Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/03/2020

Làm báo ở Việt Nam khó quá

Nguyễn Nam

Khó vì nhiều khi chẳng biết phải ‘biên tập’ thế nào để ai cũng có thể hiểu được là bài báo đang muốn nói về điều gì cả ở ‘bề mặt’ lẫn phía ‘sâu thẳm’ của tầng nấc ngữ nghĩa tiếng Việt.

lth0

Ngài Lê Thanh Hải vừa còn ‘nguyên’, song cũng vừa không phải ‘nguyên’. Rối rắm chữ nghĩa là chỗ đó

Được lời rủ rê của một người bạn xứ hoa Tuy-líp, tôi nhận lời phụ họ trong chuyện bếp núc của trang Việt Nam Thời Báo, với lưu ý : ở Việt Nam không làm báo kiểu như tờ Sun ở lục địa già, cũng chẳng như CNN, song cũng không hẳn giống với Hoàn Cầu của Trung Hoa lục địa. Khó thật.

Càng khó hơn khi tôi phải biên tập về tin tức ngài Lê Thanh Hải vừa còn ‘nguyên’, song cũng vừa không phải ‘nguyên’. Rối rắm chữ nghĩa là chỗ đó.

Ông bạn cũ là nhà báo ‘Bắc kỳ’ nhưng sống ở Sài Gòn, giải thích kiểu vầy : Việc cách hết những chức vụ của một người đã thoát ly khỏi chức vụ đó trong nội bộ Đảng, thì không thể tìm cách biện giải bằng căn cứ pháp lý.

Ông bạn cho ví dụ : Thử tưởng tượng bây giờ, một người khi có yêu cầu trong một vụ tố tụng lớn, trưng ra một văn bản nặng ký, có liên quan đến sinh mệnh, tiền bạc cực lớn mà người ký là "Bí thư thành ủy đảng cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải". Nếu công nhận giá trị này thì "Tên tội phạm tương lai" kia sẽ hưởng lợi rất lớn và thoát tội.

Người tiếp nhận đẩy trả mớ văn bản mà nói : "Vô giá trị. Người ký không phải Bí thư thành ủy". Đương sự nói : "Khi ấy ông ấy là bí thư… thật !". Người tiếp nhận lại tiếp : "Nhưng ông ấy đã bị cách hết chức vụ cũ".

Đó, trong đoạn thoại (giả tưởng) này, ai cũng có lý. Cách đây 5 năm không tin Bí thư thành ủy thì tin ai ? Nhưng tin thì sai. Còn viên chức kia cũng đúng : ông Hải bị "cách" hết chức vụ trước đây" rồi nên đương nhiên chữ ký đó không có giá trị gì.

Tới đây có thể có ai đó có thể lý sự "lúc nào ra lúc đó". Khi đó ông ta có tư cách đó. Chữ ký, những phát biểu, nhưng chủ trương ông ta đứng đầu đều có giá trị. Vâng. Lại đúng.

Như vậy, có thể có 02 kết luận. Thứ nhứt, tư cách Bí thư trong quá khứ của ông Hải là hiện hữu. Hiệu lực của các định chế mà ông Hải là "Trùm" vẫn nguyên giá trị. Thứ hai, nếu muốn làm việc này phải điều chỉnh ngay trong điều lệ Đảng và pháp luật nhà nước. Ví dụ trong luật hành chính hoặc dân sự, ắt phải có một điều : Chữ ký trong các văn bản pháp quy do một cốt cán ký trong quá khứ nay vị trí này không còn do nhiều lý do, vẫn còn nguyên giá trị !…

Tuy nhiên trong giải thích dông dài, rối rắm như mối bòng bong đó vẫn còn nguyên trong tôi một thắc mắc : Sai phạm ở các chữ ký nếu có – ví dụ như ở vụ Thủ Thiêm, thì đó là sai phạm của một người nhân danh chức vụ được Đảng và nhà nước phân công.

Như vậy khi "cách" chức vụ của người này ở thời gian vài năm sau đó, và văn bản có chữ ký của người đại diện quyền lực được Đảng và Nhà nước phân công đó vẫn còn giá trị – tương tự như chữ ký của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong các đàm phán FTA, thì phải chăng chịu trách nhiệm tối thượng ở đây chính là các vị được nhân danh Đảng và Nhà nước ; tức những người có chức danh Tổng bí thư, Thủ tướng ?

Làm báo ở Việt Nam đúng là khó thật khi với một ‘phụ bếp’ như tôi dù ‘nhờ vả’ vào mối quan hệ với các bè bạn ‘thâm niên’ nghề viết lách, họ vẫn không giúp tôi ‘sáng’ ra bao nhiêu trong chuyện "cách" cứ như mê hồn trận ngữ nghĩa, song lại không được soi sáng bằng hệ thống luật pháp dân sự.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 21/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)