và đường sắt cao tốc. Trung Quốc cũng có các thành phố phát triển cao như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhưng ông nói thêm, Trung Quốc cũng có những đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như tình trạng nghèo đói dai dẳng ở nhiều khu vực trong nước. Năm 2019, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy hơn 35% dân số Trung Quốc vẫn thiếu công nghệ nấu ăn sạch và phụ thuộc vào các loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao như than đá.
"Điều chúng tôi muốn nói khi gọi là đang phát triển nghĩa là một quốc gia phải đối mặt với những vấn đề nghèo đói nghiêm trọng - nơi không có đủ khả năng tiếp cận với nước, vệ sinh, giao thông, giáo dục - những quốc gia có mức sống cơ bản nhìn chung là thấp một cách không thể chấp nhận", ông Benoit nói.
Ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston kiêm phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John King Fairbank thuộc Đại học Harvard, nói với VOA rằng việc phân loại các quốc gia đang phát triển không còn phù hợp với thực tế kinh tế do việc giảm nghèo cùng cực và vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai của Trung Quốc và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Ông Ross nói : "Nhiều người Trung Quốc thừa nhận ‘việc coi chúng tôi là một quốc gia đang phát triển là vô nghĩa’ và họ sẽ thừa nhận rằng điều đó phá hoại cả lợi ích của các nước đang phát triển và mang lại cho họ những lợi thế không công bằng trong nền kinh tế nội địa Mỹ".
Quan hệ Mỹ-Trung
Nghi vấn về tình trạng phát triển của Trung Quốc đã làm tăng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Vào tháng 3 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một dự luật mang tên "Đạo luật về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Không phải là Quốc gia Đang phát triển".
Vào ngày 8/6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận dự luật, hiện được đổi tên thành "Đạo luật Chấm dứt Tình trạng Quốc gia Đang phát triển của Trung Quốc". Ủy ban kêu gọi Bộ Ngoại giao "thực hiện các hành động để ngăn chặn việc Trung Quốc được các tổ chức quốc tế xếp vào danh sách quốc gia đang phát triển". Chưa có ngày nào được ấn định để toàn bộ Thượng viện bỏ phiếu về dự luật này.
Đáp lại việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chấp thuận dự luật vừa kể, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang cố gắng phá hoại sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Uông nói trong cuộc họp báo ngày 9/6: "Vị thế của Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới bắt nguồn từ thực tế và luật pháp quốc tế. Đó không phải là điều có thể dễ dàng bị xóa bỏ bởi một dự luật của Quốc hội Hoa Kỳ". Ông nói thêm : "Mỹ không có quyền quyết định liệu Trung Quốc có phải là một quốc gia đang phát triển hay không".
Ông Ross cho biết tình trạng phát triển của Trung Quốc "không phải là một câu hỏi quan trọng", mà là vấn đề chính trị giữa hai siêu cường cạnh tranh.
"Trung Quốc đang chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, và cùng với đó, Hoa Kỳ có một cuộc chiến thương mại và một cuộc chiến công nghệ nhằm làm suy yếu sự phát triển kinh tế và phát triển công nghệ của Trung Quốc. Về phần Trung Quốc – đó là phần đang cạnh tranh với Hoa Kỳ – họ sẽ sử dụng mọi công cụ có sẵn để cải thiện vị thế của mình".
Với việc nhiều quốc gia đang phát triển được hưởng lợi từ đầu tư và thương mại của Trung Quốc, ông Ross cho biết những quốc gia này khó có thể tán thành những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi tình trạng phát triển của Trung Quốc, đặc biệt vì họ coi vấn đề này là một cuộc khẩu chiến chính trị giữa hai siêu cường.
Nguồn : VOA, 30/08/2023
**************************
Trung Quốc : Đa dạng các cách ‘treo thưởng’ để khuyến khích sinh sản
Reuters, VOA, 30/08/2023
Một quận ở miền đông Trung Quốc treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (137 đô la) cho các cô dâu dưới 25 tuổi, biện pháp mới nhất nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn trong bối cảnh lo ngại gia tăng vì tỷ lệ sinh giảm sút.
Kiểm tra sức khỏe trẻ em hàng ngày tại một bệnh viên sản khoa ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày 3/12/2012.
Thông báo được công bố trên tài khoản Wechat chính thức của quận Trường Sơn vào tuần trước, cho biết phần thưởng nhằm thúc đẩy "kết hôn và sinh con phù hợp với lứa tuổi". Thông báo cũng bao gồm một loạt các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, sinh sản và giáo dục cho các cặp vợ chồng sinh con.
Lo ngại về sự sụt giảm dân số đầu tiên của Trung Quốc sau 60 năm và tình trạng dân số già đi nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc đang khẩn trương thử nghiệm một loạt biện pháp nhằm nâng tỷ lệ sinh, bao gồm khuyến khích tài chính và cải thiện cơ sở chăm sóc trẻ em.
Giới hạn độ tuổi kết hôn hợp pháp của Trung Quốc là 22 đối với nam và 20 đối với nữ, nhưng số lượng các cặp vợ chồng kết hôn đang giảm. Điều đó đã làm giảm tỷ lệ sinh do các chính sách chính thức khiến phụ nữ độc thân khó sinh con hơn.
Tỷ lệ kết hôn đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022 ở mức 6,8 triệu, thấp nhất kể từ năm 1986, theo dữ liệu chính phủ công bố vào tháng 6 năm nay. Số cuộc kết hôn năm ngoái ít hơn năm trước đó là 800.000.
Chi phí chăm sóc con cái cao và việc phải dừng sự nghiệp đã khiến nhiều phụ nữ không muốn sinh thêm con hoặc không muốn có con. Phân biệt giới tính và định kiến truyền thống về việc phụ nữ chăm sóc con cái vẫn còn phổ biến khắp cả nước.
Niềm tin của người tiêu dùng thấp và mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc cũng là những yếu tố chính được giới trẻ Trung Quốc viện dẫn cho việc không muốn kết hôn và sinh con.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 30/08/2023
**************************
Cổ phiếu bất động sản Evergrande của Trung Quốc khủng hoảng, lao dốc 80%
Annabelle Liang, BBC, 28/08/2023
Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande đang gặp khó khăn, giảm khoảng 80% khi họ bắt đầu giao dịch tại Hong Kong lần đầu tiên sau một năm rưỡi tạm dừng.
Evergrande đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cổ phiếu Evergrande đã mất hơn 99% giá trị trong ba năm qua khi Bắc Kinh trấn áp các công ty bất động sản.
Evergrande đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Vào Chủ nhật, công ty đã lỗ 33 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm.
Tuy nhiên, đó là sự khởi sắc so với khoản lỗ 66,4 tỷ nhân dân tệ mà hãng đã báo cáo cùng kỳ năm trước.
"Các giám đốc của công ty đã thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình thanh khoản và tình hình tài chính của tập đoàn", Evergrande cho biết trong hồ sơ gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Công ty nói thêm rằng doanh thu của họ trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng 44% lên 128,2 tỷ nhân dân tệ so với một năm trước đó. Tuy nhiên, lượng tiền mặt dự trữ lại giảm 6,3% trong cùng kỳ.
Cổ phiếu Evergrande đã bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3 năm ngoái.
"Chìa khóa cho các nhà hoạch định chính sách tại thời điểm này là ngăn chặn sự lây lan tài chính và hạn chế hiệu ứng lan tỏa sang hệ thống tài chính tổng thể", Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại công ty đầu tư Vanguard nói với BBC.
Bà nói thêm : "Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cung cấp thêm hỗ trợ thanh khoản và tín dụng cho nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản".
Các vấn đề trên thị trường bất động sản Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cũng trong hôm thứ Hai, Trung Quốc đã giảm một nửa thuế 0,1% đối với giao dịch chứng khoán để "tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư".
Động thái này diễn ra vài ngày sau khi ngân hàng trung ương nước này lần thứ hai cắt giảm một trong những mức lãi suất trọng yếu trong vòng ba tháng, trước tình trạng xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.
Các chỉ số cổ phiếu chính ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục đều giao dịch cao hơn sau tin tức này.
Tháng trước, Evergrande tiết lộ rằng trong năm 2021 và 2022, công ty đã lỗ tổng cộng 581,9 tỷ nhân dân tệ.
Đầu tháng này, Country Garden, cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo rằng họ có thể lỗ tới 7,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ vị trí của công ty với lý do "rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn tăng cao".
Ngành bất động sản Trung Quốc rung chuyển khi các quy định mới nhằm kiểm soát lượng tiền mà các công ty bất động sản lớn có thể vay được đưa ra vào năm 2020.
Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, đã phải gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD khi táo bạo mở rộng để trở thành một trong những công ty lớn nhất đất nước.
Công ty đã bỏ lỡ thời hạn quan trọng vào năm 2021 do không thể thanh toán lãi cho khoản vay quốc tế trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.
Evergrande đang nỗ lực tái đàm phán các thỏa thuận của mình với các chủ nợ sau khi không trả được nợ.
Đầu tháng này, công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án ở New York.
Chương 15 bảo vệ tài sản của một công ty nước ngoài tại Hoa Kỳ trong khi công ty này tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ của mình.
Các vấn đề tài chính của Evergrande đã ảnh hưởng đến ngành bất động sản của đất nước, với hàng loạt chủ đầu tư khác vỡ nợ và các dự án xây dựng trên khắp cả nước rơi vào tình trạng "đắp chiếu".
Annabelle Liang
Nguồn : BBC, 28/08/2023
Những bóng mây đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với cú nổ của quả bong bóng địa ốc, kinh tế bị chững lại một cách nghiêm trọng, là chủ đề được nhiều báo số ra hôm 21/08/2023 quan tâm.
Một công nhân nhìn lên tòa chung cư đang xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/08/2023 Reuters – Tingshu Wang
Nếu như Le Monde đặt câu hỏi "Liệu kinh tế Trung Quốc có trên bờ vực sụp đổ hay không ?" thì Les Echos liệt kê những dấu hiệu tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc : nhu cầu nội địa cũng giảm, đồng nhân dân tệ bị sụt giá mạnh trước đồng đô la (khoảng 7,3 nhân dân tệ đổi một đô la, ở mức thấp nhất hôm 19/08). Tình trạng lạm phát gia tăng ở các nước phương Tây khiến xuất khẩu bị sụt giảm, chưa kể đến cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung với các hạn chế mà Mỹ áp đặt.
Nếu như Trung Quốc được gọi là "công xưởng của thế giới", sự phát triển, trên thực tế, một phần đến từ đầu tư công vào hạ tầng cơ sở vật chất và đầu tư tư nhân trong lĩnh vực địa ốc, như nhận định của Le Monde. Về phần mình, trong bài "Mây đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc", Les Echos cho biết, bất động sản là một trong những trụ cột lớn của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 25% GDP và 20% việc làm. Những khó khăn của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này như Country Garden và Evergrande đã khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc bị căng thẳng.
Ngoài ra, phải kể đến tập đoàn Zhongzhi, quản lý khối tài sản trị giá hơn 1000 tỷ nhân dân tệ, đã đầu tư vào nhiều dự án do những phục hồi vào năm ngoái. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã đặt cược nhầm và hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, không thể chi trả các nhà đầu tư, đã phải kêu gọi xin tái cấu trúc nợ vào cuối tháng Bảy vừa qua. Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, theo dữ liệu từ Bloomberg được Les Echos trích dẫn, 18 trong số 38 doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực này tại Hồng Kông và Hoa lục đều đã tuyên bố lỗ vào quý trước, trong khi cách nay hai năm, con số này chỉ là hai doanh nghiệp.
Những vòng luẩn quẩn
Le Monde cho biết nhiều dự án bất động sản đã bị ngừng xây dựng vì thiếu nguồn vốn, do vậy một số đường dây vay tín dụng đặc biệt đã được mở ra để cho phép hoàn thiện các công trình này. Các doanh nghiệp nhà nước đã buộc phải tiếp nhận lại các dự án bất động sản từ các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn. Một vòng luẩn quẩn đã được tạo ra : giá nhà giảm, người dân đề phòng, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
Các ngân hàng của Nhà nước Trung Quốc cũng đã buộc phải hành động, mua nhân dân tệ để bình ổn giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên một vòng luẩn quẩn khác là đồng nhân dân tệ giảm khiến các nhà đầu tư bỏ chạy, khi không còn nguồn đầu tư thì nhân dân tệ lại càng giảm. Vào tháng Bảy, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát.
Theo nhật báo kinh tế Pháp, "có những thứ bị mục rữa trong triều đại của Tập Cận Bình". Nền kinh tế Trung Quốc vốn khó có thể phục hồi ở mức trước đại dịch Covid-19, lại càng khó đạt được tăng trưởng ở mức 5% vào năm nay. Xã luận của Les Echos thì đề cập đến cuộc khủng hoảng niềm tin tại các gia đình Trung Quốc. Khi các doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt với một "kho nhà khổng lồ không bán được", thì các nhà đầu tư, đặc biệt là những người cao tuổi phải chịu tác động lớn nhất vì đó là khoản tiền tiết kiệm của họ.
Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm như vậy thì kinh tế thế giới sẽ bị tác động ra sao ? Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc phải đối mặt chưa đến mức nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng hồi năm 2008 mà có thể giống hơn với trường hợp năm 1991 ở Nhật Bản, khủng hoảng kinh tế khiến kinh tế bị chững lại trong một thời gian dài. Điều đáng lo ngại là rủi ro cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản lan sang lĩnh vực tài chính.
Tác động từ cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc đối với thế giới chủ yếu là đến thị trường năng lượng và nguyên liệu thô. Trung Quốc tiêu thụ 56% đồng của thế giới. Các đối tác kinh tế chính của Trung Quốc, như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, cũng sẽ bị liên lụy. Hồi tháng Bảy, Đức đã đưa ra kế hoạch nhằm giảm thiểu những rủi ro từ Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng điều này lại có hơi hướng chính trị nhiều hơn.
Giới chuyên gia dẫu sao vẫn cho rằng Trung Quốc có nguồn lực để giải quyết các khoản nợ đó, ví dụ như ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, nhưng các biện pháp mà chính quyền đưa ra là chưa đủ, theo nhận định của Le Monde. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tìm mọi cách để che đậy những khó khăn về kinh tế, ví dụ như ngừng công bố số liệu những người trẻ thất nghiệp. Tuy nhiên, Le Monde kết luận "dù tình hình kinh tế không mấy tích cực nhưng quyền lực của Tập Cận Bình không vì thế mà bị suy yếu".
Linh kiện vũ khí của phương Tây được phát hiện trong vũ khí của Nga
Về chiến sự tại Ukraine, Le Monde quan tâm đến nguồn gốc các loại vũ khí mà Nga sử dụng với bài phóng sự được gửi về từ Ukraine có tựa đề "Tại Kiev, cuộc giải phẫu vũ khí của Nga tiết lộ những bí mật". Các chuyên gia về chất nổ ở thủ đô Ukraine phân tích từng linh kiện trong drone hay tên lửa của Nga, được mang về từ chiến trường ở miền đông, để xác định nguồn gốc. Có những linh kiện được xác định là được sản xuất từ các doanh nghiệp của Áo, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là từ Hoa Kỳ, thông qua số seri và thương hiệu. Với những thông tin trên, cơ quan phụ trách điều tra này sẽ truyền thông tin cho chính quyền nước đó với hy vọng ngăn chặn các nhà sản xuất này chuyển giao linh kiện cho quân đội Nga.
Về phần mình, Les Echos quan tâm đến những người tị nạn Ukraine ở Đức, được xem như là một nguồn lực lao động đầy hứa hẹn. Trong số hơn một triệu người tị nạn đã đến Đức, đa số đều muốn ở lại và làm việc lâu dài tại nền kinh tế hàng đầu Châu Âu. Tuy nhiên, những người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là về ngôn ngữ để có thể tìm được việc phù hợp.
Le Figaro quan tâm đến tình hình tại Ba Lan, nơi tập trung đông đảo người tị nạn Ukraine và người nhập cư từ Belarus. Với cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus vào năm 2020, nhiều người phản đối sự lãnh đạo của tổng thống Alexandre Lukaschenko, đã lựa chọn rời khỏi đất nước và đến Ba Lan. Khi chiến tranh Ukraine nổ ra, ông Lukaschenko là đồng minh thân cận của Nga, những người nhập cư Belarus tại Ba Lan đã bị kỳ thị, không khác gì người Nga.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, 31% người Belarus sống tại Ba Lan đã bị kỳ thị, bị gây hấn. Nếu như những người Ba Lan đa số, tỏ ra cởi mở với những người Belarus chạy trốn khỏi chế độ hiện hành, chính quyền Ba Lan cũng hỗ trợ nhiều, về mặt hành chính cũng như tài chính, thì những kỳ thị đó đến từ cộng đồng hơn 2 triệu người tị nạn Ukraine ở Ba Lan. Một số người Ukraine bày tỏ khó có thể tin tưởng người Belarus vì "trách nhiệm cộng đồng", liên quan đến cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine với sự hỗ trợ từ chế độ của Lukaschenko.
Nhân loại trước nguy cơ thiếu nước
Vấn đề về nắng nóng, khô hạn cũng bao trùm khắp các mặt báo lớn của Pháp. Libération quan tâm đến báo cáo của World Resources Institut về tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 25 quốc gia, từ Trung Đông, Nam Á, cho đến các nước ở Châu Âu, như Tây Ban Nha, Bỉ hay Pháp. Đến năm 2050, khi mà dân số thế giới có khả năng lên đến 10 tỷ người, nhu cầu về nước ngày càng gia tăng, trong khi quỹ nước ngày càng sụt giảm, đặc biệt là do biến đổi khí hậu, khô hạn, sông ngòi ở nhiều nơi cạn kiệt. Theo tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, để tránh cuộc khủng hoảng nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần phải có hành động, hỗ trợ tài chính để quản lý nước tốt hơn, đặc biệt là sử dụng nước tưới tiêu trong nông nghiệp và công nghiệp.
Cũng về khí hậu, nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến hiện tượng "nóng muộn tại Pháp". Trong những ngày cuối hè, vào cuối tuần qua, 28 tỉnh của Pháp trong tình trạng báo động vì nắng nóng, có nơi lên đến 40 độ C, hoặc thậm chí cao hơn. Nhiều lĩnh vực đã bị tác động, nhất là trong ngành điện, EDF đã tính đến việc giảm sản xuất điện tại hai nhà máy điện hạt nhân ở Bugey (Ain) và Tricastin (Drôme), miền trung nam nước Pháp, để tránh làm nước sông Rhône nóng thêm, vốn được dùng để làm mát các lò phàn ứng. Giới chuyên gia cho rằng hiện tượng trái đất bị hâm nóng ảnh hưởng đến tất cả các mùa trong năm, do vậy "mùa nóng sẽ kéo dài, bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn".
Vì thời tiết nắng nóng, theo Les Echos, chính phủ Pháp cũng khẩn trương công bố danh sách các ngành công nghiệp phải "nỗ lực tiết kiệm nước". Theo thông cáo của Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, được công bố hôm nay, "tiết kiệm nước là đòn bẩy đầu tiên trong việc điều chỉnh cách quản lý nước trước tình trạng biến đổi khí hậu". Theo đó, 12 trong số 50 khu công nghiệp trên toàn nước Pháp sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong việc tiết kiệm nước, về mặt kỹ thuật cũng như tài chính. Danh sách nói trên chủ yếu liên quan đến các ngành công nghiệp nặng như luyện kim hoặc hóa dầu, lọc dầu.
Nạn buôn ma túy xuyên lục địa
Về thời sự quốc tế, cả Libération và Le Monde đều quan tâm đến nạn buôn ma túy. Với tựa "Cocain, Đại Tây Dương, vùng biển của các trận chiến", cuộc điều tra của Libération đề cập đến các chiến dịch phá vỡ các kế hoạch vận chuyển ma túy qua đường biển. Các phương thức vận chuyển hàng cấm liên tục được đổi mới để băng Châu Đại Dương, ngăn cách Châu Mỹ la tinh với Châu Âu. Theo Libération, lực lượng hải quan của Châu Âu hiện đang phải đối mặt với "cơn sóng thần cocain", càn quét các bờ biển, ví dụ như vụ bắt giữ hơn 100 tấn cocain tại cảng Antwerp, Bỉ, vào năm 2022. Bảy quốc gia Châu Âu (gồm Pháp, Ireland, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh trước Brexit), đã ký một hiệp ước vào năm 2007 để phối hợp cùng nhau đối phó triệt phá các đường dây buôn ma túy xuyên lục địa.
Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất ma túy ngay tại Châu Âu, các sản phẩm ngày càng được tinh chế, mạnh hơn và dễ tiêu thụ hơn. Theo chuyên gia Laurent Laniel, được Libération trích dẫn, các đường dây sản xuất, buôn ma túy thường đi kèm với bạo lực, tham nhũng. "Những kẻ buôn ma túy là những nhà kinh doanh tư bản, liên tục thích ứng với thị trường, công nghệ mới, cùng với việc cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của người tiêu dùng".
Mục quốc tế của Le Monde cũng quan tâm đến chủ đề ma túy, cụ thể là ở Cộng hòa Ecuador. Đất nước phải chịu nhiều thiệt hại do tệ nạn ma túy từ 5 năm qua đang chuẩn bị bầu ra tổng thống mới, mà vòng bầu cử đầu tiên diễn ra vào Chủ Nhật vừa qua. Trước đó gần 2 tuần, ứng cử viên Fernando Villavicencio đã bị bắn chết, ngay sau buổi mít tinh vận động tranh cử hôm 09/08. Cảnh sát Ecuador nhanh chóng cáo buộc một nhóm sát nhân Colombia chịu trách nhiệm về vụ ám sát này. Chính quyền Ecuador cũng quy trách nhiệm cho các ông trùm, các nhóm tội phạm buôn ma túy về tình trạng bạo lực ở nước này. Không chỉ ông Villavicencio bị ám sát, mà nhiều chính trị gia khác cũng chịu chung số phận. Trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng Hai, 29 ứng viên tranh cử đã bị sát hại. Theo Le Monde, Ecuador bị mắc kẹt ở giữa các quốc gia sản xuất cocain lớn nhất thế giới như Colombia và Peru, quốc gia này không sản xuất mà chủ yếu là nước rửa tiền và quá cảnh ma túy đến Bắc Mỹ và Châu Âu.
Chi Phương
Nền kinh tế Trung Quốc đang có biến động lớn
Julie Thoin-Bousquié, Philippe Aguignier, Phan Minh, RFI, 14/08/2023
Nền kinh tế Trung Quốc đang vấp phải nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. Phóng viên tuần báo Pháp L’Express, Julie Thoin-Bousquié hôm 09/08/2023 đăng bài phỏng vấn chuyên gia Philippe Aguignier nhận định về đường hướng mà Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng trong thời gian tới để tìm ra những biện pháp phục hồi nền kinh tế. RFI xin giới thiệu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á vào ngày 19/5/2023 tại Tây An, miền bắc Trung Quốc. AFP/Florence Lo
Từ vài tháng qua, Trung Quốc liên tục cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Vào tháng 7, Cục Thống kê Quốc gia (BNS) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% trong một năm, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,4%. Đối với chỉ số giá sản xuất, đây là một cải thiện nhỏ so với tháng 6. Điều này cho thấy những khó khăn mà Trung Quốc đang tích lũy kể từ khi phục hồi vào đầu năm, sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách "zero-Covid". Thông qua những dữ liệu này, giảng viên kinh tế Trung Quốc tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco) và chuyên gia về Châu Á tại Viện Montaigne, Philippe Aguignier cho biết đây là một minh họa mới về những vấn đề mang tính cấu trúc trong nền kinh tế của Trung Quốc.
Julie Thoin-Bousquié : Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm làm dấy lên bóng ma giảm phát tại Trung Quốc. Tình trạng này được giải thích như thế nào ?
Philippe Aguignier : Chỉ số giá tiêu dùng không phải là chỉ số duy nhất bị âm so với năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất cũng vậy. Mặc dù những tín hiệu này rất đáng ngại, nhưng chúng ta cũng không nên phóng đại mọi chuyện. Không có hiện tượng giảm phát tổng thể ở Trung Quốc, và không phải là không có khả năng tình hình sẽ dịu đi một chút trong những tháng tới. Chỉ có lĩnh vực bất động sản, chiếm từ 20-30% nền kinh tế Trung Quốc, dường như đã bước vào vòng xoáy của những "dự báo tự hoàn thành" với các quyết định mua và đầu tư bị trì hoãn, sau một thời gian đầu tư quá mức được tài trợ bằng những khoản nợ. Tuy nhiên, những tín hiệu này cho thế giới thấy có một vấn đề thực sự về mặt cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người muốn tin rằng một khi thoát khỏi cơn ác mộng "zero-Covid", Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng đất nước phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả hiện tượng về sự suy giảm nhân khẩu học, vốn chỉ mới ở giai đoạn ban đầu.
Julie Thoin-Bousquié : Vậy hiện tượng kinh tế sụt giảm của Trung Quốc có tiếp tục kéo dài hay không ?
Philippe Aguignier : Chúng ta có thể khẳng định về một sự sụt giảm kéo dài trong một thời gian, điều này không có gì đáng ngạc nhiên : không nền kinh tế nào có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 9-10% trong dài hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang tăng trưởng. Theo tôi, tốc độ tăng trưởng 5% mà các nhà lãnh đạo công bố cho năm nay vẫn có thể đạt được, sau một năm 2022 thực sự rất yếu.
Julie Thoin-Bousquié : Tuy nhiên, khủng hoảng hiện nay có phải là dấu hiệu cho thấy mô hình Trung Quốc đã lỗi thời ?
Philippe Aguignier : Mô hình kinh tế của Trung Quốc quả thực đã phát huy tác dụng trong một thời gian rất dài, nhưng đã dẫn đến những phản ứng thái quá và mất cân đối nhất định. Đất nước đang phải chịu mức nợ cao và chỉ số tiêu dùng nội địa đang ở mức thấp. Giờ đây, Bắc Kinh cần tiến hành những cải cách cơ bản.
Julie Thoin-Bousquié : Chính quyền phản ứng như thế nào trước tình huống này ?
Philippe Aguignier : Cho đến nay, chính phủ dường như muốn tránh dùng đến "các biện pháp mặc định" được áp dụng từ trước, bao gồm các kế hoạch đầu tư lớn – điều này chỉ làm "trì hoãn" các vấn đề. Các nhà lãnh đạo dường như sẵn sàng chấp nhận rằng nền kinh tế đang có biến động, và không phải là biến động nhỏ. Họ dường như nhận thức được những vấn đề về bất động sản, về mức nợ của lĩnh vực này, cũng như mức nợ của các chính quyền địa phương. Vẫn còn phải xem chính sách này sẽ kéo dài bao lâu và phản ứng dài hạn sẽ ra sao.
Julie Thoin-Bousquié : Liệu gánh nặng nợ có thể trở nên quá tải đối với Trung Quốc ?
Philippe Aguignier : Tính cả chính phủ trung ương, các tập đoàn và các cá nhân, nợ ở Trung Quốc tương đương khoảng 300% GDP. Từ quan điểm kinh tế vĩ mô, đất nước vẫn còn khả năng hành động. Vấn đề nằm ở thành phần và sự phân bổ của những khoản nợ này : nó tập trung vào những người có ít khả năng trả nợ nhất. Do đó, một phần doanh nghiệp nhà nước được duy trì hoạt động một cách giả tạo, mặc dù chúng không mang lại lợi nhuận. Đối với cấp chính quyền địa phương, những khó khăn đang gia tăng ở một số vùng, đặc biệt là vùng Đông Bắc, một vùng có lịch sử thịnh vượng, nhưng đang trên đà trở thành một trong những vùng nghèo nhất đất nước.
Julie Thoin-Bousquié : Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đã chiếm lĩnh nhiều thị trường, đặc biệt ở Châu Âu. Sự sụp đổ của nhu cầu nội địa có khả năng đẩy nhanh các kế hoạch triển khai ra nước ngoài của các công ty địa phương không ?
Philippe Aguignier : Vì không có đủ nhu cầu nội địa để hấp thụ nguồn cung, ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ tràn ra thế giới bên ngoài một cách ồ ạt. Hiện tượng này đã được quan sát thấy trong trường hợp các tấm pin mặt trời. Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng gần như độc quyền : đã có những "cuộc tắm máu" ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng cũng ở Trung Quốc, nơi nhiều công ty đã phá sản. Ngành công nghiệp xe hơi hoàn toàn có lý do để lo lắng. Châu Âu và ở mức độ thấp hơn là Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu từ Trung Quốc giảm và do sự cạnh tranh ngày càng cao từ các nhà sản xuất Trung Quốc trong một số phân khúc nhất định. Trong trung hạn, hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ tràn ngập thế giới với năng lực sản xuất chất bán dẫn sử dụng các công nghệ phát triển.
Julie Thoin-Bousquié : Điều này sẽ mang lại những hậu quả gì đối với phần còn lại của thế giới ?
Philippe Aguignier : Đối với các nước sản xuất hàng hóa mà Trung Quốc hiển nhiên là một trong những khách hàng lớn, họ sẽ nhận được ít đơn đặt hàng hơn, nhưng điều đó không nhất thiết sẽ dẫn đến một sự sụp đổ. Ít đơn đặt hàng chắc chắn sẽ đi kèm với giá cả bị giảm và các dự án đầu tư có khả năng sẽ bị bỏ dở, mặc dù hiện tượng này vẫn chưa được kiểm chứng.
Julie Thoin-Bousquié : Trung Quốc là nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới. Liệu nền kinh tế sụt giảm có ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi sinh thái của họ hay không ?
Philippe Aguignier : Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo nhận thức được một thực tế là đất nước đang phải đối mặt với vấn đề hâm nóng toàn cầu. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thực sự muốn giảm lượng khí thải carbon, mặc dù tình hình hiện tại có những nghịch lý nhất định : Bắc Kinh đang đầu tư vào năng lượng tái tạo trong khi tiếp tục tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than. Nhân chuyến đi của John Kerry tới Bắc Kinh cách đây vài tuần, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với đặc phái viên về khí hậu Hoa Kỳ rằng không ai có quyền kiểm soát tiến độ trung hòa carbon của Trung Quốc.
Julie Thoin-Bousquié, Philippe Aguignier
Nguyên tác : "Chine : Les dirigeants semblent prêts à accepter que l’économie tangue, et pas qu’un peu", L'Express, 09/08/2023
Phan Minh biên dịch
Nguồn : RFI, 14/08/2023
***********************
Tại sao kinh tế Trung Quốc trì trệ ?
Ngô Nhân Dụng, VOA, 12/08/2023
Tập Cận Bình đã nêu ra những khẩu hiệu chung chung, để không chịu trách nhiệm trước những thất bại ; nhưng vẫn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế, dù đó là trách nhiệm của vị thủ tướng.
Số hàng xuất cảng đã xuống liên tiếp trong ba tháng, trong tháng Bảy chỉ còn 281 tỷ đô la, giảm 14,5 phần trăm so với năm ngoái.
Có một ông khách bên Trung Quốc mua tô mì ăn liền ở xe bán bên đường, nổi giận vì giá đắt quá. "Có thế này mà giá 14 đồng nguyên ? Trong đó có cái gì nào ?" Người chủ xe nói có một trái trứng và hai lá rau cải. Ông khách hỏi : "Sao bán đắt quá vậy ?" Người bán lặng im ; nhưng đứa con trai trả lời thay bố : "Không có tiền thì đi chỗ khác !".
Ông khách hàng bèn hỏi giá mỗi gói mì bao nhiêu ; rồi ông rút tiền trong túi ra mua tất cả những gói mì còn lại, tổng cộng 850 đồng nguyên. Ông vứt những gói mì xuống lề đường, đạp chân cho nát ! Câu chuyện xảy ra ở tỉnh Sơn Đông, theo báoSouth China Morning Post (Nam Hoa Tảo Báo) ở Hồng Kông.
Tiêu phí gần 120 đô la Mỹ, chỉ cốt hả cơn tức giận ; chắc chắn không phải là một hành động kinh tế. Chắc chắn chỉ thiệt, không có lợi. Các lý thuyết gia nói đây là "kinh tế duy ý chí ! Ông khách hàng hỏi : "Tôi có quyền đập nát những thứ của tôi hay không ?". Hành động của ông ta là để chứng tỏ mình có quyền.
Đọc chuyện này, phải nghĩ đến ông Tập Cận Bình. Ông muốn Đảng cộng sản nắm quyền chỉ huy mọi sinh hoạt trong xã hội. Đó cũng là lý do khiến kinh tế Trung Quốc đang trì trệ.
Số hàng xuất cảng đã xuống liên tiếp trong ba tháng, trong tháng Bảy chỉ còn 281 tỷ đô la, giảm 14,5 phần trăm so với năm ngoái. Chỉ có hàng bán sang nước Nga là tăng được 70%, vì Nga bị các nước Âu, Mỹ cấm vận. Số xuất cảng sang Mỹ giảm nhiều nhất, mất 23,12%, đã xuống liên tục trong 12 tháng. Khách hàng lớn nhất Trung Quốc là các nước trong khối Đông Nam Á, ASEAN, cũng mua ít hơn 21,43% so với năm ngoái ; hàng bán qua Âu Châu cũng mất 20,62%.
Liên hệ đến tình trạng này là số đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Các công ty ngoại quốc lập nhà máy sản xuất ở Trung Quốc để bán ra ngoài đã tiên đoán số xuất cảng còn xuống thấp hơn. Trong quý thứ nhì năm nay, đầu tư ngoại quốc đã giảm 80% so với năm ngoái, chỉ còn 4,9 tỷ đô la, thấp kể từ 25 năm qua.
Hàng xuất cảng xuống, vì sau khi bệnh dịch Covid đi qua, dân Âu Châu và Mỹ không sợ tới chỗ đông người nữa, họ bớt mua hàng hóa để chi vào các dịch vụ. Ngoài ra, nạn lạm phát khiến mọi người mua sắm ít hơn. Vì vậy ngành xuất cảng của các nước Á Đông đều đi xuống suốt năm qua. Trong tháng Bảy, Nam Hàn mất 16,5%, Đài Loan mất 10,4%, Việt Nam giảm bớt 2,1%.
Không chỉ có số xuất cảng mà hàng nhập cảng vào Trung Quốc cũng giảm trong 5 tháng liền, mất 12,3% trong tháng Bảy, vì các xí nghiệp bớt mua nguyên liệu về để sản xuất và dân chúng bớt tiêu thụ.
Kinh tế Trung Quốc trì trệ không phải chỉ vì các lý do nhất thời như trên mà còn do những nguyên nhân sâu xa hơn. Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia bán giá rẻ hơn, vì lương công nhân vẫn thấp hơn. Sau kinh nghiệm Covid, các nước Âu, Mỹ đi tìm các nguồn cung cấp hàng hóa khác để tránh lệ thuộc vào một nước Trung Hoa. Các công ty Mỹ chuyển cơ xưởng sản xuất về Mexico và các nước Châu Mỹ La tinh sẽ bớt phí tổn vì ở gần hơn.
Chướng ngại lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc là chính trị. Adam Posen, chủ tịch Peterson Institute, mới viết rằng kinh tế Trung Quốc trì trệ là do chủ trương chỉ huy của Đảng cộng sản, chứ không phải vì bệnh dịch. Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Posen nhận xét rằng dưới các chế độ độc tài, nền kinh tế theo một quá trình phát triển quen thuộc, có thể đoán trước được.
Lúc đầu, nhờ chính phủ nâng đỡ, các xí nghiệp phát đạt. Sau đó, chính quyền bắt đầu can thiệp, càng ngày càng muốn kiểm soát chặt chẽ hơn. Một hậu quả là tâm lý bất an, vì người dân không thể đoán trước được chính sách của nhà nước sẽ còn thay đổi thế nào. Các xí nghiệp không dám đầu tư nhiều ; người tiêu thụ cũng phải lo tiết kiệm, vì ai cũng sợ rủi ro. Tốc độ phát triển sẽ khựng lại. Posen nêu ra các thí dụ ở Nga, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.
Tại Trung Quốc, chính sách đối phó trước bệnh dịch Covid cực kỳ nghiêm ngặt làm kinh tế ngưng đọng, đồng thời khiến dân chúng nghĩ chính quyền sẽ ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn. Ba mươi năm trước, Đặng Tiểu Bình đã nới lỏng, giúp cho kinh tế phát triển nhanh. Từ khi Tập Cận Bình nắm quyền, hệ thống chỉ huy được phục hồi, lật ngược các chính sách đã thí nghiệm.
Giáo sư Barry Naughton, Đại học California ở San Diego, đã xuất bản một cuốn sách về kinh tế Trung Quốc, từ 1978 đến 2020. Ông thấy trong giai đoạn đầu, trước năm 2005, "các kế hoạch và chính sách công nghiệp được đưa ra nhưng đều bị bỏ qua vì thiếu thực tế, không thể thi hành". Từ năm 2006, Đảng cộng sản giành lại quyền kiểm soát, can thiệp mạnh hơn. Tập Cận Bình muốn ra lệnh rất nhiều dù trong thực tế không đủ sức. Những mục tiêu được ông cổ động, như khuyến khích sinh sản, giảm bớt khí thải công nghiệp, đề ra rồi cũng không thực hiện được.
Một thí dụ Naughton nêu ra là khẩu hiệu "Thịnh vượng công cộng" của Tập Cận Bình, nhắm phân bố tài sản đồng đều. Ở các nước tư bản, người ta giảm bớt chênh lệch giàu nghèo bằng hệ thống an sinh xã hội và thuế lũy tiến, người lợi tức càng cao thì đánh thuế càng nặng. Ở Trung Quốc, thuế lợi tức rất thấp, không đụng tới lợi tức vì đầu tư của cá nhân. Năm 2014 Đảng cộng sản nói sẽ cải tổ nhưng vẫn chưa thấy gì.
Sau khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình đã thay đổi hệ thống cầm quyền để nội bộ đảng có thể tự kiềm chế : Giới hạn tuổi các lãnh tụ, đặt lệ chức vụ tổng bí thư hay chủ tịch đảng chỉ có hai nhiệm kỳ. Tập Cận Bình đã xóa bỏ cả hai thứ hạn chế đó, sẽ nắm quyền mãi mãi cho đến chết. Ông đã thanh toán các đối thủ trong đảng để một mình nắm toàn quyền, đồng thời củng cố quyền lực của Đảng cộng sản trên toàn thể xã hội ; đóng vai một hoàng đế.
Tập Cận Bình đã nêu ra những khẩu hiệu chung chung, để không chịu trách nhiệm trước những thất bại ; nhưng vẫn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế, dù đó là trách nhiệm của vị thủ tướng. Đường lối can thiệp gián tiếp và mơ hồ này khiến cho cả guồng máy nhà nước phải dè dặt hơn, không ai dám tự quyết định. Thủ tướng Lý Cường không có kinh nghiệm nào về kinh tế trước khi được giao cho chức vụ, cho nên càng dè dặt hơn để bảo vệ địa vị của mình.
Trong hoàn cảnh đó, dân chúng và giới kinh doanh bắt đầu tập lại thói quen "sùng bái lãnh tụ" ! Bắc Kinh mới đưa ra Bản Hướng dẫn Kinh tế gồm 31 điểm, phần lớn mọi người đã biết rồi ; trong đó kêu gọi các doanh nhân phải "yêu nước", theo đúng đường lối của Đảng, đề cao mục tiêu nâng cao số đảng viên trong các xí nghiệp.
Nhưng các nhà đại tư bản trong nước đã đua nhau ca ngợi. Pony Ma, chủ tịch công ty Tencent viết : "Trung ương Đảng rất coi trọng lãnh vực tư và các công ty tư và ‘coi chúng tôi như một phần của Đảng’", lập lại lời Tập Cận Bình. Ông hứa sẽ "chấp nhận vai trò của mình như là một ‘sợi dây nối,’ một ‘dụng cụ’ một ‘phụ tá’ của Đảng".
Li Shufu, người sáng lập công ty Geely, một công ty xe hơi lớn ngang hàng với General Motor, trụ sở tại Triết Giang, tuyên bố, "Với tư cách doanh nhân, chúng ta phải củng cố niềm tin và thi hành các chính sách" của Đảng. Ông lập lại tên các chính sách như "Chiến lược Bát Bát", Tinh thần Tứ Thiên", vân vân, đều do Tập Cận Bình nêu lên khi cầm đầu tỉnh Triết Giang.
Lai Meisong, chủ tịch công ty ZTO được ghi danh trên thị trường chứng khoán New York, nói, "cảm thấy hưng phấn và ấm áp" khi đọc 31 điều hướng dẫn. Một luật sư ở Hồng Kông ví những lời tán tụng trên như lời đồng thanh tung hô, "Quần áo của hoàng đế đẹp tuyệt vời !"
Tất cả cho thấy cả nền kinh tế Trung Quốc tùy thuộc một cá nhân ; trước những sự kiện khách quan không ai chối cãi được : Dân số và lực lượng lao động của nước Trung Quốc đã bắt đầu giảm ; chi phí lương bổng lên cao hơn nhiều nước Á Châu khác ; tỷ lệ phát triển đang giảm dần ; giới tiêu thụ và các xí nghiệp đang lo giữ tiền mặt thay vì chi tiêu hoặc đầu tư.
Uy quyền của Tập Cận Bình càng lên cao thì sức phát triển kinh tế càng xuống, Adam Posen nhận xét chỉ có một cách chữa để thoát ra khỏi tình trạng hao mòn này là "bảo đảm cho người dân Trung Hoa bình thường và các xí nghiệp biết rằng chính quyền sẽ tự hạn chế, bớt can thiệp vào đời sống kinh tế". Nhưng ông cũng thấy điều này Tập Cận Bình không bao giờ làm.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 12/08/2023
…một mối đe dọa về ngoại giao và địa chính trị ?
Kinh tế Trung Quốc không bật dậy cho dù hết bị chính sách zero Covid trói buộc. Tăng trưởng 6,3% trong quý 2/2023 quá thấp so với mong đợi sau 3 năm các hoạt động ngưng trệ để chống dịch. Nhưng đấy mới chỉ là bề nổi của tảng băng trong số rất nhiều khó khăn làm tê liệt "công xưởng" của thế giới. Đấy có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch "phi đô la hóa" và quyết liệt hơn trong cuộc đối đầu với Mỹ ?
Một đứa bé uống nước trước quầy bán vé số tại Bắc Kinh ngày 17/07/2023. Trung Quốc thông báo tỷ lệ tăng trưởng 6,3% trong quý 2/2023. AP - Ng Han Guan
Hôm 17/07/2023 Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc công bố tỷ lệ tăng trưởng trong quý 2 và hài lòng với kết quả "tốt", vì GDP tăng mạnh hơn so với quý 1. Các nhà phân tích quốc tế và kể cả tại Hoa Lục đã hết sức thận trọng với thành tích này. Trả lời đài truyền hình tư nhân BFM TV, chủ tịch công ty tư vấn Asia Centre, trụ sở tại Paris, ông Jean-François di Meglio giải thích vì sao giới trong ngành thất vọng với tỷ lệ tăng trưởng 6,3% :
"Con số vừa nêu thật ra là mức so sánh về tỷ lệ tăng trưởng so với một năm trước đây, tức là chúng ta đang so sánh thành tích của quý 2/2023 với thời điểm quý 2/2022 thì Trung Quốc mới có được tỷ lệ 6,3%. Nhưng nếu nhìn vào quý 1 và quý 2 năm nay, tăng trưởng chỉ là 0,8% mà thôi. Cần nhắc lại trong cả năm 2022 Trung Quốc bị phong tỏa để chống dịch, các hoạt động kinh tế bị chựng lại. Thành thử so với năm ngoái, đương nhiên kinh tế Trung Quốc rõ ràng là đang bật dậy và tỷ lệ 6,3% như Bắc Kinh thông báo để ngỏ viễn cảnh sẽ đạt được chỉ tiêu GDP tăng 5,5% . Nhưng vừa giải thích, để đạt được 5,5% đó, Trung Quốc cần có tỉ lệ tăng trưởng cao hơn rất nhiều".
Tiêu thụ nội địa, "cốt lõi của vấn đề"
Thông tín viên báo Le Monde tại Trung Quốc ghi nhận thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, cách không xa Bắc Kinh, thông báo tổ chức rất nhiều liên hoan nhạc rock nhạc rock trong những tháng sắp tới. Không phải là các quan chức tỉnh này yêu thích nhạc kích động, mà đó là cách để thu hút thanh thiếu niên ở Bắc Kinh và các vùng chung quanh đến đây "tiêu tiền". Thạch Gia Trang đang tìm mọi cách để kích hoạt cỗ máy tiêu thụ và qua đó là các hoạt động kinh tế của thành phố.
Trên báo Le Figaro, nhà kinh tế trưởng ngân hàng Natixis Alicia Garcia Herrero ghi nhận "không có tiêu thụ nội địa, đó là cốt lõi của vấn đề" đối với Trung Quốc hiện nay. Chính trong bối cảnh đó Ngân Hàng Trung Ương liên tục hạ lãi suất chỉ đạo để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, Erin Xin, thuộc ngân hàng HSBC trụ sở tại Luân Đôn, giải thích "Trong quý 2/2023, đà bật dậy của kinh tế Trung Quốc kém đi bởi nhu cầu tiêu thụ hàng Trung Quốc trên thế giới đè nặng lên lĩnh vực xuất khẩu, ngành địa ốc vẫn yếu kém và nhìn chung thì tiêu thụ nội địa không đủ sức" để kéo tăng trưởng đi lên.
Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc giải thích với báo chí rằng kinh tế không bị hụt hơi, nhưng đang chịu áp lực do "bối cảnh quốc tế phức tạp"
Theo chủ tịch cơ quan tư vấn Asia Centre, Jean François di Meglio, giải thích của Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc như vậy là "không ổn" :
"Lần đầu tiên chính các nhà quan sát Trung Quốc đã báo động và khuyến nghị chính phủ về những biện pháp cần phải làm. Vào lúc mà các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kềm hãm lạm phát, riêng ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục hạ lãi suất chỉ đạo để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ. Đó là dấu hiệu kinh tế Trung Quốc đang bị hụt hơi vì nhiều lý do. Một trong số ấy, theo như giải thích của chính quyền Bắc Kinh, là do kinh tế toàn cầu đang chững lại, tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc. Nói cách khác Bắc Kinh ‘chạy tội’, quy trách nhiệm cho các quốc gia khác… Nếu đúng là như thế thì có nghĩa là tăng trưởng của Trung Quốc lệ thuộc quá nhiều vào giao thương quốc tế và chẳng lẽ xuất khẩu đình trệ, ngay cả nền kinh tế thứ nhì thế giới cũng không còn lá chủ bài nào trong tay nữa hay sao ?"
Mất niềm tin vào mô hình Trung Quốc
Hôm 21/07, chính quyền vừa ban hành một loạt các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng mua xe hơi, đặc biệt là xe điện. Thị trường địa ốc bị đóng băng từ gần ba năm nay. Đúng vào ngày Trung Quốc thông báo rầm rộ tỉ lệ tăng trưởng 6,3% cho quý 2/2023 thì cũng là lúc tập đoàn môi giới địa ốc số 1 là Evergrande đi vào kỷ lục thế giới trong hạng mục "công ty mang nợ lớn nhất thế giới" : trong hai năm 2021 và 2022 đại tập đoàn này thua lỗ 81 tỷ đô la, đẩy mức nợ lên tới 340 tỷ đô la.
Đồng tiền Trung Quốc trong 6 tháng đầu 2023 mất giá hơn 7% so với đô la Mỹ. Thêm một tin xấu khác là về thương mại : Trung Quốc trong tháng 06/2023 không còn là nhà cung cấp hàng rẻ số 1 cho người tiêu dùng Mỹ, mà đã bị đẩy xuống hạn 3, sau Mexico và Canada.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm liên tục trong hai tháng 5 và 6/2023. So với cùng thời kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 12,4% : nhân viên của hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc bị vạ lây. Kết thúc một năm học, có thêm 12 triệu thanh niên tham gia thị trường lao động Trung Quốc vào lúc mà 1 trên 5 thanh niên dưới 24 tuổi không có việc làm.
Jean-François di Meglio trực tiếp gắn liền hiện tượng này với khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc đã kéo dài từ hai, ba năm nay :
"Có hai yếu tố : thứ nhất là hiện tượng vỡ bong bóng địa ốc từ hơn hai năm nay, với vụ tập đoàn Evergrande vỡ nợ. Thứ hai, theo tôi đây mới là vấn đề âm ỉ, đó là chính người dân Trung Quốc không còn tin tưởng vào tương lai nữa. Công luận không còn tự tin như trước. Dân chúng hoang mang khi thấy có tới hơn 20% thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24 đang thất nghiệp. Người ta cũng bắt đầu hoài nghi về khả năng cải thiện đời sống, về mô hình phát triển của Trung Quốc…".
Giới tiểu thương cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn đều lo âu. Hàng quán, giới du lịch thì lo khách hàng lười chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc hiện nay là gần 50%. Các doanh nghiệp Trung Quốc thì đau đầu vì những quy định mới của chính quyền về các "chuẩn mực pháp lý khắt khe, nhân danh an ninh quốc gia", họ cũng đau đầu vì chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài và cuộc đọ sức về công nghệ với thế giới phương Tây.
Liên hệ giữa khó khăn kinh tế và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh
Trong bài tham luận hôm 18/07/2023, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp – IRIS, Barthélémy Courmont nêu bật một vấn đề : cỗ máy kinh tế của Trung Quốc hiện nay không hoạt động tốt, Bắc Kinh đang trả giá cho chính sách chống dịch nghiêm ngặt và liên tục kéo dài trong ba năm. Những khó khăn đó lại diễn ra vào thời điểm nổ ra chiến tranh Ukraine. Đó không là một tin vui đối với bản thân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Đương nhiên khi nền kinh tế thứ nhì bị "hỏng máy", tăng trưởng thì cả thế giới bị vạ lây. Điểm mới ở đây là Bắc Kinh trong tay ông Tập Cận Bình giờ đây không e dè gì nữa cả. Trung Quốc bắt buộc sẽ phải đưa ra một số "sáng kiến" để cứu vãn tăng trưởng. Những sáng kiến đó "có thể bất lợi cho phương Tây và càng làm dấy lên căng thẳng về địa chính trị" trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp hiện nay.
Vẫn giám đốc viện IRIS Barthélémy Courmont cho rằng, nếu như đình đốn kinh tế kéo dài, dân Trung Quốc nghèo đi thì khi đó mới có thể cho rằng tính chính đáng của Đảng Cộng Sản nước này bị đe dọa. kịch bản đó chưa xảy ra.
Nhưng về đối ngoại, những khó khăn "ở bên trong đó" tác động đến chính sách Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. Bắc Kinh đòi hỏi nhiều bảo đảm hơn khi cấp tín dụng cho các quốc gia khác. Những điều kiện cho vay của Trung Quốc sẽ càng "ngặt nghèo hơn". Cùng lúc, "chiến tranh Ukraine cũng là cơ hội để Bắc Kinh đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên bàn cờ tiền tệ quốc tế", không chỉ với nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc) mà cả với các đối tác Châu Á khác, với các nước chậm phát triển.
Cơ hội đẩy thu hẹp ảnh hưởng của đô la Mỹ
Hơn nữa Barthélémy Courmont nhấn mạnh chiến tranh Ukraine là một bước ngoặt để một số quốc gia giảm bớt mức độ lệ thuộc vào phương Tây. Ảnh hưởng của khối này đang bị thu hẹp lại trên bàn cờ quốc tế. Đối với Trung Quốc "chiến tranh Ukraine thực sự là cơ hội để đề nghị một mô hình khác về ngoại giao và kinh tế so với mô hình của phương Tây".
Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng này, Trung Quốc đang dẫn dầu nhưng ở phía sau từ Ấn Độ đến Nam Phi hay Brazil - đương nhiên là phải nhắc tới nước Nga, đều ấp ủ tham vọng thành lập một liên minh gọi là "Global South". Để đóng vai trò trung tâm trong mô hình mới đó, Bắc Kinh chủ trương "phi phương Tây hóa" và chấm dứt thời kỳ Âu-Mỹ thống lĩnh các hoạt động kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia về Châu Á viện IRIS kết luận : Đấy có thể là lý do vì sao Washington đã gửi các quan chức quan trọng nhất trong chính quyền Biden đến Bắc Kinh trong thời gian gần đây.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 25/07/2023
Thế giới cũng lo lắng khi nhìn thấy kinh tế Trung Quốc chưa tiến nhanh hơn, vì khi hơn một tỷ người chưa tiêu tiền thì những tỷ người khác cũng không thể bán hàng.
Tập Cận Bình (giữa) và vợ (thứ tư từ phải) chụp hình cùng các lãnh đạo các nước Trung Á ngày 18/5/2023.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bay qua Hiroshima, Nhật Bản, dự hội nghị G7 bàn hỗ trợ Ukraine và đối phó với Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng họp giới lãnh đạo 5 nước vùng Trung Á.
Địa điểm cuộc họp ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, rất có ý nghĩa. Đó là kinh đô Trường An từ đời Hán, đời Đường. Trong hơn một ngàn năm những vị tướng Trung Hoa như Phó Giới Tử, Mã Viện, Địch Nhân Kiệt từng kéo quân chinh phạt những dân tộc gốc Thổ Nhĩ Kỳ này nhiều lần. Tập Cận Bình hứa hẹn bảo đảm an ninh và viện trợ tài chánh cho các nước thuộc Liên Xô cũ, bây giờ mang tên là Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các nước này cùng chung mối lo sẽ bị Vladimir Putin xâm lăng, giống như số phận Ukraine hiện nay.
Chính tại Kazakhstan, Tập Cận Bình đã công bố Kế hoạch "Nhất Đới, Nhất Lộ" (Một vòng đai, một con đường) tái lập Con Đường Tơ Lụa cũ, dự định đầu tư 400 tỷ mỹ kim vào 160 quốc gia, vượt xa ngân sách 130 tỷ đô la của Kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu sau Đại chiến Thứ hai. Tổng số trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước trên đã lên mức kỷ lục $70 tỷ đô la trong năm 2022.
Tập Cận Bình tìm cách lôi kéo các nước Trung Á ra khỏi ảnh hưởng của Nga, liên kết chống lại sức thu hút của Mỹ, đồng thời củng cố một khối lớn đang thành hình. Trong hai ngày, các hiệp ước song phương được ký kết, cho phép dân Trung Hoa được nhập cảnh các nước trên không cần visa, thúc đẩy các trao đổi thương mại, đầu tư vào các công nghiệp mới, xây dựng hạ tầng cơ sở.
Nhưng Tập Cận Bình đang phải đối phó với cảnh trì trệ trong nền kinh tế Trung Quốc ; không hy vọng trở lại thời phồn thịnh như 30 năm trước đây. Những biện pháp ngăn cấm, hạn chế lưu thông để ngừa bệnh dịch Covid-19 kiến hoạt động của các cơ sở kinh doanh bị đình trệ trong khi người tiêu thụ, rút kinh nghiệm những ngày ngăn sông cấm chợ, chỉ lo tiết kiệm. Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách Covid khắt khe, chấp nhận cho vi khuẩn lây lan, nhưng phản ứng của người tiêu thụ không như nhà nước mong đợi. Khi dân chúng vẫn chưa dám bỏ tiền ra mua sắm thêm thì các xí nghiệp cũng ngần ngại không muốn đầu tư và tuyển dụng công nhân mới.
Trong tháng 4/2023, số hàng nhập cảng vào Trung Quốc đã giảm bớt tám phần trăm, vì dân bớt xài tiền. Giá hàng bán từ các công ty liên tiếp phải giảm xuống trong nhiều tháng, tình trạng "giảm phát", trái với lạm phát, là mối đe dọa trước mắt. Trong tháng qua, giá sinh hoạt tăng với tốc độ thấp nhất kể từ hai năm nay. Số hàng xuất cảng vào tháng 4 chỉ tăng 8,5%, giảm gần một nửa so với tỷ số tăng gần 15% trong tháng 3.
Một dấu hiệu của tình trạng đầu tư sa sút là các xí nghiệp bớt đi vay tiền. Trong tháng 4, các ngân hàng chỉ cho vay 719 tỷ đồng nguyên, tương đương với $104 tỷ mỹ kim, thấp hơn một phần năm tổng số cho vay trong tháng trước.
Một lý do khiến kinh tế Trung Quốc không phục hồi nhanh được là lựa chọn kinh tế mới của Tập Cận Bình. Bắc Kinh không chú trọng vào các công ty quốc doanh kỹ nghệ nặng nữa mà chuyển qua chính sách thúc đẩy hàng tiêu thụ, khuyến khích các ngành kỹ thuật mới và dịch vụ. Theo thuật ngữ của đảng Cộng sản, họ sẽ không chú trọng phát triển về số lượng mà lo phát triển về phẩm chất. Thay vì cố gắng vượt chỉ tiêu trong việc sản xuất thép và xi măng, bây giờ sẽ đề cao các ngành hoạt động hướng đến tương lai như chất bán dẫn (semiconductors), "máy làm thay người" (robotics), trí khôn nhân tạo (artificial intelligence).
Thời kỳ chuyển tiếp này tất nhiên sẽ rất dài. Những doanh nghiệp nhà nước không thể sa thải hàng triệu công nhân trong vài ba năm. Các công ty kỹ thuật mới cũng không thể nhảy vọt, nhất là chính họ còn đang bị guồng máy Đảng và Nhà nước nghi ngờ, kiểm soát và kiềm chế.
Trong thời gian bệnh dịch, Bắc Kinh đã cho phép các ngân hàng do nhà nước làm chủ cho các địa phương vay nợ ; nhắm mục đích thúc đẩy kinh tế, nhưng kết quả lại trái ngược. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tỉnh, huyện và thành phố, thị xã nợ tổng cộng 66 ngàn tỷ đồng nguyên, tương đương với 10.000 tỷ mỹ kim và bằng một nửa sản lượng quốc gia (GDP). Đến giờ, họ không biết làm sao thanh toán số nợ chất đống này.
Sau 10 năm cầm đầu đảng và chính phủ, Tập Cận Bình đã củng cố quyền hành tuyệt đối và được bảo đảm kéo dài vĩnh viễn, không cho phép ai phê bình, chỉ trích. Những chuyên gia kinh tế, tài chánh trong guồng máy nhà nước đều phải ngậm miệng.
Trong khi chờ đợi, Tập Cận Bình vẫn phải lo một vấn đề rắc rối hơn : Nạn thất nghiệp lên cao trong giới sinh viên mới tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết tháng 6 tới sẽ có khoảng 11,6 triệu sinh viên ra trường, tăng 820 ngàn so với năm ngoái, theo báoNew York Times ngày 19/05/2023. Ngay bây giờ, trong lớp tuổi từ 16 đến 24, hơn 20 phần trăm không có việc làm ; tỷ số cao nhất từ năm 2018, là năm bắt đầu công bố các số thống kê về thất nghiệp.
Một khó khăn khiến giới trẻ thất nghiệp là những công việc cần người làm lại không thích hợp với khả năng và việc họ muốn làm. Theo nhà kinh tế Nhiếp Nhật Minh (聂日明), thuộc Viện Nghiên cứu Tài chánh và Pháp luật ở Thượng Hải, các sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc ở các ngành kỹ thuật, giáo dục và y tế ; nhưng những ngành này phát triển rất chậm trong thời gian vừa qua. Nhiều ngành công nghiệp không những không mở mang thêm mà còn bị gây trở ngại, ông Nhiếp nhận xét.
Trong mấy năm qua, các ngành giáo dục tư, đặc biệt là các lớp học trên mạng bị chính quyền ngăn cản và thắt chặt tầm kiểm soát. Hàng trăm ngàn kỹ thuật gia mất việc làm, các công ty dè dặt không tuyển thêm người và giới đầu tư cũng bỏ đi. Trong khi số xí nghiệp kỹ thuật cao không tăng hoạt động thì số sinh viên ra trường vẫn lên cao hơn.
Kinh tế trên thế giới vẫn chưa hồi phục sau bệnh dịch, trừ nước Mỹ. Tình trạng này khiến nhu cầu nhập cảng hàng Trung Quốc vẫn chưa lên bằng trước khi có Covid.
Hy vọng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là chờ đến khi dân tiêu thụ bắt đầu mở túi lấy tiền xài. Trong thời gian bệnh dịch, người ta không có cơ hội mua hàng, khi hết bệnh họ sẽ tiêu pha nhiều hơn để bù lại, như đã diễn ra ở Mỹ, một lý do khiến lạm phát tăng lên. Dân tiêu thụ Trung Quốc đã tiết kiệm một số tiền lớn hơn $2 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng thói quen tiêu thụ của người dân thay đổi chậm chạp. Nhất là dân Trung Hoa với kinh nghiệm sống trong cảnh tương lai bất trắc, vì chính trị thay đổi khiến xã hội rối loạn. Họ cũng không biết Đảng và Nhà nước sẽ còn can thiệp vào nền kinh tế như thế nào, cho nên phải dè dặt.
Thế giới cũng lo lắng khi nhìn thấy kinh tế Trung Quốc chưa tiến nhanh hơn, vì khi hơn một tỷ người chưa tiêu tiền thì những tỷ người khác cũng không thể bán hàng. Nếu kinh tế Trung Quốc hồi phục, họ sẽ nhập cảng nhiều hơn, các nước khác sẽ được nhờ.
Trong thời gian thế giới bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế, những năm 2008 – 2009, Bắc Kinh đã tung tiền ra trợ cấp cho dân tiêu thụ để giữ kinh tế được ổn định. Một hệ quả là kinh tế các nước khác cũng khá hơn khi người Trung Hoa nhập cảng các thứ nguyên liệu, quặng mỏ và khí cụ sản xuất.
Trong 5 năm tới, nếu dân Trung Quốc chịu khó tiêu tiền thì sẽ giúp cho kinh tế thế giới tăng thêm hơn 22%, so với ảnh hưởng chỉ có 11% của hơn ba trăm triệu dân Mỹ !
Khi giới lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Nhật, Canada họp ở Hiroshima, mời thêm Nam Hàn, Ấn Độ và cả Tổng thống Ukraine tới dự, họ không nhắm mục đích ngăn cản kinh tế Trung Quốc phát triển. Điều làm cả thế giới quan ngại là Trung Quốc dùng các áp lực kinh tế để đạt mục tiêu bành trướng và chế ngự các nước khác.
Điều này đã diễn ra ở các nước vay nợ từ Bắc Kinh, như Pakistan, Sri Lanka, Kenya, Zambia, Lào và Mongolia. Nhiều quốc gia đang lo trả tiền lãi trên các món nợ Trung Quốc nhiều đến nỗi phải cắt bớt các chi phí về giáo dục, y tế, xã hội trong nước mình. Năm nước Trung Á chắc đã biết chuyện này rồi, họ sẽ phải lo phòng thân trước !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 22/05/2023
Trọng Thành, RFI, 14/10/2021
Nguy cơ sụy đổ của tập đoàn địa ốc Evergande, Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí đến kinh tế toàn cầu là chủ đề thời sự trang nhất tháng 9/2021 vừa qua. Nhiều người cho rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể làm lung lay chế độ. Trên trang mạng Asialyst, chuyên gia về chính trị quốc tế Alex Payette đưa ra một nhận định khác hẳn.
Một trụ sở của tập đoàn bất động sản Evergrande, Trung Quốc. Hector Retamal AFP/File
Theo nhà nghiên cứu Canada, các hậu quả của sự sụp đổ của Evergrande là có giới hạn, và "có rất nhiều lý do cho thấy cuộc khủng hoảng địa ốc này phản ánh cuộc đấu quyền lực trên thượng đỉnh của chế độ trước thềm Đại hội 2022".
***
Chuyên gia Alex Payette, trong bài phân tích "Trung Quốc : Đằng sau thảm bại của tập đoàn địa ốc Evergrand, chiến lược chính trị của Tập Cận Bình" trên mạng Asialyst ngày 12/10/2021, ghi nhận vào thời điểm ông viết bài, đã có những dấu hiệu cho thấy tập đoàn đang "lao đao sắp gục". Evergande dường như đã phải từ bỏ phần lớn nghĩa vụ trả nợ ở nước ngoài để tập trung vào việc hoàn nợ cho các chủ nợ trong nước. Vào cuối tháng 9/2021, tổng số nợ của Evergrande đã lên đến 305 tỉ đô la.
Viễn cảnh không có gì sáng sửa với tỉ phú Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), ông chủ Evergrande. Ngay cả một người bạn gắn bó lâu năm, tỉ phú địa ốc Joseph Lau Luen Hung (Lưu Loan Hùng) cũng đã quyết định rút tiền ra khỏi cổ phiếu của Evergrande. Cần phải nhấn mạnh là tỉ phú Lưu Loan Hùng đã là người hỗ trợ tài chính cho Evergrande từ nhiều thập niên nay, cho đến mới đây, ngay vào lúc tập đoàn nợ nần chồng chất.
Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, thực ra sự suy sụp của Evergrande được báo trước từ lâu. Tập đoàn địa ốc - được mệnh danh là lớn nhất Trung Quốc về mặt tài chính vào năm 2018 – bắt đầu suy sụp từ đầu năm 2019, khi Evergrande bắt đầu tung ra một số lượng lớn trái phiếu ở nước ngoài. Vào thời điểm đó, hãng tin Anh Reuters đã ghi nhận Evergrande là "một trong các nhà kinh doanh bất động sản nợ nần nhiều nhất Trung Quốc". Đến tháng 9/2019, Evergrande đã đứng trước nghĩa vụ trả 53 tỉ đô la Mỹ, nợ đáo hạn. Vòng xoáy nợ nần gia tăng suốt năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, làm tiêu điều thị trường địa ốc nhà ở và cơ sở thương mại. Tuy nhiên, bất chấp tình thế nguy ngập này, Evergrande lại quyết định mở rộng đầu tư địa ốc, đặc biệt tại các đô thị nhỏ. Chiến lược này càng khiến nợ nần của Evergrande thêm chồng chất. Nguy cơ sụp đổ của Evergrande – cho dù có vẻ gây ngỡ ngàng trong hiện tại - trên thực tế đã được báo trước.
Nhà nghiên cứu Alex Payette nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp địa ốc tại Trung Quốc phải sử dụng đến hàng loạt cơ chế vay mượn "phi quy ước", nhiều rủi ro. Evergrande thiếu đầu tư từ các "nhà đầu tư tổ chức" (Institutional Investor), thường được có là các cơ sở bảo đảm cho độ tin cậy cao đối với một công ty. Tuy nhiên, trong danh sách các cổ đông chính của Evergrande trên sàn chứng khoán Hồng Kông, không có cá nhân hay "nhà đầu tư tổ chức" nào vượt quá 5% cổ phần. Ông chủ Evergrande Hứa Gia Ấn nắm đến 76,26% cổ phần của tập đoàn. "Hậu quả nghiêm trọng nhất" của việc thiếu sự hỗ trợ từ các "nhà đầu tư tổ chức" này khiến tập đoàn gần như không còn nguồn cung cấp tài chính từ bên ngoài, nhất là từ lúc Hứa Gia Ấn mất đi niềm tin trong giới bạn bè làm ăn. Điều này càng khiến Evergrande thêm khó khăn khi tập đoàn bị đặt trước áp lực phải trả nợ dồn dập.
Theo chuyên gia Alex Payette, trách nhiệm không chỉ về phía tập đoàn Evergrande mà là còn từ chính sách của chính quyền Trung Quốc và các cơ chế mang tính hệ thống. Alex Payette điểm mặt các nguyên do. Trước hết là việc Đảng – Nhà nước Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, cùng các cuộc thanh tra cấp tập, khiến thị trường không kịp phản ứng và điều chỉnh. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc áp đặt nhiều quy định mới đối với thị trường địa ốc cấp quốc gia, các dự án "đô thị cấp ba" (thường là các tỉnh lị) trở lên của Evergrande gặp nhiều trở ngại, trong bối cảnh bản thân chính quyền các đô thị "cấp hai" và "cấp một" (tức các đô thị lớn nhất) đã siết chặt các quy định về thị trường địa ốc. Nhà nghiên cứu Canada cũng nêu bật tình trạng "chồng chéo mang tính hệ thống" giữa các cơ quan khác nhau trong hệ thống chính trị, có trách nhiệm soạn thảo và thực thi các chính sách. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay, quan hệ giữa các định chế quyền lực "càng trở nên mơ hồ". Để sống còn, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp càng phải tìm kiếm "sự bảo trợ từ phía giới cầm quyền, khai thác các kẽ hở của các quy định luật pháp và chính sách"…
Alex Payette nhấn mạnh đến tình trạng các doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn tài trợ "truyền thống", từ phía các ngân hàng của Nhà nước. Thiếu vốn đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân buộc phải xoay sang tìm kiếm các vay mượn "phi truyền thống" (tức từ các nhà đầu tư không thuộc lĩnh vực ngân hàng) đầy rủi ro, với chi phí cao hơn.
Một vấn đề "mang tính cấu trúc" khác được tác giả nêu lên là sự vắng mặt của các kiểm soát từ phía chính quyền đối với các hình thức vay mượn phi truyền thống nói trên, bất chấp các phát biểu đao to búa lớn về "ngăn chặn rủi ro tài chính và tăng cường hệ thống quy phạm pháp luật và hành chính" mà Đảng liên tục đưa ra trong những năm gần đây. Tác giả đặt câu hỏi : Có bao nhiêu tập đoàn lớn của Trung Quốc hiện giờ lọt lưới khỏi hệ thống kiểm soát được quảng bá là nghiêm ngặt "của Đảng, của các cơ quan chức năng, của truyền thông, của thị trường" ? Alex Payette lưu ý công chúng đừng quên Huarung/Hoa Dung, một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc (Huarong Asset Management). Đây là một trong những nguy cơ tài chính lớn hơn nhiều đối với Đảng so với tập đoàn Evergrande.
Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, cho dù sự sụp đổ của Evergrande - nếu xẩy ra - gây nhiều hệ quả, nhưng sự sụp đổ của tập đoàn địa ốc này vẫn nằm hoàn toàn trong khả năng kiểm soát của chế độ. Tác giả phê phán sự thổi phồng từ phía nhiều phương tiện truyền thông, giới phân tích tài chính và "các chuyên gia chính trị" nhấn mạnh quá mức đến các tổn hại của việc Evergrande sụp đổ đến chế độ độc đảng tại Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande xét về nhiều mặt hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên, và là kết quả của những khuyết tật mang tính hệ thống của chế độ độc đảng tại Trung Quốc, thế nhưng việc để cho Evergrande sụp đổ hay khả năng chính quyền trực tiếp kiểm soát nhiều công ty lớn trong giai đoạn hiện nay, theo Alex Payette, đều nằm trong một chủ trương chung của lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình và phe cánh. Từ tập đoàn Evergrande, đến công ty quản lý nợ xấu Huarung, tập đoàn bất động sản Fantasia, hay tập đoàn Tomorrow Group, đều có quan hệ với "Thái tử Đảng" Tăng Khánh Hồng (Qing Qinwang), cựu phó chủ tịch nước, nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, đầy quyền lực thời Giang Trạch Dân. Mục tiêu của ông Tập là triệt phá mọi chân rết của bè cánh Tăng Khánh Hồng trước kỳ Đại hội Đảng 2022.
Alex Payette nêu hai kịch bản giải quyết khủng hoảng Evergrande của chính quyền Trung Quốc. Hoặc thông qua việc phân chia lại cổ phần như đối với tập đoàn bảo hiểm An Bang, ngân hàng Baoshang (ngân hàng lớn vừa bị tuyên bố phá sản cách đây một năm), hoặc cách chức ông Hứa Gia Ấn, và chính quyền trở thành người nắm cổ phần đa số, và tập đoàn sẽ được "tái cấu trúc".
Theo Alex Payette, tính toán của ông Tập Cận Bình là : khi các tập đoàn tư nhân lớn bị đẩy đến bờ sụp đổ, Đảng sẽ dễ dàng có điều kiện buộc các công ty không có lựa chọn nào khác phải bán lại các cổ phần cho chính quyền với những cái giá rẻ mạt. Tương tự như với tập đoàn tài chính Ant của tỉ phú Jack Ma, tập đoàn Evergrande của tỉ phú Hứa Gia Ấn có thể sẽ là một ví dụ "hoàn hảo" tiếp theo về những tệ nạn của giai cấp tư sản, để Đảng biện minh cho việc "can thiệp, kiểm soát, và tái cấu trúc khu vực tư nhân, nhân danh mục tiêu lý tưởng xây dựng sự ‘‘Thịnh Vượng Chung’’".
Bảo vệ người dân Trung Quốc khỏi các hành động thái quá của "cánh hữu", của "giai cấp tư sản", được coi là lý do chính đáng giúp ban lãnh đạo Tập Cận Bình khẳng định quyền lực tuyệt đối trong xã hội Trung Quốc. Chế độ của ông Tập Cận Bình vừa tạo nhiều cơ sở để dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ khổng lồ ở tập đoàn địa ốc Evergrande, nhưng cũng chính ban lãnh đạo Tập Cận Bình nắm trong tay chìa khóa để thâu tóm trở lại khu vực kinh tế tư nhân, vốn ít nhiều đã xa rời khỏi sự kiểm soát của Đảng trong những thập niên qua.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 14/10/2021
**********************
Thùy Dương, RFI, 14/40/2021
Chỉ số giá sản xuất đã tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo dữ liệu Cơ quan Thống kê Quốc gia (SNB) công bố hôm nay 14/10/2021, giá sản xuất đã tăng 10,7% trong tháng 9 vừa qua, mức tăng cao kỷ lục trong vòng 25 năm, do giá nguyên vật liệu sản xuất tăng, đặc biệt là than đá, nguồn nhiên liệu sản xuất điện chủ yếu ở Trung Quốc.
Năng lượng đắt đỏ khiến giá sản xuất tăng cao nhất tính từ 25 năm qua tại Trung Quốc. Ảnh minh họa : Một nhà máy nhiệt điện gần Bắc Kinh Reuters/Jason Lee
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde giải thích :
"Tình hình đang rất căng thẳng ở "công xưởng của thế giới", việc thiếu điện dẫn đến chi phí của các dây chuyền lắp ráp tăng cao. Các nhà máy ở phía bắc và đông nam của đất nước phải chịu các hạn chế, chẳng hạn nhiều lần bị cúp điện, bắt buộc phải tạm ngưng sản xuất.
Một số nhà sản xuất ở Đông Quan, trung tâm công nghiệp cạnh Quảng Châu, mà chúng tôi liên lạc qua điện thoại, cho biết nhà máy của họ chỉ hoạt động 2 trên 5 ngày trong tuần. Kết quả là họ phải đề nghị người lao động làm việc ban đêm vào các giờ không phải giờ cao điểm, điều này khiến nhà máy phải trả tiền phụ cấp cho người lao động.
Ngoài việc giá nguyên vật liệu tăng, hiện nay còn có sự tăng vọt về chi phí năng lượng, liên quan đến việc tăng giá than đá và giá điện. Các chi phí này trong tháng 10 có thể sẽ rất cao. Thủ tướng Trung Quốc hồi tuần trước đã cho phép tăng 20% giá điện tham khảo, thông qua đó thúc đẩy nguồn cung của các nhà máy nhiệt điện than, nguồn cung cấp điện lớn nhất tại Trung Quốc.
Tình trạng mất điện diễn ra không đúng thời điểm. Các nhà máy Trung Quốc đang có nhiều đơn hàng nhờ sự phục hồi toàn cầu kể từ sau kỳ nghỉ hè. Công xưởng của các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô (Yiwu), tỉnh Quảng Đông, đã hoạt động hết công suất trong những tuần gần đây, đặc biệt là để cung cấp các vật phẩm quảng cáo nho nhỏ và sản phẩm ăn theo bộ phim Hàn Quốc Squid Game đang rất thành công, được cho là sẽ có rất nhiều người muốn mua trong mùa Halloween năm nay".
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 14/10/2021
Là biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc, của cơn sốt địa ốc tại quốc gia đông dân nhất địa cầu, tập đoàn bất động sản Evergrande nay đang bên bờ vực thẳm trước núi nợ tương đương với 3 % GDP. Với Bắc Kinh, Evergrande là một thách thức cả trên ba mặt trận : tài chính, xã hội và chính trị.
Gánh nặng những công trình xây dựng còn dang dở của Evergrande. Ảnh minh họa cho đe dọa khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc. Vivian Lin AFP/Archivos
"Evergrande, một phiên bản mới của Lehman Brothers" : truyền thông quốc tế cảnh báo "một cơn bão tài chính mới" dấy lên từ Trung Quốc có nguy cơ tác động tới toàn cầu. Nhưng trước mắt đây là một cuộc khủng hoảng đe dọa đến ổn định xã hội và tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Evergrande với mức nợ ước tính lên tới 300 tỷ đô la có nguy cơ kéo theo cả ngành địa ốc lẫn tài chính ngân hàng Trung Quốc vào vòng xoáy, kế tới là những cổ đông đầu tư vào Evergrande. Từ đầu 2021 cổ phiếu của tập đoàn mất giá 90 % trên các sàn chứng khoán tại Hoa lục và Hồng Kông, hàng tỷ đô la tan thành mây khói.
Evergrande đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng để giao 45 triệu mét vuông bất động sản nhưng những công trình đó vẫn chưa hoàn tất. Công ty thiếu tiền mặt để 750 công trường ở trên 200 thành phố tại Trung Quốc tiếp tục hoạt động. Khoảng 200.000 công nhân viên của Evergrande bị đe dọa mất việc. Hàng ngàn đối tác của công ty bất động sản này, từ giới phân phối vật liệu xây dựng đến các công ty môi giới địa ốc bị vạ lây. Trên dưới bốn triệu lao động Trung Quốc sẽ bị thất nghiệp trong trường hợp Evergrande mất khả năng thanh toán.
Trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Mary Françoise Renard đại học Clermond Ferrand trước hết giải thích cung cách làm ăn theo kiểu "mượn dầu heo nấu cháo" của tập đoàn bất động sản lớn thứ nhì tại Trung Quốc :
Mary Françoise Renard : "Tương tự như rất nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc, Evergrande đã lớn mạnh nhờ đi vay nợ. Trong giai đoạn 2008/2009 cũng vì muốn tránh để bị sa lưới khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đã cho mở van tín dụng, khuyến khích tiêu thụ nội địa. Trung Quốc khi đó chủ trương chuyển hướng mô hình kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và lấy tiêu thụ nội địa làm chủ lực. Có điều các nguồn tín dụng dồi dào đã dẫn tới hiện tượng đầu cơ. Đa phần, người ta đầu cơ vào địa ốc. Evergrande đã dễ dàng đi vay cho đến lúc tập đoàn này mắc nợ quá nhiều. Thêm vào đó từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã áp đặt một số lằn ranh đỏ, quy định một mức nợ không thể vượt qua, hạn chế mức tín dụng cấp cho các tập đoàn xây dựng và địa ốc. Lập tức Evergrande thiếu hụt tiền mặt. Công ty này đã phải bán rẻ một số dự án để thu tiền vào kịp thời. Nhưng ngay cả biện pháp chữa cháy này cũng không đủ để thanh toán nợ đáo hạn. Evergrande rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Nghiêm trọng hơn nữa là do Evergrande phải hạ giá nhà đất với hy vọng chiêu dụ thêm khách hàng, nên tập đoàn này đã kéo theo cả thị trường địa ốc tại Trung Quốc xuống giá. Hậu quả kèm theo nữa là một số công ty nhỏ mà cũng vận hành theo kiểu đi vay nợ để phát triển, đã vỡ nợ".
Giáo sư Renard cho rằng, trong trường hợp bị sụp đổ thì "chấn động" từ vụ phá sản này vượt ra ngoài hoàn cảnh Evergrande. Ngành địa ốc chiếm đến 13 % GDP của Trung Quốc và nếu tính luôn cả các đối tác trực tiếp của các tập đoàn bất động sản ở Hoa lục, thì vết dầu - nếu có - sẽ lan rộng đến cả gần 30 % GDP.
Mary Françoise Renard : "Hậu quả trước hết là đối với các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Evergrande, trong đó có cả một số cổ đông nước ngoài, nhưng đó chỉ là một số ít. Tác động đáng ngại hơn nhiều là đối với bản thân kinh tế Trung Quốc. Có nhiều khả năng chính quyền sẽ tái cấu trúc nợ của Evergrande có nghĩa là đặt đại tập đoàn địa ốc này dưới sự lãnh đạo của Nhà nước, huy động Ngân Hàng Trung Ương và các ngân hàng của Nhà nước bơm tiền cho Evergrande. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đã rất thận trọng can thiệp tránh để Evergrande như vết dầu loang, đe dọa ngành địa ốc trên toàn quốc. Nguy cơ này là có thực do đã có nhiều công ty xây dựng khác tuyên bố phá sản. Nhìn xa hơn nữa, theo tôi, điều khiến cả Bắc Kinh lẫn giới quan sát lo ngại đó là khả năng thẩm định về mức nợ thực sự của các công ty Trung Quốc, và về rủi ro đối với các chủ nợ. Đó mới chính là một vấn đề lớn đang đặt ra với Trung Quốc".
Cũng trên đài RFI tiếng Pháp, ông Jean-François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của hồ sơ đang làm Bắc Kinh đau đầu, nhưng hoàn toàn loại trừ kịch bản Evergrande bị chính quyền "bỏ rơi" như kịch bản từng xảy ra với Lehman Brothers của Mỹ hồi 2008 :
Jean-François Dufour : "Thậm chí chúng ta không có những con số chính xác về mức nợ của Evergrande, mà đây chỉ là mức thẩm định. Tuy nhiên số tiền đó cũng đủ cho thấy tình trạng tệ hại đến mức nào đối với tập đoàn địa ốc này. Thực tế phản ánh hai điều : một là Evergrande không thể tiếp tục tồn tại và hoạt động theo lối mòn từ 25 năm nay. Thứ hai là trong mọi tình huống, đừng quên rằng chúng ta đang nói về Trung Quốc (nơi mà chính quyền can thiệp vào các hoạt động kinh tế) : thành thử kịch bản đại công ty này phá sản theo định nghĩa ở phương Tây, là điều không thể xảy ra.
Evergrande không phải là một lĩnh vực chiến lược trong mắt các giới chức Trung Quốc, thế nhưng trọng lượng về kinh tế của tập đoàn này cũng như ảnh hưởng của Evergrande đối với xã hội lại quá lớn. Nếu như công ty địa ốc này phá sản thì khế ước ngầm giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc với người dân nước này sẽ bị chao đảo. Khế ước đó dựa trên một nguyên tắc cơ bản đó là người dân trao quyền lực cho Đảng để đối lấy ấm no, để được bảo đảm thoát khỏi cảnh đói nghèo. Evergrande mà khánh tận, hàng triệu người sẽ trắng tay. Thành thử tôi cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn không thể để cho Evergrande bị sụp đổ".
Hai hiện tượng giải thích cho "cơn sốt địa ốc" tại Trung Quốc kể từ thập niên 1990 khi ngành địa ốc được "cởi trói" : một là nhịp độ các thành phố tại quốc gia này phát triển kể từ đầu thập niên 1980 và kèm theo đó là giá nhà đất tại thành phố tăng mạnh. Theo báo tài chính Mỹ, Bloomberg, từ năm 2000 trung bình giá thuê nhà tại Trung Quốc tăng từ 15 đến 20 % một năm. Đây là động lực khiến người dân Trung Quốc đi vay tín dụng để mua nhà đầu cơ và cũng là lý do thứ nhì. Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse Jean- François Dufour giải thích về nghịch lý của ngành xây dựng và địa ốc tại Trung Quốc :
Jean-François Dufour : "Tình huống khá oái oăm : từ trước đến giờ địa ốc là một lĩnh vực luôn mang nợ chồng chất và dễ bị động. Nếu như môi trường kinh tế thuận lợi thì mọi việc êm xuôi, tức là dùng tiền đặt cọc của những lớp khách hàng đến sau để hoàn tất các dự án và giao nhà kịp thời cho những đợt người đến trước. Vấn đề đặt ra là tình hình đã khó khăn hẳn dưới tác động của dịch Covid-19 và nhất là do Bắc Kinh khóa van tín dụng để giảm thiểu mức nợ của các doanh nghiệp, để ngăn chận các hoạt động đầu cơ, bởi ai cũng biết, đó là những quả bom nổ chậm. Evergrande lâm vào thế kẹt, tiền vào thì không như trước mà lại phải trả nợ đáo hạn : chỉ nội mức tiền lãi lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ. Bắc Kinh không dám để cho Evergrande vỡ nợ nên rất có thể là một mặt sẽ giành lại quyền quản lý công ty này, mặt khác huy động các định chế tài chính của Nhà nước mua lại nợ của Evergrande. Mục đích ở đây là các công trường vẫn có thể hoạt động, bảo đảm công việc cho hàng triệu công nhân, nhân viên".
Sau đại dịch Covid-19 tăng trưởng của Trung Quốc đã bị lao đao, đây không phải là thời điểm để nền kinh tế thứ nhì thế giới hứng chịu thêm một cú sốc khác. Câu hỏi còn lại là Bắc Kinh can thiệp để cứu Evergrande dưới hình thức nào và đâu là thông điệp gửi đến những "con tê giác xám" - tức là những tập đoàn lớn mang nợ chồng chất. Bertrand Harteman làm việc trong lĩnh vực công nghệ với 10 năm kinh nghiệm tại Trung Quốc giải thích thêm về tính toán của Bắc Kinh khi cứu Evergrande :
Bertrand Harteman : "Có những tập đoàn lớn đến nỗi đủ sức để bắt thị trường phải đi theo, chính những tập đoàn đó áp đặt luật chơi với thị trường. Công luận trong xã hội Trung Quốc bắt đầu bất mãn trước cảnh người lao động bị bóc lột : nhờ đại dịch Covid-19, Alibaba chẳng hạn đã lãi không biết bao nhiêu mà kể và củng cố vị trí độc quyền của tập đoàn này, nhưng lại không chia sẻ lợi nhuận đó cho những người giao hàng, trong lúc đó mới là những mắt xích giữ cho kinh tế Trung Quốc cầm cự được trong những tuần lễ khủng hoảng. Càng lúc càng có nhiều người chỉ trích các tập đoàn khổng lồ của những nhà tỷ phú đó. Hơn nữa giới trẻ không còn chấp nhận mô hình 9/9/6 tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, và 6 ngày trong tuần. Một làn sóng phản kháng bắt đầu chớm nở tại Trung Quốc và gây lo ngại cho hàng ngũ lãnh đạo. Đó chính là một trong những động cơ thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh ban hành đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân, và bắt đầu tấn công thế gần như độc quyền của một số công ty".
Nhìn rộng ra hơn, cứu Evergrande Trung Quốc sẽ cứu 40 % tài sản của người dân Trung Quốc theo thẩm định của ngân hàng Nordea. Ở đây tính toán chính trị của ông Tập Cận Bình cũng phức tạp không kém : một mặt, bằng mọi giá Bắc Kinh phải duy trì ổn định trong xã hội, xoa dịu những bất bình bắt đầu nhem nhúm trong công luận trước những bất bình đẳng ngày càng lớn và càng khó chấp nhận. Mặt khác Evergrande với cái tên Trung Quốc là tập đoàn Hằng Đại do một doanh nhân "tay trắng" dựng nên cơ đồ, đó là ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin). Theo nhà nghiên cứu người Canada, Alex Payette chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn Cercius, tại Montréal, Evergrande có được thành công rực rỡ là nhờ họ Hứa nấp dưới cái bóng của một nhân vật đầy thế lực từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán Hồng Kông là ông Trịnh Khánh Hồng (Zheng Qinghong). Bản thân ông Trịnh là một người thân cận với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Phe nhóm của ông Tập Cận Bình đang tìm mọi cách "nhổ cỏ tận gốc" ảnh hưởng của họ Giang.
Có điều, một năm trước đại hội Đảng, chính quyền Bắc Kinh không cho phép bất kỳ một "yếu tố" nào làm "nhiễu" sự kiện ông Tập Cận Bình lại được Đảng chị định để tiếp tục một nhiệm kỳ thứ ba – và có thể làm suốt đời, lãnh đạo đất nước. Trong hoàn cảnh đó, theo Alex Payette, rõ ràng, huy động vài trăm tỷ đô la Mỹ để cứu Evergrande không phải làm điều bất khả thi và Bắc Kinh thừa sức để cứu ông khổng lồ trong ngành địa ốc này. Tất cả mấu chốt của vấn đề nằm ở vế chính trị mà tới nay giới quan sát quốc tế chưa biết được là ông Tập đang tính toán những gì.
Thanh Hà (tổng hợp)
Nguồn : RFI, 28/09/2021
Virus corona đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong ba tháng đầu 2020 xuống số âm. Chuyên gia Pháp Jean-François Dufour giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse thận trọng cho rằng đây mới chỉ là "khúc dạo đầu" trong số những đòn Covid-19 tấn vào Bắc Kinh.
Kinh tế Trung Quốc "vất vả khởi động lại sau dịch Covid-19" với đe dọa lớn nhất là hàng xuất khẩu không ai mua. AFP
Không một cơ quan dự báo nào dám nghĩ rằng trong vỏn vẹn ba tháng, một cú sốc bất ngờ có thể cuốn trôi gần 7 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Đây là mức tuột đốc tệ hại nhất kể từ khi Cách Mạng Văn Hóa kết thúc năm 1976.
Ngày 20/01/2020 Bắc Kinh chính thức nhìn nhận phải đương đầu với một loại virus corona chủng mới, các nhà máy tại công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới này lần lượt phải đóng cửa. Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và cả những tỉnh chung quanh, thậm chí là cả thủ đô Bắc Kinh hay lá phổi tài chính Thượng Hải ngừng hoạt động. Dân chúng ở yên trong nhà, lặng lẽ nhìn mùa Tết Nguyên đán trôi qua. Các kế hoạch mua sắm, du lịch, sinh hoạt văn hóa sôi động đón xuân mới đều bị hủy bỏ. Cả hai vế sản xuất và tiêu thụ bị đóng băng. Các chuyến bay quốc tế đến hay xuất phát từ Trung Quốc thưa dần để rồi giảm xuống đến mức tối thiểu.
Tất cả chỉ mới bắt đầu từng bước được khởi động lại trong những ngày đầu tháng 3/2020. Vũ Hán, ổ dịch Covid-19, vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngày 08/04/2020 sau hai tháng rưỡi bị "bế quan tỏa cảng".
Tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thông báo GDP trong ba tháng đầu năm sụt giảm 6,8%, kinh tế gia Julian Evans Pritchard thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics tại Luân Đôn tin rằng "giai đoạn đen tối nhất đã qua".
Trả lời RFI Việt ngữ, giám đốc điều hành cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour bi quan hơn nhiều. Ông lo ngại toàn cảnh dù rất ảm đạm trong ba quý đầu năm nay mới chỉ là "đợt sóng đầu tiên" và kinh tế Trung Quốc còn phải trải qua nhiều thử thách khác bên cạnh nguy cơ dịch bệnh tái phát.
Jean-François Dufour : Nếu như chúng ta dừng lại ở con số này thì chưa bao giờ tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc lại "rơi mạnh" đến như vậy mà đó chỉ mới là kết của quý 1 : âm 6,8%. Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thấm đòn virus corona, là quốc gia đầu tiên đã phải áp dụng biện phát triệt để, cách ly toàn bộ cả một tỉnh với trên 60 triệu dân cư. Nhưng quan trọng hơn nữa là trong giai đoạn phong tỏa đó khu vực sản xuất không chỉ của Vũ Hán mà của cả Trung Quốc đã bị đóng băng. Nhưng đó mới chỉ là giai đoạn một, tức là khi guồng máy sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt trong nhiều tuần lễ.
Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc giờ đây là giai đoạn hai tức là một khi không ít thì nhiều, kinh tế Trung Quốc được khởi động lại, các nhà máy hoạt động trở lại nhưng hàng sản xuất không có người mua trong lúc Covid-19 đang tấn công phần còn lại của thế giới và đến lượt quốc tế bị virus corona làm tê liệt.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Trivium đặt tại Bắc Kinh, tính đến giữa tháng 4/2020, cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc mới chỉ sử dụng 80% công suất. Về phía tiêu thụ giới phân tích không mấy lạc quan. Trong hai tháng Trung Quốc bị chìm vào "giấc ngủ đông" hàng ngàn người lao động mất nguồn thu nhập, qua đó tiêu thụ nội địa bị giảm theo. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3/2020 được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố "rơi" 16%, sụt giảm mạnh ngoài dự báo của chính quyền
Thăm dò của cơ quan tài chính UBS trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết thu nhập của 54% những người được hỏi giảm sụt và 60% tuyên bố "cắt giảm chi tiêu so với thời kỳ trước khi nổ ra Covid-19". Đó là chưa kể, ngay cả khi các sinh hoạt Trung Quốc đã trở lại gần như bình thường, phần lớn dân chúng vẫn tránh né các khu đông người, ít lui tới các quán ăn, hay la cà tại các trung tâm thương mại, và lại càng tránh né từ các rạp xi-nê đến các công viên giải trí.
Hàng bán không ai mua
Nhưng không chỉ có thế. Trung Quốc mở cửa lại các nhà máy vào lúc đến lượt Châu Âu và Châu Mỹ rồi cả Châu Phi chìm vào vòng xoáy của khủng hoảng y tế. Cả nước Ý, rồi Pháp và cả Anh Quốc hay Hoa Kỳ rơi vào tình trạng phong tỏa trong nhiều tuần lễ. Theo chuyên gia Dufour, đây mới là điều khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh đau đầu.
Jean-Fançois Dufour : Cú sốc tấn mạnh vào nhu cầu tiêu thụ này đối với Trung Quốc thể hiện dưới hai góc độ : một là tác động trực tiếp vào ngành xuất khẩu. Cho dù nhân công có trở lại nhà máy như những gì chúng ta đang trông thấy hiện nay và hãy tạm gác sang một bên hiểm họa Trung Quốc lại bị một đợt lây nhiễm thứ nhì, nhưng hàng của Trung Quốc sản xuất ra không ai mua. Đó là điều khiến Bắc Kinh rất lo ngại. Vấn đề thứ hai là làm thế nào khắc phục được đợt sóng thứ nhì này.
Ổn định xã hội bị đe dọa
Làn sóng thứ hai như ông Dufour vừa nói, nguy hiểm ở chỗ đe dọa đến hứa hẹn của chính quyền đưa hàng triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh bần cùng như chính ông Tập Cận Bình từng cam kết. Cũng cầm chắc là với tỷ lệ tăng trưởng cho cả năm được IMF dự phóng là ở mức 1,2% Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu "đến cuối 2020 nhân lên gấp đôi GDP của Trung Quốc so với thời điểm 2010" như Đảng cộng sản nước này từng rầm rộ tuyên bố tại Đại Hội Đảng năm 2012.
Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy trong hai tháng đầu năm nay virus corona hủy hoại 3 triệu việc làm tại nước đông dân nhất địa cầu. Các cơ quan quốc tế như UBS của Thụy Sĩ hay ngân hàng Nomura Nhật Bản thì cho rằng, dịch Covid-19 lần này cướp đi công ăn việc làm của từ 10 đến 18 triệu dân trong những quý sắp tới.
Thất nghiệp, một chiếc "Hộp đen"
Ai cũng biết tăng trưởng của Trung Quốc trong 2019 đạt trên 6% và là một thành tích không mấy vẻ vang so với những gì mà nước này đạt được trong suốt 25 năm. Và phải với hơn 6% tăng trưởng đó, Trung Quốc mới tạo thêm được 19 triệu công việc làm tại một quốc gia với hơn 1,3 tỷ dân. Giới nghiên cứu về Trung Quốc thường ví von, "thống kê về thất nghiệp tại Trung Quốc là một chiếc hộp đen khổng lồ, không ai biết có những gì trong đó", nhưng "chỉ số về ổn định trong xã hội là đơn vị đo lường mà giới lãnh đạo tại Bắc Kinh luôn để ý tới và chăm chú theo dõi tựa như một xoong sữa trên bếp lửa, chỉ lơ là một chút là có thể trào ra lênh láng".
Vậy thì tại sao khác với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009 lần này Trung Quốc không ồ ạt huy động ngân sách cứu nguy kinh tế ? Vào lúc Tokyo tung gói kích cầu tương đương với 1/5 GDP để khắc phục hậu quả kinh tế virus corona gây nên, Mỹ huy động tối thiểu 2.000 tỷ đôla, Pháp là 15% tổng sản phẩm nội địa, thì ông khổng lồ Trung Quốc mới chỉ đặt lên bàn cân một số tiền tương đương với 3% GDP của nền kinh tế nhì thế giới. Jean-François Dufour, giám đốc DCA Chine-Analyse phân tích.
Jean-François Dufour : Mâu thuẫn ở đây là cho dù với thành tích thảm hại như vừa thấy trong quý một vừa qua, Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế được trang bị những công cụ ít tồi nhất, nếu không muốn nói là hiệu quả nhất để đối phó với khủng hoảng. Bắc Kinh có thể vẫn khai thác những lá bài cổ điển vốn vẫn được sử dụng từ xưa tới nay, chẳng hạn tăng đầu tư công vào các cơ sở hạ tầng, tăng các khoản chi tiêu … Lần này Trung Quốc không tung ra những gói kích cầu đồ sộ như hồi 2008-2009 có thể là để tránh khiêu khích thiên hạ nhưng cũng có lẽ là Bắc Kinh không còn có nhiều phương tiện tài chính như hơn một chục năm trước đây.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn còn nhiều lá chủ bài trong tay và vẫn có thể dễ dàng tạo cú hích cho kinh tế qua hàng loạt các dự án xây dựng các công trường, mở rộng sân bay, xây thêm sân vận động… trang bị thêm các đường dây điện cao thế… Đó là điều mà Trung Quốc đã làm từ một vài tuần lễ nay để khởi động lại con tàu kinh tế. Ẩn số duy nhất là mức tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài ra, điều mà chính quyền Trung Quốc lo ngại hơn cả là khả năng các công ty bị vỡ nợ, đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp, đe dọa ổn định xã hội. Tránh để kịch bản này nổ ra, Trung Quốc tăng cường khả năng của các ngân hàng để cấp tín dụng. Nói cách khác, Ngân Hàng Trung Ương sẽ mở van tín dụng để bảo đảm hệ thống ngân hàng vận hành tốt.
Mất sức hấp dẫn
Ngoài những ẩn số là tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, thất nghiệp dẫn đến bất ổn trong xã hội, Bắc Kinh còn chuẩn bị trước khả năng đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui khỏi Hoa lục. Ba năm trước virus corona, Donald Trump khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ đã dứt khoát giảm mức độ lệ thuộc vào bạn hàng Trung Quốc. Liên Âu cũng đã đòi Bắc Kinh cân bằng lại quan hệ song phương và một số thành viên Châu Âu đã bắt đầu gắn liền vế chiến lược và thương mại trong quan hệ phức tạp với đối tác thương mại Châu Á này. Đại dịch Covid-19 lại càng củng cố thêm lập trường đó. Gần đây nhất là Nhật Bản : không ồn ào như Donald Trump, nhưng thủ tướng Shinzo Abe từ tháng 03/2020 đã liên tục "khuyến khích các doanh nhân Nhật suy nghĩ về kế hoạch bố trí lại các khoản đầu tư ra nước ngoài, mà điểm đến có thể là các nước trong vùng Đông Nam Á". Tập đoàn xe hơi Hyundai của Hàn Quốc có hẳn kế hoạch "chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ".
Phải chăng đây mới là thách thức virus corona đặt ra cho chính quyền Bắc Kinh ? Jean-François Dufour trả lời.
Jean-François Dufour : Quả thật tôi nghĩ đây là chiều hướng Bắc Kinh sẽ theo dõi rất sát. Rõ ràng tiến trình toàn cầu hóa đang đứng trước một khúc quanh quan trọng. Dù vậy cần thận trọng giữa những tuyên bố mang màu sắc chính trị với thực tế. Trước mắt nhiều nước trên thế giới quyết tâm đưa lại về nguyên quán các công ty quốc gia, đây là điều dễ hiểu, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực như y, dược…
Nhiều tập đoàn đã sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc đi tìm những bãi đáp mới, nhưng một số khác thì mới chỉ lên kế hoạch mà thôi. Vả lại ngay cả những điểm đến tương lai, thí dụ như Nhật Bản có nói đến nhiều nước Đông Nam Á, nhưng câu hỏi đặt ra là ngay cả các quốc gia được chọn có sẵn sàng hay không để đón nhận một lúc quá nhiều các dự án đầu tư nước ngoài ? Đó là chưa kể, một khi cỗ máy kinh tế của thế giới được khởi động lại, thì dù muốn hay không mọi người ta vẫn cần vào nguyên và nhiên liệu của Trung Quốc.
Trong một thời gian nhất định nữa, Trung Quốc vẫn là một cửa ngõ quan trọng của kinh tế toàn cầu. Nhưng đúng là trong dài hạn và cũng có thể là rất dài hạn, tính toán dời cơ sở khỏi Trung Quốc là có thực, nhưng đó là cả một tiến trình dài hơi, cần nhiều thời gian để thực hiện và không chỉ như một câu nói là xong ngay !
Về phần nhà Trung Quốc học, giáo sư Stéphane Corcuff trường Khoa Học Chính Trị Lyon, ông cho rằng Covid-19 là cơ hội để phương Tây xét lại chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất toàn cầu, tái tạo lại một trật tự thương mại thế giới mà trong đó Trung Quốc không còn là "cái rốn" của mạng lưới mậu dịch trên thế giới.
Một trong những câu hỏi còn lại là liệu người tiêu dùng phương Tây có sẵn sàng để cai nghiện hàng rẻ sản xuất tại Trung Quốc ?
Thanh Hà tóm lược
Nguồn : RFI, 21/04/2020