Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/12/2017

Sau Nga và Trung Quốc, đến lượt Mỹ "ngồi xổm" lên luật quốc tế

Trương Nhân Tuấn

Tuyên bố của ông Trump hôm qua về quyết định của Mỹ chuyển Tòa đại sứ Mỹ về Jesusalem, mặc nhiên nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Quyết định này bị hầu hết các quốc gia phản đối. Hai quốc gia Anh, Pháp (hai ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc), cùng một số các quốc gia khác đã tức thời ên tiếng yêu cầu triệu tập khẩn cấp Hội đồng bảo an vào ngày thứ sáu (8/12).

thanhdia1

Jerusalem ngày nay là nơi qui tụ ba tôn giáo độc thần : thiên chúa giáo, do thái giáo và hồi giáo

Quan điểm của "quốc tế", trên nền tảng nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc (còn gọi là nghị quyết về lập quốc của quốc gia Do Thái) từ năm 1947, Jerusalem là một "corpus separatum", được hiểu như là "một vấn đề tách biệt". Đây là một "ý niệm" luật học được xem là "mù mờ", các bên diễn giải theo cách của mình. Trên "nguyên tắc" thì Jerusalem được "quốc tế hóa", không thuộc Do thái lẫn Palestine. Nhưng trên "thực tế" Jerusalem là một "thực thể được chia làm hai", một bên thuộc Do thái, một bên thuộc Palestine.

Quan điểm Jerusalem "corpus separatum" vẫn còn giá trị pháp lý.

Cuộc chiến 1949 xác lập đường "ranh giới", gọi là "đường xanh - ligne verte", theo đó phía Tây Jerusalem thuộc Do thái. Khu vực quan trọng là "cổ thành", thuộc về phía Đông Jerusalem. Cho tới năm 1967 Jerusalem được nhìn nhận là "thủ phủ của hai quốc gia". Điều chưa được xác định là đường biên giới (được quốc tế nhìn nhận).

Sau "cuộc chiến 6 ngày", Do thái kiểm soát luôn phần phía Đông Jerusalem. Năm 1980 Do Thái đơn phương ra luật "Jerusalem bất khả phân chia" (dĩ nhiên thuộc về do Thái). Quyết định này không được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận.

Tức là, trên quan điểm "luật lệ", quyết định của Mỹ là không phù hợp. Thứ nhứt, đi ngược lại tinh thần các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Thứ hai là nhìn nhận chủ quyền của Do thái ở Jerusalem, một vùng lãnh thổ chinh phục bằng vũ lực.

Điều nên biết đây không phải là quyết định đơn phương của ông Trump, mà là nội dung một nghị quyết của Quốc hội Hoa kỳ được thông qua từ năm 1995. Nghị quyết này, cứ mỗi lần 6 tháng lại bị tổng thống ký quyết định cho "hồi" lại. Các đời tổng thống Bush, Clinton, Obama… đã "đông lạnh" nghị quyết này, vì tất cả đều biết rằng điều này (nhìn nhận Jerusalem là thủ phủ của Do thái) sẽ tạo làn sóng chống đối mạnh mẽ, không chỉ ở các quốc gia Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo, mà còn ở các nước Châu Âu và Nga.

Lời giải thích của ông Trump (về quyết định này) là nhằm "giữ lời hứa" đối với cử tri.

Cho dầu thế nào, ý kiến của ông Trump hay ý nguyện của dân Mỹ, điều này trước hết là vi phạm luật quốc tế, sau đó là đưa thế giới vào một tình trạng nguy hiểm do đe dọa chiến tranh (toàn diện hay khủng bố).

Theo "nguyên tắc" thì "luật quốc tế" được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc "bảo vệ". Hội đồng này có 5 thành viên thường trực, gọi là "ngũ đại cường" gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Vậy là đã có 3 đại cường thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc "vi phạm luật quốc tế". Nga qua vụ xâm chiếm Crimea của Ukraine. Trung Quốc qua vụ "ngồi xổm" lên phán quyết tháng 7 năm 2015 của Tòa Trọng tài quốc tế (CPA) về vụ Biển Đông. Bây giờ Mỹ qua vụ ủng hộ Do Thái "ngồi xổm" lên quyết định 1947 của Liên Hiệp Quốc về "tình trạng pháp lý" của Jerusalem.

Bây giờ sự việc đã rõ hơn, người ta biết lý do vì sao Mỹ "bỏ không" Biển Đông cho Trung Quốc.

Đúng là một "ẩn số". Không ai giải thích được lý do vì sao Mỹ lại không "mặn mà" với phán quyết tháng 7 năm 2015 của Tòa CPA về vụ Biển Đông. Bởi vì nếu chiếu theo nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc "International Rule of Law - quốc tế thượng tôn pháp luật" Mỹ có thẩm quyền (tính chính đáng), lên tiếng yêu cầu, thậm chí yêu sách, Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ.

Bây giờ "ẩn số" bị "lộ" ra. Ta không khỏi liên tưởng về số phận Việt Nam, một món đồ trao đổi của quốc tế. Năm 1972, Mỹ "bán" Việt Nam cho Mao để lấy sự ủng hộ (Do Thái) ở Trung Đông.

Ta có thể tiên đoán thái độ "chừng mực" của Trung Quốc (và Nga) trước quyết định của ông Trump (dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem). Bởi vì cả ba đều vi phạm luật quốc tế. Không ai có đủ tư cách để phản đối phía bên kia.

Ta không thể không đặt ra các nghi vấn, các cuộc "thánh chiến" Hồi giáo (khủng bố Hồi giáo ở các nước Châu Âu), sự hiện hữu của "quốc gia Hồi giáo", chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanisnan… đều thuộc về "kế hoạch dọn sân", mục đích làm suy yếu thực lực khối Hồi giáo.

Vấn đề là xưa nay các "nước nhỏ" thường sử dụng pháp luật để tự bảo vệ mình trước những đe dọa của "nước lớn".

Trật tự quốc tế, từ sau 1945 đến nay, là dựa vào luật lệ (goi là công pháp quốc tế). Các quốc gia đối xử với nhau bằng "lòng tin", thể hiện qua các hiệp ước, kết ước... Các kết ước này là "nền tảng" của luật quốc tế. Nó trở thành "qui tắc ứng xử" của các quốc gia.

Nếu bi quan, các đại cường đã không coi luật lệ quốc tế ra cái gì, ta có thể chờ nhìn một thế giới hỗn mang vô luật lệ, mạnh được yếu thua.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 07/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 823 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)