Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/03/2020

Điểm báo Pháp - Bắc Triều Tiên và dịch bệnh coronavirus

RFI tiếng Việt

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un trước mối đe dọa vô hình virus corona

Virus corona là con siêu vi dân chủ ? Thế giới người lo chống dịch, kẻ sợ tác động chính trị. Putin đưa Chúa Trời vào Hiến pháp Nga. Châu Âu đối phó áp lực bắt chẹt của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những chủ đề nóng của báo chí Pháp hôm nay.

kim1

Tẩy rửa diệt trùng tại một cửa hàng ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 28/02/2020 Mandatory credit Kyodo/via Reuters

Chống dịch như chống khủng hoảng tài chính

Virus corona chủng mới đe dọa kinh tế toàn cầu. Nguy cơ suy thoái tăng theo tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại Châu Á và Châu Âu. Kinh tế Pháp có thể bị tác hại nhiều hơn là dự báo, bộ trưởng kinh tế Pháp nhìn nhận. Các chính phủ và ngân hàng quốc gia huy động các biện pháp đối phó. Những tựa lớn của Le Monde mang màu sắc thế giới chuẩn bị chiến tranh chống dịch phát xuất từ Hoa lục.

Đối phó như thế nào ? Theo Les Echos, không khí ở các định chế tài chính sôi động như đang chữa cháy : Ngân hàng liên bang Mỹ giảm lãi suất chỉ đạo. Châu Âu bàn thảo kế hoạch kích cầu. Tuy nhiên, trở lực lớn vẫn là Trung Quốc : Bắc Kinh liên tiếp tung ra các biện pháp kích cầu từ bơm 200 tỷ đô la vào thị trường, giảm thuế doanh nghiệp nhưng hiệu quả rất chậm.

Tạp trung vào tình hình chống dịch tại Pháp, bốn trang báo của Libération gửi đến độc giả các biện pháp chuẩn bị giai đoạn ba : trưng dụng các nhà máy sản xuất khẩu trang, phân công các bệnh viện, từng bước thi hành để tránh tình trạng quá tải và gây hoảng hốt…

Dịch Covid-19 : siêu vi dân chủ, không chừa một ai

Với góc nhìn xã hội, La Croix đưa lên trang nhất tựa đậm : Đối phó với khủng hoảng siêu vi, các nền dân chủ hành động ra sao ? Theo nhật báo công giáo, dịch Covid-19 làm chao đảo xã hội, bắt buộc các chính phủ phải hòa hợp giữa hai nhu cầu : đó là có các biện pháp hiệu quả nhưng không được vi phạm các quyền tự do. Để tạo được lòng tin trong dân chúng, chế độ dân chủ dựa lên sự minh bạch và các thế lực đối trọng. Cụ thể là chính quyền lo phần bảo vệ trật tự còn thẩm phán thì bảo vệ các quyền tự do của người dân.

Thế còn những chế độ bị cô lập, như Iran, thì sao ?

Tại Iran, bản chất chểnh mảng của chế độ góp phần cho dịch lây lan đến cả thành phần lãnh đạo.

Nhận định thẳng thắn của Le Monde là tựa của bài báo phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của chính quyền Iran trước một thảm họa y tế đã lan đến đất nước. Vì để "cứu" cuộc bầu cử Quốc hội và kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo trong tháng Hai mà từ tổng thống cho đến giáo chủ cáo buộc Mỹ "tung tin giả để phá hoại". Thế nhưng lần lượt kẻ trước người sau, 15 quan chức trong guồng máy chính quyền ngã bệnh, trong đó có phó tổng thống Masoumeh Ebtekar và 5 người chết, đáng chú ý nhất là Mohammed Mirmohammad, thành viên Hội đồng cố vấn của Giáo chủ Ayatollah Khamenei. Thái độ vô trách nhiệm của chính quyền Iran bị giới y tế tố cáo : một bác sĩ Iran cho biết, thống kê 523 ca lây nhiễm công bố chính thức hôm thứ Hai không có danh sách số bệnh nhân tại bệnh viện nơi ông làm việc. Toàn bộ lãnh thổ Iran bị dịch lây lan. Vì nhu cầu chính trị "không tuyên bố có Covid-19 trước ngày bầu cử 21/02". Một sinh viên nội trú cho biết nhận được chỉ thị từ "bên trên" ban xuống mọi cấp trong ngành y tế. Khẩu trang cũng bị cấm dùng.

Theo các bác sĩ Iran, lẽ ra phải "phong tỏa thánh địa Qom ngay từ ngày đầu khi phát hiện nơi này là tâm dịch" nhưng vì giới giáo sĩ phản đối làm chậm thi hành các biện pháp phòng chống đến 10 ngày, 10 ngày quý báu.

Số liệu của Nhà nước cũng bị các dân biểu châm chọc là "trò đùa" bởi vì bệnh viện trên toàn quốc đều bị quá tải. Vào thời điểm mà Bộ y tế Iran đưa con số 43 trường hợp, một nghiên cứu của đại học y khoa Toronto, dựa trên số ca lây nhiễm từ Iran qua Canada trong ba ngày từ 19 đến 23/02, cho biết phải có ít nhất 18.000 bệnh nhân ở Iran.

Ngày 25/02/2020, tổng thống Hassan Rohani còn khẳng định chỉ trong vòng một tuần, dịch virus corona sẽ biến mất.

Cuối cùng Iran phải nhìn nhận bị dịch nghiêm trọng và chấp nhận viện trợ.

Kim Jong-un và mối đe dọa vô hình

Tại Bắc Triều Tiên, chế độ khép kín khẳng định không có ai bị nhiễm bệnh nhưng báo đảng Rodong nhìn nhận khoảng "7.000 người có triệu chứng đáng ngờ đang được theo dõi". Đối nội, bị dịch Covid-19 đe dọa, đối ngoại, Bình Nhưỡng phô trương cơ bắp. Le Figaro phân tích vì sao nhà độc tài Kim Jong-un lo sợ.

Mũ nỉ, mặt đằng đằng sát khí, Kim Jong-un là người duy nhất không đeo khẩu trang trong bức ảnh thị sát một cuộc "tác xạ đại pháo tầm xa" theo bản tin của KCNA mà Le Figaro dùng để minh họa cho hành động phô trương sức mạnh của Bắc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo một ngày trước. Trong bối cảnh Nam Hàn vất vả chống dịch Coronavirus, tổng thống Moon Jae-in, người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng bị phe bảo thủ công kích thì tại sao Bắc Triều Tiên khiêu khích Seoul ? Theo nhật báo thiên hữu, nhà độc tài Kim Jong-un phô trương cơ bắp với bên ngoài trong lúc bản thân chế độ bị dịch Covid-19 đe dọa. Báo chí chính thức không còn im lặng 100% như trong các vụ thiên tai hay dịch bệnh trước đây. Đích thân Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị để tổ chức chống dịch. Chính thức, Bắc Triều Tiên khẳng định không có người bệnh nhưng "có 7.000 người" đang được theo dõi sức khỏe. Thông tin "giấu đầu lòi đuôi" này của báo đảng Rodong cho phép suy đoán thực tế rất nghiêm trọng. Một nguồn tin tình báo cho biết "có hàng chục người bị nhiễm".

Thật ra Bình Nhưỡng không xem nhẹ nguy cơ này. Từ tháng Giêng, Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cách ly 380 nhân viên ngoại giao quốc tế trong suốt 30 ngày tại Bình Nhưỡng. Theo một nguồn tin thiện nguyện, biện pháp đóng cửa biên giới đã từng được ban hành tại Bắc Triều Tiên lúc xảy ra dịch Ebola ở Châu Phi và viêm phổi Mers ở Saudi Arabia. Bởi vì cơ thể người dân Bắc Triều Tiên, do thiếu ăn, nên rất yếu ớt trước sự tấn công của các loại siêu vi : "Dịch lây lan sẽ là một đại họa, với tỷ lệ tử vong cao hơn Trung Quốc, như dịch cúm xảy ra trong một nhà dưỡng lão". Báo chí chính thức cũng nói nhiều về chiến dịch tẩy trùng… chứng tỏ chính quyền ngồi không yên. Lee Min-young, một nhà phân tích ở Seoul dự báo : "Nếu dịch bệnh vượt tầm kiểm soát thì sẽ là một đòn đau cho ông Kim, có thể làm hỏng các mục tiêu chính trị và ngoại giao".

Virus corona là một "siêu vi dân chủ" vì nó không chừa một ai, kể cả gia đình họ Kim và các lãnh đạo khác.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một chế độ khép kín và thường xuyên bị cô lập, Bình Nhưỡng vẫn có thể huy động an ninh để theo dõi dân chúng và cách ly tập thể dân chúng.

Trong bối cảnh này, vụ thử tên lửa chỉ là động thái tuyên truyền đánh lạc hướng nhằm chứng tỏ dịch Covid-19 không làm suy yếu quyết tâm chống "đế quốc" của lãnh đạo tối cao.

Di dân, tị nạn : con tin của bàn cờ địa chính trị

Thủ đoạn của Ankara dùng người tị nạn làm con tin gây áp lực buộc Châu Âu ủng hộ trong cuộc chiến tại Syria gây bất bình và lo ngại. Nhưng theo Le Monde, ông Erdogan chỉ muốn đòi tiền.

Cùng chiều hướng này, La Croix cho rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng làn sóng di dân làm công cụ để "tháu cáy" Châu Âu. Vấn đề là Châu Âu không thể khoanh tay đứng nhìn vì tình hình chắc chắn sẽ suy thoái thêm, nhất là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Theo nhật báo công giáo, trước hết không thể bỏ Hy Lạp một mình đối phó với cuộc khủng hoảng này. Vừa thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính với các giá hy sinh rất lớn, từ những năm gần đây, thành viên phía nam của Liên Hiệp Châu Âu còn phải cưu mang gánh nặng di dân, tị nạn trong các trại tạm cư. Đương nhiên Châu Âu không quên Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đất tạm dung thân của hàng triệu người Syria. Tuy nhiên, lời đe dọa của Ankara mở cửa biên giới cho "hàng triệu di dân" chạy sang Châu Âu đúng là chiến thuật bắt chẹt thô bạo. Dụng ý của Erdogan là buộc Châu Âu ủng hộ ông ta trong cuộc chiến tại Syria mà mục đích tối hậu là "tiêu diệt người Kurdistan", đồng minh của Tây phương trong cuộc chiến chống thánh chiến. Để tránh chiếc bẫy của Erdogan, theo La Croix, Châu Âu cần can dự trực tiếp bảo vệ người tị nạn tại miền đông Syria thay vì chi tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Libération nhấn mạnh đến tội ác của Nga tại Syria. Trong bài Liên Hiệp Quốc cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh, nhật báo thiên tả cho biết Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đã thu thập được dữ liệu tại hiện trường và hình ảnh đủ để kết luận là hồi tháng 07/2019, oanh tạc cơ của Nga đã cố ý ném bom vào thường dân, vào nhà cửa, chợ búa, trường học ở Maarat al Norman, tỉnh Idleb, trong suốt ngày 22 giết chết 43 người và gây thương tích cho 109 người khác. Một tháng sau, đến lượt một trại tị nạn ở Haas bị ném bom, 20 người chết trong đó có 8 phụ nữ và 6 trẻ em. Dĩ nhiên, ngoại trưởng Nga phủ nhận các thông tin này.

Nga : Chúa Trời trong Hiến pháp

Về thời sự nước Nga, theo sáng kiến của tổng thống Putin, Chúa Trời sẽ xuất hiện trong bản Hiến pháp tu chính. Đừng xem đây là chuyện giễu cợt, một nhà phân tích chính trị Nga cảnh cáo.

Một trong những chi tiết khác với văn bản 1993 và đập vào mắt là từ "Chúa Trời" được đưa vào một điều khoản khẳng định "Liên bang Nga là hậu thân của Liên bang Xô-viết", và là tiếp nối của "ngàn năm lịch sử, ký ức của tiền nhân lưu truyền lý tưởng và đức tin Thiên Chúa".

Chuyên gia chính trị Gueorgui Satarov, một trong những tác giả bản Hiến pháp 1993 bình luận về các điểm tu chính như sau : "Đi từ khôi hài, lố lăng cho đến kinh khiếp".

Xếp vào loại kinh khiếp là điều khoản "cấm chuyển nhượng lãnh thổ". Điều này mở đường cho các đạo luật trong nay mai dùng để truy bức những người từ chối chuyện sáp nhập quần đảo Crimea năm 2014. Và làm cuộc đàm phán với Nhật Bản, nếu có trong tương lai, về quần đảo Kuril, trở thành phức tạp hơn (cho những người có thiện chí).

Mẹ : thần tượng của trẻ em Pháp

Cuối cùng, La Croix tổ chức thăm dò giới trẻ vị thành niên Pháp xem ai là người phụ nữ số một trong năm 2019. Đại đa số các em từ 11 đến 14 tuổi bầu cho "mẹ yêu dấu. Người được ái mộ thứ hai là thần tượng Thụy Điển bảo vệ môi trường Greta Thunberg. Đệ nhất phu nhân của Pháp đứng hàng thứ tư sau nữ ca sĩ Angèle.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 625 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)