Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2020

Bài thơ nịnh thật hay nịnh... đểu ?

Nhiều tác giả

Sập bẫy ?

Thạch Đạt Lang, 23/02/2020

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng cũng như báo chí trong nước xôn xao bàn bạc về bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh, giáo viên trường trung học chuyên sâu Hùng Vương huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đăng trên báo Thanh Niên ngày 18/02/2020, sau đó thấy xuất hiện trên nhiều tờ báo khác.

Bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh, giáo viên trường trung học chuyên sâu Hùng Vương huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Youtube, 20/02/2020

Bài thơ đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao - dĩ nhiên, nhắc tới ông với lời lẽ trân trọng, không đánh giá cao, coi sao được ? - và gửi lời cám ơn. Lạ một điều là chỉ 2 ngày sau, các báo đăng tải bài thơ cùng với văn bản khen ngợi của Nguyễn Xuân Phúc đã đồng loạt rút bài thơ xuống. Ngộ thiệt.

Nội dung của bài thơ nói trên diễn tả về tình hình, khí thế mãnh liệt, đồng bộ chống dịch cúm Vũ Hán (Covid-19) ở Việt Nam. Báo chí, truyền thông, truyền hình lề phải cũng như lề trái đã nói rất nhiều về con vi khuẩn quái ác này về đủ mọi phương diện, do đó không lập lại ở đây, chỉ bàn đến khía cạnh xã hội cùng những tác động của bài thơ trong suy nghĩ của người đọc.

Nếu không giữ được điềm đạm, người đọc ít ai có "can đảm" và đủ "nội công" đọc cho hết bài Đất nước ở trong tim mà không buông tiếng chửi thề. Người bình tĩnh "nhân văn" nhất chắc chắn cũng phải thở dài, bởi ngay từ những câu đầu, chất thơ của Tố Hữu đã thoang thoảng bốc mùi... ngập ngụa.

Tuy nhiên, cho dù có bực mình, khinh bỉ, chán ghét…, không ai có thể phủ nhận bài thơ với những ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, mộc mạc, chân thành, cô giáo Thanh đã dùng để diễn tả tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình một cách sống động, hình tượng nhất, xứng đáng là học trò ngoan, giỏi, xuất sắc của các "thi sĩ" Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Phải chăng cô giáo Thanh là "hậu duệ" của cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Bắc, một thời nổi tiếng nhờ nâng bi "Bác" ?

Dù thương, thông cảm hay ghét bỏ, khinh khi, không ai có thể phủ nhận rằng cô giáo Thanh đã được chân truyền về khả năng nâng bi lãnh đạo, đồng thời đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật và kỹ thuật giáo dục học đường... một cách "chuyên, sâu". Với công trạng, thành tích này, cô giáo Thanh đã được huyện Ia Lai khen thưởng đột xuất.

Vậy lý do nào bài thơ vừa được báo lề phải khen nức nở, khen tới tấp, khen tá lả, được thủ tướng Phúc gửi giấy khen, đột nhiên đồng loạt bị rút xuống không kèn không trống, không thông báo lý do, hoàn toàn biến mất không còn thấy trên mặt báo chỉ, trừ tờ Thanh Niên trong vòng 2 ngày ?

Phải chăng cơ quan tình báo của Đảng cộng sản Việt Nam hay ban tuyên giáo, bộ thông tin và truyền thông bất ngờ khám phá ra âm mưu thâm độc của tác giả trong bài thơ nhằm nhạo báng, mỉa mai, phê phán, chửi xéo chế độ, đảng và cá nhân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài thơ Đất nước ở trong tim ?

Đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui, đọc xuôi đọc ngược, đọc trước đọc sau... tổng cộng "bốn lần" bài thơ của cô giáo Thanh, người viết vẫn không nhận ra có điều gì bất thường, cao siêu, khó hiểu, mang tính ẩn dụ trong từng con chữ, câu cú hàm ý chê bai, xỏ xiên đảng, chế độ hay cá nhân ông thủ tướng 63 cái đầu tầu Ma-Dê In Cờ Lờ Vờ Mờ.

Suy nghĩ đến tận cùng "sâu thẳm, hun hút" của bài thơ, người viết thấy chỉ có thể có 2 lý do khiến cô giáo Thanh sáng tác bài thơ gây bão... chửi này. Lý do thứ nhất là cô Thanh muốn nổi tiếng, chơi bạo lấy tiếng... ngu, lý do thứ hai là muốn mượn bài thơ để cạnh khóe chế độ, lãnh đạo đảng, chính quyền cộng sản Việt Nam.

Có người suy luận, cho rằng báo chí, truyền thông lề đảng hấp tấp rút bài thơ của cô giáo Thanh xuống vì bị hớ khi khám phá ra rằng lời lẽ trong bài Đất nước ở trong tim đã lấy ý, từ, âm điệu trong bài thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh ? của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh như chất liệu sống, rồi "xào, nấu" cho chín... qua mắt chế độ và kiểm duyệt.


Đất nước mình ngộ quá phải không anh ? Thơ : Trần Thị Lam - Trình bày : Ngô Tín & Erlinda

Sự suy luận này không phải là vô lý, bởi bất cứ ai giữ cái đầu cho thật lạnh, chậm rãi, bình tâm đọc kỹ từng câu, chữ cô giáo Thanh dùng, sẽ thấy tất cả những gì diễn tả trong bài thơ hoàn toàn mâu thuẫn đi ngược lại với thực trạng đất nước.

Nếu bài thơ được làm cách đây 60-70 năm hoặc bệnh dịch xẩy ra vào thời Cải cách ruộng đất thập niên 50, khi truyền thông, báo chí ở Việt Nam còn thô sơ, tin tức bị giới hạn, loan truyền chậm chạp, dễ bị bóp méo, thao túng vì chưa có radio, TV, mạng xã hội... bài thơ chắc chắn sẽ có tác dụng khác.

Đã kích, phê phán cách hành xử của chế độ, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời chỉ trích sự thờ ơ, vô cảm, mất cảnh giác, xem thường sinh mạng mình lẫn sinh mạng người khác trước cơn đại dịch cúm Vũ Hán của người dân Việt Nam bằng những lời ca ngợi, sáo rỗng trong thời đại thông tin bùng nổ, thật không còn gì thâm thúy, hiệu quả hơn.

Phải chăng vì khao khát nâng bi, kiếm điểm với chế độ, lãnh đạo, cả hệ thống truyền thông, tuyên giáo với hơn 700 tờ báo giấy lẫn báo mạng đã bị sập bẫy, một cái bẫy thật đơn giản không hề ngụy trang, che giấu ? Một cái bẫy mà chính người làm ra nó cũng không nghĩ đó là cái bẫy.

Thạch Đạt Lang

(23/02/2020)

*******************

Thơ là nịnh hay thì thầm ?

Hữu Minh, VNTB, 22/02/2020

Chợt nhớ đến cố nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Người có những bài thơ mà trong thời kỳ đó chỉ dám ‘thầm thì không dám nói to’. Dù vậy, ông khẳng khái tuyên ngôn cốt lõi thi ca, mà đến nay không có nhiều người theo đuổi được, cả người sáng tác lẫn người nghe.

baitho2

Bảng khen cô giáo Chu Ngọc Thanh, giáo viên trường trung học chuyên sâu Hùng Vương huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Một bài thơ ca ngợi đảng, chính phủ đã chống dịch quyết liệt, nhưng không kém phần nhân văn.

Bài thơ theo vần, và trong niềm hân hoan nên đôi chỗ phản ánh không đúng sự thật.

Nếu như bài thơ ra đời trong bối cảnh Việt Nam chưa có internet, thì bài thơ có thể nghiễm nhiên được xưng tụng, hân hoan, thậm chí có thể được nằm trong sách giáo khoa.

Thế nhưng ở cái thời đại mà internet giải thiêng thông tin tuyên truyền, thì đó là một vết nhơ.

Không thể trách cô giáo Chu Ngọc Thanh. Bởi cô giáo có quyền được biểu lộ cảm xúc, đến mức thậm xưng của mình. Trách ở đây là Chính phủ có vẻ ‘dễ dãi’ trong lời khen tặng, và ông Chủ tịch huyện Iagrai ‘nhanh nhảu’ quá đáng trong vấn đề khen tặng.

Sự kiện ‘bài thơ’ chống dịch khiến không ít người cảm thấy xu nịnh đặc quánh. Cái thứ dễ dàng khiến cho một môi trường bao phủ bởi sự giả dối và vun trồng lớp người ươn hèn. Ninh nọt, gian dối, bợ đỡ, xưng tụng quá mức đã và đang tiếp tục bào mòn chính danh, minh bạch, ngay thẳng của xã hội.

Một xã hội mà xu nịnh trở thành xu thế, còn ngay thẳng thì bị áp tội ‘an ninh quốc gia’.

Facebooker Trần Đức Anh Sơn ngao ngán bày tỏ trên trang cá nhân của mình.

"Chính phủ rất công bằng : ai khen Chính phủ, dù là khen nịnh, thì được khen thưởng ngay ; còn ai chê Chính phủ, dù là chê đúng, thì bị trị liền : nhẹ thì bị phê bình, kiểm điểm hay xử phạt hành chính ; nặng thì có thể vướng vòng lao lý. Sòng phẳng đến thế là cùng !"

Nhiều người như ông Anh Sơn, họ thèm khát được ‘nói thẳng, nhìn thẳng vào sự thật’. Họ đã quá chán ngán đến mức nôn mửa những bài thơ văn đậm chất tuyên truyền, xưng tụng. Họ cảm giác nhân cách của con người đang bị gặm mòn trong một xã hội như thế, và bằng cách đó đã khiến con người trở thành ương hèn hơn. Không ai còn dám nói thật, chỉ có những kẻ mặt dày hoan hỉ tâng bốc nhau. Xu nịnh được bằng khen, còn sự thật bị theo dõi, nghe lén.

"Trung ngôn nghịch nhĩ", rường cột cho thịnh vượng quốc gia, hợp với thời đại đa chiều bị bạc đãi không thương tiếc.

Lại nhớ, tháng Tư năm 2018, BBC tiếng Việt đăng tải bài viết rằng, những kẻ độc tài thường thích thơ ca.

"Có vẻ ngược ngạo khi thơ cũng có thể được dùng để ca ngợi sự tàn bạo và là loại hình nghệ thuật được các nhà độc tài ưa thích".

Stalin, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông,… không bao giờ vắng mặt trong danh sách ‘yêu thơ’.

Chợt nhớ đến cố nhà văn, nhà thơ, nàh biên kịch Lưu Quang Vũ. Người có những bài thơ mà trong thời kỳ đó chỉ dám ‘thầm thì không dám nói to’. Dù vậy, ông khẳng khái tuyên ngôn cốt lõi thi ca, mà đến nay không có nhiều người theo đuổi được, cả người sáng tác lẫn người nghe.

"Như tình yêu thơ đã sinh ra

Không phải vì tiền nhuận bút

Không sợ ngục tù bạo lực

Dù khổ sở dù phiền hà

Thơ không bao giờ câm lặng

Như nhịp đập của trái tim trung thực".

Hữu Minh

Nguồn : VNTB, 22/02/2020

********************

Hãy hành xử theo pháp luật

Triệu Tử Long, VNTB, 22/02/2020

"Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ" – Trích điều 8.1, Hiến pháp 2013.

Cần khởi tố hình sự tác giả bài thơ "Đất nước ở trong tim"

Lý do khởi tố : Điều 16 của Luật An ninh mạng cấm việc thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

baitho3

Bài thơ của tác giả Chu Ngọc Thanh có những chi tiết sai trầm trọng, ảnh hưởng đến cấp cao nhất trong chính phủ, nhưng lại được khen tặng, là điều cần được làm rõ qua việc cần thiết thực hiện với trình tự của tố tụng hình sự.

Trong bài thơ "Đất nước ở trong tim", tác giả Chu Ngọc Thanh có hai khổ thơ nội dung cho thấy hành vi của bịa đặt, khả năng dẫn tới sự suy diễn làm xấu đi hình ảnh về lợi ích hợp pháp của tổ chức quân đội và cá nhân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :

"Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

Với con tàu đang khóc giữa đại dương

Mình mở cửa đón họ vào bến cảng

Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn

Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ".

Thứ nhứt, việc bảo hộ công dân giữa tâm dịch Covid-19 đã được báo chí Việt Nam thông tin rộng rãi, không có việc các công dân này phải chịu sự cách ly trong doanh trại quân đội, và người lính phải buộc vào rừng để chịu nắng dầm sương vì vấn đề cách ly đó (1).

Thứ hai, Việt Nam không có đón tàu biển nào liên quan đến dịch virus corona. Ở trường hợp như xảy ra tại Quảng Ninh, thì đó là một quyết định từ chối đón du thuyền cập cảng ở mùa dịch (2).

Hậu quả mà bài thơ "Đất nước ở trong tim" của tác giả Chu Ngọc Thanh gây ra đã có, với làn sóng phản đối, mỉa mai, phê phán Văn phòng Chính phủ đã soạn một văn thư thông báo về lời khen tặng của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến tác giả bài thơ, trong đó có đoạn dễ tạo sự ngộ nhận về khả năng ‘đọc – hiểu’ của cá nhân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :

"Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc và thấy rằng bài thơ phản ánh đúng thực trạng phòng, chống dịch Covid-19 của đất nước ; thể hiện được niềm tin và tinh thần yêu nước nồng nàn ; có ý nghĩa vận động toàn xã hội (trong học tập và sinh hoạt) cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo và triển khai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn cô giáo Chu Ngọc Thanh về bài thơ nói trên" – Trích văn thư số 1264/VPCP-KGVX, ngày 19/2/2020, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Sỹ Hiệp ký.

Lưu ý, thời gian gần đây, báo chí đưa tin hàng loạt người dùng Facebook bị phạt tiền vì tung tin giả về dịch Covid-19. Những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng hay Cát Phượng cũng chịu phạt về hành vi lan truyền tin tức giả. Trong bối cảnh đó, bài thơ của tác giả Chu Ngọc Thanh có những chi tiết sai trầm trọng, ảnh hưởng đến cấp cao nhất trong chính phủ, nhưng lại được khen tặng, là điều cần được làm rõ qua việc cần thiết thực hiện với trình tự của tố tụng hình sự.

Người dân được làm những gì pháp luật không cấm

Tin tức trên báo chí cho biết, ông Phan Văn Thiết – trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn, Nghệ An – xác nhận ông vừa ký thông báo kỷ luật công chức, viên chức, trong đó có hai thầy cô liên quan vụ học sinh đeo khẩu trang… bằng giấy phòng dịch Covid-19

Theo đó, thông báo do ông Thiết ký ngày 19/2 cho rằng trong thời điểm cả nước đang ra sức dành mọi nguồn lực để phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra thì ngày 6/2, bà L.T.P. (34 tuổi, cán bộ thiết bị, thư viện, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh) chụp và đăng ảnh học sinh lớp 6B của trường mình đeo khẩu trang bằng giấy lên Facebook, gây ra hình ảnh phản cảm.

Sự việc theo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn "làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành và trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn và ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo", thông báo nêu. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cũng đã có ý kiến nhắc nhở, phê bình Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn. Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh đã họp và nhất trí phê bình nhắc nhở bà L.T.P..

Ngoài ra, liên đới đến trách nhiệm về sự việc trên, hội đồng kỷ luật Phòng Giáo dục và đào tạo Kỳ Sơn cũng thống nhất phê bình, nhắc nhở ông Nguyễn Quế Trường – hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh. "Đây không phải là hình thức kỷ luật của phòng. Chúng tôi căn cứ trên hồ sơ, biên bản của nhà trường để đưa ra hình thức phê bình, nhắc nhở các thầy cô liên quan đến sự việc", ông Thiết nói.

Tất cả tình tiết như nói trên cho thấy rất rõ đã vi phạm vào điều 8.1, Hiến pháp 2013 : "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ".

Việc cô giáo ở Nghệ An đăng lên facebook hình học trò mình phải đeo khẩu trang giấy tự làm thì sai cái gì ? Tại sao phải phê bình cô ấy ? Pháp luật liên quan, bao gồm cả Luật An ninh mạng, điều chỉnh ra sao về những hành vi đó ? Có hay không trường lớp dư thừa khẩu trang mà cô giáo vẫn đăng hình này lên để ‘xuyên tạc’ ?

Ai cũng biết là ngay sau khi Việt Nam công bố dịch virus corona thì thị trường hút hàng, và sau đó là không còn bán rộng rãi mặt hàng khẩu trang y tế cho người dân mua về sử dụng theo như khuyến cáo của ngành y tế.

Từ trường hợp của tác giả Chu Ngọc Thanh với bài thơ "Đất nước ở trong tim", cho tới vụ hình ảnh về khẩu trang làm bằng giấy tập học trò ở trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh, cho thấy tất cả quan chức trong bộ máy công quyền cần phải biết luôn hành xử theo pháp luật.

Người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Đó cũng chính là cách hiểu về nhân quyền thật dung dị mà mọi người được thụ hưởng theo Hiến định.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 22/02/2020

(1) https://baoquocte.vn/tham-tan-dsq-viet-nam-tai-trung-quoc-thong-tin-ve-bao-ho-cong-dan-giua-tam-dich-Covid-19-109991.html ;

https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-thong-tin-ve-cong-dan-viet-nam-tai-cac-vung-dich-Covid-19-109946.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quang-ninh-tu-choi-cho-du-thuyen-aida-vita-hon-1-000-khach-cap-cang-616155.html

****************

Báo nhà nước rút bài "Thủ tướng khen bài thơ ca ngợi Việt Nam trong dịch Covid-19"

RFA, 21/02/2020

Hôm 21/2, một loạt các trang báo trong nước đã rút tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ của một cô giáo về cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, mà không đưa ra lý do vì sao lại rút tin này.

baitho1

Hình minh họa. Nhân viên y tế phun phòng dịch ở Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới tại Hà Nội (trái) và bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh (phải) - AFP, edited by RFA

Trước đó, vào ngày 20/2, báo chí nhà nước đồng loạt loan tin Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ sự cảm ơn và khen ngợi bài thơ "Đất nước ở trong tim" của giáo viên Chu Ngọc Thanh ca ngợi Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc và thấy rằng bài thơ đã phản ánh đúng thực trạng phòng chống dịch Covid-19 của đất nước, thể hiện được niềm tin và tinh thần yêu nước nồng nàn" - văn bản nêu.

Trước đó, bài thơ "Đất nước ở trong tim" nhại lại bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" của cô giáo Lam hồi Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường 4 tỉnh miền Trung được đăng trên các diễn đàn Facebook và sau đó được báo Thanh Niên đăng lại ngày 18/2.

Tuy nhiên trong bài thơ này lại có các thông tin sai, giả mạo từng được các trang Facebook thân chính phủ rao giảng để ca ngợi cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là 2 khổ thơ :

"Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương

Mình mở cửa đón họ vào bến cảng

Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn

Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ".

Việc "bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi" để dành doanh trại cho những người phải cách ly khi trở về từ vùng dịch là thông tin sai, khi hiện nay chính các tờ báo nhà nước không có bất kỳ bài báo nào về việc này.

Chỉ có việc bộ đội biên phòng căng lều ở rừng để chống những người nhập cư lậu từ vùng dịch Trung Quốc trở về.

Trong "tâm thư" của cô giáo Chu Ngọc Thanh, tác giả bài thơ trên được mạng báo VTC đăng tải có đoạn :

"Trong lúc các nước Nhật Bản, Đài Loan và Philipnes từ chối, cấm không cho Du thuyền MS Wesrerdam cập cảng dù đã thỏa thuận từ trước vì sợ sự lây truyền nCoV thì khi con tàu du lịch Diamond Princess Nhật Bản chở 3.700 hành khách, trong đó 61 người nhiễm virus corona, chính phủ ta vẫn cho họ được cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) và Hạ Long (Quảng Ninh), bởi sợ nhỡ đâu họ sẽ gặp phải sóng to gió lớn giữa đại dương mù mịt".

Đây cũng rõ ràng là một thông tin sai vì du thuyền Diamond Princess hoàn toàn không bị nước nào từ chối trong thời gian cập cảng Việt Nam để đi du lịch.

Tàu Diamond Princess ghé 2 cảng Việt Nam là Chân Mây và Hạ Long vào 2 ngày 27 và 28/1 và khi đó vẫn chưa phát hiện ca dương tính với nCoV nào.

Con tàu này sau đó tiếp tục hải trình bình thường tới Đài Loan và sau đó là Nhật Bản trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở cảng Yokohama vào ngày 3/2 dẫn đến việc con tàu bị cách ly hoàn toàn.

Nguồn : RFA, 21/02/2020

*********************

Khi "Đất nước" không thể im lặng

Cánh Cò, RFA, 21/02/2020

Bài thơ "Đất nước ở trong tim" về dịch covid-19 viết cho học trò của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, Gia Lai khiến cộng đồng mạng một lần nữa dậy sóng như khi bài thơ "Đất nước mình lạ quá phải không anh ?" của cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên Trường Chuyên Hà Tĩnh xuất hiện váo tháng 4 năm 2016.

baitho4

Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh - AFP, Facebook, edited by RFA

Thời gian chỉ mới bốn năm nên người ta chưa thể quên được bài thơ của cô giáo Lam bởi tính chất thời sự lẫn hiện thực xã hội của nó, vì vậy khi bài thơ "Đất nước ở trong tim" của cô giáo Chu Ngọc Thanh xuất hiện ngay lập tức trở nên ầm ĩ và người ta bắt đầu soi từng dấu chấm phẩy của bài thơ để truy tìm căn nguyên tại sao nó lại giống đến "nao lòng" bài thơ của cô giáo Lam đến thế.

Ngay tựa bài thơ hai chữ "đất nước’ đã phần nào nói lên ý định của cô giáo Thanh. Cô Thanh muốn nhấn mạnh đến toàn thể dân chúng Việt Nam cũng như cô giáo Lam từng làm. Có điều đất nước mà cô Thanh miêu tả hình như thiếu chân thật, trong đó chỉ có những hình ảnh cô Thanh tự ý thêm vào nhằm đánh bóng, tô son cho hình tượng lãnh đạo, cái mà cô giáo Lam không chấp nhận trong bài thơ của cô. Hai chữ "đất nước" tuy giống nhau nhưng người đọc thơ nhanh chóng nhận ra một điều không phải cứ giống nhau là hay như nhau.

Bởi cô giáo Lam khẳng định một điều mà ai cũng thấy đó là :

"Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…".

Trong khi đó gần như ngược lại cô giáo Thanh khẳng định :

"Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em

Nhưng làm được những điều phi thường lắm".

Điều mà cô Thanh gọi là phi thường được chính cô đem các hoạt động chống dịch covid-19 mà người dân cả nước đang cố gắng đối phó. Một trong những vết son mà cô nhấn mạnh là Việt Nam tuy đang thiếu trầm trọng khẩu trang cũng như các vật liệu y tế chống dịch khác nhưng vẫn hào phóng đối với người bạn vàng Trung Quốc, cô viết :

"Với người láng giềng đang lúc lâm nguy

Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế

Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể

Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn".

Chưa thấy thỏa mãn với lòng tự hào dân tộc đang bùng nổ trong lòng, cô không ngần ngại…tưởng tượng thêm những chi tiết không hề có, cô viết :

"Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường".

Hai câu đầu thì đúng nhưng hai câu sau thì cô Thanh đã bước một chân vào vùng thơ của Tố Hữu.

Nguy hiểm hơn, cô giáo Thanh còn lầm lẫn vị trí địa lý của thế giới khi cô nhầm Cambodia là phần đất của Việt Nam bởi cô hí hửng viết những câu thơ xúc phạm tới người láng giềng của đất nước :

"Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương

Mình mở cửa đón họ vào bến cảng

Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn

Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ".

Cô giáo Thanh quên mất chính Cambodia mới là nước đón chiếc du thuyền kia vào nước của họ.

Có lẽ nếu chỉ bấy nhiêu thì người dân không đến nỗi ném đá vào đầy nhà cô giáo, cái làm cho người ta giận dữ khi đọc được mấy câu này :

"Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa

Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại".

Người dân thì nhíu mày trợn mắt vì cái "hồn vía" của bài thơ nhưng người trong cuộc là ông Thủ tướng lại như mở cờ trong bụng. Ông cảm thấy trở thành vĩ đại và vì vậy ra lệnh viết một công văn khen tặng bài thơ của cô giáo Thanh với lời lẽ hết sức nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa khá nhiều kiêu hãnh. Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp thay mặt Thủ tướng ký giấy ghi nhận bài thơ ca ngợi chính quyền dập dịch trong đó có câu "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh bài thơ trên".

Chính cái công văn quái ác này đã mang bài thơ của cô giáo Thanh bay vào sọt rác. Công bằng mà nói nếu nó âm thầm lưu hành đâu đó thì người ta ít để ý đến, có chăng chỉ cho là một bài thơ nâng bi bình thường như hằng hà sa số các bài thơ nâng bi khác của chế độ từ xưa tới nay. Giống như nhà nước cố gắng nuôi sống thơ của Tố Hữu trong văn học cách mạng với hàng chục bài thơ nhưng người ta chỉ chú ý và lưu truyền những dòng thơ gây "đỏ mặt" nhất của ông mà thôi. Đó là những câu thơ như :

"yêu biết mấy, nghe con tâp nói

tiếng đầu lòng con gọi Stalin"

hay

"thương cha, thương Mẹ, thương chồng

thương mình thương một, thương Ông thương mười"

Chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp biến cô giáo Chu Ngọc Thanh trở thành một Tố Hữu thứ hai, tuy tài nghệ non hơn nhưng tiềm năng thì có thừa. Trong một lúc cao hứng ông Thủ tướng tưởng mình đang ngồi bình thơ với các quan lại trong triều và sẵn tiện phê một chữ son vào bài thơ khen mình. Nhưng ngỡ ngàng quá, công dân mạng không phải là tiện dân như thời phong kiến, họ châm chọc, dẻ bỉu, sỉ vả có người còn làm thơ trào phúng diễu nhại một cách thâm thúy. Hàng trăm hàng ngàn câu comment trên mạng xã hội cho thấy người dân đã chán ngán cái cung cách mà nhà nước cách mạng chuyên chính áp dụng từ 50 năm về trước.

baitho5

Công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt lời khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới cô giáo Chu Ngọc Thanh Courtesy of FB

Nhà nước luôn khẳng định rằng sách vở, báo chí, truyền thông do họ kiểm soát nên bất cứ chuyện gì họ cũng có thể đối phó một cách rốt ráo. Nhưng qua câu chuyện thơ vừa nêu nhà nước đã lầm và cách mà họ giải quyết là rút hẳn quyết định khen thưởng cô giáo Thanh xuống khỏi mọi tờ báo đã đăng tải. Tiếc một điều facebook vẫn còn giữ lại và người dân lại có dịp cười thêm vào mặt những kẻ háo danh nhưng đần độn.

Thủ tướng không đần độn nhưng ông tỏ ra rất háo danh. Người tư vấn bài thơ cho ông tuy không háo danh vì không ai biết tới mình nhưng đần độn thì lại có thừa. Chỉ có đần độn mới xúi Thủ tướng viết những lời "chim chóc" vào lịch sử của những bài thơ nổi tiếng vì nịnh.

Đất nước hôm nay không còn im lặng như cái thời mà Nhân Văn Giai Phẩm bị trù dập đầy oan khuất. Đất nước cũng không thể im lặng khi nghe những tài năng nịnh nọt nhân danh đất nước mà đem nhân phẩm đặt dưới chân một ông thần cách mạng nào đó, đất nước càng không thể im lặng để một cô giáo làm nên những câu thơ giả dối đầu độc thế hệ tương lai.

Đừng dựa vào đất nước nữa hỡi các nhà thơ không thể đi trên chính đôi chân của mình.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 21/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Đạt Lang, RFA tiếng Việt, Hữu Minh, Trần Dzạ Dzũng
Read 1449 times

1 comment

  • Comment Link chim cò lundi, 24 février 2020 06:26 posted by chim cò

    "yêu biết mấy, nghe con tâp nói

    tiếng đầu lòng con gọi Shit Stalin"

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)