Trung Quốc : Khủng hoảng địa ốc bộc lộ những điểm yếu trong mô hình kinh tế
Philippe Aguignier, Chi Phương, RFI, 29/08/2023
Gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhiều dấu hiệu khiến giới đầu tư và các nhà kinh tế lo ngại : xuất khẩu giảm, tiêu dùng giảm, thậm chí là nguy cơ xảy ra giảm phát. Theo chuyên gia kinh tế Philippe Aguinier, tại viện nghiên cứu Institut Montagne, mô hình kinh tế giúp Trung Quốc đạt được những tăng trưởng đáng kể trong hàng chục năm qua đã không còn hiệu quả nữa, "nhưng chưa ai biết mô hình nào có thể thay thế".
Một người đi gần Trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/07/2023. Reuters – Thomas Peter
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản bắt đầu từ vài năm qua, tiếp tục trầm trọng hơn khi những nhà đầu tư địa ốc lớn như Country Garden bên bờ vực phá sản, vì không trả được nợ, phải xin tái cấu trúc nợ vào tháng 8/2023. Theo Bloomberg, các công ty xây dựng thuộc doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc cũng báo cáo lỗ trong 6 tháng đầu năm nay.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố các số liệu quan trọng, như tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ, sau 6 tháng liên tiếp tỷ lệ này tăng ở mức kỷ lục. Bắc Kinh cũng ngừng công bố khảo sát về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng (China consumer confidence index) sau khi các báo cáo trước đó chỉ ra rằng chỉ số này ngày càng xuống thấp, do người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin.
Vào tháng Bảy, thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy, giá trị xuất khẩu giảm 14,5% so với cách nay 1 năm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ vào tháng 2/2020, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và sản xuất. Đồng Nhân dân tệ, hôm 16/08 vừa qua, đã xuống mức thấp nhất từ 16 năm qua, (1 đô la đổi 7,29 nhân dân tệ).
Tám tháng kể từ khi chấm dứt chính sách "Zero Covid", kinh tế Trung Quốc không đưa ra bất cứ dấu hiệu phục hồi nào. Về tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn kinh tế gia Philippe Aguignier, giảng dạy môn kinh tế Trung Quốc tại Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông - Inalco, ông cũng là nhà nghiên cứu tại Institut Montagne.
RFI : Tình hình kinh tế Trung Quốc không mấy khởi sắc có phải là điều khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên ? Liệu đây có phải là điều có thể dự đoán trước hay không ?
Philippe Aguignier : Tất cả những ai theo dõi kinh tế Trung Quốc đều biết rằng điều này không bắt đầu từ hôm qua mà từ vài năm nay. Đại dịch Covid-19 trên thực tế chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề nội tại của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng đã giải thích cách nay vài năm rằng không thể duy trì tăng trưởng 9% 10% và cần phải làm quen với một hiện tượng mà tiếng Trung gọi là tình trạng "bình thường mới". Tức là trước kia, tăng trưởng 10% là bình thường thì bây giờ Bắc Kinh hy vọng chỉ khoảng 5%.
Tôi thấy tỷ lệ này vẫn còn quá tham vọng (…) Có nhiều lý do dẫn đến tăng trưởng của Trung Quốc giảm. Thứ nhất là tình trạng dân số giảm (nhân lực vốn là một lợi thế của Trung Quốc). Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư hạ tầng và bất động sản. Đến khi các công trình xây đường sắt, đường cao tốc, bị chậm tiến độ, đã xây quá nhiều rồi những vẫn tiếp tục xây dựng thêm nữa thì lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới không là bao.
RFI : Nói đến thị trường bất động sản, vốn chiếm hơn 20% GDP của Trung Quốc, hiện đang điêu đứng vì nhiều công ty bất động sản lớn gặp khó khăn, thiếu thanh khoản, không thể thanh toán nợ đáo hạn… điều này có tác động như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc ?
Philippe Aguignier :Tại Trung Quốc, cách nay 30, 40 năm, nhu cầu về nhà ở tăng mạnh, vì dân số tăng, đi kèm với hiện tượng đô thị hoá. Do vậy chính quyền đã cấp các khoản vay để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khi quá trình đô thị hoá chậm lại, nhiều người đã mua được nhà, nhu cầu giảm. Cán cân cung cầu có sự chênh lệch, nhưng các nhà đầu tư bất động sản vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà, vì điều này tạo ra hoạt động kinh tế. Chính quyền địa phương rất hài lòng vì thu được tiền từ thuế (mua bán đất). Tuy nhiên vấn đề là khi có nhiều nhà không bán được thì số nợ cũng tăng theo. Các nhà đầu tư vốn đang mắc nợ nhưng vẫn tiếp tục xây thêm nhà trong thời gian dài.
Mọi người chắc chắn vẫn nhớ đến cuộc khủng hoảng Evergrande cách nay 2 năm, trước đại dịch Covid. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà cả xã hội. Hàng triệu người đã mua nhà trên bản vẽ trước, nhưng nếu các nhà đầu tư bất động sản ngừng xây dựng thì những người đã trả tiền mua nhà không có nhà. Do vậy, thị trường bất động sản có những dấu hiệu suy yếu. Có thể nói rằng đó là một hiện tượng "ứng xử theo dự đoán" (anticipations auto-réalisatrices), nghĩa là mọi người bắt đầu lo lắng rằng giá sẽ giảm, và không đi mua vội. Vì họ cho rằng nếu không mua hôm nay thì sẽ rẻ hơn ngày mai, vậy nên đợi đến ngày mai. Khi cầu càng ít thì giá lại tiếp tục giảm. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn, tồi tệ hơn, như rơi vào một vòng luẩn quẩn, khó có thể ra khỏi.
RFI : Tình hình hiện nay ở Trung Quốc gợi lại cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản vào cuối những năm 1990, khiến kinh tế Nhật Bản bị chững lại trong một khoảng thời gian dài vì giảm phát. Liệu kinh tế Trung Quốc có đang phải đối mặt với giảm phát hay không ?
Philippe Aguignier : Tất cả mọi người đều hốt hoảng vì những chỉ số mới ra gần đây, cho thấy giá cả đã giảm xuống, giá tiêu dùng cũng như giá sản xuất. Tuy nhiên, nếu xét kĩ, thì giá tiêu dùng so với cách nay 1 năm đúng là có giảm, nhưng so với tháng Bảy thì có tăng một chút. Do vậy vẫn còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát. Nhưng có thể nói rằng một số lĩnh vực trong kinh tế Trung Quốc trong tình trạng giảm phát, nhất là tại thị trường bất động sản, đó lại là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Giảm phát tức là tình trạng giá cả giảm xuống kéo dài, không chỉ người tiêu dùng, nhà sản xuất, các doanh nghiệp, tất cả đều dự trù giá sẽ giảm, tức là dự trù giảm hoạt động kinh tế. Người tiêu dùng không mua ngay vì giá có thể còn giảm nữa trong 6 tháng hay một năm sau. Như vậy là tình hình ngày càng xấu đi (hiện tượng quả cầu tuyết) và kinh tế rơi vào suy thoái. Cầu càng ít thì cung cũng giảm. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm cho nền kinh tế và cần phải tránh. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc biết chuyện gì đang xảy ra và nhận thức được rủi ro và sẽ có nhiều biện pháp để đối phó. Vẫn còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc giảm phát, cần phải chờ thêm một vài quý nữa mới có thể đánh giá được.
RFI : Vào tuần trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiếp tục giảm lãi suất, để khuyến khích cho vay với lãi ưu đãi. Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm tỉ lệ trả trước và lãi suất cho vay đối với một số đối tượng mua nhà. Ông đánh giá thế nào về biện pháp mà chính quyền Trung Quốc đưa ra ?
Philippe Aguignier : Trung Quốc không ở trong tình huống giống như Hoa Kỳ hay Châu Âu phải đối mặt với lạm phát. Tức là khi lạm phát xảy ra thì tăng lãi suất, nhưng Trung Quốc thì khác, lạm phát ở mức 0% thậm chí còn âm, giảm lãi suất là cách để kích hoạt lại nền kinh tế, do vậy khá là logic, nhưng hiệu quả thì ra sao thì khó có thể nói được. Khi lãi suất cho vay thấp, thì người vay sẽ trả ít lãi hơn. Nhưng tùy thuộc vào tình hình kinh tế của mỗi người. Trước nguy cơ giảm phát, giá giảm, thì không ai muốn đầu tư ngay cả khi lãi suất cho vay thấp.
RFI : Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó khăn, kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động như thế nào ?
Philippe Aguignier : Dĩ nhiên đây không phải là điều tích cực đối với kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Châu Âu, như Pháp chẳng hạn, mặc dù vốn nhập từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất sang
Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì có nghĩa cầu sẽ ít hơn, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ (tiếp tục giảm). Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn, tất cả các nước xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước ở Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Ngoài ra, phải nói rằng Trung Quốc có khả năng sản xuất công nghiệp rất lớn, lớn hơn cả nhu cầu nội địa. Nếu như thị trường nội địa đã quá tải thì điều gì sẽ xảy ra ? Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu nhiều hơn, và có khả năng phá giá. Vậy thì một số lĩnh vực mà Trung Quốc vốn đang cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới, sẽ càng cạnh tranh khốc liệt hơn
Đó là điều đã xảy ra cách nay vài năm, trong lĩnh vực pin mặt trời. Các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất với giá thấp, nên họ đã phá giá thị trường quốc tế, khiến các nhà sản xuất khác không có chỗ đứng, bị phá sản.
Điều này có thể xảy ra trong các thị trường khác, hiện nay là xe điện. Khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc quá lớn, mà thị trường tiêu thụ trong nước không thể đáp ứng. Do vậy có nguy cơ, xe điện Trung Quốc có thể tấn công vào thị trường của phương Tây.
RFI : Nhưng mỗi khi kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề, nhiều người nói đến mô hình kinh tế Trung Quốc đã sụp đổ, ông có nhận định như thế nào về điều này ?
Philippe Aguignier : Tôi nghĩ rằng một phần là đúng. Trung Quốc đã duy trì một mô hình kinh tế trong thời gian dài : ưu tiên đầu tư so với tiêu dùng. Nhưng mô hình này dần không hiệu quả nữa. Cách nay vài năm, lợi nhuận từ các khoản đầu tư mới đã giảm. Vì ngày càng có nhiều đầu tư được tài trợ từ các khoản nợ, điều này dẫn đến những vấn đề trong hệ thống tài chính. Các doanh nghiệp bị nợ quá nhiều. Do vậy, ngày nay cần phải thay đổi mô hình kinh tế này, tức là tăng tiêu dùng so với đầu tư. Điều này nói thì dễ nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào.
Ví dụ trong lĩnh vực địa ốc, rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thì hiện nay, cầu ngày càng giảm, do vậy cần phải có điều chỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản, chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền địa phương, của các tỉnh thành lớn, đã sử dụng thị trường bất động sản để có được nguồn thu tài chính. Đó là một nguồn thu nhập lớn. Ban đầu là từ lĩnh vực địa ốc, sau đó là việc bán đất, thuế thu được từ bán đất…
Để thay đổi mô hình kinh tế thì cần phải thay đổi toàn bộ mô hình tài chính của chính quyền cấp địa phương, đây không phải là điều dễ dàng, không thể làm được trong ngày một ngày hai. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc nhận thức được điều này nhưng không thể tìm được giải pháp ngay lập tức.
Khi có quá nhiều nợ, và những khoản nợ này không thể hoàn toàn trả được thì có nghĩa là sẽ bị thất thoát vốn và cần phải chia ra, ai sẽ trả ? Nhà nước Trung ương ? hay các chính quyền địa phương ? Người tiêu dùng hay ngân hàng ?
Đây là vấn đề khá phức tạp và cũng là một vấn đề chính trị.
Mô hình kinh tế Trung Quốc đúng là đã kiệt quệ, nhưng không ai có ý tưởng rõ ràng về một mô hình mới, và làm sao có thể thay thế mô hình cũ này.
Chi Phương
Nguồn : RFI, 29/08/2023
**************************
Trung Quốc có còn là một nước đang phát triển ?
VOA, 30/08/2023
Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển hay đã phát triển, từ lâu đã là đề tài tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và giới chuyên gia về Trung Quốc - đặc biệt khi Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trở thành một cường quốc sản xuất toàn cầu.
Ô tô Trung Quốc chờ xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ngày 7/12/2021.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở Johannesburg, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "Trung Quốc đã và sẽ luôn là thành viên của [các] nước đang phát triển".
Tuy nhiên, tại Washington, các nhà lập pháp tại Quốc hội đã đưa ra luật yêu cầu chính quyền Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế để tước bỏ tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc.
Cuộc tranh luận nghe có vẻ hàn lâm nhưng nó có ý nghĩa thực tế. Những lợi ích đi kèm với nhãn hiệu quốc gia đang phát triển bao gồm ưu đãi thuế quan từ các nước phát triển, giúp hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Trung Quốc cũng sử dụng vị thế đang phát triển của mình để biện minh cho việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp như đánh cá và công nghệ, cho dù nhiều ngành do nhà nước sở hữu và có tác động toàn cầu.
Tình trạng phát triển của một quốc gia được xác định theo nhiều cách khác nhau bởi các tổ chức quốc tế khác nhau. Ví dụ, Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các quốc gia tự xác định là "đang phát triển" hoặc "đã phát triển".
Các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sử dụng nhiều số liệu khác nhau để đo lường mức sống của một quốc gia, sử dụng các chỉ số như thu nhập quốc dân bình quân đầu người, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, tuổi thọ và các chỉ số về giáo dục.
Weifeng Zhong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mercatus của đại học George Mason, nói với VOA rằng đây là những cách khác nhau để cố gắng đo lường cùng một thứ.
"Tôi nghĩ vấn đề nằm ở mức độ bình quân đầu người - nghĩa là mỗi người - thu nhập cao như thế nào, vì vậy khi thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở một quốc gia đủ cao, chúng tôi nghĩ họ là quốc gia đã phát triển chứ không phải quốc gia đang phát triển", ông Zhong nói.
Trung Quốc được phân loại như thế nào ?
Bắc Kinh tự xếp mình là quốc gia "đang phát triển" trong WTO. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc xếp Trung Quốc là quốc gia có "thu nhập trung bình cao", trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gọi nước này là "nền kinh tế mới nổi và đang phát triển".
"Chúng ta có một đất nước có nhiều đặc điểm của một quốc gia đang phát triển và có đủ tiêu chuẩn về mặt lịch sử là một quốc gia đã phát triển và về mặt kỹ thuật vẫn đủ tiêu chuẩn là một quốc gia đang phát triển, nhưng cũng có nhiều đặc điểm của một nền kinh tế tiên tiến giàu có và theo cách nào đó là một nền kinh tế giàu có tiên tiến lớn", ông Philippe Benoit, giám đốc nghiên cứu Phân tích Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu và Tính bền vững 2050, nói với VOA.
Trung Quốc cũng thách thức việc phân loại dựa theo một chỉ số thường được sử dụng khác – mức tiêu thụ năng lượng. Ông Benoit nói : "Vì lý do cơ cấu, nhu cầu năng lượng, việc sử dụng năng lượng ở Trung Quốc sẽ tăng trong một số năm cho đến khi họ đạt được mức độ phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người cho phép họ đạt được mức đó".
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy nhà nước tìm kiếm nguồn lực ở các nước đang phát triển nghèo hơn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thường hành xử như một quốc gia đã phát triển trên bình diện quốc tế. Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latin, Châu Phi và Trung Á, dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng.
Ông Benoit gọi Trung Quốc là "siêu cường hai thì". Ông nói triển vọng sức mạnh toàn cầu của nước này xấp xỉ sức mạnh của một siêu cường truyền thống và nó thể hiện những đặc điểm của một quốc gia đã phát triển như các khoản đầu tư lớn vào công nghệ và đường sắt cao tốc. Trung Quốc cũng có các thành phố phát triển cao như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhưng ông nói thêm, Trung Quốc cũng có những đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như tình trạng nghèo đói dai dẳng ở nhiều khu vực trong nước. Năm 2019, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy hơn 35% dân số Trung Quốc vẫn thiếu công nghệ nấu ăn sạch và phụ thuộc vào các loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao như than đá.
"Điều chúng tôi muốn nói khi gọi là đang phát triển nghĩa là một quốc gia phải đối mặt với những vấn đề nghèo đói nghiêm trọng - nơi không có đủ khả năng tiếp cận với nước, vệ sinh, giao thông, giáo dục - những quốc gia có mức sống cơ bản nhìn chung là thấp một cách không thể chấp nhận", ông Benoit nói.
Ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston kiêm phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John King Fairbank thuộc Đại học Harvard, nói với VOA rằng việc phân loại các quốc gia đang phát triển không còn phù hợp với thực tế kinh tế do việc giảm nghèo cùng cực và vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai của Trung Quốc và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Ông Ross nói : "Nhiều người Trung Quốc thừa nhận ‘việc coi chúng tôi là một quốc gia đang phát triển là vô nghĩa’ và họ sẽ thừa nhận rằng điều đó phá hoại cả lợi ích của các nước đang phát triển và mang lại cho họ những lợi thế không công bằng trong nền kinh tế nội địa Mỹ".
Quan hệ Mỹ-Trung
Nghi vấn về tình trạng phát triển của Trung Quốc đã làm tăng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Vào tháng 3 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một dự luật mang tên "Đạo luật về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Không phải là Quốc gia Đang phát triển".
Vào ngày 8/6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận dự luật, hiện được đổi tên thành "Đạo luật Chấm dứt Tình trạng Quốc gia Đang phát triển của Trung Quốc". Ủy ban kêu gọi Bộ Ngoại giao "thực hiện các hành động để ngăn chặn việc Trung Quốc được các tổ chức quốc tế xếp vào danh sách quốc gia đang phát triển". Chưa có ngày nào được ấn định để toàn bộ Thượng viện bỏ phiếu về dự luật này.
Đáp lại việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chấp thuận dự luật vừa kể, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang cố gắng phá hoại sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Uông nói trong cuộc họp báo ngày 9/6: "Vị thế của Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới bắt nguồn từ thực tế và luật pháp quốc tế. Đó không phải là điều có thể dễ dàng bị xóa bỏ bởi một dự luật của Quốc hội Hoa Kỳ". Ông nói thêm : "Mỹ không có quyền quyết định liệu Trung Quốc có phải là một quốc gia đang phát triển hay không".
Ông Ross cho biết tình trạng phát triển của Trung Quốc "không phải là một câu hỏi quan trọng", mà là vấn đề chính trị giữa hai siêu cường cạnh tranh.
"Trung Quốc đang chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, và cùng với đó, Hoa Kỳ có một cuộc chiến thương mại và một cuộc chiến công nghệ nhằm làm suy yếu sự phát triển kinh tế và phát triển công nghệ của Trung Quốc. Về phần Trung Quốc – đó là phần đang cạnh tranh với Hoa Kỳ – họ sẽ sử dụng mọi công cụ có sẵn để cải thiện vị thế của mình".
Với việc nhiều quốc gia đang phát triển được hưởng lợi từ đầu tư và thương mại của Trung Quốc, ông Ross cho biết những quốc gia này khó có thể tán thành những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi tình trạng phát triển của Trung Quốc, đặc biệt vì họ coi vấn đề này là một cuộc khẩu chiến chính trị giữa hai siêu cường.
Nguồn : VOA, 30/08/2023
**************************
Trung Quốc : Đa dạng các cách ‘treo thưởng’ để khuyến khích sinh sản
Reuters, VOA, 30/08/2023
Một quận ở miền đông Trung Quốc treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (137 đô la) cho các cô dâu dưới 25 tuổi, biện pháp mới nhất nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn trong bối cảnh lo ngại gia tăng vì tỷ lệ sinh giảm sút.
Kiểm tra sức khỏe trẻ em hàng ngày tại một bệnh viên sản khoa ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày 3/12/2012.
Thông báo được công bố trên tài khoản Wechat chính thức của quận Trường Sơn vào tuần trước, cho biết phần thưởng nhằm thúc đẩy "kết hôn và sinh con phù hợp với lứa tuổi". Thông báo cũng bao gồm một loạt các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, sinh sản và giáo dục cho các cặp vợ chồng sinh con.
Lo ngại về sự sụt giảm dân số đầu tiên của Trung Quốc sau 60 năm và tình trạng dân số già đi nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc đang khẩn trương thử nghiệm một loạt biện pháp nhằm nâng tỷ lệ sinh, bao gồm khuyến khích tài chính và cải thiện cơ sở chăm sóc trẻ em.
Giới hạn độ tuổi kết hôn hợp pháp của Trung Quốc là 22 đối với nam và 20 đối với nữ, nhưng số lượng các cặp vợ chồng kết hôn đang giảm. Điều đó đã làm giảm tỷ lệ sinh do các chính sách chính thức khiến phụ nữ độc thân khó sinh con hơn.
Tỷ lệ kết hôn đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022 ở mức 6,8 triệu, thấp nhất kể từ năm 1986, theo dữ liệu chính phủ công bố vào tháng 6 năm nay. Số cuộc kết hôn năm ngoái ít hơn năm trước đó là 800.000.
Chi phí chăm sóc con cái cao và việc phải dừng sự nghiệp đã khiến nhiều phụ nữ không muốn sinh thêm con hoặc không muốn có con. Phân biệt giới tính và định kiến truyền thống về việc phụ nữ chăm sóc con cái vẫn còn phổ biến khắp cả nước.
Niềm tin của người tiêu dùng thấp và mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc cũng là những yếu tố chính được giới trẻ Trung Quốc viện dẫn cho việc không muốn kết hôn và sinh con.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 30/08/2023
**************************
Cổ phiếu bất động sản Evergrande của Trung Quốc khủng hoảng, lao dốc 80%
Annabelle Liang, BBC, 28/08/2023
Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande đang gặp khó khăn, giảm khoảng 80% khi họ bắt đầu giao dịch tại Hong Kong lần đầu tiên sau một năm rưỡi tạm dừng.
Evergrande đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cổ phiếu Evergrande đã mất hơn 99% giá trị trong ba năm qua khi Bắc Kinh trấn áp các công ty bất động sản.
Evergrande đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Vào Chủ nhật, công ty đã lỗ 33 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm.
Tuy nhiên, đó là sự khởi sắc so với khoản lỗ 66,4 tỷ nhân dân tệ mà hãng đã báo cáo cùng kỳ năm trước.
"Các giám đốc của công ty đã thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình thanh khoản và tình hình tài chính của tập đoàn", Evergrande cho biết trong hồ sơ gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Công ty nói thêm rằng doanh thu của họ trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng 44% lên 128,2 tỷ nhân dân tệ so với một năm trước đó. Tuy nhiên, lượng tiền mặt dự trữ lại giảm 6,3% trong cùng kỳ.
Cổ phiếu Evergrande đã bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3 năm ngoái.
"Chìa khóa cho các nhà hoạch định chính sách tại thời điểm này là ngăn chặn sự lây lan tài chính và hạn chế hiệu ứng lan tỏa sang hệ thống tài chính tổng thể", Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại công ty đầu tư Vanguard nói với BBC.
Bà nói thêm : "Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cung cấp thêm hỗ trợ thanh khoản và tín dụng cho nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản".
Các vấn đề trên thị trường bất động sản Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cũng trong hôm thứ Hai, Trung Quốc đã giảm một nửa thuế 0,1% đối với giao dịch chứng khoán để "tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư".
Động thái này diễn ra vài ngày sau khi ngân hàng trung ương nước này lần thứ hai cắt giảm một trong những mức lãi suất trọng yếu trong vòng ba tháng, trước tình trạng xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.
Các chỉ số cổ phiếu chính ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục đều giao dịch cao hơn sau tin tức này.
Tháng trước, Evergrande tiết lộ rằng trong năm 2021 và 2022, công ty đã lỗ tổng cộng 581,9 tỷ nhân dân tệ.
Đầu tháng này, Country Garden, cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo rằng họ có thể lỗ tới 7,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ vị trí của công ty với lý do "rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn tăng cao".
Ngành bất động sản Trung Quốc rung chuyển khi các quy định mới nhằm kiểm soát lượng tiền mà các công ty bất động sản lớn có thể vay được đưa ra vào năm 2020.
Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, đã phải gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD khi táo bạo mở rộng để trở thành một trong những công ty lớn nhất đất nước.
Công ty đã bỏ lỡ thời hạn quan trọng vào năm 2021 do không thể thanh toán lãi cho khoản vay quốc tế trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.
Evergrande đang nỗ lực tái đàm phán các thỏa thuận của mình với các chủ nợ sau khi không trả được nợ.
Đầu tháng này, công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án ở New York.
Chương 15 bảo vệ tài sản của một công ty nước ngoài tại Hoa Kỳ trong khi công ty này tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ của mình.
Các vấn đề tài chính của Evergrande đã ảnh hưởng đến ngành bất động sản của đất nước, với hàng loạt chủ đầu tư khác vỡ nợ và các dự án xây dựng trên khắp cả nước rơi vào tình trạng "đắp chiếu".
Annabelle Liang
Nguồn : BBC, 28/08/2023