Diễm Thi, RFA, 05/12/2023
Trước phiên sơ thẩm (được mở lại lần thứ hai) vụ tai nạn giao thông gây chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận, diễn ra vào ngày 5/12/2023, hai bị can Phạm Văn Võ và Huỳnh Thị Kim Hằng được đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, do ‘việc khai báo gian dối chỉ diễn ra thời gian rất ngắn, sau đó đã chủ động khai báo sự thật, nhận thức được sai phạm, thành khẩn và ăn năn hối cải’.
Photoi : cand.com.vn
Phiên sơ thẩm lần thứ nhất diễn ra ngày 17/8/2023, tuy nhiên Tòa án Quân sự khu vực 2 Quân khu 5 tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Việc được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với bà Hằng (vợ của cựu thiếu tá Hoàng Văn Minh - người lái xe hơi tông chết nữ sinh) và ông Võ (chú của Minh), đồng nghĩa với việc hai người này được miễn tố, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, khiến công luận bất bình.
Luật sư Đặng Đình Mạnh với kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư trong nước, hiện ở Hoa Kỳ, nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 5/12/2023 :
"Lý do miễn tố được đưa ra bao gồm cả việc "Khai báo gian dối trong thời gian ngắn" đã là một sự tùy tiện khó hiểu đối với công chúng. Nhất là khi hành vi phạm tội của hai người này có yếu tố định khung tại Khoản 2 Điều 382 về "Có tổ chức". Vì lẽ, "Khai báo gian dối trong thời gian ngắn" không nằm trong bất kỳ quy định hình sự nào như là lý do để miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tội phạm cả.
Hơn nữa, việc chấm dứt khai báo gian dối của hai người không xuất phát từ sự tự nguyện, hoặc vì sự ăn năn hối cải, mà chỉ là hệ quả sau khi có clip camera được tung ra cho thấy sự thật rằng người lái xe ô tô chính là vị thiếu tá quân đội chứ không phải như lời khai báo gian dối của họ.
Chưa kể, công chúng cũng phát hiện ra rằng không chỉ hai người thân của viên thiếu tá quân đội khai báo gian dối, mà chính bản thân viên thiếu tá cũng có sự khai báo gian dối. Sự khai báo gian dối của cả ba người đều thuộc trường hợp có yếu tố định khung tại Khoản 2 Điều 382 cả. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh Ninh Thuận chưa xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội "Khai báo gian dối" của viên thiếu tá quân đội là đã hiển nhiên bỏ lọt tội phạm".
Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định : "Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Một số chuyên gia luật pháp cho rằng, trong luật không quy định được miễn trách nhiệm hình sự với tội "Khai báo gian dối" nếu bị can/bị cáo chỉ khai báo gian dối trong thời gian rất ngắn, sau đó khai báo sự thật.
Luật sư Ngô Anh Tuấn ở Hà Nội nói với RFA quan điểm của ông liên quan vấn đề trên :
"Cái này thì trong luật tôi thấy không dẫn chiếu nên không biết bên Cơ quan điều tra quân sự, bên Viện kiểm sát quân sự hay Tòa án Quân sự Khu vực 2 họ căn cứ vào điều luật nào mà tôi chưa được đọc. Theo tôi, nếu đưa ra những lý do đó để miễn trách nhiệm hình sự thì nó khiên cưỡng. Thay vào đó, họ có thể sử dụng một cách khác vừa đúng pháp luật, vừa nhân văn, đó là có thể miễn hình phạt.
Ở đây họ đã xác định là có hành vi phạm tội, có nghĩa có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm rồi nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó, nếu họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xem xét miễn chấp hành hình phạt theo Khoản 2 Điều 54 hoặc Khoàn 1 Điều 51.
Họ cần phải bị xử lý trách nhiệm hình sự để bảo đảm tình răn đe và tính công bằng với những người khác. Ở đây còn có bên bị hại và tính nghiêm minh của pháp luật nhà nước nữa".
Luật sư Ngô Anh Tuấn nói thêm, việc họ nhấn mạnh tình tiết "diễn ra trong một thời gian rất ngắn" có vẻ chỉ để cố gắng minh chứng cho sự không quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội tới cùng hay tự ý giữa chừng chấm dứt hành vi phạm tội nhưng tất cả điều đó không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ Luật Hình Sự ; nội dung này cần cân nhắc kỹ lưỡng để không bỏ lọt tội phạm cũng như tạo tiền lệ xấu cho những hành vi tương tự trong tương lai.
Vụ án cựu thiếu tá quân đội lái xe gây tai nạn khiến nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận (vào ngày 28/6/2022) cũng từng gây xôn xao dư luận, khi Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận cho kết quả nồng độ cồn trong máu nữ sinh tử vong là 0,79 mg/100 ml máu. Sau đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận đã phải xin lỗi gia đình nạn nhân về những "sai sót" của nhân viên bệnh viện trong quá trình xét nghiệm nồng độ cồn.
Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ hai hôm 5/12/2023, cựu thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh, bị tuyên án 14 tháng tù và phải bồi thường 245 triệu đồng về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" gây chết người.
Theo kết luận của tòa, ông Hoàng Văn Minh có lỗi 80% ; nữ sinh bị tử vong có lỗi 20% do không có bằng lái xe, không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Bản án tiếp tục gây bức xúc trong công luận khi vị cựu thiếu tá quân đội tông chết người chỉ bị phạt 14 tháng tù. Nhiều người để lại nhận xét trên truyền thông rằng "Lái xe nghe điện thoại, lúc gây tai nạn xuống xe vẫn nghe điện thoại, nhờ người nhận tội thay, cố tình thay đổi kết quả xét nghiệm máu... từng ý tội mà 14 tháng tù !!!".
Trong khi đó, theo thống kê của RFA, trong giai đoạn 2020-2022, có ít nhất 34 người bị kết án theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, 34 người bị kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, với các án tù từ dưới 5 năm đến trên 10 năm tù. Các Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/12/2023
************************
Cựu thiếu tá quân đội lái xe tông chết nữ sinh bị án tù 14 tháng, tòa xác định nữ sinh cũng có lỗi
RFA, 05/12/2023
Cựu thiếu tá quân đội lái xe tông chết một nữ sinh lớp 12 ở Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) vào năm 2022 vừa bị Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) hôm 5/12 tuyên án 14 tháng tù và phải bồi thường 245 triệu đồng, đồng thời xác định nữ sinh bị tử vong cũng có lỗi trong vụ tai nạn giao thông này.
Tòa án quân sự khu vực 2 xét xử vụ án cựu thiếu tá Hoàng Văn Minh tông chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận tại phiên tòa sơ thẩm hôm 5/12 – Ảnh : D.Thanh
Truyền thông nhà nước vào ngày 5/12 cho biết cựu thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh bị xét xử về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 28/6/2022 khi ông Minh lái xe chở một số người thân đi trên đường ở Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Tòa xác định, thời điểm lái xe hơi rẽ phải vào chi nhánh một ngân hàng để giao dịch, ông Minh vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe, thiếu tập trung quan sát, không đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển hướng nên xe ông Minh va chạm với xe máy do em Hồ Hoàng Anh (lúc này đang là học sinh lớp 12) chạy từ phía sau cùng chiều đang có xu hướng vượt lên bên phải xe hơi.
Tai nạn khiến nữ sinh ngã dập đầu vào lề đường và chân trụ đèn đường gây chấn thương sọ não và tử vong.
Tòa xác định lỗi chính trong vụ tai nạn thuộc về ông Hoàng Văn Minh, gây hậu quả chết người. Vì vậy lỗi là 80%. Còn nữ sinh có lỗi là không có bằng lái xe, chưa đủ tuổi lái xe trên 50cm3, không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Tòa xã định lỗi của nữ sinh là lỗi vi phạm hành chính và lỗi này là 20%.
RFA, 05/12/2023
Chuyện bốn nàng tiếp viên hàng không là một bi – hài kịch nhiều tập
Hải Lê, VOA, 28/03/2023
Âu cũng là loại chuyện, nói như Đại tá Đỗ Hữu Ca năm nào, thuộc vào xê-ri "trận đánh đẹp" có thể đưa vào chương trình giảng dạy các tiếp viên hàng không (stewardess).
Hình ảnh 4 tiếp viên Vietnam Airlines viết lời khai sau khi bị bắt vì vận chuyển ma túy được đăng trên báo chí Việt Nam vào ngày 17/3/2023.
Thoát tội hay tạm cho tại ngoại ?
Theo nguồn chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam, vụ bắt giữ bốn tiếp viên hàng không là kết quả của việc thực hiện chuyên án "triệt phá đường dây tiếp viên hàng không vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam". Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã lập một chuyên án, mật danh là "Kế hoạch 134/KH-HQHCM". Và chuyên án này bắt đầu được thực thi từ ngày 19/1/2022. Như thế là sau gần 2 tháng "nuôi án", tiến hành điều tra, cụ thể qua công tác thu thập và xử lý thông tin nghiệp vụ cũng như rà soát xác định trọng điểm, ngày 16/3/2023, Ban chuyên án đã bật đèn xanh "phá án", nhằm triệt tiêu đường dây tiếp viên hàng không vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam. Trao đổi với Báo Thanh Niên và vài tờ báo "lề phải" khác, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng khẳng định, việc phát hiện, phá án dạng này không phải là câu chuyện tình cờ. Căn cứ vào một loạt thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, một loạt dấu hiệu nghi vấn, đối tượng trọng điểm, thông tin thu nhập… Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đạo cho "phá án". Hiện việc điều tra mở rộng để tìm đường dây, đối tượng cầm đầu… đang được l ực lượng chức năng phối hợp điều tra.
Trong cuộc họp báo trực tiếp vào chiều ngày 17/3/2023 trước đó, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất Bùi Lê Hùng cho biết thêm, trong khi các cơ quan chức năng đang phối hợp nhằm mở rộng diện điều tra để bắt nhóm đối tượng chính nhận hàng thì "đáng tiếc có một tờ báo lại đăng thông tin đó lên, vì vậy nhóm đối tượng đó biết nên đã không xuất hiện nữa". Ông Bùi Lê Hùng cũng "dặn dò" các nhà báo có mặt, thông tin ông vừa nêu không cần thiết phải đưa lên mặt báo, chỉ nhằmđề nghị báo Nhà nước rút kinh nghiệm, hỏi trước các cơ quan chức năng trước khi đăng tải (!?). Ôi ông Địa ơi, "đồng chí" Chi cục trưởng này từ Sao Hỏa rớt xuống Sài Gòn hay sao vậy ? Ở xứ sở thừa thông tin giang hồ nhưng thiếu tự do ngôn luận này, cha nội Tổng biên tập nào có gan bằng Trời cũng không dám xài loại tin "ma túy" này (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), mà không có sự chỉ đạo từ trên thượng tầng !Vì "một lý do nào đó", nguồn tin vụ bắt này bị rò rỉ cho báo chí, bịt không kịp. (Nói cho trẻ mẫu giáo chắc chúng cũng cười !). Theo các hãng Thông tấn vỉa hè, khi các cơ quan chức năng ập vào nhà kẻ sẽ nhận hàng cách sân bay 200 km, đối tượng đã kịp trốn thoát. Trên mặt bàn, máy tính vẫn còn mở, màn h ình dừng lại ở trang báo mạng đưa tin vụ bắt 4 tiếp viên, mà chưa kịp "sign out". Xem ra, vào giờ chót, chuyên án đã bị lộ, bể ! E là rồi đây, tờ báo nào đưa tin đầu tiên và nguồn rò rỉ thông tin sẽ được mời uống trà miễn phí mệt nghỉ.
Về việc trả tự do cho bốn tiếp viên nêu trên, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, giải thích : "Các tiếp viên không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp đã bị trà trộn, cất giấu ma túy. Do đó, các cơ quan chức năng xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự bốn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines".. Ông Tô Ân Xô nói thêm, kết quả điều tra sơ bộ xác định khi bốn tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có một nghi can người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua phi trường Tân Sơn Nhất, để "gửi cho người nhà".Phát ngôn của ông Tô Ân Xô được cho là "bất nhất" với tường thuật của các báo ở Việt Nam trước đó.
Với lại cách đưa tin nước đôi và đầy mâu thuẫn này, công luận không biết, bốn nàng stewardess kia thoát tội hay là chỉ là được tại ngoại ? Hoặc cũng có thể có khả năng thứ ba, tất cả chỉ là một cái bẫy đang được giăng ra để đón con mồi lớn ?
Mạnh hơn kẻ cầm đầu dây buôn lậu ?
Không phải ngẫu nhiên mà Facebooker Trần Quốc Quân nửa đùa, nửa thật : Các bạn đừng thấy việc bốn cô tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy bất ngờ được trả tự do mà ham. Bởi khi các bạn nổi cơn tham mà vận chuyển ma túy bị cơ quan chức năng bắt quả tang, muốn thoát tội, CÁC BẠN PHẢI CHỨNG MINH MÌNH VÔ TỘI. Trong khi bốn cô tiếp viên hàng không bị bắt quả tang vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn, muốn buộc tội các cô ấy, CƠ QUAN CHỨC NĂNG PHẢI CHỨNG MINH CÁC CÔ ẤY CÓ TỘI. Bản chất vụ việc tưởng giống nhau nhưng cách thức buộc tội rất khác nhau. Bởi luật pháp xứ này là trò chơi quyền lực.Các đã bạn hiểu chưa ? Và trò chơi ấy lại có thể diễn ra ở thượng tầng Ba Đình.
Nhưng thật ra, đây không chỉ là trò chơi quyền lực, Công Lý xứ Đông Lào từ lâu đã được công khai hóa là biểu tượng của một "nghệ sĩ hài". Cũng không phải tự nhiên mà Khanh Nguyen ngậm ngùi : Mừng cho bốn người bạn trẻ vì đường đời không cụt lối, nhưng lại ngạc nhiên vì cả trăm người bị kết tội với các chứng cứ mơ hồ như các điều 117 và 331 Bộ luật hình sự lại bị xử rất nặng như vụ án Bùi Văn Thuận. Và một bạn trẻ thắc mắc : Án ma túy chục kg mà cả 4 người ngồi chung viết lời khai cùng nhau thế ạ ? Trong khi dân thường chống trả sau khi bị 3 thằng hội đồng rượt đến đường cùng thì được bên kiểm sát nâng thành "có cách khác để xử lý" và tòa xử tù.Thảo nào lại đề xuất miễn trừ trách nhiệm, "vô ý" thôi mà.
Việc bốn 4 nàng stewardess được thả ra vì "vô tình phạm tội" và không biết kẻ giao, người nhận ma túy là ai đã làm công luận chưng hửng. Bốn cô tiếp viên được tha quá nhanh, khác với những vụ buôn lậu vài trăm gram ma túy bị phát hiện qua máy soi, và người sở hữu cũng khai chỉ cầm hộ, không biết là cái gì. Kết quả kẻ cầm hộ vẫn lãnh án tử hình. Không ít người đã dẫn lại một số trường hợp cũng mang giúp, vận chuyển giùm hàng hóa có ma túy song bị kết án tử hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Hương – 73 tuổi, người Úc gốc Việt, trường hợp ông Trần Minh Đạt – 43 tuổi, người Úc gốc Việt... bất kể sự ái ngại của nhiều người, nhiều giới về những cáo buộc này. Vậy thế lực nào đã nhúng tay can thiệp, đổi trắng thay đen vụ này, chưa nói là sẽ làm cho nó chìm xuồng, nhưng tha cho về, vì "không đủ cơ sở để xử lý hình sự" quả thật không đủ sức thuyết phục dư luận, ngồi xổm trên đầu dân chúng. Người ta tin rằng có một thế lực nào đó, mạnh không thua, hay có thể hơn những kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu, đã can thiệp trong phi vụ này.
Vì vậy, câu chuyện bi – hài kịch nhiều tập này (episodic tragicomic) sẽ còn tiếp nối nhau. Ở đây, không phải là chuyên án thất bại, vấn đề được cho là liên quan đến hai thế lực đối nghịch. Thế lực của phe bắt đường dây buôn lậu thế nào chưa thể biết rõ, nhưng với một đảng cầm quyền độc tài, chuyên chế, không có thế lực nào ngoài Đảng cộng sản Việt Nam hay trong chính phủ có thể điều hành các lực lượng an ninh của chính phủ, liên hệ với hải quan quốc tế, trong trường hợp này là hải quan Pháp, đề lừa được các con mồi về bị bắt tại Việt Nam, với các hình ảnh được nhanh chóng tung lên truyền thông của nhà nước cho thấy quy trình theo dõi ngay từ trên máy bay, xuống mặt đất, vào máy soi như thế nào, đề phòng đối phương có thể chối, cho là bị lừa, bị gài.
Thế lực phản đòn là kẻ nào mà có thể gỡ tội cho bốn tiếp viên như trở lòng bàn tay ? Hẳn cũng chẳng có thế lực tư nhân nào siêu việt như thế. Ngược lại, thế lực ấy phải ngang sức, ngang tài trong đảng, chính phủ với những kẻ bắt để có thế gỡ thế bị chiếu tướng. Nhưng dù vụ bốn cô tiếp viên hàng không buôn lậu ma túy có thể được hoặc bị dàn xếp như thế chăng nữa, sự thù ghét, chia bè cánh và nhất là suy thoái, tham nhũng, buôn lậu trong đảng ngày càng thâm sâu hơn, sự chống đối nhau giữa các phe phái trong đảng vì quyền lợi vật chất, rồi sẽdẫn đến việc họ đánh lẫn nhau, đánh đổ chế độ thối nát của chính Đảng cộng sản Việt Nam.
Hải Lê
Chủ tịch Việt Nam nói tòa án phải tránh oan sai, sau khi công an thả 4 người ‘không biết’ hành lý có ma túy
VOA, 27/03/2023
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, lưu ý với ngành tòa án của đất nước rằng "không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai" khi ông họp với giới lãnh đạo Tòa án Tối cao hôm 27/3, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng làm việc với lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cáo, 27/3/2023.
Phát biểu của Chủ tịch Thưởng trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh chỉ ít ngày trước, công an ở thành phố Hồ Chí Minh đã gây nhiều tranh cãi khi tuyên bố "tạm thời trả tự do" vì "chưa đủ cơ sở khởi tố" 4 tiếp viên hàng không là những người khai rằng họ "không biết" hành lý của họ chứa ma túy.
Trong cuộc họp với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Thưởng nêu bật nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án Việt Nam là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, các báo trong nước tường thuật.
Người đứng đầu nhà nước Việt Nam nhấn mạnh vào yêu cầu xây dựng chế định tố tụng tư pháp "lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá" ; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, pháp quyền, nghiêm minh, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Chủ tịch Thưởng nêu rõ rằng mỗi phán quyết, quyết định của tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là sinh mạng con người, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vì thế không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai hoặc với yêu cầu cao là không được để xảy ra sai, theo truyền thông Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cũng đặt ra yêu cầu là cần tuyên truyền, giải thích rõ ràng về nội dung vụ án, về áp dụng pháp luật trong vụ án, về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong bối cảnh, con người cụ thể để nhân dân hiểu đúng các quyết định của tòa án.
Những lời chỉ đạo, căn dặn của Chủ tịch Võ Văn Thưởng được đưa ra không lâu sau khi công an Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22/3 có quyết định "tạm thời trả tự do" cho 4 nữ tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy, được ngụy trang là các hộp kem đánh răng, từ Pháp về Việt Nam. Công an nói rằng "chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn" đối với 4 tiếp viên đó.
Như VOA đã đưa tin, quyết định kể trên gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận Việt Nam. Những tiếp viên trong vụ việc là Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân.
Về vụ việc, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 23/3 rằng "yếu tố lỗi về mặt chủ quan tội phạm chưa được chứng minh".
Thượng tá Hà phân tích rằng nếu 4 tiếp viên hàng không đã có nhận thức về việc họ làm là vận chuyển ma túy, hẳn là họ không nhận tiền công vận chuyển chỉ bằng giá vận chuyển hàng tiêu dùng, là 10 triệu đồng cho kem đánh răng, theo tường thuật của các báo trong nước.
Tuy nhiên, thượng tá Hà cũng nói thêm rằng "Đây là vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều, sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra và khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chứng cứ khác, cơ quan công an sẽ vẫn xử lý, không phải kết thúc hoàn toàn".
Thẩm phán Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Tối cao, vừa khẳng định với báo giới rằng, sau khi nhận được hồ sơ vụ án "vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ", khiến ông Lê Ngọc Hoàng bị phạt sáu năm tù, Tòa án Tối cao sẽ cùng với các ngành Kiểm sát, Công an thẩm tra lại vụ án (1)…
Ngày 19 tháng 11 năm 2016, chiếc xe container chở 60 tấn sắt do ông Hoàng điều khiển đụng vào đuôi một chiếc xe loại bảy chỗ trên cao tốc Nội Bài – Thái Nguyên làm bốn người khách trên xe bảy chỗ thiệt mạng.
Bản án phúc thẩm mà Tòa án tỉnh Thái Nguyên tuyên hôm 2 tháng 11 đã khiến công chúng Việt Nam sôi lên vì giận : Ngày 19 tháng 11 năm 2016, chiếc xe container chở 60 tấn sắt do ông Hoàng điều khiển đụng vào đuôi một chiếc xe loại bảy chỗ trên cao tốc Nội Bài – Thái Nguyên. Vụ va chạm làm bốn người khách trên xe bảy chỗ thiệt mạng.
Người điều khiển chiếc xe loại bảy chỗ bị bắt vì say rượu, chở quá số người qui định, cho xe lùi lại khi đang di chuyển trên đường cao tốc. Ông Hoàng – tuy không chạy quá tốc độ, không chở quá trọng tải qui định – vẫn bị bắt vì "không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước".
Không chỉ giới tài xế, luật sư mà ngay cả dân chúng cũng nhận ra cáo buộc "không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước" là vô lý, thậm chí nhiều người cho đó là "ngu xuẩn" vì không thể nào buộc tài xế phải giữ tốc độ cũng như khoảng cách an toàn khi xe chạy phía trước đột nhiên lùi lại…
Tuy nhiên ông Hoàng vẫn bị giam, hồi tháng 5, bị Tòa án huyện Phổ Yên đưa ra xử sơ thẩm và bị phạt 8 tám tù. Bản án sơ thẩm bị giới tài xế, các luật sư, dân chúng chỉ trích kịch liệt nên phiên xử phúc thẩm bị hoãn tới lần thứ mười mới chính thức xét xử. Dù ông Hoàng được giảm hai năm tù nhưng sự phẫn nộ của dân chúng không giảm mà tăng…
Dẫu Luật Hình sự Việt Nam có định nghĩa về "sự kiện bất ngờ" (trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không bị buộc phải thấy trước về hậu quả của hành vi đang thực hiện thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả) nhưng hệ thống tư pháp từ huyện đến tỉnh dứt khoát không tha ông Hoàng dù tai nạn rõ ràng là "sự kiện bất ngờ"...
***
Đúng vào ngày ông Hoàng bị Tòa án tỉnh Thái Nguyên đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, Công an tỉnh Bình Phước loan báo không truy cứu trách nhiệm hình sự đồng đội là Thượng tá Vũ Văn Hải, Phó Công an thị xã Đồng Xoài (2).
Chín giờ tối ngày 29 tháng 10, khi đang lưu thông trên quốc lộ 14 đoạn trước Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Phước, một chiếc xe hơi đột nhiên vọt lên dải phân cách, húc đổ một cây trồng trên đó, rồi phóng trở lại xuống lòng đường… Sau khi tông vào hai xe hai bánh gắn máy đang chạy phía trước khiến hai người trọng thương, chiếc xe ấy tiếp tục lao tới và chỉ ngừng khi leo lên đoạn vỉa hè phía trước trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước.
Theo lời các nhân chứng, công an đến gần như lập tức, khi người lái chiếc xe gây tai nạn bước ra khỏi xe, ông ta loạng chạng như đang say và được công an đưa đi ngay lập tức và công an tiếp tục đổ đến, phong tỏa kín hiện trường (3).
Ngày hôm sau, Công an tỉnh Bình Phước chính thức xác nhận, thủ phạm gây ra vụ tai nạn vừa kể là Thượng tá Hải nhưng từ chối cho biết, khi gây tai nạn, ông Hải có say hay không và một mực khẳng định, Viện Kiểm sát giám sát chuyện điều tra tai nạn hết sức chặt chẽ.
Hôm sau nữa, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia yêu cầu Chủ tịch tỉnh Bình Phước chỉ đạo điều tra nguyên nhân, xử lý Thượng tá Hải nghiêm minh. Ngày 1 tháng 11, Công an tỉnh Bình Phước loan báo ông Hải không say, tai nạn là do bánh trước bể, xe mất lái đâm vào gốc cây, túi khí bung ra đập vào mặt và đó là lý do khiến ông Hải choáng - loạng choạng, dẫn tới ngộ nhận là ông say (4).
Hai nạn nhân trong vụ tai nạn do Thượng tá Hải gây ra may mắn chỉ trọng thương, không mất mạng, song ngay cả khi họ uổng mạng, chắc chắn ông Thượng tá, Phó Công an thị xã Đồng Xoài vẫn vô sự bởi "xe bị bể bánh trước" là "sự kiện bất ngờ" !
Đáng tiếc là báo chí Việt Nam đã bỏ qua, không chất vấn cả Công an lẫn Viện Kiểm sát tỉnh Bình Phước về yếu tố đáng ngờ mà cả hai cơ quan này cùng lờ đi : Chiếc xe hơi do Thượng tá Hải điều khiển đã di chuyển với tốc độ là bao nhiêu km/h ?
Nếu dùng Google Map để xác định khoảng cách từ trụ sở Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Phước đến trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước, ai cũng có thể thấy đó là 1,3 km. Cứ cho là bánh xe bị bể trước tai nạn, liệu sau đó, một chiếc xe di chuyển với vận tốc 60 km/h, bánh trước đã vô dụng, có thể leo lên dải phân cách - húc đổ cây – phóng trở lại xuống lòng đường – tiếp tục vọt tới - húc văng hai xe hai bánh gắn máy – leo lên lề đường cách điểm "mất lái" tới 1,3 km ?
Không thể dùng "sự kiện bất ngờ" để miễn trừ trách nhiệm cho những tài xế chạy quá tốc độ gây tai nạn nên khi thông báo về vụ tai nạn mà Thượng tá Hải gây ra, đại diện Công an tỉnh Bình Phước không đề cập đến tốc độ, thậm chí tránh cả việc cung cấp thêm chi tiết liên quan tới "bánh… bể" (bánh bên nào – trái hay phải, hoặc cả hai) (5).
Trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 19 tháng 11 năm 2016 ở Thái Nguyên, hệ thống tư pháp tỉnh này gạt "sự kiện bất ngờ" sang một bên, nên ông Hoàng lẽ ra vô tội thì trở thành bị án. Còn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 29 tháng 10 năm 2018 ở Bình Phước, hệ thống tư pháp tỉnh này khai thác tối đa "sự kiện bất ngờ" một cách đáng ngờ để ông Hải, lẽ ra bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì… vô sự.
Vì sao các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Việt Nam vận dụng pháp luật theo hai hướng khác nhau : Một cần tha vẫn buộc và một đáng buộc vẫn tha ? Muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nên tham chiếu thêm về cách xử lý nhiều vụ tai nạn giao thông khác…
***
Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 13 tháng 10 vừa qua, tại khu vực xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tuy nghiêm trọng nhưng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, không khởi tố - điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai.
Hôm ấy, trên đường từ Huế về Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Vinh, người lái chiếc xe hơi mang biển kiểm soát số 43A – 267.75 đã đâm vào đuôi một chiếc xe vận tải đang đậu bên vệ đường khiến chiếc xe của ông Vinh lật ngửa. Vụ tai nạn do ông Vinh gây ra đã khiến vợ ông thiệt mạng, ông và một cặp vợ chồng khác cùng ngồi trên xe bị thương (5).
Ai cũng biết những tai nạn kiểu như vừa kể là do người lái xe chạy quá tốc độ và về nguyên tắc, bất kể nạn nhân là ai, người lái xe cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ" gây ra hậu quả nghiêm trọng (có người thiệt mạng). Tuy nhiên ông Vinh vô sự.
Thậm chí ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng, không giấu diếm sự bực bội khi báo giới bu vào hỏi han chuyện ông Phó Giám đốc sở này gặp nạn nên nhấn mạnh, sức khỏe ông Vinh bình thường, ông Vinh không có thương tích nào nên không phải nằm bệnh viện như một số tờ báo loan tin. Ông Vinh không đi làm vì phải lo chôn cất vợ (6). Thế thôi !
Cũng lái xe, cũng có người thân thiệt mạng nhưng bà Phan Thúy Hằng, 50 tuổi, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, kiếm sống bằng giúp việc nhà cho một gia đình ở Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, không may mắn như ông Vinh…
Vào ngày 12 tháng 4 năm 2016, bà Hằng chở một người bạn gái từ Thành phố Hồ Chí Minh về thăm mẹ của bà ở Bến Lức. Đến nơi, bà Hằng băng qua đường (tỉnh lộ 832) rồi tấp vào lề. Trong lúc bà Hằng và bà Thúy chuẩn bị xuống xe để dắt vào nhà thì ông Hà Tấn Phong, 40 tuổi, điều khiển một xe hai bánh gắn máy khác đâm thẳng vào họ…
Nhiều nhân chứng khẳng định, họ tận mắt chứng kiến ông Phong chạy với tốc độ rất cao, đâm thẳng vào xe của bà Hằng, khi đó đã dừng sát lề. Cú va chạm mạnh đến mức bà Thúy bị hất văng ra giữa đường, bà Hằng gục xuống tại chỗ và bị chiếc xe hai bánh gắn máy đè lên người. Riêng ông Phong thì qườ quạng nhưng không phải do tác động của tai nạn mà vì quá say !
Sau tai nạn, cả bà Hằng và bạn bà cùng bất tỉnh. Năm ngày sau bạn bà Hằng tắt thở, bà Hằng hôn mê hai ngày và nằm liệt một chỗ trong 21 ngày.
Luật pháp Việt Nam cấm người có nồng độ cồn trong máu quá 0,25mg/1 lít khí thở điều khiển phương tiện giao thông. Những biên bản được lập sau khi xảy ra tai nạn ghi nhận nồng độ cồn trong máu của ông Phong là 0,679mg/1 lít khí thở, gấp gần bốn lần mức cho phép. Cũng vì vậy, ông Phong tự tìm đến gia đình bạn bà Hằng và bà Hằng xin bãi nại. Ông Phong đã đưa cho thân nhân bạn bà Hằng 50 triệu đồng để lo ma chay, đưa cho bà Hằng 15 triệu đồng để trả tiền điều trị. Bà Hằng kể rằng cả bà lẫn gia đình bạn của bà đều tin rằng, tai nạn là vận mạng, chưa kể họ không muốn đẩy một người cũng có gia đình vào tù nên cùng ký giấy bãi nại.
Thế nhưng chuyện không ngừng ở đó. Ba tháng sau ngày xảy ra tai nạn, Công an huyện Bến Lức giao cho bà Hằng quyết định khởi tố vụ án, xác định bà Hằng là… bị can. Bất kể lời khai của các nhân chứng, cả công an lẫn Viện Kiểm sát huyện Bến Lức cùng lập luận, tai nạn xảy ra là do bà Hằng băng qua đường không an toàn khiến bạn của bà thiệt mạng. Ông Phong được hệ thống tư pháp xem là vô can. Chuyện ông Phong say rượu lái xe, tông vào bà Hằng và bạn của bà được xác định là chỉ cần xử phạt hành chính !
Tháng 12 năm 2016, bà Hằng bị Tòa án huyện Bến Lức phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì "vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ" gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Hằng kháng cáo, báo giới, nhiều luật sư phản đối khi nạn nhân bị phạt tù còn thủ phạm thì chỉ xử phạt hành chính nhưng vô hiệu (7).
***
Chẳng phải bây giờ mà trước giờ, cách vận dụng luật pháp của hệ thống bảo vệ pháp luật ở Việt Nam đã hết sức ngược ngạo : Nương nhẹ với kẻ có quyền, người có tiền, quan hệ xã hội rộng rãi và trừng trị thẳng tay người nghèo, thấp cổ, bé họng, kể cả khi rõ ràng là họ vô tội nhằm răn đe, giáo dục đám đông về sự… nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa xét rằng, những cá nhân như ông Lãnh Đức Dũng, Bí thư huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vốn là thành viên trong một gia đình có công với cách mạng, bản thân được Đảng cộng sản Việt Nam khen ngợi nhiều lần, nên chỉ phạt ông Dũng ba năm tù cho hưởng án treo, khi ông say rượu lái xe, cán chết tại chỗ ba người, một trong ba chỉ mới hưởng dương một năm (8).
Xử lý hình sự đòi hỏi nhất quán nên các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa đã miễn trách nhiệm hình sự cho ông Trần Quang Hiền, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, khi say rượu lái xe, cán chết một thiếu nữ thì tất nhiên, sẽ miễn trách nhiệm hình sự cho ông Mai Nam Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, cũng say rượu lái xe cán chết một người và biến ba người trở thành tàn phế vĩnh viễn ? (9)
Để… cân bằng, các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể tha những Lê Ngọc Hoàng, Phan Thúy Hằng, kể cả trẻ con như Đỗ Quang Thiện (một học sinh ngụ tại thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk, đỡ một cụ ông bị đột quỵ giữa đường rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu, tuy Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk xác nhận, cụ ông bị liệt nửa người bên trái là do xuất huyết não vì tăng huyết áp hoặc vỡ mạch máu dị dạng – chứng bệnh nội khoa không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quỵ xuất hiện làm bệnh nhân té, trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường nhưng Thiện vẫn bị khởi tố, bị phạt tù, do Thiện và gia đình dám… kháng cáo kêu oan, Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã tăng hình phạt từ 6 tháng tù lên 9 tháng tù, chuyển án treo thành án giam ra ra lệnh cho Công an tỉnh Đắk Lắk xông vào trường bắt Thiện thi hành án ngay giữa giờ học) (10).
Chẳng riêng khía cạnh giao thông, sự nhất quán trong đường lối xử lý hình sự đồng chí, đồng đội, đồng hội, đồng thuyền với thường dân cũng đã được thể hiện một cách công khai ở tất cả các khía cạnh khác. Cun cút làm ăn, cam chịu nghèo khó chưa chắc đã được yên thân, cho dù bạn không sai nhưng các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa đã chọn thì bạn phải chịu.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/11/2018
Chú thích :
(8) https://news.zing.vn/bi-thu-ha-quang-lai-xe-lam-chet-3-nguoi-duoc-huong-an-treo-post564241.html
(10) https://tuoitre.vn/do-quang-thien-duoc-tro-ve-thi-tot-nghiep-751824.htm
Quyền lực chính trị cũng giống như con đập tích nước, nếu người ta xây đập càng cao, chứa nước càng nhiều nhưng bản vẽ và chất liệu để xây đập quá kém, dẫn đến tức nước, vỡ đập, tai họa sẽ khó mà lường.
Quyền lực chính trị giống như con đập tích nước, nếu chất liệu xây đập quá kém sẽ dẫn đến tức nước, vỡ đập, tai họa sẽ khó mà lường. Ảnh minh họa (News.cn)
Tình trạng quyền lực chính trị Việt Nam là tình trạng của một con đập chứa nước quá đầy nhưng thân đập lại quá yếu, chẳng biết nó sẽ thành trái bom nước giờ nào. Sở dĩ có chuyện này là do khả năng hiểu biết pháp luật của đại bộ phận người Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, mặc dù đang sống trong thế kỉ 21 nhưng người ta lại hành xử, đối đãi với nhau dựa trên tinh thần cổ luật.
Nói người Việt quen dùng cổ luật không phải là không có cơ sở. Nhưng người Việt quen dùng cổ luật như thế nào ? Và nó có liên quan gì đến nạn tham nhũng của giới quan chức cũng như nạn độc tài, toàn trị ?
Ở vấn đề thứ nhất, người Việt quen dùng luật cổ. Điều này rất dễ nhận biết và hết sức khôi hài ở chỗ mặc dù hệ thống luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một hệ thống luật đã quá lạc hậu, thiếu khoa học, có nhiều kẽ hở và nhiều dấu chấm lửng. Đó là chưa muốn nói hệ thống tư tưởng chi phối hệ thống luật này cũng đã bị vứt sọt rác nhân loại từ rất lâu. Nhưng nghiệt nỗi, với một hệ thống luật cũ kĩ, lạc hậu như vậy mà với người dân, nó vẫn hết sức mới mẽ, lạ lẫm, thậm chí nói ra nghe như từ trên trời rơi xuống.
Chỉ riêng bộ luật dân sự, đây là bộ luật phổ biến và ai cũng cần phải biết, phải nắm những qui định cơ bản của nó. Nhưng hỏi một trăm người, e rằng chín mươi chín người không biết và vẫn đang sử dụng luật nhà Nguyễn trong ứng xử gia đình, họ hàng, bà con. Điều này rất dễ thấy trong quan niệm con trai mới là con của mình, con gái là con nhà người ta, rồi trưởng nam, đức tôn… Mọi thứ quyền lợi, ưu đãi trong một gia đình, cha mẹ đều dành cho con trai nhiều hơn con gái, ngay cả việc sinh đẻ cũng chọn đẻ con trai, đẻ ra con gái thì cứ như gia đình sắp vỡ không bằng. Rồi thêm chuyện ông Trưởng tộc quyết định mọi chuyện, phải tôn vinh dòng tộc, phải làm gì đó để dòng tộc được sáng mặt với xã hội…
Tất cả những quan niệm và hành xử trên, nếu nhìn theo góc độ dòng tộc, hiếu để hay nhìn qua lăng kính Khổng Giáo thì thấy nó hay. Nhưng kỳ thực, đây là thứ quan niệm lạc hậu và làm hỏng xã hội nặng nề mà người ta không nhìn thấy. Một khi coi trọng con trai, xem thường con gái thì nhất định phải có tình trạng gia trưởng, đàn ông là ông trời trong gia đình, một khi quá xem trọng dòng tộc, nghĩ quá nhiều đến dòng tộc thì xã hội sẽ có chuyện gia đình trị, tộc trị, những người không phải là thành viên trong gia đình, dòng tộc thì cho dù có giỏi giang, có năng lực cũng bị xếp ra ngoài hệ thống.
Một khi tính gia trưởng còn tồn tại, tính gia đình trị, tộc trị còn tồn tại thì nhất định sẽ dẫn đến hệ quả bành trướng xã hội, dẫn đến tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ. Và chuyện Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nông Đức Mạnh… Và hàng loạt quan chức trung ương Cộng sản sống như ông vua, dòng họ, gia đình họ như hoàng tộc, nhà thờ tộc của họ còn lớn hơn cả lăng mộ vua chúa ngày xưa cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi người ta đã khéo vận dụng gia đình trị, tộc trị vào xã hội và biến nó thành một điều hiển nhiên.
Gia trưởng, gia đình trị, tộc trị trở thành đương nhiên trong xã hội, tính phong kiến nhuộm màu sắc xã hội mặc dù đã bước sang giữa thế kỉ 21 bởi vì cái nếp gia trưởng, nếp suy nghĩ của đại bộ phận người Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn luật nhà Nguyễn, vẫn còn xem chuyện đức tôn, trưởng nam, sự bề thế của dòng tộc là tiêu chí, mục tiêu phấn đấu trong xã hội. Bởi chính cái nếp nghĩ vừa lạc hậu vừa cổ hủ này có mặt khắp mọi nơi nên người ta dễ dàng chấp nhận và hành xử theo lối phong kiến.
Điều này giải thích vì sao Phạm Sĩ Quí, một quan chức cấp tỉnh, chỉ mới là Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường đã dám sống như một ông vua, tráo trở, lươn lẹo, đạp qua dư luận… Bởi ông ta thừa biết cái quyền lực dòng tộc của mình là hợp lý trong nếp nghĩ, trong sự cam chịu và mặc nhiên thừa nhận của đại bộ phận nhân dân, bởi nhân dân biết ông ta tham nhũng là phạm luật nhưng đứng trên góc độ gia đình trị và tộc trị thì Phạm Sĩ Quí lại có cái "danh dự" của kẻ làm cho dòng tộc mát mặt, thể hiện sự bề thế của dòng tộc.
Nói cho cùng, mối nguy của dân tộc luôn đến từ hai chiều, từ phía nhân dân và từ phía quan chức, đảng cầm quyền. Bởi nếu như nhân dân chịu khó, chịu đọc, chịu lấy bớt tiền mua rượu gạo, mua bia hơi để mua sách báo, mua cuốn luật về đọc, để cải thiện bớt tư duy, giảm bớt lạc hậu và đừng thả mặc cho số phận thì chắc rằng những kẻ làm quan cũng không đến nỗi tác oai tác quái như hiện tại. Đám quan lại nắm quyền bao giờ cũng muốn nhân dân là một lũ ngốc, lạc hậu, hũ nút, bởi dân càng mụ mị bao nhiêu, kẻ cầm quyền càng dễ sai bảo và củng cố thế lực bấy nhiêu.
Hiện tại, có thể nói rằng quyền lực của giới quan chức Cộng sản Việt Nam cũng mạnh như một con đập báo động đỏ, nghĩa là nước đã tràn đê, tích tụ quá nhiều. Mà kẻ xây đập, tích tụ nước không ai khác ngoài nhân dân. Nhân dân đã xây con đập quyền lực Cộng sản bằng những viên gạch thuế, những mẻ bê tông công trái, những ngày công xã hội chủ nghĩa thụ động và nhiều viên gạch, vữa hồ khác. Nhưng cái bản thiết kế của con đập lại thiếu những cây trụ bê tông dân chủ, nhân quyền, tính đa nguyên, tính cởi mở chính trị, tính nhân bản… Và nhân dân vẫn cứ xây miệt mài, xây mà quên mất mình đang xây, bởi việc xây dựng này đã bị cưỡng bức, đánh tráo với nhịp điệu sống thường nhật.
Chính vì nhiệt tình xây, miệt mài xây nhưng lại không có thiết kế, không có kết cấu vững chãi nên con đập quyền lực Cộng sản tích tụ rất lớn mà lại không có khả năng chịu lực để tránh vỡ. Và vô hình trung, nhân dân đã tự xây dựng một quả bom nước treo lơ lửng trên sinh mệnh của mình. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe này là vì cho đến bây giờ, số đông, rất đông người Việt Nam vẫn tư duy về gia đình, xã hội theo lối phong kiến, vẫn ứng xử theo cung cách gia trưởng, gia đình trị, tộc trị. Từ chỗ những tế bào gia đình lan ra cơ thể xã hội, một cơ thể sống ở thế kỉ 21 nhưng tư duy và hành xử vẫn còn ở thế kỉ 19.
Vì nếp gia trưởng đã ăn mòn nên người ta dễ dàng chấp nhận gia trưởng, chấp nhận gia đình trị, dẫn đến dễ dàng chấp nhận làng trị, xã trị, huyện trị, tỉnh trị và cuối cùng là trung ương trị, đảng trị, độc tài, độc đoán. Bởi điều này phù hợp với vô thức tập thể của một dân tộc. Và một khi người Việt không thay đổi tư duy, không đuổi bắt kịp nhân loại chí ít về mặt hiểu biết pháp luật, nhân quyền, tự do, công ước quốc tế về quyền con người… Thì hệ quả tất yếu là sự cam chịu tập thể, là hàng hàng lớp lớp các Phạm Sĩ Quí khác sẽ ung dung hưởng lạc trên mồ hôi, xương máu của đại bộ phận dân đen.
Mọi thứ nên trở lại và bắt đầu bằng tư duy về pháp luật, đừng để mọi thứ đang chạy trong thế kỉ 21 mà nếp nghĩ, quan niệm về xã hội vẫn còn đậm chất cổ luật. Bởi cái giá phải trả cho điều này không hề nhỏ !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 24/10/2017
(VietTuSaiGon's blog)