Giống như trẻ con sau những ngày Tết lại hớn hở ngồi đếm những đồng tiền lì-xì, nhà nước Việt Nam mỗi độ xuân về lại hí hửng tính toán những đồng tiền "kiều hối" nhận được trong năm, xem tăng bao nhiêu phần trăm. Và hoan hỉ loan báo cho công chúng biết, cứ như đó là một thành tích của chính quyền, cần được biểu dương. Vậy nhưng, dưới mắt nhà cầm quyền Hà Nội, những người gửi tiền về chỉ là những con bò sữa, đang được vắt sữa bằng mọi thủ đoạn.
Nhà cầm quyền Hà Nội hoan hỉ với số tiền kiều hối khổng lồ nhưng chẳng quan tâm tới thân phận của người Việt xa quê. Ảnh minh họa
Truyền thông cho biết, hôm 22 Tháng Giêng, trong buổi liên hoan "Xuân Quê Hương 2022" dành cho kiều bào ở nước ngoài về quê ăn tết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ, lượng kiều hối năm 2021 tiếp tục tăng, với tổng số đạt gần 14 tỷ USD. Ông đồng thời cho rằng "đó là tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà." Trong cơn xúc động, ông Phúc đọc hai câu "vè" : "Mỗi năm Tết đến Xuân về. Quê hương đất mẹ đề huề mong con" (!).
Theo thông tin của đài Á Châu Tự Do, Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021, ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020. Triển vọng kiều hối năm 2022 sẽ còn tăng cao hơn nữa, một phần nhờ ở các nước có đông người Việt Nam tình hình dịch Covid-19 đã căn bản được kiểm soát, các nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.
Kiều hối (remittance) về Việt Nam có hai nguồn chính : Một là từ cộng đồng hơn 5.3 triệu người Việt Nam định cư ở các nước phát triển Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu, hai là từ lực lượng người lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm thuê ở Nam Hàn, Đài Loan, các nước Trung Đông và cả Châu Phi. Không có số liệu chính thức về số người ra ngoại quốc làm thuê, mà chính quyền trong nước gọi là "xuất khẩu lao động", nhưng một số nguồn tin cho biết, có khoảng vài ba triệu người. Kiều hối từ cộng đồng người Việt định cư có thể lớn hơn nhiều lần so với từ nguồn xuất khẩu lao động, do điều kiện kinh tế tài chính khác nhau giữa hai thành phần này ; nhưng dù từ nguồn nào thì dòng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn tăng đều đặn, năm sau nhiều hơn năm trước. Đáng chú ý là trong hai năm dịch Covid-19, kinh tế các nước bị đình đốn nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng mạnh như số liệu nêu trên cho thấy.
Quan sát hiện tượng này, chúng tôi thấy trong thời gian đại dịch, người Việt định cư ở Hoa Kỳ gửi tiền, gửi quà cho thân nhân ở Việt Nam nhiều hơn thời trước đại dịch. Điều đó một phần do thông cảm với người thân trong nước đang khốn đốn, mất việc, mất thu nhập vì các biện pháp phong tỏa, phòng dịch một cách cực đoan của nhà cầm quyền, do hỗ trợ các tổ chức từ thiện ở trong nước ; một phần vì trong thời gian dịch bệnh người định cư ở nước ngoài không về Việt Nam được nên không trực tiếp về thì gửi tiền và hàng để biểu lộ tình cảm. Ở Mỹ, các công ty làm dịch vụ gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam cho biết lượng tiền và hàng gửi tăng gấp rưỡi so với năm trước. Có không ít người dành dụm những đồng tiền được chính phủ Mỹ trợ cấp cho người nghèo trong thời gian đại dịch để gửi về giúp thân nhân ở trong nước.
Cũng như những năm trước, hàng chục tỷ đô la kiều hối là một nguồn tài chính quan trọng, giúp tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán của chính quyền Việt Nam và duy trì tỷ giá hối đoái.
Từ thân phận đau thương của "lao động xuất khẩu"…
Thế nhưng điều kỳ lạ là, tuy hoan hỉ với dòng tiền kiều hối, chính quyền Việt Nam vẫn làm ngơ trước tình cảnh bi thảm của người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và tìm cách trục lợi từ nguyện vọng về quê của hàng trăm ngàn người Việt định cư.
Tình trạng "xuất khẩu lao động" rồi đem con bỏ xứ người, không bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của họ kéo dài đã nhiều năm. Công luận quốc tế đang rất nóng vụ hàng trăm công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động cho công ty Trung Quốc ở Serbia. Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong tuyên bố đưa ra hôm 21 Tháng Giêng 2022, cáo buộc có hàng trăm công nhân Việt Nam bị bán sang Serbia để làm việc cho các công ty Trung Quốc, hiện đang kêu cứu vì phải sống và làm việc trong các điều kiện tồi tệ.
Từ cuối Tháng Mười Một năm ngoái, các hãng tin quốc tế đã tường thuật việc có khoảng 500 công nhân Việt Nam – tham gia xây dựng một nhà máy lớn của hãng lốp xe Trung Quốc Shandong Linglong Tyre ở thành phố Zrenjanin, miền Bắc của Serbia – đang phải sống trong các khu nhà tạm không có máy sưởi và nước ấm, bị đói khát, không có tiền và cũng không được giúp đỡ. Nhưng đến nay chính phủ Việt Nam hầu như không quan tâm. "Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Một người phát ngôn của bộ hồi Tháng Mười Một nói rằng các cán bộ phía Việt Nam không được báo cáo gì về "bạo lực và quấy rối" tại nhà máy của Trung Quốc", đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho biết.
Trước đó công luận cũng bàng hoàng trước việc hàng trăm người Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ, cả trẻ em gái dưới 16 tuổi, bị bán đi làm người giúp việc nhà ở Saudi Arabia, một nước Hồi giáo khét tiếng khắc nghiệt với phụ nữ. Ở đó họ bị hành hạ, bị ngược đãi, bị bỏ đói, bệnh tật không được chữa trị, xin hồi hương không được hỗ trợ và bé H Xuân Siu (người Gia Rai ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) đã chết tức tưởi trước khi được lên máy bay về nhà ! Chính quyền Việt Nam vẫn không hề có biện pháp chấn chỉnh các công ty xuất khẩu lao động đã đem con bỏ chợ như vậy bất chấp yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.
…đến những thủ đoạn trục lợi trâng tráo
Với người Việt định cư ở nước ngoài hoặc người Việt ra nước ngoài học tập, làm việc, thăm thân nhân rồi bị kẹt lại vì đại dịch, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam cũng không tử tế gì. Lợi dụng lúc tình hình căng thẳng do dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền ra lệnh cấm các chuyến bay đến và đặt yêu cầu "cách ly" triệt để ; con đường về nhà của những người Việt ở nước ngoài bị cắt đứt.
Khách quan mà nói, nhiều quốc gia khác cũng hạn chế tối đa việc nhập cảnh để ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus, không riêng gì Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh chống dịch, các nước vẫn để mở cánh cửa cho công dân và thường trú nhân của họ từ nước ngoài trở về, có biện pháp theo dõi, truy vết và buộc cách ly tại nhà. Suy cho cùng, quyền trở về nhà với gia đình, với người thân là một quyền tự do, là nhân quyền thiêng liêng. Chỉ có Việt Nam – và Trung Quốc – thực hiện việc cấm cửa với cả công dân của mình và bắt buộc cách ly tại những cơ sở tập trung bất chấp người về có mắc bệnh hay không.
Gặp phải sự phản kháng của dư luận, nhà cầm quyền đã phải tổ chức những "chuyến bay giải cứu", mà hành khách phải mua "combo" trọn gói từ giá vé máy bay đến chi phí kiểm tra y tế và chi phí cách ly tập trung. Tuy được quảng bá rầm rộ là một "hoạt động nhân đạo" nhưng thực tế, những chuyến bay "giải cứu" này có giá trên trời, từ hơn $2,000 đến $5,000 mỗi hành khách, tức là cao gấp bốn đến tám lần mức giá vé máy bay thông thường. Để được "giải cứu", người về còn phải trải qua rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và phi lý, chẳng hạn như phải xin được giấy đồng ý tiếp nhận của chính quyền địa phương nơi mình về, phải tới đại sứ quán xin xác nhận bản sao thẻ tiêm chủng, phải ghi danh với cơ quan ngoại giao và chờ đợi được sắp xếp chuyến bay.
Nản lòng với cung cách làm việc của chính quyền và không muốn bị bóc lột vô lý, hàng vạn người đã phải bay vòng về Cambodia rồi từ đó tìm cách nhập cảnh Việt Nam bằng đường bộ. Một cái vé máy bay của hãng Singapore Airlines từ California về Phnom Penh, Cambodia giá chỉ 650 USD, trong khi giá vé "giải cứu" của Vietnam Airlines từ California về Sài Gòn thấp nhất là 1.850 USD – so sánh như thế để thấy chính quyền và công ty trong nước thông đồng với nhau để ăn trên lưng "kiều bào" như thế nào.
Ngay cả khi chính quyền đã công bố cho mở lại đường bay quốc tế thì tình trạng trục lợi vẫn tiếp diễn : Giá vé từ nước ngoài về Việt Nam vẫn cao gấp hai, ba lần giá vé từ Việt Nam ra đi trên cùng tuyến đường. Ở đây lợi dụng tâm lý sốt ruột mong về nhà của người Việt xa quê, các hãng hàng không Việt Nam đã chặt chém không thương tiếc.
Xem ra, dù thường xuyên ca ngợi người Việt xa quê định cư hoặc làm việc ở nước ngoài là "khúc ruột ngàn dặm" rất thân thương nhưng cái mà nhà cầm quyền Hà Nội nhắm tới chỉ là túi tiền của họ, là những triệu những tỷ đôla kiều hối để chính quyền hoan hỉ khoe khoang mỗi dịp cuối năm.
Họ không biết và chẳng thèm biết những đồng tiền đó là mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu của những người tha phương chắt bóp dành dụm gửi về giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương. Nhà cầm quyền lẽ ra phải đối đãi với những người Việt ở nước ngoài – nguồn tạo ra dòng tiền "kiều hối" liên tục đổ về, năm sau cao hơn năm trước – một cách tử tế và trân trọng chứ không thể khinh rẻ họ, coi họ là những con bò sữa để tha hồ bóc lột bằng những thủ đoạn và mánh khóe.
Kiều hối và dòng ngoại tệ đẫm mồ hôi, nước mắt, vấy cả máu
Trân Văn, VOA, 26/01/2022
Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vừa đồng loạt loan báo "tin vui" từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam : Bất chấp đại dịch Covid 19 lộn ngược kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, lượng kiều hối (ngoại tệ mà người Việt từ khắp nơi trên thế giới gửi về Việt Nam) năm 2021 vẫn lên tới 12,5 tỉ Mỹ kim, tăng khoảng 10% so với năm trước đó (2020).
Một người thân bên bàn thờ Phạm Thị Trà My, một nạn nhân trong số 39 người chết trong xe tải ở Anh, tháng 10, 2019.
Vào lúc này, khi Tết âm lịch đã cận kề, dòng kiều hối đổ vào Việt Nam đang tăng mạnh và theo dự đoán của giới hữu trách, tổng lượng kiều hối của cả năm 2022 sẽ tăng khoảng 2,6% so với năm ngoái (1).
***
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa bao giờ cho biết chi tiết về nguồn gốc kiều hối nhưng chắc chắn, lý do khiến dòng kiều hối đổ vào Việt Nam gia tăng đều đặn, kể cả khi đại dịch lan tràn, tác động tiêu cực đến toàn thế giới, có liên quan mật thiết đến số lượng người Việt ra ngoại quốc làm thuê (cả chính thức lẫn phi chính thức) càng ngày càng nhiều.
Sau khi gửi khoảng 250.000 người Việt đi làm thuê tại một số quốc gia cộng sản trong suốt thập niên 1980 để trừ các khoản nợ đã vay khối xã hội chủ nghĩa nhằm "giải phóng miền Nam", đầu thập niên 1990, chính quyền Việt Nam chính thức xác định, nhân lực là một trong những loại hàng hóa cần xuất khẩu để kiếm ngoại tệ, xuất khẩu lao động bắt đầu có "chỉ tiêu", các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động ra đời.
Từ đó đến nay, chưa có bất kỳ thống kê nào cho biết đã có bao nhiêu người Việt được đưa ra nước ngoài làm thuê nhưng chắc chắn, con số này phải vài ba triệu. Bộ Lao động, thương binh và xã hội) – cơ quan thay mặt chính phủ thực hiện và giám sát kế hoạch đưa người Việt ra ngoại quốc làm thuê, từng xác định, trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, mỗi năm sẽ "xuất khẩu" từ 100.000 đến 120.000 người (2).
Năm 2019, sau khi đưa được 136.000 người Việt ra ngoại quốc làm thuê, Bộ Lao động, thương binh và xã hội nâng chỉ tiêu xuất khẩu lao động lên mức 130.000 người/năm nhưng do Covid-19, số người Việt được đưa ra ngoại quốc làm thuê chỉ đạt mức 70.000 người. Đó là lý do "chỉ tiêu" xuất khẩu lao động của năm 2021 được hạ xuống 90.000 người (3) nhưng cuối cùng, trong cả năm 2021, Việt Nam chỉ đưa được khoảng 45.000 người ra ngoại quốc làm thuê (4).
Đáng lưu ý, cho dù các nguồn lợi từ xuất khẩu lao động đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam song chính quyền Việt Nam chỉ hào hứng về lượng kiều hối không ngừng gia tăng, kể cả khi Covid-19 khiến thiên hạ kiệt quệ vì đại dịch và tiếp tục làm ngơ trước số phận bi thảm của những đồng bào mà họ xuất khẩu, ngay cả khi cộng đồng quốc tế hối thúc phải hành động.
***
Cuối năm vừa qua, bốn Đặc sát viên và chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cùng ký tên vào một văn bản, nhắc nhở chính quyền Việt Namvề các nghĩa vụ pháp lý đốivới cộng đồng quốc tế tronghợp tác chống tệ nạn buôn người, từ điều tra đếncung cấp các biện pháphữu hiệu nhằm khắc phục và hỗ trợ các nạn nhân, sau khi chứng kiến nhiềuphụnữ và bé gái Việt Nam donghèo đói mà bị gạt ra bên lề xã hội rồi trở thành nạn nhân buôn người và những kẻ buôn người không bị trừng phạt.
...Cho dù có những bằng chứng rõ ràng về việc một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động của Việt Nam đã tuyển cả những bé gái chỉ 16 tuổi, làm giả giấy tờ để đưa sang Saudi Arabia làm thuê. Dù đổ bệnh vì bị hành hạ, bị bỏ đói, không được chữa trị, van xin được hồi hương nhưng không được hỗ trợ và cô bé chết trước khi có thể lên phi cơ nhưng chỉ có các tổ chức quốc tế, sau đó là Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự lo ngại khi tình trạng phụ nữ và các bé gái Việt Nam được xuất khẩu sang Saudi Arabia để làm thuê bị lạm dụng tình dục, bịchủ hành hạ, tra tấn dã man, bị bỏ đói, không được chăm sóc y tế, phải nhận mức lương thấp hơn mức đã thỏa thuận trong hợp đồng, thậm chí không được trả lương trở thành phổ biến và yêu cầu Saudi Arabia phải có biện pháp.
Tháng 12 năm ngoái, các Đặc sát viên và những chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam vẫn chưa làm gì cả cho dù trong vòng chưa đầy hai tháng (từ 3/9/2021 đến 28/10/2021) có 205 phụ nữ được xem là nạn nhân buôn người được hỗ trợ hồi hương (5). Thậm chí đến bây giờ, câu hỏi những ai phải chịu trách nhiệm về cái chết chết của H Xuân Siu (người Gia Rai ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa được trả lời (6) !
***
Năm 2013, American Thinker - tờ báo điện tử chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ - từng giới thiệu kết quả khảo cứu của Michael Benge, xác định chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người (7). Nhiều tổ chức quốc tế chống buôn người như Hagar International (8), Walk Free… cũng nhận định y hệt như vậy.
Năm 2013, lần đầu tiên Walk Free công bố "Chỉ số tình trạng Nô lệ Toàn cầu" (Global Slavery Index). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 64/162 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ (bị khống chế, cưỡng ép lao động) cả bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam. Nếu xét riêng khu vực Châu Á, Việt Nam xếp thứ chín. Còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 (9).
Năm 2019, cộng đồng quốc tế rúng động trước sự kiện cảnh sát ở Essex – Anh phát giác 39 người Việt chết ngạt trong một container loại chuyên dùng chở hàng đông lạnh. Tuy 39 nạn nhân chết do tìm cách xâm nhập Anh Quốc bất hợp pháp nhưng dân chúng và chính phủ Anh chỉ thấy sốc khi 39 nạn nhân thảm tửchỉ vì hi vọng có được một cuộc sống tốt đẹp (10).
Còn chính quyền Việt Nam ? Ngay sau sự kiện vừa kể, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, chính thức khuyến cáo :Đừng gán ghép trách nhiệm cho nhà nước(11) !
Với chính quyền Việt Nam, nhà nước hoàn toàn vô can khi không tạo ra được cơ hội nào để công dân, đặc biệt là nông dân, công nhân có đủ cơm ăn, áo mặc, có chỗ trú thân, có thể nuôi thân, nuôi cha mẹ, vợ con nên lũ lượt dắt díu nhau đi làm thuê ở ngoại quốc cả bằng con đường xuất khẩu lao động hay mạo hiểm theo con đường bất hợp pháp, chấp nhận đem cả nhân phẩm, sinh mạng để hoán đổi cơ hội đạt tới ấm no không chỉ cho mình mà cho cả cha mẹ, vợ con mình.
Dòng kiều hối đổ về Việt Nam tiếp tục gia tăng đều đặn, chính quyền Việt Nam tiếp tục hoan hỉ, không thấy cần bận tâm về chuyện những khoản ngoại tệ đó thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí vấy máu đồng bào !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/01/2022
Chú thích
(1) https://tienphong.vn/cang-gan-tet-nguyen-dan-kieu-hoi-ve-viet-nam-tang-manh-post1412209.tpo
(2) http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=219367
(3) https://cand.com.vn/Thi-truong/Khong-it-thach-thuc-cho-doi-xuat-khau-lao-dong-i598019/
(4) http://www.vamas.com.vn/mobile/mdetail.aspx?id=44851
(5) https://news.un.org/en/story/2021/11/1104872
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/world/2013/10/131017_slavery_index_2013