Hàn Quốc đưa ‘nhóm phản ứng nhanh’ tới giúp công dân bị Việt Nam cách ly (VOA, 05/03/2020)
Hàn Quốc thông báo triển khai ba "nhóm phản ứng nhanh" tới Việt Nam để hỗ trợ gần 300 công dân nước này đang bị giữ trong các trung tâm cách ly, phòng dịch virus Corona mới (Covid-19).
Trang web của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 5/3 đưa tin, Ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung-wha, tới sân bay để tiễn 12 thành viên của các "nhóm phản ứng nhanh" thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.
Một tấm ảnh đăng kèm cho thấy, bà Kang và thành viên của "nhóm phản ứng nhanh" dùng nắm đấm để chạm vào nhau, thay vì bắt tay, để tránh sự lây lan của Covid-19. Tất cả những người trong bức ảnh đều đeo khẩu trang.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo rằng các nhóm này sẽ tới ba cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng trong ít nhất một tuần để cùng hỗ trợ 270 người Hàn Quốc đang bị cách ly ở Việt Nam.
Hiện chưa có thông báo chính thức của Việt Nam về con số công dân Hàn Quốc bị đưa vào các trung tâm cách ly Covid-19 ở trong nước.
Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, có 276 người Hàn Quốc hiện đang bị cách ly ở các cơ sở quân sự và bệnh viện ở Việt Nam, trong đó có 142 người ở Hà Nội, 112 người tại TP HCM và 22 người ở Đà Nẵng.
Sau khi bùng phát dịch virus Corona, mà hiện đã làm gần 6 nghìn người nhiễm và ít nhất 30 ca tử vong ở Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam cuối tháng trước thông báo "cách ly 14 ngày toàn bộ người Việt về từ Hàn Quốc". Tin cho hay, người nước ngoài tới từ vùng dịch như Hàn Quốc cũng bị "bắt buộc phải cách ly".
Hiện chưa rõ ngay là các nhóm nhân viên "phản ứng nhanh" của Hàn Quốc này có bị cách ly khi đặt chân tới Việt Nam hay không.
Theo báo chí trong nước, Việt Nam đầu tháng này thông báo "tạm dừng giải quyết nhập cảnh" cho công dân Hàn Quốc và người nước ngoài đi qua lãnh thổ Hàn Quốc, nhất là qua vùng dịch, trong đó có Daegu.
Trả lời báo chí hôm 5/3 liên quan tới ba nhóm "phản ứng nhanh", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng "các yêu cầu của phía Hàn Quốc do các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý".
"Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để Hàn Quốc thực hiện bảo hộ công dân trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế", bà Hằng nói, theo thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.
Hiện cũng chưa rõ là chính phủ Việt Nam có triển khai các "nhóm phản ứng nhanh" của mình tới Hàn Quốc để hỗ trợ hàng nghìn người Việt đang sinh sống ở đó, nhất là tại tâm dịch Daegu, hay không.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng cho biết rằng Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc "đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân".
"Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói thêm hôm 5/3.
Trong một diễn biến liên quan, trang tin Zing News dẫn lời quan chức y tế trong nước nói rằng một công dân Việt Nam 65 tuổi đã tử vong sau khi trở về từ Hàn Quốc hôm 4/3, nhưng tin cho hay, người đàn ông này có xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Bộ Y tế Việt Nam thông báo rằng tới ngày 5/3, Việt Nam không ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm Covid-19 mới nào, sau khi 16 bệnh nhân nhiễm virus Corona trước đó đã "bình phục". Bộ này cũng nói thêm rằng chưa có ca tử vong nào vì Covid-19 ở Việt Nam.
Giữa tháng trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh ở Hàn Quốc như hiện nay, quốc gia nằm trên bán đảo Triều Tiên này đã khuyến cáo công dân không tới Việt Nam vì tình trạng lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng sau đó nói với VOA tiếng Việt rằng Hà Nội "tôn trọng" bước đi của Hàn Quốc "trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra".
*****************
Virus corona : Việt Nam diễn tập đối phó kịch bản 30.000 ca nhiễm bệnh (RFI, 04/03/2020)
Hôm 04/03/2020, Việt Nam tổ chức diễn tập quân sự để đối phó với dịch virus corona (Covid-19), theo 5 kịch bản. Lần đầu tiên truyền thông trong nước đưa tin về kịch bản "cấp độ 5", với khả năng 30.000 người bị nhiễm virus.
Một trạm canh gác lối vào xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, Việt Nam, trong thời gian bị cách ly. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 Nhac NGUYEN / AFP
Trong lúc dịch virus corona có nguy cơ lan rộng, thông tin về kịch bản có đến 30.000 người nhiễm virus tại Việt Nam có thể gây hoang mang trong dư luận, trong lúc nhiều người rất hoài nghi về tính thiết thực của phương án đối phó nói trên.
Diễn tập quân sự đối phó dịch Covid-19 hôm nay được thực hiện theo 5 cấp độ. Cấp độ 1 (có trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập), cấp độ 2 (dịch Covid-19 có lây nhiễm thứ phát trong nước), cấp độ 3 (dịch lây lan trên 20 người đến 1.000 người mắc), cấp độ 4 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc) và cấp độ 5 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc và lây lan vào một số đơn vị quân đội).
Cho đến nay, Việt Nam mới có kịch bản 4 phương án, với cấp độ cao nhất là hơn 1.000 người nhiễm virus. Về mặt chính thức, hiện nay, tại Việt Nam hoàn toàn không còn ca nhiễm virus nào, toàn bộ 16 trường hợp dương tính đều đã hoàn toàn bình phục.
Hôm nay, tại sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - trực tiếp theo dõi và chỉ đạo "cuộc diễn tập thực binh chống dịch Covid-19 của các đơn vị quân đội". Cùng dự ở điểm cầu truyền hình Bộ Quốc phòng có bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Tại khu vực phía bắc, Trung đoàn 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng máy bay trực thăng để vận chuyển tiếp ứng lực lượng, trang bị, vật chất phòng chống dịch Covid-19. Địa điểm diễn tập chính là Sơn Tây. Tại khu vực phía nam, buổi diễn tập sẽ diễn ra tại 13 điểm cầu gồm Quân khu 7, Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự 8 tỉnh, ba sư đoàn, diễn tập thực binh tại Sư đoàn 317.
Một trong các bài tập tại sư đoàn 317 là "lực lượng vũ trang sẽ xử lý tình huống" có 15 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở ; trong đó có 2 trường hợp nặng trong tổng 550 công dân Việt Nam cách ly.
Trả lời RFI tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý là thông tin nói trên rất dễ gây hiểu lầm. Trên thực tế, con số 30.000 nói trên đúng ra là con số để chỉ phương án chuẩn bị 30.000 giường cách ly, để đón tiếp những người trở về từ vùng dịch, hoặc bị nghi ngờ có khả năng nhiễm virus, trong đó có thể bao gồm nhiều người được xét nghiệm dương tính với virus.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết : "Thật sự ra cái đó là một thông tin mà mình đọc không kỹ, không phải là một nhà chuyên môn, thì chắc chắn mình sẽ hiểu lầm thôi. Hiểu lầm có nghĩa là bây giờ mà đã chuẩn bị đạt được 30.000 giường bệnh đó, thì bên ngoài đã phải là bao nhiêu người rồi mà mình không biết, cho nên người ta dễ hiểu lầm. Phải đính chính lại cái đó không phải là 30.000 bệnh nhân. Diễn tập quy mô 30.000 (giường cách ly), theo tôi, đó là dự trù cho kịch bản xấu nhất, chứ không phải là do tình hình của Việt Nam đâu, thật sự tình hình Việt Nam hiện nay cũng tương đối là ổn".
Trong xã hội Việt Nam, nỗi lo âu về dịch Covid-19 đang gia tăng, đặc biệt với các thông tin về dịch bệnh đang tràn ra nhiều nước trên thế giới, cùng lúc với việc hàng ngàn người Việt từ Hàn Quốc đang ồ ạt trở về nước, do dịch, hơn 10.000 người được cách ly, theo dõi, trong đó có khoảng 100 trường hợp bị nghi ngờ nhiễm virus. Trong bối cảnh này, việc truyền thông loan tải kịch bản phương án đối phó với tình huống "30.000 người nhiễm virus", nếu không được hiểu đúng, sẽ rất có thể góp phần gây thêm không khí hoang mang trong xã hội.
Trọng Thành
********************
Virus corona : Thêm 467 ca nhiễm mới, Seoul lập "vùng chăm sóc đặc biệt" (RFI, 05/03/2020)
Chính phủ Hàn Quốc ngày 05/3/2020 cho biết có thêm 467 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên đến 6.088 người. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng, chính quyền Seoul thông báo thành lập một "vùng chăm sóc đặc biệt".
Một nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (National University Hospital), Daegu, ngày 05/03/2020. Rezuters/Kim Kyung-Hoon
Theo thông báo của chính phủ Hàn Quốc, "vùng chăm sóc đặc biệt" sẽ được thiết lập tại thành phố Gyeongsan, nằm cận kề với Daegu, thành phố thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch virus corona.
Từ Seoul, anh Trần Công, nghiên cứu sinh ngành độc học giải thích thêm :
"Thật ra "special care zone" hay khu "chăm sóc đặc biệt" đã được chính phủ Hàn Quốc giới thiệu cách đây một hai lần khi mà Daegu đã trở thành tâm dịch rồi. Theo tôi nghĩ, đây chỉ là một tên gọi mà thôi. Tên gọi này có hàm ý rằng khu vực này sẽ được chăm sóc một cách đặc biệt từ chính phủ và sẽ được cung cấp rất nhiều dịch vụ y tế và giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Về vị trí địa lý của tỉnh Gyeongsan, tỉnh này nằm sát ngay cạnh Daegu. Và khu vực Daegu đã có tổng cộng 4.327 người bị nhiễm, tính đến ngày hôm nay. Chính quyền Gyeongsan xác nhận ổ dịch xuất phát từ một viện dưỡng lão và sau đó tốc độ lây lan đã tăng lên rất là nhanh. Tổng số ca nhiễm tại Gyeongsan là 347 ca trong số 275.000 dân, trong khi tỷ lệ nhiễm ở Daegu là 4.327 người nhiễm trong 2,4 triệu dân.
Tỷ lệ người nhiễm trong tổng số dân tại tỉnh Gyeongsan hiện tại đang cao so với Daegu. Cho nên nguy cơ lây nhiễm trở thành ổ dịch sẽ rất là cao. Hiện tại chính phủ Hàn Quốc đã thông báo tới các lực lượng chức năng, ví dụ như là quân đội đang đóng tại Daegu và Gyeongsan, phải rất là cẩn thận.
Bên cạnh đó, tại khu vực "special care zone" chính phủ sẽ cung cấp rất nhiều vật tư, trang thiết bị y tế đến khu vực này, đồng thời tăng cường khoanh vùng lây nhiễm và giảm thiểu hậu quả do dịch bệnh. Tôi khẳng định là Hàn Quốc chưa có lệnh cách ly với bất kỳ một khu vực nào cả, chỉ yêu cầu cách ly với những người nhiễm, hoặc là nghi nhiễm Covid-19.
Khu vực này không phải là một thành phố công nghiệp hay dịch vụ, nên số người Việt Nam ở đây không đông như là Daegu. Bởi vì, những người Việt ở khu vực này chủ yếu làm nghề nông như trồng cây, hái quả…
Tôi muốn nhắc lại một điều là mọi người có thể bị nhầm giữa "special care zone" này với một phòng áp suất âm cách ly người bệnh tại Daegu. Phòng áp suất âm này chỉ dành cho một người bệnh khi đã nhiễm Covid-19. Điểm đặc biệt của phòng này là luồng không khí sẽ đi theo một chiều, nghĩa là chỉ kiểm soát chiều vào. Và những phòng này sẽ sử dụng để điều trị những bệnh nhân nặng hoặc là những bệnh nhân lớn tuổi hoặc đã có những tiền sử như là ghép gan, ghép thận… để chăm sóc đặc biệt."
Virus corona : Số ca tử vong vượt ngưỡng 3.000 tại Trung Quốc
Hôm nay, 05/03/2020, theo thông báo của chính quyền Trung Quốc, được AFP trích dẫn, có thêm 31 ca tử và như vậy, số người chết do dịch virus corona tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 3000. Đa số trường hợp tử vong là tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, với 2305 ca.
Cũng trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc có thêm 139 trường hợp bị lây nhiễm. Tổng số ca bị nhiễm lên tới hơn 80 ngàn.
Vào lúc dịch có chiều hướng giảm nhẹ, chính quyền Trung Quốc lại lo ngại virus lây lan từ bên ngoài vào, qua những người đến từ các vùng có dịch. Những người từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý tới thủ đô Bắc Kinh sẽ bị cách ly trong vòng 14 ngày.
Còn chính phủ Nhật Bản, trong ngày hôm nay, sẽ thông báo áp dụng biện pháp cách ly trong vòng hai tuần đối với những người từ Trung Quốc và Hàn Quốc tới. Đồng thời, Tokyo cũng sẽ ngừng tạm cấp thị thực nhập cảnh và đề nghị chính quyền Bắc Kinh và Seoul hạn chế để công dân đi du lịch tới Nhật Bản.
Nếu tính cả 700 người bị lây nhiễm trên con tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly tại một cảng ở phía nam Tokyo, thì nước Nhật có hơn 1000 ca nhiễm bệnh.
Minh Anh
********************
Virus corona : Hàn Quốc cử người qua Việt Nam hỗ trợ công dân bị cách ly (RFI, 05/03/2020)
Trước tình hình rất đông công dân Hàn Quốc bị cách ly tại Việt Nam do lo ngại virus corona lây lan, Seoul vào hôm nay, 05/03/2020 đã phái 3 toán "phản ứng nhanh" qua Việt Nam để trợ giúp lãnh sự cho 276 người Hàn Quốc đang bị cách ly.
Một khu cách ly virus corona tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 23/01/2020 Bach Duong / AFP
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, phát biểu với nhà báo tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, ông Kyun Jong Ho, trưởng nhóm phản ứng nhanh xác định : "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp các công dân Hàn Quốc bị cách ly, nếu họ muốn quay trở lại Hàn Quốc hoặc trong trường hợp họ gặp các khó khăn".
Đối với phía Hàn Quốc : "Điều quan trọng nhất vào lúc này là cung cấp các loại vật phẩm mà những người tại các cơ sở cách ly đang cần… giúp họ nhanh chóng vượt qua giai đoạn kiểm dịch và đảm bảo sao cho họ không gặp bất kỳ khó khăn nào".
Có mặt tại sân bay để động viên các đội phản ứng nhanh, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác của Hàn Quốc với các nước sẽ không vì các biện pháp cách ly để kiểm dịch mà suy giảm. Bà cũng hy vọng là khi dịch Covid-19 bắt đầu lắng dịu, các hạn chế nhập cảnh đối với người Hàn Quốc sẽ được dỡ bỏ.
Theo Yonhap, mỗi toán phản ứng nhanh gồm bốn người, hầu hết đến từ Bộ Ngoại giao và cơ quan Cảnh Sát Quốc Gia Hàn Quốc. Họ được cử đến ba khu vực thuộc thẩm quyền của đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội và các tổng lãnh sự quán Hàn Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, thời gian lưu trú tại Việt Nam của các toán hỗ trợ dự trù là một tuần, nhưng có thể được triển hạn.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội tại Hàn Quốc, với số ca lây nhiễm đã vượt quá 5.600 người, trong đó có 35 ca tử vong. Trước các diễn biến đó, hiện đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các hạn chế nhập cảnh hoặc các thủ tục cách ly đối với người đến từ Hàn Quốc.
Mai Vân