Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/03/2021

Cần có luật về đảng để không còn vịn cớ thế lực thù địch

Lâm Viên - Nguyễn Huỳnh

Luật về đảng cầm quyền : Đảng tự lấy đá ghè chân mình ?

Lâm Viên, VNTB, 26/03/2021

Ông Bùi Minh Quốc, cựu phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, từng nói rằng ông sẽ vận động để Quốc hội sớm có luật về đảng cầm quyền.

dang1

Cần Đức trị song hành cùng Pháp trị

"Vận động các đại biểu khác cùng các công dân có chung quan điểm và nhiệt huyết tích cực chủ động đấu tranh ôn hòa, kiên nhẫn thuyết phục Đảng cộng sản Việt Nam nếu muốn giành được vị trí đảng cầm quyền, thì phải bãi bỏ cung cách đảng cử dân bầu ; phải có đường lối đúng được đa số công dân tán thành và giới thiệu được những đảng viên thực sự là tinh hoa về năng lực và phẩm chất ra ứng cử trong một chế độ ứng cử bầu cử tự do, nếu các đảng viên trúng cử chiếm đa số trong Quốc hội, thì đảng trở thành đảng cầm quyền một cách đàng hoàng theo thực chất tín nhiệm của công dân – cử tri ; phải tôn trọng quyền tự do ứng cử của những người không thuộc Đảng cộng sản Việt Nam và triệt để tự đổi mới mình để chủ động chuẩn bị cạnh tranh với các lực lượng chính trị khác tất yếu sẽ xuất hiện (*).

Ông Bùi Minh Quốc có đoạn diễn giải như trên trong "Cương lĩnh chính trị" lúc ông tuyên bố tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14.

Đảng tự lấy đá ghè chân mình ?

Ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị duy nhất, và đây cũng là đảng cầm quyền. Nếu giờ soạn thảo luật về đảng cầm quyền, phải chăng luật này cũng thuộc nhánh lập pháp do Quốc hội chịu trách nhiệm – trong khi đó thì các chức Chính phủ đều do Bộ Chính trị – tức đảng chính trị cũng là đảng cầm quyền, quyết định ?

Trong tiểu luận "Tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam ?" của nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn tại Hà Nội, đưa ra cách hiểu về đảng chính trị đó là không chỉ đơn thuần đấu tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm chính trị, mà còn đấu tranh để giành quyền đại diện cho người dân trong quốc hội.

"Thông thường, các đảng chính trị đều giành quyền lực thông qua việc bỏ phiếu của người dân. Trách nhiệm của đảng chính trị đối với người dân thể hiện qua việc thực hiện các cam kết mà đảng chính trị đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ý chí của người bỏ phiếu có ý nghĩa rất quan trọng đối với một đảng chính trị" – tác giả Hoàng Sơn viết.

Vẫn theo nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn, nếu các nhà nước muốn "đặt một đảng chính trị nào đó ra ngoài vòng pháp luật", các nhà nước này có xu hướng từ chối hoặc không thừa nhận địa vị pháp lý của đảng đó. Một cách thường gặp là các quốc gia không quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp của họ.

Vậy thì ở Việt Nam, nếu bắt tay xây dựng dự án luật về đảng cầm quyền như đề xuất của ông Bùi Minh Quốc, thì cần điều chỉnh bằng pháp luật ra sao trước đề bài đặt ra của đảng về vấn đề ‘quyền lực’ : Tuy Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng Đảng giữ quyền lực về chính trị, quyền lực về tư tưởng chính trị, quyền lực về tổ chức bộ máy và nhân sự, quyền lực về kiểm tra… chi phối và dẫn dắt đối với toàn bộ hệ thống chính trị và sự vận động của chế độ, của đất nước.

Như vậy, về nguyên tắc rất khó có việc Đảng tự lấy đá ghè chân mình, qua việc có thể bị trói buộc trong sự điều chỉnh về lập pháp bằng luật về đảng cầm quyền.

Nếu Đảng tự tin, thì cần tử tế có luật về đảng cầm quyền !

Trong hầu hết các văn kiện Đảng đều có chung một ý là "Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai hoặc buông lỏng quyền đó". Và Đảng đã biện minh rằng với vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Dĩ bất biến ứng vạn biến", cho các quyết định được cho là ‘nằm ngoài quy định pháp luật’ – kiểu như chuyện người dân chưa đi bầu cử, nhưng Đảng đã ‘đâu vào đó’ các chức danh lãnh đạo ở Quốc hội nhiệm kỳ mới, lý do "đồng bộ nhân sự Bộ Chính trị" khóa XIII.

Dẫu vậy, Đảng vẫn cần đến luật về đảng cầm quyền, để qua đó có thể giúp Đảng có được sự chính danh bền vững.

Sau đây là một số lý do cho chuyện nếu có luật về đảng cầm quyền, ắt hẳn sẽ khiến các đảng viên dè dặt hơn :

Trước hết, bất chấp chuyện ‘củi – lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, không khó được nhận ra ở không ít nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ bị không ít người, tổ chức đảng lợi dụng, cắt xén hoặc trương lên thành tấm bình phong để che đậy mưu đồ cá nhân và hành động phá rối tổ chức hoặc vô hiệu hóa tổ chức, thành "con dao hai lưỡi" để mưu đoạt lấy lợi ích cho bản thân, rắp tâm "chui sâu, leo cao" vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý.

Nguy hại hơn, mượn hoặc nhân danh nguyên tắc này để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành "bầu trời riêng", với "tôn ti riêng"… để thực thi mưu đồ cá nhân, phe nhóm…

Mặt khác, không ít người biến việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình thành cái gọi là "vũ khí" rất màu nhiệm để tâng bốc, tán dương nhau nhưng lại nhân danh "thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương" như lời của V.I. Lê-nin, nhằm để thực thi mưu đồ vu vạ, hãm hại đồng chí, hạ nhục và loại bỏ những người không cùng cánh với họ, để thao túng nội bộ Đảng nhằm "vinh thân phì gia", phù phép cho lợi ích nhóm…

Thứ hai, kỷ luật của Đảng, Điều lệ của Đảng là pháp luật của Đảng bị không ít người ở một số tổ chức đảng biến thành "thanh kiếm phường chèo" với phe cánh họ, nhưng lại là "lưỡi gươm oan nghiệt" đối với đồng chí, nhất là những người trung thực, dũng cảm đấu tranh với các tệ nạn trong Đảng, mà họ là thủ phạm.

Núp dưới chiêu bài "giữ nghiêm kỷ luật", họ "thanh lọc đội ngũ" một cách có lợi cho họ. Thực chất, họ đã vô hiệu hóa sức mạnh của kỷ luật đảng, của Điều lệ Đảng, biến tổ chức đảng thành "vương quốc" riêng nhằm thực thi những mưu đồ cá nhân, vô hình tạo nên nạn bè phái, cát cứ ngay trong tổ chức đảng, trong cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Có thể nói, với sự hành xử như vậy, nhóm đảng viên như trên đã tự biến mình thành những người tha hóa, những "ông vua con", làm công cụ phá hỏng đoàn thể và phá hoại tổ chức ; biến những tổ chức đảng nơi họ phụ trách và sinh hoạt thành hoặc là "bầu trời riêng", biến tổ chức thành "hữu danh vô thực" hoặc bị tê liệt, mất sức chiến đấu. Họ hạ thấp và tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nếu đến thời điểm này Đảng vẫn là "đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động", "một lòng một dạ tận tụy phụng sự nhân dân", vì "Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam", "không thiên tư thiên vị"… thì có lẽ chức trách lập pháp của Quốc hội khóa XV tới đây, là cần xây dựng cho bằng được luật về đảng cầm quyền.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 26/03/2021

Chú thích :

(*)https://www.facebook.com/quoc.buiminh.568/posts/445373823436841

**************

Đảng cần làm gì trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ?

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 26/03/2021 

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá Đảng cộng sản Việt Nam với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc

dang00

"Hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá Đảng cộng sản Việt Nam với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng trước nhân dân, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với cách mạng Việt Nam".

Chuyên mục "Bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng" ở các tờ báo thuộc Đảng bộ địa phương, thường có nội dung với các cảnh báo như đoạn trích trên.

Vậy cần làm gì để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ?

Vì lý do là vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị, xin được ẩn danh người nêu ý kiến.

Ghi nhận của biên tập viên Nguyễn Huỳnh, trang Việt Nam Thời Báo.

Một

Nhân dân ủy thác cho Đảng cộng sản Việt Nam vai trò lãnh đạo nhà nước. Đảng phải trung thành và đại biểu xứng đáng cho lợi ích của nhân dân và đất nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Sự ủy thác đó có thể được ghi nhận trong Hiến pháp thông qua thủ tục lập hiến.

Và để thực sự giám sát thì cần sớm xây dựng Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này cần thiết đối với cả đất nước và Đảng.

Hai

Người dân cần sự cam kết cụ thể của Đảng về ít nhất là 9 nội dung cụ thể sau đây :

1. Trong xã hội dân chủ, Đảng chính trị trở thành đảng cầm quyền, thông bầu cử tự do theo pháp luật.

2. Đảng cộng sản Việt Nam, là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc ; là trung tâm đoàn kết và hòa hợp dân tộc, thực hành dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Vậy thì kiên quyết Đảng không được trao quyền lực và lợi ích nào khác ngoài quyền lực và lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên những gì xảy ra trong lãnh vực đất đai như ở Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Lộc Hưng cũng nhiều nơi khác cho thấy đã không hẳn như vậy về chuyện quyền lực Đảng.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và gương mẫu thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đảng phải tôn trọng Nhà nước, Đảng không được bao biện, làm thay công việc của Nhà nước và của đoàn thể.

Vậy thì trước tiên cần làm rõ "pháp luật của Đảng" là gì ?

4. Đảng tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên để giới thiệu với nhân dân bầu vào các vị trí đại diện của Nhà nước và đoàn thể, hoặc để được bổ nhiệm vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể. Đảng tôn trọng, trân trọng cán bộ ngoài Đảng và cán bộ ngoài Đảng bình đẳng với cán bộ là cán bộ đảng viên.

Điều trên có nghĩa là chấm dứt chủ nghĩa lý lịch.

5. Đảng phải có cơ chế lắng nghe và phản hồi ý kiến góp ý, phản biện của của nhân dân ; Đảng tin dân, kính trọng dân, dựa vào nhân dân, làm lợi cho nhân dân. Có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng và phát triển đất nước.

Trải nghiệm từ việc nhiều người bị chụp mũ chính trị hóa khi tham gia phản biện, đủ làm nản lòng ở cả người kiên nhẫn nhất trong thiện chí đóng góp.

6. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân : công dân, đại diện nhân dân giám sát quá trình ra quyết định, hệ quả các quyết định của Đảng liên quan tới công dân và quốc gia ; có quyền kiến nghị, tỏ thái độ tán thành hay không tán thành về quyết định ấy, hoặc kiến nghị xử lý…, hoặc qua bỏ phiếu tín nhiệm của nhân dân.

7. Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Cơ quan đảng phải có trách nhiệm giải thích, giải trình, hoặc thay đổi quyết định sai trái, xử lý những người sai phạm, từ chức cá nhân, hoặc chịu truy tố… tùy theo mức độ sai phạm…

8. Là Đảng cầm quyền, Đảng nắm và sử dụng quyền lực nhà nước, phát huy cao nhất quyền lực của nhân dân, vì nhân dân, Đảng cần có cơ chế độc lập kiểm soát quyền lực của Đảng từ bên trong và bên ngoài, phát huy dân chủ, chống độc đoán, chuyên quyền, Đảng cầm quyền theo Hiến pháp và luật pháp, và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và luật pháp.

Để làm tốt yêu cầu trên, cần thiết có nền báo chí độc lập song song báo chí định hướng của Tuyên giáo Đảng.

9. Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân không phải là do Đảng và Nhà nước định ra, sang nhượng hoặc ban phát, mà ngược lại, quyền hạn và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là do nhân dân ủy thác.

Nguyễn Huỳnh (ghi nhận)

Nguồn : VNTB, 26/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên, Nguyễn Huỳnh
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)