Hoài Nguyễn, VNTB, 26/03/2022
Các doanh nghiệp làm ăn lớn trên thương trường bao giờ cũng thuê riêng một đội ngũ luật sư chuyên ngành tương ứng lãnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó. CEO Nguyễn Phương Hằng có lẽ cũng không ngoại lệ.
Trước khi vướng vào lao lý, bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần lên mạng xã hội liên tục đấu tố nhiều cá nhân, nghệ sĩ.
Khởi sự ban đầu là vào ngày 3/3/2021, bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để tố cáo ông Võ Hoàng Yên. Theo đó, bà Hằng nói rằng vợ chồng bà biết ông Yên có các hoạt động chữa bệnh và từ thiện. Trong một lần ông Yên khám chữa bệnh ở Bình Dương, vợ chồng bà có tiếp xúc. Sau đó, họ hỗ trợ ông Yên xây chùa, ủng hộ người dân chịu ảnh hưởng của bão lụt.
Thời gian này, ông Yên tâm sự việc thiếu nợ nhiều người khi xây dựng chùa, hoạt động thiện nguyện, chữa bệnh miễn phí, trồng thuốc…
Bà Hằng cho biết do cảm kích nên đã chuyển nhiều khoản tiền cho ông Yên để ông này trả nợ và làm thiện nguyện. Về sau, vợ chồng bà phát hiện ông Yên không xây chùa, hoạt động thiện nguyện và trồng thuốc như đã nói. Do đó, bà tố cáo ông Yên lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Trước và trong thời gian công an thụ lý đơn tố cáo, bà Hằng cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng đã liên tiếp tổ chức những buổi livestream được đầu tư bài bản để tố cáo ông Võ Hoàng Yên. Các nội dung livestream này nhanh chóng tạo xì-căng-đan và ít nhiều gây rối loạn trật tự xã hội khi bắt đầu có nhiều nhóm youtuber vào cuộc ủng hộ vợ chồng bà Hằng.
Chưa dừng lại, trong thời gian chờ đợi kết quả giải quyết đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục livestream và nhắc đến tên nhiều nghệ sĩ trong hoạt động từ thiện. Cho rằng một số nghệ sĩ như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành… chưa minh bạch khi làm từ thiện, bà Hằng đã làm đơn tố cáo họ gửi đến Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an.
Sau khi bị bà Hằng tố, các nghệ sĩ đã lần lượt sao kê tài khoản ngân hàng và lên mạng giải thích. Từ đây, có nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra. Chưa dừng ở đó, khi một số nhà báo lên tiếng, bình luận về vấn đề livestream của bà Hằng cũng đã phải nghe những lời lẽ được cho là lăng mạ, xúc phạm.
Nhiều cá nhân bị bà Hằng tố cáo đã gửi đơn đến Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Bình Dương. Họ cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi vu khống, làm nhục người khác và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tháng 1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo chính thức khép lại điều tra, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sau gần một năm xác minh.
Chưa dừng lại, mặc dù Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ 16/2 đến 29/4 để phục vụ công tác điều tra thông tin tố giác tội phạm, song bà Hằng vẫn tiếp tục livestream đấu tố, và có lẽ là giọt nước tràn ly khi bà công kích ông Phan Văn Mãi ở thời gian ông này là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Toàn bộ tóm tắt diễn biến ở trên cho thấy khó thể loại trừ một kịch bản được tham vấn của nhóm luật sư nào đó đang làm việc ở doanh nghiệp mà ông Huỳnh Uy Dũng là chủ tịch hội đồng quản trị, và bà Nguyễn Phương Hằng là tổng giám đốc điều hành.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự.
Bà Nguyễn Phương Hằng còn có thế sẽ đối mặt với Điều 116 "Tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Bộ luật hình sự mới nhất", với cụ thể tình tiết mới đây trong một livestream bà chỉ trích đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lúc ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre (trích clip đính kèm) :
"Trả lời cho tôi đi ông Phan Văn Mãi. Ông đối với vợ chồng tôi như vậy thì ông tốt với nhân dân chỗ nào. Quê hương ông còn đó. Người dân còn chứng kiến bao nhiêu điều ở đó, hơi ấm chúng tôi còn đó, ông phủi sạch. Vậy thì khi ông lên ông điều hành đất nước này thì có phải là một sai lầm không ? Đây là cách mà tôi đánh động cho Trung ương để nhìn nhận về một nhân cách, một con người có trái tim hay không ? Tôi là một người phụ nữ, tôi cũng chưa bao giờ xử sự như ông, chứ đừng nói chi một người như ông, quê hương ông, những lúc ông cần ông đối đãi với chúng tôi như thế nào. Bây giờ ông phủi sạch và ông quên hết rồi bởi vì ông nghĩ rằng là ông quá to rồi. Nếu tôi không nói ra, Trung ương mà chọn ông vào những cái vị trí lãnh đạo cao cấp nhất thì thua luôn. Đây là một minh chứng đây…".
Thực hư về nội dung bà Hằng chỉ trích ông Mãi là điều không lạm bàn, chỉ biết là ngay cả những kênh truyền thông về dân oan, kể cả kênh của nhà báo tự do Lê Dũng (Dũng Vova) cũng không có những nội dung chỉ trích về một cá nhân đang là ủy viên Bộ Chính trị như bà Nguyễn Phương Hằng. Một lưu ý là với chỉ trích này rất có thể bà Nguyễn Phương Hằng đối mặt thêm "Tội phá hoại chính sách đại đoàn kết" theo Điều 116 Bộ luật hình sự.
Ông Huỳnh Uy Dũng cũng không loại trừ trong chịu sự điều chỉnh của Điều 19 Bộ luật hình sự hiện hành.
Một khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội danh ở Điều 116 Bộ luật hình sự, thì ở đây có phát sinh thêm chuyện của tội "che giấu tội phạm" theo Điều 390 Bộ luật hình sự.
Thế thì những ai sẽ thuộc nhóm "không tố giác tội phạm" theo nội dung Điều 19 của Bộ luật hình sự ? Dẫn chứng gần nhất là hãy thử nhìn vào danh sách trên ‘poster’ vào ngay trước thời điểm có thông tin bị khởi tố và bắt tạm giam, trên trang Facebook cá nhân của trợ lý, bà Nguyễn Phương Hằng thông báo sẽ tổ chức một buổi "gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện trực tiếp" trong talkshow chủ đề "Nghịch lý thay đạo lý" tại Trường đua Đại Nam vào 18g ngày thứ bảy 26/3/2022.
Lưu ý, ngày 26/3 này là kỷ niệm lần thứ 91 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 26/03/2022
*************************
Vụ bắt Nguyễn Phương Hằng : Luật sư cảnh báo về điều luật ‘thòng lọng’ toàn dân
Khánh An, VOA, 25/03/2022
Giữa lúc dư luận Việt Nam "dậy sóng" và không ít người hả hê vì sự kiện nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam vào ngày 24/3 với cáo buộc theo Điều 331, một luật sư nói với VOA rằng đây là điều luật "vi hiến", và cảnh báo rằng điều luật đã biến tất cả người dân Việt Nam trở thành "tù nhân dự khuyết" nếu họ dám đưa ra những quan điểm trái nhãn quan của chính quyền.
Công an đọc lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng vào ngày 24/3/2022.
"Điều 331 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã vô hình chung biến tất cả công dân Việt Nam đều có khả năng trở thành một tù nhân dự khuyết của chế độ. Chỉ cần họ có bất cứ hành vi, biểu hiện nào đó không phù hợp với nhãn quan, quan điểm chính thống của chính quyền thì Điều 331 sẽ được sử dụng để trấn áp",Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhận định.
Nữ Tổng giám đốc 51 tuổi của Công ty cổ phần Đại Nam đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam vào ngày 24/3 về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định của Điều 331 Bộ luật hình sự.
Vi hiến
Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng đã khuấy động mạng xã hội và cả khu vực xung quanh dinh thự của bà khi một lực lượng hùng hậu gồm các nhà báo, những người làm YouTube và người dân hiếu kỳ tập trung để đưa "tin nóng" về vụ bắt nữ CEO nổi tiếng đình đám trên mạng xã hội.
Ngoài những người hâm mộ, đa số công luận Việt Nam tỏ ra nhẹ nhõm, thở phào vì sẽ không tiếp tục "bị tra tấn" bởi những lời lẽ chỉ trích, công kích nặng nề mà bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng trong các livestream nhắm vào nhiều người khác nhau, bao gồm cả những gương mặt nổi tiếng trong giới nghệ sĩ.
Tuy nhiên, theo lưu ý của Luật sư Vũ Đức Khanh, Điều luật mà nhà chức trách sử dụng để cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng là một điều luật "vi hiến". Ông nói đây là điều khoản an ninh nhằm "hình sự hóa những biểu hiện về chính trị" và lâu nay vẫn thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để đàn áp những tiếng nói đối lập, độc lập.
"Vì bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều luồng dư luận không thuận lợi cho bà ấy nên trong trường hợp nhà nước Việt Nam sử dụng điều khoản này thì họ sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào đối với dư luận quần chúng, vì có một lượng dư luận không nhỏ không đồng tình với thái độ cũng như cách biểu đạt ý kiến của bà Nguyễn Phương Hằng", Luật sư Vũ Đức Khanh nói với VOA.
Vì vậy, theo ông, nếu không cẩn thận suy xét rõ ràng về điều luật 331, đại đa số dư luận sẽ cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt theo Điều 331 là đúng.
"Chúng ta cần phải nhìn rõ rằng Điều 331 Bộ Luật Hình sự là vi hiến, đồng thời nó cũng phản lại với tất cả quy định của các luật nhân quyền quốc tế và các công ước về quyền dân sự và chính trị", Luật sư Vũ Đức Khanh nói thêm.
Trong trường hợp này, theo Luật sư Khanh, bà Hằng lẽ ra phải đối diện với một vụ kiện về dân sự chứ không phải là hình sự, nếu như có người thưa kiện bà về việc bị bà bêu xấu, nhục mạ hay đưa thông tin không đúng về họ.
Trở thành nạn nhân của điều luật chống ‘phản động’
Khác với đa số trường hợp bị cáo buộc vi phạm Điều 331 trước đây thường là những nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến – tức những người bị xem là có quan điểm đối lập về chính trị với chính quyền – bà Nguyễn Phương Hằng bị cáo buộc tội danh theo Điều 331 trong khi bản thân bà thường xuyên bày tỏ quan điểm ủng hộ đường lối của Đảng và Nhà nước trong các buổi livestream. Bà cũng không ít lần chỉ trích nặng nề những người mà bà gọi là "phản động".
Cách thức làm show theo kiểu "chửi hết mọi người" nhưng luôn ủng hộ chính quyền của bà Nguyễn Phương Hằng đã khiến nhiều người bất bình, thậm chí có nhiều đơn tố cáo từ các nghệ sĩ và cá nhân – theo lời nhà chức trách, nhưng talk show bị xem là "chói tai" của bà vẫn tồn tại và đắt khách trong suốt hơn một năm qua.
Nhưng vụ bắt giữ nữ CEO đã khiến dư luận cho rằng bà Hằng đã "vượt lằn ranh đỏ" của chính quyền và giờ chính bà trở thành nạn nhân của điều luật đã khép tội nhiều người mà bà gọi là "phản động".
"Bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều biểu hiện đã được thông đồng với chính phủ Việt Nam để khuấy động lên làn sóng dư luận trong rất nhiều vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Nhưng cuối cùng, bà Nguyễn Phương Hằng là nạn nhân của chính sách (điều luật) đó vì chính điều bà ấy làm lại đụng chạm đến những vấn đề khác của chế độ. Và khi không còn phù hợp với quan điểm chính thống của chính phủ nữa thì bà Nguyễn Phương Hằng sẽ phải là người bị trả giá đầu tiên", Luật sư Vũ Đức Khanh nói.
Bà Nguyễn Phương Hằng bắt đầu nổi lên từ đầu năm 2021 khi bà tổ chức họp báo và livestream tố cáo về khả năng chữa bệnh và những tranh chấp tiền bạc giữa bà và ông Võ Hoàng Yên – người vẫn thường được một số người sùng bái gọi là "thần y".
Sau đó, bà tiếp tục được công luận ủng hộ qua các livestream tố cáo những tiêu cực trong việc làm từ thiện của nhiều người, bao gồm các gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành...
Trước khi bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 16/2 đến ngày 29/4/2022 liên quan đến nhiều đơn thư tố cáo bà.
Khánh An
Nguồn : VOA, 25/03/2022
*******************
Gió Bấc, RFA, 24/03/2022
Chiều 24/3, báo chí lề phải đồng loạt đưa tin, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân (1).
- Ảnh chụp màn hình cuộc đua chó ở khu du lịch Đại Nam/ RFA edit
Phải chăng đây là kết quả cuộc hổn chiến đình đám giữa Phương Hằng và các nhà báo Đức Hiển- Hàn Ni
Xin phép không gọi đích danh mà dùng biệt danh được cộng đồng thân ái đặt cho một nữ đại gia lừng lẫy và một đại nhà báo tai tiếng đang khuấy động dư luận từ báo chí chính thống lề đảng đến truyền thông mạng qua các vụ kiện cáo lẫn nhau xúc phạm danh dự, vu khống, lợi dụng quyền tự do dân chủ….
Nỗi buồn mang tên Cuồn Cuộn !
Với công phu tối độc livestream thần chưởng, nữ doanh nhân đã khuấy động giang hồ hơn một năm qua. Tố cáo, làm nhục bao nhiêu người ngay gian lẫn lộn, ngôn từ thô bỉ đầu đường xó chợ mặc sức thăng hoa thành văn chương bác học trong mồm mép kẻ lắm tiền. Nhà nước nhơn dân chăm chỉ lắng nghe, cũng giấm dúi xác minh, điều tra… tất cả đều hột kê huề. Từ gã Thần Y đào hoa bạc tình bạc nghĩa ôm trăm tỉ quất ngựa truy phong bỏ mối hận tình Cuồn Cuộn đến hài sĩ gom tiền từ thiện chục tỉ bỏ quên hơn cả năm trời được đại gia tố cáo đều được lưới trời mở lối minh oan.
Hóa ra công sức livestream hao hơi tổn sức của doanh gia chỉ mua vui cho đám fan cuồng, với lãnh đạo anh minh, mặt trời chân lý thi chỉ như tiếng chó sủa bóng ma, tiếng đàn piano thánh thót chảy qua tai Sửu. Nữ đại gia đã dồn hết nộ khí Cuồn Cuộn lên mạng, xuống đường hành tội ông già 90 tuổi còn dám đèo bồng nuôi dạy trẻ mồ côi. Gia sản chỉ một nắm đất nhỏ ở Đức Hòa, mấy giọng ca nhải nhép mà đám đoạt phím bạc phím vàng của YouTube làm lu mờ nhan sắc khuynh thành, làn hơi cuồn cuộn và tiền rừng bạc biển của Đại Nam Quốc Bình Giang Thổ. Nữ đại gia đã thành đại hiệp, mài dao tiếp bước ma đạo giả tu của pháp sư Thích Nhặt Tiền, thu vén tàn dư ngậm máu phun người loạn luân, tăng âm thêm bằng các quân sư tiến sĩ chấy rận quyết lập đại công. Ấy vậy mà livestream thần chưởng chẳng ăn thua, offline vây ráp cũng không suy suyển ông già. Họp mặt bàn đào quần tụ thêm anh hùng loạn tội lại bị bắt giò cái lỗi lộng ngôn. Nộ khí lại càng cuồn cuộn.
Gạo nấu mãi cũng thành cơm. Nghe tố khổ mỗi ngày mẹ ruột cũng tin con ruột giếng người. Công lý xuống tay khởi tố ông già, bắt thầy trẻ nhưng không ghi nhận công lao livestream thần chưởng mà phong thánh cho đơn tố cáo của quần chúng địa phương vô danh tiểu tốt.
Đám báo chí sai nha cũng bầy đàn tung hứng nay ba tội, mai một tội, không nhắc nhở chút nào đến công sức, của tiền Cuồn Cuộn nhọc nhằn cống hiến.
Không nhụt chí nữ anh hào, phải làm cho vua biết mặt, cho chúa biết tên. Cuồn Cuộn huy tập hùng binh, đưa người cửa trước, rước người cửa sau, ra Bắc vô Nam khuấy động triều đình nhưng tiền mất tật mang, chỉ được mỗi tiếng hoan hô xưng tụng xí xịt của lũ kiến chòm ong nghiện ngập xưng tụng lời vàng ý bạc. Từ ông chủ đốt lò vĩ đại đến đèn đom đóm và cả anh mướt mồ hôi tất cả đều cửa đóng then cài, chẳng mấy ai ngó ngàng nhan sắc ngồn ngộn xuân tình, công lao tôn phò xưng tụng cổ xúy cho chính đạo vương triều diệt các mầm mống phản loạn từ trong trứng nước.
Cùng là tai mắt, miệng lưỡi của triều đình, Cuồn Cuộn hùng cứ không gian mạng, chiếm dụng tài nguyên của bọn sài lang đế quốc phân phát cháo lú cho đám cuồng dân kết quả gấp vạn lần đám thư lại bàn giấy, bàn phím ăn theo nói leo bầy đàn nhạt nhẽo vô vị ép vô lỗ tai cũng chẳng ai nghe, dí vô mắt chẳng ai thèm đọc.
Ức hơn nữa là chiến tích ngời ngời, lâu la đông đúc như kiến cỏ, tự nguyện quy phục lập công chẳng ân sủng thì thôi, bề trên lại nghe theo sàm tấu, bất ngờ ban lệnh cấm cửa xuất ngoại, đám cờ đèn kèn trống ghen ăn tức ở ráp nhau đăng tin cứ như Nữ tướng Cuồn Cuộn sắp thành củi đến nơi !
Bà Nguyễn Phương Hằng (ngoài cùng bên phải) và các nghệ sĩ bị bà "đấu tố" ăn chặn tiền từ thiện trên livestream.
Rận chí kiện nhau !
Ức không chiu nổi. Trời đã sinh ra Cuồn Cuộn sao để thêm Năm Mực ? May sao lũ quân sư tiến sĩ bày ra độc kế mượn ngày hội giao lưu doanh nhân mở cuộc đua chó ngựa mang tên người tha hồ nguyền rủa mắng nhiếc đám Năm Mực bưng bô. Chưa đã, Cuồn Cuộn nối kết thêm livestream thần chưởng tăng âm, khuếch đại chuyện chó ngựa ra khắp hang cùng ngõ hẻm, nước trong nước ngoài đều biết. Thủ đoạn lấy tên người đặt cho chó ngựa trong trò chơi cờ bạc kèm theo lời bình phẩm tanh tưởi của MC và các giáo sư tiến sĩ thầy dùi trong cuộc livestream là trò chơi quá sức bẩn thỉu chưa từng thấy trong xã hội loài người.
Đường đường là phó tướng đại nhân, dũng cảm bưng bô nuốt năm con mực Formosa, vốn tài thao lược quyền biến đẻ ra ông bác sĩ rút ống thở của cha mẹ nhường cho bệnh nhân, đang nắm giữ đạo bình úp sọt đăng fake news khởi tố Thiền Am ba tội danh loạn luân, lừa đảo… Năm Mực và đồng bọn đùng đùng phản công nhân danh công lý, kêu gào bảo vệ nhân phẩm danh dự con người, cán bộ quan chức. Báo giấy, báo mạng, Facebook cá nhân của các đồng chí lề phải nhất tề nổ súng ăn thua đủ. Các thầy cãi cũng được lùa ra trận sắm vai công tố để luận bàn buộc tội, yêu cầu khởi tố hình sự con Cuồn Cuộn. Khốn thay cơ quan chức năng ở đất Bình Dương kẻ nắm quyền lực thì im như thóc mà nói theo dân gian là ngậm miệng ăn tiền, kẻ có chức năng chuyên môn quản lý thông tin thì quanh co lắc léo là chuyện "phức tộp" (phức tạp) cần có nhiều ý kiến phối hợp của nhiều ngành…
Ác hại thay pháp luật chưa dự liệu tình huống bỉ bôi lấy tên người đặt cho chó ngựa đua nên Cuồn Cuộn và đám quân sư càng cao giọng ca bài chiến thắng. Thật ra, chiêu trò lấy tên người đặt cho súc vật không phải là phát kiến mới mẻ. Cuồn Cuộn và đám quân sư quạt mo chỉ thừa kế học hỏi của các bậc lão thành cách mạng trong chiến tranh đã từng đơn phương sử dụng cho các đối thủ chính trị của mình như Nixon, Thiệu, Kỳ. Chẳng qua là thời đó chưa có internet nên ta đặt, ta gọi chỉ cho ta nghe để hả hê thể hiện lập trường, lòng kiêu ngạo man dại. Drama chó ngựa như một quả bom khí độc làm người xem giật mình sửng sốt và cách phản ứng của phe đối nghịch càng làm người ta bức xúc về mức độ phi văn hóa và phi nhân tính của cả hai.
Nhiều người thắc mắc vì sao với nền pháp luật xã hội chủ nghĩa công minh, sáng suốt, nhà báo Phạm Đoan Trang chỉ viết sách giải thích các khái niệm luật pháp về dân chủ nhân quyền, nhà báo Trương Châu Hữu Danh và đồng nghiệp chỉ đăng bài viết có đủ chứng cứ sai phạm đất đai ở Cần Thơ và một số nơi, mà phải ngồi tù với án nặng. Nhiều người khác chỉ hắt hơi, than thở về tiêu cực của quan chức cấp huyện cấp tỉnh lẻ đã phải ra tòa lãnh án thế nhưng bà chủ khu du lịch Đại Nam lại có thể mắng té tát, thô tục nhiều người ngày này qua tháng khác vẫn sống vô tư.
Cũng ngay bà chủ Đại Nam khi tố cáo nghệ sĩ tiêu cực tiền tự thiện, cơ quan quản lý lập tức buộc các nghệ sĩ này phải nộp sao kê dù sao đó cũng kết luận kê huề cả đám. Ức nhưng còn có chút an ủi, còn ông nhà báo Năm Mực mượn danh nghĩa báo chí, dùng tài khoản cá nhân nhận tiền từ thiện hay nữ sĩ giá băng, Cuồn Cuộn rống họng tố cáo ngày đêm, cơ quan chức năng im re không hồi đáp, không thèm tra xét sao kê. Ngược lại Cuồn Cuộn còn bị Công An Thành phố Hồ Chí Minh hoãn xuất cảnh có thời hạn lần hai, Năm Mực và đồng bọn được dịp đăng báo chí tung tóe cứ như là Putin bấm nút bơm hột nhưn (hạt nhân).
Năm Mực và đồng bọn thì hậm hực, mình đường đường là bề tôi lương đống, là trí thức xã nghĩa ngày ngày nhả ngọc phun Châu dạy bảo kỷ thuật điều tra, đạo đức cách mạng, nhưng cứ bị con đàn bà nạ dòng vô học chửi rủa, sĩ nhục, vạch mặt chỉ tên nay lại tăng đô xem là chó ngựa thì còn gì là danh giá. Hơn thế nữa, Cuồn Cuộn đã có Đại Nam, Sóng Thần hàng trăm ha đất, rảnh rang ngồi livestream chửi đồng thì tiền cũng đổ vô túi như nước. Năm Mực và các đồng chí tuy có của ăn của để nhưng vẫn phải ngày ngày bẻ chữ bưng bô, ra uy điều tra tiêu cực rồi giang tay ký hợp đồng thông tin giải cứu kiếm thêm chút cháo. Bị bôi tro trét trấu vô mặt mà bề trên không hề bao che, bảo vệ thì còn gì giá trị.
Pháp luật là nồi cám lợn !
Tại sao có cảnh trớ trêu ? Tại sao cùng là hiền tài nguyên khí của chế độ mà phải đánh nhau chí chết bằng những đòn phép thượng vàng hạ cám đến vậy ? Vì sao bề trên cứ lặng im để thuộc cấp cấu xé lẫn nhau ? Nhà văn nữ Nguyễn Thị Thu Trân nhận xét thú vị trên Facebook cá nhân là "Vợ chồng Dũng lò vôi xem luật pháp Việt Nam như nồi cháo heo" và cho rằng vợ chồng Cuồn Cuộn được ai đó chống lưng mới tác oai tác quái như thế.
Xin thưa nhận xét ấy đúng mà chưa đủ. Bản chất sự việc là bản thân pháp luật Việt Nam đã là nồi cám lợn. Cuồn Cuộn không chỉ có một mà còn có nhiều ai đó chống lưng. Ngược lại, Năm Mực cũng có trong tay không ít kim bài miễn tử, năm bảy thanh Thượng Phương Bảo Kiếm. Guồng máy quyền bính cai trị hiện nay không thuần nhất mà bao gồm nhiều nhóm lợi ích đang xâu xé lẫn nhau. Họ thống nhất nhau một điểm duy nhất là còn Đảng còn mình. Họ cùng nhau duy trì chế độ độc quyền lãnh đạo nhưng lợi ích cụ thể, quyền lực phe nhóm thì tranh giành với nhau chí chết. Cuộc hỗn chiến Cuồn Cuộn và Năm Mực chỉ là chó mèo tranh nhau một khúc xương, tay phải kiện tay trái, chẳng có bề trên nào rảnh hơi phân xử. Cả hai đều được ban phát cho một ít đặc quyền đặc lợi, cả hai đều được hứa hẹn viển ảnh tươi đẹp tương lai đền bù cho phần nhân phẩm mất đi trong thân phận nô bộc.
Màn kết, tác động giải quyết nằm trong quan hệ khác, ứng xử khác chứ cũng không tùy thuộc vào nhân cách, phẩm chất của cả hai. Vì thật ra, kẻ nửa cân người tám lạng.
Đạo lý, nhân phẩm của cộng sản là thứ đạo lý cường quyền. Chà đạp lên danh dự nhân phẩm người khác nhưng lại đòi hỏi người khác phải tôn trọng mình. Bản chất cuộc hỗn chiến Năm Mực - Cuồn Cuộn chính là sản phẩm của đạo đức cường quyền đó. Những sinh thể đã bị thâm nhiễm lối sống này sẽ bị cuốn vào vòng xoáy và sẽ bị tiêu diệt bởi thế lực cường quyền khác.
Như chúng tôi đã viết trong bài trước đây, "Cựu Hồng Vệ Binh Phương Hằng : Đảng sẽ cho em sáng mắt sáng lòng". Cuồn Cuộn đã diễn cương, diễn sai kịch bản của trên và có thể do tác động từ ai đó, đã trở thành kiêu binh cắn càn những yếu nhân cao cấp của hNà nước. Tố bà Nguyễn Thị Doan nhận 10 tỉ cho Quỹ Vì trái tim để mua xe mà không mổ trái tim nào. Cuồn Cuộn còn gào thét kể lể công ơn với ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thời còn ở Bến Tre và trách mắng ông Mãi không bảo vệ nàng (2). Cuồn Cuộn đã phạm vào điều tối kỵ. Chó cắn chủ tất phải bị đập đầu. Phương Hằng bị bắt vì sự dại dột, hoang tưởng này chứ hoàn toàn không liên quan đến cuộc hổn chiến với Năm Mực.
Xin lỗi đã phải dùng cách viết trào lộng bông lông trong bài viết này nhưng với sự việc quá u tối cần có tiếng cười để thanh thản nhìn ra sự thật và đoạn tuyệt với nó từ xa.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 24/03/2022
Tham khảo :
1. https://tuoitre.vn/khoi-to-bat-tam-giam-ba-nguyen-phuong-hang/20220317214115162.htm
2.https://www.youtube.com/watch?v=Omu_GiRo0tU
***********************
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt
VOA, 25/03/2022
Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, ngày 24/3 bị bắt tạm giam theo quyết định khởi tố vụ án-khởi tố bị can do Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn, với tội danh ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân’, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Từ đầu năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng (giữa) xuất hiện trên mạng xã hội và nhanh chóng thu hút sự quan tâm qua những buổi livestream cáo buộc một số nghệ sĩ ăn chặn tiền quyên góp từ thiện.
Truyền thông nhà nước nói bà Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, ‘lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân’ lên mạng xã hội ‘đưa thông tin không kiểm chứng’, ‘xúc phạm’ nhiều người, ‘không hợp tác’ trong quá trình điều tra, ‘coi thường pháp luật’, ‘đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự’.
Từ đầu năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng xuất hiện trên mạng xã hội và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người khi tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo và cáo buộc một số nghệ sĩ ăn chặn tiền quyên góp từ thiện như Hoài Linh, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Đại Nghĩa…. Các buổi livestream của bà Hằng từng thu hút hàng triệu lượt theo dõi trực tiếp và lượng bình luận, chia sẻ, tương tác rất lớn.
Từ các buổi livestream này, bà bị một số người làm đơn thưa về hành vi ‘vu khống’, ‘làm nhục,’ và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,’ trong đó có ca sĩ Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên, nhà báo Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển.
Sau chuyến đi Hà Nội để kêu gọi sự quan tâm của trung ương tới những điều mà bà cho là bất công đối với hành động ‘tố giác tội phạm’ và ‘đấu tranh vì chính nghĩa’ của bà, gần đây, bà Hằng còn réo tên một lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh với những lời lẽ mà báo nhà nước gọi là ‘quy kết vô cớ, khó nghe.’
Trước tin bà Hằng bị bắt, đông đảo dân chúng đã tụ tập trước tư gia của bà ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi mạng xã hội ‘dậy sóng’ với những bình luận đa chiều.
Có người bày tỏ sự tán đồng ủng hộ, nhưng cũng có người thể hiện sự bất bình, phẫn nộ.
Tài khoản Hương Nguyễn viết : "Cái kết của việc coi thường pháp luật".
Bài đăng trên trang Facebook Văn Toàn có đoạn : "Điều 331 này là cái gông trên cổ của tất cả mọi người dân VN, ai cũng đều có thể là tù nhân khi người CS không thích người đó".
Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam có khung hình phạt từ cảnh cáo tới 7 năm tù giam.
RFA, 25/03/2022
Bà Nguyễn Phương Hằng, một nữ CEO nổi tiếng trên mạng xã hội Việt Nam trong một năm qua vừa bị bắt theo điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015, vốn thường được áp dụng đối với những người bất đồng chính kiến với chính quyền.
6666666666666666666666
- Báo Chính Phủ
Hôm 24 tháng 3, công an Thành phố Hồ Chí Minh thông báo cơ quan này đã bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo thông tin từ phía cơ quan công an thì hành vi của bà Hằng là lợi dụng sức ảnh hưởng tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, và sử dụng "những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", trong đó có các nghệ sĩ.
Điều đáng chú ý trong vụ việc này là Điều 331 đã bị các tổ chức xã hội dân sự trong nước, và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là công cụ nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng, và vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Việc chính quyền áp dụng điều luật này đối với bà Nguyễn Phương Hằng, người nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội, đã kéo theo những sự tranh cãi về việc áp dụng nó.
Trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự do qua ứng dụng nhắn tin, một luật sư nhân quyền hiện đang hành nghề ở Việt Nam, cho rằng có ba lý do khiến việc khởi tố bà chủ công ty cổ phần Đại Nam theo Điều 331 là không hợp lý.
Vị này đồng ý trả lời với điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn như sau :
"Thứ nhất thì Điều 331 là điều luật hết sức mơ hồ, theo quan điểm của tôi thì với việc Nhà nước cho rằng bà này lợi dụng quyền tự do dân chủ, thì những người khác cũng có thể bị ép buộc vào tội danh tương tự như vậy vì những phát ngôn của họ".
Điểm bất hợp lý thứ hai mà vị luật sư này đưa ra đó là việc hình sự hóa phát ngôn của bà Phương Hằng, trong khi theo ông đây nên là vấn đề dân sự, ông cho biết cụ thể :
"Những người mà bà Phương Hằng xúc phạm hoặc là làm tổn hại danh dự, nhân phẩm có thể kiện bà ấy ra tòa thay vì xử lý hình sự.
Trong trường hợp này thì quan điểm của tôi là con đường tòa án là con đường văn minh nhất. Nhà nước nên bỏ việc áp dụng Điều 331 này đi, và để những người liên quan sử dụng những điều luật sẵn có trong luật Dân sự Việt Nam để giải quyết".
Và lý do thứ ba vị luật sư nhân quyền cho rằng sử dụng Điều 331 để truy tố bà Nguyễn Phương Hằng là không hợp lý, là hệ lụy của nó đối với xã hội. Ông cho biết :
"Trong tương lai, khi mà bất cứ ai có ý kiến không được lòng nhà nước hay không thuận với dư luận xã hội thì đều có thể bị khép tội với hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ. Nó sẽ trở thành công cụ để đẩy người khác vào trong tù, ví dụ như anh với tôi có hiềm khích và anh tố cáo tôi ra cơ quan công an, cho rằng tôi vi phạm Điều 331, thì tôi hoàn toàn có thể bị bắt đi tù".
Trong đoạn video nói chuyện trực tiếp hai ngày trước khi bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng dành nhiều thời gian để nói về mối quan hệ của bà với Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, khi ông này đang còn là lãnh đạo tỉnh Bến Tre.
Bà Hằng cho biết, công ty cổ phần Đại Nam từng đem nhà máy nước lọc xuống tỉnh Bến Tre năm 2020 để lọc nước mặn thời ông Phan Văn Mãi là Bí thư tỉnh ủy.
"Chính ông đã bạc tình bạc nghĩa với vợ chồng tôi !", bà Hằng khẳng định điều này khi cho rằng công văn của Trung ương gửi cho Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh trả lời cho bà Nguyễn Phương Hằng về những đơn tố cáo nhưng qua hai tháng vẫn im lặng.
Bà Nguyễn Phương Hằng cũng cho biết, bà nói điều này ra để Trung ương không lầm với con người ông Phan Văn Mãi, tránh đưa ông này lên chức vụ cao hơn.
Hồi tháng 1 năm 2022, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã soạn thảo kiến nghị chung kêu gọi bãi bỏ ba điều luật của Bộ Luật Hình sự năm 2015, trong đó có các Điều 109, 117, và 331.
Nguyên do là vì các tổ chức này cho rằng những điều luật trên là những điều luật vô lý, và thường xuyên được sử dụng để bắt bớ người bất đồng chính kiến với nhà nước.
************************
BBC, 24/03/222
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói với báo chí rằng họ đã mời bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc bốn lần vào các ngày 18/02, 07/3, 09/3 và 16/3/2022 để cảnh báo, răn đe.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh : Công an cung cấp
Trong các buổi làm việc, phía công an yêu cầu bà Hằng "chấm dứt hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhưng bà Hằng cố ý né tránh, không chấp hành", theo tờ Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/3.
Tờ báo ngành công an còn cho biết : "Bà Hằng tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn ; sân bay Tân Sơn Nhất ; tổ chức đoàn đi Hà Nội, Châu Đốc - An Giang...), tổ chức nhiều buổi livestream công kích, xúc phạm nhiều cá nhân, tổ chức, gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật".
Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, vừa bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ theo quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đã được Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Bà Phương Hằng bị bắt với tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân, được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Trước khi bị bắt, bà đã bị lệnh tạm cấm xuất cảnh trong thời gian từ 16/2 đến 29/4/2022, được cho là liên quan tới việc bà liên tục thực hiện các buổi livestream mạt sát nhiều người, trong đó có các nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Thu hút sự chú ý của rất nhiều người với loạt các livestream cáo buộc một số diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình có tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên là ăn chặn tiền ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung trong các đợt quyên góp thiện nguyện hồi 2020, bà cũng ra các cáo buộc nặng nề về đời tư đối với một số người khác, như với ca sĩ Vy Oanh.
Các buổi livestream dài hàng giờ đồng hồ của bà Phương Hằng từng gây 'bão' trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt người trực tiếp theo dõi với lượng bình luận, chia sẻ và tương tác rất lớn.
Những nội dung bà nói trong các buổi livestream, trong đó có rất nhiều thông tin cáo buộc người khác mà bà nói là bà 'mơ thấy', cũng tạo nên luồng dư luận tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng, giữa những người ủng hộ bà và những người bênh vực các nhân vật bị bà 'điểm danh'.
Các cuộc tranh cãi đã có lúc tăng tới đỉnh điểm, dẫn tới việc có làn sóng kêu gọi trên mạng, đòi một số nghệ sĩ phải công bố công khai, chi tiết các khoản thu chi liên quan tới hoạt động quyên góp từ thiện của mình.
Một số những từ ngữ bà Phương Hằng dùng trong các buổi livestream đó cũng nhanh chóng trở thành 'xu hướng' được nhiều người sử dụng, như 'quá khứ dơ dáy dễ gì giấu diếm', hay 'ngỡ ngàng bật ngửa'...
Một trong những lá đơn đầu tiên được đưa ra nhằm kiện bà Phương Hằng về việc bôi nhọ người khác được đệ hồi 10/2021, của ca sĩ Vy Oanh, người bị bà Phương Hằng cho là đã 'đẻ thuê', 'làm gái bao', 'giật chồng'.
Được biết cho đến nay, đã có ít nhất 6 lá đơn từ 6 cá nhân, trong đó có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên và cựu tuyển thủ Công Vinh, theo đó kiện bà Phương Hằng "làm nhục người khác", "vu khống" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Các tội danh quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự có mức hình phạt từ nhẹ nhất là cảnh cáo, tới mức cao nhất là phạt tù 7 năm.
Theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận ; tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội ; và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ; thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm ; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Mới đây, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bản Kiến nghị 117 có nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật trong BLHS 2015, gồm điều 109 "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", điều 117 "Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước" ; và điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Ngày 15/4/2021, Tòa án nhân dân quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) xử bị cáo Quách Duy (nguyên công chức Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) và tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại Điều 331 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội vào tháng 7 năm 2021, tuyên phạt bị cáo Trần Hoàng Minh 5 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, ông Minh thường vào mạng internet đọc được nhiều bài viết có nội dung bôi nhọ, xúc phạm ãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và các bài viết liên quan đến vụ án "Chống người thi hành công vụ" và "Giết người" xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 9/1/2020.
Ông Minh sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook "Trần Hoàng Minh" để soạn thảo, hoặc sao chép các bài viết "có nội dung chính trị xấu" để đăng lên mạng.
Gần đây, ngày 28/10, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) đã tuyên án bị cáo Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm "Báo Sạch" trong vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 Điều 331 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tòa tuyên phạt các bị cáo Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù ; Đoàn Kiên Giang 3 năm tù ; Lê Thế Thắng 3 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Cùng tội này, hai bị cáo Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã mỗi người lĩnh 2 năm tù.
Người Buôn Gió, 04/06/2021
Nếu chúng ta ở một thể chế dân chủ, mọi việc đều có pháp luật lý. Nếu thế hẳn không có vụ um xùm về trò chữa bệnh giả mạo và làm từ thiện tùy hứng cũng như không có chuyện người ta lên mang bóc phốt nhau. Chỉ cần đưa đơn ra đến pháp luật là mọi việc đúng sai thế nào đều được giải quyết.
"Thần y" Võ Ngọc Yên được truyền thông và các tổ chức trong nước lăng xê lên tận mây xanh.
Đầu tiên là thần y Võ Ngọc Yên, bằng một thủ pháp chữa bệnh đơn giản như bóp bóp, nắn nắn, thật chí là vỗ vào hai bên mang tai. Chỉ trong mấy phút "thần y" đã chữa xong căn bệnh nan y của người liệt bao nhiêu năm.
Không có cơ quan y tế nào kiểm nghiệm, người ta để mặc "thần y" tung hoành chữa bệnh khắp nơi, quảng bá rầm rộ. Thậm chí chính quyền đia phương còn cấp đất, còn tổ chức mời "thần y" về chữa bệnh trong vùng.
Nếu "thần y" Võ Ngọc Yên mà chữa được 1 phần 10 trong những người bệnh như ông ta được quảng cáo, danh tiếng của ông ta đương nhiên sẽ vang dội thế giới rồi. Y tế thế giới không mời được ông ta đi ra nước ngoài, thì cũng phải đến Việt Nam để tìm ông ta nghiên cứu.
Thế nhưng dù y tế thế giới không ngó ngàng gì đến ông ta bởi họ biết trò bịp bợp, thì ở Việt Nam chế độ để mặc cho truyền thông và các tổ chức lăng xê ông ta lên tận mây xanh. Vì sao, vì sự ngu muội trong dân càng lớn thì chế độ càng vững vàng, vì các bệnh nhân đằng nào cũng bệnh, hú họa chữa khỏi được ai thì khỏi, không khỏi thì vẫn thế cũng chẳng sao. Nói cho cùng dăm ba cái bóp, bấm, day cũng chẳng chết được người.
Thế nên chế độ mặc kệ cho "thần y" tung hoành ngang dọc.
Còn từ thiện thì sao, nhân vật nổi tiếng từ thiện không ai cấm. Miễn sao nhân vật đó có tư tưởng hoặc hành động thể hiện ủng hộ chế độ cộng sản cai trị. Hoài Linh là một ví dụ, hắn không có lời nào chỉ trích những sai phạm của chế độ, trái lại thận phận là Việt kiều trong cộng đồng cờ vàng hải ngoại, con của sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, việc hắn trở về sinh sống, hành nghề, dựng nhà cửa ở Việt Nam lại là việc giúp ích cho chế độ cộng sản được danh tiếng hơn ngàn vạn lần lời ca ngợi chế độ cộng sản Việt Nam của hắn.
Bởi thế gã được tha hồ múa may khoa trương danh tiếng cá nhân, kể cả việc liên minh với "thần y" Võ Ngọc Yên để kiếm danh lợi.
Còn Phương Hằng thì sao, chị chàng này đột nhiên tố cáo "thần y" sau một thời gian cơm lành, canh ngọt. Hăng máu tố "thần y" chị tố luôn cả bọn nghệ sĩ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng… vì đám này với "thần y" là chỗ thân thiết.
Đầu tiên chị tố Võ Ngọc Yên không sao, chế độ để cho chị tố và theo dõi diến biến xã hội. Đến khi chị tố bọn nghệ sĩ thì bắt đầu đụng chạm đến một giới quyền lực trong truyền thông, hầu hết đám nghệ sĩ này đều không bao giờ có lời chỉ trích gì chế độ. Chúng được chế độ coi như vật trưng bày, vật cảnh để người ta thấy các nghệ sĩ được tha hồ diễn, được tự do, được tung tăng. Chúng là thứ con yêu của chế độ. Chúng có quan hệ mật thiết với những quan chức cấp cao, những đại gia ngàn tỷ là sân sau của các quan chức. Chúng tạo thành một thứ quyền lực khổng lồ có thể định hướng được dư luận theo ý chúng muốn và chế độ cộng sản Việt Nam muốn.
Nếu chúng ta biết Đàm Vĩnh Hưng từng anh em thân thiết với Thân Đức Nam, Hưng còn là đệ cưng của Hằng Hải Vương (1), một đại gia thủy sản giàu có và đầy quyền lực. Những chiếc tàu cá của Hằng Hải Vương là sân sau của các lực lực vũ trang, tình báo để buôn lậu kiếm kinh tài cho các quan chức cấp cao.
Khi Hằng Hải Vương ra mặt lớn tiếng đòi trừng trị Hằng Đại Nam (2), Hằng Hải Vương đã được thế lực lớn trong đảng đứng đằng sau cam kết ủng hộ. Ngay lập tức gió xoay chiều, bộ Thông tin và truyền thông vào cuộc ép Hằng Đại Nam phải chấm dứt trực tiếp trên mạng xã hội, đồng thời mở đường cho Lê Thị Giàu kiện Hằng Đại Nam đòi một nghìn tỷ đồng. Tại sao trước đó bà Giàu không kiện ? Chuyện dễ hiểu là khi Hằng Hải Vương đã xin ý kiến của đám quan chức sân sau, phát pháo lệnh thì Giàu mới được chỉ thị khởi kiện Hằng Đại Nam.
Hằng Hải Vương chắc chắn đã chi một khoản lớn cho các quan chức để được chấp thuận phát lệnh tấn công Hằng Đại Nam, còn phía Hằng Đại Nam muốn yên thân chắc chắn cũng phải mất một khoản lớn để mua sự bình yên.
Đó là chiêu thức quản lý xã hội rất đặc trưng của chế độ này. Chỉ cần nhìn những mâu thuẫn hàng xóm trong một làng, một ngõ nhỏ. Chính quyền sở tại để mặc cho họ mạt sát, đe dọa nhau mức độ ngày càng lớn, những đơn thư tố cáo, khiếu nại họ om đấy không giải quyết. Họ chờ đợi mẫu thuẫn bùng phát thành hàng động như đập phá, đánh đấm... lúc đó mới đến xử lý giải quyết để kiếm chác.
Ngồi nổ Nguyễn Phương Hằng trong 3 tháng qua đã công phá tan nát tượng đài "thần y" Võ Hoàng Yên, bà đã lột mặt nạ ông thần y này thành lang băm. Tiếp theo là nghệ sĩ hài Hoài Linh, từ chỗ là người ủng hộ ông Võ Hoàng Yên thành người dính bê bối hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện. Rồi rất nhiều người trong giới nghệ sĩ lần lược bị vạch trần.
Bà Nguyễn Phương Hằng trong một lần livestream
Bà Nguyễn Phương Hằng hiện nay thành một người có độ thu hút bậc nhất mạng xã hội. Người Việt Nam hóng tin tức từ bà. Điều đáng nói là ông Võ Hoàng Yên không những được giới nghệ sĩ ủng hộ mà còn được chính quyền cộng sản ủng hộ và thừa nhận.
Võ Hoàng Yên bị vạch trần là người lừa đảo là lang băm làm không biết bao nhiêu người đang lo sợ danh tiếng bị nhuộm đen, trong đó có chính quyền.
Có thể nói nhờ bà Nguyễn Phương Hằng mà bức tranh làm từ thiện và các mối quan hệ ẩn giấu giữa giới nghệ sĩ với Võ Hoàng Yên và giữa chính quyền với ông Võ Hoàng yên càng càng càng bị phơi ra ánh sáng.
Như quân cờ domino, một khi Võ Hoàng Yên bịp bợm, lừa đảo thì những mối quan hệ quanh ông này khó mà trong sạch.
Sau khi bị ông bà chủ Đại Nam "bóc phốt" đến nay đã gần tròn 3 tháng, "Thần y" Võ Hoàng Yên câm như hến không có bằng chứng nào được trưng ra để cứu vãn danh tiếng bị đổ nhào. Tiếp theo nghệ sĩ Hoài Linh cũng bị tổn hại danh tiếng nghiêm trọng vì bản thân ông dù có clip công khai thanh minh nhưng xã hội thấy trong ông vẫn chưa thật lòng và tên tuổi của ông vẫn chẳng những không được cứu vãn mà còn bị chìm sâu hơn.
Điều mà giới nghệ sĩ và chính quyền sợ nhất ở bà Nguyễn Phương Hằng là bà Hằng dường như không ngán ngại ai. Hễ ai có chút liên quan với ông Võ Hoàng Yên là bà moi ra hết, mà bà moi người nào thì đổ người ấy. Đảng cộng sản quan sát điều này ắt hẳn họ rất sợ. Mặc dù bà Nguyễn Phương Hằng luôn miệng chửi "bọn phản động nước ngoài".
Thần tượng sụp đổ chính quyền hoảng hốt
Nghệ sĩ hoài linh có 12 triệu người theo dõi, nghệ sĩ Trấn Thành có đến 17 triệu người theo dõi. Xã hội vốn đặt niềm tin rất lớn vào những nghệ sĩ như thế này. Họ có tiếng và họ có tiền, người dân nghĩ họ có tiếng lớn đủ để không bán rẻ danh tiếng bằng tiền, người dân cũng nghĩ họ có tiền đủ nhiều để không tham. Đó là ahi lý do chính người dân gởi vào tài khoản của họ để làm từ thiện. Tuy nhiên những gì đằng sau đó không như mọi người nghĩ. Có rất nhiều sự mờ ám mà chỉ cần bà Nguyễn Phương Hằng livestream gọi tên ai thì người đó bị đổ.
Suốt trong ba tháng qua, bà chủ Đại Nam liên tục đăng đàn công kích. Khi bà ấy nhắc đi, nhắc lại, thì công chúng được dịp nghe đi, nghe và đến lúc người nghe phải đặt câu hỏi. Và khi người dân biết đặt câu hỏi thì vấn đề trở nên phức tạp. Đã là gian dối thì khó mà trụ vững trước những đòi hỏi minh bạch. Nghệ sĩ Hoài Linh bị đổ theo cách như vậy.
Đến nay, khi tự lập riêng cho mình một kênh Youtube, bà Phương Hằng đã thu hút đến nửa triệu người sẵn sàng bỏ thời gian dán mắt vào màn hình vào ngay giờ vàng để ngắm bà chủ Đại Nam thỏ thẻ "Quý dzị thả tim cho em đi quý dzị !".
Đứng trước lực hấp dẫn của kênh Youtube bà Phương Hằng, chính quyền cảm thấy hệ thống tuyên giáo của họ bị lung lay. Người dân không còn quan tâm đến nhà nước nói gì nữa mà họ chỉ chăm chứ xem bà Phương Hằng bóc phốt từng người, từng người một.
Chính quyền này là chính quyền chuyên xây dựng lòng tin người dân bằng tuyên truyền dối trá. Họ cần người dân chú ý đến họ và chỉ biết nghe và tin không được đặt câu hỏi tại sao.
Điều mà chính quyền này sợ nhất là sự ngã nhào theo kiểm quân cờ domino. Lòng tin mà nhiều người đã tin vào Đảng cộng sản giờ họ lại tỏ ra nghi ngờ thì nguy.
Nghệ sĩ Hoài Linh dính phốt
Vì sao chính quyền "chặn họng" bà Nguyễn Phương Hằng
Ngày 29/5, chính quyền cộng sản đã phải ra tay chặn họng Bà Phương Hằng, buộc bà cam kết thôi, không livestream nữa.
Theo báo chí thì Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với phía bà Phương Hằng và bà đã cam kết không livestream nữa. Trên fanpage Trường Đua Đại Nam Official sáng 29/5 cũng thông báo bà Phương Hằng
Trả lời báo chí sáng 29/5, ông Lưu Đình Phúc – cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) – xác nhận ông đã trao đổi với Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý vụ việc bà Phương Hằng gần đây livestream "thóa mạ, chửi bới" một số cá nhân, nghệ sĩ.
Ông Phúc cho biết Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc sơ bộ với phía bà Phương Hằng và "họ cam kết thôi không livestream".
Về lý do tại sao chính quyền nhảy vào sự việc này thì Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, họ đã nhận được văn bản từ Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh việc bà Phương Hằng gần đây liên tục livestream xúc phạm, thóa mạ nhiều nghệ sĩ thuộc hội, ngày 28/5 – đồng thời với việc trao đổi Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với phía bà Phương Hằng yêu cầu dừng livestream thóa mạ, xúc phạm nhân phẩm các cá nhân – Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý với các đối tượng livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Có thể nói rằng cụm từ "thuần phong mỹ tục" là một nhận xét đầy cảm tính. Nó không đánh giá đúng mực những hành động của bà Hằng, bởi nó là câu nhận xét đầy tính định tính. Xã hội đã rất nhiều lần chỉ trích chính quyền đã lạm dụng từ "thuần phong mỹ tục" nhưng cho đến nay họ vẫn không sửa. Nó là một thứ công cụ mà chính quyền hay lạm dụng để che đậy cho hành động mà họ muốn làm gì thì làm.
Livestream gần đây của bà Phương Hằng đúng sai là do pháp luật quyết định. Nếu phía bị bà Hằng lên án có thấy oan ức thì có thể đâm đơn kiện lên tòa án để đấu nhau về mặt pháp lý, thế mới là văn minh.
Ban đầu không ai nghĩ bà Nguyễn Phương Hằng gây ra sự nghi ngờ của người dân đối với hàng loạt nghệ sĩ. Đặc biệt là trong 3 tháng livestream, phía nghệ sĩ phản ứng một cách yếu ớt. Điều đó cho thấy họ có dính phốt thật, có điều người ta sẽ khui đến đâu mà thôi.
Xã hội Việt Nam vốn đã bị bao trùm bởi quá nhiều kẻ không tử tế, mà quan trọng nhất là sự thiếu tử tế của chính quyền. Với sức hút như bà Nguyễn Phương Hằng mà bà tiếp tục đào sâu hơn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đã là hiện tượng Domino thì rất khó mà xác định các con cờ nào xẽ ngã và không biết đến bao giờ nó dùng.
Chính quyền đã ngăn cản bà Phương Hằng Livestream
Chính quyền cộng sản run sợ ?
Ông lang băm Võ Hoàng Yên đã bị đổ, mà ủng hộ ông Võ Hoàng Yên là rất nhiều chính quyền địa phương. Ai cũng biết quan chức ở mọi cấp chính quyền trong cái chế độ này luôn tham lam. Nếu không có sự chia chác từ ông Võ Hoàng Yên thì khó mà có chuyện chính quyền ở các địa phương ủng hộ ông ta được. Bây giờ bộ mặt lừa đảo của ông Võ Hoàng Yên thì đã rõ, nếu bà Nguyễn Phương Hằng livestream tiếp, rất có thể câu chuyện cấu kết giữa các chính quyền địa phương và ông lang băm lừa đảo lại bị lộ thì nguy. Đó mới là vấn đề mà Đảng cộng sản đang lo sợ.
Sức hút của livestream mà bà Phương Hằng thực hiện là rất lớn
Hiện nay bà Nguyễn Thị Phương Hằng đã không còn livestream và vấn đề về các nghệ sĩ cũng lắng xuống. Không biết ngoài bà Nguyễn Phương Hằng ra còn ai bóc phốt giới nghệ sĩ hay không ? Nếu bà Nguyễn Phương Hằng bị cấm livestream ấy là điều đáng tiếc. Xã hội Việt Nam cần phải có người làm sạch nó, dù cho không thể làm sạch thì khấy lên những gì thối tha để người dân tránh.
Xã hội xấu xa nói cho cùng, kẻ chịu hậu quả nhiều nhất vẫn là người dân. Nếu cái tốt bị chặn và để cái xấu tiếp tục tung hoành thì xã hội này không biết sẽ đi về đâu.
Sống dưới chế độ cộng sản, cái xấu rất khó bị phát hiện vì chế độ này chủ trương che đậy. Lòng tin ở xã hội này vốn đã rất hiếm hoi thì nay càng trở nên khan hiếm hơn. Không biết, sau những mặt nạ bị rớt thì dân còn biết tin ai ? Không còn ai để tin nữa.
Ngọc Thảo (tổng hợp)