Đài Hàn Quốc ‘xin lỗi’ vì đã chỉ trích điều kiện cách ly ở Việt Nam (VOA, 07/03/2020)
Một đài truyền hình ở Hàn Quốc lên tiếng họ ‘lấy làm tiếc’ vì đã phát đoạn phỏng vấn một du khách Hàn Quốc chỉ trích điều kiện cách ly ở Việt Nam nhưng hành đông này lại gặp chỉ trích từ nhiều người Việt Nam trong khi một số nhà hoạt động xã hội bày tỏ cảm thông với các du khách Hàn Quốc.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi nhóm du khách Hàn Quốc được cách ly
Tối 25/2, kênh YTN News của Hàn Quốc đã đưa tin về việc 20 du khách Hàn đến từ tâm dịch Daegu bị cách ly ở Đà Nẵng giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Trong đó, các du khách Hàn Quốc cho biết ‘điều kiện cách ly rất tệ’, rằng họ bị ‘giam cầm nghiêm ngặt’, và ‘vài giờ mới được cho ăn một lần’ với ‘chỉ có vài mẩu bánh mì’ và gọi đó là ‘thức ăn của người nghèo’.
‘Lấy làm tiếc’
Trong khi đó, chính quyền Đà Nẵng nói rằng họ ‘đã rất cố gắng’ tìm khách sạn đủ tiêu chuẩn để cách ly nhóm du khách Hàn Quốc nhưng vì do sợ dịch bệnh ‘tất cả các khách sạn và nhà khách đều từ chối’ nên phải đành đưa họ về Bệnh viện Phổi để cách ly. Lãnh đạo Bệnh viện này cho biết đã ‘mua các suất cơm với giá 200.000 đồng một suất’ để phục vụ nhóm khách Hàn Quốc này.
Bản tin này đã gây bão trên cộng đồng mạng Việt Nam với những lời chỉ trích nhóm du khách này là ‘trịch thượng’, ‘coi thường Việt Nam’, ‘ăn cháo đá bát’ và Việt Nam đã ‘làm ơn nhưng mắc oán’. Rất nhiều người Việt yêu cầu đài YTN News phải lên tiếng xin lỗi.
Hôm 2/3, Đài YTN News đã đăng tải thông báo ‘lấy làm tiếc’ về vụ việc trên trang web của Đài. Thông báo viết bằng cả hai thứ tiếng Hàn và Việt.
"Chúng tôi lấy làm tiếc vì trong quá trình phát sóng cả một phần thể hiện và sự bất mãn cảm tính trong những nội dung phỏng vấn về đồ ăn được cung cấp và tình hình cách ly", thông báo viết và cho rằng họ đưa tin này ‘vì sự trở về an toàn của công dân Hàn Quốc’ và họ đã ‘truyền đạt toàn bộ nội dung phỏng vấn liên quan, không thêm không bớt’.
"Chúng tôi chỉ định truyền đạt nguyên si lập trường của những cá nhân bị cách ly tại bệnh viện Việt Nam chứ không hề có ý định hạ thấp hay coi thường văn hóa đặc trưng của Việt Nam", thông báo viết.
Đài truyền hình này cũng nói rằng họ ‘sẽ thận trọng hơn trong cách truyền đạt để không gây hiểu lầm do khác biệt văn hóa trong quá trình truyền lại phát ngôn của người được phỏng vấn’.
‘Cần hiểu biết thêm về Việt Nam’
Tuy nhiên, lời xin lỗi này không được nhiều người trong cộng đồng mạng Việt Nam hoan nghênh.
"Cá nhân tôi chẳng cần nhận lời xin lỗi của những người như vậy. Tôi chỉ muốn những người như vậy có thêm 1 chút hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam hơn", Nguyễn Long viết trên diễn đàn báo Người Lao Động.
Cũng trên diễn đàn này, một độc giả khác có tên là Nguyễn Tân yêu cầu đài YTN ‘có trách nhiệm hơn để ủng hộ biện pháp tích cực của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lân của dịch’.
"Chúng tôi đã làm trước hết là vì các bạn, nếu các bạn bị nhiễm bệnh thì chắc chắn các bạn sẽ được điều trị tức thời. Đáng tiếc là ý thức của một số người quá kém", Lê Ngọc viết.
Hoa Hạ, một đạo diễn sân khấu có tên tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, viết trên trang cá nhân: "Không phải cố tình xúc phạm rồi xin lỗi. Nên nhớ Việt Nam chúng tôi đã vị tha cho đất nước đã từng tàn sát dân tôi. Chúng tôi phải bảo vệ sinh mạng người dân Việt Nam, trong đó có sinh mạng 20 du khách Hàn. Người Việt nghèo nhưng xem thường không được đâu nhé".
‘Giận dữ là phải’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, bày tỏ sự thông cảm với các du khách Hàn Quốc bị cách ly.
"Việt Nam điều kiện kinh tế và vệ sinh rất kém. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thái độ cách ly những người đến từ ngoại quốc cũng rất kém", ông nói. "Những vị khách Hàn Quốc bị cách ly giận dữ là phải".
Ông Thắng cho rằng ‘lẽ ra phải cảnh báo trước cho những du khách này biết là họ sẽ bị cách ly trước khi đến Việt Nam’ vì ‘họ chỉ có vài ngày ngắn ngủi để đi du lịch Việt Nam mà bị cách ly đến 14 ngày thì chắc chắn không ai có thể chịu được’.
Khi được hỏi Việt Nam có nên hạn chế tối đa việc nhập cảnh đối với du khách Hàn Quốc cũng giống như đối với khách Trung Quốc vì lý do dịch bệnh hay không, ông Thắng nói: "Những người nào có công việc thật sự cần thiết ở Việt Nam thì nên cho họ vào nhưng nên cảnh báo trước là họ sẽ bị cách ly".
"Còn khách du lịch thì đừng vì lợi ích trước mắt mà để lọt những người có thể mang mầm bệnh vào Việt Nam", ông nói thêm.
‘Nên cấm người vùng dịch’
Đồng ý kiến với ông Nguyễn Lân Thắng, ông Lâm Bùi, một nhà hoạt động ở Đà Nẵng, cũng cho rằng việc du khách Hàn Quốc chỉ trích Việt Nam ‘là không có gì sai’.
"Người dân Hàn Quốc sống ở xứ sở tự do với nhu cầu tối thiểu khác nên qua Việt Nam đòi hỏi khách sạn này nọ. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy điều kiện Việt Nam thiếu thốn. Người ta đòi hỏi cũng là dễ hiểu vì họ không tin tưởng vào điều kiện cách ly", ông lý giải.
Ngoài ra, ông cho rằng ‘Nhà nước Việt Nam không minh bạch’ nên những gì họ mô tả ở khu cách ly là ‘rất đầy đủ’ nhưng ‘thật ra rất thiếu thốn, rất tệ’.
Khi được hỏi nhà nước lấy nguồn lực đâu để cách ly phục vụ cho nhiều ngàn người đi từ các vùng dịch về, trong đó có du khách Hàn Quốc, ông Lâm nói việc cách ly ‘không phụ thuộc vào chi phí mà phụ thuộc vào sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền’.
"Không cần sang trọng mà chỉ cần sạch sẽ. Khẩu phần ăn không cần cao sang mà chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe", ông nói.
"Gánh nặng cách ly là rất lớn", ông thừa nhận. "Nhưng nếu chính quyền Việt Nam ngay từ đầu nhận thấy sự yếu kém của bản thân mình nhắm thấy không thể kham nổi thì phải đóng cửa biên giới".
Ông chỉ trích Việt Nam đã ‘cho cả ngàn du khách Trung Quốc vào du lịch sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán’.
"Thời điểm đầu bùng phát dịch nên cấm người Trung Quốc qua", ông nói.
Khi được hỏi giờ đây khi dịch đã bùng phát ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì có nên hạn chế tối đa công dân hai nước này đến Việt Nam không, ông Lâm cho rằng ‘cũng nên cấm luôn’.
Ông thừa nhận rằng ‘nếu cấm hết ba nước có làm ăn lớn nhất với Việt Nam thì Việt Nam bị thiệt hại về kinh tế’ nhưng ‘không nên đem lợi ích kinh tế ra so sánh với sức khỏe và tính mạng’.
******************
Samsung sẽ tạm dời sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam (VOA, 07/03/2020)
Tập đoàn công nghệ Samsung đã tạm ngưng hoạt động tại Gumi, nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung ở Hàn Quốc, sau khi một công nhân tại đó xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi cấp chủng mới Covid-19, hãng tin Reuters đưa tin.
Công nhân viên tới nơi làm việc tại nhà máy Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, ngày 13/10/2016. Reuters/Kham
Công ty Samsung Electronics hôm 6/3 tuyên bố sẽ tạm thời dời khâu sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc sang Việt Nam sau khi có thêm một công nhân Hàn Quốc xét nghiệm dương tính với virus Covid-19, buộc lãnh đạo công ty phải đóng cửa nhà máy này.
Một người phát ngôn của Samsung loan báo tập đoàn này đã tạm ngưng các hoạt động ở nhà máy của Samsung tại thành phố Gumi ở miền Nam Hàn Quốc.
Từ cuối tháng Hai vừa rồi, có tất cả 6 công nhân viên làm việc tại Gumi xét nghiệm dương tính vớ virus Covid -19. Nhà máy Gumi chủ yếu sản xuất các thiết bị cầm tay cao cấp chủ yếu dành cho thị trường Hàn Quốc, nhưng cũng bao gồm các điện thoại màn hình gập như Galaxy Z Flip và Galaxy Fold. Nhà máy này nằm gần thành phố Daegu, tâm dịch corona ở Hàn Quốc.
Quyết định dời việc sản xuất một số điện thoại thông minh hàng đầu của Samsung, nhằm mục đích "cung cấp các sản phẩm cho giới tiêu thụ một cách hiệu quả hơn, ổn định hơn và đúng thời biểu hơn", Reuters trích dẫn tuyên bố của Samsung.
Vẫn theo tuyên bố này, "Một khi tình hình Covid-19 ổn định lại. Chúng tôi dự định sẽ đưa sản xuất trở lại Gumi". Thực ra, Samsung đã dời phần lớn các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của công ty sang Việt Nam từ suốt thập niên qua. Việt Nam là nơi sản xuất 50% các sản phẩm của Samsung, và cho tới nay tiến trình sản xuất không mấy bị gián đoạn. Nhà máy Gumi trên thực tế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong sản lượng của toàn công ty.
Hôm thứ Sáu, Samsung tung ra thị trường toàn cầu chiếc điện thoại thông minh S20 theo lịch trình giữa lúc đang có lo ngại là nhu cầu về điện thoại thông minh sẽ suy yếu trên cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
*****************
Covid-19 : Đòn nặng giáng xuống Hàn Quốc, nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam (VOA, 07/03/2020)
Tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Hàn Quốc đang có kế hoạch đưa hơn 1.000 chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam để giúp điều hành dây chuyền sản xuất của họ, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan cho biết, nhưng ông nói rằng nếu Việt Nam không châm chước, miễn cách ly cho các kỹ sư Hàn Quốc, Samsung có thể thua lỗ tới 10 tỷ USD, truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc cho hay.
TM Roh, Chủ tịch của Mobile Communications Business, cầm trong tay điện thoại thông minh Samsung Galaxy S20 Ultra 5G tại San Francisco, ngày 11/2/2020. (AP Photo/Jeff Chiu)
Việt Nam gần đây đã áp dụng chính sách đòi hỏi tất cả mọi hành khách đến từ Hàn quốc hoặc đã quá cảnh tại Hàn Quốc, phải bị cách ly 14 ngày giữa lúc dịch viêm phổi cấp chủng mới Covid-19 tiếp tục lây lan, bất chấp các hành khách này là doanh gia, nhà ngoại giao hay quan chức chính phủ.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh-wan, yêu cầu chính quyền địa phương hãy ‘điều chỉnh’ chính sách để miễn áp dụng đối với nhân viên của các công ty Hàn Quốc đặc biệt là Samsung và LG.
Đại sứ Park nói những người mang hộ chiếu ngoại giao nên được xét theo từng trường hợp một. Ông đề nghị rằng tất cả các công dân Hàn Quốc có giấy chứng nhận sức khoẻ do thẩm quyền Hàn Quốc cấp, nên được nhập cảnh Việt Nam mà không bị cách ly.
"Chúng tôi lo ngại rằng cách ly người Hàn Quốc có thể dẫn tới những thiệt hại rất lớn về tài chính", VnExpress dẫn lời Đại sứ Park nói.
Đại sứ Hàn Quốc nói hai nước nên hợp tác chặt chẽ với nhau để phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm tự do đi lại.
Từ ngày 29/2/2020 vừa qua, số người Hàn Quốc tới Việt Nam đã tuột dốc sau khi Việt Nam ngưng miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc. Trong hai tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày chỉ có 100 người Hàn Quốc tới Việt Nam, thấp hơn nhiều so với con số 13.000 người trong cùng kỳ năm ngoái.
Đại sứ Park lưu ý rằng kể từ ngày 7/3, tất cả các hãng hàng không Việt Nam đều ngưng các chuyến bay đi hoặc đến từ Hàn Quốc. So với trước đó, mỗi ngày có 80 chuyến bay trực tiếp, 550 chuyến mỗi tuần giữa hai nước. Hiện nay có gần 170.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam.
Đại sứ Park nói : "Tôi hy vọng là hai nước sẽ có những giải pháp hữu hiệu để chống dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu những tác động lâu dài đối với các quan hệ song phương".
Virus Covid-19 đã giáng những đòn nặng liên tiếp xuống công ty đa quốc gia Hàn Quốc sản xuất linh kiện điện thoại thông minh được sử dụng bởi Apple và LG Electronics.
Đầu tiên, dịch bệnh này buộc công ty phải đóng cửa trong gần 3 tuần lễ, khiến nhà máy tại Việt Nam cạn nguồn cung ứng. Thế rồi khi dịch viêm phổi Covid-19 lây lan sang Hàn Quốc, lệnh hạn chế du hành được áp dụng cản trở kế hoạch mở rộng nhà máy ở Hải Phòng. Giờ đây công ty đang đối mặt với những sự gián đoạn tại nhà máy ở Gumi, cách Daegu, tâm dịch tại Hàn Quốc, chưa đầy một giờ lái xe.
"Virus corona gây ra hiệu ứng domino tới các nhà cung ứng", một nhà điều hành cấp cao của LG nói với Reuters. Ông nói thêm : "Tôi chỉ biết ngước lên trời mà thở dài !".
Các công ty Hàn Quốc dẫn đầu bởi các tập đoàn khổng lồ như Samsung và LG, đã tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam trong nhiều năm qua trong bối cảnh chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng cao cùng với những rủi ro chính trị và quan ngại về nguy cơ bị đánh cắp tài sản trí tuệ.
Các công ty Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 4.000 cơ sở tại đây. Chỉ riêng Samsung đã chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Hàn Quốc.