Đây là một hỏi mà mỗi khi một nhóm đấu tranh nào đó khởi động chương trình thiện nguyện lại được đặt ra. Câu hỏi này rất có lý chứ không phải là không. Chúng ta ai cũng biết trong xã hội, những người dám đấu tranh đã rất ít ỏi. Đã thế những người đấu tranh ở một thế yếu, bị đàn áp, bị cô lập, bị bao vây kinh tế. Họ nhiều khi còn chưa lo nổi cho bản thân họ, nói gì đến việc lo chuyện bao đồng xã hội.
Hoàng Phi Kha giúp bà con nghèo miền Trung đón Tết - Ảnh minh họa
Những người đặt ra câu hỏi này cũng xuất phát từ mối lo rằng, nếu chỉ đi lo làm từ thiện, những người đấu tranh sẽ lạc hướng mục tiêu ban đầu. Hơn nữa năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ mùa lũ bão, các nhóm từ thiện nở rộ khắp mọi nơi. Người dân nghèo nhận được vài gói mỳ, rồi lại đi cảm ơn đảng và chính phủ. Rồi cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, mà không biết nỗi khổ của mình từ đâu ra.
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện thế này. Năm 2016, ở vùng sông Gianh - Quảng Bình có trận lũ cực lớn. Cơn lũ này không chỉ do mưa lớn. Nó có nguồn cơn là từ sự tham lam của chủ đầu tư thuỷ điện ở đầu nguồn, xây hồ chứa thì bé, mưa xuống thì tích nước quá đầy, không để khoảng tích nước dự trữ an toàn. Đến khi mưa quá lớn, sợ vỡ đập, họ đã xả ồ ạt xuống hạ lưu bất ngờ. Ở Hương Khê - Hà Tĩnh nhiều vùng ngập trắng xoá, nhiều vườn bưởi vườn cam sắp thu thu hoạch mất trắng. Ở dọc sông Gianh - Quảng Bình, nhiều lạc mạc ven sông ngập nặng. Ở cảng Gianh, là nơi cửa sông Gianh đổ ra biển, có hàng chục tàu cá bị chìm, nhiều tàu bị cuốn trôi ra biển hàng chục hải lý, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể hết.
Năm đó No-U thiện nguyện chúng tôi là một nhóm cực kỳ tích cực lao vào vùng lũ để cứu trợ bà con. Không chỉ lao vào đó, chúng tôi còn mời gọi rất nhiều nhóm từ thiện khác, cả ca sỹ nhạc sỹ, cả những người nổi tiếng, cả dân đấu tranh về đây góp sức. Tôi không biết ở những nơi khác từ hồi đó đến bây giờ ra sao, nhưng ở nhiều nơi chúng tôi đi qua đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở các xứ đạo dọc sông Gianh. Các đội thanh niên xứ đạo bắt đầu cực kỳ phát triển. Họ lập đội bóng, rèn luyện sức khoẻ, giao lưu với các xứ xung quanh. Họ lập các tủ sách nông thôn để cho trẻ em nghèo được học tập. Họ xây cầu, làm đường. Họ lên tiếng đấu tranh trước những bất công ở địa phương. Và họ mở rộng giao lưu kết nối với anh em đấu tranh khắp các vùng miền. Bây giờ, vùng dọc sông Gianh có thể gọi là một trong những thành trì bảo vệ tự do mạnh mẽ nhất ở miền Trung. Người dân ở đây rất đoàn kết. Họ sẵn sàng lên tiếng với chính quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ còn chủ động thăm hỏi trợ giúp các nơi khác, bất kể đó là vùng lương hay giáo. Người dân dọc sông Gianh bây giờ không dễ bắt nạt như trước. Có được điều này, tôi phải khẳng định luôn rằng đó một phần là do công sức của rất nhiều hội nhóm đấu tranh đã về đây chung tay từ thiện. Vì thế đừng hỏi vì sao công việc thiện nguyện của các nhóm từ thiện luôn bị cảnh giác, bị ngăn chặn gắt gao.
Là một thành viên tham gia trong nhóm No-U Thiện Nguyện, từng có 6-7 năm làm rất nhiều chương trình từ thiện lớn từ Bắc chí Nam, tôi đã được đi, được chứng kiến nhiều đổi thay. Thông qua việc thiện nguyện, chúng tôi đã truyền lửa yêu thương, tinh thần tự do và tình nghĩa đồng bào máu đỏ da vàng đến với nhiều người ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Không phải là ở đâu chúng tôi cũng thành công. Không phải chỗ nào người dân cũng sẽ thay đổi. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn đi, vẫn đến, vẫn lao vào những nơi khó khăn nhất, bởi một điều giản dị rằng, ở đó có đồng bào của chúng ta.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 26/06/2018 (nguyenlanthang's blog)