Ngài Lê Thanh Hải vừa còn ‘nguyên’, song cũng vừa không phải ‘nguyên’. Rối rắm chữ nghĩa là chỗ đó
Được lời rủ rê của một người bạn xứ hoa Tuy-líp, tôi nhận lời phụ họ trong chuyện bếp núc của trang Việt Nam Thời Báo, với lưu ý : ở Việt Nam không làm báo kiểu như tờ Sun ở lục địa già, cũng chẳng như CNN, song cũng không hẳn giống với Hoàn Cầu của Trung Hoa lục địa. Khó thật.
Càng khó hơn khi tôi phải biên tập về tin tức ngài Lê Thanh Hải vừa còn ‘nguyên’, song cũng vừa không phải ‘nguyên’. Rối rắm chữ nghĩa là chỗ đó.
Ông bạn cũ là nhà báo ‘Bắc kỳ’ nhưng sống ở Sài Gòn, giải thích kiểu vầy : Việc cách hết những chức vụ của một người đã thoát ly khỏi chức vụ đó trong nội bộ Đảng, thì không thể tìm cách biện giải bằng căn cứ pháp lý.
Ông bạn cho ví dụ : Thử tưởng tượng bây giờ, một người khi có yêu cầu trong một vụ tố tụng lớn, trưng ra một văn bản nặng ký, có liên quan đến sinh mệnh, tiền bạc cực lớn mà người ký là "Bí thư thành ủy đảng cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải". Nếu công nhận giá trị này thì "Tên tội phạm tương lai" kia sẽ hưởng lợi rất lớn và thoát tội.
Người tiếp nhận đẩy trả mớ văn bản mà nói : "Vô giá trị. Người ký không phải Bí thư thành ủy". Đương sự nói : "Khi ấy ông ấy là bí thư… thật !". Người tiếp nhận lại tiếp : "Nhưng ông ấy đã bị cách hết chức vụ cũ".
Đó, trong đoạn thoại (giả tưởng) này, ai cũng có lý. Cách đây 5 năm không tin Bí thư thành ủy thì tin ai ? Nhưng tin thì sai. Còn viên chức kia cũng đúng : ông Hải bị "cách" hết chức vụ trước đây" rồi nên đương nhiên chữ ký đó không có giá trị gì.
Tới đây có thể có ai đó có thể lý sự "lúc nào ra lúc đó". Khi đó ông ta có tư cách đó. Chữ ký, những phát biểu, nhưng chủ trương ông ta đứng đầu đều có giá trị. Vâng. Lại đúng.
Như vậy, có thể có 02 kết luận. Thứ nhứt, tư cách Bí thư trong quá khứ của ông Hải là hiện hữu. Hiệu lực của các định chế mà ông Hải là "Trùm" vẫn nguyên giá trị. Thứ hai, nếu muốn làm việc này phải điều chỉnh ngay trong điều lệ Đảng và pháp luật nhà nước. Ví dụ trong luật hành chính hoặc dân sự, ắt phải có một điều : Chữ ký trong các văn bản pháp quy do một cốt cán ký trong quá khứ nay vị trí này không còn do nhiều lý do, vẫn còn nguyên giá trị !…
Tuy nhiên trong giải thích dông dài, rối rắm như mối bòng bong đó vẫn còn nguyên trong tôi một thắc mắc : Sai phạm ở các chữ ký nếu có – ví dụ như ở vụ Thủ Thiêm, thì đó là sai phạm của một người nhân danh chức vụ được Đảng và nhà nước phân công.
Như vậy khi "cách" chức vụ của người này ở thời gian vài năm sau đó, và văn bản có chữ ký của người đại diện quyền lực được Đảng và Nhà nước phân công đó vẫn còn giá trị – tương tự như chữ ký của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong các đàm phán FTA, thì phải chăng chịu trách nhiệm tối thượng ở đây chính là các vị được nhân danh Đảng và Nhà nước ; tức những người có chức danh Tổng bí thư, Thủ tướng ?
Làm báo ở Việt Nam đúng là khó thật khi với một ‘phụ bếp’ như tôi dù ‘nhờ vả’ vào mối quan hệ với các bè bạn ‘thâm niên’ nghề viết lách, họ vẫn không giúp tôi ‘sáng’ ra bao nhiêu trong chuyện "cách" cứ như mê hồn trận ngữ nghĩa, song lại không được soi sáng bằng hệ thống luật pháp dân sự.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 21/03/2020
Tình hình có thể tóm tắt như sau : một số luật sư người Mỹ đã tiến hành vụ kiện tập thể, cáo buộc Trung Quốc kích hoạt bùng phát dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới trên toàn cầu vì lợi ích kinh tế của chính họ (1).
Trong vụ kiện này, Matthew Moore, một luật sư của Văn phòng luật The Berman Law Group ở Boca Raton, bang Florida, đã cho rằng việc Trung Quốc không nhanh chóng báo cáo và khống chế virus, thậm chí che giấu các tình hình dịch bệnh thực tế, đã dẫn đến bùng phát một vụ dịch lớn, "về thực chất, Trung Quốc đã trở thành nơi nuôi dưỡng nguồn virus khổng lồ".
Các nguyên đơn trong vụ án là bốn cư dân của Florida và một trung tâm đào tạo cầu thủ bóng chày ở Boca Raton. Họ cùng ủy quyền cho The Berman Law Group nộp cho Tòa án Liên bang Mỹ tại Miami bản cáo trạng dài 20 trang. Các bị cáo bao gồm : Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Y tế Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Ủy ban Y tế quốc gia), Bộ Nội vụ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Quản lý Khẩn cấp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chính quyền tỉnh Hồ Bắc và chính quyền thành phố Vũ Hán.
Đơn kiện cũng đưa ra một số "sự thật" để chứng minh rằng chính phủ Trung Quốc đã không làm hết trách nhiệm của mình, bao gồm Vũ Hán che giấu dịch bệnh, cảnh sát cảnh cáo và trách phạt 8 bác sĩ, sự kiện Vũ Hán tổ chức "Vạn gia yến" (bữa tiệc tập thể chục ngàn người dự khi đang có dịch", rò rỉ virus tại Viện Virus học Vũ Hán và Bộ Khoa học, Công nghệ Trung Quốc yêu cầu tăng cường quản lý Luật thí nghiệm sinh học…
"Nếu phán quyết của Mỹ được thực thi trên phạm vi thế giới thì Trung Quốc phải nhìn nhận vụ kiện. Nếu coi nó được xử lý theo pháp luật chứ không phải vụ án chính trị thì chúng ta có thể lạc quan hơn về kết quả" – một luật sư nói.
Có thể là không liên quan, song nếu xâu chuỗi sự kiện, có thể thấy rằng nhiều khả năng vụ kiện này sẽ nhận được sự ủng hộ của tổng thống Hoa Kỳ. "Nước Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các ngành như hàng không và các lĩnh vực khác đang bị ảnh hưởng đặc biệt do virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết !" – ông Trump viết trên Twitter, lần đầu tiên dùng cụm "Virus Trung Quốc".
"Virus Trung Quốc" dịch nôm sang ngôn ngữ dân dã của người Việt, đó là ‘cúm Tàu’. Liệu tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam có rút ra được bài học nào trong động thái tiếp cận tư pháp về ‘cúm Tàu’ để khởi kiện chính phủ Trung Quốc về chuyện – ví dụ như là đã vi phạm thỏa thuận về "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt" ?.
Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Đến năm 2002, Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là "4 tốt" : "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt".
Thế nhưng trước khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và có những hành động gây hấn đối với các tàu cảnh sát biển, tàu cá Việt Nam thì Trung Quốc biết rõ đã phá bỏ 16 chữ vàng và 4 tốt trong mối quan hệ với Việt Nam.
Như vậy, chỉ mới xét riêng chuyện ’16 vàng – 4 tốt’ cho thấy đang là một phép thử về khả năng tiếp cận tư pháp để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Điều này đang có một thuận lợi về lý thuyết của yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đó là người giữ vị trí Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, cũng đồng thời là Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Xem ra đại dịch virus Vũ Hán corona cũng đang mở ra những chương mới cho nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 18/03/2020
Trên mạng xã hội, người Việt trước đây hay sử dụng hình dung từ ‘lề trái’, ‘lề phải’ để phân biệt giữa báo chí quốc doanh, tức báo chí ‘có giấy phép’ theo thủ tục hành chính, và báo chí không chịu sự lệ thuộc vào ‘giấy phép thủ tục’ này.
Cần minh định ở đây về việc ‘thiên tả’ hay ‘thiên hữu’, chỉ có giá trị trong một xã hội đa nguyên dân chủ, nơi mà cả hai phe được tự do thực hành tư tưởng. Trong chế độ độc tài, dù do những đảng nhân danh cánh tả hay các tướng lĩnh cánh hữu cầm quyền, cách hiểu về ‘tả’/ ‘hữu’ bị bóp méo. Trong các nền chuyên chính đó, luôn có một hoặc vài giai cấp, tôn giáo, cộng đồng bị tước đoạt quyền sống, nên không thể có bình đẳng bác ái như cánh tả mong muốn, cũng như không thể có tự do phát triển năng lực của người giỏi, tự do cạnh tranh như cánh hữu kêu gọi.
Quan sát về các tuyến bài được phân chuyên trang trên Việt Nam Thời Báo ở thời gian lúc nhà báo Phạm Chí Dũng giữ quyền biên tập, hay ở hiện tại, tất cả đều cùng quan niệm về việc tất cả mọi học thuyết đều có cái đúng và cái sai của nó. Không một học thuyết hay chủ nghĩa nào là hoàn hảo. Cũng như các món ăn, nếu ăn mãi duy nhất một món, thì sẽ dẫn đến thừa một chất nào đó trong cơ thể, và thiếu các chất khác. Một xã hội tốt nhất là xã hội đó cho dân có quyền chọn lựa món ăn bằng chính lá phiếu của mình.
Gần như một slogan, trên trang Việt Nam Thời Báo xuyên suốt từ thời gian lúc nhà báo Phạm Chí Dũng chịu trách nhiệm biên tập, cho đến hiện tại, đều là : "Chúng tôi coi trọng quyền tự do ngôn luận và biểu đạt (freedom of expression – Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế). Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh không xúc phạm phẩm giá con người, dù đó là ai. Bất kỳ phản hồi nào cực đoan, tục tĩu, mang tính xúc phạm đều sẽ bị xóa" (2).
Tư cách cá nhân, tôi nghĩ rằng trong phê phán nhiều bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo là đang ít nhiều nịnh nọt nhà cầm quyền, tức ‘hữu khuynh’, thay vì phải ‘tả khuynh’ với tuyến bài đả phá mạnh mẽ nhất về những bất công, về những đàn áp nhân quyền của một nhà nước độc đảng.
Công tâm và cần thiết một tâm thế để ‘đọc chậm’, sẽ nhận ra là kể từ sau ngày nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt, sau tròn tháng ‘tạm đóng cửa’, trang Việt Nam Thời Báo đã xuất hiện trở lại với giao diện mới, kỹ thuật ‘vượt tường lửa’ cũng thuận tiện hơn với độc giả ; và điểm quan trọng là liều lượng phản biện trong hầu hết bài đăng trên Việt Nam Thời Báo đã ‘uyển ngữ’ hơn, giảm thiểu những tình tiết, ngôn từ khiến dễ đưa đến cáo buộc về hành vi ‘lợi dụng quyền tự do ngôn luận’ mà nhà cầm quyền vẫn thường hay ‘chụp mũ’ nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự trong thời gian qua.
Tôi hiểu báo chí hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong cạnh tranh thông tin, thách thức trong việc giành thị phần độc giả… Tất cả những điều này đang trở thành gánh nặng trên vai thư ký tòa soạn – những người được giao quyền "bếp trưởng" tại các tòa soạn, trong đó có Việt Nam Thời Báo ở bối cảnh mà người đứng đầu tổ chức hội đoàn này đang đối mặt với các tội danh hình sự, và ông đang ở chốn lao tù từ trung tuần tháng 11/2019 đến nay, nghĩa là đã gần bốn tháng…
Tôi nghĩ rằng bất kỳ sự ‘quá khích’ nào trong các tuyến bài viết ‘tả’/‘hữu’ đều có thể gây bất lợi với tổ chức Hội nhà báo độc lập Việt Nam ở giai đoạn hiện tại.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 19/03/2020
Ngày 05/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Theo đó, công tác văn thư được quy định tại Nghị định này bao gồm : soạn thảo, ký ban hành văn bản, quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư.
Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau : Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.
Phần phụ lục của Nghị định 30/2020/NĐ-CP có bắt buộc về các trường hợp phải ‘viết hoa’ ; và ‘viết hoa’ này dường như có nhiều điểm mà học trò lớp một giờ đây phải đi học lại, nếu như sau này lớn lên muốn theo nghề ‘văn thư’, chứ không phải là chuyện chính tả, hay chữ nghĩa văn chương.
Những nhà soạn thảo đã "dùi" cho ngài thủ thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định 30/2020/NĐ-CP khá nhiều những kiểu viết hoa tuỳ tiện và đầy cảm tính.
Biên tập viên Thu Trân thử làm cô giáo tiểu học khi đọc phần phụ lục của Nghị định 30/2020/NĐ-CP, với một vài ý kiến như sau về chuyện "Phải" mà ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thuận yêu cầu từ lời ‘thầy dùi’ Bộ Nội vụ :
- Phải viết hoa : "Nhân dân", "Nhà nước". Lưu ý lâu nay chính tả tiếng Việt dạy học trò cấp tiểu học rằng "nhân dân", "nhà nước" là danh từ chung, chẳng mắc gì phải viết hoa.
- Phải viết hoa : "Anh hùng Lao động". Tương tự, chính tả tiếng Việt nói rằng "Anh hùng lao động" là danh từ chung, chỉ viết hoa từ "anh" trong trường hợp cụm từ này đứng trước danh từ riêng. Ví dụ : Anh hùng lao động Nguyễn Văn A.
- Phải viết hoa : "Văn phòng Chủ tịch nước". Nếu đúng chính tả tiếng Việt, cần chữa lại cho đúng : "Văn phòng chủ tịch nước".
- Phải viết hoa : "Bộ Tài nguyên và Môi trường". Trường hợp này "bộ" viết hoa vì là từ đầu cụm từ, "tài" viết hoa vì là chữ đầu tên của "bộ", "môi" không cần hoa. Chữa lại cho đúng : "Bộ Tài nguyên và môi trường".
- Phải viết hoa : "Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam". Đây được xem là một cụm danh từ riêng. Nhìn cái cụm từ viết hoa kiểu này thì chắc chắn thầy cô giáo tiểu học biết mấy ông thầy dùi đã tẩu hoả nhập ma sau khi dùi mà không biết mình dùi cái gì.
Hãy giải thích vì sao chữ "chấp" viết hoa ? "Ban chấp hành" là cụm từ thì chức năng các từ trong cụm từ tương đương nhau. "Ban" viết hoa chỉ vì nó đứng đầu cụm từ thôi. "Trung" kết hợp với "ương" để làm thành danh từ chung "trung ương" nên cũng không cần hoa - hay tại vì "trung ương" to nên phải viết hoa ?.
"Đảng Cộng sản Việt Nam" là cụm danh từ chỉ một tổ chức riêng, nên chỉ cần từ đầu cụm "Đảng" hoa là đủ. "Việt Nam" hoa đương nhiên vì danh từ riêng. Chữa lại cho đúng : "Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam".
- Phải viết hoa : "thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư". Hai, ba, tư… trong ngày tháng là số thứ tự, là danh từ chung nên không hoa.
- Vụ hoa này thì đúng, nhưng phải nói cho rõ. Tại sao viết "Thành phố Hồ Chí Minh", mà lại "thành phố Biên Hoà" ? Không phải Thành phố Hồ Chí Minh, hoa chữ "Thành" vì là thành phố lớn. Mà tại bởi vì Hồ Chí Minh là tên người, bản thân nó không thể đi một mình để hiểu là một địa danh được. Phải kết hợp với "thành phố" cho ra một cụm từ cho dễ hiểu. Trong trường hợp này, "thành" là từ đứng đầu cụm từ nên phải hoa. Nói "đi Thành phố Hồ Chí Minh", chứ không ai nói "đi Hồ Chí Minh". Trong khi đó, có thể nói "đi Biên Hoà", hay "đi Sài Gòn".
- Cái vụ này nữa : "điểm a, khoản 2, Điều 103, Mục 5, Chương 12, Phần 1". Điểm, khoản, điều, mục, chương, phần… đều là các danh từ chung chỉ kết cấu của một điều luật. Nhưng tại sao "điểm", "khoản" không được hoa ; mà "Điều", "Mục", "Chương", "Phần" lại hoa ?
… Còn nhiều quy định về ‘hoa’ ở đây khác hẳn với chính tả ở cấp tiểu học. Đọc phần đầu của nghị định này thấy ‘thầy dùi’ là Bộ Nội vụ
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 14/03/2020
Tham khảo :
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-30-2020-ND-CP-cong-tac-van-thu-436532.aspx
Các cửa khẩu ở biên giới Việt – Trung hiện đã tạm đóng cửa vì dịch bệnh Corona. Trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm giá mạnh vì không thể xuất bán sang Trung Quốc.
Việt Nam sẽ như thế nào trước bất ổn kinh tế, chính trị Trung Quốc ?
Ngày 28/1 (mùng 4 Tết), giá chôm chôm Java thương lái đến thu mua tại vườn ở tỉnh Vĩnh Long chỉ từ 9.000 -10.000 đồng/kg. Ông Trần Nguyên Anh, ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long nói mọi năm tầm này giá chôm chôm Java không dưới 30.000 đồng/kg. Năm nay thì giá cứ hạ dần, từ trước Tết Nguyên đán có giá 16.000 đồng/kg giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg.
"Giá như vậy năm nay tui lỗ chắc, chưa tính tiền phân thuốc, chỉ tính tiền thuê nhân công mùa này, bán cũng không đủ trả tiền thuê" – ông Anh than. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng buồn vì chôm chôm mất giá. "Chăm sóc dữ lắm mới có chôm chôm nghịch vụ phục vụ tết mà giá cả èo uột như vầy, biết bao nhiêu tiền bỏ vô rồi" – bà Hạnh hạ giọng nói. Cũng theo bà Hạnh, chôm chôm tuy không trúng mùa nhưng với sản lượng hiện tại thì giá trên 15.000 đồng/kg mới có lời.
Việc tạm đóng cửa biên giới Việt – Trung thời điểm này là hợp lý, thậm chí còn có ý kiến lẽ ra là nên đóng từ hôm 30 Tết để hạn chế du khách Trung Quốc sang Việt Nam dễ lây lan dịch vi rút Corona.
Cây chuyện ‘Trung Quốc ách xì’ là Việt Nam ‘cảm nắng’ ngay trong lãnh vực hàng hóa nông sản không phải mới mẻ. Rất nhiều cảnh báo về việc nền kinh tế – cả chính trị của Việt Nam, lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc dường như đã không được ‘Đảng – Nhà nước’ Việt Nam lắng nghe.
Việc tạm đóng cửa biên giới Việt – Trung thời điểm này là hợp lý, thậm chí còn có ý kiến lẽ ra là nên đóng từ hôm 30 Tết để hạn chế du khách Trung Quốc sang Việt Nam dễ lây lan dịch vi rút Corona.
Những kiểu phát biểu sáo rỗng :
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay cả nước chắc càng thắng to
Hòa bình, hạnh phúc, ấm no
Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam !
như ở Lời chúc Tết hôm mồng Một Tết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cho thấy nhà lãnh đạo ở Việt Nam ít chịu nhìn thẳng vào sự thật, dẫu đó là ngay khi mà thời điểm dịch vi rút Corona ở Trung Quốc đã bùng phát mạnh.
Trước đó, hôm 27 Tết, ông Nguyễn Phú Trọng cũng có bài huấn thị qua hình thức trả lời phỏng vấn của Thông Tấn Xã Việt Nam, có đoạn : "90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế – văn hóa phát triển, chính trị – xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt…
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao".
Trung Quốc có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước cùng thể chế chính trị như một sự tất yếu, và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước ; ngược lại sẽ là cam tâm thân phận của ‘chư hầu’. Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.
Trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam luôn đứng ở vị thế là nước nhập siêu, và đóng vai trò cầu nối xuất khẩu với chi phí thấp cho các ngành hàng thế mạnh của Trung Quốc. Diễn biến này đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu vào thế phụ thuộc Trung Quốc, và chỉ đóng vai trò gia công với giá trị gia tăng thấp.
Chỉ cần nhìn vào con số ở nền kinh tế Việt Nam quy mô khoảng 200 tỷ USD, nhưng hàng hóa xuất – nhập khẩu từ Trung Quốc tới gần 100 tỷ USD, bằng 1/2 GDP, vì vậy kinh tế Việt Nam rất dễ bị phụ thuộc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề lớn như thương chiến Mỹ – Trung, như cơn dịch Corona, thì kinh tế Việt Nam dính đòn trực tiếp là chuyện đương nhiên.
Đã vậy, việc phụ thuộc vào Trung Quốc chẳng những không giảm bớt, mà vẫn đang có xu hướng phụ thuộc nặng hơn những năm trước, bởi cái gọi là ‘quan hệ chiến lược’ mà ‘Đảng và Nhà nước’ Việt Nam đã giao kết với Bắc Kinh.
Từ hệ lụy đang diễn ra của việc kinh tế Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, có nghi ngại đến sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam ở tuổi 90, và đảng cộng sản Trung Quốc vào tuổi thất thập. Đó là hiện thực 70 năm xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã làm phần lớn người dân có tư duy vị kỷ, thói quen thụ động chờ nhà nước xử lý – kiểu ‘mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo’ – rồi giành giật lẫn nhau khi gặp lợi ích cá nhân. Trong khi lúc này cần lòng hy sinh, tinh thần xả thân và ứng xử văn minh để duy trì sự tồn tại trong ổn định. Liều thuốc y học chưa có mà liều thuốc cộng đồng sinh tồn chưa đủ thì rất dễ biến thành thảm hoạ quốc gia.
Cảnh báo như trên đối với Việt Nam cũng chẳng khác mấy. Ở Việt Nam lâu nay đảng cũng hạn chế xã hội dân sự kiểu mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo.
Phía sau dịch bệnh vi rút Vũ Hán/Corona sẽ làm xã hội Trung Quốc lộ ra những yếu điểm mà bình thường bị che phủ. Đảng cộng sản Trung Quốc chưa hẳn lo ngại bệnh dịch bằng lo ngại điều đó.
Và có lẽ đến lúc này, tận trong thâm tâm, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không còn đủ niềm tin, rằng ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’ như ông vẫn tự hào trong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra vào hai ngày cuối cùng của năm 2019.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 29/01/2020
Các cựu chính khách, nhà phản biện xã hội đã nói gì về thể chế chính trị của Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Canh Tý ?
Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương, trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học viên lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng (28/10/2019) - Ảnh : TTXVN
Theo cách làm cũ sẽ không khơi dậy được nhân tài
Ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, nhìn nhận trong danh sách gần 200 người được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XII đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa rồi đều có độ tuổi trên dưới 40. Như vậy là số này mới sinh ra và lớn lên sau năm 1975, phần lớn đã kinh qua hoạt động trong phong trào Đoàn thanh niên.
"Đại hội Đảng khóa XIII đang đến gần. Nếu công tác chuẩn bị nhân sự theo cách làm cũ thì không khơi dậy được nhân tài, mặt khác không chuyển tiếp các thế hệ để bảo đảm có cán bộ có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước với số cán bộ trẻ có triển vọng vươn lên, thay thế" – ông Nguyễn Đình Hương nhận định.
Ông Nguyễn Đình Hương đề xuất việc chấm dứt "bó đũa chọn cột cờ" hay "cầm đuốc soi tìm cán bộ", theo đó, không nên quá cứng nhắc về tuổi đời, quá trình tham gia cách mạng dài hay ngắn ; không phân biệt và thành kiến với thành phần gia đình, thậm chí cả đảng viên trong thành phần kinh tế tư nhân.
"Ngay cả việc chọn lựa lãnh đạo chủ chốt của đất nước trong bối cảnh hiện nay cũng không nên quá cứng nhắc, nhất là tiêu chuẩn phải trải qua 2 khóa Bộ Chính trị mới được bầu vào vị trí lãnh đạo chủ chốt. Nếu cứng nhắc giữ cơ chế này, có thể việc chọn nhân sự chủ chốt sẽ sa vào tranh luận về những trường hợp đặc biệt mà không thể giải quyết được. Ngược lại, bỏ được cơ chế cũ, sẽ tạo cơ hội cho những người trẻ, không đủ 2 khóa Bộ Chính trị, kể cả ủy viên trung ương nhưng xứng đáng có thể đưa lên đảm nhiệm các chức danh chủ chốt. Như thế sẽ dài hơi hơn" - ông Nguyễn Đình Hương lập luận.
Tuy nhiên không khó để nhận ra rằng nếu tiếp tục thiếu động lực của cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị, thì dù có xoay trở cách nào đi nữa, vẫn là câu chuyện được gói gọn trong giới hạn của những đảng viên với nhau trong chuyện phân chia quyền lực trong cùng một bó đũa mà thôi.
"Quyền" của người dân cần phải được tôn trọng
Nhà phản biện xã hội Trương Nhân Tuấn khai bút đầu năm với yêu cầu mong sao "nhà nước của dân do dân và vì dân" được xác định cho rõ nghĩa.
Theo ông Tuấn, nếu đó là nhà nước của mọi người dân, nhà nước cho mọi người dân và nhà nước vì mỗi người dân thì mọi người dân phải được bình đẳng về "quyền". Thứ nhứt là quyền "chính trị". Đảng cộng sản Việt Nam không phải là lực lượng duy nhứt lãnh đạo "nhà nước và xã hội". Mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm tham gia việc lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Thứ hai là quyền tự do cơ bản của mỗi người dân theo đúng nội dung bản Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, phải được luật pháp bảo vệ và tôn trọng.
Ông Lê Văn Sinh chia sẻ cảm nghĩ đầu năm mới bằng một liên tưởng : Một trận mưa rào kèm sấm sét rền vang như giữa mùa hạ vào chiều và đêm 30 Tết Canh Tý tại Hà Nội. Chính ngọ mùng một Tết, lại mưa rào và sấm. Nhiều người nói chưa từng chứng kiến điều này trong gần một thế kỷ qua.
"Thời quân chủ chuyên chế, theo lệ vào dịp đầu năm, các vua Việt Nam tế lễ ở Đàn Nam Giao tạ ơn Trời Đất và sám hối trước Thần Linh về những tội lỗi họ phạm phải. Nhà vua cầu xin đấng quyền uy siêu nhiên đừng giáng họa xuống thần dân của mình".
Ông Sinh nói và cho rằng, "với một nền chính trị coi bạo lực đẻ ra chính quyền như Việt Nam, thì nền chính trị đó là một nền chính trị vô đạo đức. Sớm muộn gì nó cũng phạm tội ác chống nhân loại và con đường bại vong là điều không tránh khỏi. Có rất nhiều gương soi từ lịch sử các xã hội loài người. Tiếc thay không phải ai cũng học được từ bài học nhân – quả !".
Luật sư Đặng Đình Mạnh đặt vấn đề : "Năm nay, tôi xin phép hoãn lại những lời cầu chúc về tài lộc, thăng tiến, sức khỏe… Vì lẽ, tôi vẫn mong hoài bão lớn nhất của dân tộc được chóng thành nên đã cầu chúc điều ấy. Tôi tin rằng, khi điều ấy thành tựu, thì chúng ta và con cháu cũng đều sẽ có mọi sự tốt lành trong cuộc đời và nhất là được sống, được thở, được nói, được hành xử đúng với phẩm giá làm người, giá trị mà nhiều dân tộc trên thế giới đã mặc nhiên sở hữu".
Thay lời kết
Qua ghi nhận một số ý kiến nêu trên, từ cựu quan chức cấp cao của đảng như ông Nguyễn Đình Hương, đến các công dân ‘ngoài đảng’, cho thấy có cùng điểm chung : Chế độ đảng cộng sản toàn trị mang đặc tính chuyên chế là nhà nước được miễn trừ khỏi các quy định pháp luật với việc duy trì bộ máy an ninh đông đảo, rộng khắp để kiểm soát mọi mặt cuộc sống của người dân.
Lạm dụng quyền lực hiện nay đang tạo ra xu hướng đáng lo ngại trong công luận. Nó có thể làm tổn hại đến nỗ lực cải cách thể chế hiện nay của chính độc đảng cầm quyền. Điều này cho thấy dùng quyền lực của đảng, nhà nước để chống tham nhũng được coi như ‘ta đánh ta’, ‘tự lấy đá ghè chân mình’, ‘đánh chuột không làm vỡ bình’… để giảm thiểu sự bất mãn từ dân chúng, mà không dựa vào dân bằng cơ chế dân chủ, khả thi là một hình thức biểu hiện của chuyên chế.
Chuyên chế trong chính trị tạo ra sự chống đối ngầm, bộ máy hành chính trì trệ, quan chức tuân lệnh nhưng ‘tâm không phục’. Nguy hại hơn, nếu chuyên chế trong các vấn đề dân sự, như các biến cố vừa xảy ra ở Đồng Tâm, ở Lộc Hưng…, có thể gây nên sự bất bình, mất niềm tin, thậm chí sự căm thù, đối đầu với chính quyền. Đây là căn nguyên bất ổn dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ và xung đột xã hội.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 26/01/2020
Một cái Tết Canh Tý đang nhuốm mùi thuốc súng ở chính trường Việt Nam.
Rất có thể đó là những cái tên quen thuộc mà dân chúng chờ đợi suốt hơn cả chục năm qua : Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải.
Từ ngày 03 đến 08/01/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 42.
Hồi chuông báo tử đang gióng ?
Chiều 8/1, Ủy ban kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí kỳ họp 42, theo đó trong vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, các đảng viên quan chức sau đây được xướng tên : ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy ; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố ; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố ; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố.
Tương tự ở Hà Nội, danh sách của ‘bảng phong thần’ có : ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên phó thủ tướng. "Đàn em" của ông Hoàng Trung Hải được gọi tên trong danh sách ‘củi lò’ này ở Tổng công ty thép Việt Nam, gồm : ông Mai Văn Tinh, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng quản trị) ; ông Đậu Văn Hùng, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc ; ông Trần Văn Khâm, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị ; ông Trần Trọng Mừng, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc ; ông Đặng Thúc Kháng, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị ; Lê Phú Hưng, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc ; ông Ngô Sỹ Hán, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên phó tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Một số quan chức ‘triều đại’ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nằm trong ‘bảng phong thần’ lần này : ông Văn Trọng Lý, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ; ông Nguyễn Văn Tài, nguyên hàm vụ trưởng Văn phòng Chính phủ ; ông Đỗ Cảnh Dương, tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ ; ông Nguyễn Hữu Vũ, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Nhìn từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm : có thật chỉ là ‘một tay che trời’ ?
Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Lê Thanh Hải giữ vị trí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt gần 20 năm, trong khoảng thời gian xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy" – Thông cáo Báo chí Kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có đoạn viết như vậy.
Ông Lê Thanh Hải giữ vị trí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt gần 20 năm, trong khoảng thời gian xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm như "vừa trải qua một trận ném bom thời chiến" là nhận xét của ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ đầu tiên (1997-2001) kể từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996.
Thực tiễn có phần nghiệt ngã hơn. Bom đạn có thể giật sập nhà cửa nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng. Nhưng những gì đã diễn ra khiến hàng trăm gia đình phải ly tán. Thủ Thiêm là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.
Thực tế, người dân Thủ Thiêm từng có cơ hội chấm dứt kiếp nạn cách nay hơn chục năm. Theo xác nhận của kết luận từ cơ quan Thanh tra Chính phủ, việc chấp hành quy định pháp luật về trình tự, thủ tục triển khai giải phóng mặt bằng của Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp là quận 2 có nhiều trường hợp chưa đầy đủ, chưa đúng quy định như : không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng ; Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đã căn cứ vào quy định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo các quyết định số 135/2002/QĐ-UB, số 123/2006/QĐ-UBND và số 06/2009/QĐ-UBND để lập bản chiết tính, dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho từng tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất mà không lập phương án tổng thể để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí bồi thường.
Liệu có phải ở đây là câu chuyện của ‘một tay che trời’ ?
Hồ sơ vụ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết ngày 22-9-2008, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 549/UBND-PCNC-M gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất không phải lập phương án tổng thể, và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý tại văn bản số 977/VPCP-KNTN ngày 3-10-2008.
Không phải UBND Thành phố Hồ Chí Minh không biết đã làm trái quy định pháp luật. Nhưng thay vì cầu thị sửa sai, pháp nhân công quyền này lại tìm cách "hợp thức hóa" bằng văn bản đồng ý đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng về đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ "…quyết định, chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên". Ở chiều ngược lại, Thủ tướng không có thẩm quyền cho phép chủ tịch, UBND cấp tỉnh, thành phố làm trái luật.
Nhưng, được văn bản đồng ý của Thủ tướng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành QĐ 06/2009 về việc bỏ qua thủ tục lập phương án tổng thể để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí bồi thường.
Như vậy, Luật Đất đai bị vô hiệu hóa không chỉ bởi bàn tay của chính quyền địa phương, mà còn có trách nhiệm tiếp tay từ chính quyền trung ương. Nếu Chính phủ thời điểm đó thực hiện tròn vai người kiểm soát, buộc hệ thống chính quyền địa phương tuân thủ pháp luật, tấn bi kịch Thủ Thiêm biết đâu đã dừng lại từ 2008, với cả dân lẫn chính quyền.
Bên cạnh đó, những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm, bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị…
Một cái Tết Canh Tý đang nhuốm mùi thuốc súng ở chính trường Việt Nam.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 08/01/2020
‘Ngã ngựa’ ở đây không phải là ‘thượng mã phong’ nơi phòng the, mà hiểu nôm na là ai đó tự dưng buộc phải rời chốn quan trường ; và trong vài trường hợp còn bị đe dọa dính tới vòng lao lý. Gần đây ở Việt Nam có hình dung từ ‘củi – lò’ cho chuyện liên quan bắt bớ ấy kể từ lúc ông Nguyễn Tấn Dũng ‘cáo lão hồi quan’ để về ‘làm người tử tế’ – tức ông Ba X ‘ngã ngựa’.
Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trước tết nguyên đán 2018 chỉ là một động tác vỗ về an ủi, không để ông Dũng "manh động". Ảnh: SGGP
Dẫn chứng cho phần nhận định ở trên : Vụ đất đai, nhà cửa của người dân vườn rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị nhóm chính quyền cướp trắng trợn theo đúng nghĩa đen, với đầy đủ chứng cứ pháp lý từ văn bản đến hình ảnh video… Gần một năm đi qua, mặc dù các vị luật sư thiện nguyện đã đồng hành cùng người dân Lộc Hưng đến tất cả các cơ quan công quyền liên quan để khiếu nại…, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng như một trêu người của câu nói thách thức quen thuộc : ‘luật là tao – tao là luật’. Sếp của ‘tao’ ở đây chưa ‘ngã ngựa’, nên ‘tao’ vẫn là ‘luật’ (!?)
Chuyện chính quyền sai trái về đất đai kiểu đầy thách thức như trên không hiếm.
"Bắt nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa và 2 nguyên phó chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh" là nội dung được rất nhiều tờ báo ở Việt Nam đăng vào chiều tối ngày 3/1/2020. Các vị này được cáo buộc là liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương – nghĩa là liên quan mật thiết đến đất đai của người dân, và cả lẫn công sản.
"Thầy" của các vị vừa xộ khám đó là ông Nguyễn Thành Tài, người từng có thời gian làm việc ở Sở Văn hóa, Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh trước khi được ông Lê Thanh Hải ‘rước’ về ủy ban nhân dân thành phố để làm cấp phó cho mình.
Ông Nguyễn Thành Tài, hay còn gọi bằng tên thân mật "Tư Huy", thuộc vây cánh đắc lực của nhóm quyền lực chính trị bậc nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian rất dài, với người đứng đầu là Lê Thanh Hải, còn gọi thân tình "anh Hai", tức "Hai Nhựt" – tác giả kiêm đạo diễn kịch bản cướp đất xuyên suốt hai thế kỷ 20 – 21 có tên là "Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng – người dân hay gọi là ông Ba X, rời ghế thủ tướng khi chưa dứt nhiệm kỳ, thì trước đó các đàn em của ông tại nhiều địa phương cũng bắt đầu ‘lọt’ vào tầm ngắm nghía của ‘tiều phu’ Nguyễn Phú Trọng. Vây cánh thuộc dạng ‘kinh tài’ cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nằm trong bảng phong thần đó. Do vậy nên mới có chuyện Trầm Bê vào tù, ông Đặng Văn Thành phe cánh của ngài Nguyễn Xuân Phúc được dịp quay trở về Sacombank, nơi ông là sáng lập viên và bị Trầm Bê hất cẳng… Người giữ hầu bao cho ông Ba X là Trần Bắc Hà cũng vào tù và mất luôn ở đó.
Đến nay thì cả ông Ba X lẫn ông Hai Nhựt vẫn bình chân như vại, mặc dù đàn em thân tín đang bị ‘tỉa’ dần để làm ‘củi’.
Sẽ còn có ai là những con chốt thí qua sông để dằn mặt nhau giữa các ngài đại tướng quân trên bàn cờ quyền lực, ngay trong chính nội bộ đảng cầm quyền ở nhiệm kỳ mới cận kề ?
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 04/01/2019
Theo dõi các phiên tòa hình sự vài năm gần đây qua báo chí Việt Nam, nhiều bị cáo được cho là phạm tội có liên quan đến chức vụ, đều khai tại phiên tòa là họ thực hiện theo chỉ đạo của thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên chưa có một luật sư đại diện nào của thủ tướng, hay cựu thủ tướng đã thay mặt thân chủ mình hầu tòa để làm rõ những lời khai ấy.
Nhiều bị cáo được cho là phạm tội có liên quan đến chức vụ, đều khai tại phiên tòa là họ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Phía luật sư cho rằng ở đây là các hành vi bị pháp luật cáo buộc sai phạm đến từ chuyện ‘xung đột pháp lý’, như ở vụ án liên quan đến cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Hữu Tín, đang được xét xử từ hôm 26/12/2019 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn.
"Xung đột pháp lý" là thuật ngữ nói về hiện tượng hai, hoặc nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh. Ngoài ra trong một số trường hợp, thuật ngữ này được dùng với hàm ý về thứ xung đột giả tạo, nhằm che đậy một xung đột đích thực vì mục đích của pháp luật được áp dụng sẽ nhằm phục vụ ai.
Bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các luật sư cho rằng sai phạm của cựu phó chủ tịch do nỗ lực giữ bí mật Nhà nước, mâu thuẫn trong các văn bản luật…
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang tranh tụng, theo văn bản của thủ tướng, các bộ ngành được tạo điều kiện để giao đất thực hiện mục đích an ninh quốc phòng. Các văn bản, chỉ thị, nghị định này là văn bản pháp luật đặc thù. Ông Tín đã nhận thức rằng, việc giao khu nhà đất 15 Thi Sách, quận 1 cho công ty bình phong của Bộ Công an – tức Công ty Bắc Nam 79 được quyền thuê đất làm văn phòng phục vụ công tác tình báo – là phải áp dụng luật đặc thù, chứ không phải Luật Đất đai phổ biến.
Theo luật sư, khi tiếp nhận công văn của Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch… ông Tín đã gửi qua Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị tham mưu thực hiện. Ông Tín và tất cả các bị cáo đều nhận thức đây là công văn chỉ đạo. Không có văn bản hay ý kiến nào của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói ông Tín nếu thực hiện theo các công văn đó sẽ phải chịu hậu quả.
"Lỗ hổng trong quy trình hoạt động của các cấp ban ngành không chỉ khiến xảy ra vụ án này, mà còn có những vụ án khác", luật sư Trang nói.
Tương tự trong thương vụ Mobifone – AVG đang đi vào hồi kết của giai đoạn xét xử sơ thẩm, các bên liên quan đã khai là vụ việc làm theo chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đó nữa, trong mấy bận hầu tòa vì liên quan dắt dây đến nhiều vụ án, ông Đinh La Thăng cũng nói trước tòa là làm theo đúng chỉ đạo của cấp trên.
‘Xung đột pháp lý’ còn được bắt gặp trong các phiên tòa liên quan đến án về an ninh quốc gia.
Đơn cử, trước đây Bộ Luật hình sự có điều 88 mang tên "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", thì sau đó ở Bộ Luật hình sự phiên bản 2015, điều luật này đánh số 117 mang tên "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Thế nhưng ở cả lúc điều luật 88 hiệu lực cho tới hiện nay thay bằng điều luật 117, khi phiên tòa diễn ra thì hoàn toàn vắng mặt bên bị hại là người đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi tuyên án, Chủ tọa phiên xét xử luôn mở đầu bằng mẫu câu quen thuộc : "Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…". Như vậy, hóa ra bên được cho là bị hại đã được quyền xét xử và tuyên án đối với bên trong thân phận bị cáo.
Không ít vụ án oan sai, trong bản tuyên án đều có câu ‘nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. Việc nhân danh này cho thấy đây là thực thể không có khả năng đoán định đúng sai để đem lại công lý.
Tòa án nước ngoài nhân danh công lý để xét xử, nhưng tòa án ở Việt Nam thì nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xung đột pháp lý vì tòa đã không nhân danh công lý trong nhiều vụ án, do đó cũng là lẽ thường tình. Và lẽ ấy nên dù lời khai của các đương sự tại phiên tòa có hài cụ thể tên tuổi của những vị cựu thủ tướng, thủ tướng liên quan, thì cũng chẳng thể nào mời những vị vốn cũng được quyền ‘nhân danh nhà nước’ đó ra hầu tòa.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 28/12/2019