Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hãy tự cứu mình trước !

Nghi Yên, VNTB, 26/01/2020

Người dân lại phải tự mình cứu mình trước khi chính phủ chịu ra tay cứu họ !

Cho tới ngày 26 tháng 1 con số nhiễm bệnh cúm do virus Corona hay virus Vũ Hán tăng lên 1.823 người với 55 ca tử vong. Khách du lịch bị nhiễm bệnh từ Trung Quốc đã được phát hiện ở 13 quốc gia khác nhau như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

whan0

Sngười nhiễm bệnh cúm do virus Corona hay virus Vũ Hán tăng lên mỗi ngày

Dịch bệnh này tương tự như dịch Sars do một loại virus cùng họ với virus Corona đã làm hơn 8000 người nhiễm bệnh và 10% trong số đó đã bị thiệt mạng trong năm 2002 và 2003. Virus lần này có lẽ sẽ không nguy hiểm đến như vậy.

Theo Reuters, với tỷ lệ lây nhiễm như hiện nay thì số người nhiễm bệnh vào ngày 4 tháng Hai có thể lên đến 140.000 người và rất khó kiểm soát [1].

Tác động kinh tế từ dịch Sars

Vào tháng 5 năm 2003, số lượng hành khách đi lại ở Trung Quốc đã giảm hơn 40% so với một năm trước đó. Cửa hàng, nhà hàng và khách sạn đều bị thiệt hại. Tăng trưởng hàng quý giảm xuống 3,5% từ hơn 12%vào thời điểm bệnh Sars bùng phát dữ dội [2].

Trong trường hợp virus Vũ Hán, hầu hết hy vọng rằng phản ứng nhanh hơn của chính phủ có thể có nghĩa là mất ít thời gian hơn để chế ngự. Nếu các chuyên gia kết luận rằng loại virus này không nguy hiểm như loại gây ra Sars, Trung Quốc cũng có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát khi ra vào Vũ Hán trước khi thiệt hại kinh tế lớn xảy ra. Đảm bảo tính minh bạch có thể làm giảm sự hoảng loạn.

Tuy nhiên, người Trung Quốc hiện di chuyển nhiều hơn so với hồi đầu những năm 2000. Có khoảng 450.000 người đi lại hàng ngày bằng tàu hỏa ở Hồ Bắc. Con số này nhiều gấp đôi lượng hành khách hàng ngày ở Quảng Đông vào năm 2002 khi tỉnh đó trở thành điểm nóng của Sars. Với mạng lưới tàu cao tốc được xây dựng trong thập kỷ qua, hành khách từ Vũ Hán sẽ đi xa hơn và nhanh hơn so với những người ở Quảng Đông hồi đó. Trung Quốc cũng kết nối nhiều hơn với thế giới. Năm 2018, khoảng 205.000 người đã bay vào và ra khỏi Trung Quốc mỗi ngày, nhiều gấp sáu lần so với thời điểm dịch Sars.

Thời điểm bùng phát làm cho việc kiểm soát trở nên khó khăn vì đây là thời điểm năm mới và hàng triệu người đi lại khắp nơi để gặp gỡ người thân. Hành khách vẫn được kiểm tra nhiệt độ để phát hiện sốt. Tuy nhiên thời gian ủ bệnh có thể một tuần hoặc hơn, vì vậy một số người bị nhiễm bệnh có thể không bị phát hiện.

Nền kinh tế lớn hơn nhưng ít xáo trộn hơn so với năm 2003. Trong thời kỳ dịch Sars bùng nổ, một số lĩnh vực lớn phát triển mạnh ngay cả khi những nơi khác gặp khó khăn. Xuất khẩu tăng 35%. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nhà ở tăng mạnh. Tuy nhiên, ngày nay, tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn nhiều – chỉ 0,5% trong năm 2019. Doanh số bất động sản đã bắt đầu giảm sau một thời gian dài bùng nổ. Và Trung Quốc khó có thể tăng chi tiêu thêm cho cơ sở hạ tầng vì đã xây dựng rất nhiều trong thập kỷ qua. Trong vài ngày đầu tiên sau khi số lượng nhiễm bệnh được xác nhận trong tháng này, chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 5% và có thể sẽ sụt giảm thêm. Trong thời gian có dịch Sars, chỉ số index của Hồng Kông đã giảm gần 20%.

Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Sars vốn chiếm khoảng 40% GDP. Ngày nay tỷ lệ đó cao hơn 50%. Nhưng chi tiêu của người tiêu dùng có thể trở vẫn duy trì vì sự tăng trưởng lớn trong mua sắm trực tuyến. Nếu họ không ra ngoài thì có thể tiếp tục mua hàng tại nhà.

Trung Quốc cũng đã phục hồi nhanh sau dịch Sars. Đến nửa cuối năm 2003, họ đã trở lại mức tăng trưởng hai con số.

Ngày tận thế ?

Thế nhưng bức tranh của dịch cúm Corona có vẻ đã khác hẳn khi thông tin về những bệnh viện quá tải ở Vũ Hán được truyền đi.

Một cư dân Vũ Hán, bà Xiaoxi, 36 tuổi, gọi đó là "ngày tận thế" khi chồng bà bị bốn bệnh viện từ chối cho nhập viện vì quá tải dù chồng bà đã ho ra máu. Người dân cũng phải tự trả tiền thuốc trị bịnh có thể lên tới cả nghìn nhân dân tệ một ngày (144 đô la).

Trong khi đó tại hành lang bệnh viện, xác người chết được cuốn vải để ở đó mà không có ai để giúp dọn đi.

Trong một khu chợ thực phẩm, các quầy hàng trống không sau vài ba ngày bị phong tỏa.

Bà Xiaoxi không dám đi về nhà vì sợ rằng có thể sẽ lây bệnh sang cho con gái nhỏ và bố mẹ chồng [3].

Việt Nam hành động đúng mực ?

Người dân có vẻ vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh vì họ chỉ mới thấy người bệnh là người Trung Quốc và chính phủ vẫn chưa quyết đoán trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Các chuyến bay từ Trung Quốc vẫn tiếp tục được cho hạ cánh mang theo hàng chục ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam mà không tài nào phát hiện được ai đã có sẵn mầm bệnh trong người.

Tổng cục du lịch vẫn chấp nhận khách lữ hành vì cho rằng họ không có thẩm quyền đóng cửa khẩu. Chính phủ vẫn không cương quyết vì cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới chưa lên tiếng cảnh báo toàn cầu hay tăng mức báo động.

Một điều dễ thấy là từ tác động của dịch Sars lên nên kinh tế đặc biệt là khu vực dịch vụ mà Tổng cục dụ lịch lẫn chính phủ vẫn còn quá nhẹ tay với du khách đến từ Trung Quốc. Đóng cửa khẩu đồng nghĩa với thất thu lớn cho ngành du lịch trong dịp tết và theo đó sẽ kéo tốc độ tăng trưởng vốn đã không thể tăng nhanh hơn được nữa xuống theo. Và đây là điều chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không bao giờ mong muốn.

Thôi thì, người dân lại phải tự mình cứu mình trước khi chính phủ chịu ra tay cứu họ.

Nghi Yên

Nguồn : VNTB, 26/01/2020

[1] https://www.reuters.com/article/us-china-health-transmission-idUSKBN1ZO0QW ?

[2] https://www.economist.com/china/2020/01/23/the- Coronavirus-discovered-in-china-is-causing-global-alarm

[3] https://www.scmp.com/news/china/society/article/3047613/china-Coronavirus-wuhan-residents-describe-doomsday-scenes 

******************

Việt Nam và hệ lụy từ trường hợp virus Vũ Hán

Hoàng Gia Phúc, RFA, 25/01/2020

Trung Quốc bưng bít thông tin về virus Vũ Hán ?

Cả thế giới đang lo ngại về một loại virus lạ, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Virus này đang lây lan với tốc độ chóng mặt ra nhiều nước trên thế giới. Hôm 20/1, Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận bệnh viêm phổi lạ lây từ người sang người. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận, virus có khả năng "lây lan hạn chế", giữa các thành viên trong gia đình.

heluy1 - Copie

Nhóm chuyên viên làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 22/1/2020 - AFP

Tài khoản Trường An Kiếm của Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ngày hôm qua (21 /1/2020 ) chửi những kẻ bưng bít tình hình bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán là "thiên cổ tội nhân". Sau đó, post này đã bị xóa mà không rõ lý do.

Peter Cordingley, từng là người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong suốt thời kỳ khủng hoảng SARS ở Trung Quốc cho rằng "chính quyền Bắc Kinh đã dối trá về virus Vũ Hán từ khi nó mới bắt đầu" [1].

Một tờ báo của Anh trong một bài viết ngày 20/1/2020 cũng đặt ra câu hỏi ngay trong tựa một bài viết : "Trung Quốc có thể che giấu sự thật của bệnh dịch lạ đang bùng phát" [2].

Trước đó, ngày 15/1/2020, một chuyên gia người gốc Hoa đã viết trên trang web của CFR về việc cảnh sát địa phương đe dọa bỏ tù những người nào phát tán "tin giả" về virus Vũ Hán.[3] Và kết quả là người dân Trung Quốc không thể biết thật sự về căn bệnh này, còn các chuyên gia y tế trên thế giới cũng không thể biết chính xác bao nhiêu người bị nhiễm để có thể giúp nghiên cứu đưa ra phác đồ điều trị.

Từ virus viêm phổi SARS

Người ta còn nhớ, năm 2002, một loại virus viêm phổi cấp lạ cũng khởi phát từ Trung Quốc bùng phát khắp thế giới. Virus này nguy hiểm đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải công bố dịch bệnh này "đe dọa sức khoẻ toàn thế giới".

Virus SARS bắt đầu được phát hiện tại thành phố Phật Sơn, Quảng Đông vào khoảng giữa/11/2002. Sau đó, virus này tiếp tục được tìm thấy tại Hà Nguyên và Trung Sơn (cũng thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Vào ngày 2/1/2003, một nhóm chuyên gia y tế đã được gửi đến Hà Nguyên và chẩn đoán chứng bệnh viêm phổi cấp đang bùng phát này do một loại virus đặc biệt đã được xác định.

Tất cả các thông tin về căn bệnh SARS này đã được gửi đến Bộ Y tế Trung Quốc tại Bắc Kinh qua một bản Báo cáo. Tuy nhiên Báo cáo này lại được đóng dấu "tuyệt mật", cho nên chỉ có một số ít quan chức cấp cao mới được đọc bản Báo cáo này.

Trong suốt gia đoạn Tết Nguyên đán, mặc dù bệnh dịch bùng phát nhưng công chúng không được biết về thông tin dịch bệnh này. Theo quy định trong Luật thi hành bí mật nhà nước của Trung Quốc thì tất cả các thông tin về y tế công cộng nằm trong danh mục bí mật quốc gia và chỉ "được thông báo bởi Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế".

Tức là, khi Bộ Y tế không đưa ra thông báo chính thức thì không một chuyên gia hoặc báo chí được phép thông tin về vấn đề này. Vì nếu thông tin sẽ vi phạm tới quy định "lộ bí mật quốc gia". Đã có một số người bị bắt vì đưa tin về bệnh dịch này [4]. Thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết đã điều tra 107 trường hợp vì sử dụng internet hoặc điện thoại thông báo thông tin về dịch bệnh này cho người khác [5]. Cho dù nhiều chuyên gia luật pháp đã cho rằng chính quyền Trung Quốc nếu bưng bít thông tin về dịch bệnh, có thể đã vi phạm tới quy định của pháp luật về quyền con người.

Sau khi bệnh dịch hoành hành, không thể chịu được nữa, đến ngày 11/2/2003, chính quyền tỉnh Quảng Đông mới chính thức thông tin đến báo chí về tình hình dịch bệnh, theo đó, đã có 305 ca nhiễm bệnh tại Quảng Đông. Sự bùng phát SARS sau đó đã được chặn đứng với sự hợp tác của nhiều cơ quan và chuyên gia trên thế giới.

Vụ dịch bệnh SARS là một trường hợp điển hình cho việc chính quyền Trung Quốc "thao túng", bóp méo, thậm chí là bóp nghẹt thông tin. Điều này bắt nguồn từ chính sách cai trị của Đàng cộng sản Trung Quốc.

Đảng cộng sản Trung Quốc bóp nghẹt truyền thông

Đảng cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát toàn bộ Trung Hoa lục địa vào năm 1949. Kể từ đó, dưới chế độ "chuyên chính vô sản" mà thực chất là sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, tất cả mọi hoạt động truyền thông đều nằm trong tầm kiểm soát của Đảng.

Theo một Báo cáo của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) năm 2018 cho biết : "Đảng cộng sản cầm quyền đang siết chặt sự kiểm soát lên các hoạt động truyền thông, bày tỏ quan điểm trên internet, các nhóm sinh hoạt tôn giáo, các hội đoàn xã hội dân sự. Trong khi đó, Đảng lại tự làm suy yếu cuộc cải cách chế độ pháp quyền của mình. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc - Tập Cận Bình lại đang củng cố hơn nữa quyền lực cá nhân của mình đến mức độ chưa từng thấy so với trước đó" [6].

Từ khi Tập nắm quyền, ông ta đã đẩy mạnh việc kiểm soát và sử dụng truyền thông như một công cụ chính trị phục vụ cho riêng mình. Chính vì vậy, hiện nay, người dân Trung Quốc như đang sống trong một thế giới riêng, tách biệt hoàn toàn khỏi các diễn biến thông tin về thế giới hiện tại. Mọi thông tin đều do chính quyền kiểm duyệt và "thao túng", đương nhiên, tất cả các thông tin được các phương tiện truyền thông đưa tin đều đã được "chế biến" cho hợp "khẩu vị" của lãnh đạo Trung Quốc.

Chính bởi chính sách "bóp nghẹt thông tin", phục vụ ý đồ cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, cho nên người dân Trung Quốc đã nhiều lần phải trả giá cho chính sách đó, mà dịch bệnh SARS trong quá khứ, hay dịch bệnh Vũ Hán là những trường hợp tiêu biểu.

Còn Việt Nam ?

Việt Nam là một quốc gia hàng xóm của Trung Quốc. Việt Nam cũng bị cai trị bởi Đảng cộng sản Việt Nam với đường lối và chính sách sao chép từ Trung Quốc.

Về chính sách kiểm duyệt thông tin thì Việt Nam cũng học "y chang" từ ông anh Trung Quốc. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam phải chịu cảnh "một cổ, hai tròng", đó là sự quản lý của Bộ Thông tin truyền thông (Cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ) và Ban Tuyên giáo Trung ương (Cơ quan phụ trách tuyên truyền giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam). Tất cả các thông tin đưa lên các cơ quan truyền thông của Việt Nam đều phải được sự cho phép của Ban Tuyên giáo Trung ương này. Nên mọi người thường nói rằng "tuy ở Việt Nam có hơn 900 tờ báo nhưng chỉ có một Tổng Biên tập là ông Trưởng ban Tuyên giáo trung ương".

Năm 2002, ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một vụ hoả hoạn ở Trung tâm thương mại ITC. Theo một nhân chứng làm trong Hội chữ thập đỏ cho biết, họ đã kéo ra khoảng 200 xác người chết, nhưng báo chí nhà nước dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành uỷ cung cấp con số nạn nhân giới hạn 60 người.

Việt Nam vì là hàng xóm sát vách với Trung Quốc, cho nên nguy cơ ảnh hưởng bệnh dịch từ Trung Quốc rất cao. Chưa kể hàng ngày có hàng chục ngàn người Trung Quốc qua lại Việt Nam nên nguy cơ nhiễm dịch bệnh từ Trung Quốc là rất lớn.

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ, việc bưng bít thông tin là rất khó, cho dù chính quyền Trung Quốc và Việt Nam luôn sử dụng sức mạnh nhà nước để đàn áp. Chính bản thân các cơ quan nhà nước của hai đất nước này là bên vi phạm pháp luật nhiều nhất, nhưng họ luôn bắt bớ người dân và chụp mũ "vi phạm pháp luật". Trong một xã hội phát triển, các hội đoàn xã hội dân sự sẽ đóng vai trò giám sát sự thực thi pháp luật và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, trước tình hình và diễn biến khó lường của nhiều vấn đề trên thế giới, cách tốt nhất để bảo vệ người dân là cần công khai và minh bạch thông tin.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 25/01/2020

***********************

Cúm corona : 218 du khách từ Vũ Hán rời Đà Nẵng đi đâu ?

Thu Thủy, Thoibao.de, 25/01/2020

218 người từ Vũ Hán nhập cảnh Đà Nẵng 1 ngày trước lệnh phong tỏa sân bay của Trung Quốc vì dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona nhưng đường đi của họ đang loạn thông tin.

heluy2 - Copie

Khách sạn Danang Riverside thông báo không nhận khách từ Trung quốc

Cập nhật thông tin về virus corona sáng nay, ngày 25 tháng 1

- Chỉ trong một ngày, số ca nhiễm khuẩn tăng chóng mặt, hiện khoảng 1.300 người bệnh so với 830 người của ngày trước đó.

- 40 người đã tử vong, riêng ngày hôm qua là 15 người.

- Pháp ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona.

- Mỹ, Thái Lan, Singapore có thêm người nhiễm bệnh

- Virus đã lây lan ra gần như toàn bộ các tỉnh thành của Trung Quốc.

Di biến động khó đoán của 218 khách Vũ Hán ở Đà Nẵng

Liên quan vụ việc 218 du khách Trung Quốc từ Thành phố Vũ Hán (ổ xuất phát dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona) đến Đà Nẵng chỉ 1 ngày trước lệnh phong tỏa sân bay của chính quyền Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hải Vân Cát (trụ sở đường Ngô Quyền, Đà Nẵng), xác nhận việc đã đưa 52 hành khách trở về nước.

Theo ông Xoang, trong sáng ngày 25/1 (mồng 1 tết nguyên đán Canh Tý), đoàn khách 218 người thì có 58 người được đưa về nước. Ông Xoang cho hay các chuyến bay đi và đến Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã bị phong tỏa. Do vậy, những vị khách trên được đưa về tại 1 sân bay thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

"Công ty phải hỗ trợ tìm phương tiện, chuyến bay thay thế để giúp đưa đoàn khách trên về nước. Dự kiến, đến ngày 27/1, toàn bộ số du khách còn lại sẽ được đưa về Trung Quốc", ông Xoang nói.

Ông Xoang cũng khẳng định lịch trình tham quan Việt Nam của đoàn khách dự kiến đến Đà Nẵng rồi đi Nha Trang (Khánh Hòa) trong ngày 25/1. Tuy nhiên, công ty đã hủy lịch trình trên.

"Tất cả các du khách trong đoàn đều lưu trú tại Đà Nẵng để chờ có vé quay về nước", ông Xoang khẳng định.

Tuy nhiên, thông tin ông Xoang đưa ra trái ngược hoàn toàn với thông tin do ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng, đưa ra. Ông Bình cho biết trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Lao Động rằng đoàn khách đã di chuyển vào Nha Trang theo đúng lịch trình.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng, cho biết người phát ngôn về vấn đề này của Sở Du lịch lầ ông Bình. Tuy nhiên, số điện thoại ông Bình luôn trong tình trạng "thuê bao quý khách ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy" trong chiều 25/1.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn các ban, ngành liên quan của Đà Nẵng để bàn phương án phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết có 218 hành khách đến từ Vũ Hán hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 22/1 (28 tháng Chạp).

Những người này đang lưu trú ở Đà Nẵng đến hết sáng mồng 1 tết nguyên đán Canh Tý và sẽ di chuyển vào Nha Trang.

"Đây là những vị khách cuối cùng đến Đà Nẵng từ Vũ Hán trước khi có lệnh phong tỏa thành phố của chính phủ Trung Quốc. Họ tham quan Đà Nẵng và một số khu vực lân cận. Họ sẽ lưu trú lại Đà Nẵng đến ngầy 25/1 (mồng 1 Tết Âm lịch) rồi sẽ di chuyển vào Nha Trang. Những người này hoàn toàn không có biểu hiện gì đáng nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp", bà Hạnh nói.

Tại Việt Nam, có 2 ca tình nghi nhiễm viêm phổi cấp do virus corona, là 2 cha con người Trung Quốc. Họ được điều trị tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Sina, tính đến 0 giờ ngày 24/1 (giờ địa phương), số liệu thống kê của Trung Quốc xác định có 849 ca nhiễm virus corona chủng mới (nCov), và 26 người đã tử vong.

Số liệu trên bao gồm các ca lây nhiễm được xác định xuất hiện ở 29/31 tỉnh thành Trung Quốc đại lục, và ở Hồng Kông, Macau, Đài Loan.

heluy3 - Copie

Hành khách các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam được kiểm tra thân nhiệt.

Một diễn biến khác đó là đã có khách sạn tại Đà Nẵng bắt đầu tự phòng tránh nguy cơ xuất hiện căn bệnh nói trên nên đã từ chối nhận khách đến từ Trung Quốc. Cụ thể khách sạn Da Nang Riverside đã ra thông báo việc ngừng tiếp nhận du khách đến từ Trung Quốc vì lo sợ bệnh viêm phổi cấp ảnh hưởng tới sức khoẻ các du khách khác.

heluy4 - Copie

Thành phố Hồ Chí Minh mới nhập trang thiết bị chống cúm corona

Virus corona là gì ? Triệu chứng nhiễm virus corona ?

Người nhiễm virus corona mới (nCoV) có các triệu chứng cấp tính : ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong…

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) của Bộ Y tế thì virus corona (CoV) là một họ virus lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh, như : hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS- CoV) năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 12/2019, một chủng virus corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và có nguy cơ lan rộng.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh nCoV

Người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính : ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong ; đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Bệnh do vi rút corona gây ra có triệu chứng như thế nào ?

Một ca bệnh được xác định thì sẽ có những biểu hiện lâm sàng như đã nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm Real time (RT) – PCR dương tính với nCoV.

Xét nghiệm RT-PCR (Reverse transcriptase polymerase chain reaction) – phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược – là phương pháp kiểm tra nhanh, có độ nhạy cao và rất đặc hiệu được sử dụng để phát hiện virus PRRS trong các mô khác nhau (bao gồm huyết thanh, tinh dịch, dịch xoang miệng, phổi, bào thai, hạch, lách và hạch amidan và cả mẫu môi trường). Quá trình này bao gồm sự tách RNA của virus từ mẫu bệnh, chuyển đổi sang DNA bằng cách sao chép ngược, khuếch đại bằng PCR, và phát hiện DNA đã được khuếch đại.

Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh nCoV, vì vậy chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng ; phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).
Mặt khác, viêm phổi do nCoV gây ra cần được chẩn đoán phân biệt với cúm nặng (cúm A/H1N1 hoặc cúm gia cầm A/H5N1… ) ; SARS-CoV và MER-CoV…

Cách phòng bệnh do virus corona gây ra

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1, virus corona rất yếu khi sống trong môi trường nhiệt độ từ trên 20 độ C, đặc biệt là 25 độ C… Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người dân cần mở cửa nhà cho thông thoáng ; nhiệt độ máy lạnh trong phòng cần mở trên 25 độ C ; rửa tay thường xuyên ; mang khẩu trang 3 lớp sẽ ngăn ngừa được dịch tiết có chứa virus.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh) tổng hợp

Nguồn : Thoibao.de, 25/01/2020

Additional Info

  • Author Nghi Yên, Hoàng Gia Phúc, Thu Thủy
Published in Diễn đàn

Thời gian gần đây, việc các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu dân quân biển và tàu hải cảnh xâm phạm vùng biển thuộc EEZ của các quốc gia khác ngày càng gia tăng. Việc đối phó của các quốc gia bị xâm phạm thì rất khác nhau. Dự báo mới nhất của RAND [1] về tình hình năm 2020 cho biết : "Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn từng bước, thực hiện chiến lược "tằm ăn dâu" để thực hiện cho được mục đích địa chính trị của họ trên biển Đông". Như vậy, cần tìm hiểu chiến thuật của Trung Quốc qua cách họ hành động trên biển sẽ có thể tìm ra cách để chống lại các hành động xâm phạm này của Trung Quốc.

mem0

Sigma là loại tàu chiến nhỏ có khả năng tàng hình (khinh hạm) cùng hệ thống vũ khí mạnh của Indonesia đủ uy lực để có thể đối phó nhiều mục tiêu . Ảnh : Damen

Các học giả Trung Quốc, đặc biệt là các tướng lĩnh Trung Quốc luôn cao giọng "diều hâu" như "Trung Quốc là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại", hoặc đe dọa "chiếm Việt Nam trong vòng 31 ngày"… Khi xảy ra căng thẳng, Hải quân Trung Quốc luôn "nhá hàng" bằng cách kéo dàn tàu chiến hùng hậu ra để "dằn mặt" đối phương.

Trung Quốc quả thực là một nước lớn, nhưng có "mạnh" không thì chưa chắc. Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn đã khái quát về dân tộc Trung Quốc là : "tàn bạo như con sư tử ; gian xảo như con hồ ly (con cáo), và hèn nhát như con thỏ đế". Nhiều người chắc sẽ không đồng ý ý kiến này chăng ? Sao Trung Quốc giờ mạnh thế mà lại nói "nhút nhát như con thỏ đế" ?

Lần giở lại lịch sử, ta có thể thấy rằng, Trung Quốc luôn là một cường quốc ở khu vực Đông Á, nhưng Trung Quốc cũng chưa bao giờ chiến thắng một kẻ địch mạnh hơn mình, mà chỉ chuyên "ỷ mạnh hiếp yếu". Các cuộc chiến gần đây như Chiến tranh Thanh - Nhật hay các cuộc đụng độ giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với Hoa Kỳ tại các chiến trường Triều Tiên hay Kim Môn, Mã Tổ đều cho thấy Trung Quốc không hề chiếm được ưu thế trước những đối thủ mạnh hơn mình. Lịch sử chiến tranh hàng nghìn năm giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng cho thấy, dù Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều lần, nhưng cũng đã nhiều lần quân Trung Quốc thảm bại tại Việt Nam.

Binh pháp Tôn Tử (một nhà chiến lược quân sự Trung Quốc cổ đại) cho rằng "không đánh mà thắng mới là thượng sách". Áp dụng quan điểm đó, Trung Quốc đang muốn không cần dùng chiến tranh quân sự mà vẫn đạt được ý đồ của họ ở Biển Đông.

Vậy tại sao Trung Quốc muốn đạt được ý đồ của họ mà không sử dụng biện pháp quân sự ? Phải chăng Trung Quốc tốt đến mức không muốn xảy ra chiến tranh ? Không phải như vậy. Trong binh pháp Tôn Tử cũng nhấn mạnh, nếu muốn dùng quân sự thắng, phải có đủ "thế" và "thời". Về "thế" thì dù Trung Quốc có khoe khoang về các tàu sân bay hay lực lượng tàu ngầm, tàu khu trục hùng hậu, nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu "chết người" trong các vấn đề công nghệ và kỹ thuật của Trung Quốc. Thêm nữa, Trung Quốc hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong việc tác chiến trên biển. Chưa có trận đánh nào của Trung Quốc trên biển mà được coi là những bài học chiến tranh mẫu mực cả, mà Trung Quốc chỉ mới chú trọng phát triển hải quân gần đây mà thôi.

Về "thời" thì đây càng không phải là thời điểm tốt. Chỉ cần Trung Quốc nổ súng tấn công bất cứ một quốc gia nào trước, chắc chắn vị thế "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc sẽ bị sụp đổ, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ có lý do để bao vây hoặc tấn công Trung Quốc. Hoa Kỳ đang muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược giành địa vị "soái chủ" trên địa bàn toàn cầu cho nên đó sẽ là cơ hội cho Hoa Kỳ.

Chính vì vậy, mà Trung Quốc không dám đơn phương tấn công phủ đầu trên biển một quốc gia nào đó, chứ không phải là Trung Quốc không muốn chiến tranh.

Để đạt được ý đồ trên Biển Đông mà không cần thông qua xung đột vũ lực, Trung Quốc dùng ba cuộc chiến, đó là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh luật pháp.

Trong chiến tranh tâm lý, Trung Quốc luôn đánh vào tâm lý sợ chiến tranh với Trung Quốc của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ASEAN. Và giới truyền thông Trung Quốc luôn "phủ đầu" bằng các luận điệu "diều hâu", khiến cho lãnh đạo nhiều quốc gia ASEAN "giật thót" mình vì họ chỉ muốn được yên ổn để làm ăn, sinh sống.

mem3

Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra trên biển AFP

Về luật pháp, Trung Quốc luôn "rêu rao" bằng cách "nhai đi, nhai lại" các luận điệu cũ rích về "đường lưỡi bò", nào là Trung Quốc có chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, Trung Quốc có quyền lịch sử ở đường lưỡi bò… Lập luận về "quyền lịch sử" của Trung Quốc đã bị Philippines "đập" một cú "hoảng hồn" với Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, khi Tòa khẳng định rằng "yêu sách về quyền lịch sử đối với các vùng nước bên trong đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý, do đó vô giá trị". Mặc dù Chủ tịch Tập tuyên bố rằng "phán quyết chỉ là một tở giấy lộn", nhưng chỉ là một tờ giấy mà khiến cả đất nước Trung Quốc đau đầu. Tác dụng của Phán quyết năm 2016 tiếp tục tạo ảnh hưởng, như trong đệ trình của Malaysia về thềm lục địa mở rộng lên Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019 vừa rồi.

Để tránh bị Hoa Kỳ và đồng minh có cớ để "bao vây và ngăn chặn", Trung Quốc luôn sử dụng lực lượng dân quân biển hoặc tàu "thăm dò khoa học" có tàu hải cảnh hỗ trợ để xâm phạm EEZ của nhiều quốc gia. Mục đích là Trung Quốc muốn để cho các quốc gia quen dần với sự xâm phạm EEZ của Trung Quốc, khiến các quốc gia này mệt mỏi, chấp nhận như một sự đã rồi. Và rồi từ đó, Trung Quốc sẽ lấn tới dần, hiện thực hóa "đường lưỡi bò" cho dù nó không có cơ sở pháp lý hay được thừa nhận.

Tuy nhiên, Trung Quốc tuỳ vào phản ứng của từng quốc gia để tiếp tục hay rút lui. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu xâm phạm vào EEZ của Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Trước đó, năm 2014, Trung Quốc đã cho cả một giàn khoan khổng lồ với đoàn tàu hộ tống hùng hậu để tiến hành thăm dò ngay trong EEZ của Việt Nam. Trong sự kiện năm 2014, phía Việt Nam đã kiên quyết tố cáo Trung Quốc ra thế giới, thậm chí phía Việt Nam mời hẳn các phóng viên quốc tế ra thực địa, Chính phủ Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn sàng theo bước Philippines khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài theo phụ lục VII của Công ước luật biển (UNCLOS), trước các hành động động kiên quyết đó, Trung Quốc đã xuống thang, rút giàn khoan khỏi EEZ của Việt Nam.

Hồi tháng 12/2019, một số tàu "nghiên cứu khoa học" của Trung Quốc tiến hành tại EEZ của Ấn Độ, lập tức Ấn Độ đã dùng tàu hải quân trục xuất ra khỏi khu vực này, sau đó phía Trung Quốc tuyên bố các tàu nghiên cứu Trung Quốc cần phải tuân thủ UNCLOS khi tiến hành nghiên cứu tại vùng biển nước ngoài [2].

mem33

Indonesia đã hành động quyết liệt, điều tàu chiến và máy bay chiến đấu để trục xuất các tàu Trung Quốc.

Cũng cuối tháng 12/2019 tới đầu năm nay, một số tàu Trung Quốc đã xâm phạm EEZ của Indonesia tại khu vực Natuna, phía Indonesia đã hành động quyết liệt, điều tàu chiến và máy bay chiến đấu để trục xuất các tàu Trung Quốc. Tổng thống Indonesia còn bay tới tận nơi để thị sát, ông cũng phát biểu mạnh mẽ với truyền thông là không đánh đổi chủ quyền lấy đầu tư từ Trung Quốc. Trước các hành động quyết liệt như vậy từ Indonesia, các tàu Trung Quốc đã phải thoái lui khỏi EEZ của Indonesia.

Tuy nhiên, trong sự kiện khu vực Bãi Tư chính năm 2019, khi một đội tàu của Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam 113 ngày thì bởi vì phản ứng của Việt Nam rất yếu ớt. Truyền thông Việt Nam chỉ được đưa tin khi có yêu cầu, với những thông tin thiếu và nhỏ giọt. Các lãnh đạo cao cấp Việt Nam còn thể hiện thái độ hòa hoãn, như khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang có chuyến thăm Trung Quốc vào lúc xảy ra sự kiện khu vực Bãi Tư chính, nhưng bà ta đã không có một động thái nào thể hiện thái độ, mà vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì trả lời "chúng ta không thể quay lưng được với Trung Quốc". Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thì nói với báo giới "chúng ta cần gìn giữ hòa bình". Chính "nỗi lo ngại chiến tranh" với Trung Quốc đã khiến các lãnh đạo Việt Nam "chùn bước". Điều đó cho thấy, chiến tranh tâm lý và chiến tranh truyền thông của Trung Quốc đã có tác động.

Xem xét lại các hành động của Trung Quốc, chúng ta thấy rõ chiến thuật "mềm nắn rắn buông" của Trung Quốc trên biển, đặc biệt là Biển Đông. Trung Quốc luôn đe dọa bằng cách thể hiện như "kề bên miệng hố chiến tranh" khiến các quốc gia khác khiếp sợ, thế nhưng thực chất Trung Quốc luôn chỉ dám thực hiện việc ức hiếp "dưới ngưỡng chiến tranh" để đạt được mục đích của mình mà không bị cô lập và phản đối.

Chính vì vậy, hiện nay, đã có thông tin cho biết một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tái xuất hiện tại khu vực Bãi Tư chính trong thời gian gần đây. Chúng ta mong chờ phía Việt Nam nắm vững được "luật chơi" của Trung Quốc để có thể chống lại các hành động xâm phạm EEZ của Trung Quốc một cách hiệu quả như Indonesia hay Ấn Độ đã làm.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 12/01/2020


[1]  https://www.rand.org/blog/2020/01/what-to-expect-from-china-in-2020.html?utm_campaign=&utm_content=1578085154&utm_medium=rand_social&utm_source=twitter

[2]  https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3041693/china-steps-compliance-un-sea-law-after-ships-expulsion-india?fbclid=IwAR2Samg8yW8MLHgaU6IwSla5i4bK9uJwzNUu4z2brtG5W6TP4xKKTpqmQl8

Additional Info

  • Author Hoàng Gia Phúc
Published in Diễn đàn

"Hãy để Trung Quốc ngủ yên, khi nó thức giấc nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới" - Napoleon.

dna1

Hình minh họa. Các xe quân sự mang theo tên lửa đất đối không của Trung Quốc trong lễ diễu binh ở Thiên An Môn hôm 1/10/2019 nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc - AFP

Con sư tử Trung Quốc tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài với những chứng nội thương như "Đại cách mạng văn hoá", "Đại nhảy vọt… và đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đã bị các nước phương Tây cô lập.

Trước đó, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã "thể hiện sức mạnh" thông qua các chiến trường Triều Tiên, Kim Môn, Mã Tổ để "đọ sức" với Hoa Kỳ. Và Mao Trạch Đông đã dặn lại với hậu nhân "tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển".

Tiếp nối chính sách của Mao, Đặng Tiểu Bình hiểu những điểm yếu trong sức mạnh Trung Quốc, nên đã đưa ra chính sách "giấu mình chờ thời". Với chính sách này, "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột", Đặng đã đưa kinh tế Trung Quốc đạt được những thành tựu lớn.

Sau Đặng, tới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã nhân sự "lơi lỏng" từ Hoa Kỳ và các đồng minh, cảm thấy rằng mình đã đủ sức mạnh, nên cần "lấy số" với thế giới, và vì thế, Trung Quốc đã "nhe nanh múa vuốt" tại khu vực Châu Á, vốn là "sân nhà" của Trung Quốc xưa nay.

Từ năm 2007 trở đi, Biển Đông đã trở nên một khu vực chất chứa đầy nguy hiểm rình rập, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, vào tháng 5 hàng năm. Lệnh cấm đơn phương này được Trung Quốc tuyên bố từ 1999 nhưng bắt đầu được Trung Quốc "ra tay" thực hiện từ 2007 trở đi. Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ "vu vơ" của một cá nhân, biến nó thành "một yêu sách trên biển chính thức" của chính quyền Trung Quốc với cái tên gọi "đường lưỡi bò". Gọi là "yêu sách" nhưng nó chưa bao giờ được Trung Quốc tuyên bố chính thức và công khai, mãi cho tới năm 2009, khi Trung Quốc phản đối Báo cáo mở rộng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, và Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam với Malaysia, thì Trung Quốc mới chính thức "trình làng" lên Liên Hợp Quốc bản đồ có "đường lưỡi bò" đó, nhưng cũng chẳng giải thích nó là cái gì, bản chất pháp lý của nó như thế nào.

dna2

Hình trên Đặng Tiểu Bình duyệt quân ở Bắc Kinh hôm 16/9/1981. Hình dưới : Chủ tịch Tập Cận Bình duyệt quân tại lễ diễu bình ở Quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019 - AFP

Lần lượt các quốc gia đã lên tiếng phản đối "cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò" này, Việt Nam phản đối ngay sau khi Trung Quốc gửi bản đồ có "đường lưỡi bò" lên Liên Hợp Quốc. Indonesia gửi công hàm chính thức phản đối đường lưỡi bò năm 2010, Philippines gửi công hàm phản đối năm 2011. Còn Hoa Kỳ năm 2014 đã công bố nguyên một báo cáo nghiên cứu về "đường lưỡi bò" này, và đương nhiên, Hoa Kỳ không thể chấp nhận một thứ yêu sách vô lý như vậy.

Tuy nhiên, Trung Quốc biết cách làm thế nào để có thể hiện thực hoá tham vọng trên Biển Đông của họ. Trung Quốc cũng rất giỏi để tìm cách xoa dịu và chia rẽ các nước ASEAN. Với các lợi ích khổng lồ từ kinh tế, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục tiến hành chính sách "chia để trị" đối với ASEAN thông qua "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường". Và lần lượt, một số quốc gia ASEAN đã "ngã vào vòng tay Trung Quốc".

ASEAN dường như đã phân rã thành hai nhóm, một nhóm có lợi ích trực tiếp hoặc liên quan đến Biển Đông. Nhóm còn lại không có lợi ích trực tiếp hoặc lợi ích liên quan nào. Nhóm thứ nhất bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Singapore. Nhóm thứ hai bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar.

Các nước láng giềng Đông Dương truyền thống của Việt Nam dần dần đã tiến lại gần Trung Quốc, lánh xa ảnh hưởng của Việt Nam. Campuchia là trường hợp rõ nhất, khi luôn luôn bảo vệ cho các quan điểm và lợi ích của Trung Quốc, thậm chí năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch điều phối ASEAN, nước này đã ngăn cản các Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung có những nội dung liên quan đến Biển Đông.

Indonesia vẫn luôn có vai trò tích cực trong ASEAN và vấn đề Biển Đông, nhưng cũng có những lợi ích riêng và bị nhiều quốc gia phản ứng với chính sách "đánh chìm tàu". Indonesia và Việt Nam có những vùng chồng lấn tại vùng đặc quyền kinh tế của cả hai bên, và hai bên cũng vẫn chưa sẵn sàng cho việc phân định. Hậu quả là nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển Indonesia bắt giữ và đánh chìm cho dù nhiều ngư dân Việt Nam khẳng định là họ không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Malaysia thì dưới thời Rajib Narak đã duy trì chính sách ngoại giao được Trung Quốc ca ngợi là "chính sách ngoại giao im lặng".

Philippines thì dưới thời Duterte áp dụng chính sách "Hướng về Trung Quốc" hòng thu lượm những lợi ích kinh tế to lớn từ quốc gia này.

Tuy nhiên, có vẻ gần đây, các quốc gia ASEAN đang "thức tỉnh" trước các tham vọng "sỗ sàng" từ Trung Quốc.

Ngày 12/10/2019, Malaysia đã chủ động gửi bản yêu sách về thềm lục địa mở rộng của mình lên Liên Hợp Quốc. Với bản yêu sách này, Malaysia đã trực diện bác bỏ "cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Ngoài ra, Malaysia cũng thông qua đó, gián tiếp thừa nhận Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phân tích của Nguyễn Hồng Thao trên tờ The Diplomats, thì hành động này của Malaysia bao hàm rất nhiều tính toán, trong đó có việc phản ứng lại các hành động quấy phá, sách nhiễu các tàu thăm dò của Malaysia tại khu vực bãi Luconia, vốn thuộc EEZ của Malaysia, đồng thời cũng đặt bước phòng ngừa cho lợi ích của Malaysia trước khi COC được ký kết dưới áp lực của Trung Quốc.

Mới đây nhất thì Indonesia đã tăng cường tàu hải quân và phi cơ chiến đấu tại khu vực Natuna, nơi nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Indonesia. Tổng thống Widodo đã ra tín hiệu rằng Indonesia sẽ không lùi bước trước các hành động ngang ngược này của Trung Quốc.

Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp tục xuất hiện tại khu vực gần Bãi Tư chính của Việt Nam, nơi các tàu Trung Quốc quấy phá liên tục hồi năm 2019. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia trực tiếp đối đầu với các hành động hung hăng, thù nghịch của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.

Báo chí hôm nay cũng cho biết, nhiều tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần khu vực Thị Tứ (thực thể mà Philippines đang chiếm giữ, thuộc Trường Sa).

Những dự đoán cho thấy, trước các áp lực kinh tế suy giảm, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, Tập Cận Bình đang tìm cách hướng các vấn đề nội bộ ra bên ngoài, trong đó, Biển Đông là vấn đề thu hút rất lớn dư luận trong nước. Thêm nữa, tình hình thế giới đang phức tạp và bất ổn. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran khiến thế giới nín thở từng ngày. Đồng thời cũng sẽ là cuộc tranh cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, nên sẽ khiến Hoa Kỳ lơi lỏng chú ý ở Biển Đông, và đó sẽ là cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục "gặm nhấm" các khu vực trên Biển Đông, biến thành sự đã rồi.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang "bừng tỉnh" trước "giấc mộng Trung Hoa" thông qua các khoản đầu tư. Mới đây, Indonesia lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư từ Trung Quốc [1]. Việt Nam thì đang "khóc hận" bởi các chiêu "lẩn tránh thương mại" và có nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ" từ Trung Quốc. Người dân Campuchia thì "khóc ròng" khi các bãi biển Sihanoukville, Koh Kong tràn ngập các băng đảng tội phạm từ Trung Quốc tràn sang.

dna3

Máy đào và công nhân Trung Quốc đang làm việc trên một công trường xây dựng của một khu dân cư mới ở Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh của Zhang Peng / LightRocket qua Getty Images, 27/05/2019)

Cũng đã đến lúc các quốc gia Châu Á, trong đó có ASEAN cần phải thức tỉnh trước các "hấp lực" từ Trung Quốc. Các quốc gia này cần đoàn kết để bảo vệ lợi ích lâu dài của chính họ, chính điều ấy mới có thể bảo vệ được họ trước một con sư tử "sống trong rừng rậm, đói khát lâu ngày, hành xử hoang dã" như Trung Quốc.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 10/01/2020

[1] Panos Mourdoukoutas, "Indonesia Warns About Bad Side Of Chinese Investments - And Isn’t Alone", Forbes, 13/12/2019

Additional Info

  • Author Hoàng Gia Phúc
Published in Diễn đàn

Từ Đài Loan

Ngày 11/1/2020 sắp tới là một ngày quan trọng đối với người dân Đài Loan, vì đây sẽ là ngày mọi cử tri chọn Tổng thống cho nhiệm kỳ mới. Tổng thống mới của đảo quốc này chắc chắn sẽ đưa ra những chính sách mới, đặc biệt là đối ngoại. Tác động của các chính sách này, sẽ không chỉ tác động tới người dân của đảo quốc này mà còn ảnh hưởng tới cả tình hình chính trị khu vực và thế giới.

canthiep1

Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/1/2020 tại cuộc tập trung của những người ủng hộ ứng cử viên Hàn Quốc Du (thứ 4 bên trái trên áp phích) thuộc Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Đài Loan. AFP

Hai ứng cử viên sáng giá nhất cho cuộc đua vào chức vụ Tổng thống Đài Loan cho nhiệm kỳ mới, một là Tổng thống đương nhiệm - bà Thái Anh Văn. Còn người kia là ông Hàn Quốc Du - đương kim Thị trưởng thành phố Cao Hùng.

Hai nhân vật này, về chính sách có những điểm đối lập nhau, và kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ thể hiện ý nguyện của người dân Đài Loan trước các biến động chính trị trong và ngoài nước.

Bà Thái Anh Văn tiếp tục là gương mặt đại diện cho Đảng Dân Tiến, còn ông Hàn Quốc Du là đại biểu của Quốc Dân Đảng. Một trong những sự khác biệt lớn nhất của hai người trong cương lĩnh tranh cử, chính là chính sách đối với Trung Quốc.

canthiep2

Hình minh họa. Hình chụp hôm 5/1/2020 : Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến trong một cuộc tập trung ở sân vận động Xinzhuang ở thành phố New Taipei AFP

Chính sách đối với Trung Quốc của ông Hàn Quốc Du thể hiện quan điểm của đảng ông - Quốc Dân Đảng. Đảng này đã có lịch sử hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thời kháng Nhật, trong phong trào Quốc - Cộng liên minh. Người giữ chức vụ Tổng thống Đài Loan trước bà Thái Anh Văn là ông Mã Anh Cửu cũng là người của Quốc Dân Đảng. Ông này cùng với Quốc Dân Đảng đã có mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, và đó cũng là lý do mà đảng này đã thất cử trong kỳ bầu cử Tổng thống lần trước, khi nhiều người dân Đài Loan lo lắng trước nguy cơ "nuốt chửng" Đài Loan của Trung Quốc. Cũng giống như ông Mã Anh Cửu, ông Hàn Quốc Du thể hiện chính sách xích lại gần Trung Quốc, ông ta tuyên bố rằng "sẽ không chấp nhận tên gọi chính sách "một quốc gia, hai chế độ" mà phải gọi đó là "chung một gia đình". Quan điểm này được Trung Quốc nhiệt lịệt ủng hộ trong việc kêu gọi thống nhất Đài Loan của ông Tập.

Cương lĩnh tranh cử của bà Thái Anh Văn thì hoàn toàn khác ông Hàn. Bà là người luôn chỉ trích các tuyên bố của ông Tập Cận Bình về nhiều lĩnh vực. Khẩu hiệu tranh cử của bà Thái Anh Văn là "Chống lại Trung Quốc, Bảo vệ Đài Loan". Chính sách đối ngoại của bà Thái trong thời gian vừa qua thể hiện rõ ràng là "Thân Mỹ". Bà Thái cũng là người khẳng khái ủng hộ phong trào biểu tình ở Hồng Công. Bà Thái lo ngại rằng một khi Trung Quốc vươn mạnh ảnh hưởng, thì nền dân chủ ở Đài Loan sẽ bị nguy hại.

Các cuộc biểu tình ờ Hồng Công đã phủ bóng lên cuộc bầu cử tới đây ở Đài Loan. Nhiều người dân Đài Loan lo ngại với bài học nhãn tiền khi Trung Quốc đón nhận Hồng Công trở về đã khẳng định sẽ duy trì và tôn trọng chính sách "một quốc gia, hai chế độ" nhưng sự thực với những gì Trung Quốc đã làm gần đây đối với nền chính trị cùa Hồng Công đã cho thấy Trung Quốc đã "nuốt lời" như thế nào. Câu chuyện của Hồng Công hôm nay sẽ là tương lai u ám của Đài Loan nếu chính quyền Đài Loan "mơ tưởng" chuyện Trung Quốc sẽ hợp nhất Đài Loan một cách êm thấm và tôn trọng. Chính trong bối cảnh đó, các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy sự ủng hộ vượt trội của người dân cho bà Thái.[1]

Trước tình hình như vậy, Trung Quốc đã tìm cách "hành động" để nhằm giúp cho ông Hàn thắng cử. Việc Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan không phải mới xảy ra lần đầu. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã công khai tuyên bố với báo giới về việc Đài Loan có bằng chứng trong việc Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan hồi 2018.[2] Mới đây, một điệp viên từ Cơ quan tình báo Trung Quốc đã chính thức tố cáo Trung Quốc tìm cách tổ chức nhiều lực lượng để tác động vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, nhằm "lái" kết quả bầu cử ở Đài Loan theo ý muốn của họ.

Chiến thuật can thiệp vào bầu cử Đài Loan của Trung Quốc được thể hiện qua các hành động sau :

- Sử dụng các tin tặc làm nhiễu loạn thông tin về các cuộc bầu cử ở Đài Loan bằng cách phát tán các tin giả thông qua các mạng xã hội phổ biến ở Đài Loan như Facebook, Weibo.. hoặc các phần mềm chat được nhiều người sử dụng như Line..

- Bắc kinh tìm cách kiểm soát hoặc thao túng các tập đoàn truyền thông ở Đài Loan bằng nhiều con đường khác nhau, có thể là mua lại, hoặc sáp nhập.. để nắm quyền kiểm soát hoặc chi phối các tập đoàn truyền thông của Đài Loan. Tờ Financial Times mới đây cho biết một tập đoàn truyền thông lớn, có ảnh hưởng của Đài Loan là Want Want China Times Media Group đã bị phát hiện cộng tác với Trung Quốc, đăng nhiều bài theo cách tuyên truyền của Trung Quốc.[3]

- Trung Quốc cũng tổ chức cho các tin tặc sử dụng hàng triệu cuộc tấn công mạng, nhắm vào Đài Loan. Tzeng Yi suo - người đứng đầu của bộ phận chiến tranh mạng thuộc Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng quốc gia Đài Loan cho biết : "Trung Quốc đã theo gót Nga, sử dụng các cuộc chiến tranh trên không gian mạng. Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử của chúng tôi, hầu hết các cuộc tấn công mạng nhắm vào Đài Loan đều bắt nguồn từ Trung Quốc".[4]

Đến Việt Nam

Các nhà nghiên cứu nhận thấy Trung Quốc với tham vọng bá chủ, nên luôn tìm cách can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Chính sách của Trung Quốc đối với những quốc gia như Việt Nam được các học giả phương Tây gọi là chính sách "Phần Lan hoá", tức là bề ngoài vẫn thể hiện dường như tôn trọng công việc nội bộ của các quốc gia này, nhưng các chính sách đối ngoại của các quốc gia này phải "lệ thuộc" Trung Quốc. Sự "lệ thuộc" này được Trung Quốc dàn xếp theo cách như đưa những người "thân Trung Quốc" lên nắm quyền, đồng thời gây sức ép cả về ngoại giao lẫn nội bộ để "loại trừ" những chính trị gia có xu hướng "chống lại Trung Quốc".

Năm 2020 này, chính trường Việt Nam cũng có sự kiện quan trọng. Đó là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII.

canthiep3

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nâng ly cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 5/11/2015 AFP

Khác với Đài Loan, bởi vì Đài Loan vốn là một nền dân chủ, nên quá trình bầu cử là một cuộc chạy đua giữa nhiều đảng phái. Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền, cho nên bầu cử ở Việt Nam chỉ là cuộc chạy đua giữa các nhân vật cao cấp trong Đảng cộng sản. Đại hội Đảng lần này cũng có thể được coi là "bầu cử" và "chạy đua" vào các chức vụ cao nhất của hệ thống chính trị, đó là các chức danh : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Chính vì vậy, với kinh nghiệm Đài Loan, thì ta có thể thấy rằng, Trung Quốc cũng đã và đang tìm cách can thiệp vào "cuộc đua giành ghế" quan trọng trong chính trị Việt Nam hiện nay.

Mặc dù chính quyền Việt Nam chưa bao giờ công khai các điều tra hay nghi vấn về các hành động thù nghịch từ Trung Quốc, nhưng với tham vọng và truyền thống của Trung Quốc, ta có thể dễ dàng thấy "bóng dáng" của Trung Quốc trong các diễn biến chính trị Việt Nam gần đây.

Một quan chức chính trị Việt Nam giấu tên cho biết, Trung Quốc luôn tung lực lượng tình báo xâm nhập Việt Nam để nắm các tin tức cần thiết. Đối với các ứng viên tiềm năng vào Bộ Chính trị, Trung Quốc dò xét kỹ lưỡng các chi tiết về đời tư của từng cá nhân đó. Việc điều tra thông tin đó, để Trung Quốc có thể đánh giá mức độ "ủng hộ" hay là "chống Trung Quốc". Nếu là những nhân vật có quan điểm mạnh mẽ, độc lập, muốn thoát ra khỏi "cái bóng của Trung Quốc" thì hoặc là Trung Quốc tìm cách tung ra những thông tin bất lợi, nhằm "hạ bệ" nhân vật đó. Hoặc nếu nhân vật đó cần giúp đỡ, sẽ có ủng hộ từ Trung Quốc, nhưng cá nhân đó phải thay đổi quan điểm, chuyển sang "thần phục" Trung Quốc.

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo (nhân vật cao cấp nhất phụ trách về truyền thông) của Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây đã có phát biểu về việc "cứ đến gần Đại hội (Đảng) là các thông tin xấu cứ được tung ra để hạ bệ đối phương". [5]Không thể phủ nhận, các thông tin tới tấp được tung ra dịp này có phần là từ nội bộ đưa ra nhằm "đánh đấm", nhưng cũng có những thông tin được các điệp viên của Trung Quốc tung ra để nhiễu loạn và nhằm chi phối tình hình chính trị Việt Nam.

Việc các tin tặc từ Trung Quốc tấn công vào hệ thống website ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần, ví dụ như sự kiện các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã từng bị tấn công khiến các nhân viên hàng không phải làm thủ tục bằng phương pháp thủ công hồi 29/7/2016. Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ công bố các thông tin điều tra về các vụ tấn công này. Tuy nhiên, giới chuyên gia ở Việt Nam nghi ngờ bàn tay của Trung Quốc. Hay sự kiện năm 2014, khi Trung Quốc mang giàn khoan đặt vào EEZ của Việt Nam, đã xảy ra nhiều vụ bạo loạn2020

vượt tầm kiểm soát, mà nghi vấn dấy lên là có sự can thiệp của tình báo Hoa Nam.

Đài Loan đã chính thức thông qua luật nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trường hòn đảo này, nhưng Việt Nam sẽ làm gì ? Đó là một vấn đề lớn mà người dân Việt Nam mong chờ chính quyền Việt Nam hành động.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 06/01/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Gia Phúc
Published in Diễn đàn