Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa là vi phạm luật pháp quốc tế

Dưới góc nhìn luật pháp quốc tế, bài viết sẽ cung cấp quan điểm chính thức từ hai bên cũng như ý kiến từ bên thứ ba để thấy rõ tính chất đáng lo ngại của động thái hung hăng của Trung Quốc, nhất là khi cả thế giới đang phải đối đầu với đại dịch Covid-19.

damchim0

Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa là vi phạm luật pháp quốc tế

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, khoảng 3h sáng ngày 2/4/2020, Tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 ngăn cản và cố tình đâm chìm. Ba tàu cá Việt Nam QNg 90045, QNg 90399 và QNg 90929 sau khi nhận được thông tin đã chạy đến tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, đến 6h sáng 2/4/2020, Trung Quốc điều thêm 2 tàu số hải cảnh số hiệu 4001 và 4002 đến để ngăn cản xua đuổi, vây bắt hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu, đồng thời dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá QNg 90045 làm hư hỏng nhiều tài sản. Đến 18h cùng ngày, phía Trung Quốc trao trả 8 ngư dân bị đâm chìm cho hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 và truy đuổi hai tàu này nhiều giờ trong đêm, buộc phải rời khỏi Hoàng Sa [1].

Bài viết này xem xét vụ việc trên dưới góc nhìn luật pháp quốc tế. Bài viết sẽ cung cấp quan điểm chính thức từ hai bên cũng như ý kiến từ bên thứ ba để thấy rõ tính chất đáng lo ngại của động thái hung hăng này, nhất là khi cả thế giới đang phải đối đầu với đại dịch Covid-19. Bài viết chỉ ra rằng hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế vì đã đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và thiện chí thực hiện cam kết quốc tế (pacta sunt servanda). Đồng thời, Trung Quốc cũng vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà hai nước là thành viên, cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về đối xử nhân đạo với ngư dân. Hành vi từ phía Trung Quốc đi ngược lại những nỗ lực chung của khu vực trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Quan điểm trái ngược

Ngày 3/4/2020, Việt Nam và Trung Quốc đã có phát biểu chính thức về vụ việc. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng :

"Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".

Bà Hằng cũng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam [2].

Trong khi đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc khi tuần tra phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa nên đã kêu gọi tàu này rời đi. Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và "bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc" khiến cho tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam "dù đã cố hết sức để tránh". Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành cứu hộ ngư dân Việt Nam ngay lập tức. Sau khi hoàn thành quy trình điều tra, thu thập chứng cứ cần thiết, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã để 8 ngư dân rời đi [3].

Đây là sự bao biện từ phía Trung Quốc đối với vụ việc. Không có gì ngạc nhiên bởi sự vụ này không phải là diễn biến mới trên Biển Đông. Trung Quốc thường xuyên bắt giữ các tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa trong nhiều năm qua, và vẫn đưa ra những lý lẽ "khó hiểu" - tàu vỏ gỗ của ngư dân Việt Nam cố ý đâm vào tàu vỏ sắt được trang bị vũ trang của cảnh sát biển Trung Quốc [4] !

Quan điểm của các nước

Mỹ và Philippines đã lên án hành vi trên của Trung Quốc, kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông trong bối cảnh cả thế giới đang phải đương đầu với thảm họa dịch Covid-19. Trong Tuyên bố ngày 6/4/2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ Mỹ quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những yêu sách biển trái pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Chính phủ Mỹ ủng hộ Phán quyết Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông [5]. Đến ngày 9/4/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra Tuyên bố thể hiện sự quan ngại và nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền [6].

Về phía Philippines, Tuyên bố ngày 8/4/2020 của Bộ Ngoại giao Philipppines bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vụ việc, cho rằng những sự vụ như vậy làm suy yếu tiềm năng xây dựng mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc. Với đà tiến tích cực của các cuộc thảo luận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), điều quan trọng là phải tránh những sự cố như vậy và sự khác biệt được giải quyết theo cách tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau [7].

Phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của bên thứ ba ở trong và ngoài khu vực cho thấy sự bao biện từ phía Trung Quốc không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, gây hấn và gây chia rẽ ở Biển Đông. Hơn nữa, hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đi ngược lại những nỗ lực trong đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

Một hành vi, Năm vi phạm

Thứ nhất, Trung Quốc vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia vì xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa). Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế mang tính tập quán pháp, được ghi nhận tại Điều 2.1 Hiến chương Liên hợp quốc, được giải thích trong Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác [8]. Trong vụ việc, tàu cá QNg 90617 TS hoạt động trong lãnh hải của đảo Phú Lâm. Theo Điều 2 UNCLOS, chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng đến lãnh hải [9]. Do đó, theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại lãnh hải của đảo Phú Lâm.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam dựa trên luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ (nguyên tắc chiếm cứ hữu hiệu) [10]. Trong khi đó, hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa vào năm 1974 của Trung Quốc là vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật quốc tế, không thể là cơ sở để xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa [11]. Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực được ghi nhận tại Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các điều ước quốc tế phổ cập khác [12], là tập quán pháp, thậm chí là một quy phạm bắt buộc chung (jus cogen) đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối từ các quốc gia [13]. Khi Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam Cộng Hòa đã gửi thư đến Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đề nghị can thiệp [14].

Thứ hai, Trung Quốc vi phạm quy định tại UNCLOS – mà cả hai nước là thành viên - về quyền chủ quyền (quyền khai thác tài nguyên thiên, trong đó có nguồn tài nguyên cá) và quyền tài phán. Trong lãnh hải, xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ, mọi hoạt động liên quan đến khai thác, quản lý hay bảo tồn nguồn tài nguyên cá sẽ thuộc thẩm quyền của quốc gia ven biển. Theo Điều 17 UNCLOS, tàu thuyền nước ngoài được "đi qua không gây hại" trong lãnh hải của quốc gia ven biển [15]. Do đó, trong lãnh hải của đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam thực hiện hoạt động đánh bắt cá là hoàn toàn hợp pháp. Tàu thuyền nước ngoài như tàu hải cảnh Trung Quốc chỉ có quyền đi qua không gây hại trong vùng biển này. Điều 19 UNCLOS quy định rất cụ thể về quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển [16].

Về quyền tài phán, theo Điều 27 và Điều 73 UNCLOS, quốc gia ven biển được quyền bắt giữ tàu mang cờ quốc gia khác hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành phù hợp với Công ước. Thực tiễn xét xử tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã minh chứng quy định này. Trong Vụ Camouco, tàu Camouco là tàu cá mang cờ Panama bị tàu giám sát Floreal của Pháp bắt giữ tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của đảo Namibia, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Pháp, vì đánh bắt cá trái phép [17]. Tương tự, trong Vụ Monte Confurco, tàu cá Monte Confurco mang quốc tịch Seychelles bị Pháp bắt giữ tại EEZ của đảo Kerguelen, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Pháp, vì đánh bắt cá bất hợp pháp [18]. Tuy nhiên, trong vụ việc này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong khi họ không thực hiện bất kỳ hoạt động nào vi phạm quyền chủ quyền tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Trung Quốc. Vì vậy, đây là một vụ bắt giữ trái với UNCLOS.

Thứ ba, Trung Quốc vi phạm Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà cả hai nước là thành viên. Theo quy định tại Điều 8 COLREGs, các tàu thuyền hoạt động trên biển phải có nghĩa vụ hành động để tránh va chạm. Trong vụ việc, tàu hải cảnh Trung Quốc 4301 đã cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam.

Thứ tư, Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận khác của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Điểm 5 DOC nói rằng các bên cam kết kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định.[19] Tuy nhiên, hành động từ phía tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ việc rõ ràng đã gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông. Điều này dấy nên "mối quan ngại sâu sắc" cho các nước trong và ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, theo Điểm 6.d DOC, các bên cam kết hợp tác tìm tiếm cứu hộ trên biển [20]. Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc cũng ghi nhận hai bên "thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC", tích cực thúc đẩy hợp tác "tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển" [21]. Vậy mà tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam cũng như xua đuổi, vây bắt các tàu cá khác đến tìm kiếm cứu nạn, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Ngoài ra, hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân. Tại "Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần 4" diễn ra vào ngày 5/6/2013 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thống nhất "đối xử nhân đạo với ngư dân lao động hòa bình trên biển" [22]. Tuy nhiên, trong vụ việc, bên cạnh việc đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS, đe dọa tính mạng 8 ngư dân Việt Nam trên tàu, lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc còn bắt các ngư dân trên hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 đưa vào đảo Phú Lâm lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu, đồng thời dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá QNg 90045 làm hư hỏng nhiều tài sản. Ngư dân vốn là đối tượng lao động hòa bình trên biển dễ bị tổn thương. Do đó, những hành vi như cố tình đâm chìm, đập phá trang thiết bị, dùng vòi rồng phun nước tấn công… mà tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành đối với các tàu cá của Việt Nam là vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến mạng sống con người, chưa tính đến những tổn thất to lớn về kinh tế.

Thứ năm, Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda). Đây là một tập quán pháp, được quy định tại Điều 2.2 Hiến chương Liên hợp quốc, được giải thích trong Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện với thiện chí những nghĩa vụ của mình trong những thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo những quy tắc và quy phạm được luật quốc tế thừa nhận chung [23]. Như đã phân tích, Trung Quốc không chỉ không tuân thủ các điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên như UNCLOS và COLREGs, mà Trung Quốc còn vi phạm những cam kết của chính mình tại DOC và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Đây là hai thỏa thuận quốc tế thể hiện ý chí chính trị, ghi nhận các cam kết của các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.

Kết luận

Như vậy, tàu cá QNg 90617 TS cùng với 8 ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), thuộc chủ quyền của Việt Nam, hoàn toàn là hợp pháp. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá và bắt giữ ngư dân Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế vì xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những quy định tại UNCLOS 1982, COLREGs 1972 mà Trung Quốc là thành viên, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần DOC và nhận thức của Lãnh đạo cấp cao hai nước về đối xử nhân đạo với ngư dân. Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda). Hành vi vũ lực đơn phương từ phía Trung Quốc trong vụ việc gây ảnh hưởng tới những nỗ lực chung của khu vực trong tiến trình đàm phán COC.

Nguyễn Mai Hương

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 06/05/2020

Nguyễn Mai Hương là trợ lý nghiên cứu tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


[1] "Phản đối tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi ở Hoàng Sa" truy cập 8/4/2020.

[2] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 08 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam truy cập 8/4/2020.

[3] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh trả lời cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/4  truy cập 8/4/2020.

[4] Ví dụ, ngày 21/6/2009, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt 3 tàu cá và 37 ngư dân Việt Nam đang bắt đánh cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, "Người phát ngôn Bộ Ngoại giao : Yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân và tàu cá Việt Nam" truy cập 8/4/2020. Tương tự, tháng 3/2012, Trung Quốc đã bắt giữ 2 tàu cá và 21 ngư dân của Việt Nam đang đánh bắt cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả 21 ngư dân và 2 tàu cá" truy cập 8/4/2020.

[5] Tuyên bố ngày 6/4/2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ về thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông truy cập 8/4/2020.

[6] Tuyên bố ngày 9/4/2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ về vụ chìm tàu ​​cá Việt Nam truy cập 10/4/2020.

[7] Tuyên bố ngày 8/4/2020 của Bộ Ngoại giao Philippines về vụ chìm tàu ​​cá Việt Nam ở Biển Đông truy cập 10/4/2020.

[8] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2 Khoản 1.

Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, điểm c truy cập 8/4/2020.

[9] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Điều 2.

[10] Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý hữu hiệu, liên tục, hòa bình và công khai đối với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII. Xem Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (Đỗ Bá tự Công đạo, 1686), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776)…

[11] Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định "Lãnh thổ của một quốc gia sẽ không là đối tượng thụ đắc bởi bất kỳ quốc gia nào khác bằng việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực. Không có hành vi thụ đắc lãnh thổ nào đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực sẽ được công nhận hợp pháp".

Nghị quyết 662 (1990) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến chiến tranh vùng vịnh giữa Iraq và Kuwait nói rằng việc Iraq sáp nhập Kuwait dưới mọi hình thức và lý do đều không có giá trị pháp lý và được xem là vô hiệu.

[12] Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế, Điều 52 : "Mọi điều ước quốc tế sử dụng vũ lực một cách bất hợp pháp đều vô hiệu".

[13] Trong án lệ Nicaragua kiện Mỹ, Tòa án Công lý quốc tế khẳng định nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực mang bản chất của một quy phạm bắt buộc chung (jus cogen). Xem : Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua và chống lại Nicaragua (1986) giữa Nicaragua và Mỹ, Báo cáo Tòa án công lý quốc tế số 392, đoạn 184.

[14] Quốc Pháp, "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bị ràng buộc bởi Công hàm 1958 ?", Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam, Hội luật quốc tế Việt Nam, Nhà xuất bảnThanh Niên, 2019.

[15] Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Điều 17, Điều 18 và Điều 19.

[16] Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Điều 19.1 quy định rằng "Việc đi qua là không gây hại, chừng nào nó không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc đi qua không gây hại cần phải được thực hiện theo đúng với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế".. Điều 19.2 giải thích cụ thể khái niệm "phương hại đến hòa bình, trật tư hay an ninh của quốc gia ven biển" với 12 điểm.

[17] Vụ Camouco (Panama và Pháp), ITLOS Judgement, 2000 truy cập 8/4/2020.

[18]Vụ Monte Confurco (Seychelles và Pháp), ITLOS Judgement, 2000 truy cập 8/4/2020.

[19] Tuyên bố về ứng xử của các bên  Biển Đông 2002, Điểm truy cập 8/4/2020.

[20] Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002, Điểm 6.d truy cập 24/4/2020.

[21]Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa truy cập 8/4/2020.

[22]"Phải đối xử nhân đạo với ngư dân"truy cập 8/4/2020.

[23]Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2 khoản 2.

Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Nguyên tắc thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.

Additional Info

  • Author Nguyễn Mai Hương
Published in Diễn đàn

Ngày 27/02/2020, nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt của hai viện Quốc Hội Pháp đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về tình hình Biển Đông. Nếu các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Pháp, nói chung ủng hộ Việt Nam trong việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì cuộc hội thảo này một lần nữa cho thấy sự hạn chế của luật pháp quốc tế trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc đối với các nước tranh chấp, đặc biệt là đối với Việt Nam

tranhchap1

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hạ Viện Pháp ngày 27/02/2020 RFI

Cuộc hội thảo diễn ra dưới sự bảo trợ của nữ dân biểu gốc Việt Stéphanie Do, chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp – Việt tại Hạ Viện và với sự hỗ trợ của đại sứ quán Việt Nam. Với đề tài "Biển Đông : Thách thức và thời cơ đối với Pháp và Việt Nam, các nước ven bờ và các cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương ", cuộc hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu Pháp, Việt, dưới sự điều phối của giáo sư Pierre Journoud, Đại học Paul – Valéry Montpellier 3.

Trong phiên buổi sáng, diễn ra tại một phòng họp của Hạ Viện Pháp, cử tọa đã nghe phần trình bày của giáo sư Monique Chemillier-Gendreau (Đại học Paris – Diderot), nói về luật quốc tế đối với vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để xác định chủ quyền quốc gia đối với vùng biển, đảo, phân định biên giới trên biển giữa các quốc gia cũng như ranh giới các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, trong đó có phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực La Haye 2016. Giáo sư Laurent Gédéon (Cao đẳng Sư phạm Lyon) có bài tham luận về hoạt động của các cường quốc tại Biển Đông hiện nay.

Giáo sư Jean-Marie Crouzatier điểm lại các nguồn lịch sử mà các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra để bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình. Theo giáo sư Crouzatier, có rất nhiều nguồn tài liệu lịch sử tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, có thể được sử dụng vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, như các văn thư của nhà Nguyễn, mà các bản sao trong kho lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp vẫn còn được lưu giữ ở Pháp.

Đại điện cho phía Việt Nam, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học Viện Ngoại Giao, Nguyễn Hùng Sơn trình bày quan điểm của Hà Nội về những diễn biến mới nhất tại Biển Đông, trong đó có vụ Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm ngoái. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, thì giải thích về tác động của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Phiên buổi chiều của cuộc hội thảo, diễn ra tại một phòng họp của Thượng Viện Pháp, tập trung nói về những thách thức và tiềm năng về kinh tế, môi trường, khoa học và văn hóa ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức cùng ngày tại hai viện của Quốc Hội Pháp.

Nói chung, trong cuộc hội thảo, các diễn giả đã phân tích các khía cạnh pháp lý và chính trị-chiến lược của vấn đề tranh chấp chủ quyền và hoạt động của các bên ở Biển Đông, nêu bật những quan ngại của quốc tế về những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa và thay đổi nguyên trạng các thực thể ở Biển Đông. Họ đặc biệt nhấn mạnh các nước tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, kêu gọi tôn trọng quyền chính đáng của các quốc gia liên quan.

Trả lời RFI Việt ngữ sau phiên hội thảo buổi sáng, ông Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông, nêu nhận xét của ông về hội thảo :

"Qua sự tham gia của các đại biểu hôm nay, tôi thấy đáng mừng ở chỗ vấn đề Biển Đông đang ngày càng được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Pháp và Liên Hiệp Châu Âu quan tâm. Họ quan tâm đến Biển Đông theo nhiều khía cạnh khác nhau, không phải chỉ vì đó là một vùng biển có nhiều xung đột, mà còn là một nơi hội tụ rất nhiều lợi ích của cộng đồng quốc tế và cũng có nhiều triển vọng hợp tác.

Đặc biệt, Biển Đông còn là nơi kiểm chứng mức độ thượng tôn pháp luật của cộng đồng quốc tế, hiệu lực của pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Tôi thấy các đại biểu Pháp nói rất nhiều về việc tăng cường hiệu lực của luật pháp quốc tế, rằng một nước, dù lớn hay nhỏ đều cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Họ cũng kêu gọi tăng cường hợp tác, nhất là hợp tác đa phương, để tăng cường việc áp dụng Công ước 1982, không chỉ ở Biển Đông, mà ở khắp nơi trên thế giới, với hy vọng là khi tất cả các nước đều tôn trọng Công ước về Luật Biển, nhất là nước đã ký và phê chuẩn Công ước, như Trung Quốc, thì trật tự, hòa bình, ổn định trên biển sẽ được duy trì".

Là một trong những chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, giáo sư Monique Chemillier-Gendreau, nhấn mạnh đến chính sách của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông :

"Đó là một phần trong chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn thi hành chính sách gọi là "sự đã rồi", tức là họ hành xử như thể là những đòi hỏi của Bắc Kinh chính là luật pháp quốc tế ! Hơn nữa, từ rất lâu, họ vẫn thao túng dư luận trong nước, tuyên truyền rằng Trung Quốc có đầy đủ các quyền trên toàn bộ vùng biển mà rất tiếc vẫn được gọi là biển Nam Trung Quốc Hải (Mer de Chine méridionale). Nay Trung Quốc đã có một sức mạnh đáng kể về hải quân và không quân, chứ không phải như cách đây 50 năm, nên cứ tiếp tục lấn tới, với hy vọng là "sự đã rồi" sẽ dần dần biến thành luật. Cho nên, các nước trong vùng, toàn bộ các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam phải phản đối mỗi lần Trung Quốc có hành động như vậy. Phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc để ngăn chận chính sách "sự đã rồi" của Trung Quốc được chấp nhận".

Chính là nhằm ngăn chận chính sách đó của Trung Quốc mà Philippines đã kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực. Vào tháng 07/2016, Toà đã ra phán quyết kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

Tuy rằng phán quyết này đã bị Bắc Kinh bác bỏ, đại sứ Nguyễn Hồng Thao, phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, cho rằng đây vẫn là một cơ sở pháp lý quan trọng, đối với những nước như Việt Nam :

"Phán quyết này chỉ có giá trị đối với Philippines và Trung Quốc, hai bên có liên quan đến việc tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chấp nhận thẩm quyền của tòa án và cũng không công nhận phán quyết. Song, theo quy định của Phụ lục 7 của Công ước 1982, phán quyết của tòa án quốc tế được thành lập phù hợp với Phụ lục 7 của Công ước bao giờ cũng là phán quyết chung thẩm và có giá trị bắt buộc đối với các bên, đối với các quốc gia khác không phải là các bên tham gia trong vụ kiện.

Chúng ta có thể coi các phán quyết của tòa án quốc tế cũng như của Tòa Trọng Tài là nguồn bổ sung của luật quốc tế để so sánh trong việc xem xét lại những lập trường và những áp dụng giải thích của điều 123, khoản 3 về quy chế pháp lý của các đảo, các đá tại Trường Sa".

Về phần ông Nguyễn Hùng Sơn, ông cho biết là Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng đưa Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, nếu Bắc Kinh tiếp tục những hành động xâm lấn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, giống như năm 2019 :

"Việt Nam đã nói rất rõ là Việt Nam sẽ sử dụng tất cả những biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông, có nghĩa là Việt Nam không loại trừ biện pháp hòa bình nào. Mặc dù Việt Nam không nói ra nhưng Việt Nam không loại trừ biện pháp giải quyết các tranh chấp Biển Đông thông qua các cơ quan tài phán quốc tế.

Đưa ra tòa án nào còn tùy thuộc vào vấn đề mà các nước muốn giải quyết là gì. Mỗi tòa án có một chức năng riêng. Các cơ quan chức năng Việt Nam, nhất là các chuyên gia pháp lý đã và đang nghiên cứu, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, để nếu cần sử dụng biện pháp đó, thì Việt Nam sẵn sàng".

Tuy nhiên, giáo sư Monique Chemillier-Gendreau lưu ý về sự hạn chế của luật pháp quốc tế trong việc phân xử các vụ tranh chấp chủ quyền như ở Biển Đông, cho dù theo bà, Việt Nam có một hồ sơ rất vững chắc nếu kiện Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế :

"Như tôi vừa nói trong cuộc hội thảo, luật pháp quốc tế rất giới hạn. Theo luật quốc tế, quốc gia nào muốn đưa vụ việc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế thì phải có sự đồng ý của cả quốc gia kia. Khả năng duy nhất đó là kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực như Philippines đã làm, nhưng kết quả đạt được cũng rất hạn chế, vì tòa này không thể phân xử về vấn đề chủ quyền. Tôi nghĩ rằng công luận quốc tế có vai trò rất quan trọng, rằng chúng ta phải sử dụng mọi phương tiện hiện có : phản đối về ngoại giao, đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc mỗi khi có hành động hung hăng và có thể là kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài nếu Việt Nam cảm thấy sẳn sàng làm điều này.

Nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam có một hồ sơ rất tốt. Nhưng chúng ra không biết trong hồ sơ của phía Trung Quốc có những gì. Tôi đã từng đến Trung Quốc, từng gặp nhiều nhà sử học Trung Quốc. Họ cứ bảo : "Chúng tôi có nhiều tư liệu xưa, những chứng cứ để xác nhận chủ quyền", nhưng họ chưa bao giờ đưa ra những tư liệu, chứng cứ đó. Tôi không tin là họ thật sự có những chứng cứ đó. Theo tôi thì một tòa án rất khách quan như Tòa án Công lý Quốc tế phải có trong tay toàn bộ những hồ sơ của hai bên. Nhưng tôi cho là Việt Nam có một vị thế rất tốt".

Trước mắt, để ngăn ngừa những xung đột trên Biển Đông, ASEAN đang thương lượng với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử COC. Nhưng các chuyên gia như bà Monique Chemilier-Gendreau không mấy tin tưởng vào bộ quy tắc này. Theo bà, bộ quy tắc ứng xử một khi được chấp thuận sẽ chỉ giúp cho Trung Quốc rảnh tay hành động, nhân danh bộ quy tắc ứng xử này, họ sẽ tiếp tục chính sách của họ để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 09/03/2020

Additional Info

  • Author Thanh Phương
Published in Diễn đàn

Tuyên bố của ông Trump hôm qua về quyết định của Mỹ chuyển Tòa đại sứ Mỹ về Jesusalem, mặc nhiên nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Quyết định này bị hầu hết các quốc gia phản đối. Hai quốc gia Anh, Pháp (hai ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc), cùng một số các quốc gia khác đã tức thời ên tiếng yêu cầu triệu tập khẩn cấp Hội đồng bảo an vào ngày thứ sáu (8/12).

thanhdia1

Jerusalem ngày nay là nơi qui tụ ba tôn giáo độc thần : thiên chúa giáo, do thái giáo và hồi giáo

Quan điểm của "quốc tế", trên nền tảng nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc (còn gọi là nghị quyết về lập quốc của quốc gia Do Thái) từ năm 1947, Jerusalem là một "corpus separatum", được hiểu như là "một vấn đề tách biệt". Đây là một "ý niệm" luật học được xem là "mù mờ", các bên diễn giải theo cách của mình. Trên "nguyên tắc" thì Jerusalem được "quốc tế hóa", không thuộc Do thái lẫn Palestine. Nhưng trên "thực tế" Jerusalem là một "thực thể được chia làm hai", một bên thuộc Do thái, một bên thuộc Palestine.

Quan điểm Jerusalem "corpus separatum" vẫn còn giá trị pháp lý.

Cuộc chiến 1949 xác lập đường "ranh giới", gọi là "đường xanh - ligne verte", theo đó phía Tây Jerusalem thuộc Do thái. Khu vực quan trọng là "cổ thành", thuộc về phía Đông Jerusalem. Cho tới năm 1967 Jerusalem được nhìn nhận là "thủ phủ của hai quốc gia". Điều chưa được xác định là đường biên giới (được quốc tế nhìn nhận).

Sau "cuộc chiến 6 ngày", Do thái kiểm soát luôn phần phía Đông Jerusalem. Năm 1980 Do Thái đơn phương ra luật "Jerusalem bất khả phân chia" (dĩ nhiên thuộc về do Thái). Quyết định này không được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận.

Tức là, trên quan điểm "luật lệ", quyết định của Mỹ là không phù hợp. Thứ nhứt, đi ngược lại tinh thần các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Thứ hai là nhìn nhận chủ quyền của Do thái ở Jerusalem, một vùng lãnh thổ chinh phục bằng vũ lực.

Điều nên biết đây không phải là quyết định đơn phương của ông Trump, mà là nội dung một nghị quyết của Quốc hội Hoa kỳ được thông qua từ năm 1995. Nghị quyết này, cứ mỗi lần 6 tháng lại bị tổng thống ký quyết định cho "hồi" lại. Các đời tổng thống Bush, Clinton, Obama… đã "đông lạnh" nghị quyết này, vì tất cả đều biết rằng điều này (nhìn nhận Jerusalem là thủ phủ của Do thái) sẽ tạo làn sóng chống đối mạnh mẽ, không chỉ ở các quốc gia Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo, mà còn ở các nước Châu Âu và Nga.

Lời giải thích của ông Trump (về quyết định này) là nhằm "giữ lời hứa" đối với cử tri.

Cho dầu thế nào, ý kiến của ông Trump hay ý nguyện của dân Mỹ, điều này trước hết là vi phạm luật quốc tế, sau đó là đưa thế giới vào một tình trạng nguy hiểm do đe dọa chiến tranh (toàn diện hay khủng bố).

Theo "nguyên tắc" thì "luật quốc tế" được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc "bảo vệ". Hội đồng này có 5 thành viên thường trực, gọi là "ngũ đại cường" gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Vậy là đã có 3 đại cường thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc "vi phạm luật quốc tế". Nga qua vụ xâm chiếm Crimea của Ukraine. Trung Quốc qua vụ "ngồi xổm" lên phán quyết tháng 7 năm 2015 của Tòa Trọng tài quốc tế (CPA) về vụ Biển Đông. Bây giờ Mỹ qua vụ ủng hộ Do Thái "ngồi xổm" lên quyết định 1947 của Liên Hiệp Quốc về "tình trạng pháp lý" của Jerusalem.

Bây giờ sự việc đã rõ hơn, người ta biết lý do vì sao Mỹ "bỏ không" Biển Đông cho Trung Quốc.

Đúng là một "ẩn số". Không ai giải thích được lý do vì sao Mỹ lại không "mặn mà" với phán quyết tháng 7 năm 2015 của Tòa CPA về vụ Biển Đông. Bởi vì nếu chiếu theo nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc "International Rule of Law - quốc tế thượng tôn pháp luật" Mỹ có thẩm quyền (tính chính đáng), lên tiếng yêu cầu, thậm chí yêu sách, Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ.

Bây giờ "ẩn số" bị "lộ" ra. Ta không khỏi liên tưởng về số phận Việt Nam, một món đồ trao đổi của quốc tế. Năm 1972, Mỹ "bán" Việt Nam cho Mao để lấy sự ủng hộ (Do Thái) ở Trung Đông.

Ta có thể tiên đoán thái độ "chừng mực" của Trung Quốc (và Nga) trước quyết định của ông Trump (dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem). Bởi vì cả ba đều vi phạm luật quốc tế. Không ai có đủ tư cách để phản đối phía bên kia.

Ta không thể không đặt ra các nghi vấn, các cuộc "thánh chiến" Hồi giáo (khủng bố Hồi giáo ở các nước Châu Âu), sự hiện hữu của "quốc gia Hồi giáo", chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanisnan… đều thuộc về "kế hoạch dọn sân", mục đích làm suy yếu thực lực khối Hồi giáo.

Vấn đề là xưa nay các "nước nhỏ" thường sử dụng pháp luật để tự bảo vệ mình trước những đe dọa của "nước lớn".

Trật tự quốc tế, từ sau 1945 đến nay, là dựa vào luật lệ (goi là công pháp quốc tế). Các quốc gia đối xử với nhau bằng "lòng tin", thể hiện qua các hiệp ước, kết ước... Các kết ước này là "nền tảng" của luật quốc tế. Nó trở thành "qui tắc ứng xử" của các quốc gia.

Nếu bi quan, các đại cường đã không coi luật lệ quốc tế ra cái gì, ta có thể chờ nhìn một thế giới hỗn mang vô luật lệ, mạnh được yếu thua.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 07/12/2017

Published in Diễn đàn