Các cửa khẩu ở biên giới Việt – Trung hiện đã tạm đóng cửa vì dịch bệnh Corona. Trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm giá mạnh vì không thể xuất bán sang Trung Quốc.
Việt Nam sẽ như thế nào trước bất ổn kinh tế, chính trị Trung Quốc ?
Ngày 28/1 (mùng 4 Tết), giá chôm chôm Java thương lái đến thu mua tại vườn ở tỉnh Vĩnh Long chỉ từ 9.000 -10.000 đồng/kg. Ông Trần Nguyên Anh, ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long nói mọi năm tầm này giá chôm chôm Java không dưới 30.000 đồng/kg. Năm nay thì giá cứ hạ dần, từ trước Tết Nguyên đán có giá 16.000 đồng/kg giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg.
"Giá như vậy năm nay tui lỗ chắc, chưa tính tiền phân thuốc, chỉ tính tiền thuê nhân công mùa này, bán cũng không đủ trả tiền thuê" – ông Anh than. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng buồn vì chôm chôm mất giá. "Chăm sóc dữ lắm mới có chôm chôm nghịch vụ phục vụ tết mà giá cả èo uột như vầy, biết bao nhiêu tiền bỏ vô rồi" – bà Hạnh hạ giọng nói. Cũng theo bà Hạnh, chôm chôm tuy không trúng mùa nhưng với sản lượng hiện tại thì giá trên 15.000 đồng/kg mới có lời.
Việc tạm đóng cửa biên giới Việt – Trung thời điểm này là hợp lý, thậm chí còn có ý kiến lẽ ra là nên đóng từ hôm 30 Tết để hạn chế du khách Trung Quốc sang Việt Nam dễ lây lan dịch vi rút Corona.
Cây chuyện ‘Trung Quốc ách xì’ là Việt Nam ‘cảm nắng’ ngay trong lãnh vực hàng hóa nông sản không phải mới mẻ. Rất nhiều cảnh báo về việc nền kinh tế – cả chính trị của Việt Nam, lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc dường như đã không được ‘Đảng – Nhà nước’ Việt Nam lắng nghe.
Việc tạm đóng cửa biên giới Việt – Trung thời điểm này là hợp lý, thậm chí còn có ý kiến lẽ ra là nên đóng từ hôm 30 Tết để hạn chế du khách Trung Quốc sang Việt Nam dễ lây lan dịch vi rút Corona.
Những kiểu phát biểu sáo rỗng :
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay cả nước chắc càng thắng to
Hòa bình, hạnh phúc, ấm no
Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam !
như ở Lời chúc Tết hôm mồng Một Tết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cho thấy nhà lãnh đạo ở Việt Nam ít chịu nhìn thẳng vào sự thật, dẫu đó là ngay khi mà thời điểm dịch vi rút Corona ở Trung Quốc đã bùng phát mạnh.
Trước đó, hôm 27 Tết, ông Nguyễn Phú Trọng cũng có bài huấn thị qua hình thức trả lời phỏng vấn của Thông Tấn Xã Việt Nam, có đoạn : "90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế – văn hóa phát triển, chính trị – xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt…
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao".
Trung Quốc có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước cùng thể chế chính trị như một sự tất yếu, và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước ; ngược lại sẽ là cam tâm thân phận của ‘chư hầu’. Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.
Trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam luôn đứng ở vị thế là nước nhập siêu, và đóng vai trò cầu nối xuất khẩu với chi phí thấp cho các ngành hàng thế mạnh của Trung Quốc. Diễn biến này đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu vào thế phụ thuộc Trung Quốc, và chỉ đóng vai trò gia công với giá trị gia tăng thấp.
Chỉ cần nhìn vào con số ở nền kinh tế Việt Nam quy mô khoảng 200 tỷ USD, nhưng hàng hóa xuất – nhập khẩu từ Trung Quốc tới gần 100 tỷ USD, bằng 1/2 GDP, vì vậy kinh tế Việt Nam rất dễ bị phụ thuộc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề lớn như thương chiến Mỹ – Trung, như cơn dịch Corona, thì kinh tế Việt Nam dính đòn trực tiếp là chuyện đương nhiên.
Đã vậy, việc phụ thuộc vào Trung Quốc chẳng những không giảm bớt, mà vẫn đang có xu hướng phụ thuộc nặng hơn những năm trước, bởi cái gọi là ‘quan hệ chiến lược’ mà ‘Đảng và Nhà nước’ Việt Nam đã giao kết với Bắc Kinh.
Từ hệ lụy đang diễn ra của việc kinh tế Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, có nghi ngại đến sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam ở tuổi 90, và đảng cộng sản Trung Quốc vào tuổi thất thập. Đó là hiện thực 70 năm xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã làm phần lớn người dân có tư duy vị kỷ, thói quen thụ động chờ nhà nước xử lý – kiểu ‘mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo’ – rồi giành giật lẫn nhau khi gặp lợi ích cá nhân. Trong khi lúc này cần lòng hy sinh, tinh thần xả thân và ứng xử văn minh để duy trì sự tồn tại trong ổn định. Liều thuốc y học chưa có mà liều thuốc cộng đồng sinh tồn chưa đủ thì rất dễ biến thành thảm hoạ quốc gia.
Cảnh báo như trên đối với Việt Nam cũng chẳng khác mấy. Ở Việt Nam lâu nay đảng cũng hạn chế xã hội dân sự kiểu mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo.
Phía sau dịch bệnh vi rút Vũ Hán/Corona sẽ làm xã hội Trung Quốc lộ ra những yếu điểm mà bình thường bị che phủ. Đảng cộng sản Trung Quốc chưa hẳn lo ngại bệnh dịch bằng lo ngại điều đó.
Và có lẽ đến lúc này, tận trong thâm tâm, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không còn đủ niềm tin, rằng ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’ như ông vẫn tự hào trong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra vào hai ngày cuối cùng của năm 2019.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 29/01/2020