Các cựu chính khách, nhà phản biện xã hội đã nói gì về thể chế chính trị của Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Canh Tý ?
Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương, trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học viên lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng (28/10/2019) - Ảnh : TTXVN
Theo cách làm cũ sẽ không khơi dậy được nhân tài
Ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, nhìn nhận trong danh sách gần 200 người được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XII đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa rồi đều có độ tuổi trên dưới 40. Như vậy là số này mới sinh ra và lớn lên sau năm 1975, phần lớn đã kinh qua hoạt động trong phong trào Đoàn thanh niên.
"Đại hội Đảng khóa XIII đang đến gần. Nếu công tác chuẩn bị nhân sự theo cách làm cũ thì không khơi dậy được nhân tài, mặt khác không chuyển tiếp các thế hệ để bảo đảm có cán bộ có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước với số cán bộ trẻ có triển vọng vươn lên, thay thế" – ông Nguyễn Đình Hương nhận định.
Ông Nguyễn Đình Hương đề xuất việc chấm dứt "bó đũa chọn cột cờ" hay "cầm đuốc soi tìm cán bộ", theo đó, không nên quá cứng nhắc về tuổi đời, quá trình tham gia cách mạng dài hay ngắn ; không phân biệt và thành kiến với thành phần gia đình, thậm chí cả đảng viên trong thành phần kinh tế tư nhân.
"Ngay cả việc chọn lựa lãnh đạo chủ chốt của đất nước trong bối cảnh hiện nay cũng không nên quá cứng nhắc, nhất là tiêu chuẩn phải trải qua 2 khóa Bộ Chính trị mới được bầu vào vị trí lãnh đạo chủ chốt. Nếu cứng nhắc giữ cơ chế này, có thể việc chọn nhân sự chủ chốt sẽ sa vào tranh luận về những trường hợp đặc biệt mà không thể giải quyết được. Ngược lại, bỏ được cơ chế cũ, sẽ tạo cơ hội cho những người trẻ, không đủ 2 khóa Bộ Chính trị, kể cả ủy viên trung ương nhưng xứng đáng có thể đưa lên đảm nhiệm các chức danh chủ chốt. Như thế sẽ dài hơi hơn" - ông Nguyễn Đình Hương lập luận.
Tuy nhiên không khó để nhận ra rằng nếu tiếp tục thiếu động lực của cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị, thì dù có xoay trở cách nào đi nữa, vẫn là câu chuyện được gói gọn trong giới hạn của những đảng viên với nhau trong chuyện phân chia quyền lực trong cùng một bó đũa mà thôi.
"Quyền" của người dân cần phải được tôn trọng
Nhà phản biện xã hội Trương Nhân Tuấn khai bút đầu năm với yêu cầu mong sao "nhà nước của dân do dân và vì dân" được xác định cho rõ nghĩa.
Theo ông Tuấn, nếu đó là nhà nước của mọi người dân, nhà nước cho mọi người dân và nhà nước vì mỗi người dân thì mọi người dân phải được bình đẳng về "quyền". Thứ nhứt là quyền "chính trị". Đảng cộng sản Việt Nam không phải là lực lượng duy nhứt lãnh đạo "nhà nước và xã hội". Mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm tham gia việc lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Thứ hai là quyền tự do cơ bản của mỗi người dân theo đúng nội dung bản Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, phải được luật pháp bảo vệ và tôn trọng.
Ông Lê Văn Sinh chia sẻ cảm nghĩ đầu năm mới bằng một liên tưởng : Một trận mưa rào kèm sấm sét rền vang như giữa mùa hạ vào chiều và đêm 30 Tết Canh Tý tại Hà Nội. Chính ngọ mùng một Tết, lại mưa rào và sấm. Nhiều người nói chưa từng chứng kiến điều này trong gần một thế kỷ qua.
"Thời quân chủ chuyên chế, theo lệ vào dịp đầu năm, các vua Việt Nam tế lễ ở Đàn Nam Giao tạ ơn Trời Đất và sám hối trước Thần Linh về những tội lỗi họ phạm phải. Nhà vua cầu xin đấng quyền uy siêu nhiên đừng giáng họa xuống thần dân của mình".
Ông Sinh nói và cho rằng, "với một nền chính trị coi bạo lực đẻ ra chính quyền như Việt Nam, thì nền chính trị đó là một nền chính trị vô đạo đức. Sớm muộn gì nó cũng phạm tội ác chống nhân loại và con đường bại vong là điều không tránh khỏi. Có rất nhiều gương soi từ lịch sử các xã hội loài người. Tiếc thay không phải ai cũng học được từ bài học nhân – quả !".
Luật sư Đặng Đình Mạnh đặt vấn đề : "Năm nay, tôi xin phép hoãn lại những lời cầu chúc về tài lộc, thăng tiến, sức khỏe… Vì lẽ, tôi vẫn mong hoài bão lớn nhất của dân tộc được chóng thành nên đã cầu chúc điều ấy. Tôi tin rằng, khi điều ấy thành tựu, thì chúng ta và con cháu cũng đều sẽ có mọi sự tốt lành trong cuộc đời và nhất là được sống, được thở, được nói, được hành xử đúng với phẩm giá làm người, giá trị mà nhiều dân tộc trên thế giới đã mặc nhiên sở hữu".
Thay lời kết
Qua ghi nhận một số ý kiến nêu trên, từ cựu quan chức cấp cao của đảng như ông Nguyễn Đình Hương, đến các công dân ‘ngoài đảng’, cho thấy có cùng điểm chung : Chế độ đảng cộng sản toàn trị mang đặc tính chuyên chế là nhà nước được miễn trừ khỏi các quy định pháp luật với việc duy trì bộ máy an ninh đông đảo, rộng khắp để kiểm soát mọi mặt cuộc sống của người dân.
Lạm dụng quyền lực hiện nay đang tạo ra xu hướng đáng lo ngại trong công luận. Nó có thể làm tổn hại đến nỗ lực cải cách thể chế hiện nay của chính độc đảng cầm quyền. Điều này cho thấy dùng quyền lực của đảng, nhà nước để chống tham nhũng được coi như ‘ta đánh ta’, ‘tự lấy đá ghè chân mình’, ‘đánh chuột không làm vỡ bình’… để giảm thiểu sự bất mãn từ dân chúng, mà không dựa vào dân bằng cơ chế dân chủ, khả thi là một hình thức biểu hiện của chuyên chế.
Chuyên chế trong chính trị tạo ra sự chống đối ngầm, bộ máy hành chính trì trệ, quan chức tuân lệnh nhưng ‘tâm không phục’. Nguy hại hơn, nếu chuyên chế trong các vấn đề dân sự, như các biến cố vừa xảy ra ở Đồng Tâm, ở Lộc Hưng…, có thể gây nên sự bất bình, mất niềm tin, thậm chí sự căm thù, đối đầu với chính quyền. Đây là căn nguyên bất ổn dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ và xung đột xã hội.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 26/01/2020