Lần đầu qua Tokyo, đi bộ dọc theo vài con đường, tôi có thấy những gờ cao nằm giữa lề đường dành cho người đi bộ nhưng không chú tâm lắm. Rồi đến ngã tư, nghe tiếng "chíp-chíp" như chim kêu khi đèn tín hiệu đi bộ chuyển xanh, cũng ngỡ để báo hiệu khách bộ hành đang đợi băng ngang đường.
Khách bộ hành qua đường tại Tokyo - Ảnh minh họa
Về sau có dịp trò chuyện với một người sống tại Nhật, câu chuyện đưa đẩy thế nào mà tôi nhắc lại điều này và mới học được rằng, chúng được thiết kế dành cho người mù. Ông cũng nói thêm rằng, không phải nước Nhật có quá nhiều người mù mà chính phủ làm vậy, chỉ là vấn đề nhân đạo, quan tâm đến người tàn tật. Ra vậy, có vô số điều đôi khi chúng ta nhìn mà không "thấy". Và có thấy, đôi khi cũng chưa tường tận.
Thật ra đây không phải là điều lạ tại Mỹ, tôi chỉ chưa thấy gờ cao hay âm thanh báo hiệu như tại Tokyo mà thôi. Bởi các luật lệ về xây dựng, tiện ích công cộng đều buộc phải có tính năng cho người khuyết tật sử dụng, như bãi đậu xe, lối đi dành riêng cho người tàn tật, hệ thống điện thoại dành cho người điếc, người mù...
Nước Mỹ vừa kỷ niệm 30 năm Đạo Luật Người Khuyết Tật (Trong việc làm, phương tiện di chuyển, tiện ích công cộng, dịch vụ..., người khuyết tật cũng được hưởng những cơ hội bình đẳng như bất cứ ai. Nếu không bảo một số hãng còn có chính sách ưu tiên cho người khuyết tật.
Americans with Disability Act, một bộ luật dân sự ngăn cấm việc kỳ thị người khuyết tật, dù tâm thần hay thể lý.
Mà không riêng Nhật, Mỹ, hầu hết các quốc gia tiến bộ đều có những chính sách, tiện ích dành riêng cho nhóm người này, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, nhân ái với những người thua thiệt, kém may mắn. Điều mà các quốc gia đang phát triển còn ít quan tâm , thậm chí có người còn cười ngạo, coi khinh hay hiếp đáp họ.
Chỉ nhìn việc diễn hài trên sân khấu Việt hiện nay, thỉnh thoảng người xem vẫn bắt gặp những tay hài đem sự bất toàn, tật nguyền của người khác ra chế giễu, để chọc cười. Giả đi cà nhắc, giả nói ngọng, chê mập ốm, xấu đẹp, hay giả gái giả trai... Có điều gì bất nhẫn khi chứng kiến những điều như vậy.
Nhắc đến câu chuyện người khuyết tật để thấy những người này không phải đối tượng để chọc cười, để xem thường hay kỳ thị mà họ cần được yêu thương và tôn trọng. Nó là văn hóa của tình người, là hành xử của xã hội văn minh. Và nhắc đến điều này, để thấy rằng với những con người bình thường khác, họ lại càng không có lý do gì để bị coi khinh, sỉ nhục bởi hình tướng, màu da.
Như việc gọi những người khác màu da bằng "mọi" hay "nhọ", ví họ như "đười ươi, khỉ đột" của một nhóm người trên cộng đồng mạng người Việt từ đôi năm qua. Cường độ tăng dần theo sự sôi sục của chính trường Hoa Kỳ, khi họ chẳng ngần ngại gọi đích danh giới lãnh đạo cùng người dân da màu của Hoa Kỳ một cách đầy xúc phạm như vậy. Họ ngang nhiên tấn công vào danh dự, phẩm giá của người khác.
Tôi thở dài khi tình cờ đọc được một nhà văn nữ tại Việt Nam gọi Tổng thống Barack Obama là "mọi" vài tháng trước. Rồi tôi lắc đầu khi bắt gặp một người tham gia hoạt động dân chủ gọi ông là "nhọ". Và không kiềm cảm xúc, tôi phẫn nộ khi lại bắt gặp một nhà thơ vừa đến Mỹ được vài năm công khai xúc phạm ông bằng ngôn từ tương tự là "mọi, rệp" trong đôi tuần qua. Họ chỉ là vài trong không ít người đã từng đăng đàn công khai viết ra những điều như vậy.
Chúng chẳng làm giảm giá trị của tổng thống Obama hay người bị xúc phạm, chúng chỉ thể hiện tâm tưởng và phẩm cách của những người thốt hay viết ra. Tôi không tiếc cho lòng tự trọng của họ bị đánh mất, tôi chỉ nghĩ về một cộng đồng vẫn còn tồn tại vô số người chưa thấu đạt về giá trị, phẩm giá cùng quyền con người của người khác. Cũng là quyền của chính mình.
Câu nói trích trong diễn từ Gettysburg nổi tiếng của tổng thống Abraham Lincoln năm 1863 rằng, "mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" đã được xem là một trong những câu trứ tuyệt của tiếng Anh.
Nó trở thành nền tảng của xã hội tiến bộ, là tiêu chuẩn đạo đức, là cam kết vô hạn định về quyền con người. Câu nói trở thành kinh điển và niềm cảm hứng của nhiều bản Tuyên Ngôn Độc Lập trên khắp thế giới sau này. Nó thể hiện giá trị và nhân phẩm của mỗi con người. Được tự do, bình đẳng và được tôn trọng, bất kể màu da, tôn giáo, giới tính hay tuổi tác. Bất kể thế nào, lành lặn hay khuyết tật.
Dù vậy, một thể chế dân chủ như nước Mỹ, cũng đã phải qua bao thế hệ tranh đấu, những quyền này cuối cùng mới thành sự thật. Đạo luật Dân Quyền (Civil Rights Act) ra đời năm 1964, cả hơn trăm năm từ sau lời phát biểu của Abraham Lincoln. Nó tái khẳng định những quyền con người và được áp dụng, thành luật. Xúc phạm, kỳ thị người khác không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là sái với luật pháp. Hãng xưởng, công sở xem đây là điều tối kỵ. Vậy mà nhiều người vẫn thản nhiên vi phạm.
"Mọi" ? Và thế nào là "mọi" ? Ai là "mọi" ?
Tôi vẫn thường suy nghĩ về điều này mỗi khi bắt gặp những ngôn từ, hành xử như vậy. Để rồi tự hỏi rằng, giữa "mọi" hình tướng và "mọi" tâm tưởng, điều nào và ai mới thật sự là "mọi", là thiếu văn minh và đáng chê cười hơn ?
Nhã Duy
(24/08/2020)
Làm người đi tìm sự thật hôm nay cũng thật khó !
Đa số người Mỹ cho rằng sự phẫn nộ về cái chết của người da đen dưới bàn tay của cảnh sát đưa đến các cuộc biểu tình khắp nước trong thời gian qua là điều chính đáng, mặc dầu họ không nhất thiết đồng tình với hành động xảy ra, theo khảo sát vào đầu tháng 6 của trường đại học Monmouth. 76% người Mỹ, kể cả 71% người Mỹ da trắng, cho rằng kỳ thị chủng tộc và phân biệt là một vấn đề lớn tại Hoa Kỳ, tăng 26% so với khảo sát năm 2015.
Các thông điệp được ghi và gắn xung quanh tượng Tổng thống Andrew Jackson tại công viên Lafayette, đối diện tòa bạch ốc, 15/6.
Mọi mạng sống đều quan trọng
Vào ngày 22/6, một chiếc phi cơ bay ngang sân Etihad Stadium khi hai đội banh Manchester City và Burnley thi đấu. Chiếc máy bay chở một tấm phướn lớn có chữ "White Lives Matter Burnley". Liền sau đó, đội Burnley bị chỉ trích nặng nề vì bị cho rằng thông điệp này coi thường phong trào đấu tranh Black Lives Matter hiện nay. Giám đốc đội Burnley, ông Sean Mark Dyche, liền họp báo lên án hành động này và xin lỗi vì sự việc xảy ra ngoài ý muốn của ông. Còn đội trưởng Ben Mee cho biết anh cảm thấy nhục nhã và xấu hổ đối với những ủng hộ viên nồng nhiệt nhưng hành xử như thế.
Giám đốc đội Manchester City thì ôn tồn hơn khi phản ứng về sự kiện này. Ông Pep Guardiola cho rằng "Tất nhiên mạng sống người da trắng là quan trọng nhưng mạng sống người da đen cũng quan trọng. Con người quan trọng. Mọi người, chúng ta đều giống nhau. Mỗi ngày chúng ta phải chiến đấu không chỉ vì tình huống này mà còn vì tất cả những bất công trên toàn thế giới". Trước đó, vào ngày 18/6, khi nói về phong trào Black Lives Matter, Guardiola cũng nhận xét rằng ông cảm thấy "xấu hổ" về lịch sử đối xử của người da trắng đối với người da đen.
Tự hào hay phủ nhận bản sắc
Cái chết của ông George Floyd tại Mỹ do một cảnh sát da trắng quỳ gối lên cổ đã làm cho nhiều người phẫn nộ, trong đó những người da trắng tại Mỹ cũng như khắp nơi cảm thấy nhục nhã vì hành động này và vô tình cảm thấy xấu hổ lây vì mình là da trắng.
Một đàn ông da trắng Damian Cawthorne chụp tấm hình mình mặt áo có hàng chữ "Tôi yêu được làm người da trắng (I Love Being White), rồi phổ biến trên Twitter với lời giới thiệu "Một đàn ông da trắng người Anh tự hào" (Proud white English man).
Hân là một người bạn Việt Nam của tôi. Cô qua Úc lúc chỉ 7 tuổi nên cô rành tiếng Anh hơn tiếng Việt. Theo dõi phong trào Black Lives Matter trong những ngày qua, từ bên ủng hộ đến bên chống đối, cô liền dùng hình ảnh của Cawthorne để gửi cho 6 người bạn của cô trên Twitter, tất cả đều là da trắng, là công dân của Mỹ, Úc, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, và Hòa Lan. Cô hỏi mấy anh nghĩ gì về tấm hình này ? Tất cả đều trả lời Hân rằng gã đàn ông này quả thật ngu xuẩn, không tế nhị khi mặc áo và đăng các hình và chữ này, và có hàm ý ngầm là kỳ thị chủng tộc.
Hân ngạc nhiên hỏi sáu ông này rằng từ lúc nào tự hào về bản sắc của mình trở thành một vấn đề ? Hân lý luận rằng kỳ thị chủng tộc là khi nào trong tư tưởng mình có suy nghĩ sắc tộc của mình ưu việt hơn một hay nhiều sắc tộc nào đó, và/hoặc như thế coi thường và đối xử phân biệt với sắc tộc đó. Còn ghi nhận và tự hào về bản sắc (identity) của mình thì đâu có gì sai. Hân biện luận "Các ông thấy không, tôi tự hào là người da vàng, tôi tự hào là người Việt Nam. Tôi không thể thay đổi màu da của tôi. Nhưng tôi tự hào về bản sắc của mình".
Tất cả sáu người đàn ông da trắng này đều ngạc nhiên với lý luận của Hân. Quả thật họ không thể nghĩ ra hay nhìn vấn đề này ở khía cạnh như thế, nhất là khi các vấn đề tranh cãi qua phong trào Black Lives Matter trở thành vô cùng tế nhị và nhạy cảm hiện nay. Bởi nói không khéo người da trắng dễ làm cho người không phải da trắng nghĩ mình có óc kỳ thị. Cho nên có những người da trắng chọn thái độ nói khéo, nói an toàn, nói phải đạo (politically correct), để khỏi mất lòng hay gây hiểu lầm.
Một trong sáu người đàn ông này hỏi lại Hân rằng nếu ông ta nói "Tôi không muốn làm người Việt Nam. Người Việt Nam có những tính xấu. Vậy cô có tức giận không ?". Cô Hân trả lời "Không, tôi sẽ không tức giận. Bởi vì ông không phải là người Việt Nam. Ông là một người da trắng. Ông không có quyền hưởng làm người Việt Nam bởi vì ông không phải là vậy (You are not entitled to be Vietnamese, because you are simply not)". Người đàn ông này kinh ngạc với cách nhìn của Hân bởi vì quen Hân đã lâu nhưng không ngờ Hân lại có lối suy nghĩ và biện luận như thế. Hân tiếp tục "Tuy nhiên, tôi sẽ tức giận nếu một người Việt Nam nào đó lại đi phủ nhận mình là người Việt Nam". Hân kết luận "Chúng ta nên chấp nhận mình là ai, nên tự hào về bản sắc của mình, và nên tôn trọng các sắc tộc khác và tôn trọng sự khác biệt".
Những trò "đấu tố" thời nay
Cũng qua sự kiện George Floyd, luật sư Trần Kiều Ngọc đại diện cho Phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền có ra một thông cáo nhận định rằng "Chúng tôi luôn kiên định lập trường ủng hộ hoàn toàn các mục tiêu đấu tranh cho công lý, công bằng xã hội, và sự bình đẳng cho tất cả mọi sắc dân, chủng tộc". Phong Trào cũng khẳng định "All Lives Matter (Mạng sống của mọi người đều quan trọng)". Thông cáo này có thông điệp ôn hoà, quan điểm cũng không khác gì Pep Guardiola hay tổng thống George W. Bush.
Thông cáo này cho đến nay được 659 thích, và 531 còm. Số còm gần bằng số thích. Tuy có nhiều người ủng hộ hơn chống, phần lớn chỉ bấm thích nhưng không bình luận. Còn các còm thì phần lớn đều tố cáo cô Trần Kiều Ngọc và Phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền bằng mọi nhãn hiệu tồi tệ nhất có thể. Đặc biệt họ cho rằng cô lợi dụng cơ hội này để ủng hộ cho đảng Dân chủ và hạ bệ ông Donald Trump của đảng Cộng hòa, trong khi toàn nội dung chỉ nói về nhân quyền, và chẳng đề cập gì đến đảng phái chính trị tại Hoa Kỳ.
Không biết từ khi nào các cuộc tranh luận về quyền làm người, hay các cuộc đấu tranh cho nhân quyền nhân phẩm, lại bị tóm gọn và đơn giản hóa tối thiểu thành các khẩu hiệu chính trị như thế này.
Nhìn các trò ném đá này, những trò vu khống chụp mũ vô tội vạ trên mạng xã hội, tôi cứ nghĩ đến tác phẩm "Từ thực dân đến cộng sản" của Hoàng Văn Chí, và cảm thấy rùng mình bởi các hình thức "đấu tố" thời đại mới.
Sẽ thật là tích cực và văn minh hơn, và hiệu quả hơn nếu muốn người khác thay đổi, khi chúng ta học cách phê bình nhau bằng những lời lẽ ôn tồn, với lý luận chính đáng và trình bày các bằng chứng khả tín.
Đi tìm sự thật lúc này cũng khó !
Giáo sư Nguyễn Thanh Việt có viết một nhận định ngắn trên Facebook rằng trong cùng một ngày, ông bị một người theo cánh tả bên Pháp gọi ông là con rối chống cộng, trong khi người Việt tại Mỹ gọi ông là cộng sản ; ông cũng thường bị một số người Mỹ yêu nước bảo ông về lại nước Việt Nam cộng sản nếu ông yêu chủ nghĩa cộng sản nhiều như thế trong khi đó phần lớn những gì ông làm không được phép xuất bản tại Việt Nam. Thật là bối rối quá.
Quả là đi tìm sự thật hay dám nói lên những gì mình tin là đúng vào lúc này có rủi ro đụng chạm bao nhiêu xu hướng khác nhau trong xã hội : những người cả tin, những kẻ cuồng tín, những thành phần dân tộc quá khích, từ cực tả sang cực hữu v.v… Vì thế nên nhiều người ôn hòa chọn thái độ im lặng là vàng.
Nhưng vẫn có những tiếng nói công chính.
Vào ngày 2/6, sau sự kiện George Floyd, cựu Tổng thống Hoa Kỳ George Walker Bush ra một tuyên bố có đoạn như sau :
"Những người hùng của nước Mỹ - từ Frederick Douglass đến Harriet Tubman, từ Abraham Lincoln đến Martin Luther King Jr. - là những vị anh hùng của sự đoàn kết. Lời kêu gọi của họ không dành cho kẻ yếu tim. Họ thường tiết lộ sự cuồng tín và bóc lột - những vết nhơ của dân tộc mà đôi khi không dễ cho cộng đồng đa số suy xét. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra nhu cầu của đất nước qua cặp mắt của người bị đe dọa, áp bức và bỏ rơi".
Ông Bush quả quyết "Đạt được công lý cho tất cả là trách nhiệm của tất cả mọi người", và kết luận "Tôi tin rằng cùng nhau người Mỹ sẽ chọn con đường tốt hơn".
Tổng tống John Fitzgerald Kennedy từng nhận định rằng "Khi quyền của một người bị đe dọa, quyền của mọi người bị giảm sút theo" (1).
Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thì xác định rằng "Tự do có nghĩa là sự thượng đẳng của nhân quyền mọi nơi. Chúng ta ủng hộ những ai đấu tranh để giành và giữ các quyền này. Sức mạnh của ta đến từ sự đoàn kết trong mục đích. Vì quan niệm cao cả đó, mục tiêu cuối cùng phải là chiến thắng".
Kỳ thị và bản sắc có lẽ là hai đề tài phức tạp và nhạy cảm lớn hiện nay. Nhưng mọi thứ đều có thể đơn giản hơn nếu mỗi chúng ta bớt đi sự tự ti cũng như sự tự tôn. Tự tôn quá trở thành lố bịch và kỳ thị. Tự tin quá trở thành khôi hài và bị kỳ thị. Trắng hay đen, vàng hay nâu, cũng chỉ là màu, và chỉ là bề ngoài. Bên trong mỗi chúng ta, từ tâm thức đến hành động, mới là quan trọng. Muốn hiểu bên trong thì cần nhìn sâu một chút, lâu một chút, và bằng tấm lòng thành và sự đồng cảm của mình cho người khác, với tư cách là một con người đúng nghĩa.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 01/07/2020
(1) "The rights of every man are diminished when the rights of one man are threatened"
Xã hội Việt Nam là một xã hội có đến 95% là người Việt (Kinh), còn lại là các dân tộc thiểu số nhưng vẫn chung một màu da và một số lượng còn ít hơn nữa, là người nước ngoài đến học tập, làm việc. Người Việt không có thói quen sống trong một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo…và cũng không được giáo dục ở trường rằng mọi sự phân biệt : phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính v.v… đều bị phê phán, cấm đoán và nếu ai nói hay làm những điều như vậy thì sẽ bị kiện, bị mất việc và nhiều hậu quả khác. Cho nên nhiều người Việt tỏ ra kỳ thị, đặc biệt kỳ thị chủng tộc, màu da đối với người da đen. Nhưng nếu đã là một người từng lên tiếng đấu tranh cho những giá trị tự do dân chủ tiến bộ thì phải khác.
Đáng nói hơn là có nhiều người Việt từng sống nhiều năm ở những quốc gia tự do dân chủ, tôn trọng con người nhưng vẫn mang đầu óc kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, gọi người da đen là mọi, gọi người Pakistan là ba khía, người Ả rập là bọn rệp, người Mexico là bọn Mễ… Có những người vì ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump mà quay sang gọi vợ chồng Cựu Tổng thống Barack Obama là mọi đen, là nhọ, là khỉ…trong khi Cựu Tổng thống Barack Obama và vợ, bà Michelle Obama là những người có học thức, có kiến thức uyên bác, rất giỏi trong lĩnh vực của họ, có tư cách, nhân cách. Cựu Tổng thống Obama còn là người trong suốt 8 năm làm Tổng thống không hề có bất cứ một vụ scandal nào cả đời tư lẫn trong vị trí một Tổng Thống được rất nhiều trí thức, lãnh đạo các nước Á-Âu kính trọng !
Có người thì sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng vẫn tỏ ra có đầu óc phân biệt nam-nữ, ví dụ thấy một người là phụ nữ, hoạt động dân chủ nhưng làm mẹ đơn thân liền lên án "đàn bà con gái không chồng mà chửa là loại không ra gì", chẳng hạn.
Còn nếu bạn sống ở Ấn độ thì còn phải cẩn thận với những chuyện tôn giáo, ẩm thực, đẳng cấp nữa kia. Ví dụ, muốn mời ai đi ăn thì phải hỏi họ ăn chay hay ăn mặn, nếu ăn chay thì ăn chay ở…mức độ nào, ví dụ có người ăn chay nhưng vẫn ăn cá, trứng, có người ăn chay nhưng vẫn ăn trứng, có người hoàn toàn ăn rau củ…Và đừng có hỏi tên đệm của họ, tên đệm của người Ân sẽ cho biết họ thuộc đẳng cấp nào, và mặc dù xã hội Ấn tuyên bố đã xóa bỏ đẳng cấp từ lâu nhưng thật ra điều đó vẫn tồn tại trong đầu nhiều người, không thể xóa bỏ hoàn toàn.
Nếu ở phương Tây thì lại còn rắc rối với vấn đề giới tính, không chỉ nam, nữ mà còn những người thuộc cộng đồng LGBT-đồng tính nữ đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới (lesbian, gay, bisexual, and transgender), những người mặc quần áo nữ nhưng vẫn xác định họ là nam (transvestite), axesual (không có như cầu tình dục, không cảm thấy sexual acttration), non-binary (không nam không nữ), genderfluid (giới tính chuyển đổi linh động tùy theo giai đoạn), intersex (có cả hai bộ phận nam và nữ) v.v…Vì vậy sau này người ta gọi/viết là cộng đồng LGBT+ để bao gồm mọi trường hợp. Nên ở phương Tây còn đau đầu về vấn đề pronouns nữa, phải cẩn thận đừng cứ thấy nam thì nghĩ là he, nữ thì nghĩ là she, những người này muốn người ta gọi họ là they, them…Gọi sai họ có thể kiện cho mà khốn đốn !
Mặt khác, cái hay của việc sống trong một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa giới tính…là con người trở nên cởi mở, bao dung hơn với mọi sự khác biệt, và cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ nếu không muốn bị rắc rối vì có đầu óc kỳ thị !
Nhưng cho dù sống ở bất cứ đâu, cũng nên có đầu óc phóng khoáng, chấp nhận mọi sự khác biệt, điều ấy không chỉ giúp cho chính mình tránh được mọi đụng chạm với người khác mà trước hết là nhẹ nhõm, dễ sống hơn vì không có những định kiến trong đầu, và trong mắt người khác thì cho dù bạn là người có học, thậm chí là người đấu tranh đòi tự do dân chủ, nhân quyền mà nếu bạn có đầu óc kỳ thị, hẹp hòi thì người ta sẽ đánh giá bạn thấp ngay.
Song Chi
Nguồn : RFA, 07/05/2020 (songchi's blog)
Từ Canada đến Anh Quốc, không kể đến các nước trong khối Ả Rập-Hồi giáo, càng lúc càng có thêm những tiếng nói và hành động cụ thể phản đối sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo. Nổi bật nhất là bản kiến nghị đòi chính quyền Anh Quốc hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của Donald Trump tại nhà ga số 4 sân bay San Francisco International, California, Hoa Kỳ, ngày 29/01/2017 - REUTERS/Kate Munsch
Theo ghi nhận của AFP, vào trưa nay, theo giờ Paris, đã có hơn một triệu người ký vào bản kiến nghị phản đối chuyến thăm Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào năm nay, để phản đối sắc lệnh chống nhập cư của ông.
Bản kiến nghị được công bố trên trang web của Nghị Viện Vương Quốc Anh xác định rằng ông Trump "có thể thăm Anh Quốc trong tư cách là người đứng đầu chính phủ Mỹ", nhưng không thể thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước, với tất cả những nghi thức trang trọng kèm theo.
Theo ghi nhận của giới quan sát, kiến nghị yêu cầu không đón tiếp ông Trump trong một chuyến thăm cấp Nhà nước đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, với lý do là tránh cho Nữ Hoàng Anh phải tiếp một con người thô tục. Tuy nhiên kiến nghị đó chỉ được vài trăm chữ ký.
Thế nhưng, sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia có phần đông người theo Hồi giáo và ngưng tiếp nhận người tị nạn, số lượng người ký đã tăng vọt, tựa như mọi người muốn qua đó biểu thị thái độ chống chính sách kỳ thị của ông Trump.
Một quốc gia khác là Canada, thì đã dùng hành động cụ thể trong thẩm quyền của mình để tỏ thái độ phản đối sắc lệnh di trú của tổng thống Mỹ. Vào hôm qua, Ottawa loan báo quyết định cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị ông Donald Trump vạch mặt chỉ tên và bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh vừa ban hành.
Đây được xem là một cử chỉ gián tiếp chỉ trích chính sách của nước láng giềng.
Phản ứng mạnh nhất trước sắc lệnh của Donald Trump dĩ nhiên là 7 nước bị tổng thống Mỹ nêu tên nói riêng, và các quốc gia trong khối Ả Rập Hồi giáo nói chung.
Vào hôm nay, Quốc Hội Iraq, một trong số 7 nạn nhân của Donald Trump, đã thông qua một nghị quyết trả đũa Hoa Kỳ, áp dụng biện pháp gọi là ăn miếng trả miếng nhắm vào người Mỹ nhập cảnh Iraq.
Ngay từ hôm qua, Liên Đoàn Ả Rập bao gồm 22 nước đã lên tiếng quan ngại về sắc lệnh của ông Trump, nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này.
Qua ngày hôm nay, đến lượt Tổ Chức Hợp Tác Hồi giáo OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã đả kích sắc lệnh của ông Trump, cho đấy là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.
Giới quan sát đều nêu bật nghịch lý trong hành động của tân tổng thống Mỹ. Trong lúc ông nêu lên vụ khủng bố ngày 11/09/2001 để giải thích lý do hạn chế nhập cảnh đối với 7 nước bị ông cho vào danh sách đen, thì các quốc gia là quê hương của các tên không tặc ngày 11/09 lại không nằm trong danh sách, từ Ai Cập, Ả Rập Xê Út, cho đến Liban, và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bốn nước này đều là đồng minh của Mỹ.
Trọng Nghĩa
*************************
Mỹ : Tư pháp 16 tiểu bang lên án sắc lệnh di trú của tổng thống (RFI, 30/01/2017)
Biểu tình chống sắc lệnh về nhập cư của Donald Trump, ngày 29/01/2017 tại Washington DC. REUTERS/Aaron P. Bernstein
Tổng chưởng lý 16 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngày 29/01/2017 đã ra thông cáo chung lên án sắc lệnh về di trú vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Đây là một trong nhiều sự kiện nổi bật phản ánh đà tăng tốc của phong trào tại Mỹ chống lại quyết định của tân chính quyền Trump cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, vào lúc các cuộc biểu tình của người dân phản đối sắc lệnh tiếp tục lan rộng trên toàn quốc.
Trong thông cáo chung của mình, tổng chưởng lý của 16 tiểu bang tại Mỹ, trong đó có California, New York và Pennsylvania đã xác định là sẽ "sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn" để chống lại sắc lệnh mà tổng thống Donald Trump đã ký hôm 27/01. Lãnh đạo tư pháp của các tiểu bang Mỹ này đã đánh giá là "vi hiến" lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày của tổng thống Trump.
Các tổng chưởng lý nói trên đã công khai phản đối chính quyền Trump vào lúc thẩm phán ở nhiều thành phố như New York, Boston, Seattle… cũng ra phán quyết hủy bỏ một số điều khoản trong sắc lệnh của tổng thống Trump.
Theo ghi nhận của thông tín viên Anne Marie Capomaccio tại Washington, phong trào chống sắc lệnh của tổng thống Donald đang tăng tốc, với sự nhập cuộc của các tổ chức bảo vệ dân quyền, trong lúc giới chuyên gia đang xem xét khả năng kiện sắc lệnh hạn chế nhập cư là vi hiến.
"Phán quyết chống sắc lệnh di trú của nhiều thẩm phán Liên bang đã ngăn chặn được việc trục xuất những người đến Mỹ với visa hợp lệ, và cho phép họ có luật sư bảo vệ.
Nhưng đối với việc cấm người tị nạn nhập cảnh thì không có gì thay đổi, cũng như đối với những người đang đợi visa ở 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc lệnh. Muốn thay đổi thì phải chứng minh là sắc lệnh đi ngược lại với Hiến Pháp.
Những vụ kiện sắc lệnh đang gia tăng. Tổ chức mang tên Hội Đồng Quan Hệ Mỹ - Hồi giáo sẽ đệ đơn kiện về kỳ thị tôn giáo. Theo phát ngôn viên của Hội đồng, ông Ibrahim Hooper, thì "ông Trumpđã nói người Syria Thiên Chúa Giáo có thể vào Mỹ, còn người Syria Hồi giáo thì không. Chính miệng ông Trump nói ra và đấy là kỳ thị tôn giáo".
Công tố viên một số bang và đại biểu dân cử đảng Dân Chủ đang nghiên cứu cách chống lại sắc lệnh. Theo họ, tựa đề của văn kiện chẳng hạn : "Bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố quốc tế" - điều đó tương tự như một bản án không thông qua xét xử đối với các nước liên can, và điều đó đi ngược lại Hiến Pháp Mỹ.
Sau cùng, đối với các tổ chức hiệp hội bảo vệ quyền công dân, việc thiếu chuẩn bị trong việc thực hiện sắc lệnh cũng là một lý do để hủy bỏ văn kiện này.
Dĩ nhiên là ông Trump đã phủ nhận các cáo buộc và đỗ lỗi cho truyền thông nói sai.
Nhà Trắng thì vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm : "Vào Mỹ không phải là một quyền và không có gì bị đình chỉ cả". Còn đảng Cộng Hòa thì vô cùng kín đáo. Bị chất vấn, lãnh đạo nhóm Cộng Hòa ở Thượng Viện đã trả lời một cách mập mờ khó hiểu là các tòa án sẽ thực hiện công việc của mình.''
Một cách cụ thể, tổng thống Donald Trump hôm qua đã khẳng định rằng lệnh cấm của ông không nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ nhắm tới khủng bố, vì sự an toàn của nước Mỹ.
Vào lúc Mỹ có quyết định đột ngột đóng cửa biên giới, nước láng giềng Canada đã có cử chỉ rất hào phóng. Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Nhập Cư Canada vào hôm qua cho biết sẽ cấp quyền tạm trú cho những người đang bị kẹt tại Canada do bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Trọng Nghĩa