Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2020

Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Đài Loan và Việt Nam

Hoàng Gia Phúc

Từ Đài Loan

Ngày 11/1/2020 sắp tới là một ngày quan trọng đối với người dân Đài Loan, vì đây sẽ là ngày mọi cử tri chọn Tổng thống cho nhiệm kỳ mới. Tổng thống mới của đảo quốc này chắc chắn sẽ đưa ra những chính sách mới, đặc biệt là đối ngoại. Tác động của các chính sách này, sẽ không chỉ tác động tới người dân của đảo quốc này mà còn ảnh hưởng tới cả tình hình chính trị khu vực và thế giới.

canthiep1

Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/1/2020 tại cuộc tập trung của những người ủng hộ ứng cử viên Hàn Quốc Du (thứ 4 bên trái trên áp phích) thuộc Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Đài Loan. AFP

Hai ứng cử viên sáng giá nhất cho cuộc đua vào chức vụ Tổng thống Đài Loan cho nhiệm kỳ mới, một là Tổng thống đương nhiệm - bà Thái Anh Văn. Còn người kia là ông Hàn Quốc Du - đương kim Thị trưởng thành phố Cao Hùng.

Hai nhân vật này, về chính sách có những điểm đối lập nhau, và kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ thể hiện ý nguyện của người dân Đài Loan trước các biến động chính trị trong và ngoài nước.

Bà Thái Anh Văn tiếp tục là gương mặt đại diện cho Đảng Dân Tiến, còn ông Hàn Quốc Du là đại biểu của Quốc Dân Đảng. Một trong những sự khác biệt lớn nhất của hai người trong cương lĩnh tranh cử, chính là chính sách đối với Trung Quốc.

canthiep2

Hình minh họa. Hình chụp hôm 5/1/2020 : Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến trong một cuộc tập trung ở sân vận động Xinzhuang ở thành phố New Taipei AFP

Chính sách đối với Trung Quốc của ông Hàn Quốc Du thể hiện quan điểm của đảng ông - Quốc Dân Đảng. Đảng này đã có lịch sử hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thời kháng Nhật, trong phong trào Quốc - Cộng liên minh. Người giữ chức vụ Tổng thống Đài Loan trước bà Thái Anh Văn là ông Mã Anh Cửu cũng là người của Quốc Dân Đảng. Ông này cùng với Quốc Dân Đảng đã có mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, và đó cũng là lý do mà đảng này đã thất cử trong kỳ bầu cử Tổng thống lần trước, khi nhiều người dân Đài Loan lo lắng trước nguy cơ "nuốt chửng" Đài Loan của Trung Quốc. Cũng giống như ông Mã Anh Cửu, ông Hàn Quốc Du thể hiện chính sách xích lại gần Trung Quốc, ông ta tuyên bố rằng "sẽ không chấp nhận tên gọi chính sách "một quốc gia, hai chế độ" mà phải gọi đó là "chung một gia đình". Quan điểm này được Trung Quốc nhiệt lịệt ủng hộ trong việc kêu gọi thống nhất Đài Loan của ông Tập.

Cương lĩnh tranh cử của bà Thái Anh Văn thì hoàn toàn khác ông Hàn. Bà là người luôn chỉ trích các tuyên bố của ông Tập Cận Bình về nhiều lĩnh vực. Khẩu hiệu tranh cử của bà Thái Anh Văn là "Chống lại Trung Quốc, Bảo vệ Đài Loan". Chính sách đối ngoại của bà Thái trong thời gian vừa qua thể hiện rõ ràng là "Thân Mỹ". Bà Thái cũng là người khẳng khái ủng hộ phong trào biểu tình ở Hồng Công. Bà Thái lo ngại rằng một khi Trung Quốc vươn mạnh ảnh hưởng, thì nền dân chủ ở Đài Loan sẽ bị nguy hại.

Các cuộc biểu tình ờ Hồng Công đã phủ bóng lên cuộc bầu cử tới đây ở Đài Loan. Nhiều người dân Đài Loan lo ngại với bài học nhãn tiền khi Trung Quốc đón nhận Hồng Công trở về đã khẳng định sẽ duy trì và tôn trọng chính sách "một quốc gia, hai chế độ" nhưng sự thực với những gì Trung Quốc đã làm gần đây đối với nền chính trị cùa Hồng Công đã cho thấy Trung Quốc đã "nuốt lời" như thế nào. Câu chuyện của Hồng Công hôm nay sẽ là tương lai u ám của Đài Loan nếu chính quyền Đài Loan "mơ tưởng" chuyện Trung Quốc sẽ hợp nhất Đài Loan một cách êm thấm và tôn trọng. Chính trong bối cảnh đó, các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy sự ủng hộ vượt trội của người dân cho bà Thái.[1]

Trước tình hình như vậy, Trung Quốc đã tìm cách "hành động" để nhằm giúp cho ông Hàn thắng cử. Việc Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan không phải mới xảy ra lần đầu. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã công khai tuyên bố với báo giới về việc Đài Loan có bằng chứng trong việc Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan hồi 2018.[2] Mới đây, một điệp viên từ Cơ quan tình báo Trung Quốc đã chính thức tố cáo Trung Quốc tìm cách tổ chức nhiều lực lượng để tác động vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, nhằm "lái" kết quả bầu cử ở Đài Loan theo ý muốn của họ.

Chiến thuật can thiệp vào bầu cử Đài Loan của Trung Quốc được thể hiện qua các hành động sau :

- Sử dụng các tin tặc làm nhiễu loạn thông tin về các cuộc bầu cử ở Đài Loan bằng cách phát tán các tin giả thông qua các mạng xã hội phổ biến ở Đài Loan như Facebook, Weibo.. hoặc các phần mềm chat được nhiều người sử dụng như Line..

- Bắc kinh tìm cách kiểm soát hoặc thao túng các tập đoàn truyền thông ở Đài Loan bằng nhiều con đường khác nhau, có thể là mua lại, hoặc sáp nhập.. để nắm quyền kiểm soát hoặc chi phối các tập đoàn truyền thông của Đài Loan. Tờ Financial Times mới đây cho biết một tập đoàn truyền thông lớn, có ảnh hưởng của Đài Loan là Want Want China Times Media Group đã bị phát hiện cộng tác với Trung Quốc, đăng nhiều bài theo cách tuyên truyền của Trung Quốc.[3]

- Trung Quốc cũng tổ chức cho các tin tặc sử dụng hàng triệu cuộc tấn công mạng, nhắm vào Đài Loan. Tzeng Yi suo - người đứng đầu của bộ phận chiến tranh mạng thuộc Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng quốc gia Đài Loan cho biết : "Trung Quốc đã theo gót Nga, sử dụng các cuộc chiến tranh trên không gian mạng. Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử của chúng tôi, hầu hết các cuộc tấn công mạng nhắm vào Đài Loan đều bắt nguồn từ Trung Quốc".[4]

Đến Việt Nam

Các nhà nghiên cứu nhận thấy Trung Quốc với tham vọng bá chủ, nên luôn tìm cách can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Chính sách của Trung Quốc đối với những quốc gia như Việt Nam được các học giả phương Tây gọi là chính sách "Phần Lan hoá", tức là bề ngoài vẫn thể hiện dường như tôn trọng công việc nội bộ của các quốc gia này, nhưng các chính sách đối ngoại của các quốc gia này phải "lệ thuộc" Trung Quốc. Sự "lệ thuộc" này được Trung Quốc dàn xếp theo cách như đưa những người "thân Trung Quốc" lên nắm quyền, đồng thời gây sức ép cả về ngoại giao lẫn nội bộ để "loại trừ" những chính trị gia có xu hướng "chống lại Trung Quốc".

Năm 2020 này, chính trường Việt Nam cũng có sự kiện quan trọng. Đó là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII.

canthiep3

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nâng ly cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 5/11/2015 AFP

Khác với Đài Loan, bởi vì Đài Loan vốn là một nền dân chủ, nên quá trình bầu cử là một cuộc chạy đua giữa nhiều đảng phái. Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền, cho nên bầu cử ở Việt Nam chỉ là cuộc chạy đua giữa các nhân vật cao cấp trong Đảng cộng sản. Đại hội Đảng lần này cũng có thể được coi là "bầu cử" và "chạy đua" vào các chức vụ cao nhất của hệ thống chính trị, đó là các chức danh : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Chính vì vậy, với kinh nghiệm Đài Loan, thì ta có thể thấy rằng, Trung Quốc cũng đã và đang tìm cách can thiệp vào "cuộc đua giành ghế" quan trọng trong chính trị Việt Nam hiện nay.

Mặc dù chính quyền Việt Nam chưa bao giờ công khai các điều tra hay nghi vấn về các hành động thù nghịch từ Trung Quốc, nhưng với tham vọng và truyền thống của Trung Quốc, ta có thể dễ dàng thấy "bóng dáng" của Trung Quốc trong các diễn biến chính trị Việt Nam gần đây.

Một quan chức chính trị Việt Nam giấu tên cho biết, Trung Quốc luôn tung lực lượng tình báo xâm nhập Việt Nam để nắm các tin tức cần thiết. Đối với các ứng viên tiềm năng vào Bộ Chính trị, Trung Quốc dò xét kỹ lưỡng các chi tiết về đời tư của từng cá nhân đó. Việc điều tra thông tin đó, để Trung Quốc có thể đánh giá mức độ "ủng hộ" hay là "chống Trung Quốc". Nếu là những nhân vật có quan điểm mạnh mẽ, độc lập, muốn thoát ra khỏi "cái bóng của Trung Quốc" thì hoặc là Trung Quốc tìm cách tung ra những thông tin bất lợi, nhằm "hạ bệ" nhân vật đó. Hoặc nếu nhân vật đó cần giúp đỡ, sẽ có ủng hộ từ Trung Quốc, nhưng cá nhân đó phải thay đổi quan điểm, chuyển sang "thần phục" Trung Quốc.

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo (nhân vật cao cấp nhất phụ trách về truyền thông) của Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây đã có phát biểu về việc "cứ đến gần Đại hội (Đảng) là các thông tin xấu cứ được tung ra để hạ bệ đối phương". [5]Không thể phủ nhận, các thông tin tới tấp được tung ra dịp này có phần là từ nội bộ đưa ra nhằm "đánh đấm", nhưng cũng có những thông tin được các điệp viên của Trung Quốc tung ra để nhiễu loạn và nhằm chi phối tình hình chính trị Việt Nam.

Việc các tin tặc từ Trung Quốc tấn công vào hệ thống website ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần, ví dụ như sự kiện các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã từng bị tấn công khiến các nhân viên hàng không phải làm thủ tục bằng phương pháp thủ công hồi 29/7/2016. Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ công bố các thông tin điều tra về các vụ tấn công này. Tuy nhiên, giới chuyên gia ở Việt Nam nghi ngờ bàn tay của Trung Quốc. Hay sự kiện năm 2014, khi Trung Quốc mang giàn khoan đặt vào EEZ của Việt Nam, đã xảy ra nhiều vụ bạo loạn2020

vượt tầm kiểm soát, mà nghi vấn dấy lên là có sự can thiệp của tình báo Hoa Nam.

Đài Loan đã chính thức thông qua luật nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trường hòn đảo này, nhưng Việt Nam sẽ làm gì ? Đó là một vấn đề lớn mà người dân Việt Nam mong chờ chính quyền Việt Nam hành động.

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 06/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Gia Phúc
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)