Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm nào miền Trung cũng gánh chịu mưa lũ vào những tháng cuối năm. Giới nghệ sĩ, hầu hết ở miền Nam, đều có những người đứng ra kêu gọi từ thiện giúp nạn nhân bị bão, lũ. Nổi bật có thể kể đến ca sĩ Thủy Tiên với cả trăm tỷ quyên góp năm 2020 và MC Phan Anh năm 2016 với hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ như Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành... được dư luận biết đến rộng rãi chuyện quyên tiền từ thiện sau những video clip của bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo họ ăn chặn từ thiện vào năm ngoái.

nghesi1

Bờ biển Đà Nẵng hôm 28/9/2022 - AFP

Sau đó, nghệ sĩ Hoài Linh thừa nhận đã chậm giải ngân số tiền hơn 14 tỉ đồng mà vào năm 2020 đã kêu gọi để hỗ trợ người dân miền Trung. MC Trấn Thành thì đăng tải toàn bộ sao kê tài khoản ngân hàng lên Google Drive liên quan đến kêu gọi từ thiện trước đó. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện bà Phương Hằng do có những lời lẽ mang tính xúc phạm gây ảnh hưởng đến đời sống cá nhân ông quanh chuyện quyên tiền từ thiện.

Từ những lùm xùm như vậy, cách đây đúng một năm, ngày 29/09/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho báo chí cho biết, công an sẽ điều tra hoạt động từ thiện nếu thấy dấu hiệu của việc chiếm đoạt. Theo ông Xô, đây là tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Cùng lúc, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định mới về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện.

Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố ; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Điều 17 Nghị định này cho phép cá nhân kêu gọi từ thiện nhưng phải có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối. Đồng thời gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Nghị định này được cho là đã khắc phục hạn chế của Nghị định 64/2008/NĐ-CP vốn chỉ ghi nhận quyền vận động quyên góp từ thiện của các tổ chức như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương và một số tổ chức đơn vị ở trung ương.

nghesi2

Người dân Hội An tránh bão trong một trường học hôm 27/9/2022. AFP

Nghị định 64/2008/NĐ-CP nhấn mạnh, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nghị định mới đã rộng mở hơn nhưng lại vắng bóng nghệ sĩ đứng ra quyên góp giúp nạn nhân bão lũ miền Trung vừa hứng chịu cơn bão số 4 (bão Noru).

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định nguyên nhân với RFA sáng 29/09/2022 :

"Cái thứ nhứt, sức dân ở trong Nam đã kiệt quệ sau đợt chống dịch như chống giặc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái. Từ đó dẫn tới cái thứ hai là tình nghĩa đồng bào bị mài mòn nhẵn nhụi. Từ cách ứng xử của nhà cầm quyền đã gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong dân chúng. Vì vậy nó dẫn tới cái thứ ba là lòng dân trong này có thể nói là rất rã rời, bởi công ăn việc làm hiện nay rất khó khăn cùng với nền kinh tế lạm phát thấy rõ.

Cái thứ tư là uy tín của các nghệ sĩ gần như không còn sau đụng độ với bà Nguyễn Phương Hằng hồi năm ngoái. Dù sau đó phía công an đã xác định sự trong sáng của họ. Nhưng sự xác định này nó không cứu vãn nổi danh dự của họ. Bây giờ, nếu giới nghệ sĩ nói chung mà đứng ra kêu gọi từ thiện thì họ cũng cầm chắc sự thất bại thảm hại.

Trong hiện tình thất bại của việc kêu gọi cứu trợ nói riêng, cũng như cái quan trọng nhứt mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bấy lâu nay luôn luôn đeo đuổi, là đại đoàn kết dân tộc, thì sự thất bại hoàn toàn đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn diện và liên tục".

Mới đây, hoa hậu Thùy Tiên kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp cho quỹ từ thiện của bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Miss Grand Vietnam để giúp đỡ các tỉnh miền Trung. Chỉ một ngày sau, cô ngừng đưa thông tin kêu gọi quyên góp. Nhiều người góp ý trên báo chí rằng Thùy Tiên nên kêu gọi quyên góp cho các tổ chức Nhà nước thay vì tài khoản cá nhân.

Trên trang Facebook cá nhân, bà Phạm Kim Dung viết : "Chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành Phố Hồ Chí Minh để cùng thực hiện. Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đến nhận bảng tổng số tiền đóng góp tại đêm chung kết Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam - Miss Grand Việt Nam 2022".

Từ nhiều năm qua, người dân dường như không tin tưởng đóng góp từ thiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Hội Chữ thập đỏ. Đó là lý do họ đóng góp cho các nghệ sĩ, là những người được công chúng biết đến. Tuy nhiên, mùa bão lũ năm nay lại không thấy nghệ sĩ nào đứng ra quyên góp.

Luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải với RFA sáng 29/09/2022 :

"Không phải vì những quy định của Nhà nước đâu mà do những lần trước, những người trong giới nghệ sĩ làm tai tiếng quá, cho nên bây giờ công chúng không còn tin cậy để họ có thể đứng ra kêu gọi từ thiện nữa. Đó là lý do giới nghệ sĩ không kêu gọi từ thiện nữa.

Nghị định cũ (Nghị định 64/2008) đưa đến sự hiểu nhầm là không cho phép cá nhân đứng ra làm từ thiện dẫn đến hạn chế việc làm từ thiện. Nghị định mới (Nghị định 93/2021) đã sửa đổi giúp cho việc làm từ thiện dễ hơn. Còn Mặt trận tổ quốc thì có vẻ như công chúng không tin cậy lắm sau một số việc không minh bạch". 

Nguồn : RFA, 30/09/2022

Published in Việt Nam

Bằng thủ đoạn móc ngoặc, hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã làm thiệt hại cho nhà nước 8.500 tỉ đồng, trong đó, riêng y kiếm lợi bất chính trong thương vụ này là 5850 tỉ đồng. Thế nhưng y chỉ bị kết án 3 năm tù giam. Một trong những lý do để tòa giảm mức án cho Vũ là y có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc này đã gây ra nhiều phản đối của dư luận xã hội.

tuthien1

Hình minh họa. Ông Phạm Nhật Vũ mặc áo cư sĩ thắp hương tại chùa. Courtesy of phatgiao.org.vn

Không nói thì ai cũng biết, số tiền mà Vũ đã bỏ ra làm từ thiện là từ những nguồn thu lợi bất chính, ví dụ số tiền 5850 tỉ đồng vừa nhắc.

Hoạt động từ thiện là nếp văn hóa đẹp, thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Nó duy trì, khơi dậy tình yêu thương con người qua những việc làm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, đóng góp xây dựng quê hương...

Tuy nhiên, không phải là hoạt động từ thiện nào cũng xuất phát từ mục đích tử tế.

*

Thở nhỏ, theo mẹ ra chợ, tôi hay đứng xem ăn mày. Những bà nông dân lam lũ, ra chợ bán mớ rau, củ khoai nhưng cũng bỏ vào cái mê nón rách của anh què lê ở chợ năm xu, một hào, có khi chỉ 1, 2 xu. Cũng có người bỏ vào một củ khoai đã luộc chín. Có những người nông dân từ các huyện đói kém hơn xuống quê tôi ăn xin rong. Họ vào tận từng nhà kêu chúng em đói quá. Khiêm nhường xưng em vì họ biết thân phận của mình chứ họ cũng ngang tuổi bố mẹ tôi. Chúng tôi phải cho họ củ khoai hay củ dong riềng mà mẹ cho để dành ăn giữa buổi. Sau này, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Quê tôi hồi ấy, nhà ai cũng thiếu đói, chúng tôi đói suốt ngày, ăn khoai trừ cơm mà vẫn đói. Vậy mà ăn mày vẫn kiếm sống được. Khi ấy, tôi chưa có khái niệm gì về việc thiện, về lòng hảo tâm. Lớn lên tôi mới biết đến những cụm từ "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Những việc làm từ thiện ấy rõ ràng xuất phát từ tấm lòng thương yêu đồng loại, chẳng cần ai biết đến và cũng chẳng nghĩ nhằm tích đức gì cả mà chỉ để cho thanh thản cõi lòng.

Càng về sau, hoạt động từ thiện quy mô hơn. Ở vùng quê nào cũng có những người con đi làm ăn xa ở các tỉnh khác hoặc ở hải ngoại. Họ làm ăn gặp may mắn nên có của ăn của để và họ có nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ người thân và giúp quê hương. Quê hương tuy nghèo khó nhưng đấy là nơi họ sinh ra và lớn lên cũng trong nghèo khó nhưng đầy ắp những kỷ niệm nên họ muốn có những việc làm trả nghĩa cho quê hương. Có người bỏ tiền ra làm cho thôn con đường bê tông, có người cúng chùa làng quả chuông hay xây hoặc tu bổ một hạng mục nào đó. Mỗi lần tôi về quê, đều đi qua cây cầu bê tông dài rộng ở đầu huyện, bắc qua con sông cái nghe nói của một Việt kiều nào đó ở Canada bỏ tiền ra xây.

Đó là làm từ thiện bằng tâm thiện.

*

Từ thiện nay không như từ thiện xưa. Đi lễ chùa, có đặt những hòm công đức, không bỏ hay bỏ ít bỏ nhiều chẳng ai để ý. Người công đức cũng chẳng cần ai biết đến. Rồi đến lúc, nhà chùa đón được ý khách, qui định ai công đức tối thiểu ở mức nào thì được cấp một cái giấy chứng nhận. Việc công đức ở chùa mất ý nghĩa dần từ đấy.

Trong vụ AVG, thấy báo chí nói, người nhà Phạm Nhật Vũ đi khắp nơi để xin xác nhận số tiền mình đã từ thiện, cung cấp cho tòa để được giảm tội.

Những năm gần đây, nếu để ý thì sẽ thấy, những người có chức quyền, giàu có tham gia làm từ thiện ngày càng đông. Một ông quan cấp huyện cấp tỉnh hoặc cao hơn, một ông giám đốc, một bà kế toán khi làm việc thì hưởng lương nhà nước, thường là mươi, mười lăm triệu/tháng nhưng khi về hưu có tài sản hàng trăm tỉ. Số này bỏ tiền ra làm từ thiện cũng khá hào phóng nhưng thử hỏi khối tài sản khổng lồ mà họ có được ở đâu ra nếu không tham nhũng ?

Giải thích hiện tượng này như thế nào ?

Dù khó lý giải bằng khoa học nhưng người ta đều tin vào luật nhân quả. Nhiều khi luật này báo ứng đến hãi hùng làm cả người vô thần cũng phải dè chừng. Hẳn nhiều người đã biết cái chết đến của 3 người từng tham gia vào quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải mà dư luận cho là vụ án oan.

Ngày càng nhiều quan chức và những người giàu có hay đến viếng chùa và bỏ tiền cúng phật. Có người sau khi về hưu chuyên tham gia các hoạt động của phật giáo, chăm chỉ ngồi thiền như muốn quên đi quá khứ. Tôi cho rằng tâm lý của nhiều người trong số ấy là mong lấy thiện trừ đi ác vì hơn ai hết, họ là người biết rõ nhất việc làm thất đức của họ.

Có điều lạ là nhiều người giàu có, sẵn sàng bỏ tiền ra làm từ thiện nhưng giúp anh em, cha mẹ nghèo lại là chuyện vô cùng khó khăn. Có lẽ họ cho rằng Phật mới giúp được họ xóa được tội lỗi, tránh được quả báo chứ còn người thường thì không.

Vì vậy sinh ra tâm lý, vừa tham nhũng vừa làm từ thiện để được giảm tội vì lo trời phạt, thậm chí còn tính đến việc nếu bị phát giác sẽ được tòa giảm tội như trường hợp Phạm Nhật Vũ.

Việc làm từ thiện mà được giảm án là chuyện vừa xảy ra trong vụ AVG vì những người xử là những con người, họ cũng có bản năng, dục vọng của con người. Nhưng nếu cúng chùa mà giảm được tội, không bị quả báo, chẳng lẽ họ cho rằng, Phật cũng tiêu thụ của gian hay nhận hối lộ như băng đảng của họ ?

Không có chuyện cứ việc làm điều ác, cứ việc tham nhũng rồi trích từ đó ra một phần làm từ thiện để yên tâm hưởng phần còn lại mong tránh được quả báo. Làm từ thiện kiểu đó không có gì đáng ca ngợi hay tôn vinh và cũng không tránh được luật nhân quả. Việc từ thiện chỉ có ý nghĩa và đáng hoan nghênh khi dùng những đồng tiền chân chính của mình.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 06/01/2020

Published in Diễn đàn

Đây là một hỏi mà mỗi khi một nhóm đấu tranh nào đó khởi động chương trình thiện nguyện lại được đặt ra. Câu hỏi này rất có lý chứ không phải là không. Chúng ta ai cũng biết trong xã hội, những người dám đấu tranh đã rất ít ỏi. Đã thế những người đấu tranh ở một thế yếu, bị đàn áp, bị cô lập, bị bao vây kinh tế. Họ nhiều khi còn chưa lo nổi cho bản thân họ, nói gì đến việc lo chuyện bao đồng xã hội.

tuthien1

Hoàng Phi Kha giúp bà con nghèo miền Trung đón Tết - Ảnh minh họa

Những người đặt ra câu hỏi này cũng xuất phát từ mối lo rằng, nếu chỉ đi lo làm từ thiện, những người đấu tranh sẽ lạc hướng mục tiêu ban đầu. Hơn nữa năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ mùa lũ bão, các nhóm từ thiện nở rộ khắp mọi nơi. Người dân nghèo nhận được vài gói mỳ, rồi lại đi cảm ơn đảng và chính phủ. Rồi cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, mà không biết nỗi khổ của mình từ đâu ra.

Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện thế này. Năm 2016, ở vùng sông Gianh - Quảng Bình có trận lũ cực lớn. Cơn lũ này không chỉ do mưa lớn. Nó có nguồn cơn là từ sự tham lam của chủ đầu tư thuỷ điện ở đầu nguồn, xây hồ chứa thì bé, mưa xuống thì tích nước quá đầy, không để khoảng tích nước dự trữ an toàn. Đến khi mưa quá lớn, sợ vỡ đập, họ đã xả ồ ạt xuống hạ lưu bất ngờ. Ở Hương Khê - Hà Tĩnh nhiều vùng ngập trắng xoá, nhiều vườn bưởi vườn cam sắp thu thu hoạch mất trắng. Ở dọc sông Gianh - Quảng Bình, nhiều lạc mạc ven sông ngập nặng. Ở cảng Gianh, là nơi cửa sông Gianh đổ ra biển, có hàng chục tàu cá bị chìm, nhiều tàu bị cuốn trôi ra biển hàng chục hải lý, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể hết.

tuthien2

Năm đó No-U thiện nguyện chúng tôi là một nhóm cực kỳ tích cực lao vào vùng lũ để cứu trợ bà con. Không chỉ lao vào đó, chúng tôi còn mời gọi rất nhiều nhóm từ thiện khác, cả ca sỹ nhạc sỹ, cả những người nổi tiếng, cả dân đấu tranh về đây góp sức. Tôi không biết ở những nơi khác từ hồi đó đến bây giờ ra sao, nhưng ở nhiều nơi chúng tôi đi qua đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở các xứ đạo dọc sông Gianh. Các đội thanh niên xứ đạo bắt đầu cực kỳ phát triển. Họ lập đội bóng, rèn luyện sức khoẻ, giao lưu với các xứ xung quanh. Họ lập các tủ sách nông thôn để cho trẻ em nghèo được học tập. Họ xây cầu, làm đường. Họ lên tiếng đấu tranh trước những bất công ở địa phương. Và họ mở rộng giao lưu kết nối với anh em đấu tranh khắp các vùng miền. Bây giờ, vùng dọc sông Gianh có thể gọi là một trong những thành trì bảo vệ tự do mạnh mẽ nhất ở miền Trung. Người dân ở đây rất đoàn kết. Họ sẵn sàng lên tiếng với chính quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ còn chủ động thăm hỏi trợ giúp các nơi khác, bất kể đó là vùng lương hay giáo. Người dân dọc sông Gianh bây giờ không dễ bắt nạt như trước. Có được điều này, tôi phải khẳng định luôn rằng đó một phần là do công sức của rất nhiều hội nhóm đấu tranh đã về đây chung tay từ thiện. Vì thế đừng hỏi vì sao công việc thiện nguyện của các nhóm từ thiện luôn bị cảnh giác, bị ngăn chặn gắt gao.

Là một thành viên tham gia trong nhóm No-U Thiện Nguyện, từng có 6-7 năm làm rất nhiều chương trình từ thiện lớn từ Bắc chí Nam, tôi đã được đi, được chứng kiến nhiều đổi thay. Thông qua việc thiện nguyện, chúng tôi đã truyền lửa yêu thương, tinh thần tự do và tình nghĩa đồng bào máu đỏ da vàng đến với nhiều người ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Không phải là ở đâu chúng tôi cũng thành công. Không phải chỗ nào người dân cũng sẽ thay đổi. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn đi, vẫn đến, vẫn lao vào những nơi khó khăn nhất, bởi một điều giản dị rằng, ở đó có đồng bào của chúng ta.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 26/06/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn