Hôm trước báo chí Việt Nam ở nước ngoài, cũng như báo chí của Mỹ, có bài viết tiên đoán về Đại hội 13. Những ai sẽ được lựa chọn làm "nhân sự hạt nhân" lãnh đạo đảng và nhà nước trong "nhiệm kỳ" tới.
Nếu vẫn theo qui chế hiện tại, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, thì ông Trần Quốc Vượng hay Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay thế ông Trọng.
Có tác giả cho rằng việc lựa chọn nhân sự sẽ không "phức tạp" như kỳ Đại hội 12. Việc "kế thừa" sự nghiệp ông Trọng về "chống tham nhũng" và "phát triển kinh tế" sẽ là yếu tố quyết định.
Các nhận định đều chỉ ra rằng, nếu vẫn theo qui chế hiện tại, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, thì ông Trần Quốc Vượng, hay Nguyễn Xuân Phúc, sẽ thay thế ông Trọng. Bà Ngân có thể làm thủ tướng nhưng chức vụ này có thể bị Vương Đình Huệ cạnh tranh. Còn nếu trở lại qui chế "tứ trụ", có thể bà Tòng Thị Phóng hay Nguyễn Thiện Nhân sẽ làm chủ tịch Quốc hội.
Theo tôi, nếu suy xét cho đúng mức, kỳ này có thể sẽ khó khăn hơn kỳ 12.
Bởi vì "sự nghiệp" của ông Trọng nếu các đảng viên thấy rằng có "tì vết", thì việc "kế thừa" sẽ không đem lại tính chính danh cho người kế nhiệm. Ngược lại, những nhân sự nào có "quan hệ", dính líu đến các "tì vết" này sẽ sớm bị loại ra ngoài.
Rõ ràng cách giải quyết vụ Đồng Tâm là một "sai lầm" của cá nhân ông Trọng. Điều này, nếu tinh tế một chút, ta cũng nhìn thấy ông Trọng đã thừa nhận "mắc sai lầm" qua ý tứ của ông trong bài diễn văn chúc tết.
Ngay sau vụ Đồng Tâm, trí thức trong nước đã đặt vấn đề về hai hai khuynh hướng : 1/ phe chủ trương chuyên chế để giữ an ninh nội bộ và 2/ phe thúc đẩy hội nhập quốc tế để khai thác thị trường.
Nói trắng ra là trong đảng hiện hữu hai phe : phe công an và phe ngoại giao. Bài phỏng vấn tướng Tô Lâm trên Vietnamnet và bài của Phạm Bình Minh trên Lao động cho ta thấy hai chủ trương "đối kháng" (nhưng không đối nghịch) này.
Phe công an của ông Tô Lâm, lạc quan vì nghĩ rằng, không chỉ là "thanh gươm" của ông Trọng, mà còn là người "thừa kế" chính đáng ghế chủ tịch nước của bộ trưởng công an tiền nhiệm Trần Đại Quang. Phe này chủ trương "chuyên chế", thậm chí có thể nói là lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực để giải quyết các tranh chấp nẩy sinh từ các vấn đề chính trị hay xã hội, thậm chí kinh tế.
Xưa nay Đảng cộng sản Việt Nam không có thói quen đưa một ông công an lên làm tổng bí thư. Nhưng chủ tịch nước thì đã có.
Còn phe ngoại giao, mặc dầu đã có công rất lớn trong các công tác vận động quốc tế để Việt Nam không bị "cô lập" như các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Nhân sự phe này còn mở cửa cho Việt Nam vào các vận hội quốc tế, tạo cơ hội cho Việt Nam nắm bắt những thời cơ để phát triển. Dầu vậy nhân sự phe này luôn "đứng ngoài hàng rào" nhân sự "hạt nhân".
Đại hội 13 việc lựa chon có "gay gắt" hay không còn tùy thuộc vào "phe cánh" của các bên.
Nếu tiếp tục con đường "mở cửa" để phát triển, tức là thúc đẩy sự nghiệp "đổi mới", nhân sự lãnh đạo "tam đầu chế" có thể sẽ là Minh, Ngân, Phóng. Ông Minh lên chủ tịch nước kiêm tổng bí thư. Bà Ngân làm thủ tướng và bà Phóng có thể lên làm chủ tịch quốc hội.
Đây là mô hình "đổi mới" triệt để. Tổng bí thư xuống đứng dưới Chủ tịch nước và vai trò phụ nữ được đề cao.
Nếu trở lại "tứ trụ", nhân sự có thể là Ngân, Minh, Nhân, Phóng.
Còn nếu tiếp tục con đường "chuyên chế", dùng bạo lực của công an và sự dối trá của tuyên giáo để giải quyết cho tất cả, nhân sự có thể là Vượng, Lâm, Thưởng. Hoặc Vượng, Phúc, Lâm, Thưởng.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : nhantuan.truong, 26/01/2020