Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2020

Coronavirus với thế giới và với Việt Nam

Song Chi

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization-WHO) ngày Thứ Tư 11/03/2020, đã tuyên bố dịch coronavirus là đại dịch toàn cầu. Một sự tuyên bố có phần hơi chậm trễ, khi trên toàn thế giới, cho đến hôm nay đã có 118.000 trường hợp bị nhiễm, hơn 4.200 người chết, và con virus đã tìm thấy chỗ đứng của nó tại 110 quốc gia thuộc mọi đại lục, trừ Nam Cực (Antarctica) !

corona1

Một ngôi nhà bị cách ly ở Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 10/03/2020 Reuters/Kham

Con số người bị nhiễm coronavirus và con số người tử vong trên toàn thế giới cứ tăng chóng mặt theo từng ngày, khiến mọi tin tức và bài vở mà chúng ta vừa viết ra đã trở thành… cũ. Thế giới đang chứng kiến một bệnh dịch với sức lây lan và mức độ tử vong cao hơn dịch bệnh H5N1 hay dịch SARS trước đây nhiều.

Coronavirus chả chừa một ai. Mới tháng trước Trung Quốc chiến đấu với nó, từ Vũ Hán cho tới hàng loạt thành phố khác bị phong tỏa, nhìn những hình ảnh trên báo chí truyền thông, cứ tưởng như trong những bộ phim khoa học giả tưởng về một nạn dịch kinh hoàng nào đó, những thành phố vắng tanh như thành phố ma, chỉ có những đoàn nhân viên y tế trùm kín mít từ chân lên đầu đi phun thuốc khử trùng, rồi xác người được đưa ra trên những cái cáng lạnh lẽo… Vậy mà nay dịch coronavirus đã lan ra toàn thế giới. Châu Âu đang trở thành ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, với Ý hiện là nước đang bị nặng nhất : Có người bảo một trong những lý do khiến Ý bị nặng là do quá thân với Tàu !

Facebooker Nguyễn Hữu Nghĩa viết :

"Vi khuẩn Vũ Hán tại Ý

Ý không phải là quốc gia duy nhất trong khối G-7 nhận tiền của Tập Cận Bình để mong cứu vãn kinh tế, nhưng Ý đã cho công nhân Tàu vào quá đông để đảm nhận 40% việc xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới.

- Ý ký hiệp ước với Tàu (23 tháng 3, 2019) để xây dựng Con Đường Tơ Lụa mới và Hải Lộ Tơ Lụa (New Silk Road và The Initiative for a Maritime Silk Road). Hai con đường (xa lộ và hải lộ) này gặp nhau tại hải cảng Trieste ở miền Bắc nước Ý. Việc xây cất náo nhiệt trong năm qua đã bắt đầu và công nhân Tàu qua Ý làm việc rất đông.

Bên cạnh số công nhân xây cất, cộng đồng người Hoa ở Ý đã tăng rất nhanh trong mười năm trở lại đây với tổng số trên dưới nửa triệu người, sống bằng nghề may cho các công ty thời trang ở các thành phố Florence, Turin, Naples, Milan... Chú mục vào vấn đề nầy sẽ tìm ra yếu tố khởi đầu và cũng là yếu tố chính khiến Ý lâm nạn…".

Chẳng biết có đúng không nhưng cơn dịch Covid-19 đã và đang làm lộ ra nhiều vấn đề của từng quốc gia cho tới cách hành xử của người dân, dân tộc tính…

Coronavirus : những đối phó, giải quyết khác nhau của từng quốc gia

Tại những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Iran… chính phủ lúc đầu tìm mọi cách che giấu thông tin, khi không thể che giấu được nữa thì họ vẫn không chịu công bố một cách hoàn toàn khách quan, minh bạch, họ vẫn tìm cách kiểm soát, độc quyền thông tin. Trung Quốc chẳng hạn, chính sự bưng bít thông tin lúc đầu của họ đã khiến dịch bệnh lan tràn cho đến khi họ không thể che giấu. Trong vụ dịch này, Trung Quốc là ổ phát tán dịch bệnh ra cả thế giới và vì vậy cách hành xử, đối phó ban đầu của nhà cầm quyền Trung Quốc hết sức đáng lên án. Sau đó, họ đã đổ của đổ người đối phó với bệnh dịch và đến nay khi coronavirus đã được kiểm soát ở Trung Quốc thì Bắc Kinh bắt đầu tính đến chuyện "chạy tội", "đổ thừa".

Bài trên RFI : "Trung Quốc đã viết lại lịch sử về con virus Vũ Hán", chẳng hạn phao tin "virus corona Vũ Hán xuất xứ từ Mỹ, Nhật" hay "thế giới phải cám ơn Trung Quốc" vì đã hy sinh, chiến đấu với con virus"…

"Tài liệu ngoại giao mật Trung Quốc yêu cầu gọi "Viêm phổi Vũ Hán" là "virus Ý" : "Các tài liệu ngoại giao mật yêu cầu quan chức ngoại giao và đặc vụ phải gọi virus Viêm phổi Vũ Hán Covid-19 là virus Ý, nhận là virus không bắt nguồn từ Vũ Hán, và quảng cáo Tập Cận Bình là anh hùng diệt virus, tạp chí nhân quyền Ý Bitter Winter đưa tin…" (Tri Thức VN).

Đúng là bản chất không bao giờ thay đổi của nhà nước cộng sản Trung Quốc.

Ngẫm lại, từ dịch A/H5N1 (tức Avian influenza, avian flu hay bird flu), SARS (SARSr-CoV)... những năm gần đây rồi bây giờ là coronavirus (Covid-19) toàn là từ Tàu (và Hong Kong) mà ra. Đã gây hại cho thế giới mà bây giờ lại còn âm mưu "viết lại lịch sử về con virus Vũ Hán" giống như Bắc Kinh đã viết lại mọi thứ lịch sử khác của dân Tàu, dân Tây Tạng, Hong Kong, Duy Ngô Nhĩ cho tới chiến tranh biên giới với Việt Nam hay chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa, chủ quyền trên Biển Đông qua "đường lưỡi bò"... ?

Người dân sống trong một quốc gia độc tài, không có một nền báo chí hoàn toàn độc lập thì khổ vì bị nhà nước bưng bít, che giấu thông tin. Nhưng mặt khác, khi cần ra lệnh cho hàng chục triệu con người phải mang khẩu trang, khai báo y tế, cách ly một hay nhiều thành phố, thì các nước độc tài làm được, như Trung Quốc rồi Việt Nam đã và đang làm. Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ, chính phủ khó mà bắt dân làm như vậy, chỉ trừ khi tình hình thật sự khẩn cấp, như Ý hiện nay. Chính vì vậy mà bệnh dịch lan tràn khá nhanh ở các nước Châu Âu cho tới Úc chăng ?

Việt Nam, ở sát biên giới với Trung Quốc, lúc đầu phản ứng có phần chậm chạp với nạn dịch, phần do chủ quan, phần do… sợ Trung Quốc nên ngay cả khi dịch bệnh đã bùng phát tại Vũ Hán và nhiều thành phố khác của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không dám đóng cửa biên giới với Trung Quốc, không dám quyết liệt với du khách từ Trung Quốc. Suốt một thời gian dài Việt Nam tuyên bố chỉ có 16 ca bị nhiễm, và đã hoàn toàn khỏi bệnh, thậm chí Việt Nam còn định tuyên bố đã hết dịch ! Nhưng sau đó khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì Việt Nam tỏ ra quyết liệt hơn hẳn, ngừng các chuyến bay với các nước này, đưa công dân Việt Nam từ các nước này về và thực hiện cách ly, kiểm tra y tế du khách Nhật, Hàn… Khi bệnh dịch lan tràn trên thế giới thì Việt Nam bắt đầu công bố những ca bị nhiễm mới (có người bảo có lẽ tại vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế - International Monetary Fund (IMF) mới tuyên bố sẽ cung cấp khoảng 50 tỷ đô la (không có lãi - interest free) thông qua các cơ sở tài chính khẩn cấp được giải ngân nhanh chóng cho các nước có thu nhập thấp muốn tìm kiếm sự hỗ trợ, để đối phó với dịch coronavirus !

Những ngày này Việt Nam đang thông tin những trường hợp người Việt bị nhiễm do đi du lịch từ các nước Châu Âu như Anh, Ý, Đức… Có một điều người viết bài này thật lòng thắc mắc, như đã nói, Việt Nam "núi liền núi, sông liền sông" với Trung Quốc, trong thời điểm từ tháng 1 và tháng 2/2020 khi bệnh dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chần chừ không có biện pháp đóng cửa biên giới từ đường bộ đến đường hàng không với Trung Quốc, số lượng du khách, người lao động Trung Quốc ở Việt Nam nhiều hơn hẳn so với du khách từ các nước Châu Âu, vậy sao Việt Nam lại không có người bị nhiễm từ phía Trung Quốc mà chỉ công bố từ Anh, Ý, v.v… ?

Sơ sơ vài bài báo, trong đó có báo chính thống của Việt Nam : "Virus corona : Hơn 4.000 người Trung Quốc từ Vũ Hán vào Việt Nam hiện giờ ở đâu ?" ; RFI, "3,2 triệu khách đến Việt Nam, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc" ; Thanh Niên, "Hơn 5.000 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam được cách ly, theo dõi" ; Thanh Tra "Thực chất con số lao động Trung Quốc ở Việt Nam lớn hơn nhiều. Không có ai bị nhiễm ư ?", v.v.

Và đừng trách người dân, trong đó có người viết bài này, không tin vào những công bố chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam khi từ trước tới giờ, cũng giống như nhà cầm quyền Trung Quốc, họ chỉ tìm cách che giấu thông tin. Bao giờ ở Việt Nam chí ít có được một nền báo chí truyền thông hoàn toàn độc lập, thì may ra…

Coronavirus : dân tộc tính và những hành vi ứng xử khác nhau

Ở các quốc gia độc tài, người dân luôn có tâm lý nửa tin nửa ngờ với nhà nước, và khi tình hình diễn biến xấu thì sự hoài nghi đó trở thành giận dữ, điều đã xảy ra với người dân Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh hoành hành dữ dội. Người dân bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus ("Virus corona : Quá phẫn nộ, người dân Trung Quốc không còn sợ hãi", RFI), hay phản ứng giận dữ của người Trung Quốc trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về bệnh dịch này và bị nhà cầm quyền Trung Quốc cảnh báo, bắt phải làm kiểm điểm vì đã bịa đặt thông tin v.v…

Dịch coronavirus cũng làm bộc lộ rõ hơn dân tộc tính và những hành vi ứng xử khác nhau của dân chúng ở những quốc gia khác nhau. Có những dân tộc như người Nhật trước đây, khi gặp thiên tai kép động đất và sóng thần năm 2011, truyền thông thế giới loan tải những câu chuyện về tính cách Nhật giữa thiên tai, khi người dân vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ di tản, xếp hàng chờ đến lượt mình được mua thực phẩm, xăng dầu… Không ai hôi của, ăn cắp dù ngay trong những ngày lao đao nhất. Và tính cách đó của họ được thể hiện không chỉ một đôi lần trên một quốc gia mà thiên tai thường xuyên xảy ra !

Giữa thiên tai, nhân họa, dịch bệnh… sự văn minh, tử tế là điều rất cần thiết để tránh cho thiên tai, dịch bệnh ấy không nặng nề hơn. Biết nghĩ cho mình và cho người khác. Những người kinh doanh thì không nên lợi dụng mùa dịch để đầu cơ tích trữ, đẩy giá các mặt hàng, làm giàu trên sự khốn khổ của đồng loại. Còn người dân không nên hoảng loạn đổ xô đi mua từ gạo cho tới giấy vệ sinh khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm. Không vô tình hay cố ý làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Chính vì vậy mới hiểu tại sao dư luận nổi giận với các trường hợp từ thường dân bị nhiễm số 17 cho tới quan chức như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận rung Tương Đảng cộng sản Việt Nam. Vì họ đã chủ quan, biết là có nguy cơ mắc bệnh mà không chịu đi làm xét nghiệm, lại còn đi lại, gặp gỡ đủ người làm lây lan cho bao nhiêu người khác. Người ta nổi giận với một cô gái vô ý thức một thì nổi giận với quan chức vô ý thức gấp 10, 20 lần.

Không những thế, khi bị buộc phải khai đã đi đâu, làm gì từ khi có khả năng nhiễm bệnh, coronavirus còn làm lộ tan hoang những "bí mật quốc gia" của các quan lớn cộng sản. Từ chuyện họ luôn vin cớ đi công tác, ngay cả khi không thật cần thiết và có những người không thuộc diện nên đi, để đi chơi nước ngoài bằng tiền thuế của dân, khi về nước lại tiệc tùng xa hoa, nhà cửa thì dăm ba cái biệt thự, biệt phủ… Đúng là "Việt Tân", "Trung Tân" đánh Việt Cộng, Trung Cộng bao nhiêu năm không chết, chỉ một con virus corona mà từ tài sản, lối sống xa hoa cho tới vợ bé bồ nhí... lòi hết cả ra, khiến sự nghiệp chính trị của bao nhiêu quan chức Việt, Tàu phải lung lay và hàng ngàn quyển sách lý luận hoa mỹ, mỵ dân của nhà cầm quyền Ba Đình, Trung Nam Hải đi tong !

Nhưng mặt khác, thật ra cuộc sống giàu có xa hoa phè phỡn phung phí của các quan chức cộng sản Việt Nam từ trên xuống dưới chả ai còn lạ gì, chỉ là do giữa mùa dịch các ông làm lây lan bệnh cho người khác nên người dân càng thêm có lý do để phẫn nộ, cũng giống như thành phố Hải Phòng giữa mùa dịch lại tính chuyện bỏ ra 269 tỷ mua ấm chén và cờ tặng dân "vì dân, cho dân", khi bị chửi quá mới rút lại !

Có nhiều người không ủng hộ chuyện công khai danh tính những người bị nhiễm coronavirus để thiên hạ "ném đá", nhưng người viết bài này lại cho rằng, công khai là cần thiết, trong những trường hợp sau :

Một, cá nhân người bị nhiễm từng đi máy bay, đi du thuyền… với nhiều người khác - những "môi trường" có khả năng lây nhiễm cao, cá nhân người bị nhiễm không chịu xét nghiệm ngay mà còn đi lại tiếp xúc nhiều người, bởi có như vậy những ai từng tiếp xúc gần với họ mới biết mình có thể bị nhiễm và cần đi xét nghiệm ngay.

Thứ hai, với quan chức, người nổi tiếng, vì mức độ hoạt động tiếp xúc người này người kia của họ nhiều nên độ lây lan rất lớn. Chứ còn người bình thường, vô danh, giao tiếp xã hội ít, thì mức độ lây lan ít hơn, không cần phải đưa thông tin cá nhân như vậy.

Coronavirus làm mờ những vấn đề khác của xã hội cũng như những tội ác khác của nhà cầm quyền

Dịch coronavirus cũng làm cho nhà cầm quyền Việt Nam vui mừng ở điểm nó khiến nhiều người lo lắng, hoảng sợ mà quên mất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, chẳng hạn như hạn hán, ngập mặn và "cái chết" đang đến gần của đồng bằng sông Cửu Long, hậu quả của những công trình thủy điện lớn của Trung Quốc và của cả Việt Nam trên sông Mê-kông, một "cái chết" đã được các chuyên gia, các nhà báo có lương tâm cảnh báo trước từ nhiều năm trước nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không có những biện pháp cụ thể, quyết liệt nào.

Hay những tội ác tày trời khác cùa nhà cầm quyền, trong đó có việc tiếp tục giam cầm và bức hại những con người dám lên tiếng vì sự thật, bằng vô vàn cách thức bẩn thỉu hèn hạ khác nhau. Như bản án 10 năm tù, "một đòn thù chính trị hèn hạ" dành cho nhà báo Trương Duy nhất ngày 9/3 hay việc bệnh viện tâm thần lại tăng liều lượng thuốc của nhà báo, blogger Lê Anh Hùng lên lần nữa, quyết tâm hãm hại anh, khiến người mẹ già đang nằm viện vì cao huyết áp của anh phải lên tiếng kêu cứu… Những cái tin đó hoặc ngay cả vụ thảm sát Đồng Tậm, một tội ác tàn bạo của nhà cầm quyền Việt Nam, dường như cũng chìm đi trong nỗi lo mùa dịch nói chung của mọi người.

Chính vì vậy, mặc dù lo bệnh dịch, báo chí độc lập, mạng xã hội và tất cả những ai có lương tâm càng cần phải tiếp tục đánh động những vấn đề và những tội ác đó, đừng để nhà cầm quyền Việt Nam mượn trận dịch mà tiếp tục làm nghèo đất nước hay tiếp tục chà đạp lên luật pháp, nhân quyền, kéo dài thêm chuỗi tội ác chống lại nhân dân, chống lại loài người của họ !

Song Chi

Nguồn : RFA, 12/02/2020 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ
Read 665 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)