Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2020

Tham vọng Vành đai Con đường của Trung Quốc nguy cơ "đổ vỡ" vì virus

Thu Thủy

Kế hoạch Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc đang gặp phải một trở ngại bất ngờ từ virus corona vốn đang khiến các dự án xây dựng đường sắt, đường cao tốc và hải cảng khắp thế giới bị đình trệ

bri1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019

Xuất phát từ thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, dịch bệnh với tên gọi chính thức là Covid-19 đã lan truyền nhanh chóng kể từ khi được phát hiện vào tháng 12 ở nước này. Trung Quốc tới nay đã báo cáo tổng cộng 75.567 ca nhiễm virus với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm 2.239 trường hợp tử vong.
Những hạn chế du hành để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh đã làm trì trệ phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đình chỉ hoạt động của những dự án trọng điểm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhắm mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng việc phát triển hạ tầng và những khoản đầu tư khắp thế giới.

Công nhân Trung Quốc không thể đến được các dự án ở nước ngoài, và các nhà máy bị cắt đứt nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà họ cần để tiếp tục hoạt động.

Cơ quan hàng đầu của Trung Quốc đặc trách quản lí các công ty nhà nước hôm thứ Ba nói rằng dịch bệnh bùng phát đã gây ra "những khó khăn" đối với một số dự án và khoản đầu tư ở nước ngoài.

Ở một số nơi trên Vành đai và Con đường, tác động của coronavirus đã hiện rõ.

Hơn 133 nước đã áp đặt những hạn chế nhập cảnh lên công dân Trung Quốc hoặc những người từng đến Trung Quốc, theo Cục Quản lí Di dân Quốc gia của Trung Quốc.

Trung Quốc "đã liên lạc với các công ty nước ngoài, chủ sở hữu ở nước ngoài, và các chính phủ sớm nhất có thể để có được sự hỗ trợ và hiểu biết", Bành Thanh Hoa, Tổng bí thư của Ủy ban Giám sát và Quản lí Tài sản Nhà nước, cho biết.

Một điển hình trong số những dự án bị đình trệ là dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỉ đôla của Tập đoàn Quốc tế Đường sắt Trung Quốc ở Indonesia hiện đang hoạt động trong thế cầm cự, Reuters đưa tin.

Doanh nghiệp nhà nước này đã thành lập một đội đặc nhiệm để theo dõi sự lây lan của virus Covid-19 và kêu gọi tất cả các nhân viên Trung Quốc về quê vào dịp Tết Nguyên đán không trở lại Indonesia, một giám đốc điều hành cao cấp của công ty phát biểu với Reuters với điều kiện giấu tên, vì ông này không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Công ty đã ngăn hơn 100 nhân viên người Trung Quốc, chủ yếu là công nhân trình độ cao hoặc người quản lí, trở về làm việc ở dự án liên kết thủ đô Jakarta của Indonesia với trung tâm dệt may Bandung, cách nhau khoảng 140 km, vị giám đốc điều hành cho biết.

Tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville ở Campuchia, nơi được mệnh danh là "dự án nổi bật" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhân viên làm việc trong các nhà máy là dân địa phương nhưng họ lại không có phương tiện sản xuất vì lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, Reuters tường trình.

bri2

Cảnh vắng lặng chưa từng có tại chợ Bến Thành những ngày trong mùa dịch Corona

"Chúng tôi phải tập trung vào các phần ít hệ trọng hơn của dự án đường sắt cho đến khi một số người chủ chốt của chúng tôi quay trở lại làm việc", ông nói. "Chúng tôi khởi đầu năm 2020 không suôn sẻ chút nào. Dự án của chúng tôi đã bị chậm trễ và tai tiếng, và virus corona đem tới những thách thức còn lớn hơn nữa".

Virus corona chủng mới cũng bắt đầu làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho phép các công ty tiếp cận được các máy móc và cấu phần chính yếu.

Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một nhà quan sát kinh tế ở Texas, Mỹ, nói rằng sự chậm trễ này sẽ đề ra thách thức với các nước vay vốn để thi công các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ khi "tiền lãi nhà băng chồng chất" trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và thế giới bấp bênh.

Tuy nhiên ông nhận định dịch bệnh virus corona có thể là thách thức mang tính tạm thời và sẽ không khiến nhiều nước về lâu dài cân nhắc lại sự tham gia của họ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường vì quy mô và tính chiến lược của nó.

"Chương trình BRI trị giá 26.000 tỉ đôla kéo dài trong vòng 7 năm, 10 năm là con đường dài hạn", ông nói.

"Nhiều nhà máy ở Trung Quốc vẫn đóng cửa ; những nhà máy mở cửa thì không thể hoạt động hết công suất", Boyang Xue, một nhà phân tích Trung Quốc tại Ducker Frontier cho biết. "Vì nhiều dự án BRI có xu hướng lấy nguồn thiết bị và máy móc từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc, sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng sẽ gây ra sự chậm trễ hơn nữa".

bri3

2.500 lao động Công ty trách nhiệm hữu hạn JY Hà Nam đình công phản đối công ty chuẩn bị tiếp nhận lao động Trung Quốc trở lại làm việc vào cuối tháng 2 năm 2020

"Sở dĩ những quốc gia này muốn tham gia là vì họ muốn tìm lối thoát để tiến triển. Virus corona dù có ảnh hưởng nhiều hay ít thì cũng không làm thay đổi ý định của các nước này vì họ đã lựa chọn Trung Quốc để vay tiền mở rộng các phi trường để bành trướng buôn bán. Và họ cứ tiếp tục thôi".

Bangladesh thông báo trì hoãn một số dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc vận hành nhà máy điện than Payra, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu tháng 2.

Hơn 2.000 công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy và khoảng 40 phần trăm trong số họ đã về nhà vào kì nghỉ Tết Nguyên đán, truyền thông địa phương đưa tin. Hai mươi người được phép trở lại làm việc vào thứ Hai sau 14 ngày cách li.

Thách thức virus corona đối với các hợp đồng dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường xảy đến sau khi Trung Quốc vấp phải phản ứng của các nước vào năm 2018, khi các quan chức ở Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và các nơi khác chỉ trích các dự án ở đó là tốn kém và không cần thiết. Trung Quốc đã rút lại một số dự án sau khi vài nước có ý định duyệt lại, hủy hoặc giảm những cam kết, dẫn ra những lo ngại về chi phí, sự xói mòn chủ quyền, và tham nhũng.

Hiện nay ít nhất 8 nước đang gặp khó khăn đặc biệt do vấn đề nợ nần liên quan đến đại dự án BRI, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) vào hồi tháng 3/2018. Giới phê bình e ngại các khoản vay này có thể khiến một số quốc gia bị phụ thuộc vào Trung Quốc và chịu ảnh hưởng chính trị từ nước này.

Giải mã "bẫy nợ" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những nước có dòng tài chính đầu tư ra nước ngoài hàng đầu thế giới. Phần lớn số tiền chính thức mà Trung Quốc đưa ra nước ngoài được đầu tư cho các khoản vay trong các dự án về hạ tầng, năng lượng và liên lạc.

Các dự án nói trên nằm trong siêu dự án "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) – phương tiện chính của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển cả trong nội địa và ở hải ngoại. Thông qua các đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc muốn kết nối tốt hơn nữa với thế giới và gia tăng thương mại dọc theo con đường này. Năm năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch BRI, Trung Quốc đã chi khoảng 25 tỷ USD cho các dự án hạ tầng.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là các nước đi vay đã được hưởng lợi tới mức độ nào từ các khoản đầu tư này của Trung Quốc ?

Paul Haenle, cựu cố vấn chính phủ Mỹ và giám đốc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, tóm tắt các ý kiến phê bình : "Một số vị tin rằng Trung Quốc đang thực hành "ngoại giao bẫy nợ" thông qua BRI, khiến cho các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ, và nợ đó chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị".

Haenle giải thích thêm : "Mối quan ngại đặc biệt về hoạt động của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan, và Malaysia nằm ở tâm điểm các tranh cãi về bẫy nợ. Trung Quốc đã giành được quyền hoạt động trong 99 năm ở cảng Hambantota, miền nam Sri Lanka sau khi chi phí cho dự án này đội lên ngoài tầm kiểm soát, khiến Sri Lanka phải từ bỏ quyền kiểm soát đối với cảng này để được Trung Quốc cung cấp gói giải cứu".

Không còn là mới việc Trung Quốc cho các nước khác các sự lựa chọn khác ngoài việc thanh toán nếu các nước này không đủ điều kiện trả nợ cho họ. Hồi năm 2011, tin tức cho hay Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy 1.158 km2 lãnh thổ ở vùng tranh chấp giữa hai nước, theo báo cáo của CDG.
Vẫn theo Haenle, tranh cãi về chuyện bẫy nợ càng nổi bật hơn khi vào năm 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ 23 tỷ USD trong các dự án BRI.

Chính quyền Malaysia hiện tại nhận thấy một số dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước họ là bất thường. Thủ tướng Malaysia đang muốn hủy bỏ các dự án đó.

Hôm 13/8 Thủ tướng Malaysia Mahathir nói thẳng thừng với hãng tin AP của Mỹ rằng ông muốn hủy bỏ 3 dự án nhiều tỷ USD với Trung Quốc.

Trước đó, theo chỉ đạo của ông Mahathir, Bộ Tài chính Malaysia đã kêu gọi ngừng 3 dự án này. Cả 3 dự án, với tổng trị giá trên 22 tỷ USD, đều có sự tham gia của các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Ông Mahathir còn tuyên bố rằng nếu không thể hủy bỏ các dự án này, thì Malaysia ít nhất sẽ tiếp tục ngừng các dự án đó đến khi nào thực sự cần thì mới triển khai.

Hàng loạt thủy điện do Trung Quốc đầu tư trong kế hoạch Vành đai con đường của Trung Quốc có nguy cơ giết chết sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long của Việt nam.

bri4

Hàng loạt thủy điện của Trung Quốc chằng chịt ở thượng nguồn sông Mekong

Báo tuổi trẻ ngày 21/2 đưa tin Trung Quốc tuyên bố sẽ xả đập thủy điện trên sông Mekong, nhưng nước sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long. "Bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi", phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) nhận định.

Đến nay, Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện trải dọc sông Mekong. Lào và Campuchia định xây thêm hơn 10 đập, và không dừng lại ở đó.

Một báo cáo tại Campuchia hồi đầu tháng trước cho biết có 30 đập thủy điện hiện đang được xây dựng ở Lào và 7 đập ở Campuchia, chủ yếu được tài trợ bởi Trung Quốc.

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ gây khô hạn đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học cảnh báo việc xây dựng nhà máy thủy điện sẽ làm giảm 6,2% thủy lưu hàng tháng.

Việt Nam đang là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của các con đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đang để mặc cho người dân Đồng bằng sông Cửu long tự xoay sở.

Không những thế một công ty Việt Nam là Petro Vietnam Power Corporation là một bên tham gia xây đập Luang Prabangvới Lào. Con đập này sẽ cùng với nhiều con đập khác trên thượng nguồn góp phần "giết chết" Đồng bằng sông Cửu long ở Việt Nam.

Một báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam năm 2018 cho biết : "trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc".

bri5

Dự án 8.100 tỉ nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chỉ còn một đống rỉ sét

Báo chí Việt Nam gần đây đã nêu ra hàng loạt dự án thiếu hiệu quả dự kiến thua lỗ thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng, có liên quan đến đầu tư Trung Quốc, tiêu biểu là 4 dự án : Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng, Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Sai phạm tại dự án này cũng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, đã khiến ông Hoàng Trung Hải – đương kim Bí thư thành uỷ Hà Nội, Cựu phó thủ tướng đã bị chịu án kỷ luật.

Hầu như đa số các dự án sai phạm lớn của Việt Nam đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc…

Lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nhượng bộ hoặc "vướng vào" tham nhũng với phía Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant là hoàn toàn có lý do.

Nguyên nhân của tình trạng Việt Nam vướng sâu vào bẫy nợ Trung Quốc là do sự u mê về ý thức hệ, trình độ kiến thức quá thấp và tham nhũng tột cùng của quan chức Đảng cộng sản Việt Nam cùng tâm lý yếu kém, mong tựa vào đàn anh Trung Quốc.

Trong khi đó Trung Quốc lại là bậc thầy của nghệ thuật hối lộ và thao túng, bởi họ quá rành hiểu tâm lý giới lãnh đạo Việt Nam vì sự tương đồng của 2 thể chế độc tài cộng sản.

Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước vẫn áp dụng chủ thuyết độc tài cộng sản. Ở đây không có truyền thông và tự do ngôn luận, những tai họa bất ngờ cho người dân hai nước cũng từ đây mà ra và người chịu thiệt thòi nhất vẫn chỉ là nhân dân.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 23/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy
Read 802 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)