Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/01/2020

Việt Nam một mình đối chọi vi rút Corona đến từ Trung Quốc

Nhiều tác giả

Hãy tự cứu mình trước !

Nghi Yên, VNTB, 26/01/2020

Người dân lại phải tự mình cứu mình trước khi chính phủ chịu ra tay cứu họ !

Cho tới ngày 26 tháng 1 con số nhiễm bệnh cúm do virus Corona hay virus Vũ Hán tăng lên 1.823 người với 55 ca tử vong. Khách du lịch bị nhiễm bệnh từ Trung Quốc đã được phát hiện ở 13 quốc gia khác nhau như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

whan0

Sngười nhiễm bệnh cúm do virus Corona hay virus Vũ Hán tăng lên mỗi ngày

Dịch bệnh này tương tự như dịch Sars do một loại virus cùng họ với virus Corona đã làm hơn 8000 người nhiễm bệnh và 10% trong số đó đã bị thiệt mạng trong năm 2002 và 2003. Virus lần này có lẽ sẽ không nguy hiểm đến như vậy.

Theo Reuters, với tỷ lệ lây nhiễm như hiện nay thì số người nhiễm bệnh vào ngày 4 tháng Hai có thể lên đến 140.000 người và rất khó kiểm soát [1].

Tác động kinh tế từ dịch Sars

Vào tháng 5 năm 2003, số lượng hành khách đi lại ở Trung Quốc đã giảm hơn 40% so với một năm trước đó. Cửa hàng, nhà hàng và khách sạn đều bị thiệt hại. Tăng trưởng hàng quý giảm xuống 3,5% từ hơn 12%vào thời điểm bệnh Sars bùng phát dữ dội [2].

Trong trường hợp virus Vũ Hán, hầu hết hy vọng rằng phản ứng nhanh hơn của chính phủ có thể có nghĩa là mất ít thời gian hơn để chế ngự. Nếu các chuyên gia kết luận rằng loại virus này không nguy hiểm như loại gây ra Sars, Trung Quốc cũng có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát khi ra vào Vũ Hán trước khi thiệt hại kinh tế lớn xảy ra. Đảm bảo tính minh bạch có thể làm giảm sự hoảng loạn.

Tuy nhiên, người Trung Quốc hiện di chuyển nhiều hơn so với hồi đầu những năm 2000. Có khoảng 450.000 người đi lại hàng ngày bằng tàu hỏa ở Hồ Bắc. Con số này nhiều gấp đôi lượng hành khách hàng ngày ở Quảng Đông vào năm 2002 khi tỉnh đó trở thành điểm nóng của Sars. Với mạng lưới tàu cao tốc được xây dựng trong thập kỷ qua, hành khách từ Vũ Hán sẽ đi xa hơn và nhanh hơn so với những người ở Quảng Đông hồi đó. Trung Quốc cũng kết nối nhiều hơn với thế giới. Năm 2018, khoảng 205.000 người đã bay vào và ra khỏi Trung Quốc mỗi ngày, nhiều gấp sáu lần so với thời điểm dịch Sars.

Thời điểm bùng phát làm cho việc kiểm soát trở nên khó khăn vì đây là thời điểm năm mới và hàng triệu người đi lại khắp nơi để gặp gỡ người thân. Hành khách vẫn được kiểm tra nhiệt độ để phát hiện sốt. Tuy nhiên thời gian ủ bệnh có thể một tuần hoặc hơn, vì vậy một số người bị nhiễm bệnh có thể không bị phát hiện.

Nền kinh tế lớn hơn nhưng ít xáo trộn hơn so với năm 2003. Trong thời kỳ dịch Sars bùng nổ, một số lĩnh vực lớn phát triển mạnh ngay cả khi những nơi khác gặp khó khăn. Xuất khẩu tăng 35%. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nhà ở tăng mạnh. Tuy nhiên, ngày nay, tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn nhiều – chỉ 0,5% trong năm 2019. Doanh số bất động sản đã bắt đầu giảm sau một thời gian dài bùng nổ. Và Trung Quốc khó có thể tăng chi tiêu thêm cho cơ sở hạ tầng vì đã xây dựng rất nhiều trong thập kỷ qua. Trong vài ngày đầu tiên sau khi số lượng nhiễm bệnh được xác nhận trong tháng này, chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 5% và có thể sẽ sụt giảm thêm. Trong thời gian có dịch Sars, chỉ số index của Hồng Kông đã giảm gần 20%.

Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Sars vốn chiếm khoảng 40% GDP. Ngày nay tỷ lệ đó cao hơn 50%. Nhưng chi tiêu của người tiêu dùng có thể trở vẫn duy trì vì sự tăng trưởng lớn trong mua sắm trực tuyến. Nếu họ không ra ngoài thì có thể tiếp tục mua hàng tại nhà.

Trung Quốc cũng đã phục hồi nhanh sau dịch Sars. Đến nửa cuối năm 2003, họ đã trở lại mức tăng trưởng hai con số.

Ngày tận thế ?

Thế nhưng bức tranh của dịch cúm Corona có vẻ đã khác hẳn khi thông tin về những bệnh viện quá tải ở Vũ Hán được truyền đi.

Một cư dân Vũ Hán, bà Xiaoxi, 36 tuổi, gọi đó là "ngày tận thế" khi chồng bà bị bốn bệnh viện từ chối cho nhập viện vì quá tải dù chồng bà đã ho ra máu. Người dân cũng phải tự trả tiền thuốc trị bịnh có thể lên tới cả nghìn nhân dân tệ một ngày (144 đô la).

Trong khi đó tại hành lang bệnh viện, xác người chết được cuốn vải để ở đó mà không có ai để giúp dọn đi.

Trong một khu chợ thực phẩm, các quầy hàng trống không sau vài ba ngày bị phong tỏa.

Bà Xiaoxi không dám đi về nhà vì sợ rằng có thể sẽ lây bệnh sang cho con gái nhỏ và bố mẹ chồng [3].

Việt Nam hành động đúng mực ?

Người dân có vẻ vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh vì họ chỉ mới thấy người bệnh là người Trung Quốc và chính phủ vẫn chưa quyết đoán trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Các chuyến bay từ Trung Quốc vẫn tiếp tục được cho hạ cánh mang theo hàng chục ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam mà không tài nào phát hiện được ai đã có sẵn mầm bệnh trong người.

Tổng cục du lịch vẫn chấp nhận khách lữ hành vì cho rằng họ không có thẩm quyền đóng cửa khẩu. Chính phủ vẫn không cương quyết vì cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới chưa lên tiếng cảnh báo toàn cầu hay tăng mức báo động.

Một điều dễ thấy là từ tác động của dịch Sars lên nên kinh tế đặc biệt là khu vực dịch vụ mà Tổng cục dụ lịch lẫn chính phủ vẫn còn quá nhẹ tay với du khách đến từ Trung Quốc. Đóng cửa khẩu đồng nghĩa với thất thu lớn cho ngành du lịch trong dịp tết và theo đó sẽ kéo tốc độ tăng trưởng vốn đã không thể tăng nhanh hơn được nữa xuống theo. Và đây là điều chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không bao giờ mong muốn.

Thôi thì, người dân lại phải tự mình cứu mình trước khi chính phủ chịu ra tay cứu họ.

Nghi Yên

Nguồn : VNTB, 26/01/2020

[1] https://www.reuters.com/article/us-china-health-transmission-idUSKBN1ZO0QW ?

[2] https://www.economist.com/china/2020/01/23/the- Coronavirus-discovered-in-china-is-causing-global-alarm

[3] https://www.scmp.com/news/china/society/article/3047613/china-Coronavirus-wuhan-residents-describe-doomsday-scenes 

******************

Việt Nam và hệ lụy từ trường hợp virus Vũ Hán

Hoàng Gia Phúc, RFA, 25/01/2020

Trung Quốc bưng bít thông tin về virus Vũ Hán ?

Cả thế giới đang lo ngại về một loại virus lạ, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Virus này đang lây lan với tốc độ chóng mặt ra nhiều nước trên thế giới. Hôm 20/1, Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận bệnh viêm phổi lạ lây từ người sang người. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận, virus có khả năng "lây lan hạn chế", giữa các thành viên trong gia đình.

heluy1 - Copie

Nhóm chuyên viên làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 22/1/2020 - AFP

Tài khoản Trường An Kiếm của Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ngày hôm qua (21 /1/2020 ) chửi những kẻ bưng bít tình hình bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán là "thiên cổ tội nhân". Sau đó, post này đã bị xóa mà không rõ lý do.

Peter Cordingley, từng là người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong suốt thời kỳ khủng hoảng SARS ở Trung Quốc cho rằng "chính quyền Bắc Kinh đã dối trá về virus Vũ Hán từ khi nó mới bắt đầu" [1].

Một tờ báo của Anh trong một bài viết ngày 20/1/2020 cũng đặt ra câu hỏi ngay trong tựa một bài viết : "Trung Quốc có thể che giấu sự thật của bệnh dịch lạ đang bùng phát" [2].

Trước đó, ngày 15/1/2020, một chuyên gia người gốc Hoa đã viết trên trang web của CFR về việc cảnh sát địa phương đe dọa bỏ tù những người nào phát tán "tin giả" về virus Vũ Hán.[3] Và kết quả là người dân Trung Quốc không thể biết thật sự về căn bệnh này, còn các chuyên gia y tế trên thế giới cũng không thể biết chính xác bao nhiêu người bị nhiễm để có thể giúp nghiên cứu đưa ra phác đồ điều trị.

Từ virus viêm phổi SARS

Người ta còn nhớ, năm 2002, một loại virus viêm phổi cấp lạ cũng khởi phát từ Trung Quốc bùng phát khắp thế giới. Virus này nguy hiểm đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải công bố dịch bệnh này "đe dọa sức khoẻ toàn thế giới".

Virus SARS bắt đầu được phát hiện tại thành phố Phật Sơn, Quảng Đông vào khoảng giữa/11/2002. Sau đó, virus này tiếp tục được tìm thấy tại Hà Nguyên và Trung Sơn (cũng thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Vào ngày 2/1/2003, một nhóm chuyên gia y tế đã được gửi đến Hà Nguyên và chẩn đoán chứng bệnh viêm phổi cấp đang bùng phát này do một loại virus đặc biệt đã được xác định.

Tất cả các thông tin về căn bệnh SARS này đã được gửi đến Bộ Y tế Trung Quốc tại Bắc Kinh qua một bản Báo cáo. Tuy nhiên Báo cáo này lại được đóng dấu "tuyệt mật", cho nên chỉ có một số ít quan chức cấp cao mới được đọc bản Báo cáo này.

Trong suốt gia đoạn Tết Nguyên đán, mặc dù bệnh dịch bùng phát nhưng công chúng không được biết về thông tin dịch bệnh này. Theo quy định trong Luật thi hành bí mật nhà nước của Trung Quốc thì tất cả các thông tin về y tế công cộng nằm trong danh mục bí mật quốc gia và chỉ "được thông báo bởi Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế".

Tức là, khi Bộ Y tế không đưa ra thông báo chính thức thì không một chuyên gia hoặc báo chí được phép thông tin về vấn đề này. Vì nếu thông tin sẽ vi phạm tới quy định "lộ bí mật quốc gia". Đã có một số người bị bắt vì đưa tin về bệnh dịch này [4]. Thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết đã điều tra 107 trường hợp vì sử dụng internet hoặc điện thoại thông báo thông tin về dịch bệnh này cho người khác [5]. Cho dù nhiều chuyên gia luật pháp đã cho rằng chính quyền Trung Quốc nếu bưng bít thông tin về dịch bệnh, có thể đã vi phạm tới quy định của pháp luật về quyền con người.

Sau khi bệnh dịch hoành hành, không thể chịu được nữa, đến ngày 11/2/2003, chính quyền tỉnh Quảng Đông mới chính thức thông tin đến báo chí về tình hình dịch bệnh, theo đó, đã có 305 ca nhiễm bệnh tại Quảng Đông. Sự bùng phát SARS sau đó đã được chặn đứng với sự hợp tác của nhiều cơ quan và chuyên gia trên thế giới.

Vụ dịch bệnh SARS là một trường hợp điển hình cho việc chính quyền Trung Quốc "thao túng", bóp méo, thậm chí là bóp nghẹt thông tin. Điều này bắt nguồn từ chính sách cai trị của Đàng cộng sản Trung Quốc.

Đảng cộng sản Trung Quốc bóp nghẹt truyền thông

Đảng cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát toàn bộ Trung Hoa lục địa vào năm 1949. Kể từ đó, dưới chế độ "chuyên chính vô sản" mà thực chất là sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, tất cả mọi hoạt động truyền thông đều nằm trong tầm kiểm soát của Đảng.

Theo một Báo cáo của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) năm 2018 cho biết : "Đảng cộng sản cầm quyền đang siết chặt sự kiểm soát lên các hoạt động truyền thông, bày tỏ quan điểm trên internet, các nhóm sinh hoạt tôn giáo, các hội đoàn xã hội dân sự. Trong khi đó, Đảng lại tự làm suy yếu cuộc cải cách chế độ pháp quyền của mình. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc - Tập Cận Bình lại đang củng cố hơn nữa quyền lực cá nhân của mình đến mức độ chưa từng thấy so với trước đó" [6].

Từ khi Tập nắm quyền, ông ta đã đẩy mạnh việc kiểm soát và sử dụng truyền thông như một công cụ chính trị phục vụ cho riêng mình. Chính vì vậy, hiện nay, người dân Trung Quốc như đang sống trong một thế giới riêng, tách biệt hoàn toàn khỏi các diễn biến thông tin về thế giới hiện tại. Mọi thông tin đều do chính quyền kiểm duyệt và "thao túng", đương nhiên, tất cả các thông tin được các phương tiện truyền thông đưa tin đều đã được "chế biến" cho hợp "khẩu vị" của lãnh đạo Trung Quốc.

Chính bởi chính sách "bóp nghẹt thông tin", phục vụ ý đồ cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, cho nên người dân Trung Quốc đã nhiều lần phải trả giá cho chính sách đó, mà dịch bệnh SARS trong quá khứ, hay dịch bệnh Vũ Hán là những trường hợp tiêu biểu.

Còn Việt Nam ?

Việt Nam là một quốc gia hàng xóm của Trung Quốc. Việt Nam cũng bị cai trị bởi Đảng cộng sản Việt Nam với đường lối và chính sách sao chép từ Trung Quốc.

Về chính sách kiểm duyệt thông tin thì Việt Nam cũng học "y chang" từ ông anh Trung Quốc. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam phải chịu cảnh "một cổ, hai tròng", đó là sự quản lý của Bộ Thông tin truyền thông (Cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ) và Ban Tuyên giáo Trung ương (Cơ quan phụ trách tuyên truyền giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam). Tất cả các thông tin đưa lên các cơ quan truyền thông của Việt Nam đều phải được sự cho phép của Ban Tuyên giáo Trung ương này. Nên mọi người thường nói rằng "tuy ở Việt Nam có hơn 900 tờ báo nhưng chỉ có một Tổng Biên tập là ông Trưởng ban Tuyên giáo trung ương".

Năm 2002, ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một vụ hoả hoạn ở Trung tâm thương mại ITC. Theo một nhân chứng làm trong Hội chữ thập đỏ cho biết, họ đã kéo ra khoảng 200 xác người chết, nhưng báo chí nhà nước dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành uỷ cung cấp con số nạn nhân giới hạn 60 người.

Việt Nam vì là hàng xóm sát vách với Trung Quốc, cho nên nguy cơ ảnh hưởng bệnh dịch từ Trung Quốc rất cao. Chưa kể hàng ngày có hàng chục ngàn người Trung Quốc qua lại Việt Nam nên nguy cơ nhiễm dịch bệnh từ Trung Quốc là rất lớn.

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ, việc bưng bít thông tin là rất khó, cho dù chính quyền Trung Quốc và Việt Nam luôn sử dụng sức mạnh nhà nước để đàn áp. Chính bản thân các cơ quan nhà nước của hai đất nước này là bên vi phạm pháp luật nhiều nhất, nhưng họ luôn bắt bớ người dân và chụp mũ "vi phạm pháp luật". Trong một xã hội phát triển, các hội đoàn xã hội dân sự sẽ đóng vai trò giám sát sự thực thi pháp luật và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, trước tình hình và diễn biến khó lường của nhiều vấn đề trên thế giới, cách tốt nhất để bảo vệ người dân là cần công khai và minh bạch thông tin.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 25/01/2020

***********************

Cúm corona : 218 du khách từ Vũ Hán rời Đà Nẵng đi đâu ?

Thu Thủy, Thoibao.de, 25/01/2020

218 người từ Vũ Hán nhập cảnh Đà Nẵng 1 ngày trước lệnh phong tỏa sân bay của Trung Quốc vì dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona nhưng đường đi của họ đang loạn thông tin.

heluy2 - Copie

Khách sạn Danang Riverside thông báo không nhận khách từ Trung quốc

Cập nhật thông tin về virus corona sáng nay, ngày 25 tháng 1

- Chỉ trong một ngày, số ca nhiễm khuẩn tăng chóng mặt, hiện khoảng 1.300 người bệnh so với 830 người của ngày trước đó.

- 40 người đã tử vong, riêng ngày hôm qua là 15 người.

- Pháp ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona.

- Mỹ, Thái Lan, Singapore có thêm người nhiễm bệnh

- Virus đã lây lan ra gần như toàn bộ các tỉnh thành của Trung Quốc.

Di biến động khó đoán của 218 khách Vũ Hán ở Đà Nẵng

Liên quan vụ việc 218 du khách Trung Quốc từ Thành phố Vũ Hán (ổ xuất phát dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona) đến Đà Nẵng chỉ 1 ngày trước lệnh phong tỏa sân bay của chính quyền Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hải Vân Cát (trụ sở đường Ngô Quyền, Đà Nẵng), xác nhận việc đã đưa 52 hành khách trở về nước.

Theo ông Xoang, trong sáng ngày 25/1 (mồng 1 tết nguyên đán Canh Tý), đoàn khách 218 người thì có 58 người được đưa về nước. Ông Xoang cho hay các chuyến bay đi và đến Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã bị phong tỏa. Do vậy, những vị khách trên được đưa về tại 1 sân bay thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

"Công ty phải hỗ trợ tìm phương tiện, chuyến bay thay thế để giúp đưa đoàn khách trên về nước. Dự kiến, đến ngày 27/1, toàn bộ số du khách còn lại sẽ được đưa về Trung Quốc", ông Xoang nói.

Ông Xoang cũng khẳng định lịch trình tham quan Việt Nam của đoàn khách dự kiến đến Đà Nẵng rồi đi Nha Trang (Khánh Hòa) trong ngày 25/1. Tuy nhiên, công ty đã hủy lịch trình trên.

"Tất cả các du khách trong đoàn đều lưu trú tại Đà Nẵng để chờ có vé quay về nước", ông Xoang khẳng định.

Tuy nhiên, thông tin ông Xoang đưa ra trái ngược hoàn toàn với thông tin do ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng, đưa ra. Ông Bình cho biết trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Lao Động rằng đoàn khách đã di chuyển vào Nha Trang theo đúng lịch trình.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng, cho biết người phát ngôn về vấn đề này của Sở Du lịch lầ ông Bình. Tuy nhiên, số điện thoại ông Bình luôn trong tình trạng "thuê bao quý khách ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy" trong chiều 25/1.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn các ban, ngành liên quan của Đà Nẵng để bàn phương án phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết có 218 hành khách đến từ Vũ Hán hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 22/1 (28 tháng Chạp).

Những người này đang lưu trú ở Đà Nẵng đến hết sáng mồng 1 tết nguyên đán Canh Tý và sẽ di chuyển vào Nha Trang.

"Đây là những vị khách cuối cùng đến Đà Nẵng từ Vũ Hán trước khi có lệnh phong tỏa thành phố của chính phủ Trung Quốc. Họ tham quan Đà Nẵng và một số khu vực lân cận. Họ sẽ lưu trú lại Đà Nẵng đến ngầy 25/1 (mồng 1 Tết Âm lịch) rồi sẽ di chuyển vào Nha Trang. Những người này hoàn toàn không có biểu hiện gì đáng nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp", bà Hạnh nói.

Tại Việt Nam, có 2 ca tình nghi nhiễm viêm phổi cấp do virus corona, là 2 cha con người Trung Quốc. Họ được điều trị tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Sina, tính đến 0 giờ ngày 24/1 (giờ địa phương), số liệu thống kê của Trung Quốc xác định có 849 ca nhiễm virus corona chủng mới (nCov), và 26 người đã tử vong.

Số liệu trên bao gồm các ca lây nhiễm được xác định xuất hiện ở 29/31 tỉnh thành Trung Quốc đại lục, và ở Hồng Kông, Macau, Đài Loan.

heluy3 - Copie

Hành khách các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam được kiểm tra thân nhiệt.

Một diễn biến khác đó là đã có khách sạn tại Đà Nẵng bắt đầu tự phòng tránh nguy cơ xuất hiện căn bệnh nói trên nên đã từ chối nhận khách đến từ Trung Quốc. Cụ thể khách sạn Da Nang Riverside đã ra thông báo việc ngừng tiếp nhận du khách đến từ Trung Quốc vì lo sợ bệnh viêm phổi cấp ảnh hưởng tới sức khoẻ các du khách khác.

heluy4 - Copie

Thành phố Hồ Chí Minh mới nhập trang thiết bị chống cúm corona

Virus corona là gì ? Triệu chứng nhiễm virus corona ?

Người nhiễm virus corona mới (nCoV) có các triệu chứng cấp tính : ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong…

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) của Bộ Y tế thì virus corona (CoV) là một họ virus lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh, như : hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS- CoV) năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 12/2019, một chủng virus corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và có nguy cơ lan rộng.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh nCoV

Người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính : ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong ; đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Bệnh do vi rút corona gây ra có triệu chứng như thế nào ?

Một ca bệnh được xác định thì sẽ có những biểu hiện lâm sàng như đã nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm Real time (RT) – PCR dương tính với nCoV.

Xét nghiệm RT-PCR (Reverse transcriptase polymerase chain reaction) – phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược – là phương pháp kiểm tra nhanh, có độ nhạy cao và rất đặc hiệu được sử dụng để phát hiện virus PRRS trong các mô khác nhau (bao gồm huyết thanh, tinh dịch, dịch xoang miệng, phổi, bào thai, hạch, lách và hạch amidan và cả mẫu môi trường). Quá trình này bao gồm sự tách RNA của virus từ mẫu bệnh, chuyển đổi sang DNA bằng cách sao chép ngược, khuếch đại bằng PCR, và phát hiện DNA đã được khuếch đại.

Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh nCoV, vì vậy chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng ; phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).
Mặt khác, viêm phổi do nCoV gây ra cần được chẩn đoán phân biệt với cúm nặng (cúm A/H1N1 hoặc cúm gia cầm A/H5N1… ) ; SARS-CoV và MER-CoV…

Cách phòng bệnh do virus corona gây ra

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1, virus corona rất yếu khi sống trong môi trường nhiệt độ từ trên 20 độ C, đặc biệt là 25 độ C… Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người dân cần mở cửa nhà cho thông thoáng ; nhiệt độ máy lạnh trong phòng cần mở trên 25 độ C ; rửa tay thường xuyên ; mang khẩu trang 3 lớp sẽ ngăn ngừa được dịch tiết có chứa virus.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh) tổng hợp

Nguồn : Thoibao.de, 25/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nghi Yên, Hoàng Gia Phúc, Thu Thủy
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)