Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 18 mai 2023 15:10

Nên ra Luật về Đảng…

Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ !

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 (Hội nghị Trung ương 7) vừa bế mạc tại Hà Nội ngày 17/5/2023.

dang1

Cảnh sát giao thông chạy qua một bức tranh cổ động Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam hồi tháng 1/2021 - Reuters

Mặc dù người đứng đầu đảng này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết theo các văn kiện của đảng trước đó, rằng việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị với các Ủy viên thuộc Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư chỉ để "tự soi", "tự sửa", và mặc dù chỉ có hai trường hợp, một là cán bộ lãnh đạo của một ủy ban thuộc Quốc hội và một nguyên Bí thư tỉnh ủy một tỉnh phía Bắc Việt Nam, bị Trung ương tuyên bố kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 7, nhiều cán bộ cấp cao khác của Đảng vẫn có thể phải ngóng chờ xem liệu sau Hội nghị này có ai khác có thể xem xét kỷ luật hay xử lý về mặt Đảng hay không.

Hôm thứ hai, ngày 15/5/2023, trên trang Twitter cá nhân của mình, một nhà quan sát và phân tích chính trị Đông Nam Á, ông Zachary Abuza viết, xin trích :

"Hôm nay Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc Hội nghị Trung ương 7. Giáo sư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và một số lãnh đạo khác là vẫn đang được giám sát", hết trích dẫn.

Vào thứ ba 16/5, ngày thứ hai của Hội nghị, tương tự nhận xét trên quan điểm riêng của nhà nghiên cứu Zachary Abuza, cũng có một số suy đoán trong giới quan sát chính trị Việt Nam rằng có thể có một nhân vật trong "tứ trụ" theo gót nối tiếp câu chuyện của một cựu Chủ tịch nước và của hai phó Thủ tướng vốn đã bị mất chức rồi nhanh chóng bị thay thế cách đây vài tháng.

Tuy nhiên, tại phiên khai mạc Hội thảo, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị - an ninh của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), TS Hà Hoàng Hợp khẳng định với RFA Việt ngữ rằng "sẽ có lấy phiếu tín nhiệm" ở kỳ Hội nghị, nhưng theo ông, không có Ủy viên Bộ Chính trị, hay Ủy viên Ban Bí thư nào bị ảnh hưởng công việc, công tác tại Hội nghị Trung ương lần này.

Hôm thứ tư, ngay sau khi Hội nghị bế mạc, khi được hỏi liệu sự kiện này có 'thành công rực rỡ' hay không, Hà Hoàng Hợp nói với RFA Tiếng Việt :

"Bấy lâu nay, chỉ thấy có câu 'thành công tốt đẹp'. Đảng viên và cử tri luôn kỳ vọng về một cấp độ cao hơn về minh bạch, pháp quyền và quản trị nhà nước tốt hơn. Hội nghị 7 được tiến hành rất gọn, chỉ có hơn 2 ngày, đây là một bước tiến tích cực, thể hiện hiệu quả cao hơn của bộ máy của Đảng Đảng cộng sản Việt Nam".

Nhưng ông Hà Hoàng Hợp cũng nói thêm từ quan điểm của mình :

"Bỏ phiếu ở Quốc hội là thủ tục quan trọng có ý nghĩa pháp lý chính trị. Nếu ai có phiếu tín nhiệm thấp, tùy mức độ, sẽ phải nghỉ việc, giáng chức, chuyển công tác. Nếu nói 'lấy phiếu tín nhiệm' là để 'biết mà tự sửa', thì 'bỏ phiếu tín nhiệm' sẽ có hiệu ứng 'cho nghỉ việc, chuyển công tác, hay giáng chức vụ'. Những ai có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp, có thể sẽ được đưa sang bỏ phiếu tín nhiệm".

Nhưng Đảng vẫn hoạt động không có Luật về Đảng

Tuy những thông tin từ chia sẻ trên của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Châu Á có thể khiến một số cán bộ trong Đảng phải "căng mắt, căng tai" để dõi theo những gì có thể xảy ra sau khi Hội nghị TƯ giữa kỳ khép lại, với những mức độ lo lắng khác nhau, một người khác từ đầu kia lục địa, Bắc Mỹ, bày tỏ mối quan tâm riêng không kém phần đáng chú ý với RFA.

"Tôi cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã có quyết tâm chính trị ở nội bộ khi lấy phiếu tín nhiệm nhân sự cao cấp trong Ban lãnh đạo, thì cũng nên có quyết tâm chính trị để cho Nhà nước, Quốc hội làm một cuộc trưng cầu dân ý trong toàn quốc dân liên quan tư cách chính thống và vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội", Luật sư Vũ Đức Khanh, Giảng sư kiêm nhiệm về luật học tại Đại học Ottawa, Canada, nói với RFA cùng ngày 17/5.

"Việt Nam đã có Luật về trưng cầu dân ý, tôi cho rằng Đảng đã dám thăm dò tín nhiệm nội bộ, thì nay cũng cần có ý chí chính trị dám để cho toàn dân nêu ý kiến qua một cuộc trưng cầu dân ý rộng khắp quốc gia, trước quốc dân về vai trò, vị thế lãnh đạo của mình.

Và cuộc trưng cầu đó theo tôi chỉ cần một câu hỏi duy nhất như sau thôi : "Hiện nay có nên ra luật về Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam hay không ?" Và người dân chỉ cần chọn một trong hai phương án là "Có" và "Không".

Và nếu dân chọn là "có", thì nên cho soạn thảo ngay và ban hành luật này càng sớm càng tốt, bởi vì như thế Đảng cộng sản Việt Nam sẽ có cơ sở để giải thích tính chính thống, hay còn gọi là tính chính danh của mình, về các vấn đề như mối quan hệ của Đảng với Nhà nước, chính quyền, xã hội…

Trong đó, Luật sẽ nêu rõ và quy định là Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì phạm vi, quyền hạn, tính chất, vai trò, điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ, tổ chức, chức năng v.v… ra sao, rồi quan hệ với các nhánh quyền lực là lập pháp, tư pháp, hành pháp thế nào, chưa kể với báo chí, truyền thông là "quyền lực đệ tứ" ra sao v.v.".

Nêu ý kiến cá nhân về việc lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 7, ông Vũ Đức Khanh cho biết :

"Bây giờ lấy tín nhiệm với mấy ông trong ‘Tứ trụ’ của Đảng cộng sản đi, ông Tổng bí thư, ông Chủ Tịch nước, ông này ông kia, tôi nghĩ điều đó cũng hơi vớ vẩn, thậm chí buồn cười, bởi vì người dân Việt Nam không mấy ai quan tâm tới chuyện đó.

Nhưng mà người dân có thể quan tâm ngay và rất lớn ở cái điều là bây giờ có nên ra Luật về Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam hay là không, mà có sự lựa chọn trả lời luôn là "có" hay là "không".

Điều đó mới lớn hơn, rộng hơn và trưng cầu tổ chức chỉ cần làm một lần thôi, chứ không cần mỗi năm "đến hẹn lại lên" lại phải trưng cầu dân ý lại nữa làm gì".

Tự tin với đánh giá của mình, luật sư đến từ Canada nhấn mạnh thêm :

"Bây giờ chúng ta đặt một câu hỏi có tính quan trọng như thế, mà Việt Nam có Luật trưng cầu dân ý rồi, phải đặt vấn đề như thế mới là đúng, mới xứng.

Và nếu thấy rằng kể cả khi người dân không muốn bỏ điều 4 Hiến pháp, mà chấp chấp nhận điều 4 đó đi nữa, thì mọi người vẫn cần phải biết được rằng Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam như thế nào, theo tôi", ông Khanh nói với RFA từ Đại học Ottawa hôm 17 tháng Năm.

Theo truyền thông chính thống Việt Nam, tại hội nghị giữa kỳ này có hai trường hợp bị kỷ luật được công bố, trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Và trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Lào Cai, bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.

Còn theo một nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an ninh, chia sẻ với RFA liên quan công tác nhân sự cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam cho biết : "vào phút chót, Hội nghị Trung ương 7 đã quyết định không bầu hai Ủy viên Bộ Chính trị và một Ủy viên Ban Bí thư mà như dự kiến. Lý do là thủ tục bầu chưa chuẩn bị xong, nhưng chắc là để đến một Hội nghị Trung ương bất thường trong mùa hè này thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành.

"Ngoài ra, ông Đặng Quốc Khánh (sinh năm 1976, nơi sinh và quê quán ở Hà Tĩnh) từ Hà Giang trên vai trò Bí thư Tỉnh ủy sẽ về làm Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Tài Nguyên - Môi trường, ông Lê Quang Mạnh (sinh năm 1974, quê quán ở Hà Nội) từ Cần Thơ trên vài trò Bí thư Thành ủy ra làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, còn bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí thư, tiếp tục kiêm chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng", nhà quan sát này cho RFA biết hôm 17/5 trên quan điểm riêng".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 18/05/2023

Published in Diễn đàn

Luật về đảng cầm quyền : Đảng tự lấy đá ghè chân mình ?

Lâm Viên, VNTB, 26/03/2021

Ông Bùi Minh Quốc, cựu phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, từng nói rằng ông sẽ vận động để Quốc hội sớm có luật về đảng cầm quyền.

dang1

Cần Đức trị song hành cùng Pháp trị

"Vận động các đại biểu khác cùng các công dân có chung quan điểm và nhiệt huyết tích cực chủ động đấu tranh ôn hòa, kiên nhẫn thuyết phục Đảng cộng sản Việt Nam nếu muốn giành được vị trí đảng cầm quyền, thì phải bãi bỏ cung cách đảng cử dân bầu ; phải có đường lối đúng được đa số công dân tán thành và giới thiệu được những đảng viên thực sự là tinh hoa về năng lực và phẩm chất ra ứng cử trong một chế độ ứng cử bầu cử tự do, nếu các đảng viên trúng cử chiếm đa số trong Quốc hội, thì đảng trở thành đảng cầm quyền một cách đàng hoàng theo thực chất tín nhiệm của công dân – cử tri ; phải tôn trọng quyền tự do ứng cử của những người không thuộc Đảng cộng sản Việt Nam và triệt để tự đổi mới mình để chủ động chuẩn bị cạnh tranh với các lực lượng chính trị khác tất yếu sẽ xuất hiện (*).

Ông Bùi Minh Quốc có đoạn diễn giải như trên trong "Cương lĩnh chính trị" lúc ông tuyên bố tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14.

Đảng tự lấy đá ghè chân mình ?

Ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị duy nhất, và đây cũng là đảng cầm quyền. Nếu giờ soạn thảo luật về đảng cầm quyền, phải chăng luật này cũng thuộc nhánh lập pháp do Quốc hội chịu trách nhiệm – trong khi đó thì các chức Chính phủ đều do Bộ Chính trị – tức đảng chính trị cũng là đảng cầm quyền, quyết định ?

Trong tiểu luận "Tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam ?" của nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn tại Hà Nội, đưa ra cách hiểu về đảng chính trị đó là không chỉ đơn thuần đấu tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm chính trị, mà còn đấu tranh để giành quyền đại diện cho người dân trong quốc hội.

"Thông thường, các đảng chính trị đều giành quyền lực thông qua việc bỏ phiếu của người dân. Trách nhiệm của đảng chính trị đối với người dân thể hiện qua việc thực hiện các cam kết mà đảng chính trị đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ý chí của người bỏ phiếu có ý nghĩa rất quan trọng đối với một đảng chính trị" – tác giả Hoàng Sơn viết.

Vẫn theo nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn, nếu các nhà nước muốn "đặt một đảng chính trị nào đó ra ngoài vòng pháp luật", các nhà nước này có xu hướng từ chối hoặc không thừa nhận địa vị pháp lý của đảng đó. Một cách thường gặp là các quốc gia không quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp của họ.

Vậy thì ở Việt Nam, nếu bắt tay xây dựng dự án luật về đảng cầm quyền như đề xuất của ông Bùi Minh Quốc, thì cần điều chỉnh bằng pháp luật ra sao trước đề bài đặt ra của đảng về vấn đề ‘quyền lực’ : Tuy Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng Đảng giữ quyền lực về chính trị, quyền lực về tư tưởng chính trị, quyền lực về tổ chức bộ máy và nhân sự, quyền lực về kiểm tra… chi phối và dẫn dắt đối với toàn bộ hệ thống chính trị và sự vận động của chế độ, của đất nước.

Như vậy, về nguyên tắc rất khó có việc Đảng tự lấy đá ghè chân mình, qua việc có thể bị trói buộc trong sự điều chỉnh về lập pháp bằng luật về đảng cầm quyền.

Nếu Đảng tự tin, thì cần tử tế có luật về đảng cầm quyền !

Trong hầu hết các văn kiện Đảng đều có chung một ý là "Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai hoặc buông lỏng quyền đó". Và Đảng đã biện minh rằng với vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Dĩ bất biến ứng vạn biến", cho các quyết định được cho là ‘nằm ngoài quy định pháp luật’ – kiểu như chuyện người dân chưa đi bầu cử, nhưng Đảng đã ‘đâu vào đó’ các chức danh lãnh đạo ở Quốc hội nhiệm kỳ mới, lý do "đồng bộ nhân sự Bộ Chính trị" khóa XIII.

Dẫu vậy, Đảng vẫn cần đến luật về đảng cầm quyền, để qua đó có thể giúp Đảng có được sự chính danh bền vững.

Sau đây là một số lý do cho chuyện nếu có luật về đảng cầm quyền, ắt hẳn sẽ khiến các đảng viên dè dặt hơn :

Trước hết, bất chấp chuyện ‘củi – lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, không khó được nhận ra ở không ít nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ bị không ít người, tổ chức đảng lợi dụng, cắt xén hoặc trương lên thành tấm bình phong để che đậy mưu đồ cá nhân và hành động phá rối tổ chức hoặc vô hiệu hóa tổ chức, thành "con dao hai lưỡi" để mưu đoạt lấy lợi ích cho bản thân, rắp tâm "chui sâu, leo cao" vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý.

Nguy hại hơn, mượn hoặc nhân danh nguyên tắc này để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành "bầu trời riêng", với "tôn ti riêng"… để thực thi mưu đồ cá nhân, phe nhóm…

Mặt khác, không ít người biến việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình thành cái gọi là "vũ khí" rất màu nhiệm để tâng bốc, tán dương nhau nhưng lại nhân danh "thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương" như lời của V.I. Lê-nin, nhằm để thực thi mưu đồ vu vạ, hãm hại đồng chí, hạ nhục và loại bỏ những người không cùng cánh với họ, để thao túng nội bộ Đảng nhằm "vinh thân phì gia", phù phép cho lợi ích nhóm…

Thứ hai, kỷ luật của Đảng, Điều lệ của Đảng là pháp luật của Đảng bị không ít người ở một số tổ chức đảng biến thành "thanh kiếm phường chèo" với phe cánh họ, nhưng lại là "lưỡi gươm oan nghiệt" đối với đồng chí, nhất là những người trung thực, dũng cảm đấu tranh với các tệ nạn trong Đảng, mà họ là thủ phạm.

Núp dưới chiêu bài "giữ nghiêm kỷ luật", họ "thanh lọc đội ngũ" một cách có lợi cho họ. Thực chất, họ đã vô hiệu hóa sức mạnh của kỷ luật đảng, của Điều lệ Đảng, biến tổ chức đảng thành "vương quốc" riêng nhằm thực thi những mưu đồ cá nhân, vô hình tạo nên nạn bè phái, cát cứ ngay trong tổ chức đảng, trong cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Có thể nói, với sự hành xử như vậy, nhóm đảng viên như trên đã tự biến mình thành những người tha hóa, những "ông vua con", làm công cụ phá hỏng đoàn thể và phá hoại tổ chức ; biến những tổ chức đảng nơi họ phụ trách và sinh hoạt thành hoặc là "bầu trời riêng", biến tổ chức thành "hữu danh vô thực" hoặc bị tê liệt, mất sức chiến đấu. Họ hạ thấp và tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nếu đến thời điểm này Đảng vẫn là "đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động", "một lòng một dạ tận tụy phụng sự nhân dân", vì "Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam", "không thiên tư thiên vị"… thì có lẽ chức trách lập pháp của Quốc hội khóa XV tới đây, là cần xây dựng cho bằng được luật về đảng cầm quyền.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 26/03/2021

Chú thích :

(*)https://www.facebook.com/quoc.buiminh.568/posts/445373823436841

**************

Đảng cần làm gì trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ?

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 26/03/2021 

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá Đảng cộng sản Việt Nam với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc

dang00

"Hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá Đảng cộng sản Việt Nam với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng trước nhân dân, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với cách mạng Việt Nam".

Chuyên mục "Bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng" ở các tờ báo thuộc Đảng bộ địa phương, thường có nội dung với các cảnh báo như đoạn trích trên.

Vậy cần làm gì để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ?

Vì lý do là vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị, xin được ẩn danh người nêu ý kiến.

Ghi nhận của biên tập viên Nguyễn Huỳnh, trang Việt Nam Thời Báo.

Một

Nhân dân ủy thác cho Đảng cộng sản Việt Nam vai trò lãnh đạo nhà nước. Đảng phải trung thành và đại biểu xứng đáng cho lợi ích của nhân dân và đất nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Sự ủy thác đó có thể được ghi nhận trong Hiến pháp thông qua thủ tục lập hiến.

Và để thực sự giám sát thì cần sớm xây dựng Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này cần thiết đối với cả đất nước và Đảng.

Hai

Người dân cần sự cam kết cụ thể của Đảng về ít nhất là 9 nội dung cụ thể sau đây :

1. Trong xã hội dân chủ, Đảng chính trị trở thành đảng cầm quyền, thông bầu cử tự do theo pháp luật.

2. Đảng cộng sản Việt Nam, là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc ; là trung tâm đoàn kết và hòa hợp dân tộc, thực hành dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Vậy thì kiên quyết Đảng không được trao quyền lực và lợi ích nào khác ngoài quyền lực và lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên những gì xảy ra trong lãnh vực đất đai như ở Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Lộc Hưng cũng nhiều nơi khác cho thấy đã không hẳn như vậy về chuyện quyền lực Đảng.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và gương mẫu thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đảng phải tôn trọng Nhà nước, Đảng không được bao biện, làm thay công việc của Nhà nước và của đoàn thể.

Vậy thì trước tiên cần làm rõ "pháp luật của Đảng" là gì ?

4. Đảng tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên để giới thiệu với nhân dân bầu vào các vị trí đại diện của Nhà nước và đoàn thể, hoặc để được bổ nhiệm vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể. Đảng tôn trọng, trân trọng cán bộ ngoài Đảng và cán bộ ngoài Đảng bình đẳng với cán bộ là cán bộ đảng viên.

Điều trên có nghĩa là chấm dứt chủ nghĩa lý lịch.

5. Đảng phải có cơ chế lắng nghe và phản hồi ý kiến góp ý, phản biện của của nhân dân ; Đảng tin dân, kính trọng dân, dựa vào nhân dân, làm lợi cho nhân dân. Có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng và phát triển đất nước.

Trải nghiệm từ việc nhiều người bị chụp mũ chính trị hóa khi tham gia phản biện, đủ làm nản lòng ở cả người kiên nhẫn nhất trong thiện chí đóng góp.

6. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân : công dân, đại diện nhân dân giám sát quá trình ra quyết định, hệ quả các quyết định của Đảng liên quan tới công dân và quốc gia ; có quyền kiến nghị, tỏ thái độ tán thành hay không tán thành về quyết định ấy, hoặc kiến nghị xử lý…, hoặc qua bỏ phiếu tín nhiệm của nhân dân.

7. Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Cơ quan đảng phải có trách nhiệm giải thích, giải trình, hoặc thay đổi quyết định sai trái, xử lý những người sai phạm, từ chức cá nhân, hoặc chịu truy tố… tùy theo mức độ sai phạm…

8. Là Đảng cầm quyền, Đảng nắm và sử dụng quyền lực nhà nước, phát huy cao nhất quyền lực của nhân dân, vì nhân dân, Đảng cần có cơ chế độc lập kiểm soát quyền lực của Đảng từ bên trong và bên ngoài, phát huy dân chủ, chống độc đoán, chuyên quyền, Đảng cầm quyền theo Hiến pháp và luật pháp, và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và luật pháp.

Để làm tốt yêu cầu trên, cần thiết có nền báo chí độc lập song song báo chí định hướng của Tuyên giáo Đảng.

9. Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân không phải là do Đảng và Nhà nước định ra, sang nhượng hoặc ban phát, mà ngược lại, quyền hạn và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là do nhân dân ủy thác.

Nguyễn Huỳnh (ghi nhận)

Nguồn : VNTB, 26/03/2021

Published in Diễn đàn

Việc chống tham nhũng cần được làm một cách 'công bằng và khách quan', ý kiến từ giới quan sát tại Việt Nam nói với BBC trong một bàn tròn trung tuần tháng Tư năm 2018 xung quanh điều được cho là một cuộc chiến 'một mất một còn' chống tham nhũng và công cuộc chỉnh đốn làm trong sạch đảng và chính quyền đang được tiến hành ở Việt Nam.

chong1

Ông Đinh La Thăng là bị cáo có chức vụ cao cấp nhất bi đưa ra xét xử trong các 'chiến dịch chống tham nhũng' và 'chỉnh đảng' gần đây của Đảng cộng sản Việt Nam

Các quy định tuy là nội bộ của Đảng cộng sản nhưng cần phải xem xét tính chất hợp hiến, cũng như tham chiếu các quyền phổ quát về nhân quyền của con người để tránh nguy cơ có thể trở nên 'vi hiến', hay 'vi phạm nhân quyền', vẫn theo các bình luận được trình bày ở Bàn tròn thứ Năm của BBC tiếng Việt hôm 12/4/2018.

Các ý kiến trong dịp này cũng đặt vấn đề về việc phải chăng một số tranh cãi trong các quy định nội bộ của Đảng cộng sản có thể có nguồn gốc từ việc thiếu một đạo luật về đảng phái hay về Đảng cộng sản (có thể gọi là Luật về Đảng) ở Việt Nam.

Việt Nam : Mới mẻ trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm ?

Trước hết, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam, nêu quan điểm riêng :

"Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là làm gì thì làm, chống tham nhũng sao thì chống và quyết tâm như thế nào thì quyết tâm, nhưng phải cho công bằng cho khách quan và phải chống tham nhũng chính trong nội bộ Đảng cộng sản chứ không phải chống ở đâu.

"Và trong nội bộ Đảng cộng sản nghĩa là ông (Tổng bí thư) Nguyễn Phú Trọng phải làm một cách công bằng, công tâm và theo như ông nói là "không có vùng cấm". Nhưng mà cho đến giờ vẫn hình thành rất nhiều 'vùng cấm' ngay sát sườn ông ta mà không hiểu vô tình hay hữu ‎‎ý, hay là một cách 'đầy chủ ý' nào đó mà ông ta vẫn bỏ qua.

"Ví dụ, mới đây người ta mới phát hiện ra một cơ sở sản xuất thuốc ung thư ở Việt Nam từ bột làm từ gốc tre. Công an nhảy vào [cuộc], tất cả đều nhảy vào và làm lớn chuyện lên. Trong khi đó vụ Bộ Y tế có một công ty đã nhập thuốc ung thư giả và có thể nói là mang tới cái chết cho rất nhiều bệnh nhân ung thư... Nhưng cho tới giờ ông Nguyễn Phú Trọng vẫn hoàn toàn không ngó ngàng gì tới kiến dư luận...

"Do đó, Quy định 102 cần phải làm sao cho công bằng cho khách quan. Theo dân gian hay nói là không chỉ chống tham nhũng thời kỳ trước mà còn phải chống tham nhũng thời kỳ này, không chỉ chống tham nhũng ở 'phe đối phương' mà còn phải chống tham nhũng ở 'phe ta'… Còn nhiều quan chức [được cho là] 'bên cạnh sườn' nhưng vẫn chưa được xử lý".

'Chống từ từ, không dàn quá rộng'

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) bình luận :

"Tôi nghĩ nếu có chống thì phải chống từ từ chứ không thể cùng một lúc dàn mặt trận ra quá rộng.

"Tôi nghĩ có thể đó là một kế hoạch chưa triển khai. Trong thời gian vừa qua chúng ta có quá nhiều bất ngờ về những vụ việc, về những người bị đưa ra xử lý mà trước đó không ai nghĩ rằng sẽ được đưa ra xử lý".

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận về khía cạnh hợp hiến hay không của các văn bản quy định nội bộ của Đảng cộng sản và hướng xử lý ra sao, ông nói :

"Đây là luật của Đảng, nếu anh đồng ý thì ở trong Đảng, nếu không đồng ý thì ra hay thế nào đó tùy. Cho nên có những quy định hơi không bình thường nhưng rõ ràng có những luật riêng của Đảng thì đó là quy định".

Trước câu hỏi xử lý thế nào nếu một tổ chức đảng phải chính trị, mà dù là một đảng cầm quyền, mà có những quy định gây quan ngại là có thể 'trái với những nguyên tắc phổ quát' của nhân quyền đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi, Luật sư Trần Quốc Thuận nói tiếp :

"Ở Việt Nam chưa có quy định đó và có những quy định khác là quy định riêng của Đảng và người ta có quyền nói như thế. Việt Nam cũng chưa có quy chế như vậy về việc xử lý Đảng. Quy định trong điều 4 có nói rằng Đảng cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, nhưng quyết định của Đảng cũng có nhiều cái sai nhưng đâu thấy xử gì đâu.

"Cho nên người ta lôi cái khác của người ra để xử thì đó là câu chuyện khác. Cho nên ở Việt Nam hai cái đó còn có một cự ly mà chưa có quy định để kết nối lại được".

Cũng từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, nêu quan điểm về vấn đề này :

"Tuy văn bản mang tính nội bộ trong Đảng cộng sản, nhưng Đảng này là đảng cầm quyền nên những quy định của họ đều tác động rất nhiều đến đời sống của một quốc gia. Do đó, tuy nói là văn bản của Đảng nhưng phải phù hợp với luật pháp".

'Nhiều luật, nhưng vẫn thiếu Luật về Đảng'

Về vấn đề được cho là Việt Nam còn thiếu một bộ luật hết sức cơ bản là 'Luật về Đảng', Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn, tiếp tục nêu quan điểm riêng :

"Vô số luật nhưng vẫn thiếu những bộ luật cơ bản nên không thể xử những sự việc như vừa nêu. Từ 2013, nhiều người đã đặt ra vấn đề hệ thống đảng cầm quyền ở Việt Nam cần có một luật về đảng. Tại sao đòi hỏi rất nhiều thứ mà không có một bộ luật riêng về đảng để xem đảng phải chịu trách nhiệm với những hậu quả gây ra như thế nào ?

"Rất nhiều lĩnh vực khác đã có luật nhưng riêng về đảng không có luật. Yêu cầu đó chỉ được nêu trên mạng xã hội và một số nhóm, trong khi báo chí trong nước không nêu điều đó. Sau đó cũng có những kiến nghị với Đảng cộng sản về điều đó nhưng Đảng lờ đi. Trong năm 2013 ông Trọng cũng có lời phát biểu nổi tiếng rằng "cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến Pháp".

"Một khi cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến Pháp mà Hiến Pháp còn quan trọng hơn các luật , luật còn quan trọng hơn tất cả các văn bản dưới luật, thì suy cho cùng, tất cả những văn bản dưới luật không quan trọng bằng cương lĩnh Đảng. Có nghĩa là đảng là tất cả và chỉ cần một lời nói của ông Trọng thì không có chuyện chúng ta truy ngược lại những nội dung của quyết định 102 sai ở chỗ nào.

"Đảng cộng sản Việt Nam có thể nói rằng đó là dựa theo cương lĩnh Đảng, chỉ thị của Đảng. Mà chỉ thị hay cương lĩnh là một sự vô cùng, vô cực, vô giới hạn, không thể bàn được về mặt luật pháp. Tôi cho rằng có những nội dung của văn bản Quy định 102, đặc biệt là điều tra về đảng viên đã qua đời có thể là vi hiến, vi phạm luật pháp.

"Nhưng với đảng cầm quyền thì sẽ không có chuyện xử lý những sai phạm như vậy trừ khi có một điều luật riêng về Đảng. Nếu có đảng viên nào nói về điều đó thì ông Trọng sẽ 'cấm' đảng viên đó, không cho nói về Bộ Luật về Đảng, cũng như tôi đã từng nghe việc không cho đảng viên nói tới tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng hoặc vụ Trịnh Xuân Thanh".

Khi được yêu cầu bình luận các ý kiến khác có liên quan, Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng nói :

"Tôi cũng tán thành một số kiến của các khách mời. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoàn toàn thì họ có thể đưa ra bất cứ quy định gì. Đảng cộng sản luôn luôn khẳng định đảng viên là những người ưu tú. Nếu những người ưu tú làm sai thì phải xử lý nặng hơn người không ưu tú.

"Do đó, Đảng mới đưa ra những cương lĩnh, quy định cho đảng viên của mình. Như vậy, nó có khoảng vênh giữa Hiến Pháp với các quy định riêng của Đảng".

'Cuộc đấu tranh không có điểm dừng'

Cũng tại Bàn tròn của BBC, các khách mời bình luận quanh câu hỏi của khán giả gửi trực tuyến cho chườn trình và hỏi liệu có dấu hiệu của đấu tranh phe phái trong nội bộ Đảng cộng sản và chính quyền hay không, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp :

"Từ nghị quyết 4 của Khóa 11, người ta nói đang có cuộc tấn công vào nhóm lợi ích và người ta gọi nhóm lợi ích là nhóm tiêu cực. Trong khi đó, trong cuộc đấu tranh trước nó không tiến hành được, điều này do tương quan thực tế. Tương quan thực tế đó được nhìn thấy rất rõ trong Trương ương 6 khóa 11, khi Bộ Chính trị 100% đề nghị kỷ luật, khiển trách 'đồng chí X' và cả tập thể Bộ Chính trị.

"Nhưng mà đưa ra Trung ương thì 72% [phiếu biểu quyết] là không kỷ luật. Như vậy, đó cũng là ý chí của Đảng và sau này vào Đại hội 12 cơ quan đó có khác đi một chút thì 'đồng chí X' không còn, nhưng những người của nhóm lợi ích vẫn còn. Vậy thì nó cũng có một tương quan nào đấy dẫn đến Đinh La Thăng phải ra đi và người ta nói một số người không dự kiến rồi cũng sẽ ra đi.

"Bởi vì tình hình bây giờ khác cho nên cuộc đấu tranh đó nó có vấn đề tương quan trong Đảng, tương quan giữa những người đấu tranh và những người tiêu cực. Nếu nói là phe thì nó là phe tham nhũng và phe chống tham nhũng. Nhưng tại sao không chống được là do tương quan. Tương quan đó nhìn vào Trung ương 6, khóa 11 nói rất rõ, tức là 72% nói không kỷ luật bởi vì nếu kỷ luật 'đồng chí X' thì về cơ quan về địa phương ai bỏ phiếu kỷ luật mình, thì mình cũng những sai phạm như vậy.

"Cho nên mới nhìn vào phiếu đó để mình đánh giá thực sự là cái dấu hiệu tiêu cực suy thoái trong Đảng đã đến mức nào. Đó là một cái mình nghe thấy mình giật mình. Cho nên cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh một mất một còn. Cuộc đấu tranh này là rõ ràng không có điểm dừng bởi vì dừng lại thì nhiều người hiểu lầm.

"Cho nên bây giờ riêng quyết định 1.000 cán bộ cao cấp phải kê khai tài sản và công khai tài sản. Và trong công khai đó có điều quyết định là phải truy nguồn gốc tài sản, thì tôi tự hỏi không biết còn lại được mấy người ? Đó là cái người ta đang chờ đợi có làm hay không. Bởi vậy trong luật sửa đổi phòng chống tham nhũng người ta đặt vấn đề đó ra cũng là trọng đại. Nhưng mà nếu làm cái đó thì rõ ràng là một cuộc sinh tử. Nếu Đảng đưa ra mà không làm thì làm sao dân người ta tin được ? Cho nên người ta chỉ nói thôi".

'Nếu không từ chức, không đi tới đâu'

Trước câu hỏi của BBC rằng có ý kiến nói tất cả 'câu chuyện chống tham nhũng' vừa rồi là chỉ trong nội bộ Đảng cộng sản mà thôi, liệu nay nhà nước Việt Nam, trong đó có Đảng cộng sản, có nên mở rộng ra, trao quyền cho người dân để họ kiểm soát quyền lực của đảng, giám sát nhà nước và chống tham nhũng để được hữu hiệu hơn, Luật sư Thuận đáp :

"Đó là điều lý tưởng. Nhưng mà ở riêng trong Đảng tổ chức ra một bộ phận để kiểm soát quyền lực đó cũng chưa tổ chức xong mà cũng không làm được. Những cơ quan như thanh tra, kiểm tra có quyền lực ghê gớm nhưng cũng không kiểm soát được, thậm chí là những cơ quan đó họ phát hành văn bản là không có chuyện này, không có chuyện kia. Chẳng hạn như thanh tra Chính phủ trong vụ AVG với Mobiphone thì bao nhiêu năm vừa qua đều tuyên bố không có [vấn đề gì].

"Cho nên giờ thấy ông Tổng Bí thư lãnh đạo mới thì người ta mới kết luận được cơ bản về vụ AVG. Cũng như trong Đại hội đảng vừa qua thì ngay Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng người ta cũng phát hành ra văn bản bảo rằng ông này ông kia chẳng có vấn đề gì cả, hoàn toàn không có trong đó cả ông Đinh La Thăng và ông A, hay ông B nữa, nhiều lắm. Nhưng cuối cùng thì cơ quan đó phát hành văn bản ra thì cũng cơ quan đó có đủ thứ chuyện, thì sao họ tâu ?

"Cho nên câu chuyện rõ ràng là phải đặt ra một bộ máy để tự kiểm soát được là rất khó, mà đó là một bộ máy kiểm soát khác. Kiểm soát khác ở Việt Nam người ta nói phải chăng là để báo chí hay là đoàn thể. Nhưng báo chí ở Việt Nam cũng có một ông Tổng biên tập, đoàn thể nào thì cũng là Đảng cả mà Đảng cho làm thì làm, Đảng không cho làm, thì sao làm được ?

"Cho nên câu chuyện là ở chỗ Đảng phải tự mổ xẻ mình để tồn tại. Đó là chuyện sống còn mà người ta đang hô khẩu hiệu rất nhiều. Cho nên người ta thấy một số thành quả người ta cũng hy vọng làm tới và cứ làm tới khi cán bộ công khai tài sản lên rằng 'tôi chỉ có tài sản này thôi', nếu ai phát hiện có tài sản khác thì trước hết phải từ chức đã. Còn nếu chỉ đưa ra thảo luận này kia, thì không đi tới đâu.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng bình luận : "Là người làm xã hội học, làm nghiên cứu, thì phải có bằng chứng mình mới có thể đi đến những bình luận kết luận. Cho nên những gì đang là trong kế hoạch hay chưa xảy ra sẽ là rất khó để tôi có thể bình luận. Và thực tế là có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về việc ai sẽ là người tiếp theo. Những thông tin đấy có quá nhiều nguồn mình biết là nguồn chính xác để kiểm chứng. Cho nên cái gì nó xảy ra thì mình biết là nó xảy ra.

"Nhưng mà tôi cũng có niềm tin rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa dừng lại và nó sẽ kết thúc như thế nào cũng rất khó để kết luận. Và chuyện có những nhóm này nhóm khác ở trong đảng hay không thì cá nhân tôi không có đủ nguôn thông tin được kiểm chứng để tôi có thể khẳng định là những nhóm nào. Tôi chỉ biết là trong Đảng có những người tham nhũng và một số người tham nhũng đang bị đưa ra để xử lý.

"Và việc những người tham nhũng đang bị đưa ra xử lý trong thời gian vừa qua thì nó nhóm lên niềm tin của người dân rằng là những điều sai trái phải được xử lý và và mong đợi sự trong sạch của Đảng cũng giúp cho đất nước này phát triển hơn vì Đảng là đảng cầm quyền.

"Vấn đề tiếp theo nữa, là một người nghiên cứu, tôi cũng hay nghe được kiến của người dân là thế thì xử lý những vụ tham nhũng nghìn tỉ như mấy vụ đánh bạc vừa rồi hoặc xử lý những vụ tham nhũng lớn hơn trước đây thì tiền đó có thu hồi được hay không và thu hồi rồi thì xử lý như thế nào, sử dụng như thế nào ? Thì cần có sự minh bạch về chuyện đó để người dân thấy là chống tham nhũng mang lại kết quả cụ thể là những khoản tiền thu lại đó được dùng vào việc xây dựng cầu bè hay trả nợ".

'Công tâm hay để mất điểm ?'

Từ Sài Gòn, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi về tính công tâm của việc chống tham nhũng trong Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền, ông nói từ quan điểm riêng :

"Việc đấu đá hay xung đột hay phe phái nội bộ là cả một quá trình lịch sử trong toàn bộ các triều đại lịch sử ở dân tộc Việt Nam chứ không phải chỉ bây giờ. Bây giờ cũng chỉ là một trong những ví dụ ở trong lịch sử mà thôi. Người ta nói rất nhiều về việc đấu đá xung đột phe phái tranh giành lợi ích của các nhóm, nhưng đúng là chỉ có xã hội chứng minh được chứ trong nội bộ Đảng không bao giờ đưa ra được chứng minh hay thuyết minh nào về chuyện này.

"Tôi chỉ nêu vài dẫn chứng và cũng là chứng minh cho luận thuyết liệu có xung đột hay đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ hay không. Vào tháng 10/2017 lần đầu tiên có một nhân vật là Lê Quý Vương là Thượng tướng Thứ trưởng Bộ công an phát ngôn trước báo chí là "Chống tham nhũng chủ yếu là chống tham nhũng thời kỳ trước". Người ta đặt câu hỏi thời kỳ trước là thời kỳ nào, sao nó bí ẩn như vậy ?

"Rất nhiều người suy ra thời kỳ trước là 'thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng'. Nó có độ tin cậy, độ xác tín tương đối là thế này. Tại vì ông Lê Quý Vương được nhiều dư luận cho là người tin cẩn của ông Nguyễn Phú Trọng. Cho nên ông Lê Quý Vương đã nói ra thì điều đó là đúng. Và có nghĩa là chống tham nhũng chủ yếu là chống tham nhũng thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải thời kỳ này. Đó là một chứng minh.

"Chứng minh thứ hai là trường hợp ông Đinh La Thăng. Tôi nghe rất nhiều chuyện về các quan chức dầu khí, có gần 200 quan chức như vậy 'nhúng chàm'. Và như vậy chuyện ăn uống, tham nhũng, tham ô… thì vô cùng tận. Nhưng chỉ có điều là nói là như vậy nhưng để kết án một con người thì quả là không dễ dàng. Trở lại chuyện ông Đinh La Thăng 'bị xử ép' tới mức ông ta phải thốt lên một câu nói để đời là "Hãy đối xử với tôi như một con người".

"Lần đầu tiên một quan chức xuất thân từ Bộ chính trị mà nói ra kiểu đó thì có nghĩa chúng ta hiểu là môi trường đó Đinh La Thăng đã được đối xử không phải là [như với] một con người và hai phiên tòa xử án Đinh La Thăng, một phiên xử 119 tỷ đồng và phiên tòa thứ hai là 800 tỷ đồng, đặc biệt là đã không chưng ra được bất kỳ một chứng cứ mang tính thuyết phục nào về độ tham ô tư túi tham nhũng của ông Thăng. Vậy mà vẫn kết án Đinh La Thăng ở một phiên tòa là 13 năm và ở một phiên tòa khác là 18 năm tù giam.

"Về quan điểm của tối đối với ông Đinh La Thăng, tôi hoàn toàn không thể chấp nhận những quan chức tham nhũng. Và với ông Thăng, ông ấy còn gây ra một thành 'tích vô cùng lớn' ở đất Sài Gòn tức là đã 'phá' Chùa Liên Trì là một ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một ngôi chùa đại diện cho dân chủ và nhân quyền. Đó là một 'tội lỗi vô cùng lớn' của ông Đinh La Thăng, chưa kể những 'tội lỗi về tham nhũng' khác.

"Nhưng nói công bằng, khách quan thì việc xử ép Đinh La Thăng và quy án ông Thăng về chuyện tham nhũng là không thuyết phục. Và hai phiên tòa đó theo tôi biết là giới luật sư cũng đã phản ứng khá nhiều mặc dù không thể nói mạnh miệng. Đinh La Thăng được coi là 'người thân tín' của Nguyễn Tấn Dũng và bị xử ép. Đó là chứng minh thứ hai cho thấy chống tham nhũng không công bằng.

"Và điều thứ ba chúng ta cũng vừa đề cập, tức là khi xảy ra việc chống tham nhũng không công bằng có nghĩa là mang yếu tố, mang dấu hiệu hay mang mục tiêu thanh trừng phe phái, thì có nghĩa là xuất hiện một khoảng trống rất lớn hoặc sự bất công rất lớn giữa hai phe với nhau. Có nghĩa là phe này chống phe kia và chỉ có 'diệt đối tượng' của phe kia chứ không phải là 'diệt' người của phe mình.

"Có nghĩa là chúng ta đang nhắc lại bài học..., một số Bộ bị rất nhiều dư luận phê phán chỉ trích nhưng [lãnh đạo] vẫn không chịu từ chức cho tới lúc này. Tất cả những vị như vậy vẫn đang bình yên. Điều đó cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng ít nhất là cho tới thời điểm này đã không công tâm hoặc là chưa công tâm trong việc chống tham nhũng. Và ông ta đang mất điểm về chuyện này", từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với Bàn tròn của BBC Tiếng Việt.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 15/04/2018

Published in Diễn đàn