Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 04/01/2024, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố các kết quả nghiên cứu về một chủng coronavirus có tên là GX_P2V, được phát hiện từ loài tê tê vảy sừng. Loài virus này, sau khi đã được biển đổi gien và được thử nghiệm trên loài chuột được "nhân hóa", đã cho thấy tỷ lệ gây tử vong là 100%.

virus0

Các nhà khoa học ở Bắc Kinh – những người có liên hệ với quân đội Trung Quốc – đã nhân bản một loại virus giống Covid được tìm thấy ở tê tê, được gọi là GX_P2V, và sử dụng nó để lây nhiễm cho chuột. Mọi loài gặm nhấm bị nhiễm mầm bệnh đều chết trong vòng 8 ngày, điều mà các nhà nghiên cứu mô tả là nhanh chóng "đáng ngạc nhiên".

Kết quả nghiên cứu này được đăng trên mạng BioRxiv, trong khi chờ cộng đồng khoa học thẩm định và cho đăng tải chính thức trên một tạp chí khoa học uy tín. Tuy nhiên, thông báo lặng lẽ này của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo lắng và các nghi từ cộng đồng khoa học quốc tế về mục đích của nghiên cứu nói trên. RFI Tiếng Việt lược thuật một số nhận định trên các báo Pháp về chủ đề này.

**********

Bản chất của nghiên cứu được thực hiện là gì ?

Các nhà khoa học trường đại học Công nghệ Hóa học ở Bắc Kinh đã nghiên cứu hai loại coronavirus GX/2017 và GD/2019, được phát hiện ở loài tê tê vảy sừng vào các năm 2017 và 2019. Trả lời trang mạng thông tin miễn phí của Pháp "20 Minutes", tiến sĩ Benjamin Davido, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ tại bệnh viện Raymond-Poincaré ở Garches, giải thích :

"Người ta cho chuột biến đổi gien "được nhân hóa" tiếp xúc với hai loài virus này. Những con chuột đó đã được trang bị thụ thể ACE2, hiện diện trên bề mặt tế bào người. Một thụ thể được biết đến là con đường để virus xâm nhập tế bào người và dựa vào khả năng lây nhiễm virus ở người".

Nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy virus GD/2019, còn được gọi là pCoV-GD01 và có họ hàng rất gần với chủng Covid-19, có thể gây bệnh cho loài gậm nhấm bị phơi nhiễm. Loại virus còn lại, GX/2017, có khả năng lây nhiễm cho những con chuột đã bị phơi nhiễm, nhưng không gây bệnh.

Nhưng các nhà khoa học Trung Quốc không dừng ở đó. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã nhân bản chủng GX/2017. Chủng này bị đột biến và được đổi tên thành GX_P2V. Sau khi nuôi cấy một số bản sao của loại virus đột biến này, họ tiêm chúng vào một nhóm chuột được nhân bản hóa và tất cả đều chết trong chưa đầy một tuần.

Họ quan sát thấy virus đã tấn công hệ hô hấp của chuột trước khi ảnh hưởng đến hệ thần kinh với một lượng virus rất cao trong não. Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc kết luận : "Sự lây nhiễm trong não ở giai đoạn nhiễm trùng sau cùng có thể là nguyên nhân chính gây tử vong ở những con chuột này. Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy một loại coronavirus có liên hệ với SARS-CoV-2 của loài tê tê có thể gây tử vong 100% cho chuột và do vậy cho thấy nguy cơ virus GX_P2V lây nhiễm sang người".

Giới chuyên gia quốc tế phản ứng ra sao ?

Thí nghiệm này của Trung Quốc lại khơi dậy một cuộc tranh cãi vào lúc những chấn thương tinh thần do đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, vẫn còn âm ỉ. Nhiều nhà khoa học cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn lây lan loại virus này trong môi trường. Gennadi Glinsky, giáo sư ngành y ở Stanford đã về hưu, được Daily Mail trích dẫn cho rằng "cần phải ngăn chặn sự điên rồ này trước khi quá muộn".

Trên báo Pháp Le Figaro ngày 18/01, Bruno Canard, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và cũng là người điều hành nhóm nghiên cứu "Nhân bản virus" tại phòng thí nghiệm Kết cấu và Chức năng Đại phân tử sinh học (AFMB) nhận xét : "Sự cân bằng giữa giảng dạy khoa học và tiềm năng cực kỳ nguy hiểm của những thí nghiệm này là rất bất lợi".

Thậm chí, Etienne Decroly, giám đốc nghiên cứu của CNRS và là nhà virus học, còn dứt khoát hơn khi kêu gọi "phải nhanh chóng có những quy định về việc thao tác trên những loại virus như chủng virus corona có khả năng gây dịch thực sự".

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác phản ứng có chừng mực. Trả lời tuần báo Pháp L’Express, bà Florence Débarre, giám đốc nghiên cứu về sinh học tiến hóa tại CNRS, lưu ý chương trình nghiên cứu này là không có gì mới mẻ. Không chỉ riêng Trung Quốc, một số nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Pháp, cũng đang tìm hiểu về hai loại virus ở loài tê tê được tìm thấy ở Trung Quốc vào năm 2017 và năm 2019.

Cũng theo nữ chuyên gia người Pháp, chúng được thực hiện theo một quy trình rất kinh điển : Phân lập và tinh chế virus để làm "tăng thêm chức năng" của virus, một thuật ngữ dùng để mô tả các thí nghiệm nhằm mục đích thúc đẩy sự tiến hóa virus, bằng cách cho lây nhiễm lặp lại ở động vật thí nghiệm hoặc nuôi cấy tế bào.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Benjamin Davido trên trang mạng "20 minutes" có cái nhìn tích cực hơn, cho rằng những kết luận của nhà khoa học Trung Quốc về "mối tương quan giữa số lượng thụ thể với khả năng nhạy cảm cao hơn với các dạng bệnh thể nặng" là một hướng nghiên cứu thú vị hơn là đáng báo động. Theo ông, điều này cho phép "hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của virus và xác định các quần thể có nguy cơ cao hơn những quần thể khác dựa trên mức độ biểu hiện các thụ thể này ở người".

Kết quả quan sát được "làm nổi rõ nguy cơ lây lan của chủng virus GX_P2V ở người và cung cấp một mô hình độc đáo để hiểu được cơ chế gây bệnh từ những virus có liên quan đến SARS-CoV-2".. Như vậy nghiên cứu này sẽ cho phép chuẩn bị tốt hơn cho nguy cơ xảy ra đại dịch, bằng cách "xác định các nhóm đối tượng đề xuất "các quan điểm điều trị khác nhau".

Bắc Kinh đang chế tạo vũ khí sinh học ?

Đây chính là điểm gây nhiều tranh cãi nhất trong giới nghiên cứu về coronavirus. Theo giải thích từ Daily Mail, được trang mạng Asialyst trích dẫn, những nhà nghiên cứu tham gia chương trình này đều có liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân. Cũng theo nhật báo Anh này, một trong số các tác giả là tiến sĩ Đồng Di Cương (Tong Yigang), được đào tạo ở Học Viện Quân Y, trung tâm nghiên cứu do quân đội quản lý. Năm 2023, ông đăng một báo cáo khoa học cùng với bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), người được mệnh danh là "Batwoman".

Nhân vật này từng điều hành Viện Vi trùng học Vũ Hán. Đối với FBI Mỹ, một vụ rò rỉ rất có thể đã xảy ra tại phòng thí nghiệm P4 nổi tiếng này, nguồn gốc của một trận đại dịch khủng khiếp Covid-19 trên toàn cầu năm 2019.

Ông Bruno Canard, giám đốc nghiên cứu tại CNRS, nhấn mạnh trên Le Figaro : "Nếu những thao tác như vậy có liên quan đến các dự án vũ khí sinh học, thì điều này đặt biệt đáng lo ngại". Một nhận định đã bị nhà nghiên cứu sinh học Florence Débarre bác bỏ : "Nếu quân đội Trung Quốc muốn phát triển thứ vũ khí sinh học này, họ sẽ chẳng quan tâm đến việc công bố nghiên cứu này trên một tạp chí Mỹ. Đây chỉ là nghiên cứu cơ bản về virus. Điều mới là nhìn thấy những con đường đưa thông tin sai lệch này đang diễn ra".

Tác giả bài nhận định về nghiên cứu này của Trung Quốc đăng trên trang mạng Asialyst, phóng viên và cũng là tác giả tập sách "Nhân danh khoa học", xuất bản tháng 4/2023, Jérémy André tin rằng có nhiều lý do để lo ngại.

"Những gì được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các nhà khoa học Trung Quốc cho đăng những kết quả nghiên cứu mà họ muốn truyền đạt nhằm thu hút phản ứng, hợp tác và từ đó rút ra các kỹ năng, cũng như kiến thức xung quanh nghiên cứu của họ. Toàn bộ công trình của họ chưa được công bố. Một mặt, có những nghiên cứu ở giai đoạn dự án, rồi những nghiên cứu không thành công và cuối cùng là những nghiên cứu bí mật.

Về cơ bản, phần gây tranh cãi trong thí nghiệm này là, khi nuôi cấy virus để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sẽ có việc tối đa hóa virus. Vì được thu thập từ động vật, loại virus này dường như khó lây nhiễm sang người, nhưng vì chúng ta thấy chúng được nuôi cấy, bị biến đổi và điều thú vị là xem chúng xâm nhập vào cơ thể người như thế nào và có thể lây lan mạnh hơn nhiều so với ban đầu.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra ở đây là có sự nghi ngờ. Chúng ta thấy rõ là Trung Quốc tiếp tục một hình thức chạy đua vũ trang, không nhất thiết là nghiên cứu quân sự, mà là để cạnh tranh với Mỹ và thực hiện những thí nghiệm táo bạo, mạo hiểm nhất. Kết quả chuột chết 100% chưa hẳn là đáng lo ngại. Những con chuột này đã được "nhân hóa", điều đó có nghĩa là chúng rất có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể con người".

Từ khi dịch Covid-19 được phát hiện lần đầu vào mùa thu năm 2019 ở Vũ Hán, rất nhiều giả thuyết được lưu truyền về nguồn gốc dịch bệnh, nhưng giả thuyết về một loại virus được nhân tạo trong phòng thí nghiệm từ lâu đã bị cộng đồng khoa học quốc tế loại trừ. Tuy nhiên, mức độ ngờ vực vẫn cao và càng được thúc đẩy vì rõ ràng là Bắc Kinh muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc điều tra nghiêm túc nào về lĩnh vực này. Chưa có gì được chứng minh, nhưng mối ngờ vực ngày càng lớn. Riêng việc Trung Quốc nói dối và ngoan cố từ chối làm sáng tỏ những gì họ biết đang dự báo một thực tế đáng sợ !

(theo Le Figaro, L’Express, Asialyst và 20 Minutes)

Minh Anh

Published in Diễn đàn

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang phải tập trung đối phó với đại dịch coronavirus bùng phát với hệ quả khó lường, thì Trung Quốc tranh thủ thời cơ mở chiến dịch tuyên truyền với "ngoại giao khẩu trang", và tiếp tục "ngoại giao pháo hạm" tại Biển Đông. Đó là nước cờ mạo hiểm của Trung Quốc nhằm "đục nước béo cò" và "ngư ông đắc lợi".

maohiem1

Tuyên truyền phản tác dụng

Chiến dịch tuyên truyền và "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc nhằm ba mục đích chính. Một là để đánh lạc hướng dư luận về coronavirus xuất xứ từ Vũ Hán mà họ đã phủ nhận. Hai là ca ngợi mô hình chống dịch của họ đã thành công. Ba là tuyên truyền cho "quyền lực mềm" của Trung Quốc đã đối phó thắng lợi với đại dịch, nay đang giúp các nước.

Theo các chuyên gia, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc theo kiểu Liên Xô cũ trong chiến tranh lạnh, tuy "hùng hổ nhưng vụng về" (aggressive but clumsy), nên có thể "phản tác dụng" (backfiring). Bắc Kinh muốn đánh bóng và đánh tráo hình ảnh Trung Quốc (đang xấu đi), để lấy lòng dân trong nước (đang bất bình) và dư luận quốc tế (ngày càng bất lợi).

Có mấy lý do chiến dịch tuyên truyền của họ sẽ phản tác dụng. Một là sau bước đầu chập chững, các nước EU bắt đầu đoàn kết để chống đại dịch. Về lâu dài,Trung Quốc không thể lợi dụng tình trạng mất đoàn kết của Châu Âu để tuyên truyền rằng "chỉ có Trung Quốc giúp". EU vừa tuyên bố là "Pháp và Đức đã giúp Ý số khẩu trang còn nhiều hơn Trung Quốc".

Hai là EU bắt đầu phản công lại chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc. Josep Borrell (phụ trách đối ngoại của EU) đã lên án thông tin thất thiệt của Trung Quốc, làm Hoa Vi cắt giảm chương trình tài trợ khẩu trang cho EU. Ngày 26/3, EC kêu gọi Châu Âu phải tham gia "trận chiến truyền thông" để chống lại tuyên truyền thất thiệt của Trung Quốc.

Ba là các thiết bị y tế chất lượng kém của Trung quốc đã làm dư luận Châu Âu phản ứng mạnh. Một số nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Cộng hòa Czech, đã trả lại các bộ xét nghiệm (test kits) do Trung Quốc sản xuất, trong khi một số nước khác cũng trả lại khẩu trang Trung Quốc. EC vừa đưa ra các chỉ đạo mới để kiểm soát chất lượng hàng hóa y tế thiết yếu.

Bốn là tâm trạng nghi ngờ Trung Quốc của người Châu Âu không giảm vì những lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng kinh tế và chính trị do Trung Quốc trỗi dậy. Điều đó phản ánh quan điểm cứng rắn trong các nước EU mà cách đây một năm, tài liệu "Chiến lược của EU đối với Trung Quốc" (EU Strategy paper on China) đã đề cập tới "như là đối thủ" (systemic rival).

Tóm lại, trước mắt Trung Quốc có thể ghi điểm với một số chính phủ dân túy, nhưng về lâu dài, chiến dịch tuyên truyền của họ không thay đổi được hình ảnh. Nếu Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Châu Âu, họ phải minh bạch về cách đối phó với coronavirus, không tuyên truyền thất thiệt và chính trị hóa tài trợ y tế (1).

Biển Đông lại nổi sóng

Theo Reuters, từ 16/4/2020, tàu khảo sát HD-8 và các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã bám theo và quấy rối tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia) đang thăm dò dầu khí trên thềm lục địa kéo dài về phía nam quần đảo Trường Sa. Theo MarineTraffic (23/4) tàu HD-8 vẫn đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách Borneo khoảng 336km.

Trong khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đang bảo trì và cách ly tại cảng (Guam và Nhật) vì nhiều thủy thủy bị lây nhiễm coronavirus, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang hoạt động gần bãi cạn Macclesfield. Trung Quốc định bắt nạt Malaysia như họ đã bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính (năm 2019).

Theo Greg Poling (AMTI director/CSIS) ngày 20/4, các tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu đổ bộ USS America, tàu khu trục USS Barry (của Mỹ) và tàu khu trục HMAS Parramatta (của Úc) đã tập trận tại vùng biển tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc, gần nơi tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia) và tàu HD-8 của Trung Quốc đang hoạt động.

Ngày 23/4, Malaysia đã tuyên bố cam kết bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein của Malaysia nói, "Trong khi luật pháp quốc tế đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và tàu cảnh sát biển ở Biển Đông có khả năng làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ điều tàu sân bay USS Harry Truman từ Trung Đông sang vùng Indo-Pacific để tăng cường cho hạm đội Thái Bình Dương, thì Không quân Mỹ lại dừng hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa tại Guam, vì dịch coronavirus. Các lỗ hổng chiến lược của Mỹ ở khu vực là cơ hội để Trung Quốc bành trướng (2). 

Theo Nicole Schwegman (spokeswoman, US Indo-Pacific Command), với sự có mặt và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, "chúng ta đang phối hợp với các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, cũng như các nguyên tắc quốc tế về an ninh và thịnh vượng ở Indo-Pacific… Mỹ ủng hộ đồng minh và đối tác vì lợi ích kinh tế của họ".

Nhưng có một nghịch lý là chính phủ các nước khu vực vẫn lo ngại về "thói quen của Mỹ" là tuy họ xuất hiện tại các điểm nóng nhưng rồi lại rút, để các nước khu vực tự đối phó với Trung Quốc ngày càng mạnh (3). 

Peter Jenning (Director, Australian Strategic Policy Institute) cho rằng trong khi phải đối phó với dịch coronavirus, Trung Quốc vẫn không giảm mà còn tăng cường hoạt động quân sự tại Biển Đông. Theo Jennings, "Ý đồ chiến lược của Trung Quốc là phải tranh thủ tối đa cơ hội khi Mỹ đang bị phân tâm và mất khả năng gây sức ép với các nước khu vực".

Theo Alexander Vuving (APCS, Honolulu), tuy Trung Quốc phải chống dịch bùng phát, nhưng họ vẫn tư duy theo các mục tiêu chiến lược lâu dài của mình. Trung Quốc muốn tạo ra tình huống "bình thường mới" (new normal) ở Biển Đông nơi họ đang làm chủ. Và để làm điều đó, họ trở nên "ngày càng hung hăng hơn" (more and more aggressive). 

Joshua Kurlantzick  (CFR) cho rằng Trung Quốc lợi dụng lúc Mỹ và đồng minh phương Tây đang lo đối phó với đại dịch, để bắt nạt các nước khu vực vì lợi ích trước mắt, sẽ làm phương hại cho mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là phải lấy lòng các nước. Nhưng việc Mỹ bị phân tâm và mất khả năng đối phó là cơ hội quá hấp dẫn với Trung Quốc (4). 

Tam chủng chiến pháp

Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông là chờ thời cơ, dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa (1974) và một phần Trường Sa (1988). Sau đó, họ "thay đổi thực địa" (changing facts on the ground) bằng cách bồi đắp các đảo nhân tạo vả quân sự hóa thành các "cứ điểm" (outposts). Họ từng bước lấn chiến như "tầm ăn dâu" để thành "chuyện đã rồi" (fait accompli).

Trung Quốc áp dụng "Tam chủng Chiến pháp" (tâm lý, pháp lý, tuyên truyền). Về tâm lý, họ hành xử kiểu "nước lớn" bắt nạt "nước bé", gây tâm lý lo sợ bị trừng phạt. Về pháp lý, họ dựa vào sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế. Về tuyên truyền, họ áp đặt những gì có lợi cho mình, sẵn sàng "đổi trắng thay đen" và "biến không thành có", làm thật giả lẫn lộn.

Để hợp pháp hóa việc chiếm đóng và khẳng định chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông, năm 2012 Trung Quốc lập ra "thành phố Tam Sa" (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody island tại Hoàng Sa). Họ di dân đến đó sinh sống và phát triển du lịch để có bộ mặt "dân sự". Ngày 18/4, họ lập ra quận đảo Nam Sa (Nansha) và Tây Sa (Xinsha). Ngày 19/4, họ đặt tên tiếng Trung cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông (một cách phi pháp). 

Năm ngoái (7-10/2019), tàu khảo sát HD-8 và các tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính và trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Họ đã gây ra "đối đầu" (standoff) và khủng hoảng Biển Đông (lần thứ hai) buộc các tàu cảnh sát biển của Việt Nam phải bám sát để ngăn chặn. 

Ngày 12/12/2019, sau khi Malaysia gửi Liên Hiệp Quốc hồ sơ về thềm lục địa mở rộng, thì cùng ngày 12/12, Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm phản đối Malaysia. Ngày 6/3/2020, sau khi Philippines gửi Liên Hiệp Quốc hai Công hàm trình bày quan điểm và phản đối các yêu sách của Trung Quốc, thì ngày 23/3 Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm đáp lại Philippines. Ngày 14/4/2020, Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc thêm hai Công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia và Philippines.

Ngày 20/03/2020, Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu trên đảo đá Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc còn tiến hành tập trận tại Biển Đông (tháng 3/2020). Ngày 02/04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, và vu cáo tàu đánh cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của họ.

Ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, và phản đối các lập luận vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông trong các Công hàm trước đó. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm đáp trả Công hàm của Việt Nam, trong đó có những lời lẽ hàm ý đe dọa sử dụng vũ lực. Nói cách khác, "cuộc chiến công hàm" này là một phần của "Tam chủng Chiến Pháp" (Three Warfare Doctrine). 

Công hàm của Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc ngày 30/3/2020 nhằm (1) phản biện các yêu sách của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, (2) khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, (3) khẳng định Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất quy định phạm vi vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia về luật biển, Công hàm của Trung Quốc (17/4) có lời lẽ hàm ý đe dọa sử dụng vũ lực. Vì vậy, trong bối cảnh khó lường hiện nay, Việt Nam phải cảnh giác đề phòng Trung Quốc có thể nghi binh để dùng vũ lực (tàu hải cảnh và "dân quân biển") uy hiếp các giàn DK gần Bãi Tư Chính, hoặc hạ đặt một cấu trúc nảo đó để lấn chiếm tại bãi Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn) như họ đã làm tại bãi cạn Scarborough của Philippines (2012).

Đồng thuận ASEAN

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sẽ tranh thủ lợi thế so sánh ở Biển Đông để bắt nạt các nước ASEAN. Lực lượng chủ lực của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn là tàu hải cảnh và "dân quân biển" để biến vùng không có tranh chấp thành "khu vực tranh chấp cường độ thấp" (low intensity conflict) trong vùng xám (grey area) để tránh xung đột với Mỹ.

Trong khi chính quyền Trump chủ trương "American First", bỏ rơi TPP và giảm cam kết khu vực, thì ASEAN bị phân hóa thành mấy nhóm nước có mức độ độc lập hay lệ thuộc vào Trung Quốc khác nhau. Do đó, đồng thuận ASEAN ngày càng yếu, trong đàm phán về COC cũng như trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động đến quan hệ Mỹ-ASEAN.

Sau khủng hoảng chính trị tại Kuala Lumpur, ông Mahathir Mohamed đã thất bại và ông Muhyiddin Yassin lập chính phủ mới (1/3/2020). Nếu Bắc Kinh định đảo ngược xu thế "thoát Trung" của chính phủ Mahathir, họ sẽ ép Malaysia rút tàu khoan West Capella khỏi lô ND1 như đã ép Việt Nam rút giàn khoan Hakuryu khỏi lô 06-1 gần bãi Tu Chính.

Để bù vào khoảng trống quyền lực của Mỹ ở khu vực, cần tăng cường vai trò an ninh tập thể của "Tứ cường" Mỹ, Nhật, Ấn, Úc (Quad), liên kết với các nước ASEAN có tranh chấp tại Biển Đông (như Việt Nam, Indonexia, Malaysia, Philippines). Cấu trúc an ninh này là cơ sở giúp Nhật có chính danh để tăng cường vai trò hợp tác an ninh tại Biển Đông.

Cho đến nay, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã bị đình trệ, nguồn thu từ dầu khí bị giảm sút nghiêm trọng do không có dự án mới. Chỉ còn vài dự án cũ của Vietsovpetro tại Nam Côn Sơn là vẫn hoạt động. Trong khi đó, ExxonMobil (Mỹ) vẫn chưa triển khai dự án khí Cá Voi Xanh (lô 118). Năm ngoái, có tin đồn ExxonMobil định rút khỏi Việt Nam do sức ép ngầm của Trung Quốc hoặc do trục trặc về thủ tục dự án và giá bán khí.

Nếu Trung Quốc phân hóa được ASEAN như tách bó đũa để bẻ từng chiếc (chỉ đàm phán song phương chứ không đa phương) và gạt được Mỹ và đồng minh ra khỏi khu vực, để họ độc chiếm Biển Đông, thì tương lai ASEAN dễ bị "Ban Căng hóa" (Balkanization). Nói cách khác, Việt Nam và các nước ASEAN dễ trở thành chư hầu lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc càng gây sức ép với Việt Nam thì họ càng xô đẩy Việt Nam gần Mỹ.

Theo Michael Green (CSIS) chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tuy hùng hổ nhưng tỏ ra vụng về, chắc sẽ không hiệu quả. Cách đề cập của Bắc Ki”nh có vẻ bất lực, chứng tỏ sự bất an, không đối phó được với sự bùng phát" (5).

Theo Minxin Pei (Claremont McKenna College), Trung Quốc bị vây hãm bởi kinh tế đình đốn và xã hội ngày càng bất an từ bên trong và cạnh tranh nước lớn với bên ngoài, nên dễ bị đổ vỡ. Trung Quốc chắc phải tìm cách tháo gỡ, nhưng đang suy thoái dần, và sẽ lan rộng nhanh chóng. (China’s Coming Upheaval, Minxin Pei , Foreign Affairs, May/June 2020 ).

***

Trung Quốc vừa chống dịch coronavirus, vừa tiếp tục bắt nạt các nước ASEAN để độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ. Việt Nam và ASEAN cũng phải vừa chống đại dịch, vừa đối phó với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình tại Biển Đông. Nói cách khác, các nước ASEAN phải đoàn kết vì "đồng thuận ASEAN" để chống cả hai, trong khi Việt Nam phát huy vai trò tích cực của mình là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và 2021.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Viet-studies, 24/04/2020

Ghi chú :

(1) No, Covid-19 Isn’t Turning Europe "Pro China", Erik Brattberg and Philippe Le Corre, Belfer Center, Harvard, April 15, 2020

(2) China lays ever larger claim to South China Sea, Richard Heydarian, Asia Times, April 21, 2020

(3) US Warships Enter Disputed Waters of South China Sea as Tensions With China Escalate, Hannah Beech, New York Times, April 21, 2020

(4) Covid-19 and the South China Sea, Joshua Kurlantzick, Council on Foreign Relations, April 22, 2020

(5) The Pandemic Won’t Make China the World’s Leader, Michael Green and Evan Medeiros, Foreign Affairs, April 15, 2020

Tham khảo :

- China’s Coming Upheaval, Minxin Pei, Foreign AffairsMay/June 2020).

- How China Sees the World, H.R. McMasters, Atlantic, May 2020

- The New Normal : Thoughts about the Shape of Things to Come in the Post-Pandemic World, Nicholas Eberstadt, NBR, April 18, 2020

- Thế giới hậu Covid-19, Hoàng Anh Tuấn, Tuần Việt Nam, 20/04/2020

- China could soon sink US in South China Sea, Grant Newsham, Asia Times, April 23, 2020

Published in Diễn đàn
mercredi, 15 avril 2020 20:09

Một cuộc diễn tập

Kích động tinh thần dân tộc Đức : Chủng tộc thượng đẳng Aryan phải thống trị loài người, làm chủ thế giới, Aldolf Hitler phát động chiến tranh thế giới thứ hai, xâm lược Châu Âu chỉ để chia lại thị phần thế giới, rửa nỗi nhục bại trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất.

tap1

Hoàng đế Tập Cận Bình càng thấy ngày Tập có cả thế giới, ngày số phận bảy tỉ con người trên trái đất nằm trong bàn tay Tập đã cận kề.

Các hoàng đế Trung Hoa thì khác. Từ trong tiềm thức, từ trong xa thẳm lịch sử, các hoàng đế Trung Hoa tự coi mình là con Trời, Thiên tử, có trọng trách đứng đầu thế giới, thống trị loài người. Đặt tên nước là Trung Quốc, các Thiên tử nhắc nhở loài người phàm tục nhớ rằng mảnh đất nơi Thiên Tử ra đời là trung tâm của thế giới. Lịch sử Trung Hoa là lịch sử những cuộc chiến tranh liên miên theo mệnh Trời để các Thiên tử thâu tóm thiên hạ. Nước lớn thôn tính nước nhỏ. Nước mạnh nuốt chửng nước yếu. Lịch sử bành trướng, mở rộng lãnh thổ Trung Hoa tới vô cùng.

Đến cách mạng vô sản, bốn phương vô sản đều là anh em nhưng với các hoàng đế đỏ Đại Hán là : bốn phương nhân loại đều là chư hầu Trung Hoa. Cuối năm 1949, Mao Trạch Đông có nhà nước Trung Hoa cộng sản trong tay thì ngay đầu năm sau, 1950, Mao xua đội quân công nông Bát Nhất còn tả tơi sau nội chiến Quốc – Cộng, súng đạn còn thô sơ vẫn hành quân gần năm ngàn cây số đánh chiếm vùng đất mênh mông, núi cao chót vót Tây Tạng. Những năm sau trang bị đội quân công nông Bát Nhất khá hơn, lập tức những cuộc chiến bành trướng lãnh thổ của nhà nước Trung Hoa cộng sản cũng rộng lớn hơn, cướp đất của những láng giềng sừng sỏ hơn. Lấn đất Ấn Độ. Cướp đất Liên bang Xô Viết.

Đến thế kỉ 21, nước Trung Hoa cộng sản có một ngàn năm trăm triệu dân, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, người Trung Quốc đã bay lên vũ trụ và lính Trung Quốc đã có trong tay tên lửa hạt nhân vượt đại dương. Hoàng đế Tập Cận Bình càng thấy ngày Tập có cả thế giới, ngày số phận bảy tỉ con người trên trái đất nằm trong bàn tay Tập đã cận kề. Nhưng Tập cũng hiểu rằng trở ngại cho giấc mộng bá chủ thế giới của Tập là sức mạnh Mỹ. Sức mạnh Mỹ là sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, sức mạnh dân chủ. Những sức mạnh đó làm sao Tập có thể vượt Mỹ được.

Không thể chạy đua, không thể vượt những sức mạnh của Mỹ thì phải tìm sức mạnh khác, vũ khí khác mà Mỹ không có để loại bỏ sức mạnh Mỹ. Tên tướng sôi sục máu Đại Hán cực đoan Trì Hạo Điền đã nói toạc ra rằng vũ khí mà Trung Quốc phải sử dụng để loại bỏ sức mạnh Mỹ, đưa Trung Quốc lên thống trị thế giới là vũ khí sinh học, vũ khí virus luôn biến đổi gien, gây bệnh không có thuốc chữa trị, giết người hàng loạt.

Thành phố Vũ Hán, một trung tâm công nghiệp lớn nằm sâu trong nội địa, cách thủ đô Bắc Kinh hơn ngàn cây số, vừa có viện sinh học nuôi cấy, lai tạo trong phòng thí nghiệm những chủng virus gây bệnh giết người, vừa có chợ động vật hoang dã mang những chủng virus của tự nhiên và những chủng virus tự nhiên này cũng đã từng gây ra dịch bệnh lan tràn trên thế giới giết người hàng loạt như dịch bệnh SARS năm 2003.

Cơn đaị dịch viêm phổi do virus Corona khởi phát ở Vũ Hán từ cuối năm 2019 đang gieo rắc chết chóc trên khắp thế giới, đã giết chết hơn trăm ngàn người, làm cho đời sống kinh tế thế giới và sinh hoạt của cả loài người bị tê liệt. Cho đến nay các nhà khoa học vi sinh cũng như các cơ quan tình báo hàng đầu trên thế giới đều chưa xác định được đại dịch virus Vũ Hán là do sự cố vô tình từ tự nhiên hay do con người cố ý gây ra từ phòng thí nghiệm. Nhưng nhiều người có thể nhận ra rằng sự xuất hiện chủng virus Corona giết người hàng loạt vừa bùng phát ở Vũ Hán đã được Trung Quốc nhạy bén biến thành cuộc diễn tập thực hành vũ khí sinh học đưa chủng virus Vũ Hán sang tấn công nước Mỹ.

Trước những sự kiện lịch sử lớn thường có những sự kiện báo hiệu được coi là cuộc diễn tập của sự kiện lịch sử lớn. Cuộc cách mạng tháng hai năm 1917 ở Saint Petersburg được coi là cuộc diễn tập của cách mạng tháng mười 1917. Cuộc bạo loạn nông dân cướp chính quyền ở Nghệ Tĩnh tháng chín năm 1930 là cuộc diễn tập của cuộc cách mạng cướp chính quyền tháng tám năm 1945 ở Việt Nam.

Trước một nguy cơ đe dọa phải hô hoán lên để mọi người biết và cùng góp sức ngăn chặn. Ém nhẹm nguy cơ là không muốn ngăn chặn nguy cơ. Mua chuộc Tổng giám đốc tổ chức y tế thế giới để tổ chức này cùng Trung Quốc ém nhẹm trận dịch bệnh virus khủng khiếp vừa xuất hiện ở Vũ Hán. Dùng bạo lực nhà nước bóp chết tiếng kêu cứu của người dân Vũ Hán. Phong tỏa, nhốt chặt 11 triệu dân Vũ Hán trong địa ngục dịch bệnh virus Corona để giữ kín dịch bệnh.

tap2

Binh sĩ Đài Loan ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 tại quận Tân Điếm của Đài Bắc - Ảnh : Sam Yeh / AFP

Vũ Hán cách thủ đô chính trị Bắc Kinh 1.152 cây số và cách thủ đô kinh tế Thượng Hải 893 cây số. Khóa chặt Vũ Hán để con virus Vũ Hán không lây lan đến 21 triệu dân ở thủ đô chính trị Bắc Kinh và không lây lan đến 27 triệu dân ở thủ đô kinh tế Thượng Hải. Phải giấu kín ổ dịch virus và không để dịch bệnh từ những chủng virus phá vỡ sự ổn định chính trị và ổn định kinh tế, Trung Quốc mới có thể sử dụng sức mạnh của những con virus răn đe thế giới.

Dù bị phong tỏa nhưng đã có nửa số dân Vũ Hán, hơn năm triệu người rời bỏ nhà cửa, trốn chạy khỏi ổ dịch. Khi Trung Quốc phải thú nhận với thế giới bệnh dịch do con virus từ Vũ Hán gây ra thì đã có gần nửa triệu người Trung Quốc, con số chính thức được công bố là 430 ngàn người, trong đó có nhiều dân Vũ Hán rời Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Từ tâm dịch bệnh virus của thế giới, gần nửa triệu người như gần nửa triệu trái bom virus Vũ Hán bay qua Thái Bình Dương đến nước Mỹ và những trái bom virus đó đã bùng nổ khắp nước Mỹ. Đến sáng ngày 14/4/2020 virus Vũ Hán đã đột nhập vào phổi 586.784 người dân Mỹ, giết chết 23.618 người.

Virus Vũ Hán không phải chỉ đột nhập vào nước Mỹ, đánh phá kinh tế Mỹ, giết người Mỹ từ trong lòng nước Mỹ. Đầu tháng ba, 2020, tàu sân bay hạt nhân Mỹ Theodore Roosevelt ghé thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam bốn ngày, từ ngày 5 đến ngày 9 tháng ba. Sau đó tàu tự cách li giữa sóng gió Thái Bình Dương rồi tiếp tục tự cách li khi về neo ở căn cứ Guam. Nhưng đến đầu tháng tư, trong số 4.800 thủy thủ trên tàu đã có 585 người nhiễm virus Vũ Hán và đến sáng 13/4/2020 đã có một thủy thủ tàu Theodore Roosevelt bị virus Vũ Hán giết chết.

Khi tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng thì dân Đà Nẵng chỉ có hai người từ nước ngoài về nhiễm virus Vũ Hán và đã được đưa đi cách li ngay khi đặt chân xuống sân bay. Như vậy người dân Đà Nẵng không thể là nguồn lây nhiễm virus Vũ Hán cho thủy thủ tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt. Xin hãy nhớ lại clip một ông tướng công an đăng đàn lớn tiếng nói rằng tình báo Hoa Nam của Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam dày đặc như thế nào để biết vì sao những thủy thủ Mỹ ăn sóng nói gió trên tàu sân bay hạt nhân hiện đại chỉ thoáng ghé qua Đà Nẵng liền bị con virus Vũ Hán theo chân thủy thủ xuống tàu, làm con tàu tê liệt.

Tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt có nhiệm vụ thường trực phía Tây Thái Bình Dương nhằm nhắc nhở và ngăn cản sự lộng hành ngày càng gia tăng của tàu chiến Trung Quốc. Con virus Vũ Hán vô hình đã loại tàu sân bay hạt nhân Theodore Roosevelt khỏi biển Tây Thái Bình Dương. Hiện nay sức mạnh quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương chỉ còn đơn độc con tàu USS Barry hoạt động.

Trong thế trận trống trải của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, tàu sân bay Liêu Ninh cùng cả dàn tàu khu trục tên lửa, tàu Hải Dương 8 kéo theo cả một thê đội tàu chiến của Trung Quốc liền lấp ngay vào khoảng trống đó. Sự ngang ngược không biết đến chủ quyền nước khác của những con tàu Trung Quốc là nỗi đe dọa lớn với chủ quyền lãnh thổ và an ninh biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam.

Giết hơn hai mươi ngàn dân Mỹ. Làm tê liệt nền kinh tế Mỹ. Đánh sập sức chiến đấu của con tàu sân bay hạt nhân hiện đại nhất của sức mạnh quân sự Mỹ, buộc nó phải bỏ trống trận địa biển Tây Thái Bình Dương. Tập Cận Bình hả hê về chiến thắng trong cuộc diễn tập của con virus Vũ Hán. Hợm hĩnh, ngạo mạn, Tập không thấy rằng con virus Vũ Hán đã làm cho cả thế giới nhận ra môt nguy cơ hiển hiện, sừng sững của cuồng vọng phát xít mới, phát xít Trung Hoa cộng sản.

Chỉ là sự xuất hiện bất ngờ của con virus Vũ Hán và chỉ là trận diễn tập đã làm cả thế giới chìm trong chết chóc, cuộc sống ngưng đọng, hàng trăm ngàn cái chết trong âm thầm, cô đơn thì trận chiến thực sự với con virus China sẽ khủng khiếp như thế nào !

tap3

Tập Cận Bình có lẽ đã rất hả hê trước các tướng lãnh về chiến thắng trong cuộc diễn tập của con virus Vũ Hán làm cả thế giới chìm trong chết chóc, cuộc sống ngưng đọng…

Từ con virus Vũ Hán đến con virus China chỉ là một bước ngắn. Loài người không thể khoanh tay ngồi chờ con virus China quyết định số phận nền văn minh nhân loại. Con virus Vũ Hán nhắc nhở con người nhớ rằng con người có chung một giá trị là nền văn minh nhân loại. Con người dù là người Việt, người Mỹ, người Pháp hay người Đức đều có chung trách nhiệm giữ gìn nền văn minh đó.

Không có nước Mỹ trên hết. Không có chủng tộc thượng đẳng Aryan trên hết. Chỉ có giá trị làm người là trên hết. Chỉ có nền văn minh loài người là trên hết. Phải hành động để giữ gìn những giá trị đó.

Phạm Đình Trọng

(15/04/2020)

Published in Diễn đàn

Liệu Coronavirus có chấm dứt toàn cầu hóa như chúng ta biết hiện nay không ?

Trận đại dịch Covid-19 đang đặt toàn cầu hóa vào một thử thách rất lớn. Khi chuỗi cung gián đoạn và các quốc gia đang thu gom các tiếp liệu y tế và hạn chế đi lại, khủng hoảng này đã làm người ta phải đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế thế giới hiện đang gắn kết với nhau. Không những việc toàn cầu hóa làm cho bệnh tật lây lan nhanh chóng khi có bệnh truyền nhiễm, nó còn làm cho các công ty và quốc gia tùy thuộc lẫn nhau, dễ sụp đổ khi có những biến động bất thường. Nay, các công ty và quốc gia đã hiểu ra là họ dễ bị sụp đổ như thế nào.

global1

Công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, tháng 2/2020 - Ảnh Liu Xiao Tân Hoa Xã / Eyevine / Redux

Nhưng bài học từ trận đại dịch do con vi khuẩn mới này không phải là toàn cầu hóa thất bại. Bài học ở đây là toàn cầu hóa dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động, mặc dù có những ích lợi (hay chính vì có những ích lợi). Trong nhiều thập niên vừa qua, các công ty cố gắng không ngừng để làm giảm những giai đoạn không cần thiết và từ đó đạt giá trị tài sản cao chưa từng thấy trước đây. Nhưng những cố gắng này cũng làm giảm những nguồn sản xuất bình thường không dùng tới – các kinh tế gia gọi là "slack" – khi ta quan sát toàn thể kinh tế thế giới. Trong lúc bình thường, các công ty thường xem "slack" như độ đo lường về khả năng sản xuất đang nằm không, thậm chí đang phí phạm. Nhưng trong những lúc khủng hoảng, slack lại làm toàn bộ hệ thống tiếp tục vận hành, như những van an toàn.

Thiếu những van an toàn như vậy có thể làm gián đoạn chuỗi cung, như ta đã thấy trong vài lãnh vực y tế khi trận đại dịch này xẩy ra. Các nhà sản xuất tiếp liệu y tế thiết yếu, bỗng nhiên thấy sự tăng vọt của chuỗi cầu thế giới, thấy quốc gia này cạnh tranh với quốc gia kia để tìm nguồn cung. Kết quả là ta thấy có sự thay đổi quyền lực của các khối kinh tế quốc gia lớn trên thế giới, khi những quốc gia đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến đấu với trận đại dịch này thì hoặc là đã thu gom được nguồn cung vật liệu cho chính họ hoặc là để giúp cho các quốc gia khác. Kết quả là họ có thể mở rộng ảnh hưởng của họ trên bàn cờ thế giới.

Hiệu quả hơn nhưng cũng dễ sụp đổ hơn

Thông thường, ta nghĩ về toàn cầu hóa như là nó sẽ tạo ra một sân chơi thế giới, cho phép các nhà sản xuất có thể xây dựng được những chuỗi cung không cứng nhắc bằng cách thay một nhà cung cấp này bằng một nhà cung cấp khác, nếu cần thiết. Sự giàu có của quốc gia, như Adam Smith đề cập về quốc gia, cũng trở thành sự giàu có của thế giới khi các doanh nghiệp lợi dụng được sự phân bố lao động toàn cầu. Chuyên môn hóa sẽ làm hiệu quả hơn, và hiệu quả hơn sẽ nâng cao lợi nhuận và phát triển hơn.

Nhưng toàn cầu hóa cũng tạo nên một hệ thống tùy thuộc vào nhau phức tạp. Mọi công ty đều ôm lấy chuỗi cung toàn cầu này và làm hệ thống sản xuất thế giới như một lưới nhện đan các quốc gia vào nhau. Một sản phẩm có thể có những bộ phận làm từ hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới. Việc chuyên môn hóa như vậy làm cho việc thay thế trở thành khó khăn nhất là với những sản phẩm đặc biệt. Và khi việc sản suất trở thành toàn cầu, các quốc gia sẽ tùy thuộc vào nhau nhiều hơn, vì không có quốc gia nào có thể kiếm soát toàn bộ nguyên liệu hay các thành phần sản xuất mà nền kinh tế quốc gia đó cần. Mọi nền kinh tế quốc gia đều quyện vào một hệ thống chuỗi cung toàn cầu.

Trận đại dịch Covid-19, do con vi khuẩn mới này, đã cho ta thấy hệ thống toàn cầu dễ sụp đổ như thế nào. Một vài khu vực kinh tế, đặc biệt những khu vực hoạt động kinh tế có những thành phần "dư thừa" và việc sản xuất trải ra trên nhiều quốc gia thì có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này tương đối dễ. Còn những nền kinh tế khác thỉ có thể trên đà sụp đổ nếu trận đại dịch này làm một nhà cung cấp duy nhất trong một quốc gia duy nhất ngừng sản xuất một thành phần quan trọng và được xử dụng rộng rãi. Thí dụ các nhà sản xuất xe hơi tại Tây Âu đang lo lắng về sự thiếu hụt các bộ phận điện tử nhỏ trong xe hơi vì một nhà sản xuất duy nhất, MTA Advance Automoticve Solutions, đã bắt buộc phải dừng sản xuất tại một trong những nhà máy tại Ý.

Trước đây, các nhà sản xuất có thể xây những kho chứa đồ tiếp liệu để khỏi bị gián đoạn những lúc như thế này. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, rất nhiều doanh nghiệp đã làm theo lời tuyên bố vàng ngọc của Tổng Giám Đốc Apple, Tim Cook : "Lập kho chứa là sai căn bản". Thay vì tốn tiền để lập kho chứa những linh kiện mà họ cần để sản xuất một sản phẩm nào đó, những công ty này tùy thuộc vào chuỗi cung "đúng thời điểm". Nhưng giữa cơn đại dịch toàn cầu "đúng thời điểm" lại dễ dàng trở thành quá trễ. Nhiều vấn đề, trong đó vấn đề về chuỗi cung, làm việc sản xuất máy tính laptop giảm 50% trong tháng 2/2020 và điện thoại di động thì có thể giảm 12% trong quý tới. Cả hai sản phẩm này đều được sản xuất bởi những nhà sản xuất Châu Á chuyên biệt.

Thiếu hụt những tiếp liệu tối cần thiết

Giống như chuyện tắc nghẽn trong việc sản xuất đồ điện tử, chuyện tắc nghẽn trong sản xuất tiếp liệu y tế cũng làm ngăn trở cuộc chiến đấu chống lại con vi khuẩn mới này. Những đồ tiếp liệu tối cần như reagent, một thành phần căn bản trong việc chế tạo bộ thử nghiệm vi khuẩn mà các phòng thí nghiệm dùng để tìm ra RNA của vi khuẩn, bị thiếu hụt tại nhiều quốc gia. Việc chế tạo reagent cần thiết trên thế giới đã tập trung vào hai công ty : công ty Qiagen của Hòa Lan, mà đại công ty dược phẩm Thermo Fisher Scientific của Mỹ mới mua lại, và hãng bào chế Roche Laboratories, trụ sở ở Thụy Sĩ. Cả hai đều không đáp ứng được với chuỗi Cầu tăng đột ngột. Sự thiếu hụt này đã làm chậm trễ việc sản xuất bộ thử nghiệm vi khuẩn ở Mỹ, vì Mỹ cũng phải xếp hàng sau các quốc gia khác chờ đến lượt mình mua hóa chất cần thiết.

Khi trận đại dịch mới bộc phát, vài chính phủ đã hành động theo bản năng xấu xa của họ. Trước cơn đại dịch Covid-19 bộc phát, các nhà sản xuất Trung Quốc chế tạo phân nửa số mặt nạ dùng trong y tế trên thế giới. Những nhà sản xuất này đã tăng cường sản xuất vì cuôc khủng hoảng nhưng chính phủ Trung Quốc đã mua toàn bộ số mặt nạ sản xuất, đồng thời nhập khẩu mặt nạ và máy thở ở các nước khác với số lượng lớn. Trung Quốc chắc chắn là cần những món đó nhưng chuyện mua ào ạt như vậy là làm nghẹt chuỗi cung và làm trở ngại các quốc gia khác trong việc chiến đấu với cơn đại dịch này.

Các quốc gia Châu Âu cũng không cư xử khá hơn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cấm xuất khẩu mặt nạ y tế và máy thở. Đức cũng làm tương tự, dù là một thành viên của Liên Âu, với quy chế thị trường duy nhất, mậu dịch tự do giữa những quốc gia thành viên. Chính phủ Pháp thì đơn giản hơn, sung công toàn bộ mặt nạ y tế. Giới chức Liên Âu than phiền là những hảnh động như vậy đã làm mất đi tinh thần liên đới và ngăn trở Liên Âu áp dụng một sách lược chung trong việc chiến đấu với con vi khuẩn mới này, nhưng những lời than phiền của họ bị bỏ ngoài tai.

Những chiêu thức "đánh què thằng hàng xóm" có nguy cơ gia tăng hơn khi cơn khủng hoảng kéo dài, chặn nguồn cung cho những nhu cầu y tế cấp thiết. Vấn đề này tại nước Mỹ còn u ám hơn vì Mỹ đã chậm trễ cho việc đối phó cơn đại dịch này một cách nhất quán và thiếu nhiều tiếp liệu y tế. Nước Mỹ có nguồn dự trữ quốc gia về mặt nạ y tế nhưng không được bổ sung thêm từ 2009 và nó chỉ chứa một phần của số lượng cần thiết. Cũng không ngạc nhiên gì khi cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, Peter Navarro, đã dùng chuyện này và chuyện thiếu hụt những tiếp liệu khác để đe dọa đồng minh và biện minh cho chính sách rút khỏi thương mại toàn cầu hơn nữa, bảo rằng nước Mỹ cần mang khả năng sản xuất và những chuỗi cung các tiếp liệu ý tế thiết yếu về lại nước Mỹ. Kết quả, như đã tiết lộ, Đức lo lắng khi hành pháp Trump đi một bước táo bạo, định mua đứt một loại thuốc chủng mới đang thí nghiệm từ công ty dược phẩm Curavac của Đức, đưa về công ty về Mỹ và sử dụng thuốc chủng cho người Mỹ. Berlin đã tính chuyện đưa giá mua cao hơn hoặc là cấm chuyện mua này của Mỹ.

Tìm ảnh hưởng từ trận dịch

Trong khi hành pháp Trump đã dùng cơn đại dịch này để thối lui khỏi việc hội nhập toàn cầu, Trung Quốc lại dùng nó để chứng tỏ thiện chí lãnh đạo việc hội nhập này. Là quốc gia đầu tiên bị trận đại dịch, Trung Quốc đã chịu nhiều khốn khổ trong 3 tháng vừa qua. Nhưng nay Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục trong khi phần còn lại của thế giới đang phải chịu đựng. Nay các nhà sản xuất Trung Quốc, đa số đã hồi phục và tiếp tục sản xuất, nhưng chuỗi cầu từ những quốc gia đang bị đại dịch sút giảm. Tuy nhiên điều này cho họ có một lợi thế ngắn hạn to lớn trong việc ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Mặc dù mắc phải những lỗi lầm lúc đầu có lẽ làm thiệt hại hàng ngàn nhân mạng, Trung Quốc đã học cách chống lại con vi khuẩn này và có kho tích trữ các dụng cụ y tế. Đây là những thứ vô giá và Bắc Kinh đã khéo léo sử dụng.

Đầu tháng 3, Ý kêu gọi các quốc gia Liên Âu khác cung cấp khẩn cấp các dụng cụ y tế vì sự thiếu hụt những thứ này ở Ý đến nỗi phải làm các bác sĩ phải có những quyết định đau lòng với bệnh nhân : chọn ai để cứu và ai để chết. Không quốc gia nào đáp ứng lời kêu gọi này. Nhưng Trung Quốc đáp ứng, sẵn sàng bán máy thở, mặt nạ, đồ bảo hộ và bông thử nghiệm. Như Rush Doshi và Julian Gewirtz, chuyên gia về Trung Quốc, đã từng tranh luận, Bắc Kinh muốn cho thế giới nhìn họ như lãnh tụ trong cuộc chiến chống con vi khuẩn mới, đế chứng tỏ thiện chí và gia tăng ảnh hưởng của họ.

Điều này gây lúng túng cho hành pháp Trump, vốn đã chậm trễ trong việc đáp ứng với con vi khuẩn này, khi nghĩ rằng cấm du khách từ Âu Châu là cácm phòng thủ tốt nhất cho một cơn bệnh vốn đã lây lan nhanh chóng trên chính đất Mỹ. Thay vi là một nước cung cấp vật phẩm cho thế giới, Mỹ lại thiếu những thứ có thể giúp thế giới. Thêm muối sát vào vết thương, nước Mỹ có thể phải nhận quà từ thiện từ Trung Quốc : tỉ phú Jack Ma, đồng sáng lập công ty Alibaba đã mở lời "viện trợ" 500,000 bộ thử nghiệm vi khuẩn và 1 triệu mặt nạ cho Mỹ.

Địa chính trị mới của toàn cầu hóa

Khi những nhà hoạch định kế hoạch của thế giới đối phó với trận đại dịch này và những hệ quả của nó, họ có thể phải nhìn thẳng vào điểm là nền kinh tế thế giới có thế không hoạt động như họ nghĩ. Toàn cầu hóa khiến con người càng ngày càng chuyên môn hóa, một mô hình tạo ra những hiệu quả phi thường nhưng nó cũng tạo ra những chỗ yếu dễ đổ vỡ phi thường. Những lúc bất thường trắc trở như trận đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những chỗ yếu như vậy. Một nguồn cung duy nhất hay một vùng trên thế giới chuyên về một sản phẩm nào đó, có thế tạo những chỗ yếu gây dổ vỡ mà không ai đoán trước được trong lúc khủng hoảng, gây đổ vỡ cho cả chuỗi cung. Trong những ngày tháng sắp tới, sẽ còn bộc lộ thêm nhiều chỗ yếu như vậy.

Kết quả có thể làm thay đổi chính trị thế giới. Khi sức khỏe và an toàn của người dân bị nguy hiểm, các quốc gia có thể ngăn xuất khẩu hoặc sung công các đồ tiếp liệu thiết yếu, ngay cả khi hành động này sẽ có hại cho đồng minh hoặc láng giềng. Khi tòan cầu hóa lui bước như thế, những quốc gia nếu có điều kiện, sẽ càng dùng lòng quảng đại để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Cho tới nay, Mỹ không phải ở vị trí lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến của thế giới với cơn đại dịch này và Mỹ đã nhường một phần vị trí lãnh đạo thế giới này cho Trung Quốc. Trận đại dịch này đang vẽ lại địa chính trị của toàn cầu hóa nhưng Mỹ vẫn chưa thích ứng được. Thay vào đó, nước Mỹ còn đang bệnh và đang vùi xuống cát để giấu mình.

Nguyên tác : Will the Coronavirus End Globalization as We Know It ? , Foreign Affairs, 16/03/2020

Mặc Lý dịch

Nguồn : viet-studies, 17/03/2020

Published in Diễn đàn

Nguyện cầu cho Sài Gòn

Hiền Vương, VNTB, 15/03/2020

Bốn mươi lăm năm trước, cũng trong tháng ba, người Sài Gòn đã nguyện cầu cho Ban Mê Thuột khi thủ phủ Tây nguyên thất thủ. Giờ thì nguyện cầu cho Sài Gòn cùng nhau vượt qua đại dịch cúm virus Vũ Hán Corona.

saigon1

Bà Đặng Thị Lynh Trang (ngoài cùng bên trái) tại Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận năm 2015

Mười tám giờ ngày 14/3, các cơ sở có kinh doanh rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, beerclub, vũ trường, vui chơi giải trí tụ tập đông người… ở khu vực trung tâm Sài Gòn đã bắt đầu đóng cửa trong một lệnh khẩn ban ra trước đó vài tiếng. Tất cả là nhằm hạn chế dịch cúm Vũ Hán Corona, hay còn gọi là Covid-19.

Một đề xuất từ Sở Y tế là cần tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Sài Gòn căng thẳng. Sài Gòn đêm cuối tuần vắng lặng. Sài Gòn với những con đường bất chợt rộng thênh thang. Sài Gòn với hè phố khu trung tâm ở quận nhứt lúc đã lên đèn, cứ y như thời khắc vào giới nghiêm của miền Nam thời chiến.

‘Tội đồ’ của Sài Gòn ‘giới nghiêm’ đến từ một nữ doanh nhân xứ Phan Thiết có tên Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi.

Thông báo ngày 10/3 của chính quyền tỉnh Bình Thuận cho biết, theo tự khai thì khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bà Trang đi xe riêng về thẳng nhà và không ghé đâu. Trong bảy ngày từ khi về nước đến lúc nhập viện hôm 9/3, nữ doanh nhân ở nhà, rất ít ra công ty. Bà chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty.

Ban đầu, bà Trang khai với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp xúc với 17 người, gồm : chồng, hai con trai, con dâu, cháu ngoại, mẹ ruột, cô ruột, người giúp việc, tài xế, kế toán, 5 nhân viên bán hàng, hai nữ doanh nhân Bình Thuận (đi cùng chuyến bay QR974 ). Sau đó, bà khai lại, lên 21 người.

Hai hôm trước, công ty thiết bị vệ sinh tại quận 1, Sài Gòn thông báo cho tạm đóng cửa văn phòng và showroom vì 4 nhân viên gặp trực tiếp bà Trang tại Phan Thiết, hôm 3/3. Những người tiếp xúc với bà Trang tự đến cơ quan y tế khai báo, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, hai nhân viên đã dương tính nCoV, đang điều trị tại Sài Gòn. Ngành y tế Bình Thuận đã hoàn toàn bất ngờ về thông tin này.

Bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ban đầu bà Trang thiếu sự hợp tác, nên khó xác định được danh sách F1. Đến chiều 14/3, qua nhiều lần lấy lời khai y tế, tỉnh Bình Thuận đã xác định thêm một số trường hợp khác, tổng cộng đã có 31 người từng tiếp xúc gần với bà này và 100 người thuộc diện F2. Ông Hồng cho biết nhóm 4 nhân viên công ty thiết bị vệ sinh ra Bình Thuận tiếp xúc với bà Trang chưa được tính vào 31 người F1 trên. Ngoài ra, một số người khác cũng đã tiếp xúc với bà vào sáng 2/3 tại Sài Gòn, tuy nhiên ông Hồng nói chưa rõ những người đó là ai.

"Để tránh bỏ lọt F1, kiểm soát tốt hơn nguồn bệnh, tới đây chúng tôi buộc phải phối hợp với Công an tỉnh để truy tìm thêm trường hợp có khả năng đã tiếp xúc với bà ấy", bác sĩ Hồng cho biết.

"Nồng độ virus của bệnh nhân cao, bệnh trong thời kỳ khởi phát nên cơ thể thải virus mạnh. Người tiếp xúc gần hít phải giọt bắn nhỏ hoặc dịch tiết của người này dễ lây bệnh", bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam nhận xét trường hợp ‘bệnh nhân 34’ - Đặng Thị Lynh Trang.

Bệnh nhân từ Mỹ về ngày 2/3, ngày 5/3 có triệu chứng ho, sốt nhưng đến 9/3 mới vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận khám và cách ly. Nếu bà Lynh Trang có ý thức tốt vì cộng đồng, chắc không đến nỗi khiến Sài Gòn lâm vào cảnh tình hiện tại.

Bệnh dịch không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học, chúng là chất thử nghiệt ngã đối với con người xã hội, kinh tế và chính trị. Sau hàng triệu năm tiến hóa sinh học và kỹ thuật tổ chức xã hội, có lẽ nỗi ám ảnh đó sẽ chưa mất đi trong tương lai gần. Và một Sài Gòn ‘giới nghiêm’ hôm nay cho thấy thử thách nghiệt ngã này vẫn còn nguyên giá trị với những nỗi ám ảnh tương tự như câu chuyện về tháng tư đen ở bốn mươi lăm năm về trước…

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 15/03/2020

********************

Có bao nhiêu con vi-rút ở mùa dịch hiện nay ?

Lynn Huỳnh, VNTB, 15/03/2020

Câu hỏi đặt ra là phải chăng mùa dịch bệnh suốt 3 tháng qua ở Việt Nam là đến từ ít nhất 3 con vi-rút ?

Đầu tiên là tên gọi theo âm Hán - Việt : vi-rút Vũ Hán. Sau đó, lại có con vi-rút được báo chí viết là Corona. Thời gian sau, lại thấy ghi tên mới Covid-19 và mở ngoặc ghi thêm còn mang tên SARS-CoV-2.

saigon2

Virus Corona chủng mới là "virus Vũ Hán" vì chính Trung Quốc nói rằng Vũ Hán là nơi khởi đầu của virus dù virus này đã được Ủy ban quốc tế về phân loại virus đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2

Thế nhưng trên báo chí ngoại quốc (1) lại ghi đây là "Pneumonia in Wuhan", tức "Viêm phổi Vũ Hán".

Đầu tháng 2/2020 trên báo chí Việt Nam hầu hết đều sử dụng cụm từ "dịch viêm phổi Vũ Hán" (2)

Trong các cuộc phỏng vấn trên CNBC và Fox News ngày 6/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gọi virus Corona chủng mới là "virus Vũ Hán" dù virus này đã được Ủy ban quốc tế về phân loại virus đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2 (SARS-CoV-2). Khi được người dẫn chương trình Fox News hỏi lại, ngoại trưởng nói "chính Trung Quốc nói rằng Vũ Hán là nơi khởi đầu của virus". "Đâu phải từ ngữ của tôi. Từ ngữ của chính Trung Quốc đó", ông Pompeo nói.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu, "Chỉ hươu, bảo ngựa", và nếu cứ nhắc đi nhắc lại mãi về Corona, về Covid-19, về SARS-CoV-2… thì rốt cuộc đa số người nghe cũng thụ động chấp nhận là đúng và quên mất đi nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ ra con vi-rút này là thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ khi hiểu đúng về nguồn gốc xuất xứ thì người ta mới có dịch tễ đúng, và đây không phải là điều kỳ thị với người Trung Quốc.

Nếu cứ lập lờ với quá nhiều tên gọi khác nhau, đến lúc nào đó khi đã ‘năm nghi - mười ngờ’, thì trong mắt công chúng, Vũ Hán sẽ là nơi chốn mà tử thần từng giũ sổ. Bởi tâm lý người dân luôn nghĩ rằng có gì đó nên mới ‘giấu như mèo giấu…’ - kiểu như thành ngữ ‘sweep under the carpet’ ở Tây phương.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 15/03/2020

Chú thích :

(1)https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2761044

(2)https://thanhnien.vn/the-gioi/dau-hieu-lac-quan-ve-dich-viem-phoi-vu-han-1181675.html

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/benh-viem-phoi-vu-han.html

https://vnexpress.net/tag/viem-phoi-vu-han-1259156

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/dich-viem-phoi-vu-han-anh-huong-gi-den-kinh-te-trung-quoc-va-the-gioi/318466.html

https://viettimes.vn/cap-nhat-so-lieu-dich-viem-phoi-cap-vu-han-sang-6-2/2020-so-mac-benh-moi-giam-nhung-so-tu-vong-gia-tang/379875.html;…

Published in Diễn đàn

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization-WHO) ngày Thứ Tư 11/03/2020, đã tuyên bố dịch coronavirus là đại dịch toàn cầu. Một sự tuyên bố có phần hơi chậm trễ, khi trên toàn thế giới, cho đến hôm nay đã có 118.000 trường hợp bị nhiễm, hơn 4.200 người chết, và con virus đã tìm thấy chỗ đứng của nó tại 110 quốc gia thuộc mọi đại lục, trừ Nam Cực (Antarctica) !

corona1

Một ngôi nhà bị cách ly ở Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 10/03/2020 Reuters/Kham

Con số người bị nhiễm coronavirus và con số người tử vong trên toàn thế giới cứ tăng chóng mặt theo từng ngày, khiến mọi tin tức và bài vở mà chúng ta vừa viết ra đã trở thành… cũ. Thế giới đang chứng kiến một bệnh dịch với sức lây lan và mức độ tử vong cao hơn dịch bệnh H5N1 hay dịch SARS trước đây nhiều.

Coronavirus chả chừa một ai. Mới tháng trước Trung Quốc chiến đấu với nó, từ Vũ Hán cho tới hàng loạt thành phố khác bị phong tỏa, nhìn những hình ảnh trên báo chí truyền thông, cứ tưởng như trong những bộ phim khoa học giả tưởng về một nạn dịch kinh hoàng nào đó, những thành phố vắng tanh như thành phố ma, chỉ có những đoàn nhân viên y tế trùm kín mít từ chân lên đầu đi phun thuốc khử trùng, rồi xác người được đưa ra trên những cái cáng lạnh lẽo… Vậy mà nay dịch coronavirus đã lan ra toàn thế giới. Châu Âu đang trở thành ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, với Ý hiện là nước đang bị nặng nhất : Có người bảo một trong những lý do khiến Ý bị nặng là do quá thân với Tàu !

Facebooker Nguyễn Hữu Nghĩa viết :

"Vi khuẩn Vũ Hán tại Ý

Ý không phải là quốc gia duy nhất trong khối G-7 nhận tiền của Tập Cận Bình để mong cứu vãn kinh tế, nhưng Ý đã cho công nhân Tàu vào quá đông để đảm nhận 40% việc xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới.

- Ý ký hiệp ước với Tàu (23 tháng 3, 2019) để xây dựng Con Đường Tơ Lụa mới và Hải Lộ Tơ Lụa (New Silk Road và The Initiative for a Maritime Silk Road). Hai con đường (xa lộ và hải lộ) này gặp nhau tại hải cảng Trieste ở miền Bắc nước Ý. Việc xây cất náo nhiệt trong năm qua đã bắt đầu và công nhân Tàu qua Ý làm việc rất đông.

Bên cạnh số công nhân xây cất, cộng đồng người Hoa ở Ý đã tăng rất nhanh trong mười năm trở lại đây với tổng số trên dưới nửa triệu người, sống bằng nghề may cho các công ty thời trang ở các thành phố Florence, Turin, Naples, Milan... Chú mục vào vấn đề nầy sẽ tìm ra yếu tố khởi đầu và cũng là yếu tố chính khiến Ý lâm nạn…".

Chẳng biết có đúng không nhưng cơn dịch Covid-19 đã và đang làm lộ ra nhiều vấn đề của từng quốc gia cho tới cách hành xử của người dân, dân tộc tính…

Coronavirus : những đối phó, giải quyết khác nhau của từng quốc gia

Tại những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Iran… chính phủ lúc đầu tìm mọi cách che giấu thông tin, khi không thể che giấu được nữa thì họ vẫn không chịu công bố một cách hoàn toàn khách quan, minh bạch, họ vẫn tìm cách kiểm soát, độc quyền thông tin. Trung Quốc chẳng hạn, chính sự bưng bít thông tin lúc đầu của họ đã khiến dịch bệnh lan tràn cho đến khi họ không thể che giấu. Trong vụ dịch này, Trung Quốc là ổ phát tán dịch bệnh ra cả thế giới và vì vậy cách hành xử, đối phó ban đầu của nhà cầm quyền Trung Quốc hết sức đáng lên án. Sau đó, họ đã đổ của đổ người đối phó với bệnh dịch và đến nay khi coronavirus đã được kiểm soát ở Trung Quốc thì Bắc Kinh bắt đầu tính đến chuyện "chạy tội", "đổ thừa".

Bài trên RFI : "Trung Quốc đã viết lại lịch sử về con virus Vũ Hán", chẳng hạn phao tin "virus corona Vũ Hán xuất xứ từ Mỹ, Nhật" hay "thế giới phải cám ơn Trung Quốc" vì đã hy sinh, chiến đấu với con virus"…

"Tài liệu ngoại giao mật Trung Quốc yêu cầu gọi "Viêm phổi Vũ Hán" là "virus Ý" : "Các tài liệu ngoại giao mật yêu cầu quan chức ngoại giao và đặc vụ phải gọi virus Viêm phổi Vũ Hán Covid-19 là virus Ý, nhận là virus không bắt nguồn từ Vũ Hán, và quảng cáo Tập Cận Bình là anh hùng diệt virus, tạp chí nhân quyền Ý Bitter Winter đưa tin…" (Tri Thức VN).

Đúng là bản chất không bao giờ thay đổi của nhà nước cộng sản Trung Quốc.

Ngẫm lại, từ dịch A/H5N1 (tức Avian influenza, avian flu hay bird flu), SARS (SARSr-CoV)... những năm gần đây rồi bây giờ là coronavirus (Covid-19) toàn là từ Tàu (và Hong Kong) mà ra. Đã gây hại cho thế giới mà bây giờ lại còn âm mưu "viết lại lịch sử về con virus Vũ Hán" giống như Bắc Kinh đã viết lại mọi thứ lịch sử khác của dân Tàu, dân Tây Tạng, Hong Kong, Duy Ngô Nhĩ cho tới chiến tranh biên giới với Việt Nam hay chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa, chủ quyền trên Biển Đông qua "đường lưỡi bò"... ?

Người dân sống trong một quốc gia độc tài, không có một nền báo chí hoàn toàn độc lập thì khổ vì bị nhà nước bưng bít, che giấu thông tin. Nhưng mặt khác, khi cần ra lệnh cho hàng chục triệu con người phải mang khẩu trang, khai báo y tế, cách ly một hay nhiều thành phố, thì các nước độc tài làm được, như Trung Quốc rồi Việt Nam đã và đang làm. Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ, chính phủ khó mà bắt dân làm như vậy, chỉ trừ khi tình hình thật sự khẩn cấp, như Ý hiện nay. Chính vì vậy mà bệnh dịch lan tràn khá nhanh ở các nước Châu Âu cho tới Úc chăng ?

Việt Nam, ở sát biên giới với Trung Quốc, lúc đầu phản ứng có phần chậm chạp với nạn dịch, phần do chủ quan, phần do… sợ Trung Quốc nên ngay cả khi dịch bệnh đã bùng phát tại Vũ Hán và nhiều thành phố khác của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không dám đóng cửa biên giới với Trung Quốc, không dám quyết liệt với du khách từ Trung Quốc. Suốt một thời gian dài Việt Nam tuyên bố chỉ có 16 ca bị nhiễm, và đã hoàn toàn khỏi bệnh, thậm chí Việt Nam còn định tuyên bố đã hết dịch ! Nhưng sau đó khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì Việt Nam tỏ ra quyết liệt hơn hẳn, ngừng các chuyến bay với các nước này, đưa công dân Việt Nam từ các nước này về và thực hiện cách ly, kiểm tra y tế du khách Nhật, Hàn… Khi bệnh dịch lan tràn trên thế giới thì Việt Nam bắt đầu công bố những ca bị nhiễm mới (có người bảo có lẽ tại vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế - International Monetary Fund (IMF) mới tuyên bố sẽ cung cấp khoảng 50 tỷ đô la (không có lãi - interest free) thông qua các cơ sở tài chính khẩn cấp được giải ngân nhanh chóng cho các nước có thu nhập thấp muốn tìm kiếm sự hỗ trợ, để đối phó với dịch coronavirus !

Những ngày này Việt Nam đang thông tin những trường hợp người Việt bị nhiễm do đi du lịch từ các nước Châu Âu như Anh, Ý, Đức… Có một điều người viết bài này thật lòng thắc mắc, như đã nói, Việt Nam "núi liền núi, sông liền sông" với Trung Quốc, trong thời điểm từ tháng 1 và tháng 2/2020 khi bệnh dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chần chừ không có biện pháp đóng cửa biên giới từ đường bộ đến đường hàng không với Trung Quốc, số lượng du khách, người lao động Trung Quốc ở Việt Nam nhiều hơn hẳn so với du khách từ các nước Châu Âu, vậy sao Việt Nam lại không có người bị nhiễm từ phía Trung Quốc mà chỉ công bố từ Anh, Ý, v.v… ?

Sơ sơ vài bài báo, trong đó có báo chính thống của Việt Nam : "Virus corona : Hơn 4.000 người Trung Quốc từ Vũ Hán vào Việt Nam hiện giờ ở đâu ?" ; RFI, "3,2 triệu khách đến Việt Nam, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc" ; Thanh Niên, "Hơn 5.000 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam được cách ly, theo dõi" ; Thanh Tra "Thực chất con số lao động Trung Quốc ở Việt Nam lớn hơn nhiều. Không có ai bị nhiễm ư ?", v.v.

Và đừng trách người dân, trong đó có người viết bài này, không tin vào những công bố chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam khi từ trước tới giờ, cũng giống như nhà cầm quyền Trung Quốc, họ chỉ tìm cách che giấu thông tin. Bao giờ ở Việt Nam chí ít có được một nền báo chí truyền thông hoàn toàn độc lập, thì may ra…

Coronavirus : dân tộc tính và những hành vi ứng xử khác nhau

Ở các quốc gia độc tài, người dân luôn có tâm lý nửa tin nửa ngờ với nhà nước, và khi tình hình diễn biến xấu thì sự hoài nghi đó trở thành giận dữ, điều đã xảy ra với người dân Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh hoành hành dữ dội. Người dân bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus ("Virus corona : Quá phẫn nộ, người dân Trung Quốc không còn sợ hãi", RFI), hay phản ứng giận dữ của người Trung Quốc trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về bệnh dịch này và bị nhà cầm quyền Trung Quốc cảnh báo, bắt phải làm kiểm điểm vì đã bịa đặt thông tin v.v…

Dịch coronavirus cũng làm bộc lộ rõ hơn dân tộc tính và những hành vi ứng xử khác nhau của dân chúng ở những quốc gia khác nhau. Có những dân tộc như người Nhật trước đây, khi gặp thiên tai kép động đất và sóng thần năm 2011, truyền thông thế giới loan tải những câu chuyện về tính cách Nhật giữa thiên tai, khi người dân vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ di tản, xếp hàng chờ đến lượt mình được mua thực phẩm, xăng dầu… Không ai hôi của, ăn cắp dù ngay trong những ngày lao đao nhất. Và tính cách đó của họ được thể hiện không chỉ một đôi lần trên một quốc gia mà thiên tai thường xuyên xảy ra !

Giữa thiên tai, nhân họa, dịch bệnh… sự văn minh, tử tế là điều rất cần thiết để tránh cho thiên tai, dịch bệnh ấy không nặng nề hơn. Biết nghĩ cho mình và cho người khác. Những người kinh doanh thì không nên lợi dụng mùa dịch để đầu cơ tích trữ, đẩy giá các mặt hàng, làm giàu trên sự khốn khổ của đồng loại. Còn người dân không nên hoảng loạn đổ xô đi mua từ gạo cho tới giấy vệ sinh khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm. Không vô tình hay cố ý làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Chính vì vậy mới hiểu tại sao dư luận nổi giận với các trường hợp từ thường dân bị nhiễm số 17 cho tới quan chức như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận rung Tương Đảng cộng sản Việt Nam. Vì họ đã chủ quan, biết là có nguy cơ mắc bệnh mà không chịu đi làm xét nghiệm, lại còn đi lại, gặp gỡ đủ người làm lây lan cho bao nhiêu người khác. Người ta nổi giận với một cô gái vô ý thức một thì nổi giận với quan chức vô ý thức gấp 10, 20 lần.

Không những thế, khi bị buộc phải khai đã đi đâu, làm gì từ khi có khả năng nhiễm bệnh, coronavirus còn làm lộ tan hoang những "bí mật quốc gia" của các quan lớn cộng sản. Từ chuyện họ luôn vin cớ đi công tác, ngay cả khi không thật cần thiết và có những người không thuộc diện nên đi, để đi chơi nước ngoài bằng tiền thuế của dân, khi về nước lại tiệc tùng xa hoa, nhà cửa thì dăm ba cái biệt thự, biệt phủ… Đúng là "Việt Tân", "Trung Tân" đánh Việt Cộng, Trung Cộng bao nhiêu năm không chết, chỉ một con virus corona mà từ tài sản, lối sống xa hoa cho tới vợ bé bồ nhí... lòi hết cả ra, khiến sự nghiệp chính trị của bao nhiêu quan chức Việt, Tàu phải lung lay và hàng ngàn quyển sách lý luận hoa mỹ, mỵ dân của nhà cầm quyền Ba Đình, Trung Nam Hải đi tong !

Nhưng mặt khác, thật ra cuộc sống giàu có xa hoa phè phỡn phung phí của các quan chức cộng sản Việt Nam từ trên xuống dưới chả ai còn lạ gì, chỉ là do giữa mùa dịch các ông làm lây lan bệnh cho người khác nên người dân càng thêm có lý do để phẫn nộ, cũng giống như thành phố Hải Phòng giữa mùa dịch lại tính chuyện bỏ ra 269 tỷ mua ấm chén và cờ tặng dân "vì dân, cho dân", khi bị chửi quá mới rút lại !

Có nhiều người không ủng hộ chuyện công khai danh tính những người bị nhiễm coronavirus để thiên hạ "ném đá", nhưng người viết bài này lại cho rằng, công khai là cần thiết, trong những trường hợp sau :

Một, cá nhân người bị nhiễm từng đi máy bay, đi du thuyền… với nhiều người khác - những "môi trường" có khả năng lây nhiễm cao, cá nhân người bị nhiễm không chịu xét nghiệm ngay mà còn đi lại tiếp xúc nhiều người, bởi có như vậy những ai từng tiếp xúc gần với họ mới biết mình có thể bị nhiễm và cần đi xét nghiệm ngay.

Thứ hai, với quan chức, người nổi tiếng, vì mức độ hoạt động tiếp xúc người này người kia của họ nhiều nên độ lây lan rất lớn. Chứ còn người bình thường, vô danh, giao tiếp xã hội ít, thì mức độ lây lan ít hơn, không cần phải đưa thông tin cá nhân như vậy.

Coronavirus làm mờ những vấn đề khác của xã hội cũng như những tội ác khác của nhà cầm quyền

Dịch coronavirus cũng làm cho nhà cầm quyền Việt Nam vui mừng ở điểm nó khiến nhiều người lo lắng, hoảng sợ mà quên mất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, chẳng hạn như hạn hán, ngập mặn và "cái chết" đang đến gần của đồng bằng sông Cửu Long, hậu quả của những công trình thủy điện lớn của Trung Quốc và của cả Việt Nam trên sông Mê-kông, một "cái chết" đã được các chuyên gia, các nhà báo có lương tâm cảnh báo trước từ nhiều năm trước nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không có những biện pháp cụ thể, quyết liệt nào.

Hay những tội ác tày trời khác cùa nhà cầm quyền, trong đó có việc tiếp tục giam cầm và bức hại những con người dám lên tiếng vì sự thật, bằng vô vàn cách thức bẩn thỉu hèn hạ khác nhau. Như bản án 10 năm tù, "một đòn thù chính trị hèn hạ" dành cho nhà báo Trương Duy nhất ngày 9/3 hay việc bệnh viện tâm thần lại tăng liều lượng thuốc của nhà báo, blogger Lê Anh Hùng lên lần nữa, quyết tâm hãm hại anh, khiến người mẹ già đang nằm viện vì cao huyết áp của anh phải lên tiếng kêu cứu… Những cái tin đó hoặc ngay cả vụ thảm sát Đồng Tậm, một tội ác tàn bạo của nhà cầm quyền Việt Nam, dường như cũng chìm đi trong nỗi lo mùa dịch nói chung của mọi người.

Chính vì vậy, mặc dù lo bệnh dịch, báo chí độc lập, mạng xã hội và tất cả những ai có lương tâm càng cần phải tiếp tục đánh động những vấn đề và những tội ác đó, đừng để nhà cầm quyền Việt Nam mượn trận dịch mà tiếp tục làm nghèo đất nước hay tiếp tục chà đạp lên luật pháp, nhân quyền, kéo dài thêm chuỗi tội ác chống lại nhân dân, chống lại loài người của họ !

Song Chi

Nguồn : RFA, 12/02/2020 (songchi's blog)

Published in Diễn đàn

Ngày 5-9/3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng lần đầu để "nối vòng tay lớn" nên khá ồn ào. Ngày 5-9/3/2020 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng lần thứ hai nên phải kín đáo hơn (low profile) để không làm mất lòng Trung Quốc. Nhưng chẳng lẽ Bắc Kinh dễ bị Hà Nội và Washington sỏ mũi như vậy ? Đây là một nghịch lý.

tau1

Ban lãnh đạo Đà Nẵng đón chào Đại sứ Mỹ và Đô đốc Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại cảng Tiên Sa-Đà Nẵng, 5/3/2020. Ảnh VGP.

Nghịch lý cần xem lại

Trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về Chiến lược Indo-Pacific (6/2019), Mỹ đã khẳng định "ưu tiên quan hệ với Viêt Nam, Indonesia, và Malaysia". Trong khi đó, Viêt Nam thấy "không có cường quốc nào thích hợp hơn là Mỹ để hợp tác", nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông, vì họ đã bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính trong năm 2019.

Trong năm 2019, Mỹ đã vận động Việt Nam hàng năm đón tàu sân bay Mỹ như một phần của kế hoạch nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, nhưng không thành. m 2019, Trung Quốc đã cho tàu chiến xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính để quấy rối trong nhiều tháng, tạo ra một bước ngoặt mới (tipping point). 

Ngày 25/11/2019, Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng (sau 10 năm), nhấn mạnh sẽ "xem xét phát triển quan hệ quốc phòng cần thiết và thích hợp với các nước khác". Ngày 5-9/3/2020, Việt Nam đón tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là kết quả của chủ trương đó, trước khi ông Rodrigo Duterte hủy bỏ Hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement).

Nhưng Việt Nam vẫn muốn kín đáo hơn về sự kiện này, và phía Mỹ cũng nhất trí. Tuy thái độ ứng xử đó trước đây là cần thiết, nhưng từ năm 2020 phải xem xét lại. Sự kiên bùng phát dịch coronavirus (1/2020) đã tại ra một bước ngoặt mới làm đảo lộn tình thế, bộc lộ gót chân A-sin của Trung Quốcvà dẫn đến khủng hoảng kinh tế-chính trị khó lường.

Theo các nhà phân tích, Washington đã chấp nhận trò chơi của Hà Nội : (1) kín đáo để không làm Trung Quốc mất lòng, (2) biến sự kiện tàu hải quân Mỹ đến thăm Đà Nẵng thành "chuyện bình thường" (new normal), (3) Việt Nam vẫn kiên trì với chính sách "ba không" (không có căn cứ quân sự, không liên minh quân sự, và không chống nước thứ ba).

Điều đó có nghĩa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tuần dương USS Bunker Hill của Mỹ đến thăm Đà Nẵng như "đi qua vô hại" (innocent passage) như tuần tra FONOP của Mỹ. Liệu có phải vì thế mà Trung Quốc giảm quân sự hóa Biển Đông và không bắt nạt các nước láng giềng như họ đã làm với người Việt Nam tại Bãi Tư Chính năm 2019 ? 

Nếu quan hệ đối tác toàn diện (hay chiến lược) Việt-Mỹ là chính đáng và cần thiết để góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thì Hà Nội và Washington không nên sợ làm Trung Quốc mất lòng. Nghịch lý cũ này đã trở thành "thói quen" (new normal), trong khi coronavirus đang lật ngược thói quen đó, làm bộc lộ "gót chân A-sin" của Trung Quốc.

Mấy tháng qua, coronavirus đã gây ra thảm họa kinh hoàng cho Trung Quốc tại tâm chấn Vũ Hán, với những tổn thất hữu hình và vô hình mà không một "thế lực lực thù địch" nào có thể làm được. Sức mạnh kinh tế và quân sự của người khổng lồ Trung Quốc đang bị con virus nhỏ bé đến vô hình làm vô hiệu hóa. Đó là một nghịch lý mới cần xem xét.

tau2

Nhóm làm phim tài liệu "Đêm trường Vũ Hán", 2/2020. Ảnh : Sixth Tone/Weibo

Hệ quả không định trước

Khủng hoảng coronavirus dẫn đến mấy "hệ quả không định trước" làm các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách giật mình tỉnh ngộ. Bàn cờ địa chính trị thế giới đang chuyển biến khó lường, vượt qua tầmb nhìn của tư duy chiến lược "thông thường". Muốn hoạch định chính sách hiệu quả, người ta cần đổi mới tư duy để hiểu về virus và dịch bệnh.

Về kinh tế, người ta nhận ra rằng giảm lãi suất không phải là thuốc giải độc hiệu quả để đối phó với coronavirus. Cách tốt nhất là phát triển vaccine để giảm thiểu số người bị lây nhiễm. Theo New York Times (28/2/2020), cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất đối với nước Mỹ lúc này không phải là Fed mà là CDC (Centers for Disease Control and Prevention).

Theo các chuyên gia, coronavirus làm kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn một ngàn tỷ USD trong quý một (chủ yếu là Trung Quốc). Tăng trưởng thực sự của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3-3,5 %, và nên kinh tế Trung Quốc khó tránh được suy thoái. Sức ép do khủng hoảng coronavirus như một cơn ác mộng đang làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị suy sụp.

Về chính trị, người Trung Quốc nhận ra rằng họ đang phải trả giá đắt vì chính quyền bưng bít thông tin và bịt miệng người dân, rằng chỉ có tự do ngôn luận mới cứu được họ. Trước khi chết, bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã để lại một câu nói tuy đơn giản nhưng làm hàng triệu người tỉnh ngộ : "Một xã hội lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói". 

Để đối phó với chỉ trích đó, Bắc Kinh đã quản thúc giáo sư Hứa Chương Nhuận  (Xu Zhangrun) vì đăng bài "Khi phẫn nộ vượt qua sợ hãi" (Viral Alarm : When Fury Overcomes Fear ) và bắt giam luật sư Hứa Chí Vịnh (Xu Zhiyong). Đó là những hành động thiếu khôn ngoan, không tháo được ngòi quả bom nổ chậm mà còn làm cho tình hình tồi tệ hơn. 

Trung Quốc có thể đầu tư hàng tỷ USD để triển khai "hệ thống cho điểm xã hội" với công nghệ AI và hàng triệu máy ảnh. Nhưng sử gia Yuval Harari từng cảnh báo rằng "thuật toán có nguy cơ tạo ra nền độc tài số…Văn minh nhân loại đang đứng trước rủi ro nếu không có giải pháp… Chúng ta không bao giờ được đánh gía thấp sự ngu xuẩn của con người".

Người ta cần hiểu rằng sau khủng hoảng coronavirus, Trung Quốc sẽ không thể như trước nữa. Quyền lực gần như tuyệt đối của Tập Cận Bình đang bị thách thức và rạn nứt trước cuộc khủng hoảng chính trị tiềm ẩn. Trung Quốc sẽ không đủ nguồn lực để phục hồi như sau dịch SARS (2003), làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầy tham vọng của họ ở Biển Đông. 

tau2

Tàu tuần dương USS Bunker Hill (CG-52) tại cảng Tiên Sa-Đà Nẵng. Ảnh : Tuổi Trẻ

Bàn cờ địa chính trị

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump vừa đi thăm Ấn Độ (24-26/2/2020) như một nước cờ khôn ngoan đúng lúc, để lôi kéo Thủ tướng Modi "cùng nhau bảo vệ chủ quyền, an ninh của vùng Indo-Pacific tự do rộng mở cho nhiều đời sau". Mỹ và Ấn Độ "đều muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc" và "hai nước cùng chung một tình hữu nghị vĩ đại".

Trong chuyến thăm này, Trump muốn cung cấp cho Ấn Độ "những vũ khí tốt nhất và đáng sợ nhất hành tinh", nhưng Modi không muốn ra mặt chống Trung Quốc và trở thành "tiền đồn của tự do". Nói cách khác, New Delhi không muốn Ấn Độ "bỏ tất cả trứng vào một rổ", vì ba nước (Mỹ-Trung-Ấn) gắn kết với nhau bằng "xung đột, cạnh tranh, và hợp tác".

Trong khi đó, Mỹ hoãn họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (dự kiến tại Las Vegas ngày 14/3) vì lý do coronavirus. Theo Carl Thayer, lý do đó thiếu thuyết phục, vì đó chính là dịp tốt để lãnh đạo các nước thảo luận cách phối hợp để đối phó với dịch. Nhưng thời gian và địa điểm có thể làm lãnh đạo một số nước ASEAN không đến dự (như Philippines và Malaysia).

Đối với Việt Nam, quyết định hoãn họp Mỹ-ASEAN còn làm mất đi một cơ hội thuận tiện để lãnh đạo cấp cao Mỹ-Việt gặp nhau, sau khi chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng đã không diễn ra cuối năm 2019 như mong đợi. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (5-9/3/2020) có ý nghĩa quan trọng.

Theo Carl Thayer, chuyến thăm lần này của tàu USS Theodore Roosevelt cho thấy Mỹ vẫn đang thực hiện một trong ba mũi nhọn trong chiến lược của họ tại khu vực : 1) sự hiện diện thường xuyên của tầu tuần tra hải quân Mỹ (FONOP), 2) hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom Mỹ (overflights), 3) tự do hoạt động hàng hải (tại Biển Đông).

Chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tuy không thay thế được gặp gỡ cấp cao để hai nước có thể nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, nhưng nó khẳng định chiến lược của Mỹ ở khu vực trong bối cảnh Philippines hủy bỏ Hiệp định VFA với Mỹ. Nó còn tạo ra tiền lệ để Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng thường xuyên hơn.

Đến lúc cần xem xét lại lý do Việt Nam muốn Mỹ kín đáo hơn (low key) về chuyến thăm này. Một là Trung Quốc bị suy yếu và khủng hoảng sau thảm họa coronavirus, là thời điểm thuận lợi (chứ không phải bất lợi). Hai là chuyến thăm Ấn Độ của Trump chứng tỏ Mỹ đang quan tâm và tăng cường cam kết với khu vực Indo-Pacific (chứ không phải giảm).

Vì vậy, đây là cơ hội tốt để các nước như Việt Nam thoát Trung. Theo bà Phạm Chi Lan, có một nghịch lý đáng lo ngại là Việt Nam càng hội nhập quốc tế, càng ký thêm các FTA thì lại càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, chứ không giảm xuống. Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị thì càng rủi ro về an ninh và quốc phòng.

Lời cuối

Trung Quốc là bậc thầy về binh pháp Tôn Tử, nên họ thường vận dụng nguyên lý "mềm nắn rắn buông" (bullying the weak and fearing the strong) và "Tam chủng chiến pháp" (Three Warfare doctrine) để gây sức ép (về tâm lý, pháp lý, truyền thông). Nếu Việt Nam (hay Mỹ) càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới, vì thiếu công cụ răn đe hiệu quả.

Trong binh pháp, nếu muốn răn đe thì không phải chỉ tăng cường binh lực (sức mạnh cứng) mà còn phải sẵn sàng chiến đấu (sức mạnh mềm). Dưới thời ông Obama, với chủ trương "lãnh đạo từ phía sau" (leading from behind), nên Mỹ tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã bắt mạch và nắn gân được Mỹ, nên ráo riết quân sự hóa Biển Đông.

Theo ông Gorbachev "Thảm họa Chernobyl là một bước ngoặt lịch sử" đối với Nga", và theo các chuyên gia, "thảm họa coronavirus cũng là một bước ngoặt lịch sử đối với Trung Quốc". Bắc Kinh phải giữ chính danh bằng cam kết với dân (Faustian deal), nhưng coronavirus làm bộc lộ tử huyệt của chế độ chuyên chế và làm sụp đổ lòng tin của người dân.

Khủng hoảng coronavirus như quả bom hạt nhân nổ chậm từ tâm chấn Vũ Hán lan ra toàn cầu (đến nay là 103 nước, với 106.191 ca lây nhiễm, và 3.600 tử vong). Đây là một thảm họa khó lường, với những tổn thất kinh hoàng về người và của, cả hữu hình lẫn vô hình, tạo ra một bước ngoặt mới cho Trung Quốc, làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị thế giới.

Nếu Trung Quốc không vượt qua được thảm họa này và suy sụp như "màn chót" (End Game, David Shambaugh), họ dễ bị phân liệt như thời chiến quốc. Nếu vượt qua được, Trung Quốc có thể thay đổi theo "Làn sóng Thứ ba" (Third Wave, Samuel Huntington). Minxin Pei cho rằng Trung Quốc có thể theo mô hình cải cách lồng ghép (Refolution).

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : viet-studies, 08/03/2020

Tham khảo

1. Transition in China ? More Likely than You Think, Minxin Pei Journal of Democracy Johns Hopkins University Press Volume 27, Number 4, October 2016

2. Is Political Change Coming to China ? Yuen Yuen Ang, Project Syndicate, February 14, 2020

3. Coronavirus Could Break Iranian Society, Graeme Wood, Atlantic, February 27, 2020

4. China's Coronavirus Recession Has Arrived, Salvatore Babones, National Interest, February 27, 2020

5. China : Complicated ties with India, US, Frank Sieren, DW News, February 27, 2020

6. Three ways to stop a coronavirus recession, Matthew Lynn, Spectator, February 28, 2020

7. How the coronavirus is shaking up Asia’s political order, William Pesek, Washington Post, March 3, 2020

8. China’s Coronavirus Crisis Is Just Beginning, Geremie Barmé, NYTimes, March 3, 2020

9. No Masking It : Coronavirus Has Infected China's Economy, Milton Ezrati, National Interest, March 3, 2020

10. Vietnam : Significance of 2nd Visit by U.S. Navy Aircraft CarrierCarl Thayer, Background BriefingMarch 3, 2020

11. Is Covid -19 China’s Chernobyl Moment ? Liubomir Topaloff, Diplomat, March 4, 2020

12. Trump’s ASEAN Summit That Never Happened, Greg Rushford , March 5, 2020

13. US aircraft carrier visit and Vietnam's delicate balancing act, Le Hong Hiep, Think China, March 5, 2020

14USS Theodore Roosevelt’s Vietnam Visit : Low Key, High Touch, Le Hong Hiep, ISEAS Commentary, March 6, 2020

15. Why the Coronavirus Could Threaten the U.S. Economy Even More Than China’s, Austan Goolsbee, New York Times, March 6, 2020

Published in Diễn đàn

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un trước mối đe dọa vô hình virus corona

Virus corona là con siêu vi dân chủ ? Thế giới người lo chống dịch, kẻ sợ tác động chính trị. Putin đưa Chúa Trời vào Hiến pháp Nga. Châu Âu đối phó áp lực bắt chẹt của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những chủ đề nóng của báo chí Pháp hôm nay.

kim1

Tẩy rửa diệt trùng tại một cửa hàng ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 28/02/2020 Mandatory credit Kyodo/via Reuters

Chống dịch như chống khủng hoảng tài chính

Virus corona chủng mới đe dọa kinh tế toàn cầu. Nguy cơ suy thoái tăng theo tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại Châu Á và Châu Âu. Kinh tế Pháp có thể bị tác hại nhiều hơn là dự báo, bộ trưởng kinh tế Pháp nhìn nhận. Các chính phủ và ngân hàng quốc gia huy động các biện pháp đối phó. Những tựa lớn của Le Monde mang màu sắc thế giới chuẩn bị chiến tranh chống dịch phát xuất từ Hoa lục.

Đối phó như thế nào ? Theo Les Echos, không khí ở các định chế tài chính sôi động như đang chữa cháy : Ngân hàng liên bang Mỹ giảm lãi suất chỉ đạo. Châu Âu bàn thảo kế hoạch kích cầu. Tuy nhiên, trở lực lớn vẫn là Trung Quốc : Bắc Kinh liên tiếp tung ra các biện pháp kích cầu từ bơm 200 tỷ đô la vào thị trường, giảm thuế doanh nghiệp nhưng hiệu quả rất chậm.

Tạp trung vào tình hình chống dịch tại Pháp, bốn trang báo của Libération gửi đến độc giả các biện pháp chuẩn bị giai đoạn ba : trưng dụng các nhà máy sản xuất khẩu trang, phân công các bệnh viện, từng bước thi hành để tránh tình trạng quá tải và gây hoảng hốt…

Dịch Covid-19 : siêu vi dân chủ, không chừa một ai

Với góc nhìn xã hội, La Croix đưa lên trang nhất tựa đậm : Đối phó với khủng hoảng siêu vi, các nền dân chủ hành động ra sao ? Theo nhật báo công giáo, dịch Covid-19 làm chao đảo xã hội, bắt buộc các chính phủ phải hòa hợp giữa hai nhu cầu : đó là có các biện pháp hiệu quả nhưng không được vi phạm các quyền tự do. Để tạo được lòng tin trong dân chúng, chế độ dân chủ dựa lên sự minh bạch và các thế lực đối trọng. Cụ thể là chính quyền lo phần bảo vệ trật tự còn thẩm phán thì bảo vệ các quyền tự do của người dân.

Thế còn những chế độ bị cô lập, như Iran, thì sao ?

Tại Iran, bản chất chểnh mảng của chế độ góp phần cho dịch lây lan đến cả thành phần lãnh đạo.

Nhận định thẳng thắn của Le Monde là tựa của bài báo phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của chính quyền Iran trước một thảm họa y tế đã lan đến đất nước. Vì để "cứu" cuộc bầu cử Quốc hội và kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo trong tháng Hai mà từ tổng thống cho đến giáo chủ cáo buộc Mỹ "tung tin giả để phá hoại". Thế nhưng lần lượt kẻ trước người sau, 15 quan chức trong guồng máy chính quyền ngã bệnh, trong đó có phó tổng thống Masoumeh Ebtekar và 5 người chết, đáng chú ý nhất là Mohammed Mirmohammad, thành viên Hội đồng cố vấn của Giáo chủ Ayatollah Khamenei. Thái độ vô trách nhiệm của chính quyền Iran bị giới y tế tố cáo : một bác sĩ Iran cho biết, thống kê 523 ca lây nhiễm công bố chính thức hôm thứ Hai không có danh sách số bệnh nhân tại bệnh viện nơi ông làm việc. Toàn bộ lãnh thổ Iran bị dịch lây lan. Vì nhu cầu chính trị "không tuyên bố có Covid-19 trước ngày bầu cử 21/02". Một sinh viên nội trú cho biết nhận được chỉ thị từ "bên trên" ban xuống mọi cấp trong ngành y tế. Khẩu trang cũng bị cấm dùng.

Theo các bác sĩ Iran, lẽ ra phải "phong tỏa thánh địa Qom ngay từ ngày đầu khi phát hiện nơi này là tâm dịch" nhưng vì giới giáo sĩ phản đối làm chậm thi hành các biện pháp phòng chống đến 10 ngày, 10 ngày quý báu.

Số liệu của Nhà nước cũng bị các dân biểu châm chọc là "trò đùa" bởi vì bệnh viện trên toàn quốc đều bị quá tải. Vào thời điểm mà Bộ y tế Iran đưa con số 43 trường hợp, một nghiên cứu của đại học y khoa Toronto, dựa trên số ca lây nhiễm từ Iran qua Canada trong ba ngày từ 19 đến 23/02, cho biết phải có ít nhất 18.000 bệnh nhân ở Iran.

Ngày 25/02/2020, tổng thống Hassan Rohani còn khẳng định chỉ trong vòng một tuần, dịch virus corona sẽ biến mất.

Cuối cùng Iran phải nhìn nhận bị dịch nghiêm trọng và chấp nhận viện trợ.

Kim Jong-un và mối đe dọa vô hình

Tại Bắc Triều Tiên, chế độ khép kín khẳng định không có ai bị nhiễm bệnh nhưng báo đảng Rodong nhìn nhận khoảng "7.000 người có triệu chứng đáng ngờ đang được theo dõi". Đối nội, bị dịch Covid-19 đe dọa, đối ngoại, Bình Nhưỡng phô trương cơ bắp. Le Figaro phân tích vì sao nhà độc tài Kim Jong-un lo sợ.

Mũ nỉ, mặt đằng đằng sát khí, Kim Jong-un là người duy nhất không đeo khẩu trang trong bức ảnh thị sát một cuộc "tác xạ đại pháo tầm xa" theo bản tin của KCNA mà Le Figaro dùng để minh họa cho hành động phô trương sức mạnh của Bắc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo một ngày trước. Trong bối cảnh Nam Hàn vất vả chống dịch Coronavirus, tổng thống Moon Jae-in, người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng bị phe bảo thủ công kích thì tại sao Bắc Triều Tiên khiêu khích Seoul ? Theo nhật báo thiên hữu, nhà độc tài Kim Jong-un phô trương cơ bắp với bên ngoài trong lúc bản thân chế độ bị dịch Covid-19 đe dọa. Báo chí chính thức không còn im lặng 100% như trong các vụ thiên tai hay dịch bệnh trước đây. Đích thân Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị để tổ chức chống dịch. Chính thức, Bắc Triều Tiên khẳng định không có người bệnh nhưng "có 7.000 người" đang được theo dõi sức khỏe. Thông tin "giấu đầu lòi đuôi" này của báo đảng Rodong cho phép suy đoán thực tế rất nghiêm trọng. Một nguồn tin tình báo cho biết "có hàng chục người bị nhiễm".

Thật ra Bình Nhưỡng không xem nhẹ nguy cơ này. Từ tháng Giêng, Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cách ly 380 nhân viên ngoại giao quốc tế trong suốt 30 ngày tại Bình Nhưỡng. Theo một nguồn tin thiện nguyện, biện pháp đóng cửa biên giới đã từng được ban hành tại Bắc Triều Tiên lúc xảy ra dịch Ebola ở Châu Phi và viêm phổi Mers ở Saudi Arabia. Bởi vì cơ thể người dân Bắc Triều Tiên, do thiếu ăn, nên rất yếu ớt trước sự tấn công của các loại siêu vi : "Dịch lây lan sẽ là một đại họa, với tỷ lệ tử vong cao hơn Trung Quốc, như dịch cúm xảy ra trong một nhà dưỡng lão". Báo chí chính thức cũng nói nhiều về chiến dịch tẩy trùng… chứng tỏ chính quyền ngồi không yên. Lee Min-young, một nhà phân tích ở Seoul dự báo : "Nếu dịch bệnh vượt tầm kiểm soát thì sẽ là một đòn đau cho ông Kim, có thể làm hỏng các mục tiêu chính trị và ngoại giao".

Virus corona là một "siêu vi dân chủ" vì nó không chừa một ai, kể cả gia đình họ Kim và các lãnh đạo khác.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một chế độ khép kín và thường xuyên bị cô lập, Bình Nhưỡng vẫn có thể huy động an ninh để theo dõi dân chúng và cách ly tập thể dân chúng.

Trong bối cảnh này, vụ thử tên lửa chỉ là động thái tuyên truyền đánh lạc hướng nhằm chứng tỏ dịch Covid-19 không làm suy yếu quyết tâm chống "đế quốc" của lãnh đạo tối cao.

Di dân, tị nạn : con tin của bàn cờ địa chính trị

Thủ đoạn của Ankara dùng người tị nạn làm con tin gây áp lực buộc Châu Âu ủng hộ trong cuộc chiến tại Syria gây bất bình và lo ngại. Nhưng theo Le Monde, ông Erdogan chỉ muốn đòi tiền.

Cùng chiều hướng này, La Croix cho rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng làn sóng di dân làm công cụ để "tháu cáy" Châu Âu. Vấn đề là Châu Âu không thể khoanh tay đứng nhìn vì tình hình chắc chắn sẽ suy thoái thêm, nhất là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Theo nhật báo công giáo, trước hết không thể bỏ Hy Lạp một mình đối phó với cuộc khủng hoảng này. Vừa thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính với các giá hy sinh rất lớn, từ những năm gần đây, thành viên phía nam của Liên Hiệp Châu Âu còn phải cưu mang gánh nặng di dân, tị nạn trong các trại tạm cư. Đương nhiên Châu Âu không quên Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đất tạm dung thân của hàng triệu người Syria. Tuy nhiên, lời đe dọa của Ankara mở cửa biên giới cho "hàng triệu di dân" chạy sang Châu Âu đúng là chiến thuật bắt chẹt thô bạo. Dụng ý của Erdogan là buộc Châu Âu ủng hộ ông ta trong cuộc chiến tại Syria mà mục đích tối hậu là "tiêu diệt người Kurdistan", đồng minh của Tây phương trong cuộc chiến chống thánh chiến. Để tránh chiếc bẫy của Erdogan, theo La Croix, Châu Âu cần can dự trực tiếp bảo vệ người tị nạn tại miền đông Syria thay vì chi tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Libération nhấn mạnh đến tội ác của Nga tại Syria. Trong bài Liên Hiệp Quốc cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh, nhật báo thiên tả cho biết Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đã thu thập được dữ liệu tại hiện trường và hình ảnh đủ để kết luận là hồi tháng 07/2019, oanh tạc cơ của Nga đã cố ý ném bom vào thường dân, vào nhà cửa, chợ búa, trường học ở Maarat al Norman, tỉnh Idleb, trong suốt ngày 22 giết chết 43 người và gây thương tích cho 109 người khác. Một tháng sau, đến lượt một trại tị nạn ở Haas bị ném bom, 20 người chết trong đó có 8 phụ nữ và 6 trẻ em. Dĩ nhiên, ngoại trưởng Nga phủ nhận các thông tin này.

Nga : Chúa Trời trong Hiến pháp

Về thời sự nước Nga, theo sáng kiến của tổng thống Putin, Chúa Trời sẽ xuất hiện trong bản Hiến pháp tu chính. Đừng xem đây là chuyện giễu cợt, một nhà phân tích chính trị Nga cảnh cáo.

Một trong những chi tiết khác với văn bản 1993 và đập vào mắt là từ "Chúa Trời" được đưa vào một điều khoản khẳng định "Liên bang Nga là hậu thân của Liên bang Xô-viết", và là tiếp nối của "ngàn năm lịch sử, ký ức của tiền nhân lưu truyền lý tưởng và đức tin Thiên Chúa".

Chuyên gia chính trị Gueorgui Satarov, một trong những tác giả bản Hiến pháp 1993 bình luận về các điểm tu chính như sau : "Đi từ khôi hài, lố lăng cho đến kinh khiếp".

Xếp vào loại kinh khiếp là điều khoản "cấm chuyển nhượng lãnh thổ". Điều này mở đường cho các đạo luật trong nay mai dùng để truy bức những người từ chối chuyện sáp nhập quần đảo Crimea năm 2014. Và làm cuộc đàm phán với Nhật Bản, nếu có trong tương lai, về quần đảo Kuril, trở thành phức tạp hơn (cho những người có thiện chí).

Mẹ : thần tượng của trẻ em Pháp

Cuối cùng, La Croix tổ chức thăm dò giới trẻ vị thành niên Pháp xem ai là người phụ nữ số một trong năm 2019. Đại đa số các em từ 11 đến 14 tuổi bầu cho "mẹ yêu dấu. Người được ái mộ thứ hai là thần tượng Thụy Điển bảo vệ môi trường Greta Thunberg. Đệ nhất phu nhân của Pháp đứng hàng thứ tư sau nữ ca sĩ Angèle.

Tú Anh

Published in Châu Á

Năm mới, sự bùng phát của Coronavirus (hay nCoV) là một tai họa cho Trung Quốc năm 2020. Nó không chỉ là khủng hoảng về vi sinh học và y học, mà còn là khủng hoảng hệ thống chính trị Trung Quốc, làm bộc lộ những tử huyệt của họ. Việt Nam cũng bị vạ lây vì "cùng chung vận mệnh", thậm chí còn nguy hiểm hơn vì hệ lụy "hội chứng Đồng Tâm".

tq1

Tàu điện ngầm chật kín người thường ngày ở Bắc Kinh giờ đây vắng vẻ tựa như bỏ hoang vì dịch bệnh hoành hành

Tính đến 21/2/2020, ở Trung Quốc đã có 76.000 người mắc dịch và 2.236 người chết. Theo Bộ y tế, ở Việt Nam đã có tổng số lên 16 trường hợp nhiễm cúm Covid-19. Việt Nam đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế, và ngừng tất cả các chuyến bay đến/từ Trung Quốc (nhưng vẫn chưa đóng cửa biên giới).

Sau ba thập kỷ phát triển nóng, Trung Quốc như người khổng lồ trỗi dậy thành siêu cường kinh tế, vượt Nhật và chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng Trung Quốc không "trỗi dậy hòa bình" như Mỹ và Phương Tây mong đợi, mà con rồng Trung Quốc phủ bóng đen của nó lên Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng và độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ.

Tập Cận Bình thấy cơ hội đã đến nên từ bỏ chính sách "dấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, và củng cố quyền lực độc tài cá nhân (như thời Mao). Trong nước, Tập bóp nghẹt tự do dân chủ và triển khai "hệ thống cho điểm xã hội". Ngoài nước, Tập triển khai kế hoạch "Vành đai Con đường" để thao túng các nước bằng "bẫy nợ".

Để đối phó với Trung Quốc trỗi dậy, Chính quyền Mỹ mà người đứng đầu là Tổng thống Donald Trump đã điều chỉnh chiến lược, từ bỏ chính sách cộng tác của các chính quyền trước, chuyển sang ngăn chặn và đối đầu như "chiến tranh lạnh kiểu mới". Mỹ phát động chiến tranh thương mại và dùng thuế quan như vũ khí kinh tế làm suy yếu Trung Quốc tại vùng Indo-Pacific.

Trong khi Trung Quốc phân hóa và thao túng ASEAN (như Philippines và Campuchia) thì các nước khác bắt đầu phản ứng (pushback) với kế hoạch "Vành đai Con đường" và "bẫy nợ".

Đối thoại Mỹ-Triều và thay đổi chính phủ ở Malaysia phản ánh xu thế thoát Trung. Những biến động gần đây tại Hong Kong và Đài Loan đang cảnh báo Trung Quốc.
Đó là bối cảnh những thách thức to lớn mà Trung Quốc phải đối mặt như "phúc bất trùng lai", khi xảy ra dịch Corona thì như "họa vô đơn chí".

Trong thế giới bất ổn đó, những biến số khó lường đe dọa làm bộc lộ những tử huyệt của hệ thống chính trị. Sự bùng phát và lây lan của Coronavirus làm người dân nhiều nước tẩy chay Trung Quốc như tội đồ.

Theo Minxin Pei giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Claremont McKenna Hoa kỳ thì "Cơ hội vàng" đã bị mất, Trung Quốc không rút được kinh nghiệm qua đại dịch SARS (2002-2003) và nay tiếp tục không đối phó kịp thời với Virus Corona (2019-2020).

Khi dịch Coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền địa phương đã bất lực và lãnh đạo thành phố phải trốn ra đảo, trong khi 5 triệu dân đã sơ tán khỏi thành phố.
Theo Giáo sư Minxin Pei, Bắc Kinh không có khả năng xử lý một đại dịch như vậy. Kể từ thời có dịch SARS (2003), Bắc Kinh vẫn chưa có sự đổi mới cơ bản nào về năng lực xử lý khủng hoảng.

Trong vòng một tháng (từ giữa tháng 12/2019 đến giữa tháng 1/2020) là giai đoạn sống còn gọi là "cửa sổ cơ hội vàng" đã bị mất, khi chính quyền tra hỏi và kỷ luật 8 bác sĩ ở Vũ Hán vì "tung tin đồn nhảm". Trong mấy tuần đó (đến 20/1/2020), số người bị mắc dịch đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi, làm cho chính quyền giật mình.

tq2

Du khách Trung Quốc tràn vào Việt Nam ngay giữa mùa dịch virus corona nguy hiểm

Nguyên nhân chính là "lỗi hệ thống" do thể chế độc tài bưng bít thông tin để thao túng và che dấu sự thật. Khi phát hiện dịch mới tại Vũ Hán (8/12) chính quyền kiểm duyệt báo chí và các trang mạng (WeChat, Weibo), trấn áp các bác sĩ và nhà báo đưa tin. Khi có người chết (11/1) chính quyền vẫn phủ nhận dịch có thể lây lan từ người sang người.

Vì vậy, dịch Corona đã bùng phát và đến nay đã lan ra 28 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi 5 triệu người dân đã rời khỏi Vũ Hán, sẽ rất khó kiểm soát.
Khi thấy tình hình đã nguy cấp, với hàng ngàn người mắc dịch và nhiều người chết (20/1), chính quyền buộc phải thay đổi thái độ và "chỉ đạo quyết liệt" thì đã quá muộn.

Thường mỗi khi các quan chức chính quyền gặp một vấn đề, họ thường phân ra là "kỹ thuật" hay "chính trị". Nếu là chính trị, họ sẽ "đá vấn đề lên trên để chờ quyết định".

Vì vậy, trong hệ thống tập trung cao đó, quá trình ra quyết định rất lâu.

Nhưng khi đã quyết thì họ lại hành xử như thời chiến, mà Giáo sư Minxin Pei gọi là "quân sự hóa chính quyền".

Hậu quả kinh tế của Coronavirus sẽ rất nặng nề đối với Trung Quốc, cũng như các nước phụ thuộc vào họ. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Shanghai composite giảm 7,7%, và Shenzhen Component Index giảm 8,5%.

Khi không thể bưng bít được nữa, chắc nội bộ sẽ bị phân hóa. Lần đầu tiên, dịch Corona dám thách thức quyền lực của Tập Cận Bình.

Trong kinh tế có môn "kinh tế chính trị học". Nhưng nếu người ta lạm dụng để chính trị hóa một cách toàn diện và triệt để các lĩnh vực dân sự (kể cả dịch vụ y tế) nhằm duy trì độc quyền thì sẽ tạo ra ách tắc, như các khối u trong cơ chế quốc gia. Khi phải đối phó với tình thế khủng hoảng như dịch SARS hay Corona, cơ chế đó sẽ bộc lộ những tử huyệt.

Tuy nói chuyện Trung Quốc, nhưng cần liên hệ tới Việt Nam, vì đó là "quan hệ nhân quả". Coronavirus càng làm bộc lộ những yếu kém của một hệ thống chính trị bất cập và lỗi thời.

Vì vậy, ông Trần Quốc Vượng có lý khi phát biểu (25/12/2019) "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình… chẳng ai lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi".
Trong bối cảnh hiện nay, khả năng kiểm soát và xử lý khủng hoảng của Việt Nam còn yếu kém vì thể chế lạc hậu và bưng bít thông tin.

Việt Nam đã bỏ visa đối với người Trung Quốc, nên biên giới hai nước hầu như bỏ ngỏ. Tuy dịch Corona đã bùng phát và WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Trong cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (30/1/2020), Phó Thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh lý giải chưa đóng cửa biên giới là do "Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương".

Nay chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì đã muộn (như chém gió). Sau Tết có nhiều lễ hội đông người, ngành du lịch và các địa phương không thấy hết nguy cơ, nên "trên bảo dưới không nghe". Hệ thống y tế Việt Nam yếu kém vì quá tải nên khó đối phó với dịch đã bùng phát.

Tại Việt Nam, dịch Coronavirus (hay nCoV-Covid-19) xảy ra gần đồng thời với biến cố Đồng Tâm, như "khủng hoảng kép". Tuy hai sự kiện có những biến số khác nhau nhưng lại có hằng số về cơ bản giống nhau. Đó là hai trường hợp điển hình chứa đựng nhiều ẩn số cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ.

Có người nói trong cơn sốc Corona, "biến cố Đồng Tâm gần như chìm vào quên lãng" và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ được Nghị viện Châu Âu quyết định vào 11/02/2020, "chỉ như chuyện của một hành tinh khác".

Đó là nói theo logic hình thức để thấy Coronavirus cấp bách hơn, nhưng thực ra đó là "quan hệ nhân quả".

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố, ngày 17/2, Bắc Kinh quyết định trì hoãn "lưỡng hội" (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc) vốn dự định tổ chức vào đầu tháng Ba. Thực tế, lần này Đảng cộng sản Trung Quốc trì hoãn tổ chức lưỡng hội, nguyên nhân chủ yếu là phòng chính biến hơn là phòng dịch bệnh.

Từ khi dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát đến nay, dư luận Trung Quốc theo dõi 2 vấn đề :

1) Nguồn gốc virus là từ đâu ?

2) Vì sao Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ đạo kéo dài, làm lỡ thời cơ tốt nhất để phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh, từ đó dẫn đến dịch bệnh mất kiểm soát toàn diện.

Ngoài truy trách nhiệm cho người liên quan ở Hồ Bắc, ông Tập Cận Bình sao lại không bị truy trách nhiệm ?

Điều càng làm chính quyền sợ hãi là gần đây, liên tiếp lan truyền trên mạng xuất hiện các bài viết khuyên ông Tập Cận Bình nên thoái chức hạ đài.

Để có một câu trả lời cho tất cả, ngày 15/2, ông Tập Cận Bình đã công bố một bài viết có tiêu đề "Phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu công tác ứng phó dịch viêm phổi virus corona mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị". Bài viết này đã sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – "tôi" một cách hiếm thấy. Nội dung chủ yếu là ông Tập tự biện giải cho mình trong việc tiến hành công tác xử lý dịch bệnh.

Ông Tập nói : "Sau khi bùng phát viêm phổi Covid-19, ngày 7/1, khi tôi đã đề xuất yêu cầu về công tác phòng ngừa và kiểm soát đối với dịch viêm phổi Covid-19.
Ngày 20/1, tôi đặc biệt phê chỉ thị đối với công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch. Ngày 22/1, xét thấy dịch bệnh lây lan nhanh chóng, tôi đã yêu cầu rõ ràng tỉnh Hồ Bắc thực thi quản lý và kiểm soát kiêm ngặt toàn diện đối với người ra ngoài tỉnh".

Ngày 15/1, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, ngày 7/1, ông Tập Cận Bình đã biết tình hình dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’, đồng thời triệu tập hội nghị và đưa ra yêu cầu đối với công tác phòng ngừa kiểm soát dịch, có thể thấy ông Tập rất coi trọng vấn đề này.

Vậy vì sao ngày 11 – 17/1, Hồ Bắc vẫn còn tiếp tục triệu tập "lưỡng hội" cấp tỉnh ?

Vì sao ngày 18/1 Chính quyền tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức bữa tiệc linh đình "Vạn gia yến" với hơn 40.000 hộ gia đình tham dự ? Vì sao ngày 21/1, lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc còn cùng các giới trên toàn tỉnh cùng nhau xem biểu diễn văn nghệ mừng năm mới ? Lẽ nào tỉnh Hồ Bắc có ý đối kháng với Trung ương ? Vì sao ngày 23/1 Bắc Kinh vẫn còn tổ chức đoàn thăm viếng năm mới ?

Tuy nhiên, tờ Apple Daily tại Hồng Kông có bài viết nói, khi Tân Hoa Xã đăng bài vào ngày 7/1, hoàn toàn không hề đề cập đến dịch bệnh tại Vũ Hán, phát biểu của ông Tập Cận Bình từ đầu đến cuối đều là nói về vấn đề tình hình chính trị khác, thậm chí khi phát biểu với đoàn viếng thăm năm mới ngày 23/1, ông Tập không hề có chữ nào nhắc đến "dịch bệnh Vũ Hán".

Điều càng khiến cho ông Tập Cận Bình khó xử là Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng trong cuộc trả lời phỏng vấn của CCTV hôm 27/1 có nói : "Ngày 27/12 chúng tôi phát hiện trường hợp đầu tiên, đồng thời đã có báo cáo đầu tiên đối với cơ quan hữu quan Bắc Kinh, trong tình huống chưa được trao quyền, thành phố Vũ Hán không có quyền công bố dịch bệnh".

Ý của ông Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng rất rõ ràng : Trách nhiệm trì hoãn công bố dịch bệnh không phải nằm ở địa phương. Đài phát thanh Trung ương cũng có bài viết ám chỉ ông Tập Cận Bình đang "đẩy trách nhiệm".

Trong tình hình hiện nay, nhiều mũi nhọn của các bài viết trên truyền thông chỉ trích trực tiếp vào việc ông Tập Cận Bình không làm gì. Có thể thấy, nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc có rất nhiều người bất mãn với ông Tập Cận Bình. Đây cũng là nguyên nhân bức bách buộc ông Tập Cận Bình phải đăng bài tự biện giải cho mình.

Từ khi dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ bùng phát đến nay, thế lực chống đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nội bộ đảng vẫn luôn gây rối. Nếu triệu tập "lưỡng hội" vào đầu tháng Ba, không chỉ có rủi ro khiến dịch bệnh lan rộng, mà cục diện chính trị cũng có khả năng xuất hiện nhân tố bất ổn. Đây mới là nguyên nhân thực sự khiến "lưỡng hội" trì hoãn.

Hiện tại ông Tập Cận Bình đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng nguy ngập, ông Tập cần nhanh chóng khởi động cải cách chính trị, vứt bỏ gánh nặng Đảng cộng sản Trung Quốc, không nên tiếp tục đàn áp nhân quyền, trả lại tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng cho người dân, để Trung Quốc khôi phục lại xã hội chính thường không có Đảng cộng sản Trung Quốc.

7 năm trước, ông Tập Cận Bình có 3 con đường có thể đi : Thượng sách là cải cách chính trị, đi con đường lớn dân chủ hiến chính, là anh minh ; trung sách là tiếp tục duy trì đường lối của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, là trung dung ; hạ sách, ngược lại là đi theo đường lối Mao Trạch Đông, là hại nước hại dân.

Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn nhiều lần do dự không quyết đoán, bỏ qua thời cơ.

Ông cho rằng duy trì sự thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc là bảo vệ quyền lực của mình, nhưng cuối cùng dân Trung Quốc đang chờ đợi ông trở thành "con dê thế tội" cho Đảng cộng sản Trung Quốc, với kết cục bi thảm.

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 22/02/2020

Published in Diễn đàn

Kế hoạch Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc đang gặp phải một trở ngại bất ngờ từ virus corona vốn đang khiến các dự án xây dựng đường sắt, đường cao tốc và hải cảng khắp thế giới bị đình trệ

bri1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019

Xuất phát từ thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, dịch bệnh với tên gọi chính thức là Covid-19 đã lan truyền nhanh chóng kể từ khi được phát hiện vào tháng 12 ở nước này. Trung Quốc tới nay đã báo cáo tổng cộng 75.567 ca nhiễm virus với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm 2.239 trường hợp tử vong.
Những hạn chế du hành để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh đã làm trì trệ phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đình chỉ hoạt động của những dự án trọng điểm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhắm mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng việc phát triển hạ tầng và những khoản đầu tư khắp thế giới.

Công nhân Trung Quốc không thể đến được các dự án ở nước ngoài, và các nhà máy bị cắt đứt nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà họ cần để tiếp tục hoạt động.

Cơ quan hàng đầu của Trung Quốc đặc trách quản lí các công ty nhà nước hôm thứ Ba nói rằng dịch bệnh bùng phát đã gây ra "những khó khăn" đối với một số dự án và khoản đầu tư ở nước ngoài.

Ở một số nơi trên Vành đai và Con đường, tác động của coronavirus đã hiện rõ.

Hơn 133 nước đã áp đặt những hạn chế nhập cảnh lên công dân Trung Quốc hoặc những người từng đến Trung Quốc, theo Cục Quản lí Di dân Quốc gia của Trung Quốc.

Trung Quốc "đã liên lạc với các công ty nước ngoài, chủ sở hữu ở nước ngoài, và các chính phủ sớm nhất có thể để có được sự hỗ trợ và hiểu biết", Bành Thanh Hoa, Tổng bí thư của Ủy ban Giám sát và Quản lí Tài sản Nhà nước, cho biết.

Một điển hình trong số những dự án bị đình trệ là dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỉ đôla của Tập đoàn Quốc tế Đường sắt Trung Quốc ở Indonesia hiện đang hoạt động trong thế cầm cự, Reuters đưa tin.

Doanh nghiệp nhà nước này đã thành lập một đội đặc nhiệm để theo dõi sự lây lan của virus Covid-19 và kêu gọi tất cả các nhân viên Trung Quốc về quê vào dịp Tết Nguyên đán không trở lại Indonesia, một giám đốc điều hành cao cấp của công ty phát biểu với Reuters với điều kiện giấu tên, vì ông này không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Công ty đã ngăn hơn 100 nhân viên người Trung Quốc, chủ yếu là công nhân trình độ cao hoặc người quản lí, trở về làm việc ở dự án liên kết thủ đô Jakarta của Indonesia với trung tâm dệt may Bandung, cách nhau khoảng 140 km, vị giám đốc điều hành cho biết.

Tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville ở Campuchia, nơi được mệnh danh là "dự án nổi bật" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhân viên làm việc trong các nhà máy là dân địa phương nhưng họ lại không có phương tiện sản xuất vì lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, Reuters tường trình.

bri2

Cảnh vắng lặng chưa từng có tại chợ Bến Thành những ngày trong mùa dịch Corona

"Chúng tôi phải tập trung vào các phần ít hệ trọng hơn của dự án đường sắt cho đến khi một số người chủ chốt của chúng tôi quay trở lại làm việc", ông nói. "Chúng tôi khởi đầu năm 2020 không suôn sẻ chút nào. Dự án của chúng tôi đã bị chậm trễ và tai tiếng, và virus corona đem tới những thách thức còn lớn hơn nữa".

Virus corona chủng mới cũng bắt đầu làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho phép các công ty tiếp cận được các máy móc và cấu phần chính yếu.

Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một nhà quan sát kinh tế ở Texas, Mỹ, nói rằng sự chậm trễ này sẽ đề ra thách thức với các nước vay vốn để thi công các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ khi "tiền lãi nhà băng chồng chất" trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và thế giới bấp bênh.

Tuy nhiên ông nhận định dịch bệnh virus corona có thể là thách thức mang tính tạm thời và sẽ không khiến nhiều nước về lâu dài cân nhắc lại sự tham gia của họ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường vì quy mô và tính chiến lược của nó.

"Chương trình BRI trị giá 26.000 tỉ đôla kéo dài trong vòng 7 năm, 10 năm là con đường dài hạn", ông nói.

"Nhiều nhà máy ở Trung Quốc vẫn đóng cửa ; những nhà máy mở cửa thì không thể hoạt động hết công suất", Boyang Xue, một nhà phân tích Trung Quốc tại Ducker Frontier cho biết. "Vì nhiều dự án BRI có xu hướng lấy nguồn thiết bị và máy móc từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc, sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng sẽ gây ra sự chậm trễ hơn nữa".

bri3

2.500 lao động Công ty trách nhiệm hữu hạn JY Hà Nam đình công phản đối công ty chuẩn bị tiếp nhận lao động Trung Quốc trở lại làm việc vào cuối tháng 2 năm 2020

"Sở dĩ những quốc gia này muốn tham gia là vì họ muốn tìm lối thoát để tiến triển. Virus corona dù có ảnh hưởng nhiều hay ít thì cũng không làm thay đổi ý định của các nước này vì họ đã lựa chọn Trung Quốc để vay tiền mở rộng các phi trường để bành trướng buôn bán. Và họ cứ tiếp tục thôi".

Bangladesh thông báo trì hoãn một số dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc vận hành nhà máy điện than Payra, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu tháng 2.

Hơn 2.000 công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy và khoảng 40 phần trăm trong số họ đã về nhà vào kì nghỉ Tết Nguyên đán, truyền thông địa phương đưa tin. Hai mươi người được phép trở lại làm việc vào thứ Hai sau 14 ngày cách li.

Thách thức virus corona đối với các hợp đồng dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường xảy đến sau khi Trung Quốc vấp phải phản ứng của các nước vào năm 2018, khi các quan chức ở Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và các nơi khác chỉ trích các dự án ở đó là tốn kém và không cần thiết. Trung Quốc đã rút lại một số dự án sau khi vài nước có ý định duyệt lại, hủy hoặc giảm những cam kết, dẫn ra những lo ngại về chi phí, sự xói mòn chủ quyền, và tham nhũng.

Hiện nay ít nhất 8 nước đang gặp khó khăn đặc biệt do vấn đề nợ nần liên quan đến đại dự án BRI, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) vào hồi tháng 3/2018. Giới phê bình e ngại các khoản vay này có thể khiến một số quốc gia bị phụ thuộc vào Trung Quốc và chịu ảnh hưởng chính trị từ nước này.

Giải mã "bẫy nợ" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những nước có dòng tài chính đầu tư ra nước ngoài hàng đầu thế giới. Phần lớn số tiền chính thức mà Trung Quốc đưa ra nước ngoài được đầu tư cho các khoản vay trong các dự án về hạ tầng, năng lượng và liên lạc.

Các dự án nói trên nằm trong siêu dự án "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) – phương tiện chính của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển cả trong nội địa và ở hải ngoại. Thông qua các đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc muốn kết nối tốt hơn nữa với thế giới và gia tăng thương mại dọc theo con đường này. Năm năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch BRI, Trung Quốc đã chi khoảng 25 tỷ USD cho các dự án hạ tầng.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là các nước đi vay đã được hưởng lợi tới mức độ nào từ các khoản đầu tư này của Trung Quốc ?

Paul Haenle, cựu cố vấn chính phủ Mỹ và giám đốc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, tóm tắt các ý kiến phê bình : "Một số vị tin rằng Trung Quốc đang thực hành "ngoại giao bẫy nợ" thông qua BRI, khiến cho các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ, và nợ đó chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị".

Haenle giải thích thêm : "Mối quan ngại đặc biệt về hoạt động của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan, và Malaysia nằm ở tâm điểm các tranh cãi về bẫy nợ. Trung Quốc đã giành được quyền hoạt động trong 99 năm ở cảng Hambantota, miền nam Sri Lanka sau khi chi phí cho dự án này đội lên ngoài tầm kiểm soát, khiến Sri Lanka phải từ bỏ quyền kiểm soát đối với cảng này để được Trung Quốc cung cấp gói giải cứu".

Không còn là mới việc Trung Quốc cho các nước khác các sự lựa chọn khác ngoài việc thanh toán nếu các nước này không đủ điều kiện trả nợ cho họ. Hồi năm 2011, tin tức cho hay Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy 1.158 km2 lãnh thổ ở vùng tranh chấp giữa hai nước, theo báo cáo của CDG.
Vẫn theo Haenle, tranh cãi về chuyện bẫy nợ càng nổi bật hơn khi vào năm 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ 23 tỷ USD trong các dự án BRI.

Chính quyền Malaysia hiện tại nhận thấy một số dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước họ là bất thường. Thủ tướng Malaysia đang muốn hủy bỏ các dự án đó.

Hôm 13/8 Thủ tướng Malaysia Mahathir nói thẳng thừng với hãng tin AP của Mỹ rằng ông muốn hủy bỏ 3 dự án nhiều tỷ USD với Trung Quốc.

Trước đó, theo chỉ đạo của ông Mahathir, Bộ Tài chính Malaysia đã kêu gọi ngừng 3 dự án này. Cả 3 dự án, với tổng trị giá trên 22 tỷ USD, đều có sự tham gia của các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Ông Mahathir còn tuyên bố rằng nếu không thể hủy bỏ các dự án này, thì Malaysia ít nhất sẽ tiếp tục ngừng các dự án đó đến khi nào thực sự cần thì mới triển khai.

Hàng loạt thủy điện do Trung Quốc đầu tư trong kế hoạch Vành đai con đường của Trung Quốc có nguy cơ giết chết sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long của Việt nam.

bri4

Hàng loạt thủy điện của Trung Quốc chằng chịt ở thượng nguồn sông Mekong

Báo tuổi trẻ ngày 21/2 đưa tin Trung Quốc tuyên bố sẽ xả đập thủy điện trên sông Mekong, nhưng nước sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long. "Bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi", phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) nhận định.

Đến nay, Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện trải dọc sông Mekong. Lào và Campuchia định xây thêm hơn 10 đập, và không dừng lại ở đó.

Một báo cáo tại Campuchia hồi đầu tháng trước cho biết có 30 đập thủy điện hiện đang được xây dựng ở Lào và 7 đập ở Campuchia, chủ yếu được tài trợ bởi Trung Quốc.

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ gây khô hạn đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học cảnh báo việc xây dựng nhà máy thủy điện sẽ làm giảm 6,2% thủy lưu hàng tháng.

Việt Nam đang là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của các con đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đang để mặc cho người dân Đồng bằng sông Cửu long tự xoay sở.

Không những thế một công ty Việt Nam là Petro Vietnam Power Corporation là một bên tham gia xây đập Luang Prabangvới Lào. Con đập này sẽ cùng với nhiều con đập khác trên thượng nguồn góp phần "giết chết" Đồng bằng sông Cửu long ở Việt Nam.

Một báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam năm 2018 cho biết : "trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc".

bri5

Dự án 8.100 tỉ nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chỉ còn một đống rỉ sét

Báo chí Việt Nam gần đây đã nêu ra hàng loạt dự án thiếu hiệu quả dự kiến thua lỗ thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng, có liên quan đến đầu tư Trung Quốc, tiêu biểu là 4 dự án : Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng, Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Sai phạm tại dự án này cũng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, đã khiến ông Hoàng Trung Hải – đương kim Bí thư thành uỷ Hà Nội, Cựu phó thủ tướng đã bị chịu án kỷ luật.

Hầu như đa số các dự án sai phạm lớn của Việt Nam đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc…

Lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nhượng bộ hoặc "vướng vào" tham nhũng với phía Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant là hoàn toàn có lý do.

Nguyên nhân của tình trạng Việt Nam vướng sâu vào bẫy nợ Trung Quốc là do sự u mê về ý thức hệ, trình độ kiến thức quá thấp và tham nhũng tột cùng của quan chức Đảng cộng sản Việt Nam cùng tâm lý yếu kém, mong tựa vào đàn anh Trung Quốc.

Trong khi đó Trung Quốc lại là bậc thầy của nghệ thuật hối lộ và thao túng, bởi họ quá rành hiểu tâm lý giới lãnh đạo Việt Nam vì sự tương đồng của 2 thể chế độc tài cộng sản.

Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước vẫn áp dụng chủ thuyết độc tài cộng sản. Ở đây không có truyền thông và tự do ngôn luận, những tai họa bất ngờ cho người dân hai nước cũng từ đây mà ra và người chịu thiệt thòi nhất vẫn chỉ là nhân dân.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 23/02/2020

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 4