Ông Vương Nghị "nhắc" Việt Nam cảnh giác trước sự can thiệp từ bên ngoài
RFA, 11/09/2021
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần kiềm chế các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nhắc nhở Việt Nam nên cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Ông Vương Nghị nói những điều này trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 10/9, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm 11/9.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/9/2021 - AFP
Theo thông báo, ông Vương Nghị nói hai quốc gia nên trân trọng hòa bình rất khó khăn mới đạt được và sự ổn định ở khu vực Biển Đông, cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, tại cuộc gặp, hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ởBiển Đông ; thúc đẩy các cơ chế đàm phán, hợp tác đạt tiến triển thực chất, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm, phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ cũng như đẩy nhanh hoàn thiện để ký kết hiệp định mới về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ.
Chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Việt Nam diễn ra vào khi Trung Quốc đang tiến hành phong tỏa một phần khu vực Biển Đông trong hai ngày 9 và 10 tháng 9 để phục vụ cho các cuộc tập trận bắn đạn thật và tập trận đổ bổ chiếm đảo, theo thông báo từ Cục Hàng hải Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post cho biết việc Trung Quốc công bố video cuộc tập trận mới đây ở Biển Đông là để nhằm đáp trả việc Mỹ điều tàu chiến USS binfold đi vào vùng biển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hôm 8/9 vừa qua.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn.
Thời gian qua, Trung Quốc cũng liên tục gửi các tàu hải cảnh, tàu cá và tàu nghiên cứu vào các vùng đặc quyền kinh tế, thêm lục địa của các quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của quốc gia này.
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn gọi các hoạt động duy trì tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực Biển Đông là gây mất hòa bình và ổn định trong khu vực.
******************
Anh Vũ, RFI, 11/09/2021
Hãng tin Reuters, hôm 11/09/2021, dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay, trong cuộc gặp với các quan chức Việt Nam, ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh và Hà Nội cam kết tránh có những hành động đơn phương liên quan đến vấn đề Biển Đông làm gia tăng bất đồng và căng thẳng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và phó thủ tướng Việt Nam, Phạm Bình Minh tại Hà Nội. Ảnh minh họa, chụp ngày 01/04/2018 © AP
Hôm 10/09/2021, phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, ông Vương Nghị đã khẳng định hai nước cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định đã có như hiện nay trên Biển Đông, đồng thời luôn chống lại hành động can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định có chủ quyền lịch sử trên phần lớn vùng Biển Đông, trong khi các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đều cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Trung Quốc là một bên tham gia.
Tháng trước, liên tiếp các lãnh đạo Ngoại giao, quốc phòng và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có các chuyến công du Việt Nam và một số nước trong vùng. Tất cả đều tuyên bố phản bác các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như lên án những hành động chèn ép lấn lướt của Bắc Kinh đối với các láng giềng Châu Á.
Tại Hà Nội, ngày hôm qua, Ủy viên Quốc vụ, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc và phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt –Trung, một sự kiện thường niên, nhằm "thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển …», theo truyền thông Việt Nam.
Cùng ngày, Việt Nam thông báo, được Trung Quốc tặng thêm 3 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Tổng cộng Bắc Kinh đã viện trợ cho các nước Đông Nam Á 5,7 triệu liều vac-xin do Trung Quốc sản xuất.
Sau Việt Nam, ông Vương Nghị lần lượt tới các nước Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc.
Anh Vũ
********************
VOA, 11/09/2021
Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế các hành động đơn phương liên quan đến Biển Đông có thể làm phức tạp tình hình và phóng đại những tranh chấp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, dẫn lời nhà ngoại giao cao cấp Vương Nghị phát biểu với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh.
Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị đã hội đàm với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Việt Nam, bộ cho biết trong một phát biểu ngày thứ Bảy.
Chuyến thăm của ông Vương tới Việt Nam, một phần trong chuyến công du Đông Nam Á kéo dài một tuần của ông, diễn ra khoảng hai tuần sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới khu vực này.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói trong cuộc hội kiến Đại sứ Trung Quốc chỉ vài giờ trước chuyến thăm của bà Harris rằng Việt Nam không liên kết với nước này để chống lại nước khác.
Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết vùng Biển Đông, nhưng các nước láng giềng và Mỹ nói rằng yêu sách đó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên kí kết.
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh chồng lấn lên với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Hàng ngàn tỉ đôla thương mại hàng năm đi qua tuyến đường thủy này, nơi cũng có các ngư trường phong phú và các mỏ khí đốt.
Ông Vương nói rằng hai nước nên trân trọng hòa bình và ổn định khó khăn lắm mới đạt được ở Biển Đông và cảnh giác với sự can thiệp của các thế lực ngoài khu vực, phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh nói trong một phát biểu của chính phủ rằng điều quan trọng là hai nước tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các nhận thức chung ở cấp cao, quản lý các bất đồng, tránh làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng tranh chấp và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở các vùng biển tranh chấp, phát biểu của Chính phủ Việt Nam cho biết thêm.
Việt Nam cho biết Trung Quốc sẽ tặng thêm 3 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vaccine Trung Quốc viện trợ cho nước này lên 5,7 triệu liều.
Cùng với chuyến thăm của ông Vương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ngày thứ Bảy đã có cuộc gặp với người tương nhiệm Nhật Bản Nobuo Kishi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kishi sau khi đảm nhiệm chức vụ này vào năm ngoái, hãng tin Kyodo đưa tin.
Nhật Bản và Việt Nam đã kí một thỏa thuận cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này để "thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các vùng biển khu vực", Kyodo cho biết.
Thỏa thuận này được kí vào năm ngoái trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tới Việt Nam.
"Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ", Kyodo dẫn lời ông Kishi nói.
Hai bộ trưởng cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không, Kyodo đưa tin.
Theo Reuters
Thu Hằng, RFI, 10/09/2021
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-12/09/2021 để đồng chủ trì với phó thủ tướng Phạm Bình Minh phiên họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang vất vả chống dịch và rất nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, viện trợ vac-xin cho Hà Nội.
Vac-xin Trung Quốc. © Reuters - Dado Ruvic
Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 09/09, Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn tổ chức họp hàng năm để lãnh đạo và các ban ngành liên quan của hai nước thảo luận về các vấn đề, khó khăn và biện pháp liên quan. Tuy nhiên, trong phiên họp lần thứ 13 này, vấn đề hợp tác phòng chống Covid-19, trong đó có việc Bắc Kinh viện trợ vac-xin và thiết bị y tế, cũng sẽ được thảo luận.
Đại dịch Covid-19 cũng là chủ đề của cuộc hội đàm trực tuyến ngày 09/09 giữa bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long và chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mã Hiểu Vỹ (Ma Xiaowei). Chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, theo website của Bộ Y tế Việt Nam, như "tổ chức triển khai xét nghiệm trên diện rộng, bảo đảm chất lượng xét nghiệm", "giám sát chủ động tại các khu vực có nhiều nguy cơ như các cơ sở y tế, khu vực xuất nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm những người làm việc ở khu vực này".
Chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ cũng đưa ra đề xuất nâng cấp quan hệ với Hà Nội từ "toàn diện" lên thành "chiến lược". Ông Vương Nghị sẽ gặp đồng nhiệm Bùi Thanh Sơn, chào xã giao các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trang Global Times cho biết Việt Nam nằm trong số 4 nước láng giềng (Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc) trong vòng công du của ông Vương Nghị từ ngày 10-15/09. Ngoài chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngoại trưởng Trung Quốc còn đề cập đến hợp tác phát triển, thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Thu Hằng
************************
Trung Quốc hứa viện trợ thêm ba triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam
RFA, 11/09/2021
Nhân chuyến thăm Việt Nam hôm 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam ba triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, đưa tổng số liều vắc-xin ngừa Covid mà Bắc Kinh viện trợ cho Việt Nam lên 5,7 triệu liều.
Các lọ vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc) - Reuters
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết, ngoài số địa phương của Trung Quốc cũng viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho các địa phương ở Việt Nam.
Cũng trong ngày 10/9, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin Hayat-Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đây là vắc-xin của hãng Sinopharm được đóng gói và xuất xưởng ở các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), và là vắc-xin thứ bảy được phê duyệt khẩn cấp ở Việt Nam cho phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khác với vắc-xin Vero Cell của Sinopharm sản xuất ở Trung Quốc, vắc-xin Hayat-Vax không nằm trong danh sách vắc-xin được dùng khẩn cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội vào ngày 24/8, ngay trước thềm chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cũng cho biết Bắc Kinh sẽ viện trợ cho Việt Nam hai triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19.
Ngoài số vắc-xin được Trung Quốc viện trợ chính thức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhận năm triệu liều vắc-xin Vero Cell đặt mua của hãng Sinopharm của Trung Quốc.
Nhiều người dân Việt Nam thời gian qua cho biết họ không muốn sử dụng vắc-xin Trung Quốc vì không tin vào hiệu quả và chất lượng các loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.
Chỉ khi xẩy ra nạn dịch chết người Vũ Hán (Trung Quốc) có tên khoa học Covid-19 (Corona Virus Disease-2019), Việt Nam Cộng sản mới thấy thấm đòn lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc đã đe dọa nghiêm trọng đến độc lập và chủ quyền quốc gia.
Cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 22 km về phía Tây Bắc, đối diện với cửa khẩu Thiên Bảo (Tianbao), huyện Malipo, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Trước hết, Việt Nam không dám đóng cửa biên giới để ngăn người Tầu, có thể nhiễm Coronavirus tràn qua Việt Nam.
Lý do, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh :
"Giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định biên giới, chỉ đóng cửa khi xuất hiện vấn đề an ninh, dịch bệnh, nhưng phải có thoả thuận giữa Chính phủ hai nước và báo trước 5 ngày nên một bên không thể đơn phương áp dụng" (VnExpress, 30/1/2020).
Nhưng Việt Nam và Trung Quốc chưa tổ chức bất cứ cuộc họp song phương nào về vấn đế này, sau khi xẩy ra dịch Vũ Hán từ trung tuần tháng 12/2019. Ngược lại, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đã đơn phương yêu cầu Việt Nam "khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam", vì công nhân Tầu về nước nghỉ Tết cần trở lại Việt Nam làm việc tại các dự án kinh tế của Trung Quốc ở Việt Nam. Nhưng tại sao tại Trung Quốc, Chính phủ đã ra lệnh hạn chế di chuyển để ngăn chặn lây lan đã được thi hành tại 29/31 tỉnh, thành phố. Riêng 50 triệu người dân tỉnh Hồ Bắc, có trung tâm dịch lây nhiễm là thủ phủ Vũ Hán với 10 triệu dân, đã bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Vương Nghị, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, đã đưa ra đề nghị với Phó Thủ tướng, Bộ trường ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5, và Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về hợp tác ứng phó Covid-19 tổ chức tại Vientiane, Lào (Baoquocte.vn, 19/02/2020).
Như vậy, Trung Quốc một mặt tăng cường kiểm soát trong nước để bảo đảm sức khỏe cho dân, nhưng lại muốn Việt Nam mở cửa để đón công nhân Tầu trong tình trạng "nếu có bệnh chữa sau" thì có phải là một áp lực ngoại giao dành cho Việt Nam không ?
Bằng chứng như đã diễn ra trong cuộc họp báo ngày 20/02/2020 của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt - trích nguyên văn (báo Tuổi trẻ) :
Tuổi Trẻ : Liên quan đến đề nghị của ông Vương Nghị về đề nghị sớm khôi phục đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam, phía Việt Nam trả lời thế nào ? Có thông tin cập nhật gì thêm không ?
Đoàn Khắc Việt : Để phòng chống dịch bệnh Covid-19 lan rộng và có ảnh hưởng đến sức khỏe của công dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua đã và đang phối hợp rất chặt chẽ trong việc quản lý các hoạt động giao thương, giao thông vận tải giữa hai nước. Trên tinh thần phòng chống dịch nhưng không "đóng cửa", không để ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, thời gian vừa qua, trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã từng bước được khôi phục, song vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc an toàn nhất.
Cho đến nay, sau hơn 2 tháng từ khi dịch Vũ Hán được xác nhận lây nhiễm nhanh từ người sang người, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát gắt gao nạn dịch, trong đó có việc ngưng gửi lao động qua Trung Quốc ; ngưng các chuyến bay đến các vùng miền có dịch ở Trung Quốc và Nam Hàn ; kiểm soát và khám y tế bệnh dịch những người Tầu qua Việt Nam và người Việt từ Tầu về nước.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có 33.700 lao động người Tầu có phép làm việc ở Việt Nam, trong đó có 26.400 người về Tầu ăn Tết.
Tuy nhiên, mới có 7.600 công nhân Tầu quay lại Việt Nam. Trong số này, có 5.112 người đang được cách ly tại 41 tỉnh, thành trên cả nước (Thanh Niên và Zing.vn).
Trong tương lai, khi những công nhân Tầu còn lại trở qua Việt Nam làm việc thì liệu dịch Vũ Hán đã kết thúc chưa, hay Thế giới đã có thuốc diệt nó chưa ?
Không ai biết chắc, nhưng trong khi Việt Nam khoe thành công chữa lành người thứ 16 nhiễm Covid-19 thì đã chuẩn bị đối phó với hàng ngàn công nhân Tầu như thế nào ?
Hiệp định nói gì ?
Nên biết, hai nước Việt-Trung đã ký "Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biện giới trên đất liền" ngày 18/11/2009 tại Bắc Kinh, có giá trị 10 năm, nhưng đã được tự động gia hạn kể từ năm 2020.
Tuy Hiệp định chỉ có 12 điều, nhưng nội dung trong Điều 5 cho thấy, trong bối cảnh dịch Vũ Hán (Covid-19) và hoàn cảnh bị lệ thuộc vào Trung Quốc, nước Việt Nam đã bị lép vế và phải làm theo những gì Trung Quốc muốn.
Nguyên văn Điều 5 của Hiệp Định viết như sau :
1. Các cửa khẩu biên giới đã mở chính thức làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả trong các ngày nghỉ lễ theo luật định của hai Bên, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.
Thời gian làm việc của các cửa khẩu đường sắt thực hiện theo giờ tàu chạy do hai Bên thỏa thuận.
2. Trong trường hợp đặc biệt phải đóng cửa khẩu hoặc tạm thời mở cửa ngoài thời gian làm việc, hai Bên cần phải thông báo và trao đổi thống nhất với nhau qua đường ngoại giao trước ít nhất 5 ngày. Việc mở lại cửa khẩu cần phải thông báo cho phía Bên kia qua đường ngoại giao và phải được phía Bên kia xác nhận.
3. Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.
4. Việc thay đổi vị trí, loại hình, thời gian mở và thời gian làm việc ở các cửa khẩu biên giới đã được mở cần thông qua chính quyền cấp tỉnh (khu tự trị) ở vùng biên giới hai nước hiệp thương thống nhất và phải được sự đồng ý của Chính phủ hai Bên; đồng thời, thông qua đường ngoại giao để xác định. Văn bản thỏa thuận liên quan sẽ trở thành văn bản bổ sung của Hiệp định này.
5. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, không Bên nào được quyền đơn phương đóng cửa khẩu nếu chưa được Bên kia đồng ý ; nếu một Bên đơn phương đóng cửa khẩu gây thiệt hại cho phía Bên kia, hai Bên sẽ thông qua đường ngoại giao hiệp thương giải quyết các vấn đề liên quan.
Áp lực kép
Qua việc thi hành Hiệp định Cửa khẩu từ khi xẩy ra dịch Vũ Hán (Covid-19), Việt Nam đã phải nhượng bộ Trung Quốc trong đòi hỏi phải mở cửa biên giới cho lưu thông đường bộ của các loại xe, tầu lửa và người giữa hai nước.
Lý do thứ hai buộc Việt Nam phải mở cửa biên giới vì Việt Nam hầu như hoàn toàn phải lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc để sống còn.
Các ngành dệt may, giầy dép, thời trang và điện tử, đóng vai quan trọng hơn 1/3 lợi tức của kinh tế Việt Nam đều phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong khi nông sản, xuất khẩu chính sang Trung Quốc sẽ bị tồn đọng, nếu dịch Vũ Hán tiếp tục hoành hàng ở Trung Hoa khiến công nhân Tầu không thể đi làm và nhiều nhà máy sản xuất phải đình trệ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam nói :
"Sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.
Những tác động từ dịch cúm có thể kể đến như tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc ; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm ; số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên…
Nguyên nhân của căn bệnh kinh tế này mang tên "phụ thuộc" - tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu" (Một Thế Giới, 25/02/2020).
Vẫn chưa nhúc nhích
Ông Lộc đưa ra viễn ảnh không sáng cho kinh tế Việt Nam vào lúc nhiều chuyên gia của Chính phủ Việt Nam vẫn chưa muốn "điều chỉnh" các mục tiêu phát triển kinh tế. Ngược lại họ muốn Nhà nước phải "quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy, bởi khó khăn hiện nay chính là do Covid-19 gây nên" (TTXVN).
Ý kiến này được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 25/02 (2020), do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ tọa.
Đối với thị trường nhập khẩu, các chuyên viên yêu cầu : "Cần tích cực xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu (EU) sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện nay tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn".
Trong cương vị Chủ tịch Hội đồng, TTXVN viết :
"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các tổ chức, như : Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề : Cần có loại vaccine chữa trị căn bệnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên ngăn ngừa Covid-19 lây lan, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam".
Vaccine gì trong bối cảnh Việt Nam đang lưỡng đầu thọ địch với Trung Quốc cả về sức ép chính trị lẫn hàng hóa nhập và xuất khẩu ?
Trước mắt, ngành du lịch Việt Nam đang mất nhiều du khách ; nhiều khách sạn, khu tham quan, nhà hàng vắng như Chùa Bà Đanh. Công nhân trong nước mất việc. Nhiều dịch vụ như taxi, xe ôm, xe du khách, xe bus, tầu bay, tầu thủy, xe lửa, du thuyền v.v… bị đình trệ, vắng khách, ế ẩm.
Rồi từ những thứ xuống dốc không phanh này, đời sống của các hàng quán, sản phẩm tiêu dùng, phục dịch khác sẽ ra sao mà ông Phúc còn "lăng ba vi bộ" kể lể về "vaccine kép" ?
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói tiếp :
"Trong thế giới này, chẳng có doanh nghiệp nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z. Nhưng riêng khách du lịch, Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được.
Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc "hắt hơi", doanh nghiệp Việt Nam không "sổ mũi" thì mới là chuyện lạ và tác động của Covid-19 chỉ là một ví dụ".
Đã rõ như ban ngày chưa ?
Hãy đọc nhận định ngắn của hai tác giả Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) ngày 27/11/2019 :
"Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước.
Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào".
Trong khi đó tác giả Hùng Lê, cũng của TBKTSG cho biết một tin không vui :
"Chiều ngày 25/2, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA—Foreign Invesment Agency) công bố báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2020, trong đó điểm đáng chú ý trong báo cáo này là số tiền rót để triển khai thực hiện các dự án của doanh nghiệp trong khu vực này có dấu hiệu bị sụt giảm.
Cụ thể trong 2 tháng đầu năm nay, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỉ đô la Mỹ, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức trong tháng qua, thời điểm bùng nổ thông tin phát dịch do Covid-19 từ Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài ước chỉ rót khoảng 850 triệu đô la Mỹ, bằng hơn phân nửa số vốn thực hiện của tháng liền kề trước đó và giảm khoảng 180 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu hai năm qua của FIA cho thấy số vốn triển khai thực hiện của doanh nghiệp khu vực này luôn có mức tăng trưởng 7-10%. Do đó, nguồn vốn rót thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài bị sụt giảm trong khoảng thời gian thông tin dịch bệnh từ Covid-19 xuất phát ở Trung Quốc và lan rộng đi nhiều nước cũng phần nào cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng đến quyết định rót vốn triển khai của doanh nghiệp".7
Như vậy, cơn ác mộng nào đang chờ Việt Nam khi các lãnh đạo, từ thời Tổng bí thư "Thành Đô" Nguyễn Văn Linh cho đến ông Nguyễn Phú Trọng là 34 năm, mà chưa ông nào dám nghĩ đến thoát Trung ?
Phạm Trần
(26/02/2020)
Các cửa khẩu ở biên giới Việt – Trung hiện đã tạm đóng cửa vì dịch bệnh Corona. Trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm giá mạnh vì không thể xuất bán sang Trung Quốc.
Việt Nam sẽ như thế nào trước bất ổn kinh tế, chính trị Trung Quốc ?
Ngày 28/1 (mùng 4 Tết), giá chôm chôm Java thương lái đến thu mua tại vườn ở tỉnh Vĩnh Long chỉ từ 9.000 -10.000 đồng/kg. Ông Trần Nguyên Anh, ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long nói mọi năm tầm này giá chôm chôm Java không dưới 30.000 đồng/kg. Năm nay thì giá cứ hạ dần, từ trước Tết Nguyên đán có giá 16.000 đồng/kg giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg.
"Giá như vậy năm nay tui lỗ chắc, chưa tính tiền phân thuốc, chỉ tính tiền thuê nhân công mùa này, bán cũng không đủ trả tiền thuê" – ông Anh than. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng buồn vì chôm chôm mất giá. "Chăm sóc dữ lắm mới có chôm chôm nghịch vụ phục vụ tết mà giá cả èo uột như vầy, biết bao nhiêu tiền bỏ vô rồi" – bà Hạnh hạ giọng nói. Cũng theo bà Hạnh, chôm chôm tuy không trúng mùa nhưng với sản lượng hiện tại thì giá trên 15.000 đồng/kg mới có lời.
Việc tạm đóng cửa biên giới Việt – Trung thời điểm này là hợp lý, thậm chí còn có ý kiến lẽ ra là nên đóng từ hôm 30 Tết để hạn chế du khách Trung Quốc sang Việt Nam dễ lây lan dịch vi rút Corona.
Cây chuyện ‘Trung Quốc ách xì’ là Việt Nam ‘cảm nắng’ ngay trong lãnh vực hàng hóa nông sản không phải mới mẻ. Rất nhiều cảnh báo về việc nền kinh tế – cả chính trị của Việt Nam, lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc dường như đã không được ‘Đảng – Nhà nước’ Việt Nam lắng nghe.
Việc tạm đóng cửa biên giới Việt – Trung thời điểm này là hợp lý, thậm chí còn có ý kiến lẽ ra là nên đóng từ hôm 30 Tết để hạn chế du khách Trung Quốc sang Việt Nam dễ lây lan dịch vi rút Corona.
Những kiểu phát biểu sáo rỗng :
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay cả nước chắc càng thắng to
Hòa bình, hạnh phúc, ấm no
Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam !
như ở Lời chúc Tết hôm mồng Một Tết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cho thấy nhà lãnh đạo ở Việt Nam ít chịu nhìn thẳng vào sự thật, dẫu đó là ngay khi mà thời điểm dịch vi rút Corona ở Trung Quốc đã bùng phát mạnh.
Trước đó, hôm 27 Tết, ông Nguyễn Phú Trọng cũng có bài huấn thị qua hình thức trả lời phỏng vấn của Thông Tấn Xã Việt Nam, có đoạn : "90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế – văn hóa phát triển, chính trị – xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt…
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao".
Trung Quốc có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước cùng thể chế chính trị như một sự tất yếu, và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước ; ngược lại sẽ là cam tâm thân phận của ‘chư hầu’. Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.
Trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam luôn đứng ở vị thế là nước nhập siêu, và đóng vai trò cầu nối xuất khẩu với chi phí thấp cho các ngành hàng thế mạnh của Trung Quốc. Diễn biến này đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu vào thế phụ thuộc Trung Quốc, và chỉ đóng vai trò gia công với giá trị gia tăng thấp.
Chỉ cần nhìn vào con số ở nền kinh tế Việt Nam quy mô khoảng 200 tỷ USD, nhưng hàng hóa xuất – nhập khẩu từ Trung Quốc tới gần 100 tỷ USD, bằng 1/2 GDP, vì vậy kinh tế Việt Nam rất dễ bị phụ thuộc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề lớn như thương chiến Mỹ – Trung, như cơn dịch Corona, thì kinh tế Việt Nam dính đòn trực tiếp là chuyện đương nhiên.
Đã vậy, việc phụ thuộc vào Trung Quốc chẳng những không giảm bớt, mà vẫn đang có xu hướng phụ thuộc nặng hơn những năm trước, bởi cái gọi là ‘quan hệ chiến lược’ mà ‘Đảng và Nhà nước’ Việt Nam đã giao kết với Bắc Kinh.
Từ hệ lụy đang diễn ra của việc kinh tế Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, có nghi ngại đến sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam ở tuổi 90, và đảng cộng sản Trung Quốc vào tuổi thất thập. Đó là hiện thực 70 năm xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã làm phần lớn người dân có tư duy vị kỷ, thói quen thụ động chờ nhà nước xử lý – kiểu ‘mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo’ – rồi giành giật lẫn nhau khi gặp lợi ích cá nhân. Trong khi lúc này cần lòng hy sinh, tinh thần xả thân và ứng xử văn minh để duy trì sự tồn tại trong ổn định. Liều thuốc y học chưa có mà liều thuốc cộng đồng sinh tồn chưa đủ thì rất dễ biến thành thảm hoạ quốc gia.
Cảnh báo như trên đối với Việt Nam cũng chẳng khác mấy. Ở Việt Nam lâu nay đảng cũng hạn chế xã hội dân sự kiểu mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo.
Phía sau dịch bệnh vi rút Vũ Hán/Corona sẽ làm xã hội Trung Quốc lộ ra những yếu điểm mà bình thường bị che phủ. Đảng cộng sản Trung Quốc chưa hẳn lo ngại bệnh dịch bằng lo ngại điều đó.
Và có lẽ đến lúc này, tận trong thâm tâm, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không còn đủ niềm tin, rằng ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’ như ông vẫn tự hào trong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra vào hai ngày cuối cùng của năm 2019.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 29/01/2020
Biến động gần đây tại Việt Nam khiến dư luận khắp nơi quan tâm đến tình trạng lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào một nước láng giềng có tham vọng bành trướng là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu hơn vào hiện tượng lệ thuộc đó…
Công nhân xây dựng công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội có vốn trợ cấp của Trung Quốc. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, dù nhà cầm quyền Việt Nam đã tạm hoãn việc Quốc hội biểu quyết Dự luật về ba Đặc khu Tự trị là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, người ta vẫn lo ngại về tình trạng lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một quốc gia láng giềng không che giấu tham vọng của họ là Trung Quốc. Theo dõi chuyện đó, Nguyên Lam thấy là cách nay đúng bốn năm, cũng vào đầu Tháng Bảy năm 2014, ông nói đến một khái niệm ít ai để ý là tính chất "công cụ" của nền kinh tế Việt Nam cho Trung Quốc. Bây giờ, Ban Việt ngữ xin yêu cầu ông phân tích lại chuyện này cho rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khởi đi từ phạm trù kinh doanh khi chi nhánh của một tập đoàn bảo hiểm hay ngân hàng trở thành công cụ cho doanh nghiệp mẹ - gọi theo Anh ngữ là "captive company" - tôi trình bày tính chất công cụ qua nhiều lớp của một nền kinh tế bị lệ thuộc vào nhà nước, nhà nước lệ thuộc vào một đảng độc quyền và các đảng viên cán bộ.
Chuyện tai hại không chỉ là các nhóm lợi ích chòng chéo làm kinh tế đi theo định hướng lệch lạc mà là khi đảng độc quyền đó lại lệ thuộc vào một đảng độc quyền khác của một quốc gia láng giềng. Khi ấy, nói về "nền kinh tế công cụ", tôi dự báo điều có thể xảy ra và quả thật là đang xảy ra.
Bây giờ, ta nên nhìn lại và phân tích sâu xa hơn vào nguyên nhân để thấy ra tương lai dĩ nhiên là đáng lo ngại cho Việt Nam.
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từ những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì tiết mục chuyên đề của chúng ta tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tôi xin miễn nói về các nguyên nhân chính trị thuộc về lịch sử của hai đảng Cộng sản láng giềng đã có quan hệ gần như huyết thống hay mẹ con.
Nói riêng về kinh tế, sau khi đổi mới, Việt Nam đã có cơ hội vượt thoát mà sau lại trôi về chốn cũ là cứ lệ thuộc vào Trung Quốc, từ tư tưởng, thể chế đến sách lược kinh tế, nên tình trạng công cụ càng được củng cố. Tôi xin khởi đi từ đó….
Lãnh đạo Việt Nam vẫn sống trong không gian hai chiều Nam-Bắc, làm gì cũng nhìn lên phương Bắc mà chẳng thấy ra nhiều hướng khác của thế giới, và tai hại nhất là không thấy tương lai của xứ sở là trí tuệ của người dân qua giáo dục và đào tạo. Đấy mới là tài nguyên đích thực, không nên đo ở số lượng tiến sĩ giấy.
Khi nhìn ra thế giới thì họ không học hỏi mà chỉ muốn dân lao động đem sức lực hơn trí tuệ làm gia công cho ngoại quốc nhờ ưu thế nhất thời là lương rẻ để xuất khẩu ra ngoài. Giới đầu tư kế cận, tại Trung Quốc, sẵn sàng nhảy vào đó, họ góp vốn bằng thiết bị và công nghệ lỗi thời vì năng suất kém mà ô nhiễm cao. Và họ nống giá cho ta ôm về những kỹ thuật giết người, trước hết là giết dân mình. Việt Nam có vài chục dự án thuộc loại tự sát đó.
Thứ hai, tính chất công cụ của nền kinh tế là một xoáy ốc kỳ lạ như các con búp bê rỗng ruột của Nga mà cốt lõi là đảng lồng trong nhà nước và thân tộc. Vì đảng quy định qua Hiến pháp rằng "đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân" mà lại "do nhà nước thống nhất quản lý", đảng viên cán bộ lấy đất của dân với giá bèo để làm giàu cho họ trong thế liên doanh tai hại ấy. Từ đó mới có các nhóm lợi ích với chủ trương tiến hành sách lược công nghiệp tội nghiệp, trong khi giới đầu tư Trung Quốc được ưu đãi để chiếm vị trí chiến lược nhất về an ninh trên lãnh thổ Việt Nam. Giới chuyên gia quốc tế chỉ thấy sai lầm của sách lược sử dụng đòn bẩy là đầu tư nước ngoài, chuyên gia Trung Quốc thì nhìn xa hơn và biết khai thác thể chế tham ô của Việt Nam cho quyền lợi của họ.
Nguyên Lam : Như vậy, thưa ông, phải chăng sai lầm khởi đi từ chiến lược phát triển kinh tế do lãnh đạo Việt Nam đề ra khi tìm đòn bẩy là đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư của Trung Quốc lại dùng ngay đòn bẩy đó cho quyền lợi của họ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam có "chiến lược phát triển" mà mới chỉ học chiến lược tăng trưởng, chứ phát triển đòi hỏi phẩm chất là cái mà Việt Nam chưa hề có và cũng chẳng học được gì của xứ khác.
Theo dõi các thống kê, dù chưa khả tín lắm, ai cũng thấy đầu tư ngoại quốc ăn lời lớn nhờ nhân công của ta và sẽ rút chạy qua nơi nào có nhân công rẻ hơn, hoặc có công nghệ sản xuất cao hơn, là điều đang xảy ra ! Thí dụ như khi người máy tự động trong ngành dệt sợ may mặc xuất hiện nhiều hơn, trường hợp SewBots đã thấy, thì Việt Nam sẽ tắt thở. Đó là chuyện chung, khi Việt Nam để kinh tế quá lệ thuộc vào nước ngoài qua xuất nhập khẩu, với một tỷ lệ nguy hại như tự sát.
Riêng về Trung Quốc thì đấy là sự tàn sát. Doanh nghiệp ngoại quốc, như Mỹ, Nhật, Nam Hàn hay Đài Loan, v.v… còn có tiêu chuẩn phải ít nhiều tuân thủ về môi sinh hay lao động. Doanh nghiệp Trung Quốc thì không, và có biệt tài xuất khẩu ô nhiễm sau khi đã tàn phá lãnh thổ của họ. Nhà thầu của họ vào Việt Nam như bậc thầy vì đặc tính công cụ chính trị ở trên, lại có tư thế là nhà băng cho vay với điều kiện dễ dãi và dễ chia chác, để thực hiện dự án hạ tầng, nguyên vật liệu và năng lượng.
Môi sinh bị ô nhiễm vì xài công nghệ phế thải thì dân Việt Nam ráng chịu, như chúng ta thấy tại Tây Nguyên hay Hà Tĩnh và qua vài chục dự án khác. Quen chửi Chính quyền Donald Trump của Hoa Kỳ trong mâu thuẫn với Bắc Kinh, mấy ai thấy là 90% lượng thép Việt Nam bán cho Mỹ lại là thép dư dôi của Trung Quốc được biến hóa thành sản phẩm của Việt Nam ? Khi Việt Nam bị Mỹ áp thuế nhập nội thì đấy cũng là cái tội từ Hà Nội lồng tới Bắc Kinh !
Nguyên Lam : Ông nhắc đến tai họa của Trung Quốc tại Tây Nguyên của Việt Nam thì có lẽ nhiều thính giả của chúng ta đã quên hoặc ít biết tới. Xin đề nghị ông nhắc lại chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ai khuyên Việt Nam trở thành một đại gia về thép trong khi xứ này chẳng có quặng sắt là nguồn tài nguyên lớn như Úc hay Brazil ? Đặc tính công cụ cho Bắc Kinh có thể trả lời câu hỏi đó !
Việt Nam sản xuất thép thì cần quặng, cần điện và cần đầu tư với quy mô lớn quá sức mình. Nhưng có Trung Quốc thì mọi sự trở thành dễ dàng : công nghệ khai thác quặng sắt và nhà máy điện chạy bằng than với nhược điểm gây ô nhiễm là những gì họ cung cấp. Còn chuyện lỗ lã hay môi trường sinh sống bị hủy diệt thì đấy là vấn đề của Việt Nam. Vì Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có tai họa tại Tây Nguyên từ mấy năm trước mà còn mắc nạn tại Hà Tĩnh với mỏ Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển.
Nguyên Lam : Thưa ông, nhiều quốc gia đang phát triển cũng có thể gặp bài toán đó, Việt Nam có thể nào thoát được không ? Là một chuyên gia tư vấn, ông thấy Việt Nam cần làm những gì để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhiều quốc gia đã gặp bài toán đó với Trung Quốc, như Sri Lanka, Pakistan, Miến Điện hay Malaysia, nhưng người dân có thể lên tiếng phản đối, người dân Việt Nam thì bị đàn áp cũng vì cái lý do công cụ ghê tởm đó.
Nhìn rộng ra ngoài, ta thấy các nước đi sau đều học các nước tiên tiến nhưng phải có ý thức độc lập và tự cường. Ý thức đó bắt đầu từ giáo dục rối đến đào tạo để nâng trình độ khoa học kỹ thuật cho người dân, trước tiên là ở cấp trung tiểu học để đa số đều có hiểu biết tối thiểu về đất nước và thế giới. Bước kể tiếp, thuộc thế hệ có trách nhiệm là dám bung ra ngoài để học hỏi kiến năng, là kiến thức và khả năng thực hiện. Trăm năm qua, Việt Nam chưa giải quyết xong bài toán đó thì lao vào chiến tranh và tàn phá. Ngày nay, ai có nhiệm vụ về kinh tế và kế hoạch cần đi học và đi mua công nghệ hay thuật lý của thiên hạ hoặc thuê chuyên gia ngoại quốc làm tư vấn cho mình. Mục tiêu là trong một thời hạn nhất định thì phải có sản phẩm của mình với giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao hơn.
Các nước Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đều trải qua giai đoạn học hỏi đó và trong chừng mực nhất định đều tìm cách bảo vệ thị trường chủ yếu và công nghệ non yếu của họ, nhưng thành công vì tôn trọng thị trường, xây dựng dân chủ và nhất là để tư doanh giữ thế quyết định trong khi nhà nước đảm nhiệm chức năng phối hợp và yểm trợ nhưng thường xuyên bị kiểm tra. Trung Quốc và Việt Nam thì thiếu các điều kiện cơ bản trên, duy trì chế độ độc đảng, quy chế phi thị trường, và thế chủ đạo của hệ thống quốc doanh trên đầu tư doanh, cho nên họ chỉ ăn cắp lẫn nhau và vì vậy mà thiếu bền vững. Đây là ta chưa nói đến chuyện mắc nợ !
Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra một ý kiến là các nước Đông Á đã thành công như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan đều cũng tìm cách bảo vệ các khu vực non yếu lúc ban đầu. Ông giải thích thêm về chuyện ấy được không vì nó có vẻ tương tự như Trung Quốc và Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thương mại thế giới thật ra muôn hình vạn trạng và bị nhiều yếu tố chi phối chứ không đồng hạng và đơn giản như lý thuyết về tự do mậu dịch, là điều được coi là lý tưởng kể từ sau Thế chiến II. Thực tế thì xứ nào - kể cả các nước công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật - cũng có một số khu vực được bảo vệ theo lý luận bảo hộ mâu dịch vì lý do kinh tế chính trị ở bên trong.
Nói về các nước Đông Á đi sau, họ cũng trải qua giai đoạn học hỏi và tiếp thu công nghệ mới, trước đó chưa có, để có được những sản phẩm nội địa. Bước đầu thì phải giúp các sản phẩm đó thành công trong thị trường nội địa, tới độ từ chối đầu tư nước ngoài vào các thị trường non yếu này. Bước kế tiếp mới là mở rộng thị trường ra ngoài qua cạnh tranh để có phần thị trường cao hơn và muốn vậy thì phải tuân thủ quy luật cạnh tranh của các nước khác. Tiến trình tiếp cận đó xảy ra một cách thường trực và phức tạp nên cần thương thuyết và hiệp ước. Then chốt ở đây là học công nghệ mới để có sản phẩm với giá trị kinh tế cao hơn.
Các nước thành công đều có giáo dục, đào tạo và đại học có đẳng cấp để biết tiếp thu công nghệ thay vì dùng bắp thịt làm ra các mặt hàng của thiên hạ với giá rẻ cho dễ xuất khẩu. Sau đó các nước không gian lận, ăn cắp hay ăn cướp, để thụ đắc công nghệ mới như Trung Quốc, là điều nay đã thành mười mươi rõ ràng khi bị Hoa Kỳ và Liên Âu khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Khác biệt nữa là sau khi có công nghệ mới, Trung Quốc tìm cách cải tiến và cải tiến được, còn Việt Nam thì không. Cho nên Việt Nam nhặt lại công nghệ lỗi thời của xứ láng giềng trong thân phận công cụ bị lệ thuộc. Vì vậy, tôi cho rằng nếu muốn thoát Tầu thì Việt Nam cần sửa từ cái đầu, về chính trị là ra khỏi nạn độc đảng, và về văn hóa là làm một cuộc cách mạng thật về giáo dục.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đau lòng này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 02/07/2018
Bộ Công Thương mới đây có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV). Lý do là vì TKV không đáp ứng được nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ và gặp khó khăn trong huy động vốn từ 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc).
Dự án nhà máy thép 6 000 tỷ liên danh với Trung Quốc đang nằm đắp chiếu - CafeF
Tuy nhiên, đánh giá năng lực của liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty trách nhiệm hữu hạn Hong Kong United (HUI) cho thấy, phương án tài chính mà Geleximco và liên danh đưa ra lại phần lớn dựa vào vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ vốn đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. Dự kiến lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86% một năm và quốc tế là 11,77% một năm.
Do đó, dự án này một lần nữa đặt ra nhiều nghi vấn đối với các nhà chuyên môn xung quanh tính khả thi và hiệu quả, sau hàng loạt những tồn tại đã và đang diễn ra tại các dự án do nhà thầu Trung Quốc triển khai. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và môi trường nói về điều này :
"Sự thực mà nói thì tôi cũng thường xuyên đặt câu hỏi để rồi tự trả lời xem là tại sao ? Tất nhiên nó có một cái lý mà nhiều người cho rằng nó mang tính hình thức, đó là các doanh nghiệp Trung Quốc thường chào với cái giá rất rẻ, thế nhưng mà còn có lý do mà tôi vẫn cho rằng logic thực tế hay nằm ở chỗ đó chính là câu chuyện tham nhũng trong quá trình đấu giá đấu thầu".
Trước ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc có chính sách "lại quả" từ 30% đến thậm chí 50% giá trị dự án chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng thầu tại các siêu dự án tại Việt Nam, Giáo sư Võ bày tỏ quan điểm :
"Ở Việt Nam hiện nay có một cái tôi cho là điều dở đó là mối quan hệ thân hữu , quen thân rồi thì cứ như thế nó giải quyết công việc nó nhanh, nó tiện thì đó gọi là chủ nghĩa thân hữu trong quản lý ở Việt Nam hiện nay còn chiếm xu thế khá mạnh. Tất nhiên là cái đó nó lại gắn với tham nhũng, có thể lúc đầu thì chưa thân lắm, nhưng rồi qua công việc, qua những cái "hoa hồng" đấy rồi dẫn cái thân rồi dần dần thành nếp. Đấy là một cái mà tôi cho rằng nhược điểm rất lớn trong hệ thông quản lý ở Việt Nam mà cần phải khắc phục bắt đầu từ việc bài trừ chủ nghĩa thân hữu".
Đồng quan điểm với Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) giải thích thêm :
"Mình quá coi trọng chỉ tiêu về giá. Nó bỏ với giá thấp xong cuối cùng nó lại dùng chiêu trò để nâng giá lên thì cuối cùng cũng lại bằng vô nghĩa. Bên cạnh đó thì nó lại có điều kiện là cấp cho mình vốn vay tín dụng thì đó là ưu điểm. Một cái nữa cũng phải hết sức thông cảm là cách làm ăn của Việt Nam với anh Trung Quốc là quan hệ lâu rồi thì cái đó nó cũng tác động. Tuy nhiên, phải nói thẳng ra là những dự án mà nhà thầu Trung Quốc thi công triển khai thì đều kém hiệu quả và gây lãng phí thất thoát".
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng rất nhiều các dự án mà Trung Quốc đã trúng thầu và đang thi công đều gây lãng phí bởi trên thực tế công nghệ của Trung Quốc yêu cầu chi phí đầu tư và duy tu bảo hành cao tuy nhiên lại không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Trong khi đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại lên án những hậu quả đối với môi trường từ các công nghệ của nhà thầu Trung Quốc. Ông nói :
"Tất cả những cái mà Việt Nam đã nhìn thấy rồi như công nghệ xi măng lò đứng, mía đường hay như nhiều thứ công nghệ khác, Việt Nam cũng đã nhập của Trung Quốc, thậm chí là biết rồi nhưng mà vẫn có một loạt các nhà máy xi măng lò đứng vẫn đang làm việc và vẫn đang gây ô nhiễm môi trường, trong khi ở Trung Quốc người ta đã bỏ xi măng lò đứng từ lâu rồi".
Thực tế này được minh chứng bằng các dự án như Dự án Tổ hợp Bô xít Tây Nguyên đội vốn hơn 30 nghìn tỷ và chậm tiến độ hơn 6 năm, Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và dự án mỏ sắt Quý Xa trị giá 6.000 tỷ nằm đắp chiếu, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình – 1 trong 12 dự án đội vốn thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương hay gần đây nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn hơn 7000 tỷ đồng và chậm tiến độ 3 năm tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó là hàng trăm dự án xây dựng và giao thông lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam cũng đang gặp phải những vấn đề về chi phí đầu tư và tiến độ gây thất thoát lãng phí, làm tăng thêm gánh nặng về lãi suất và gây nên những hiệu quả tiêu cực đối đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, mối quan hệ thân hữu giữa các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ qua cùng những khoản "lại quả" giá trị cao, thậm chí bằng tiềng mặt của nhà thầu Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới những bài học đầy "đau thương" hiện nay :
"Gần đây phải nói rằng bệnh chậm tiến độ, đội vốn kéo dài hay là thất thoát lãng phí trong đầu tư công nó là một bệnh trầm kha, một bệnh cố hữu của Việt Nam. Nói chung là các dự án đầu tư công ở Việt Nam hiện nay có đến 40-50% các dự án phải điều chỉnh do chậm tiến độ, do chi phí đội lên… chi phí rất là lớn".
Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho rằng mặc dù đã có Luật đầu tư công ban hành từ năm 2014 nhưng do năng lực hạn chế của đội ngũ cán bộ quản lý nên tình trạng trên vẫn không hề được cải thiện. Trong khi đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra khuyến cáo trong việc lựa chọn nhà thầu có thể đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật trước hết rồi mới tính đến các phương án giá bỏ thầu khả thi để tránh tình trạng nhà thầu không vượt qua được rào cản kỹ thuật, đình trệ thi công và liên tục đề xuất tăng vốn gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng như hiện nay.
Nguồn : RFA, 25/06/2018