Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/01/2020

EVFTA/IPA : nhận định tình hình

Thục Quyên

Hãy đưa những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam ra khỏi tù trước để có người cộng tác hữu hiệu với Châu Âu. Vì họ chính là những người ủng hộ thương mại bền vững đáng được tin tưởng.

ipa1

Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA và IPA) ngày 30/06/2019. Ảnh: NLD

1. Phần ít quan trọng của bài

Bài viết "Điểm mù trong cuộc vận động quốc tế của xã hội dân sự Việt Nam " (1) của tôi đã làm một số người nổi giận, trong đó có ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Ông Vinh đã phản đối trên FB "Không mù không ngu chỉ yếu thế" và kết tội "tác giả có những nhận xét chủ quan, thiếu hiểu biết về trong nước, nóng nảy và thậm chí ngạo mạn, lên mặt dạy đời…". Nhưng sau đó không có gì tranh cãi đáng tiếc xảy ra nữa, khi tôi hiểu ngay lý do của sự tức giận và viết vào FB Nguyễn hữu Vinh cắt nghĩa chữ "điểm mù"

Thuc-Quyen Nguyen : Điểm mù là chữ dịch của blindspot. Thí dụ "Xe tải có rất nhiều điểm mù ‘chết người’ mà ở đó tài xế không thể quan sát thấy"…

Ông Phạm Chí Dũng là người (trong nước) duy nhất lên tiếng đòi hỏi EU nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ những giá trị đạo đức mà chính họ đã đưa vào làm nền tảng cho những hiệp định thương mại của họ. Ông Phạm Chí Dũng có cách lên tiếng, có "quan điểm theo khẩu vị "của không những tác giả mà hầu như tất cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Các dư luận viên đã thất bại khi hồ hởi phấn khởi xông vào khích bác, tưởng là được dịp châm dầu vào lửa, với những bài như " Giới zân chủ "đại chiến" vì EVFTA" của Thanh Phong trong Loa phường và Hội cờ đỏ, hay "Tranh luận về EVFTA (1) : Thục Quyên và Nguyễn Quang A" và "Tranh luận EVFTA (2) Thục Quyên và Ba Sàm" của Hoàng Lệ trong "Diễn đàn dân chủ". Đây là trường hợp hiếm hoi và có lẽ là duy nhất mà dư luận viên lại hăng hái ủng hộ tính chính danh của ông Quang A và ông Vinh Ba Sàm để đại diện quyền người dân trong nước, và ủng hộ quan điểm của ông Quang A là chí lý.

Tiếc thay, tuy không rơi vào cái bẫy rẻ tiền của đám dư luận viên, nhưng những vị hoạt động trong xã hội dân sự tự do trong nước mong muốn EVFTA/IPA được phê chuẩn lại vẫn không lên tiếng cắt nghĩa với những suy luận có cơ sở vững chắc như tác giả Quang Thành mong mỏi trong bài "EVFTA không phải để "dạy đời" hay để tuyên bố "hời hợt" (2). Rút cục thì chẳng những người ở hải ngoại như tôi đành vẫn "thiếu hiểu biết về người trong nước", mà chính những người trong nước có biết về nhau hơn tôi hay không, cũng còn là một câu hỏi.

2. Phần quan trọng của bài

Sau khi Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu ngày 21/01 đồng ý khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do và Đầu tư Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA/IPA) thì các báo của nhà nước Việt Nam mừng vỡ bờ và dốt nát cương ẩu luôn là EVFTA và IPA đã được Ủy ban Thương mại EU thông qua.

Một vài người hoạt động xã hội dân sự tự do trong nước cũng như vài người chưa bao giờ lên tiếng phân tách gì về những hiệp định này, nay thấy Ủy ban INTA bỏ phiếu thuận, bỗng lên tiếng tán dương những điểm họ cho là lợi lạc. Vài người còn diễn giải khơi khơi là Việt Nam có cam kết rất quan trọng trong việc cho phép lập hội và công nhận những công đoàn độc lập, hoặc còn tự cho là có thể sử dụng EVFTA/IPA để làm công cụ hướng dẫn cho người dân trong nước đấu tranh như thế nào để cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước.

Trong khi đó, những người/nhóm tranh đấu đòi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA/IPA cho tới khi phía Việt Nam chứng minh thành thật tôn trọng những cam kết trong hai hiệp định, bằng những hành động cụ thể tôn trọng nhân quyền như thả tù nhân chính trị, phê chuẩn công ước ILO 87 thay vì lươn lẹo với công ước ILO 98 vô bổ vì thiếu ILO 87… thì im ắng như đang lặng người vì bị đòn mạnh.

Cả hai bên, ủng hộ hay đòi hoãn, đều kết luận là Liên Hiệp Châu Âu đã coi kinh tế quan trọng hơn nhân quyền.

Điều này sai hoàn toàn !

Không mù không ngu chỉ không tìm hiểu kỹ

1. Bản khuyến nghị chưa được hoàn thành

Ủy ban INTA đã đồng ý khuyến nghị phê chuẩn EVFTA/IPA nhưng cho tới hôm nay những người chịu trách nhiệm vẫn chưa hoàn thành bản khuyến nghị chính thức. Khuyến nghị lõi do Dân biểu Zahradil thảo từ trước khi ông này chẳng đặng đừng phải từ chức (3) đã được đem ra mổ xẻ trong nhiều buổi họp, và vào ngày 21/01 vừa qua, các Dân biểu trong Ủy ban INTA cũng đã bỏ phiếu sửa từng câu chữ, thêm bớt bằng những đề nghị đến từ các dân biểu và các ủy ban khác của nghị viện.

2. Hướng dẫn Nghị viện

Sau Brexit, Nghị viện Châu Âu còn 705 (thay vì 751) dân biểu.

Khoảng giữa tháng 2/2020, toàn thể các dân biểu sẽ bỏ phiếu quyết định có phê chuẩn EVFTA/IPA hay không.

Nghị viện có tất cả là 20 ủy ban và 2 tiểu ban, phụ trách việc tìm hiểu, phân tách và hướng dẫn các nghị viên lấy quyết định qua những báo cáo, khuyến nghị. Liên quan đến việc hướng dẫn Nghị viện trong vấn đề EVFTA/IPA là những ủy ban :

- INTA (Committee on International Trade) Ủy ban Thương mại (45 dân biểu)

- AFET (Commission des affaires étrangères) Ủy ban Đối ngoại gồm cả Tiểu ban Nhân quyền DROI (sous-commission Droits de l’homme) (71 dân biểu)

- DEVE (Commission du développement) Ủy ban Phát triển (26 dân biểu) và

- PECH (Commission de la pêche) Ủy ban Ngư nghiệp (28)

Đối đầu với khuyến nghị của INTA, bản ý kiến của Ủy ban AFET ngày15/12/2019 dài 2 trang chi tiết của báo cáo viên Dân biểu Isabel Wiseler-Lima đã được đại đa số các thành viên tham dự của AFET chấp thuận với 47 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 8 phiếu trắng (4) đưa tới ý kiến bổ túc chính thức của AFET :

- nhận định rằng chỉ nên chấp thuận Hiệp định (EVFTA/IPA) nếu nhà cầm quyền Việt Nam thả tù nhân chính trị của họ ;

- nhấn mạnh sự cần thiết Việt Nam phải cam kết và đồng ý với Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu về một lộ trình rõ ràng để thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp hữu hiệu để giải quyết các mối quan tâm được nêu trong nghị quyết ;

- yêu cầu Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu chú tâm giải quyết những quan ngại này.

Bản ý kiến ngắn của Ủy ban DEVE ngày 3/12/2019 tuy ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam nhưng vẫn đồng ý khuyến nghị phê chuẩn mà không đưa lý do và cũng chỉ được non nửa số thành viên thuận 11, 7 phiếu chống và 6 phiếu trắng.

Ủy ban PECH đưa ý kiến ngày 13/12/2019 là không muốn mạo hiểm đánh giá khía cạnh chính trị của EVFTA/IPA, một công việc mà các ủy ban khác chịu trách nhiệm. PECH đồng ý phê chuẩn với đòi hỏi Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu phải quan tâm đến trường hợp ngành thủy sản Việt Nam bị thẻ Vàng từ tháng 10/2017 mà vẫn không đủ nỗ lực để khắc phục thiếu sót, và Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cần phải không ngần ngại phát thẻ Đỏ nếu tình trạng này tiếp tục.

Chưa ngã ngũ việc Nghị viện Châu Âu sẽ phê chuẩn EVFTA/IPA hay không

Ủy ban INTA nắm quyền quyết định hoàn tất khuyến nghị theo ý mình, do đó khuyến nghị chính thức của INTA cần phải được những nhà hoạt động Việt Nam thực sự lưu tâm đến EVFTA/IPA nghiêm chỉnh nghiên cứu. Theo thông lệ thì các dân biểu Nghị viện Châu Âu sẽ dựa trên bản khuyến nghị này để bỏ phiếu, nhưng nếu được nhắc nhở, họ sẽ lưu tâm đến lời kêu gọi của Human Rights Watch (3) và nhất là Bản Ý kiến của Ủy ban AFET/DROI (4).

Ngoài ra Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế (International Trade Union Confederation - ITUC) đã chỉ ra những điểm cần phải sửa đổi trong bộ Luật Lao động mới trong khi Liên hiệp Công đoàn Châu Âu (European Trade Union Confederation - ETUC) đã nghiêm khắc phê phán bộ Luật Hình sự Việt Nam cản trở quyền tự do của người Lao động và những sửa đổi chắp vá trong bộ Luật Lao động mới không có gía trị.

Phải nêu lên những khía cạnh khác bên cạnh Nhân quyền

1. Về phía Việt Nam :

Nếu EVFTA/IPA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, thì Việt Nam sẽ mất diện Ưu đãi thuế quan (General System of Preference-GSP) (1). Nếu lưu tâm đến tình trạng ngành thủy sản Việt Nam bị thẻ Vàng, có thể sắp đổi qua thẻ Đỏ, thì phía Việt Nam thay vì kể lể những lợi điểm một cách không suy nghĩ, phải tự đặt câu hỏi, liệu có tránh nổi không bị phạt khi vi phạm những cam kết thương mại trong EVFTA/IPA hay không ?

2. Về phía Liên Hiệp Châu Âu :

Tôi đã phản biện trong FB của những dân biểu Nghị viện Châu Âu như ông Bernd Lange (chủ tịch INTA) và bà Karin Karlsbro (báo cáo viên của khối đảng Renew), lưu ý họ như sau :

Điều đầu tiên để chứng minh lương tâm trong sạch của ông/bà là nêu ra một, tối thiểu một hành động tích cực cụ thể của Việt Nam đối với Nhân quyền, ví dụ như những nhân quyền mà quyền tổ chức hoặc thương lượng tập thể phụ thuộc. Tôi hiểu rằng Châu Âu/Thụy Điển cực kỳ phụ thuộc vào thương mại cho nền kinh tế như ông/bà đã nói, nhưng hãy suy nghĩ xem liệu thương mại có thể phát triển lành mạnh hay không ở một quốc gia mà chỉ đạt 37 điểm trong số 100 trên bảng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2019 được báo cáo bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một quốc gia nơi tự do báo chí, tự do công đoàn, tự do lập hội và tự do tôn giáo bị đàn áp và trừng phạt nghiêm khắc. Hãy đưa những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam ra khỏi tù trước để có người cộng tác hữu hiệu với Châu Âu. Vì họ chính là những người ủng hộ thương mại bền vững đáng được tin tưởng.

Thục Quyên

Nguồn : VNTB, 29/01/2020

(1) https://baotiengdan.com/2019/12/08/evfta-diem-mu-trong-cuoc-van-dong-quoc-te-cua-xhds-viet-nam/

https://boxitvn.blogspot.com/2019/12/evfta-iem-mu-trong-cuoc-van-ong-quoc-te_9.html `

(2) https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/1198423620354318/

(3) https://www.hrw.org/vi/news/2020/01/15/338093

(4) https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/AFET-AD-641414_EN.pdf

(5) https://www.etuc.org/en/document/etuc-position-eu-vietnam-free-trade-and-investment-protection-agreements

*****************

EVFTA : điểm mù trong cuộc vận động quốc tế của xã hội dân sự Việt Nam

Thục Quyên, VNTB, 08/12/2019

Bài viết này nhằm giúp đỡ người Việt trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về hai đường hướng hoạt động trái chiều hiện nay của các xã hội dân sự Việt Nam : ủng hộ hay đòi hoãn phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA.

Cố gắng này cũng là một bức tâm thư gửi đến anh Phạm chí Dũng và gia đình, để nói lên lòng kính trọng của người viết đối với anh,một người mà vì tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết, cũng như lòng dũng cảm, đang chịu sự đàn áp và tù ngục tại quê hương.

ipa2

Cho tới nay người duy nhất sống tại Việt Nam lên tiếng vê hai hiệp định EVFTA và EVIPA là nhà báo Phạm Chí Dũng thì đã vào tù.

Điểm mù cơ bản trong cuộc vận động quốc tế liên quan đến EVFTA và EVIPA (1) của giới xã hội dân sự Việt Nam, dù quốc doanh hay độc lập, là do phần lớn chỉ nhắc lại những luận điệu ủng hộ hay chống đối như những con vẹt mà không tự đọc và nghiên cứu chính những bản viết cuả hai hiệp định này.

Nói cho đúng, đây không phải là ủng hộ hay chống đối chính hai hiệp định, vì mặc dù chúng không hoàn hảo nhưng được mọi người tạm chấp nhận là có thể có lợi cho cả đôi bên NẾU được áp dụng nghiêm chỉnh.

Ủng hộ hay chống đối đây là :

– ủng hộ phê chuẩn ngay 2 hiệp định này mà không cần nhà cầm quyền Việt Nam phải có hành động chứng minh tôn trọng nhân quyền, hoặc

– chống đối, đòi hoãn việc phê chuẩn cho tới khi Việt Nam thả các tù nhân lương tâm cũng như ký cả ba công ước lao động cơ bản ILO 87, ILO 98 và ILO105.

Đây chỉ là đòi hỏi hoãn phê chuẩnchứ không phải là đòi hỏi bãi bỏ.

Hoãn phê chuẩn cho tới khi Việt Nam thực thi điều I của Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện PCA :

Chương I - Điều 1 :

Các Bên khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế như được quy định trong các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được tái khẳng định trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các Quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế liên quan khác. Các nguyên tắc đó bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, vấn đề pháp quyền và nguyên tắc tự nguyện thực hiện cam kết quốc tế với thiện chí (pacta sunt servanda) ; và đối với việc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, như quy định trong Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và những văn kiện quốc tế về nhân quyền có liên quan mà các Bên là thành viên, làm cơ sở cho các chính sách đối nội và đối ngoại của hai Bên và tạo thành một yếu tố thiết yếu của Hiệp định này.

Hiệp định khung PCA quan trọng ra sao ?

PCA (partnership and cooperation agreements) là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động, ràng buộc vững chắc về Nhân quyền. EVFTA/IPA chịu sự ràng buộc nhân quyền định rõ trong PCA và đồng thời những cam kết đối với những luật nhân quyền quốc tế.

Vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chất của PCA và EVFTA/ IPA (1).

PCA được ký kết giữa Việt Nam và EU năm 2012 và được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn tháng 12 năm 2015.

Nhưng kể từ khi triển khai thực hiện Hiệp định PCA vào năm 2016 (cũng là năm kết thúc đàm phán EVFTA), tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi một cách đáng kể : Số lượng người bảo vệ nhân quyền hoặc đơn giản thực thi những tiêu chuẩn nhân quyền trong cuộc sống, bị bắt giữ và bị kết án nặng vẫn đang tăng đều đặn, dù trong lĩnh vực tự do tôn giáo, ý kiến, báo chí hoặc hiệp hội, khiến chính Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng đặt vấn đề rất nhiều lần.

Tổ chức Mạng lưới những người Bảo vệ nhân quyền VETO ! từ tháng 9/2018 đã đẩy mạnh cuộc vận động các dân biểu Nghị viện Châu Âu theo chiều hướng (2) : quyết định của EU phải được dựa vào các hành động chứ không phải là lời hứa của Việt Nam trong quá trình phê chuẩn EVFTA/IPA. Và yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA/IPA cho tới khi Việt Nam thực hiện điều 1 của PCA, tối thiểu là thả các tù nhân lương tâm, ký công ước ILO 87 về tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền tổ chức.

PCA có hiệu lực từ tháng 12/2015 mà Việt Nam vẫn tiếp tục, không những đàn áp nhân quyền bằng cách bắt và kết án tùy tiện những nhà hoạt động, mà còn ra luật An ninh mạng để bóp chết mọi tiếng nói tự do.

Những tiếng nói đòi thực thi PCA trước khi phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Tất cả các tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn như :

- Human Rights Watch - HRW,

- Christian Solidarity Worldwide - CSW,

- International Federation for Human Rights - FIDH,

- Civil Rights Defenders - CRD……

và các tổ chức nhân quyền chuyên về Việt Nam như :

- Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền (Human Rights Defenders‘ Network) VETO !,

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam - VCHR (Vietnam Committee on Human Rights),

- Sáng kiến Thể hiện lương tâm Người Việt hải ngoại VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment),

-Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền DTD (Defend the Defenders),

cũng như một số cộng đồng người Việt tại hải ngoại đều đồng thanh cực lực đòi hỏi điều kiện nhân quyền tiên quyết trước khi phê chuẩn EVFTA/IPA.

Trong cuộc điều trần (3) trước Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu DROI ngày 26/09/2019, ông Vũ quốc Dụng thuộc mạng lưới VETO ! và bà Gaelle Desepulchre thuộc tổ chức FIDH đã trình bày và đưa ra những lý luận chặt chẽ cùng những bằng chứng là Việt Nam đã liên tiếp vi phạm PCA, và mặc dù Nghị viện Châu Âu nắm vững những điều này và đã ra những nghị quyết nhân quyền, mạnh nhất là nghị quyết 2018/2925 (RSP) ngày 15/11/2018 trực tiếp liên quan đến PCA và EVFTA :

Nguyên bản : Calls for the Vietnamese Government and the EU, as important partners, to commit to improving respect for human rights and fundamental freedoms in the country, as it is a cornerstone of the bilateral relations between Vietnam and the Union, notably in view of the ratification of the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) and in view of the EU-Vietnam Partnership and Cooperation Agreement (PCA) ;

Tạm dịch : Kêu gọi Chính phủ Việt Nam và EU, với tư cách là đối tác quan trọng, cam kết nâng cao sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước, vì đây là nền tảng của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh, đáng chú ý hơn hết (đây cũng là điều kiện) phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chiếu theo quan điểm của Hiệp định hợp tác và đối tác EU-Việt Nam (PCA).

Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu đã không hề đòi hỏi Việt Nam tôn trọng Hiệp định PCA mà vẫn tiếp tục tiến tới việc ký kết EVFTA/ IPA, và hiện đang gây ảnh hưởng để Nghị viện phê chuẩn thuận.

Những tiếng nói đòi phê chuẩn ngay EVFTA và EVIPA mà không bị ràng buộc bởi vấn đề đàn áp Nhân quyền.

Đây là những tiếng nói hoàn toàn chỉ có từ những xã hội dân sự trong nước, và cũng vì vậy mà rất quan trọng, và được EU cũng như chính phủ Việt Nam ưu ái.

Bỏ qua bên tất cả những xã hội dân sự quốc doanh, có một vài nhân vật được coi là những khuôn mặt của xã hội dân sự độc lập, cũng không đặt điều kiện Nhân quyền là tiên quyết cho việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA/IPA. Trong số những khuôn mặt này có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cũng là người duy nhất lên tiếng chính thức cắt nghĩa lý do.

Theo ông, khi Hiệp định thương mại này phê chuẩn thì sẽ có những ràng buộc về vấn đề nhân quyền mà Việt Nam phải thực hiện (những "cây gậy" như ông nói). Đây là một điều đáng ngạc nhiên khi Tiến sĩ Quang A khư khư giữ lập luận đó, dù rằng trước ông, khi chính Ủy ban Liên Minh Châu Âu đưa ra lập luận này thì đã bị toàn thể các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá và chứng minh là gian dối.

Hiệp định khung PCA là nền tảng của EVFTA/IPA, hay nói khác đi EVFTA/IPA không thể tách riêng khỏi PCA, vậy từ tháng 12/2015 PCA được phê chuẩn tới nay, thì EU có ảnh hưởng trực tiếp nào để Việt Nam "phải thực hiện những ràng buộc nhân quyền" ? "Cây gậy" EU nào đã được đem ra xử dụng hay chỉ thấy đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam mặc sức muá gậy vườn hoang ?

Nếu không có EVFTA/IPA thì Việt Nam sẽ rơi hoàn toàn vào tay Trung Quốc ?

Ngoài ra, cũng có lập luận cho rằng kinh tế Việt Nam kiệt quệ, nếu không có EVFTA/IPA thì Việt Nam sẽ rơi hoàn toàn vào tay Trung Quốc. Lập luận này cho thấy người đưa ra đã không đứng đắn tìm hiểu tình hình mà chỉ phiến diện, tuyên bố nổi.

Từ khi mở cửa quan hệ với Châu Âu, Việt Nam đã được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan GSP với tất cả 28 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Từ tháng 1/2014 một quy định mới đã được thay thế cho quy định GSP cũ, với mục đích là hỗ trợ các nước đang phát triển, bằng cách tạo thuận lợi cho những nuớc này xuất khẩu vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu, dưới hình thức giảm thuế cho hàng hóa của các nước đang phát triển khi xuất khẩu sang thị trường EU, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại các nước EU không đòi hỏi được đối xử có đi có lại.

Hệ thống GSP mới, tập trung ưu đãi các nước kém phát triển nhất và các nền kinh tế nghèo không được hưởng bất kỳ kênh ưu đãi nào khi tiếp cận thị trường EU.

Nếu EVFTA/IPA đi vào hiệu lực, Việt Nam sẽ bị loại, không được hưởng ưu đãi GSP nữa (do đó EVFTA/IPA không hẳn là hoàn toàn có lợi cho Việt Nam).

GSP cho thấy, EVFTA/IPA không phải là liên hệ kinh tế đầu tiên hay duy nhất giữa Việt Nam và EU. EU sẽ không biến mất để "bỏ mặc Việt Nam" cho Trung Quốc nếu EVFTA/IPA bị hoãn phê chuẩn.

Trong suốt thời gian hưởng thụ GSP, Việt Nam có thoát khỏi tay Trung Quốc không ? Hay lý do bị Trung cộng nuốt dần chính là sự ỷ lại vào những mơ ước hão huyền và một hệ thống hối lộ ?

Tìm hiểu về GSP còn cho thấy điều kiện để được hưởng chương trình ưu đãi này là "Tất cả các quốc gia thụ hưởng GSP phải tôn trọng các nguyên tắc của mười lăm công ước cốt lõi về quyền con người và quyền lao động", tương đương với điều kiện về nhân quyền trong PCA và EVFTA/IPA.

Có nghĩa là Việt Nam không hề tuân thủ những cam kết sau khi một hiệp định đã được ký kết, EU tự họ không bao giờ xử dụng sức ép có trong tay để đòi hỏi Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Đó là phần việc, là bổn phận của người Việt phải tìm hiểu và đòi hỏi EU, một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại thì EU phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.

Nếu người Việt trong nước không, hay không có khả năng, lên tiếng đòi Nhân quyền, nếu người Việt trong nước không coi Nhân quyền là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể ăn mừng chiến thắng EVFTA/IPA sẽ được phê chuẩn vào tháng 2/2020.

Cho tới nay người duy nhất sống tại Việt Nam lên tiếng là nhà báo Phạm Chí Dũng thì đã vào tù. Không cần cả triệu người như Hồng Kông, chỉ cần vài ngàn người sát cánh với ước vọng nhân quyền của Phạm chí Dũng, gửi thư cho EU, thì EU sẽ phả nghiêm chỉnh đặt lại vấn đề với nhà cầm quyền Việt Nam. Mong rằng Phạm chí Dũng không cô đơn trong biển người gần một trăm triệu của Việt Nam.

Thục Quyên

Nguồn : VNTB, 08/12/2020

(1) https://boxitvn.blogspot.com/2019/05/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta.html
https: //baotiengdan.com/2019/05/24/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta/

(2) https: //boxitvn.blogspot.com/2018/10/gia-tri-nhan-quyen-trong-buoi-ieu-tran.html
https://baotiengdan.com/2018/10/17/gia-tri-nhan-quyen-trong-buoi-dieu-tran-ve-evfta/

(3) https: //boxitvn.blogspot.com/2019/11/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac.html
https://baotiengdan.com/2019/11/19/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac-xhds-doc-lap-viet-nam-can-lam-gi/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thục Quyên
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)