Bộ Công Thương mới đây có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV). Lý do là vì TKV không đáp ứng được nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ và gặp khó khăn trong huy động vốn từ 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc).
Dự án nhà máy thép 6 000 tỷ liên danh với Trung Quốc đang nằm đắp chiếu - CafeF
Tuy nhiên, đánh giá năng lực của liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty trách nhiệm hữu hạn Hong Kong United (HUI) cho thấy, phương án tài chính mà Geleximco và liên danh đưa ra lại phần lớn dựa vào vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ vốn đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. Dự kiến lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86% một năm và quốc tế là 11,77% một năm.
Do đó, dự án này một lần nữa đặt ra nhiều nghi vấn đối với các nhà chuyên môn xung quanh tính khả thi và hiệu quả, sau hàng loạt những tồn tại đã và đang diễn ra tại các dự án do nhà thầu Trung Quốc triển khai. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và môi trường nói về điều này :
"Sự thực mà nói thì tôi cũng thường xuyên đặt câu hỏi để rồi tự trả lời xem là tại sao ? Tất nhiên nó có một cái lý mà nhiều người cho rằng nó mang tính hình thức, đó là các doanh nghiệp Trung Quốc thường chào với cái giá rất rẻ, thế nhưng mà còn có lý do mà tôi vẫn cho rằng logic thực tế hay nằm ở chỗ đó chính là câu chuyện tham nhũng trong quá trình đấu giá đấu thầu".
Trước ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc có chính sách "lại quả" từ 30% đến thậm chí 50% giá trị dự án chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng thầu tại các siêu dự án tại Việt Nam, Giáo sư Võ bày tỏ quan điểm :
"Ở Việt Nam hiện nay có một cái tôi cho là điều dở đó là mối quan hệ thân hữu , quen thân rồi thì cứ như thế nó giải quyết công việc nó nhanh, nó tiện thì đó gọi là chủ nghĩa thân hữu trong quản lý ở Việt Nam hiện nay còn chiếm xu thế khá mạnh. Tất nhiên là cái đó nó lại gắn với tham nhũng, có thể lúc đầu thì chưa thân lắm, nhưng rồi qua công việc, qua những cái "hoa hồng" đấy rồi dẫn cái thân rồi dần dần thành nếp. Đấy là một cái mà tôi cho rằng nhược điểm rất lớn trong hệ thông quản lý ở Việt Nam mà cần phải khắc phục bắt đầu từ việc bài trừ chủ nghĩa thân hữu".
Đồng quan điểm với Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) giải thích thêm :
"Mình quá coi trọng chỉ tiêu về giá. Nó bỏ với giá thấp xong cuối cùng nó lại dùng chiêu trò để nâng giá lên thì cuối cùng cũng lại bằng vô nghĩa. Bên cạnh đó thì nó lại có điều kiện là cấp cho mình vốn vay tín dụng thì đó là ưu điểm. Một cái nữa cũng phải hết sức thông cảm là cách làm ăn của Việt Nam với anh Trung Quốc là quan hệ lâu rồi thì cái đó nó cũng tác động. Tuy nhiên, phải nói thẳng ra là những dự án mà nhà thầu Trung Quốc thi công triển khai thì đều kém hiệu quả và gây lãng phí thất thoát".
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng rất nhiều các dự án mà Trung Quốc đã trúng thầu và đang thi công đều gây lãng phí bởi trên thực tế công nghệ của Trung Quốc yêu cầu chi phí đầu tư và duy tu bảo hành cao tuy nhiên lại không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Trong khi đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại lên án những hậu quả đối với môi trường từ các công nghệ của nhà thầu Trung Quốc. Ông nói :
"Tất cả những cái mà Việt Nam đã nhìn thấy rồi như công nghệ xi măng lò đứng, mía đường hay như nhiều thứ công nghệ khác, Việt Nam cũng đã nhập của Trung Quốc, thậm chí là biết rồi nhưng mà vẫn có một loạt các nhà máy xi măng lò đứng vẫn đang làm việc và vẫn đang gây ô nhiễm môi trường, trong khi ở Trung Quốc người ta đã bỏ xi măng lò đứng từ lâu rồi".
Thực tế này được minh chứng bằng các dự án như Dự án Tổ hợp Bô xít Tây Nguyên đội vốn hơn 30 nghìn tỷ và chậm tiến độ hơn 6 năm, Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và dự án mỏ sắt Quý Xa trị giá 6.000 tỷ nằm đắp chiếu, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình – 1 trong 12 dự án đội vốn thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương hay gần đây nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn hơn 7000 tỷ đồng và chậm tiến độ 3 năm tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó là hàng trăm dự án xây dựng và giao thông lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam cũng đang gặp phải những vấn đề về chi phí đầu tư và tiến độ gây thất thoát lãng phí, làm tăng thêm gánh nặng về lãi suất và gây nên những hiệu quả tiêu cực đối đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, mối quan hệ thân hữu giữa các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ qua cùng những khoản "lại quả" giá trị cao, thậm chí bằng tiềng mặt của nhà thầu Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới những bài học đầy "đau thương" hiện nay :
"Gần đây phải nói rằng bệnh chậm tiến độ, đội vốn kéo dài hay là thất thoát lãng phí trong đầu tư công nó là một bệnh trầm kha, một bệnh cố hữu của Việt Nam. Nói chung là các dự án đầu tư công ở Việt Nam hiện nay có đến 40-50% các dự án phải điều chỉnh do chậm tiến độ, do chi phí đội lên… chi phí rất là lớn".
Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho rằng mặc dù đã có Luật đầu tư công ban hành từ năm 2014 nhưng do năng lực hạn chế của đội ngũ cán bộ quản lý nên tình trạng trên vẫn không hề được cải thiện. Trong khi đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra khuyến cáo trong việc lựa chọn nhà thầu có thể đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật trước hết rồi mới tính đến các phương án giá bỏ thầu khả thi để tránh tình trạng nhà thầu không vượt qua được rào cản kỹ thuật, đình trệ thi công và liên tục đề xuất tăng vốn gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng như hiện nay.
Nguồn : RFA, 25/06/2018