Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính phủ Campuchia cho biết sẽ khởi công  dự án kênh đào Phù Nam (Funan Techo) vào tháng 8, 2024. Ngoài ra, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen thúc giục  con trai Hun Manet phải thực hiện ngay dự án kênh đào Funan vì "nền độc lập dân tộc của mình". Đương nhiên, dự án này thuộc chủ quyền của Campuchia. Tuy nhiên, theo nhiều điều luật quốc tế, quốc gia thực hiện những dự án có tác động môi trường xuyên biên giới như kênh đào Funan Techo cần phải thực hiện một số nghĩa vụ quốc tế. RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt, một chuyên gia về luật quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh về dự án này dưới góc độ luật quốc tế.

techo0

Sơ đồ dự án kênh đào Funan. Nguồn: Ủy ban sông Mekong Việt Nam

RFA : Xin ông cho biết dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia có thể bị ràng buộc bởi những điều luật quốc tế nào hay không.

Hoàng Việt : Việt Nam và Campuchia có xung đột lợi ích. Campuchia muốn làm kênh đào Phù Nam, sử dụng nguồn nước Mekong vì lợi ích kinh tế của mình. Còn Việt Nam thì lo ngại về tác động đối với nguồn nước và môi trường của mình. Đó là một xung đột lợi ích giữa hai nước. Đã có xung đột lợi ích giữa hai nước thì nên sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết. 

Theo luật quốc tế thì như thế nào ? Trước hết là Luật về sử dụng các nguồn nước quốc tế (International Water Law ) năm 1997 của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có rất nhiều thực tế và án lệ về giải quyết tranh chấp nguồn nước quốc tế. 

Mặc dù Campuchia không tham gia vào Công ước về nguồn nước năm 1997 của Liên Hiệp Quốc nhưng điều đó không ngăn cản hai nước Việt Nam và Campuchia tìm đến luật pháp quốc tế như một bộ khung pháp lý. 

Trong xung đột lợi ích quốc gia, nếu bên nào cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình thì tốt nhất là đưa vấn đề vào cái khuôn của luật quốc tế. Nó sẽ bảo vệ hài hòa lợi ích của cả hai bên. 

Ngoài ra trong Hiệp định sông Mekong năm 1995 có bốn quốc gia kí kết là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Hiệp ước này như vậy ràng buộc bốn quốc gia trong đó có Việt Nam và Campuchia. 

Hiệp định 1995 có quy định một số nguyên tắc cơ bản, trong đó có một số nguyên tắc rất quan trọng. Thứ nhất là các bên phải sử dụng nguồn nước một cách công bằng và hợp lý. 

Thế nào là công bằng ? Công bằng nghĩa là các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam không được ngăn cấm các quốc gia ở phía trên thực hiện các dự án của mình. 

Các quốc gia thượng nguồn như Campuchia (so với Việt Nam) có chủ quyền của mình, nhưng đồng thời có nghĩa vụ phải bảo đảm không gây tác hại đối với quốc gia hạ nguồn là Việt Nam. Đồng thời các bên phải tuân theo các luật quốc tế khác. 

RFA : Những điều luật quốc tế đó có thể đặt ra yêu cầu gì về trách nhiệm của quốc gia thực hiện dự án như Campuchia đối với dự án Funan Techo ?

Hoàng Việt : Hiệp định Mekong 1995 đã quy định thành lập Ủy hội sông Mekong (MRC). Ủy hội sông Mekong đã đặt ra quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. 

Có mấy vấn đề với dự án kênh đào Techo Funan. Thứ nhất là hồ sơ mà Campuchia gửi cho Ủy hội sông Mekong ngày 8 tháng 8, 2023, có 14 trang. Trong đó có một loạt hình ảnh. Mô tả về dự án chỉ có sáu trang. Phần mô tả dự án này rất sơ sài. 

Với thông tin sơ sài đó, Việt Nam không thể đánh giá tác động môi trường của dự án này. Cả hai dự đoán trái chiều về dự án này đều không có cơ sở. Một là dự đoán rằng kênh đào Funan sẽ tác động rất tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long như một số nhà khoa học Việt Nam nhận định. Hai là, ngược lại, dự đoán rằng kênh đào này không tác động gì lớn đến Việt Nam, như quan điểm của phía Campuchia. Cả hai dự đoán này đều không có cơ sở vì thiếu thông tin. 

Vấn đề thứ hai là hồ sơ phải kèm theo một hồ sơ "Đánh giá Tác động Môi trường", EIA tức "environemental impact assessment". Đây là yêu cầu bắt buộc, không chỉ theo Luật nước quốc tế, theo Hiệp định Mekong 1995 mà còn với cả Luật Môi trường Quốc tế. Khi bạn sử dụng nguồn nước quốc tế, bạn phải tiến hành "đánh giá tác động môi trường". 

"Đánh giá tác động môi trường" để làm gì ? Để bạn chứng minh là bạn bảo tồn môi trường cho khu vực hạ lưu, ngoài ra, để chứng minh dự án tuân thủ nguyên tắc "không gây hại". Nguyên tắc "không gây hại" trong trường hợp dự án kênh đào Funan Techo là Campuchia có quyền thực hiện dự án nhưng không gây hại cho quốc gia ven sông khác, ở đây là Việt Nam. 

Điều này đòi hỏi Campuchia có "nghĩa vụ hợp tác" ("duty of cooperation"). Trong trường hợp dự án này, nghĩa vụ hợp tác trước hết của Campuchia là nghĩa vụ cung cấp thông tin, thông qua Ủy hội sông Mekong.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nói rõ là Việt Nam không ngăn cản dự án mà ủng hộ Campuchia phát triển kinh tế, nhưng yêu cầu Campuchia phải cung cấp thêm thông tin. 

Thứ nhất là thông tin Campuchia cung cấp quá sơ sài. Thứ hai là Campuchia không cung cấp bản báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường. Thứ ba là Campuchia không thực thi thủ tục theo quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. 

Theo quy định tại Điều 5 của Hiệp định Mekong năm 1995 thì các dự án sử dụng nguồn nước trên dòng chính thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục theo quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. Campuchia lại lý luận rằng dự án Funan Techo là dự án trên dòng nhánh. 

Gần đây, một nghiên cứu của Stimson Center đã khẳng định đây là dự án nối hai dòng chính chứ không phải dự án thuộc dòng nhánh. Do đó, dự án này phải thực hiện thủ tục theo quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. 

Nếu trường hợp Campuchia tiếp tục khăng khăng cho rằng đây là dự án thuộc dòng nhánh chứ không phải dòng chính thì Việt Nam có thể đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế để phân xử. Tòa án Công lý Quốc tế có thể đưa ra một phán quyết rằng đây là dự án trên dòng nhánh hay dòng chính sông Mekong. 

Bản thân Campuchia đã sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế cho một số trường hợp. Ví dụ, Campuchia đã yêu cầu Tòa phán xử về ngôi đền Preah Vihear trong tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia. Tôi nghĩ việc này cũng là việc đơn giản thôi. Nếu Việt Nam và Campuchia cùng đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế thì vấn đề sẽ đơn giản thôi. Làm điều đó thì hai nước sẽ tránh được các tranh chấp, Việt Nam thì lo lắng Campuchia xâm hại lợi ích của mình, còn Campuchia thì cho rằng Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Theo tôi, hai nước có thể sử dụng luật pháp quốc tế như một khung pháp để giải quyết những vấn đề đó. 

RFA : Các điều luật quốc tế đó có nói rõ là những quốc gia thực hiện dự án có tác động xuyên biên giới phải thực hiện nghĩa vụ "cung cấp thông tin" cho quốc gia hạ nguồn hay không ?

Hoàng Việt : Mặc dù Luật quốc tế không ghi rõ là các bên phải "cung cấp thông tin", chỉ ghi là nghĩa vụ "hợp tác" nhưng vấn đề là các bên giải thích thế nào lại là chuyện khác. Trong "nghĩa vụ hợp tác" thì có nghĩa vụ "cung cấp thông tin". 

Nếu Campuchia khẳng định họ không có nghĩa vụ cung cấp thông tin thì sao ? Hiệp định Mekong 1995 cũng chỉ nói là các bên cần giải quyết bằng biện pháp ngoại giao hoặc giải quyết với bên thứ ba. Nếu Việt Nam mạnh dạn thì có thể đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế để yêu cầu Tòa giải thích khái niệm này và đưa ra cách áp dụng khái niệm này trong trường hợp dự án kênh đào Funan Techo ra sao. 

RFA : Xét về mặt quan hệ quốc tế, gần đây Chính phủ Campuchia tỏ ý rằng dự án này là vấn đề chủ quyền quốc gia của Campuchia. Như Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã nói đó là vấn đề "độc lập dân tộc". Điều này có hàm ý là nước ngoài (Việt Nam) phản đối Campuchia là can thiệp vào nội bộ Campuchia. Tuy nhiên, trong dự án này có vấn đề Luật quốc tế, nghĩa vụ quốc tế. Tiến sỹ Brian Eyler ở Stimson Center (Washington DC) cũng đã khẳng định Campuchia mô tả không chính xác về dự án. Đây là dự án lấy nguồn nước từ dòng chính sông Mekong nhưng Campuchia đã mô tả sai, rằng đó là dự án lấy nước từ dòng nhánh.

Hoàng Việt : Đúng. Đó là cách Campuchia chơi chữ. Cần nói thêm là ông Hun Sen nói đây là vấn đề chủ quyền của Campuchia. Điều đó đúng. Nhưng cần lưu ý thêm là bạn làm gì trong lãnh thổ của bạn đi nữa thì điều đó không được gây hại cho nước khác. Luật nước Quốc tế và Hiệp định Mekong 1995 mà Campuchia tham gia cũng ghi rõ điều này : "Không gây hại". 

RFA : Như vậy vấn đề giữa Việt Nam và Campuchia giờ đây chỉ còn là vấn đề quan hệ chính trị. Ngoài ra, việc tiến hành Đánh giá Tác động Môi trường cũng đem lại lợi ích cho chính Campuchia nữa.

Hoàng Việt : Đúng. Nhưng tiến hành Đánh giá Tác động Môi trường thì phải đánh giá rộng, chứ không phải chỉ đánh giá ở phạm vi một vài km xung quanh dự án đó thì điều đó không có tác dụng gì với hạ lưu là Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó có nghĩa là đánh giá tác động môi trường phải khoa học và hợp lý chứ không phải chỉ làm cho có. Nếu mà chỉ đánh giá tác động môi trường trong phạm vi ví dụ 3 km xung quanh kênh đào thì đâu có ý nghĩa gì. 

Campuchia có thể sẽ nói đây vẫn là vấn đề chủ quyền và họ sẽ không đánh giá tác động môi trường ở phía hạ lưu là Việt Nam. 

RFA : RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 03/06/2024

Additional Info

  • Author Hoàng Việt, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Kể từ khi chính phủ Cam Bốt công bố kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo (Phù Nam Techo), chính phủ Việt Nam và một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về tác động của dự án này đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giới chuyên gia Việt Nam lại không đồng nhất ý kiến về tác động thật sự của kênh đào Funan Techo, nhất là đối với lưu lượng của các con sông tại vùng đồng bằng này.

techo1

Một tàu chở cát trên sông Mekong tại khu vực Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 01/08/2022. AP - Heng Sinith

Về mặt giao thông, với kênh đào này, dự án 1,7 tỷ đôla do Trung Quốc tài trợ, hàng hóa từ thủ đô Phnom Penh sẽ được vận chuyển thẳng đến các cảng trên Vịnh Thái Lan, không đi vòng qua Việt Nam nữa. 

Theo thông tin từ phía Cam Bốt, kênh đào Funan Techo sẽ có chiều dài khoảng 180 km, đi qua 4 tỉnh (Kandal, Takeo, Kampot và Kep) với tổng dân số sinh sống hai bên ven sông là 1,6 triệu người. Dự án cũng sẽ xây dựng 3 âu thuyền để duy trì mực nước, 11 cây cầu và 208 km đường mới kèm theo.

Theo thiết kế, kênh Funan Techo sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ sâu 5,4m. Dự kiến kênh đào sẽ được khởi công vào khoảng cuối năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này được ước lượng là 7 triệu tấn/năm.

Chính phủ Hà Nội đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại về tác động của kênh đào Funan Techo đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về ý kiến của các chuyên gia, theo báo chí trong nước, tại hội nghị tham vấn về Dự án kênh đào Funan Techo, do Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) tổ chức ngày 23/4 ở Cần Thơ, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp của Khoa Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, lưu ý là báo cáo của Ủy ban sông Mekong quốc gia Cam Bốt (CNMC) chỉ đề cập đến chức năng của kênh Funan Techo như một thủy lộ hay kênh giao thông thủy, mà lại không đề cập đến các chức năng khác, cụ thể không nói rõ là kênh có phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, lấy nước sinh hoạt hay không và mức độ khai thác thế nào.

Theo ông Lê Anh Tuấn, kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mekong và có tác động đến đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước của sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm nghiêm trọng hơn những năm khô hạn. Bên cạnh đó, kênh đào Funan Techo được cho là sẽ có tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học của vùng này.

techo0

Kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mekong và có tác động đến đồng bằng sông Cửu Long

Cũng tại hội nghị nói trên, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhắc lại, từ Phnom Penh, dòng chảy sông Mê Kông có phân lưu sông Bassac (Hậu Giang, theo tên Việt Nam), phân chia dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu. Khi kênh đào Funan Techo đi vào hoạt động, dòng chảy sông Mekong sẽ phân chia thêm một lượng nước về sông Bassac, làm giảm dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (Tiền Giang), dẫn đến khả năng là nguy cơ thiếu hụt lượng nước trong mùa khô ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác như giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, thì không tin vào kịch bản nói trên :

"Theo tôi và một số anh em trong ngành thủy lợi, mình không nên lo lắng nhiều quá, tại vì sông Mekong chảy từ Tây Tạng qua Vân Nam (Trung Quốc), Lào, Thái Lan, Cam Bốt, rồi mới đổ vào Việt Nam. Nếu có dịp đi dọc theo sông Mekong ta sẽ thấy dòng sông này, sau Lào, khi xuống tới đoạn Cam Bốt qua Việt Nam, có những khúc không đi tàu được, vì nhiều đoạn chỉ là ghềnh thác hoặc đá sỏi. Cho nên, trong thực tế, những nước phía trên Việt Nam không tận hưởng được nước như tại đồng bằng sông Cửu Long của mình, vì mặt đất ruộng của họ cách mặt nước của dòng sông khá là xa, có nơi tới mười mấy, hai chục mét, thành ra không cách chi mà lấy nước để mà tưới được.

Mực nước sông Mekong khi vào Việt Nam thì cách mặt đất ruộng chỉ khoảng 1 mét, cho nên mình hưởng nước này gần như trọn vẹn hơn các nước phía trên. Sông Cửu Long khi xuống tới Việt Nam thì dòng Tiền Giang trở nên rất là mạnh, trong khi Hậu Giang chảy rất yếu. Do đó, thiên nhiên cũng tạo ra sông Vàm Nao, tách ra từ Tiền Giang, đổ xuống dưới, chảy vào Hậu Giang. Cụ thể là trong mùa mưa, mùa lụt, lưu lượng của nước từ Tiền Giang tràn qua phía Hậu Giang, tạo thành sông Vàm Nao.

Trước năm 1974, lưu lượng của sông Cửu Long đo tại Kratie bên Cam Bốt trong mùa nước lớn là khoảng 40.000 m3/giây, nhưng tới mùa nắng, mùa khô thì còn tối đa là 2.000 m3/giây. Nhưng sau năm 1974 cho tới những năm gần đây, lưu lượng mùa khô tăng lên thành 2.300 m3/giây, chứng tỏ là nó có nhiều nước hơn trong lúc này. Tuy nhiên, khi vào đến Phnom Penh, khi Mekong chảy thành hai đoạn, thì kênh đào Funan Techo sẽ lấy nước từ Hậu Giang, tức là sông yếu hơn của Mekong. Thành ra, những người lo lắng, bi quan thì nói là nó sẽ lấy nước đồng bằng sông Cửu Long ít nhất là từ 50% đến 70%, thì đồng bằng sông Cửu Long sẽ khô hạn hết. Tôi và một số chuyên gia về thủy lợi thì không tin điều đó, tại vì sông Tiền Giang từ xưa đến nay luôn luôn là rất mạnh. Bây giờ dù phía Cam Bốt có lấy nước đi nữa, thì nó cũng còn ở phía trên, còn bên mình thì nước chảy xuống những cao độ thấp hơn bên đó, cho nên mình vẫn có thể hưởng được dòng Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang qua sông Vàm Nao để đổ vào hệ thống Hậu Giang".

Thật ra thì một số chuyên gia lo lắng là vì đối với họ, báo cáo của Ủy ban sông Mekong quốc gia Cam Bốt về kênh đào Funan Techo "chưa phân tích đầy đủ, chưa thể hiện hết các mặt của sự tác động". Vì thế, họ yêu cầu phía Cam Bốt chia sẻ minh bạch các thông tin chi tiết về dự án bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án. Họ cũng đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế cần hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động.

Riêng đối với giáo sư Võ Tòng Xuân, phía Cam Bốt cần phải cung cấp thêm một số thông tin để có thể đánh giá tác động của kênh đào Funan Techo đối với lưu lượng các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long :

"Thật sự lưu lượng nước lấy từ sông Hậu Giang bên phía Cam Bốt để cung cấp cho kênh đào này không quá nhiều như là nhiều người đang lo. Trái lại, nó sẽ lấy vừa phải, bởi vì bản thân dòng nước này đã yếu rồi. Bây giờ mình sẽ hỏi thêm là họ có đào thêm một con kênh mới để nối Tiền Giang với Hậu Giang để đưa xuống con kênh này hay không, thì mình sẽ biết rõ ràng hơn, chắc chắn hơn là họ lấy bao nhiêu nước. Đến chừng đó mình mới dám kết luận là kênh Funan Techo có làm hại cho lượng nước xuống đồng bằng sông Cửu Long của mình hay không ? Bây giờ mình chỉ mới nói theo cảm tính thôi, chứ còn số liệu cụ thể thì chưa có".

Về phía chính phủ Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 05/05/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng đã ra lời kêu gọi với phía Cam Bốt : 

"Chúng tôi mong rằng Cam Bốt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong".

Đáp lại những quan ngại nói trên, chính phủ của thủ tướng Hun Manet vẫn không thay đổi lập trường, đó là họ sẽ tiến hành xây dựng kênh đào Funan Techo mà không cung cấp thông tin chi tiết về dự án này cho phía Việt Nam. Theo nhật báo Khmer Times, trong một cuộc họp báo với các phóng viên trong nước vào ngày 07/05, phó thủ tướng Sun Chanthol khẳng định dự án kênh đào "chỉ cần 5 mét khối mỗi giây (m3/s), tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong", tức là sẽ không gây tình trạng thất thoát nước. Ông còn khẳng định khi đi vào hoạt động, kênh đào "sẽ góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam".

Ông Chanthol cho biết đã tham khảo Hiệp định Mekong năm 1995, quy định rằng các hoạt động ảnh hưởng đến các nhánh của sông Mekong, bao gồm cả Tonle Sap, phải được "thông báo" cho Ủy ban Hỗn hợp. Cam Bốt đã thông báo cho ủy ban này vào ngày 08/08/2023. Nhưng phó thủ tướng Chanthol nhấn mạnh : "Cam Bốt không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể từ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong (MRC)".

Phó thủ tướng Cam Bốt ngược lại đã chỉ trích Hà Nội khi nêu lên dự án cải tạo kênh Chợ Gạo ở miền Nam Việt Nam và khẳng định là phía Việt Nam "thậm chí còn không thông báo về dự án này cho Ủy hội sông Mekong".

Cũng theo Khmer Times, cựu thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, hôm 16/05 thậm chí còn kêu gọi chính phủ đừng chờ đợi nữa mà hãy tiến hành xây kênh đào Funan Techo càng sớm càng tốt để chấm dứt những tranh luận chung quanh dự án này.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 20/05/2024

Additional Info

  • Author Thanh Phương
Published in Diễn đàn

Siêu dự án kênh đào Funan Techo sẽ có tác động về mặt kinh tế và môi trường như thế nào đến Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long ?

techo1

'Sức khỏe' sông Mekong ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục triệu người trong khu vực. Trong ảnh : Học sinh đi học tại tỉnh Battambang ở Campuchia vào năm 2020.

Kênh đào Funan Techo sẽ được Campuchia khởi công trong quý tư năm nay sau khi nghiên cứu khả thi đã hoàn tất.

Tên của kênh đào, Funan Techo, gợi nhớ đến tên vương quốc Phù Nam cổ xưa từng nằm vắt ngang từ bán đảo Mã Lai tới tận vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Kênh đào dự kiến sẽ chạy từ Prek Takeo của sông Mekong ra biển ở tỉnh Kep, đi qua Prek Ta Ek của sông Bassac, sau đó vào Prek Ta Hing của sông Bassac.

Kênh đào đi qua bốn tỉnh của Campuchia gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep.

Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Hun Manet hồi tháng 12/2023 nói rằng không có "bí mật" gì trong việc xây dựng kênh đào này.

Theo ông Hun Manet, việc mở rộng cảng Sihanoukville và xây dựng kênh đào Funan Techo sẽ tăng sức mạnh của kinh tế quốc gia.

Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

- Độ dài và chi phí ước tính : 180 km và 1,7 tỷ USD

- Rộng : 100 m ở thượng nguồn

- Rộng : 80 m ở hạ nguồn

- Độ sâu : 5,4 m

- Thời gian xây dựng : 4 năm

Nguồn : Thông tấn xã Campuchia (APK)

Tác động môi trường nào tới Việt Nam ?

Có hai quan ngại về dự án này hiện nay cho phía Việt Nam, bao gồm môi trường và kinh tế.

Theo Khmer Times, Thủ tướng Hun Manet đã "giải thích rõ ràng về chi tiết dự án" với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức tới Hà Nội trong hai ngày 11 và 12/12/2023 vừa qua.

Ông Hun Manet lặp lại lời đảm bảo với các lãnh đạo Việt Nam là dự án kênh đào "sẽ không tác động đến nước của sông Mekong", theo tường thuật của Khmer Times.

Trả lời phỏng vấn độc quyền ngày 31/1của Khmer Times, ông So Naro, Đại diện Thủ tướng phụ trách vấn đề ASEAN của Campuchia, khẳng định "dự án trên lãnh thổ của Campuchia sẽ không tác động tới Việt Nam, […] ngoại trừ việc mất nguồn lợi thu phí đánh trên việc vận chuyển hàng hóa của Campuchia thông qua tuyến đường thủy của [Việt Nam]".

Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết theo thông báo mà họ nhận được từ Campuchia thì mục đích của dự án là vận tải đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.

"Dự án sẽ không có tác động đáng kể nào đối với dòng chảy mỗi ngày và lưu lượng dòng chảy hàng năm của hệ thống sông Mekong. Việc xây dựng và vận hành ba âu tàu [waterway lock] này sẽ cho phép việc quản lý hiệu quả và kiểm soát dòng chảy trong kênh đào. Và những tác động xã hội và môi trường ở mức rất thấp trong suốt quá trình xây dựng và vận hành và sẽ được kiểm soát", MRC chia sẻ nội dung mà phía Campuchia gửi.

techo2

Nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, đánh giá dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ có thể tạo ra những tác động môi trường và xã hội cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng "không theo cách đang được thảo luận rộng rãi tại Việt Nam".

"Đa số giả định kênh đào này sẽ rút dòng chảy chính của sông Tiền và sông Hậu, nhưng một hệ thống cổng và âu tàu phức tạp sẽ ngăn chặn điều này xảy ra nếu được quản lý đúng cách".

"Tuy nhiên, các tác động thật sự sẽ làm giảm dòng chảy từ Campuchia về Việt Nam qua vùng đồng bằng bồi đắp và có thể làm sụt giảm lượng nước hiện có một cách nghiêm trọng ở Campuchia, phía nam kênh đào và đồng thời tại các tỉnh An Giang và Kiên Giang".

"Hệ thống đê của kênh đào sẽ cắt ngang qua vùng đất ngập nước tại tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia, căn bản tạo ra một bức tường cực kỳ dài, ngăn chặn nước chảy xuống hạ lưu thông qua vùng đồng bằng bồi đắp chung rộng 1.500 km2", ông Brian nhận định.

Ông Brian nói rằng để đánh giá lượng nước bị sụt giảm bao nhiêu thì phải có nghiên cứu đầy đủ, nhưng "tôi có thể đoan chắc là con số này sẽ không nhỏ".

"Các con đê của kênh đào này cũng sẽ khiến nước chảy về hướng đông và ngược vào các nơi tại Campuchia vốn trước đây chưa từng ngập lũ. Tôi lo ngại về khả năng dẫn tới lũ lụt tại thành phố Takeo và tại các vùng ở phía nam, ngoại ô của Phom Penh", ông nói.

Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông chỉ biết những thông tin ban đầu như Campuchia công bố về dự án này.

Do đó ông cho biết không thể đánh giá dự án này có "bi quan" hay không vào thời điểm hiện tại.

"Tôi không nghe thêm thông tin khác, hiện tôi đang chờ thêm thông tin từ Ủy hội sông Mekong và các tổ chức viễn thám khác chụp hình xem có gì thay đổi hay không".

"Tôi nghĩ việc sử dụng nước lớn như vậy thì sẽ có tác động. Mặc dù bề ngang của kênh đào Phù Nam Techo chỉ khoảng 100 mét, nhưng bề sâu từ 4 – 5 mét, phía trên có những âu tàu. Khi làm xong công trình, thời gian họ chặn nước lại để con kênh đầy lên thì tôi lo ngại không biết thời gian này bao lâu, vì phụ thuộc thời tiết, lượng mưa, rồi lấy nước của sông Basaac để làm đầy kênh".

"Trong lúc thời gian làm đầy nước cho kênh thì lượng nước chảy xuống hạ nguồn sông Mekong sẽ ra sao, bao nhiêu nước sẽ bị chặn lại, nước chảy qua vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ bị ảnh hưởng ra sao và trong bao lâu. Đây là quan ngại của tôi", ông nói.

Một ý kiến khác, tiến sĩ Sam Seun, nhà nghiên cứu chính sách từ Viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long.

"Campuchia rất cẩn trọng trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Campuchia cũng không làm điều gì gây tổn hại cho dòng sông Mekong và đã chính thức ngừng xây dựng đập thủy điện dọc con sông này. Campuchia và Việt Nam đều kết nối với nhau qua sông Mekong. Tôi nghĩ Việt Nam nên ủng hộ Campuchia tiến hành dự án này thay vì lo lắng", ông nói với BBC.

Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong cho BBC biết vì thông tin nhận được chỉ bao gồm các chi tiết kỹ thuật chính và một mô tả ngắn về đánh giá tác động nên MRC không thể bình luận chi tiết được về dự án vào thời điểm này.

"Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong đã yêu cầu và chờ thêm thông tin chi tiết từ Campuchia. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với quốc gia thông báo dự án (Campuchia) để có thêm thông tin chi tiết. Cho đến khi đó, chúng tôi mới có thể tiến hành xem xét kỹ thuật và cung cấp bình luận về dự án này", MRC thông tin với BBC.

Nên dừng dự án đến khi nghiên cứu đầy đủ ?

techo3

Theo Khmer Times, Thủ tướng Hun Manet đã "giải thích rõ ràng về chi tiết dự án" với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm tới Hà Nội trong hai ngày 11 và 12/12/2023 vừa qua

Ông So Naro khẳng định với Khmer Times rằng "dự án sẽ được xây dựng, bất chấp điều gì xảy ra", sau khi đã được nghiên cứu khả thi 26 tháng.

Về Việt Nam, ông nói : "Chúng ta không có ý tiêu cực gì về Việt Nam, tuy nhiên, khi chúng ta phụ thuộc vào ai đó về sự tồn tại, điều này có nghĩa chúng ta đang đánh mất một phần độc lập của mình. Đó là lý do kênh đào Phù Nam Techo không chỉ là một phần lịch sử trong cơ sở hạ tầng quốc gia mà còn là một thành tựu nổi bật trong nền chính trị quốc tế của Campuchia".

Nhà nghiên cứu Brian Eyler cho rằng cần phải nghiên cứu đầy đủ và bình luận về tính cần thiết của dự án này. Và cho đến khi dự án được nghiên cứu đầy đủ thì theo ông, "nên dừng dự án này" vì có nhiều lựa chọn khác.

Theo ông Brian, Campuchia hoàn toàn có thể vận chuyển container dễ dàng thông qua tuyến đường cao tốc mới từ Phnom Penh về các cảng nước sâu ở Sihanoukville và Ream.

"Thương mại trên cao tốc sẽ đến các cảng nhanh hơn nhiều so với các xà lan vận chuyển hàng hóa chậm, qua các mạng lưới cổng và âu tàu phức tạp. Cũng có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao để bổ sung các tuyến đường sắt hiện có từ Phnom Penh đến Kep và Sihanoukville và vận chuyển đường sắt có thể rẻ bằng đường thủy nếu được thiết kế hợp lý", ông đánh giá.

Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam–Campuchia có hiệu lực từ tháng 1/2011. Từ đó, khoảng 20 triệu tấn hàng hóa và chừng 1,3 triệu lượt hành khách đã lưu thông qua đường thủy nội địa giữa hai nước, theo thống kê vào tháng 5/2023.

Hai cảng Phnom Penh và Sihanoukville của Campuchia là điểm tập kết. Hàng hóa sau đó sẽ quá cảnh đến các cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa–Vũng Tàu).

Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia hơn là thông qua Việt Nam như hiện nay, và Việt Nam có thể mất nguồn lợi từ việc này.

Có yếu tố Trung Quốc ?

techo4

Thủ tướng Hun Manet khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp cải thiện đời sống của 1,6 triệu người dân địa phương sống xung quanh kênh đào

Kinh phí đầu tư dự án này là 1,7 tỷ USD, theo hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).

Theo Thông tấn xã Campuchia (AKP) ngày 27/12, Thủ tướng Hun Manet tuyên bố "Campuchia không vay tiền từ Trung Quốc để xây kênh đào này, nhưng việc xây dựng sẽ được tiến hành với sự hợp tác của lĩnh vực tư nhân theo hình thức BOT".

"Bộ Kinh tế và Tài chính cũng nêu rõ rằng dự án kênh đào sẽ được thực hiện theo cơ chế đối tác công tư (Public-Private Partnerships – PPP), mà không theo khuôn khổ của bất kỳ khoản nợ từ các đối tác phát triển nào", theo AKP.

Hiện chưa rõ đối tác tư nhân trong đầu tư dự án này là từ quốc gia nào.

Hiện Trung Quốc vẫn thúc đẩy mối quan hệ song phương ‘sắt son’ với Campuchia, quốc gia gần 17 triệu dân.

Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng Hun Manet được giới quan sát nhìn nhận vẫn đang tiếp nối di sản của cha mình, cựu Thủ tướng Hun Sen, trong việc gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, cùng với đó là quan hệ giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tiếp tục được củng cố.

Không lâu sau khi nhậm chức, ông Hun Manet cũng đã công du đến Bắc Kinh vào tháng 9/2023 và có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Campuchia cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á rất ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI).

Campuchia cũng đã tham gia Sáng kiến ‘Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai’ của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của ông Hun Sen đến Bắc Kinh hồi tháng 2/2023, hai nước cũng đã nâng tầm hợp tác lên "Hợp tác Lục giác kim cương" trong sáu lĩnh vực ưu tiên, gồm hợp tác chính trị, năng lực và chất lượng sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh và trao đổi nhân lực.

Trong bài viết trên Diplomat ngày 2/1/2024, Sothearak Sok, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và giảng viên Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia, nêu một bình luận cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào này để thúc đẩy tham vọng quân sự trong khu vực.

Trước đó, năm 2022, một số quan chức phương Tây giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, nói với  Washington Post về việc Trung Quốc đã "bí mật" động thổ xây dựng căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan, tiền đồn ở nước ngoài thứ hai của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Quan chức các nước liên quan sau đó đã cố làm nhẹ vụ việc này.

Quy trình sắp tới sẽ là gì ?

techo5

Ngư dân đánh cá trên sông Mekong tại Phnom Penh vào năm 2021

Campuchia đã thông báo các quốc gia thành viên trong Ủy hội sông Mekong về ý định xây dựng kênh đào này.

Với thông tin hiện tại, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong đang phối hợp với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia Mekong của Campuchia (CNMC) để có thêm chi tiết về dự án.

Theo MRC, thông báo của Campuchia đã mở ra một kênh đối thoại giữa các quốc gia thành viên và những bên liên quan về cơ hội thảo luận, đồng giám sát, và giám sát các chi tiết hướng dẫn từ Ủy hội sông Mekong.

MRC cho biết quy trình này tuân thủ với các ý định được đề ra trong Hiệp định sông Mekong 1995 do Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam khi thành lập ủy hội này.

Về phía chính quyền Việt Nam, hiện chưa có phản ứng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Huyền Trân

Nguồn : RFA, 02/02/2024

Additional Info

  • Author Huyền Trân
Published in Diễn đàn