Hoài Nguyễn, VNTB, 19/10/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch Covid-19 hôm nay 17/10 nhấn mạnh : "Triển khai Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương ; cấp dưới phải phục tùng cấp trên ; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên".
Tuy nhiên ngay trong cuộc họp này cho thấy ý kiến của vị Phó Ban chỉ đạo Vũ Đức Đam lại mang dáng dấp của ‘bất phục tùng’, khi ông cho rằng chỉ tới khi vắc xin Covid về nhiều, thì Việt Nam mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới.
Trong lúc đó thì phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất cho rằng Việt Nam đã kiểm soát được tình hình và từng bước chuyển sang trạng thái mới.
Thủ tướng cho rằng tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi ; sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Vắc xin nào để ngừa căn bệnh "trên bảo dưới không nghe" ?
Có ý kiến : nếu chỉ căn cứ vào văn bản pháp quy hiện hành, liệu có dễ kỷ luật lãnh đạo địa phương khi các vị quan chức đầu tỉnh này "không phục tùng cấp trên" ?
Trả lời nhanh : chỉ dễ khi Bộ Chính trị ‘nhúng tay’ bằng lệnh điều động – ví dụ như hôm 20-8-2021, Bộ Chính trị đã có quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chẳng hạn.
Vì sao lại như thế ?
Căn cứ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có thể liệt kê các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, bao gồm : Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Tùy thuộc vào vị trí của người giữ chức vụ, pháp luật quy định chủ thể có thẩm quyền trình/ giới thiệu là tập thể (Thường trực Hội đồng nhân dân) hoặc cá nhân (Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân). Trình tự, thủ tục để Hội đồng nhân dân bầu người giữ chức vụ được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Hiện nay, quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề xử lý kỷ luật đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu có thể được chia thành hai nhóm.
Thứ nhất là nhóm văn bản pháp luật về cán bộ, công chức : Các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức có quy định chung về xử lý kỷ luật đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được kể đến là Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 (Luật Cán bộ, công chức). Luật này quy định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ gồm : Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Tuy nhiên, vì liên quan đến các vấn đề chung, có tính bao quát nên Luật Cán bộ, công chức không quy định rõ trình tự thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với từng đối tượng cán bộ cụ thể.
Thứ hai là nhóm văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước : Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không đề cập trực tiếp đến vấn đề "xử lý kỷ luật" đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, mà đề cập đến việc bãi nhiệm dưới góc độ là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và cách chức với góc độ là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Hình thức kỷ luật cách chức được áp dụng theo trình tự, thủ tục hành chính đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu và làm việc tại khối cơ quan hành chính, cụ thể : Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tich Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới.
Căn cứ vào thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ, khoản 7 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trong việc phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới (khoản 7 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương), thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xử lý kỷ luật với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý kỷ luật với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới.
Quy định này xác định đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trong việc xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhưng không đề cập đến thẩm quyền "bãi nhiệm" của Hội đồng nhân dân đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu đang làm việc tại cơ quan hành chính.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 112 về nguyên tắc xử lý kỷ luật thì đối với trường hợp cán bộ đã bị xử lý kỷ luật đảng, thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Quy định số 102/QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị, chỉ có 04 hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức bao gồm : Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Vắc xin hiệu quả nhất : lệnh của Bộ Chính trị
Rối rắm ở trên xuất phát từ việc dân chủ hình thức, bởi giữa cơ chế dân cử và cơ chế hành chính luôn có sự khác biệt.
Muốn không còn sự mâu thuẫn, chồng chéo, cần xác định những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu không phải là đối tượng áp dụng trách nhiệm kỷ luật hành chính, các quy định về xử lý kỷ luật nói riêng và các vấn đề về công tác quản lý cán bộ nói chung.
Và ở đây với những tiền lệ, cho thấy việc xử trí nhanh nhất là Bộ Chính trị đưa ra một quyết định hành chính về điều động nhân sự nào đó ở cấp lãnh đạo địa phương cho tới bộ ngành – kể cả cấp cao chót vót như phó thủ tướng, chuyển về làm ‘sếp phó’ ở những cơ quan như Tuyên giáo, Ban Kinh tế trung ương.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 19/10/2021
**********************
Lãnh đạo cấp dưới không phục tùng cấp trên nói lên điều gì ?
Diễm Thi, RFA, 18/10/2021
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về kết quả phòng, chống dịch hôm 17 tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa phương ; cấp dưới phải phục tùng cấp trên.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính AFP
Hôm sau, tại buổi tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng đến bình thường mới" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện phát biểu :
"Theo quan điểm của tôi, tính tuân thủ của các địa phương là rất quan trọng. Chúng ta đã có cơ sở rồi khi áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19. Bây giờ thêm 128 là cho quyền anh thích ứng mà anh không thích ứng được thì cơ chế kiểm soát của chúng ta có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, hoặc cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng nhịp đập của cả nước ; hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác. Đặc biệt cấm tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’. Trung ương điều hành tuyệt đối mà địa phương lại không tuân thủ thì không thể chấp nhận được".
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, người dân bị bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương là câu chuyện rất khó hiểu.
Ông H. một người am hiểu tình hình nội bộ Đcộng sản Việt Nam ở Hà Nội nói với RFA sáng 18 tháng 10 rằng, ông Phạm Minh Chính là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng nhiệm kỳ trước, nên nhân sự của cả nước khóa này là do ông ấy quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Nếu ông Chính nói lãnh đạo các địa phương không tuân thủ cấp trên là ông ấy đã tự vả vào mặt mình. Ông H. phân tích :
"Xét về tính tổ chức kỷ luật thì như thế là kém. Về lý mà nói thì cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên nhưng với tình hình Việt Nam hiện nay thì như câu ngạn ngữ : ‘Người trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi coi thường’.
Trước đây, những mệnh lệnh ông Chính đưa ra về chống dịch thay đổi liên tục như chong chóng. Cấp dưới thi hành chưa xong cái thứ nhất đã ra cái thứ hai nên họ không theo nữa. Đấy là khuyết điểm của cả cấp trung ương lẫn địa phương. Không phải loạn 12 sứ quân nữa mà loạn cả 63 sứ quân, tức 63 tỉnh, thành. Họ muốn chứng minh "ta là vua một xứ, không nghe ai hết".
Sở dĩ có chuyện ‘trên bảo dưới không nghe’ là vì cấp dưới chỉ lo giữ ghế. Họ không làm vì trách nhiệm vừa chống dịch vừa không ngăn sống cấm chợ, bất lợi cho dân hay ảnh hưởng đến kinh tế trong dài hạn. Do đó, chuyện cấp dưới bất tuân cấp trên là chuyện có thật. Còn trách nhiệm của ai thì phải mổ xẻ vấn đề mới nói được".
Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành ngày 11 tháng 10 và có hiệu lực thi hành ngay, nhưng lại thiếu phần hướng dẫn thi hành về xác định cấp độ dịch của Bộ Y tế, nên Nghị quyết chưa thể áp dụng được trong thực tế.
Phía Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời về chuyên môn là không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân mà chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ nguy cơ cao…
Công an đứng chặn tại một chốt ở Thành phố Hồ Chí Minh đêm 30/9/2021 khi người lao động bắt đầu rời thành phố trước khi lệnh phong toả được dỡ bỏ vào sáng ngày 1/10/2021. Reuters
Theo truyền thông Nhà nước, Nghị quyết 128 đã thực sự tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên đến ngày 18 tháng 10, các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình vẫn yêu cầu những người đến từ nơi khác khi qua chốt kiểm soát cửa ngõ phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Tại một số chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh Thái Bình, một số người đến từ Hải Phòng không có giấy xét nghiệm nên bị yêu cầu quay đầu nếu không muốn phải cách ly.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định, đã là Nghị quyết thì tất cả đều phải tuân theo bởi Nghị quyết là lệnh, được coi là một văn bản quy phạm pháp luật. Nếu không tuân thủ thì bị kỷ luật. Ở đây không phải là chuyện cấp dưới tuân lệnh cấp trên. Về việc các địa phương không tuân thủ Nghị định mới nhất của Chính phủ, ông Hợp nêu quan điểm của mình :
"Nó đơn giản thôi, tức là từ khi ra Nghị quyết 128 thì có nhiều tỉnh không nghe theo và vẫn áp dụng theo kiểu của mình. Trước nay vẫn xảy ra chuyện như vậy nhưng riêng lần này thì nó có biểu hiện nặng hơn vì lý do : Một là người ta sợ mở cửa thì không an toàn, họ bị ảnh hưởng. Đó là lý do chính. Ngoài ra còn có lý do ở dưới họ không nghe ở trên là vì gần đây có nó những lúc họ cảm thấy họ không nghe được vì một số vấn đề. Vừa rồi, sau đại hội đảng thì tỉnh nào cũng có bí thư mới, chủ tịch mới, công an mới nhưng họ lại nhận thức rất kém.Thực sự ra thì bản thân những người trong chính quyền ở Việt Nam bây giờ họ có nghe nhau mấy đâu".
Ông Hợp nêu một ví dụ cụ thể về việc ‘các cấp không nghe nhau’ mà ông cho là rất nguy hiểm trong công tác phòng, chống dịch. Đó là khi Bộ Y tế có lệnh phải tiêm vắc xin cho những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền, Hà Nội dứt khoát không nghe. Thực tế chỉ có những người trên 65 nhưng là cựu chiến binh, đảng viên…thì được tiêm, còn lại thì không.
Ông Hà Hoàng Hợp kết luận, "việc này còn ‘láo’ hơn việc các địa phương không thực hiện Nghị quyết 128. Thôi thì kệ nó đi. Phép Vua thua lệ làng. Vua không là cái gì ở đấy hết".
Tại buổi tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng đến bình thường mới" hôm 18 tháng 10, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị cần có giám sát chặt chẽ lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm. Ông Nhưỡng nhấn mạnh : "Vào trận mà đồng chí không chỉ huy được thì đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua".
Điều ông Nhưỡng đề nghị nhắc nhớ lại buổi họp lãnh đạo chủ chốt hôm 24 tháng 8 năm 2021. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết luận cuộc họp đã đề nghị các bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong đó có việc "thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch".
Kết quả là ông Phạm Minh Chính lên thay ông Vũ Đức Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay chiều hôm sau, 25 tháng 8, ông Chính chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo chống dịch với vai trò Trưởng ban. Các Phó trưởng Ban tham dự gồm Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 18/10/2021
**********************
Thủ tướng : Cấp dưới phải phục tùng cấp trên
Lam Thanh, Một Thế Giới, 17/10/2021
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, Thủ tướng yêu cầu phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương ; cấp dưới phải phục tùng cấp trên…
Nhiều việc không có tiền lệ phải giải quyết
Kết luận cuộc họp với các địa phương về công tác phòng chống dịch,Thủ tướng cho hay, các ý kiến đánh giá, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Hơn nữa, khả năng đáp ứng của ngành y tế, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất và con người đều hạn chế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương. Theo Thủ tướng, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, thật sâu, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã kế thừa những biện pháp phù hợp trước đây, đồng thời bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đổi mới, đưa ra giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp có tính chất bước ngoặt như điều động lực lượng hỗ trợ các địa phương tâm dịch ; chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế, chăm lo an sinh xã hội…
"Rất nhiều việc không có tiền lệ phải quyết định trong thời gian rất ngắn, bối cảnh rất khó khăn, bàn bạc tạo đồng thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền", Thủ tướng nói và nêu cụ thể như triển khai hàng trăm trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh, điều động hàng trăm nghìn cán bộ chi viện, lo an sinh xã hội cho hàng triệu người dân trong một thời gian rất gấp rút.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quan trọng trong những thời khắc khó khăn. Ngoài ra, việc phân cấp phân quyền phải đi đôi với bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác trước dịch bệnh nhưng cũng không mất bình tĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt.
"Việc triển khai các giải pháp mới cần bàn bạc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại, thảo luận dân chủ, lắng nghe các ý kiến phản biện. Khi đã thống nhất, thực tế chứng minh có hiệu quả thì kiên trì, kiên định thực hiện các giải pháp đã đề ra", Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị-Ảnh : VGP
Theo Thủ tướng, trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước ; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch : 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác.
Các trụ cột là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng ; xét nghiệm thần tốc, bảo đảm an toàn, khoa học ; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.
Những kết quả đạt được mới là bước đầu
Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng vi rút mới ; khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót lọt người cần hỗ trợ ; nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng lao động. Giữ vững ổn định chính trị xã hội, an toàn trật tự xã hội. Khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học cho các cháu. Triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc các cháu mồ côi do dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời để các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng vắc xin ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin ; chủ động chuẩn bị vắc xin cho năm 2022 ; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước.
Thủ tướng lưu ý, điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế. Lý do người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.
Cấp dưới phảiphục tùng cấp trên
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, Thủ tướng yêu cầu phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương ; cấp dưới phải phục tùng cấp trên ; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên ; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên.
Toàn cảnh cuộc họp-Ảnh : VGP
Thủ tướng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, những cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
"Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn ; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương. Các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình ; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi ; sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàng Trung, Thoibao.de, 18/10/2021
Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời trong bối cảnh số ca Covid-19 ở Việt Nam tiếp tục giảm, tuy nhiên các địa phương trở thành các tiểu bang hoặc các khu tự trị, bất tuân lệnh Thủ tướng yêu cầu mở cửa về giao thông và mở cửa quyền đi lại cho người dân giữa các tỉnh thành.
Ảnh : hầu hết các báo đều ghi nhận tình trạng mỗi địa phương áp dụng 1 kiểu, khiến cho người dân vẫn bị ngăn cấm đi lại và chính phủ cũng đau đầu vì loạn sứ quân cát cứ
Hầu hết các báo đều ghi nhận tình trạng "loạn sứ quân" và "mỗi nơi một kiểu", cơ bản là không có địa phương nào chấp hành theo lệnh của Thủ tướng với nghị quyết 128 đã ban hành được rất nhiều người ghi nhận là tiến bộ và thông thoáng.
Nghị quyết 128, Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay Thủ tướng, có hiệu lực từ ngày ký ban hành 11/10.
Theo Nghị quyết, các địa bàn chia thành 4 cấp độ dịch bệnh, gồm : Cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh ; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng ; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam ; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Người dân được đi lại từ cả 4 cấp độ nguy cơ ; với người đến từ địa bàn cấp 3 kèm theo điều kiện về tiêm vaccine, xét nghiệm ; người đến từ địa bàn cấp 4 hạn chế đi lại.
Nghị quyết 128 nói các tỉnh, thành có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân
Tuy vậy, ngay chính báo chí nhà nước cũng phê phán rằng những ngày qua, việc đi lại vẫn chưa được tiến hành giống Nghị quyết 128.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 16/10, "trên thực tế mấy ngày qua việc đi lại của người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa được tháo gỡ".
Báo này cho hay An Giang vẫn yêu cầu người dân ra khỏi tỉnh phải xin phép.
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết hiện nay các quy định cũ vẫn thực hiện, dự kiến tuần sau mới triển khai theo tinh thần nghị quyết 128.
Đến hết 31/10. Vĩnh Long vẫn duy trì các biện pháp giống như khi áp dụng chỉ thị 19 của Chính phủ với các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, cách ly người ra vào địa phương.
Báo Tuổi Trẻ nói : "Tại Hải Phòng, ngày 15/10 nhiều người dân đến từ Hà Nội phản ánh tại chốt kiểm soát lối ra đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dù tiêm đủ liều vắc xin vẫn bị yêu cầu quay lại nếu không muốn thực hiện biện pháp cách ly tại nơi lưu trú".
Còn tờ Thanh Niên ghi nhận ở Thái Bình, đến chiều tối 15/10, vẫn chưa triển khai thực hiện Nghị quyết 128, người đi vào địa phương này vẫn phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam chưa áp dụng theo Nghị quyết 128, lý do đang nghiên cứu, chờ tham mưu, hướng dẫn…
Báo Người Lao Động ngày 16/10 tường thuật :
"TP HCM vẫn đang thực hiện Chỉ thị 18 của Ủy ban nhân dân TP HCM ngoài một số hoạt động giao thông, đi lại liên tỉnh. Đề cập Nghị quyết 128, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang nghiên cứu để cụ thể hóa nghị quyết này. Thành phố đã lập một tổ công tác để rà soát, đánh giá lại cấp độ dịch của thành phố dựa trên Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, TP HCM có thể thay đổi một số biện pháp".
Ngay cả trang web Đảng Cộng sản ngày 15/10 cũng viết rằng "vẫn còn nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt kiểm soát".
Đến chiều thứ Bảy 16/10, trang VOV ghi nhận "nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ vẫn chưa ban hành kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, khiến một số hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại vẫn còn khó khăn".
An Giang vẫn duy trì 3 chốt trên quốc lộ 91 (giảm 1 chốt), các đoàn xe vẫn ùn ứ trước chốt kiểm soát
Theo Nghị quyết 128, Việt Nam sẽ tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6.8.2021, Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Nghị quyết 128 có đoạn : "Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn".
Sau khi tự "đẻ" thêm màu xanh biển, xanh lá, màu trắng, Hải Phòng lại hoả tốc bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng vẫn lòng vòng bắt cách ly. Còn Đà Lạt, trước ngày 15/10 vẫn bắt cách ly tập trung tất, kể cả người tiêm 2 mũi vaccine.
Buổi trưa 14/10, thành phố Cảng đưa ra một quy định với một bảng màu kỳ lạ. Theo đó, ngoài 4 màu đỏ, cam, vàng, xanh tương đương với 4 vùng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Hải Phòng còn đẻ thêm màu xanh lá, xanh biển, thậm chí cả màu trắng.
Và tương ứng với các màu được "đẻ" thêm này là một yêu cầu cách ly khác nhau.
Đến tối 14/10, thành phố Cảng bỏ yêu cầu người vào địa bàn phải trình giấy xét nghiệm nhưng lại tiếp tục "đẻ" thêm các quy định yêu cầu cách ly.
Chẳng hạn, người đến từ vùng xanh (cấp độ 1) kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải "tự theo dõi sức khỏe 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu tiên khi đến Hải Phòng".
Ảnh : Chốt phòng dịch tại cửa ngõ ra vào Hà Nội vẫn hoạt động sau nghị quyết 128 của Chính phủ
Người chưa tiêm đủ liều hoặc đã tiêm đủ nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì phải cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1, thứ 7.
Ngoáy mũi. Bỏ yêu cầu ngoáy mũi nhưng vẫn phải ngoáy mũi. Rất lòng vòng. Và khẳng định, nó trái với các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong khi đó, không cần lòng vòng, Đà Lạt yêu cầu cách ly tập trung với người ngoài tỉnh tới Đà Lạt, kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Đà Lạt, chỉ là một thành phố cấp huyện. Văn bản bắt cách ly tập trung này do cơ quan cấp phòng (Phòng y tế TP Đà Lạt) ban hành.
Phải đến ngày hôm nay (15/10), Đà Lạt mới ra văn bản mới nhưng vẫn yêu cầu người đến Đà Lạt từ vùng cấp độ 1,2 thực hiện 5K còn người từ vùng cấp độ 3,4 mặc dù đã tiêm vaccine vẫn phải vẫn phải xét nghiệm và cách ly tại nhà 7 ngày.
Câu chuyên ở Hải Phòng, một ngày 2 văn bản, cái nào cũng trái nghị quyết 128, trái hướng dẫn của Bộ Y tế, hay Đà Lạt… đang chỉ cho thấy sự tuỳ tiện ở các địa phương.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 128 chính là để chấm dứt sự tuỳ tiện, cát cứ, chấm dứt tình trạng mỗi nơi một kiểu nhân danh chống dịch.
Nhưng rồi, đấy : Đà Lạt, với một văn bản cấp phòng "tống trại" cách ly tập trung vô pháp vô thiên. Hải Phòng trưa một đằng, tối một nẻo cái nào cũng trái với quy định chung. Và Hà Nội, kể cả khi 128 tạm dừng thực hiện các chỉ thị 15,16… vẫn khư khư giữ chốt, khư khư yêu cầu kết quả xét nghiệm.
Tàu xe "đói khách" vì quy định cách ly
Nghị quyết 128 của Chính phủ hướng tới việc giúp người dân trở lại với điều kiện bình thường mới trong đi lại, liên thông giữa các tỉnh.
Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dù máy bay, xe khách liên tỉnh đã khai thác thí điểm trở lại nhưng do vắng khách, mỗi ngày có cả chục chuyến bay phải hủy, có gần 50 tuyến xe khách liên tỉnh chạy từ 1 đến 6 xe nhưng không có khách nào.
Vụ Vận tải cho biết hiện nay nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát về tiêm phòng cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách theo quy định của quyết định số 4800/QĐ-BYT để bố trí, sắp xếp lái và bán vé cho hành khách.
Ngoài ra, theo thống kê, ngày 14/10 các hãng hàng không đã khai thác 12 chuyến bay khứ hồi với 1.843 khách giữa các địa phương.
Tuy nhiên, từ ngày 10 đến 14/10, sau 4 ngày khai thác trở lại các đường bay nội địa, vẫn xảy ra tình trạng mỗi ngày có đến chục chuyến bay phải hủy vì không có khách, nhu cầu ít. Cụ thể, ngày 14/10, các chuyến bay từ Đà Nẵng đi Cần Thơ, Đắk Lắk ; từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau, Rạch Giá ; từ Thanh Hóa đi Lâm Đồng không khai thác do khách ít.
Với đường sắt, sau vài ngày đầu đông khách đã bắt đầu giảm dần. Theo đó, từ ngày 13 đến 20/10, tàu SE8 chạy chiều Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội đã bán 1.728 vé. Tuy nhiên, khách chỉ mua vé nhiều trong các ngày từ 13 đến 16 – 10 với số lượng từ 400 giảm dần xuống 300 và 200 vé ; từ ngày 17 đến 20 – 10 khách mua từ 136 và giảm đến 70 vé/ngày…
Hoàng Trung (tổng hợp)
Thới Bình, VNTB, 17/10/2021
Trước đó Nghị quyết 128 của Chính phủ và Bộ Y tế đã có công văn 4800/QĐ-BYT hướng dẫn không cách ly tập trung người đi từ tỉnh khác qua nếu đã chích 2 mũi vắc xin phòng Covid, hoặc F0 khỏi bệnh. Thế nhưng khá bất ngờ là vào tối ngày 15/10/2021, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương – bà Đoàn Thị Hồng Thơm ký phát hành công văn số 2628/SYT-NVY, về việc "thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà/ cách ly y tế các đối tượng nguy cơ và việc bàn giao bệnh nhân xuất viện/ các đối tượng cách ly y tế giữa Bình Dương và các tỉnh/ thành phố".
Văn bản 2628/SYT-NVY, phần đánh số thứ tự "2", có nội dung như sau :
"Thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nước ngoài nhập cảnh, các trường hợp tỉnh/ thành phố khác đến Bình Dương và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh :
– Đối với các trường hợp F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, các đối tượng đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc tiêm 01 mũi vắc xin ít nhất 14 ngày : Thực hiện cách ly y tế tập trung 07 ngày. Sau khi kết quả PCR ngày thứ 3, thứ 6 âm tính, sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 7 ngày.
+ Nếu không có dấu hiệu bất thường : Được ra đường, tham gia lao động, sản xuất… nhưng vẫn thực hiện nghiêm 5K.
+ Nếu có dấu hiệu bất thường như : sốt, ho, khó thở…, phải báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn cụ thể.
– Các trường hợp là các chuyên gia có cấp hàm từ ngang Thứ trưởng trở lên, khách mời của Tỉnh ủy/ Hội đồng nhân dân/ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh : Không cần cách ly y tế tập trung. Tuy nhiên, cá nhân hoặc tổ chức đến Bình Dương cần có kế hoạch công tác chi tiết gửi Sở Ngoại vụ xem xét phương án phòng chống dịch cụ thể gửi Sở Y tế xem xét, tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt.
– Các trường hợp khác : Cách ly y tế tập trung 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngày có quyết định cách ly y tế tập trung/ ngày xác định tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 7, thứ 13 âm tính, sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 7 ngày" – dừng trích.
Như vậy, mặc dù công văn số 2628/SYT-NVY, ở phần căn cứ pháp lý cho soạn thảo, có ghi căn cứ đầu tiên là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", song lại cho thấy Sở Y tế tỉnh Bình Dương với quy định như phần trích ghi ở trên, cho thấy đã không tuân thủ cả Nghị quyết của Chính phủ lẫn Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nghị quyết số 128/NQ-CP cho biết việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau là chỉ hạn chế khi đó là vùng được quy định "cấp 4". Còn lại thì tự do đi lại với việc tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà" – trích phần IV.2.4 quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", văn bản kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ.
Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trao quyền "Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội, …), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ".
Tất các viện dẫn pháp lý như trên, cho thấy Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần thiết xem xét về các biểu hiện "tiêu cực" pháp lý của Sở Y tế tỉnh Bình Dương qua việc công khai chống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 17/10/2021
********************
Lê Tự Do, VNTB, 17/10/2021
Ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128 của chính phủ được ban hành, sau đó vài ngày là hướng dẫn đến từ Bộ y tế, được nhiều người trông đợi và hy vọng một ngày mai sáng sủa hơn trong đi lại giữa các tỉnh thành, không còn phải lo ngại vấn đề sức khỏe lỗ mũi từ những que chọt tìm kháng nguyên nữa.
Có thể nói, với văn bản nghị quyết 128, thoáng hơn cũng như phù hợp hơn với cái gọi là "sống chung với dịch", tiến thêm một bước gần hơn với các nước văn minh tiến bộ khác trên thế giới, không đặt nặng vấn đề xét nghiệm chọt lỗ mũi cũng như giới hạn quyền đi lại của người dân.
Song, nếu xét trên tình hình thực tế những ngày sau đó, rõ ràng, nhiều địa phương vẫn không chấp hành, cấp dưới biết thông tin mới nhưng vẫn không nhận được chỉ đạo thay đổi từ cấp trên.
Theo ghi nhận, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành từ 11/10 cho phép mở lại trường học, đi lại giữa các vùng, ngoại trừ vùng đỏ. Bộ Y tế nói rõ không phải trình xét nghiệm âm tính, đến tối 14-10, Hải Phòng tuy không bắt trình nhưng vẫn đòi phải xét nghiệm.
Không những vậy, tỉnh này cũng tự "đẻ" thêm màu. Theo đó, các tỉnh, thành được phân vùng màu vàng có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… ; màu xanh lá có Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên… ; màu xanh nước biển là Quảng Ngãi, Sóc Trăng ; các tỉnh, thành còn lại nằm trong phân vùng màu trắng.
Tại một số tỉnh ở miền tây, vẫn còn duy trì chốt chặt, kiểm soát xe và người ra vào địa phương mình.
"Bộ Y tế hướng dẫn vậy nhưng tại tỉnh An Giang luôn làm trái với những gì Trung ương ra. Từ tỉnh vùng xanh đi qua An Giang khi tới chốt Vàm Cống thuộc phường Mỹ Thạnh, Long Xuyên vẫn chặn xe lại để test, test vô tội vạ. Giữa An Giang và Cần Thơ cách nhau cây cầu Cái Sắn, mà người An Giang vừa qua cầu để giao đồ hay làm gì chỉ 5 phút quay về tới chốt là bắt test, ăn 238.000đ rất ngon lành", một ý kiến cho biết.
Tại Bình Dương, theo ghi nhận từ người tham gia lưu thông đường bộ bằng phương tiện cá nhân, vẫn bị các chốt chặn cả 2 chiều đi và về, cùng yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính. "Tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh đi làm Thủ Dầu Một, Bình Dương đi làm qua 3 chốt vẫn hỏi giấy xét nghiệm. Tôi đã chích đủ 2 mũi vắc xin".
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo chí ghi nhận thì thượng tá Nguyễn Đình Dương – trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08) Công an Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết hiện tại lực lượng ở 12 chốt cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với người dân ra, vào thành phố như trước đây.
"Chúng tôi có nắm được thông tin về việc không còn kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 khi di chuyển giữa các vùng. Tuy nhiên, hiện nay Phòng PC08 chưa nhận được chỉ đạo cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền nên vẫn thực hiện việc kiểm tra như trước", thượng tá Dương nói.
Với nhiều thông tin được đăng tải trên báo chí, câu hỏi được đặt ra, chẳng lẽ chính quyền địa phương đi ngược lại với Trung ương, với Chính phủ ? Hay chăng, do thời gian vừa qua, quá rõ ràng, cách chống dịch xưa cũ của phó thủ tướng Vũ Đức Đam không hiệu quả, dẫn đến mất lòng tin, ngay cả với nghị quyết do phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ! Đó là chưa kể đến sự tin tưởng vào văn bản hướng dẫn chuyên môn có chữ ký của ông Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Nếu như đã nhận thấy có gì không ổn hay mất lòng tin ông Đam dẫn đến không tuân theo nghị định, nên chăng, cần có một sự thay thế phó thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Y tế ở đây hay không ?
Lê Tự Do
Nguồn : VNTB, 17/10/2021
********************
Thêm đề xuất chống dịch Covid-19 bị dân phản đối
Diễm Thi, RFA, 15/10/2021
Sở Y tế Hà Nội đề xuất treo biển "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19" tại nhà người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng như một cách quản lý nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Thành phố Hà Nội hôm 22 tháng 8 năm 2021.AFP
Trao đổi với truyền thông Nhà nước về việc này, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết : "Đây chỉ là đề xuất và khuyến cáo để chính quyền địa phương quản lý những người trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà. Việc này, nếu có thực hiện sẽ giúp người dân chú ý hơn, tránh tiếp xúc với những người liên quan trong thời gian cách ly. Đồng thời, những người thực hiện cách ly cũng sẽ nâng cao ý thức trong việc tự cách ly tại nhà".
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc treo biển trước cửa nhà như thế đã được nhiều địa phương làm trước đó để giám sát, quản lý các trường hợp F1, F2 hay có người phải cách ly, trở về từ vùng dịch.
Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng cách chống dịch này là vô ích và vô lý. Ông nói :
"Về chuyên môn mà nói thì F0 đầy ra rồi nhưng không phải F0 nào cũng có triệu chứng và phát bệnh. Làm như thế thì chả giải quyết được gì nếu đã áp dụng 5K và tiêm chủng rồi. Việc dán biển như thế gây sự phân biệt vùng miền và vi phạm quyền con người. Đây là cách làm việc cực đoan, cũng giống như ngày xưa bắt F0 nhốt.
Vô lý quá. Nó thể hiện không có sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ y tế, của Chính phủ về mặt hành chính. Ai muốn làm gì thì làm !"
Trao đổi với RFA, một số người dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, họ thực sự không quan tâm đến việc có bị treo bảng hay không vì đợt dịch này quá khủng khiếp, họ không còn biết gì ngoài sự sợ hãi với cái đói, cái chết chung quanh mỗi ngày. Đó là hậu quả của cách chống dịch sai lầm ngay từ ban đầu của giới lãnh đạo Việt Nam.
Trong khi đó, hầu hết những người dân Hà Nội mà RFA trò chuyện đều cho rằng đề xuất treo biển theo dõi y tế trước cửa nhà dân là một hình thức kỳ thị không thể chấp nhận được.
Anh T. nêu quan điểm của mình với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger :
"Việc đề xuất dán biển trước nhà người dân Hà Nội như vậy là không chấp nhận được. Nó tạo ra một sự kỳ thị chính thức được Nhà nước cổ súy. Người mắc Covid không phải là một tội nhân. Đối xử với họ như thế là tàn ác.
Ngày xưa, khi Đức quốc xã khi bắt người Do Thái vào các trại tập trung, họ bắt đầu bằng việc dán lên trước cửa nhà mỗi gia đình Do Thái một "Ngôi sao David" hay còn gọi là "Tấm khiên David" như một hình thức đánh dấu tội phạm".
Ông Lê Hoàng nhận định, cách chống dịch của cơ quan chức năng không làm người dân cảm thấy an tâm, tin tưởng mà chỉ làm dân nổi giận. Chính quyền đi từ sai lầm này đến sai lầm khác qua những phát ngôn bất nhất của giới lãnh đạo với nhau, và với chính bản thân họ. Ông nói :
"Tôi không đồng ý chuyện treo biển như thế vì nó là sự kỳ thị, phân biệt. Người ta có thiếu gì cách quản lý. Họ đã quản lý tất cả rồi. Tại sao họ cứ nghĩ ra những cái làm cho người dân bất bình, làm người dân cảm thấy bị kỳ thị như thời xưa bị xa lánh vì bệnh hủi.
Họ cứ đưa những đề xuất như phép thử xem phản ứng của dân thế nào. Nếu dân phản ứng quá thì họ lại ngưng. Họ coi dân như vật thí nghiệm, không có sự tôn trọng dân".
Bà Quỳnh Hương nhận xét :
"Treo biển như thế thì dân cảm thấy bị kỳ thị giống như một tội phạm, sẽ rất khó sống. Khi bị kỳ thị như thế thì người dân thấy sợ và họ sẽ che giấu các triệu chứng bệnh nếu có. Họ sẽ cố cư xử như người bình thường, như thế nó lại phản tác dụng. Nếu coi đấy là cách phòng bệnh thì không hay".
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Chính phủ không có sự chuẩn bị, không lường trước được diễn biến dịch bệnh nên rất lúng túng trong điều hành chống dịch, từ đó gây ra những sai lầm trong chính sách. Hậu quả là hàng chục ngàn người chết vì Covid-19 ở Việt Nam ; cả ngàn đứa trẻ lâm cảnh mồ côi.
Ngay từ ban đầu, chính quyền chủ trương ‘cách ly tập trung’. Đây là chủ trương bị cho là một nguyên nhân gây lây nhiễm chéo giữa những người bị ‘nhốt chung’, bởi ‘cách ly’ tức là cô lập mà lại có chữ ‘tập trung’ trong đó làm sao cô lập ? !
Chủ trương ‘chống dịch như chống giặc’ trên toàn quốc được thay bằng ‘sống chung với dịch Covid-19’. Hôm 16 tháng 9, tại cuộc làm việc giữa Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, các lực lượng chống dịch và người dân thành phố đã rất mệt mỏi sau thời gian dài giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch lây
Gần đây nhất là Nghị quyết 128 ban hành ngày 11 tháng 10 Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", có giá trị hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Theo đó, có bốn cấp độ dịch được phân loại :
- Cấp 1 : Nguy cơ thấp (bình thường mới) : màu xanh.
- Cấp 2 : Nguy cơ trung bình : màu vàng.
- Cấp 3 : Nguy cơ cao : màu cam.
- Cấp 4 : Nguy cơ rất cao : màu đỏ.
Tuy phân loại như vậy nhưng Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để xác định bốn cấp độ dịch. Do đó, các địa phương chưa thể có cơ sở xác định cấp độ dịch của địa phương mình để cho phép hoặc hạn chế các loại hoạt động.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, Nghị quyết 128 này thiếu phần hướng dẫn thi hành về xác định cấp độ dịch của Bộ Y tế, nên Nghị quyết chưa thể áp dụng được trong thực tế.
Phía Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời về chuyên môn việc thực hiện Nghị quyết 128. Theo đó không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân mà chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ nguy cơ cao…
Tuy nhiên đến ngày 15 tháng 10, nhiều địa phương vẫn yêu cầu trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính khi đi qua các chốt kiểm soát giáp ranh giữa các địa phương. Mỗi tỉnh/thành có những cách phòng, chống dịch tùy tiện khiến thủ tướng phải lên tiếng yêu cầu chấm dứt ‘cát cứ’.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 15/10/2021
************************
Covid-19 : "Loạn mười hai sứ quân" trong quản lý đi lại giữa các địa phương
RFA, 15/10/2021
Mặc dù quy định bắt buộc công dân phải phải làm xét nghiệm khi đi lại giữa các địa phương đã bị bãi bỏ bởi Quy định mới do Bộ Y tế ban hành hôm 13 tháng 10, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn làm ngơ hướng dẫn này và tiếp tục bắt người dân phải xét nghiệm.
Người dân tham gia giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/10/2021 sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ AFP
Trước đó, hôm 11 tháng 10, Chính phủ Trung ương đã ban hành Nghị quyết 128, đưa ra các hướng dẫn mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, với hàng loạt quy định mới cũng như đình chỉ việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16, và 19 trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế sau đó cũng công bố Quyết định hướng dẫn việc thi hành Nghị quyết trên, trong đó cho phép người dân đi lại giữa các tỉnh mà không buộc phải làm xét nghiệm Covid-19, ngoại trừ trường hợp đến từ vùng dịch cấp độ 4.
Tuy vậy, truyền thông trong nước đưa tin nhiều địa phương cho đến hôm nay vẫn ép buộc người dân phải trải qua nhiều thủ tục khác nhau, từ trình giấy xét nghiệm âm tính, giấy chứng nhận tiêm đủ hai mũi vắc-xin, hoặc như ở Nghệ An nếu người dân không có các giấy tờ trên thì phải thực hiện xét nghiệm tại chỗ thì mới được di chuyển vào địa phương.
Ở Hà Nội, tuy là thủ đô và là nơi chính quyền trung ương đóng, nhưng chính quyền thành phố vẫn duy trì các chốt và kiểm tra giấy xét nghiệm và duy trì các thủ tục như thể Nghị định 128 không tồn tại.
Thậm chí, ở Hải Phòng, người dân bị ép phải bỏ lại phương tiện ở địa giới tỉnh, và phải dùng taxi để về nhà. Hơn nữa, người dân còn bị yêu cầu phải thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Cho đến nay thì mới chỉ có hai địa phương là Bắc Giang và Quảng Ninh là đã bãi bỏ yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính đối với người muốn vào địa bàn hai tỉnh này.
Thực trạng này được nhiều người dùng mạng xã hội mô tả là "loạn" hoặc có người còn châm biếm cho rằng Việt Nam dường như đã trở thành một nhà nước liên bang, thì mới có chuyện mỗi nơi làm một kiểu, trái với chỉ đạo của chính quyền Trung ương.
Nguồn : RFA, 15/10/2021
********************
Hoài Nguyễn, VNTB, 15/10/2021
Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng xem ra các địa phương không những không làm theo những gì mà chính phủ đã yêu cầu ở nghị quyết số 127/NQ-CP ký ban hành ngày 08/10/2021, mà mới nhất là ở nghị quyết số 128/NQ-CP, hiệu lực ngày từ ngày ký 11/10/2021, về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", cũng đã không được chính quyền địa phương ‘nghe theo’ để thực hiện.
Thậm chí quyết định số 4800/QĐ-BYT do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày 12/10/2021, về "Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", cũng đã không được chính quyền tỉnh, thành ‘nghe và làm theo’.
Đơn cử, quyết định số 4800/QĐ-BYT đưa ra yêu cầu, "Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân ; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh : chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa)".
Đơn cửa với thành phố Hải Phòng, theo bảng 5 màu (cam, vàng, xanh lá mạ, xanh nước biển, trắng) mà ngành y tế Hải Phòng cập nhật đến trưa 14-10, người dân tại hàng loạt địa phương dù đã có nhiều khu vực thuộc vùng xanh nhưng khi về Hải Phòng sẽ vẫn phải cách ly.
Ngành y tế Hải Phòng phân toàn bộ các tỉnh, thành vào bảng màu vàng : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau.
Tỉnh được phân vùng màu xanh lá mạ gồm : Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông, Đắk Lắk, Hậu Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu. Hai tỉnh phân vùng màu xanh nước biển là Quảng Ngãi, Sóc Trăng. Những tỉnh, thành khác nằm trong phân vùng màu trắng.
Cụ thể, đối với hành khách về từ các địa phương trên chuyến bay thương mại nội địa đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi ; hành khách di chuyển bằng đường sắt về ga Hải Phòng và hành khách về từ các địa phương trên tuyến xe khách cố định liên tỉnh nếu ở vùng màu cam, màu vàng sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày ; màu xanh lá mạ, xanh nước biển thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày và màu trắng thì chỉ cần khai báo y tế, thực hiện 5K.
Như vậy với chính quyền thành phố Hải Phòng, tính đến ngày 14/10/2021, địa phương này vẫn ‘bỏ ngoài tai’ các yêu cầu của nghị quyết số 128/NQ-CP và quyết định số 4800/QĐ-BYT.
Một vài ghi nhận khác.
Ngày 14-10, dù nghị quyết số 128/NQ-CP về việc tạm thời không áp dụng chỉ thị 15, 16 và 19 có hiệu lực, nhưng chốt kiểm tra vẫn duy trì tại nhiều tỉnh miền Tây, việc đi lại của người dân vẫn khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện còn 4 chốt trên tuyến quốc lộ 91 để kiểm soát người lưu thông giữa các địa phương. Dù An Giang đã nới lỏng rất nhiều nhưng một số địa phương lại bố trí, chốt chặn ở các xã, thị trấn để kiểm soát xe và người ra vào địa phương mình.
Nói về việc thực hiện nghị quyết 128, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Vĩnh Long – cho biết hiện các sở ngành đang nghiên cứu tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
Còn tại Bến Tre, các chốt kiểm soát vẫn tiếp tục duy trì trên quốc lộ 60 – cửa ngõ vào tỉnh Bến Tre. Nhiều người từ Thành phố Hồ Chí Minh dù đã có giấy đi đường do Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp nhưng khi đến chốt này vẫn không được vào địa bàn tỉnh. Điều kiện để được vào tỉnh ngoài giấy đi đường do Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp cần có thêm giấy tờ thể hiện sự đồng ý tiếp nhận nơi người đó muốn đến (do Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã cấp).
Về việc thực hiện nghị quyết 128 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh cho biết đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải rồi mới quyết định.
Với những sự việc ‘bất tuân’ như trên, liệu có thể kỷ luật người đứng đầu chính quyền tỉnh, thành ?
Luật tổ chức chính quyền địa phương trao quyền Thủ tướng quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thủ tướng cũng được quyền quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 15/10/2021