(Bài II)
Ý kiến và đòi hỏi của một số dân biểu bỏ phiếu chống từ những đảng khác nhau
Ngày 12/02/2020 Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
1. Khối đảng Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ S&D
Nữ dân biểu Maria Arena, chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền (nằm trong Ủy ban đối ngoại) thuộc khối Xã hội Bỉ, và đang trong nhiệm kỳ thứ 2 của Nghị viện Châu Âu.
Ngay sau khi được bầu làm chủ tịch Tiểu ban nhân quyền, dân biểu Arena đã mời những tổ chức nhân quyền FIDH, VETO ! và VOICE đến trình bày vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và lắng nghe những đề nghị giải quyết của họ (1).
Trong cuộc thảo luận trước ngày bầu cử, Dân biểu Arena đã đưa ra nhận định ngắn gọn :
Nhân danh bảo vệ nhân quyền để bỏ phiếu cho một hiệp định thương mại tự do với một chế độ cộng sản độc tài là một điều siêu thực.
Tuy nhiên, nó đã và vẫn có thể được làm tốt hơn so với hiệp định hiện đang có. Tại sao cơ chế giải quyết tranh chấp giữa đôi bên không bao gồm vấn đề phát triển bền vững ? Tại sao, khi nói đến các quyền xã hội và môi trường, không có cơ chế ràng buộc hơn và kèm thêm các biện pháp trừng phạt ?
Một sự thay đổi trong chiều hướng này, thưa ông Ủy viên phụ trách thương mại (2), là điều hoàn toàn có thể làm được, nhưng cần phải có ý chí chính trị để làm điều đó. Ông Ủy viên, và cả chúng tôi, với tư cách là Nghị viện, cần thêm thời gian để sửa đổi thỏa thuận này, như lúc trước chúng ta đã từng làm với cơ chế ISDS giải quyết tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước. Mọi người ở đây trong Nghị viện lúc đó đều nói rằng ISDS thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta đã chiến đấu và chúng ta đã chiến thắng : thay đổi ISDS thành hệ thống Tòa án Đầu tư ICS.
Trận chiến của chúng ta ở đây là làm cho sự phát triển bền vững trở thành một chương ràng buộc, đi cùng với các biện pháp trừng phạt.
Sau cuộc bầu cử, dân biểu M. Arena đã phê bình :
Chúng tôi chỉ có 26 (trên 154) dân biểu thuộc đảng S & D đã không chấp thuận các phần khác nhau của hiệp định giữa EU và Vietnam. Một điều đáng xấu hổ ! Thêm một bằng chứng nữa cho thấy khí hậu và nhân quyền sẽ luôn là thứ yếu đối với lợi ích kinh tế.
Nghị viện Châu Âu đã chấp thuận hiệp định mặc dù nó không bao gồm các biện pháp ràng buộc để chế độ độc đoán này tôn trọng các cam kết của mình trong các vấn đề về quyền con người và môi trường. ̣
Đáng lý chính sách thương mại của EU phải là một phương tiện để thúc đẩy các giá trị cơ bản của chúng ta. Nhưng dường như đối với đại đa số đại biểu thuộc các đảng Nhân dân Châu Âu EPP và đảng cánh trung RENEW (bao gồm cả dân biểu Pascal Canfin mặc dù giữ chức chủ tịch của Ủy ban Môi trường), việc đề cập đến chính sách thương mại phải tôn trọng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (3) là không thể tưởng tượng được.
2. Khối đảng Nhân dân Châu Âu (EPP)
Trước ngày bỏ phiếu, dân biểu Benoit Lutgen, đảng Trung lập Dân chủ Nhân bản Bỉ CDH, khẳng định :
Thứ Tư, tôi sẽ bỏ phiếu chống lại Hiệp ước Thương mại Tự do với Việt Nam vì nó không bao gồm những đảm bảo tham gia cuộc chiến chống lại sự hâm nóng toàn cầu (không đánh giá tác động của CO2) và nó không bảo vệ quyền lao động, cũng như không bảo vệ nhân quyền.
Dân biểu B. Lutgen là 1 trong 3 dân biểu bỏ phiếu chống, trên tổng số 186 thuộc khối đảng EPP. Cho thấy có những dân biểu bầu theo sự hiểu biết và lương tâm của mình, cho dù đi ngược lại đường lối của đảng.
3. Khối đảng Xanh - Liên minh Tự do Châu Âu
Nữ dân biểu Maketa Gregorova vừa được bầu vào Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 2019-2024, là một dân biểu trẻ thuộc Đảng Cướp Biển (Pirates), Cộng hòa Czech.
Đảng Cướp biển có 4 dân biểu tại nghị viện Châu Âu, (3 thuộc Cộng hòa Czech và 1 thuộc Đức). Với cái tên "ngổ ngáo", đây là một đảng của những người trí thức rất trẻ không bằng lòng đường lối của các đảng truyền thống, và đặc biệt nhất là chủ trương tự do internet, phản đối việc theo dõi và kiểm duyệt trên mạng, cổ động việc nhân dân trực tiếp tham gia vào việc điều hành đất nước.
Ngày 11/02/2020, trước cuộc bầu cử, nữ dân biểu M. Gregorova đã lên tiếng trước Nghị viện và sau bầu cử, cũng đã thay mặt phái đoàn đảng Cướp Biển phát biểu :
Phái đoàn đảng Cướp Biển tại Nghị viện Châu Âu hôm nay đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Điều này chủ yếu là do nhân quyền tại Việt Nam đã tiếp tục xấu đi trong suốt thời gian các cuộc đàm phán cho tới khi thỏa thuận, và không có triển vọng cải thiện, dù Liên Hiệp Châu Âu có cố gắng làm áp lực.
Khi thỏa thuận, chúng ta đang trao cho chế độ độc tài Việt Nam một tấm ngân phiếu trắng để giao dịch với khối kinh tế lớn nhất thế giới, mà không phải thực thi những điều kiện đưa đến thay đổi. Với hiệp ước được phê chuẩn, Đảng Cộng sản Việt Nam đang cho rằng Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ một nhà nước độc đảng giám sát và đàn áp người dân của họ
Phái đoàn đảng Cướp Biển hỗ trợ thị trường tự do và tăng cường hợp tác kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, các chính sách thương mại và an ninh không thể tách rời. Câu thần chú cũ rằng thương mại tự do sẽ giải quyết mọi thứ và cuối cùng dẫn đến nền dân chủ tự do, không còn giá trị. Thay vào đó, chế độ đang dùng kinh tế để siết lại và gia tăng các cơ hội áp bức mới, thí dụ như qua các công nghệ giám sát hoặc mạng xã hội, một tình trạng được Việt Nam theo rập khuôn khổ Trung Quốc.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
(1) https://boxitvn.blogspot.com/2019/11/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac.html
(2) Phil Hogan
(3) Thỏa thuận Paris là một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ 2015
(Bài I)
Phía bỏ phiếu chống
Ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Những lời phát biểu của đôi bên được/thua là bàn đạp cho việc thực thi bản Hiệp định trong những ngày tháng tới (1).
Bà Heidi Hautala, Phó chủ tịch Nghị viện, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan. Ảnh minh họa
Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước và sau cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Một trong số 192 người bỏ phiếu chống là bà Phó chủ tịch Nghị viện Heidi Hautala, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan.
Bà Hautala là một vị dân biểu đã qua 4 nhiệm kỳ tại Nghị viện Châu Âu, và đã có trách nhiệm thay mặt Nghị viện qua Việt Nam vào đầu năm 2019, để khảo sát Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản EU-VN (gọi tắt là VPA).
Với tư cách Phó chủ tịch Nghị viện và cũng là thành viên của các Ủy ban Thương mại, Tiểu ban Nhân quyền, Phái đoàn quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dân biểu Hautala đã lên tiếng trong buổi họp Nghị viện ngày 11/02 trước cuộc bầu cử quyết định :
Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị, và Việt Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc cải cách luật lao động của mình – nhưng mặt khác, đã không sửa đổi bộ luật hình sự để cho phép người lao động được hưởng các quyền đó. Sự đàn áp đã trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện thỏa thuận này.
Nếu ngày mai Nghị viện đồng ý phê chuẩn EVFTA :
1. Nghị viện sẽ có trách nhiệm lớn trong việc đòi hỏi các yêu cầu của Nghị viện đã đưa ra (trong thời gian qua) về phát triển bền vững, nhân quyền và sự tham gia của một xã hội dân sự độc lập, phải được thực hiện.
2. và theo lời đòi hỏi của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban (Commission) vẫn còn phải cùng các đồng nghiệp đối tác Việt Nam thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về Nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập, với những đòi hỏi khắc phục vi phạm.
Đó là những lý do tại sao nhóm của chúng tôi, Đảng Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu chưa thể hỗ trợ Hiệp định này.
Ngày 12/02, sau khi có kết qủa thuận cho việc phê chuẩn EVFTA, bà Phó chủ tịch Nghị viện đã nhận định đúc kết như sau :
Nghị viện Châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại EU-Việt Nam. Nhóm Xanh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định này vì, bất chấp các cuộc đàm phán trong chương trình Hiệp định, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và gây áp lực lên các tổ chức của phe đối lập và công nhân. Hiệp định thiếu phương tiện hiệu quả để thực thi quyền con người, những ràng buộc luật pháp về môi sinh và các tiêu chuẩn xã hội. Ngoài ra, Việt Nam đã không can thiệp vào các phương tiện theo đúng khả năng để giải quyết nạn phá rừng.
EU cần phải làm tốt hơn trong chính sách thương mại của mình.
Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị, nhưng vẫn nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền. Một mặt, Việt Nam đã cải thiện luật lao động, nhưng đồng thời luật hình sự của Việt Nam ngăn cản việc thực thi hiệu quả các quyền này. Trong những năm qua, suốt thời gian tiếp diễn các cuộc đàm phán Hiệp ước, áp lực trên xã hội dân sự thậm chí còn tăng lên.
Vì những lý do đó, tôi đã không thể hỗ trợ Hiệp ước.
Khi tán thành Hiệp ước, Nghị viện Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng các đòi hỏi phát triển bền vững, nhân quyền và xã hội dân sự độc lập thực sự được đáp ứng. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không cung cấp những đảm bảo này. Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cùng với Việt Nam cần phải thiết lập một cơ chế giám sát nhân quyền độc lập có thể giải quyết hiệu quả mọi vi phạm (các quyền).
Bây giờ, sau khi Hiệp ước đã được phê duyệt, cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Hiệp định Thương mại không phải là sự kết thúc của phát triển tích cực, mà là sự khởi đầu của nó.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 14/02/2020
(1) https://baotiengdan.com/2020/02/13/evfta-bat-dong-y-kien-trong-dan-chu-phan-i/
(Bài III)
Ngày 12/02/2020 Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Quan trọng hơn hết, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự giữ một chỗ đứng nhất định trong cuộc tranh cãi, để bảo vệ những giá trị cơ bản của con người, sự công bằng trong xã hội, bằng cách lên tiếng thay mặt những người yếu thế, những nạn nhân không có tiếng nói. Mạng xã hội tự do đã cho người dân lưu tâm đến vấn đề có cơ hội trao đổi với nhau và cả với các chính trị gia, các dân biểu. Nhiều dân biểu Châu Âu cũng lên mạng tranh cãi thẳng với người dân, thu thập ý kiến, hoặc tự biện hộ
Khác với mức tham dự rầm rộ của các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức lao động, quốc tế cũng như Châu Âu, trong thời gian hình thành CETA giữa EU và Canada, hay TTIP giữa EU và Mỹ (đưa tới CETA được Nghị viện phê chuẩn và TTIP bị đình chỉ và bãi bỏ), những tổ chức này có mặt rất yếu ớt cho EVFTA/IPA cho tới khi 2 hiệp định này đã được EU và Việt Nam ký kết, chỉ còn chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. Lý do là họ còn xa lạ với Việt Nam (so sánh với Mỹ và Canada) vì không có liên lạc với những tổ chức xã hội dân sự Việt Nam hiện đang trong tình trạng rất èo uột.
Cuối cùng, sát ngày phê chuẩn, nhìn ra những ảnh hưởng tương tác đôi bên, họ mới thấy cần phải lên tiếng.
– Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) đã đưa đơn khiếu nại trước bà O’Reilly, Thanh tra Liên Hiệp Châu Âu, vì lý do Ủy ban Châu Âu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam. Phán quyết của bà Thanh tra ngày 26/02/2016 rằng đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng, bị Ủy ban Châu Âu lấy cớ cuộc đàm phán đã đi qúa xa để không thực hiện được và họ đã có tham khảo ý kiến của một vài tổ chức phi chính phủ. Điều này cho thấy Ủy ban Châu Âu cố tình lơ là vấn đề nhân quyền và những tổ chức bảo vệ nhân quyền đã vào cuộc tương đối trễ. Vào thời điểm này, ngoại trừ FIDH và VCHR, phía bảo vệ nhân quyền chưa có sự theo dõi nghiên cứu chương trình làm việc của Ủy ban Châu Âu hữu hiệu để đưa ra những đòi hỏi chính xác.
Phán quyết của bà Thanh tra không hiệu qủa cho thấy không có ràng buộc pháp lý hay kinh tế, thì phe phạm lỗi không bao giờ chịu sửa đổi trước những lời cảnh cáo suông.
– Những tổ chức chức nhân quyền quốc tế (thí dụ như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, VCHR, VETO !) và một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại hải ngoại và trong nước đã bền bỉ đưa tin tức về những tù nhân lương tâm cho Nghị viện Châu Âu xin can thiệp, đưa đến nhiều nghị quyết của Nghị viện (nhiệm kỳ 8) đòi trả tự do cho những người này.
Tuy cả 8 cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam xảy ra mỗi năm một lần đều có nhắc tới tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam nhưng chỉ là lấy lệ, và một số nhà hoạt động trong nước đã từng được mời tới gặp Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cũng chưa từng lên tiếng phê bình những cuộc gặp gỡ vô bổ này.
Tình trạng này có thể được cắt nghĩa vì các nhà hoạt động trong nước nhìn Ủy ban Châu Âu là nơi ban bố, giúp đỡ. Cũng có người nhìn rõ mình bị lạm dụng nhưng không thể lên tiếng (Tiến sĩ Phạm chí Dũng đã bị bắt sau khi vừa lên tiếng). Trong khi đó, những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm vị thế đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại thì phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.
– Tổ chức VETO ! đặc biệt đưa ra những đề nghị cụ thể với Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của EVFTA (1).
Sau cuộc bầu cử Nghị viện nhiệm kỳ 9, tổ chức VETO ! đã được mời đến điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể đáp ứng những đòi hỏi về nhân quyền, Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 đã đình trệ tiến trình phê chuẩn EVFTA và hiệp định đã không được phê chuẩn trong nhiệm kỳ 8 Nghị viện như mong đợi.
Ngày 9/2/2020, chỉ một ngày trước bầu cử, 68 tổ chức xã hội dân sự Châu Âu mới vào cuộc gửi thư thúc dục Nghị viện Châu Âu không chấp thuận phê chuẩn EVFTA/IPA.
Trong tuyên bố chung, 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Attac, Friends of Earth, Foodwatch, Emmaus International, Global Campaign to Reclaim Peoples Sovereignty, Dismantle Corporate Power and Stop Impunity… nhận định EVFTA không đáp ứng rất nhiều vấn đề như giải quyết bất bình đẳng quyền lợi giữa đôi bên ký kết, bảo vệ công nhân, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… cũng như thiếu những ràng buộc pháp lý rõ ràng và cần thiết. Ngoài ra Việt Nam là một nước độc đảng, không tôn trọng những quyền tự do dân sự (tự do ngôn luận, báo chí, lập hội…), không có một ngành tư pháp độc lập, nên không thể thích hợp với tự do thương mại. Một phần vì thời gian tính, thư đã không kịp gây ảnh hưởng trên sự quyết định của các dân biểu.
Trước sự phản đối đồng loạt của gần 100 tổ chức bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự, với những lý do đa dạng và chính đáng, dân biểu thuộc hai nhóm đảng Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả Châu Âu Thống Nhất (GUE) xin tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận để Nghị viện mới nhiệm kỳ 9 có thêm thời gian xem xét.
Đề nghị này đã bị phe đa số bác bỏ, với lý do Việt Nam đã đáp ứng phần nào một số điều kiện EU đặt ra dựa trên những phê bình, phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tuy vậy, trong tương lai, những thiếu sót của EVFTA do các tổ chức bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự quốc tế nêu ra, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để là nền tảng cho Nghị viện Châu Âu theo dõi và kiểm soát khi EVFTA đi vào hoạt động.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
Chú thích :
(1) Loại trừ tin nhiễu liên quan tới EVFTA
https://baotiengdan.com/2019/05/24/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta/
*******************
Thục Quyên, VNTB, 24/05/2019
EVFTA là chữ tắt của European Union- Vietnam Free Trade Agreement, tức Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.
Mạng lưới Người bảo vệ Nhân quyền VETO ! đã tổ chức một buổi thuyết trình ngày 18/05/2019 tại Bad Vilbel (gần Frankfurt), nhằm đưa tin tức chính xác liên quan đến những ràng buộc nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (1), đồng thời trình bày những cơ sở pháp lý VETO ! đã dựa vào để vận động hữu hiệu với Liên Hiệp Châu Âu trong một năm rưỡi qua, hầu đưa cao trọng trách của EVFTA trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
EVFTA và những ràng buộc nhân quyền
Nói tới Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam EVFTA thì phải nói tới :
– PCA (Comprehensive Partnership and Cooperation Framework Agreement) Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện,
– FTA (Free Trade Agreement) Hiệp định Thương mại và
– IPA (Investment Protection Agreement) Hiệp định Bảo hộ Đầu tư
PCA là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động ràng buộc vững chắc về Nhân quyền. FTA và IPA chịu sự ràng buộc nhân quyền định rõ trong PCA và đồng thời những cam kết đối với những luật nhân quyền quốc tế.
Vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chấtcủa PCA, FTA và IPA.
Như vậy, chiếu điều 57 PCA, vi phạm bản chất của PCA, FTA và IPA có thể dẫn đến việc chế tài, kể cả ngưng thực hiện một phần hay toàn bộ những Hiệp định FTA và IPA.
Chỉ sau khi được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, FTA mới thực sự đi vào hiệu lực
FTA cần sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu
IPA cần sự phê chuẩn của tất cả 28 quốc hội của các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu (27 quốc gia sau Brexit).
Hiện nay tin đồn EVFTA (FTA và IPA) có thể được "thông qua" hoặc " ký kết" chỉ vô tình hay cố ý gây ra hiểu lầm. Đây chỉ là dự tính của Hội đồng Bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu đem FTA và IPA ra cứu xét vào ngày 28/05/2019 để quyết định có cho phép ký hay không. Và dù quyết định thuận, dù những cơ quan trách nhiệm có gặp gỡ để ký kết, FTA và IPA cũng chưa có hiệu lực.
FTA phải chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và IPA phải chờ được toàn thể quốc hội các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn. Việc phê chuẩn IPA có thể cần nhiều năm. Do đó mọi chú ý hiện nay phải nên được dồn vào quyết định của Nghị viện Châu Âu đối với FTA
VETO ! hỗ trợ việc thực hiện những khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định EVFTA
Sự tôn trọng các quyền con người là một bộ phận quan trọng của EVFTA và vi phạm các quyền này là một vi phạm nguyên tắc của thỏa thuận.
Kể từ khi triển khai thực hiện Hiệp định PCA vào năm 2012 và kể từ khi kết thúc đàm phán EVFTA vào năm 2016, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi một cách đáng kể : số lượng người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ và bị kết án vẫn đang tăng đều đặn, dù trong lĩnh vực tự do tôn giáo, ý kiến, báo chí hoặc hiệp hội, khiến chính Nghị viên Châu Âu đã lên tiếng đặt vấn đề rất nhiều lần.
1. Trong tình huống này, quyết định của EU phải được dựa vào các hành động chứ không phải là lời hứa của Việt Nam trong quá trình phê chuẩn EVFTA.
2. VETO ! đưa ra 4 yêu cầu để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định
Điều 1. EU chỉ nên phê chuẩn EVFTA sau khi Việt Nam phê chuẩn ba công ước cốt lõi ILO 87, 98 và 105, và ban hành luật lao động, cũng như luật công đoàn hoặc hiệp hội phù hợp.
Công ước ILO 87 về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập phải được ký đầu tiên để bảo đảm việc thực thi đứng đắn những công ước – 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và – 105 về chống lao động cưỡng bức
Điều 2. Trả tự do trướckhi ký EVFTA cho tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam đã bị bắt hoặc bị kết án kể từ khi hoàn tất PCA, đặc biệt là những người trong danh sách quan tâm của Nghị viện Châu Âu.
Điều 3. Phải thiết lập một cơ chế đền bù và giúp đỡ nạn nhân trong trường hợp bị tước đoạt bất hợp pháp quyền sở hữu bất động sản hoặc tài sản di động.
Điều 4. Phải thiết lập cơ chế đánh giá tác động của các phiên Đối thoại Nhân quyền EU-VN, với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ độc lập (NGO).
Cơ chế này (nhân quyền) phải được thêm vào các cơ chế hiện hành đánh giá những chính sách thương mại của EVFTA. Trong trường hợp vi phạm nguyên tắc điều 57 của PCA, trong đó bao gồm các vi phạm nhân quyền, phái đoàn Đối thoại nhân quyền phải khuyến cáo Ủy ban Hỗn hợp EU-VN áp dụng các biện pháp thích hợp để sửa sai và tránh tái phát
Tình trạng hiện nay
Dưới áp lực của những xã hội dân sự và một số dân biểu Nghị viện Châu Âu, ngày 10/10/2018, Ủy ban INTA (International Trade-Thương mại Quốc tế) của Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một buổi điều trần công khai về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam (2).
Những dân biểu giữ các chức vụ then chốt trong các ủy ban của Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng mạnh mẽ, đưa vấn đề tôn trọng cũng như bảo vệ nhân quyền là điều kiện phải có, để Nghị viện Châu Âu có thể phê chuẩn EVFTA.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể, tiến trình phê chuẩn đã bị đình trệ. Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 đã ngưng nhóm họp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ bầu nghị viện mới từ ngày 23 tới 26/05/2019.
Sau bầu cử, Nghị viện nhiệm kỳ 9 sẽ cần thời gian để tổ chức (3) :
Ngày 24/06/2019 Các khối đảng thông báo chánh thức thành phần của họ
Ngày 01/07/2019 Nghị viện nhiệm kỳ 8 chính thức chấm dứt nhiệm kỳ
Ngày 02/07/2019 Lễ bàn giao giữa các Nghị viện nhiệm kỳ 8 và 9
Và cho tới tháng 10/2019 là thời gian để thành lập những Ủy ban để bắt đầu làm việc.
Dự tính hiện nay là mùa thu 2019 Nghị viện nhiệm kỳ 9 mới có thể họp bàn về EVFTA.
Trước đó, những nhóm xã hội dân sự, những tổ chức phi chính phủ quan tâm đến khía cạnh nhân quyền của EVFTA, nên tránh mất thì giờ vì những tin nhiễu và liên lạc sớm để vận động các nghị viên trúng cử.
Thục Quyên
Nguồn : Tiếng Dân, 25/05/2019
_____________________________
(1) EVFTA : Cơ hội hành động (Phần1và Phần 2)
(2) Giá trị Nhân quyền trong buổi điều trần về EVFTA
(3) http://www.europarl.europa.eu/news/en/press-room/elections-press-kit/0/key-dates-ahead
Kỳ vọng EVFTA nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam
Mai Lan, VNTB, 16/02/2020
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là : 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng. EVFTA được EU gọi là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển". Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.
Văn kiện Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020 - Ảnh minh họa
Câu hỏi đặt ra : thế nào là nhân quyền trong một quốc gia chưa có sự cạnh tranh về quyền quản trị quốc gia, chưa có sự cạnh tranh của các đảng phái chính trị, và lá phiếu của người dân vẫn dừng lại ở yêu cầu ‘Đảng cử – Dân bầu’, nghĩa là ‘bó đũa so cột cờ’ ?
Phạm vi hẹp hơn, kỳ vọng về EVFTA nếu nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam thì sẽ có diện mạo ra sao ?
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, vốn là một thầy giáo dạy văn cấp 3, có nhận xét như sau khi chúng ta thử đặt EVFTA vào góc nhìn giáo dục trong bối cảnh đang phải ứng phó với dịch virus Corona đến từ Trung Quốc : "Trong tình trạng độc canh, theo một học trình nhồi nhét, lại được quản lý và vận hành hết sức bao cấp, trình văn minh của thể chế giáo dục còn ở mức thấp cơ khí lắp ráp, nghỉ học một tuần lễ đã có thể diễn ra rối loạn. Nghỉ nhiều hơn phải cân lượng đến việc thủ tiêu kết quả của một năm học.
Đó là chưa kể tình trạng tư duy quản lý của kiểu xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị đang làm phát sinh ở các đô thị một chức năng máy móc khác của nhà trường, kiểu trại tập trung… giữ trẻ".
"Xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị" như nhận định của nhà báo và nhà giáo Đặng Tâm Chánh, cho nên diễn biến trong tuần qua về việc "nghỉ học hay đóng cửa trường" đã như một thứ đèn cù khi nhà nước toàn trị đó không thể đưa ra được quyết định cuối cùng.
Mặc dù ngay từ lúc mới ‘nhậm chức’ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh miệng nói rất nhiều lần trong các bài phát biểu về một nền công nghiệp thời đại 4.0 ; song thủ tướng Phúc không lý giải được yêu cầu 4.0 ấy liệu có ‘tương thích’ với ‘hệ điều hành’ như nhận xét của nhà báo Đặng Tâm Chánh là "xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị" hay không ?
Nếu câu trả lời là có, thì phải hiểu sao đây khi một nhiệm kỳ chính phủ sắp đi qua, nhưng ngành giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa chút nào ‘cập nhật’, hay có ý muốn ‘nâng cấp với bản sửa lỗi’ cho hệ điều hành hiện tại.
Khi dịch bệnh xảy ra với nhiều diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu, ngành giáo dục vẫn ở thế bế tắc khi chưa có hướng dẫn cụ thể việc đóng cửa nhà trường thì nhà trường, giáo viên, gia đình và các đối tượng liên quan khác phải làm gì nếu muốn duy trì việc học ?.
"Cũng như vậy trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện tại, không gian số hoàn toàn có thể đáp ứng dịch chuyển chương trình năm học sang phiên bản số, thiết lập giao thức số của lớp học, trường học… để năm học luôn có thể hoạt động. Trong bất kỳ tình huống bất trắc nào khiến phải đóng cửa nhà trường, hoạt động giáo dục theo chương trình năm học vẫn có thể được duy trì, nhất là duy trì với tiêu chuẩn tối thiểu là bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi học sinh. Đó cũng chính là một kiểu năng lực cần phải có của xã hội để thích ứng với những kiểu tai họa bất trắc được cho là sẽ thường xuyên xuất hiện". Nhà báo Đặng Tâm Chánh đề xuất.
Nếu nhìn về các dự báo cho triển vọng tốt đẹp mà EVFTA mang lại qua lăng kính hiện tại từ thực tế đang diễn ra trong nền giáo dục Việt Nam, xem ra "mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam" là một nhận xét quá đỗi lạc quan.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
*******************
Quyền tự do công đoàn : từ WTO cho đến kỳ vọng của EVFTA
Võ Hàn Lam, VNTB, 16/02/2020
Nhiều ý kiến của người Việt lại hy vọng với những gì hứa hẹn cho việc ký kết EVFTA, sẽ giúp người lao động có được quyền tự do công đoàn ; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tự do lập hội của người Việt Nam.
Người Việt lại hy vọng với những gì hứa hẹn cho việc ký kết EVFTA, sẽ giúp người lao động có được quyền tự do công đoàn ; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tự do lập hội của người Việt Nam.
Bên cạnh sự hồ hởi như kể trên, không ít ý kiến ngờ vực vì các quyền dân sự này vốn bàng bạc trong rất nhiều thỏa thuận mà nhà nước Việt Nam đã ký kết, như lúc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến gần đây nhất và cũng được kỳ vọng nhiều nhất là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Giờ thì vừa có thêm EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam).
Cách đây 14 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này, sau 11 năm chuẩn bị với 15 vòng đàm phán. Hơn một thập kỷ qua, tư cách thành viên WTO, nền kinh tế Việt Nam được gọi là gia nhập sân chơi toàn cầu, song trên thực tế vẫn là nền kinh tế gia công. Tiếp sau khi được công nhận là thành viên WTO, nhờ đó Việt Nam có thêm điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do khác (FTA).
Con số thống kê được Bộ Công thương Việt Nam đưa ra, thì tiếp nối sau WTO, các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Thế nhưng nếu xét về các quyền dân sự như quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội mà nhà nước Việt Nam đã có thỏa thuận về tính nguyên tắc trong các FTA, cho thấy vẫn dừng lại ở mức hứa hẹn. Một kỳ vọng về đòn bẩy trong thay đổi mạnh mẽ thể chế quản trị quốc gia của Việt Nam từ những FTA ấy, vẫn mang tính lý thuyết.
Hệ lụy của diễn biến kể trên là nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động… Trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Một vấn đề khác cần được công tâm xem xét ở đây cho mọi kỳ vọng liên quan đến quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội thông qua những thỏa thuận như CPTPP, EVFTA là đảng chính trị ở Việt Nam có chấp nhận về các quyền đó của người dân Việt Nam hay không, và ở mức độ nào ?
Dẫn chứng cho nhận định nêu trên, từ một đoạn trích sau đây ở Báo cáo về "Tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế từ sau khi gia nhập WTO" của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
"(…) Các kết quả hội nhập kinh tế quốc tế nêu trên có một phần quan trọng là từ những định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững khi là thành viên của WTO ; Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan khác.
Đặc biệt, vào tháng 11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng thời điểm với Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, và Nghị quyết 24/2017/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, công tác định hướng, chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế gắn chặt và nhất quán hơn với những chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế".
Cho đến nay, theo dõi hệ thống văn bản từ các tổ chức như Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị…, cho thấy chưa có bất kỳ nghị quyết nào về vấn đề quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội, quyền tự do chính trị.
Như vậy, xem ra mọi kỳ vọng về EVFTA như nhiều bài viết trong thời gian gần đây về các quyền dân sự hiến định, hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn ra sao của đảng cầm quyền hiện tại, cũng như nhiệm kỳ mới từ đầu năm 2021 ở Việt Nam.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
Hãy đưa những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam ra khỏi tù trước để có người cộng tác hữu hiệu với Châu Âu. Vì họ chính là những người ủng hộ thương mại bền vững đáng được tin tưởng.
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA và IPA) ngày 30/06/2019. Ảnh: NLD
1. Phần ít quan trọng của bài
Bài viết "Điểm mù trong cuộc vận động quốc tế của xã hội dân sự Việt Nam " (1) của tôi đã làm một số người nổi giận, trong đó có ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Ông Vinh đã phản đối trên FB "Không mù không ngu chỉ yếu thế" và kết tội "tác giả có những nhận xét chủ quan, thiếu hiểu biết về trong nước, nóng nảy và thậm chí ngạo mạn, lên mặt dạy đời…". Nhưng sau đó không có gì tranh cãi đáng tiếc xảy ra nữa, khi tôi hiểu ngay lý do của sự tức giận và viết vào FB Nguyễn hữu Vinh cắt nghĩa chữ "điểm mù"
Thuc-Quyen Nguyen : Điểm mù là chữ dịch của blindspot. Thí dụ "Xe tải có rất nhiều điểm mù ‘chết người’ mà ở đó tài xế không thể quan sát thấy"…
Ông Phạm Chí Dũng là người (trong nước) duy nhất lên tiếng đòi hỏi EU nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ những giá trị đạo đức mà chính họ đã đưa vào làm nền tảng cho những hiệp định thương mại của họ. Ông Phạm Chí Dũng có cách lên tiếng, có "quan điểm theo khẩu vị "của không những tác giả mà hầu như tất cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.
Các dư luận viên đã thất bại khi hồ hởi phấn khởi xông vào khích bác, tưởng là được dịp châm dầu vào lửa, với những bài như " Giới zân chủ "đại chiến" vì EVFTA" của Thanh Phong trong Loa phường và Hội cờ đỏ, hay "Tranh luận về EVFTA (1) : Thục Quyên và Nguyễn Quang A" và "Tranh luận EVFTA (2) Thục Quyên và Ba Sàm" của Hoàng Lệ trong "Diễn đàn dân chủ". Đây là trường hợp hiếm hoi và có lẽ là duy nhất mà dư luận viên lại hăng hái ủng hộ tính chính danh của ông Quang A và ông Vinh Ba Sàm để đại diện quyền người dân trong nước, và ủng hộ quan điểm của ông Quang A là chí lý.
Tiếc thay, tuy không rơi vào cái bẫy rẻ tiền của đám dư luận viên, nhưng những vị hoạt động trong xã hội dân sự tự do trong nước mong muốn EVFTA/IPA được phê chuẩn lại vẫn không lên tiếng cắt nghĩa với những suy luận có cơ sở vững chắc như tác giả Quang Thành mong mỏi trong bài "EVFTA không phải để "dạy đời" hay để tuyên bố "hời hợt" (2). Rút cục thì chẳng những người ở hải ngoại như tôi đành vẫn "thiếu hiểu biết về người trong nước", mà chính những người trong nước có biết về nhau hơn tôi hay không, cũng còn là một câu hỏi.
2. Phần quan trọng của bài
Sau khi Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu ngày 21/01 đồng ý khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do và Đầu tư Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA/IPA) thì các báo của nhà nước Việt Nam mừng vỡ bờ và dốt nát cương ẩu luôn là EVFTA và IPA đã được Ủy ban Thương mại EU thông qua.
Một vài người hoạt động xã hội dân sự tự do trong nước cũng như vài người chưa bao giờ lên tiếng phân tách gì về những hiệp định này, nay thấy Ủy ban INTA bỏ phiếu thuận, bỗng lên tiếng tán dương những điểm họ cho là lợi lạc. Vài người còn diễn giải khơi khơi là Việt Nam có cam kết rất quan trọng trong việc cho phép lập hội và công nhận những công đoàn độc lập, hoặc còn tự cho là có thể sử dụng EVFTA/IPA để làm công cụ hướng dẫn cho người dân trong nước đấu tranh như thế nào để cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước.
Trong khi đó, những người/nhóm tranh đấu đòi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA/IPA cho tới khi phía Việt Nam chứng minh thành thật tôn trọng những cam kết trong hai hiệp định, bằng những hành động cụ thể tôn trọng nhân quyền như thả tù nhân chính trị, phê chuẩn công ước ILO 87 thay vì lươn lẹo với công ước ILO 98 vô bổ vì thiếu ILO 87… thì im ắng như đang lặng người vì bị đòn mạnh.
Cả hai bên, ủng hộ hay đòi hoãn, đều kết luận là Liên Hiệp Châu Âu đã coi kinh tế quan trọng hơn nhân quyền.
Điều này sai hoàn toàn !
Không mù không ngu chỉ không tìm hiểu kỹ
1. Bản khuyến nghị chưa được hoàn thành
Ủy ban INTA đã đồng ý khuyến nghị phê chuẩn EVFTA/IPA nhưng cho tới hôm nay những người chịu trách nhiệm vẫn chưa hoàn thành bản khuyến nghị chính thức. Khuyến nghị lõi do Dân biểu Zahradil thảo từ trước khi ông này chẳng đặng đừng phải từ chức (3) đã được đem ra mổ xẻ trong nhiều buổi họp, và vào ngày 21/01 vừa qua, các Dân biểu trong Ủy ban INTA cũng đã bỏ phiếu sửa từng câu chữ, thêm bớt bằng những đề nghị đến từ các dân biểu và các ủy ban khác của nghị viện.
2. Hướng dẫn Nghị viện
Sau Brexit, Nghị viện Châu Âu còn 705 (thay vì 751) dân biểu.
Khoảng giữa tháng 2/2020, toàn thể các dân biểu sẽ bỏ phiếu quyết định có phê chuẩn EVFTA/IPA hay không.
Nghị viện có tất cả là 20 ủy ban và 2 tiểu ban, phụ trách việc tìm hiểu, phân tách và hướng dẫn các nghị viên lấy quyết định qua những báo cáo, khuyến nghị. Liên quan đến việc hướng dẫn Nghị viện trong vấn đề EVFTA/IPA là những ủy ban :
- INTA (Committee on International Trade) Ủy ban Thương mại (45 dân biểu)
- AFET (Commission des affaires étrangères) Ủy ban Đối ngoại gồm cả Tiểu ban Nhân quyền DROI (sous-commission Droits de l’homme) (71 dân biểu)
- DEVE (Commission du développement) Ủy ban Phát triển (26 dân biểu) và
- PECH (Commission de la pêche) Ủy ban Ngư nghiệp (28)
Đối đầu với khuyến nghị của INTA, bản ý kiến của Ủy ban AFET ngày15/12/2019 dài 2 trang chi tiết của báo cáo viên Dân biểu Isabel Wiseler-Lima đã được đại đa số các thành viên tham dự của AFET chấp thuận với 47 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 8 phiếu trắng (4) đưa tới ý kiến bổ túc chính thức của AFET :
- nhận định rằng chỉ nên chấp thuận Hiệp định (EVFTA/IPA) nếu nhà cầm quyền Việt Nam thả tù nhân chính trị của họ ;
- nhấn mạnh sự cần thiết Việt Nam phải cam kết và đồng ý với Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu về một lộ trình rõ ràng để thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp hữu hiệu để giải quyết các mối quan tâm được nêu trong nghị quyết ;
- yêu cầu Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu chú tâm giải quyết những quan ngại này.
Bản ý kiến ngắn của Ủy ban DEVE ngày 3/12/2019 tuy ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam nhưng vẫn đồng ý khuyến nghị phê chuẩn mà không đưa lý do và cũng chỉ được non nửa số thành viên thuận 11, 7 phiếu chống và 6 phiếu trắng.
Ủy ban PECH đưa ý kiến ngày 13/12/2019 là không muốn mạo hiểm đánh giá khía cạnh chính trị của EVFTA/IPA, một công việc mà các ủy ban khác chịu trách nhiệm. PECH đồng ý phê chuẩn với đòi hỏi Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu phải quan tâm đến trường hợp ngành thủy sản Việt Nam bị thẻ Vàng từ tháng 10/2017 mà vẫn không đủ nỗ lực để khắc phục thiếu sót, và Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cần phải không ngần ngại phát thẻ Đỏ nếu tình trạng này tiếp tục.
Chưa ngã ngũ việc Nghị viện Châu Âu sẽ phê chuẩn EVFTA/IPA hay không
Ủy ban INTA nắm quyền quyết định hoàn tất khuyến nghị theo ý mình, do đó khuyến nghị chính thức của INTA cần phải được những nhà hoạt động Việt Nam thực sự lưu tâm đến EVFTA/IPA nghiêm chỉnh nghiên cứu. Theo thông lệ thì các dân biểu Nghị viện Châu Âu sẽ dựa trên bản khuyến nghị này để bỏ phiếu, nhưng nếu được nhắc nhở, họ sẽ lưu tâm đến lời kêu gọi của Human Rights Watch (3) và nhất là Bản Ý kiến của Ủy ban AFET/DROI (4).
Ngoài ra Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế (International Trade Union Confederation - ITUC) đã chỉ ra những điểm cần phải sửa đổi trong bộ Luật Lao động mới trong khi Liên hiệp Công đoàn Châu Âu (European Trade Union Confederation - ETUC) đã nghiêm khắc phê phán bộ Luật Hình sự Việt Nam cản trở quyền tự do của người Lao động và những sửa đổi chắp vá trong bộ Luật Lao động mới không có gía trị.
Phải nêu lên những khía cạnh khác bên cạnh Nhân quyền
1. Về phía Việt Nam :
Nếu EVFTA/IPA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, thì Việt Nam sẽ mất diện Ưu đãi thuế quan (General System of Preference-GSP) (1). Nếu lưu tâm đến tình trạng ngành thủy sản Việt Nam bị thẻ Vàng, có thể sắp đổi qua thẻ Đỏ, thì phía Việt Nam thay vì kể lể những lợi điểm một cách không suy nghĩ, phải tự đặt câu hỏi, liệu có tránh nổi không bị phạt khi vi phạm những cam kết thương mại trong EVFTA/IPA hay không ?
2. Về phía Liên Hiệp Châu Âu :
Tôi đã phản biện trong FB của những dân biểu Nghị viện Châu Âu như ông Bernd Lange (chủ tịch INTA) và bà Karin Karlsbro (báo cáo viên của khối đảng Renew), lưu ý họ như sau :
Điều đầu tiên để chứng minh lương tâm trong sạch của ông/bà là nêu ra một, tối thiểu một hành động tích cực cụ thể của Việt Nam đối với Nhân quyền, ví dụ như những nhân quyền mà quyền tổ chức hoặc thương lượng tập thể phụ thuộc. Tôi hiểu rằng Châu Âu/Thụy Điển cực kỳ phụ thuộc vào thương mại cho nền kinh tế như ông/bà đã nói, nhưng hãy suy nghĩ xem liệu thương mại có thể phát triển lành mạnh hay không ở một quốc gia mà chỉ đạt 37 điểm trong số 100 trên bảng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2019 được báo cáo bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một quốc gia nơi tự do báo chí, tự do công đoàn, tự do lập hội và tự do tôn giáo bị đàn áp và trừng phạt nghiêm khắc. Hãy đưa những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam ra khỏi tù trước để có người cộng tác hữu hiệu với Châu Âu. Vì họ chính là những người ủng hộ thương mại bền vững đáng được tin tưởng.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 29/01/2020
(1) https://baotiengdan.com/2019/12/08/evfta-diem-mu-trong-cuoc-van-dong-quoc-te-cua-xhds-viet-nam/
https://boxitvn.blogspot.com/2019/12/evfta-iem-mu-trong-cuoc-van-ong-quoc-te_9.html `
(2) https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/1198423620354318/
(3) https://www.hrw.org/vi/news/2020/01/15/338093
(4) https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/AFET-AD-641414_EN.pdf
*****************
EVFTA : điểm mù trong cuộc vận động quốc tế của xã hội dân sự Việt Nam
Thục Quyên, VNTB, 08/12/2019
Bài viết này nhằm giúp đỡ người Việt trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về hai đường hướng hoạt động trái chiều hiện nay của các xã hội dân sự Việt Nam : ủng hộ hay đòi hoãn phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA.
Cố gắng này cũng là một bức tâm thư gửi đến anh Phạm chí Dũng và gia đình, để nói lên lòng kính trọng của người viết đối với anh,một người mà vì tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết, cũng như lòng dũng cảm, đang chịu sự đàn áp và tù ngục tại quê hương.
Cho tới nay người duy nhất sống tại Việt Nam lên tiếng vê hai hiệp định EVFTA và EVIPA là nhà báo Phạm Chí Dũng thì đã vào tù.
Điểm mù cơ bản trong cuộc vận động quốc tế liên quan đến EVFTA và EVIPA (1) của giới xã hội dân sự Việt Nam, dù quốc doanh hay độc lập, là do phần lớn chỉ nhắc lại những luận điệu ủng hộ hay chống đối như những con vẹt mà không tự đọc và nghiên cứu chính những bản viết cuả hai hiệp định này.
Nói cho đúng, đây không phải là ủng hộ hay chống đối chính hai hiệp định, vì mặc dù chúng không hoàn hảo nhưng được mọi người tạm chấp nhận là có thể có lợi cho cả đôi bên NẾU được áp dụng nghiêm chỉnh.
Ủng hộ hay chống đối đây là :
– ủng hộ phê chuẩn ngay 2 hiệp định này mà không cần nhà cầm quyền Việt Nam phải có hành động chứng minh tôn trọng nhân quyền, hoặc
– chống đối, đòi hoãn việc phê chuẩn cho tới khi Việt Nam thả các tù nhân lương tâm cũng như ký cả ba công ước lao động cơ bản ILO 87, ILO 98 và ILO105.
Đây chỉ là đòi hỏi hoãn phê chuẩnchứ không phải là đòi hỏi bãi bỏ.
Hoãn phê chuẩn cho tới khi Việt Nam thực thi điều I của Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện PCA :
Chương I - Điều 1 :
Các Bên khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế như được quy định trong các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được tái khẳng định trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các Quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế liên quan khác. Các nguyên tắc đó bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, vấn đề pháp quyền và nguyên tắc tự nguyện thực hiện cam kết quốc tế với thiện chí (pacta sunt servanda) ; và đối với việc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, như quy định trong Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và những văn kiện quốc tế về nhân quyền có liên quan mà các Bên là thành viên, làm cơ sở cho các chính sách đối nội và đối ngoại của hai Bên và tạo thành một yếu tố thiết yếu của Hiệp định này.
Hiệp định khung PCA quan trọng ra sao ?
PCA (partnership and cooperation agreements) là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động, ràng buộc vững chắc về Nhân quyền. EVFTA/IPA chịu sự ràng buộc nhân quyền định rõ trong PCA và đồng thời những cam kết đối với những luật nhân quyền quốc tế.
Vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chất của PCA và EVFTA/ IPA (1).
PCA được ký kết giữa Việt Nam và EU năm 2012 và được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn tháng 12 năm 2015.
Nhưng kể từ khi triển khai thực hiện Hiệp định PCA vào năm 2016 (cũng là năm kết thúc đàm phán EVFTA), tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi một cách đáng kể : Số lượng người bảo vệ nhân quyền hoặc đơn giản thực thi những tiêu chuẩn nhân quyền trong cuộc sống, bị bắt giữ và bị kết án nặng vẫn đang tăng đều đặn, dù trong lĩnh vực tự do tôn giáo, ý kiến, báo chí hoặc hiệp hội, khiến chính Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng đặt vấn đề rất nhiều lần.
Tổ chức Mạng lưới những người Bảo vệ nhân quyền VETO ! từ tháng 9/2018 đã đẩy mạnh cuộc vận động các dân biểu Nghị viện Châu Âu theo chiều hướng (2) : quyết định của EU phải được dựa vào các hành động chứ không phải là lời hứa của Việt Nam trong quá trình phê chuẩn EVFTA/IPA. Và yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA/IPA cho tới khi Việt Nam thực hiện điều 1 của PCA, tối thiểu là thả các tù nhân lương tâm, ký công ước ILO 87 về tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền tổ chức.
PCA có hiệu lực từ tháng 12/2015 mà Việt Nam vẫn tiếp tục, không những đàn áp nhân quyền bằng cách bắt và kết án tùy tiện những nhà hoạt động, mà còn ra luật An ninh mạng để bóp chết mọi tiếng nói tự do.
Những tiếng nói đòi thực thi PCA trước khi phê chuẩn EVFTA và EVIPA
Tất cả các tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn như :
- Human Rights Watch - HRW,
- Christian Solidarity Worldwide - CSW,
- International Federation for Human Rights - FIDH,
- Civil Rights Defenders - CRD……
và các tổ chức nhân quyền chuyên về Việt Nam như :
- Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền (Human Rights Defenders‘ Network) VETO !,
- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam - VCHR (Vietnam Committee on Human Rights),
- Sáng kiến Thể hiện lương tâm Người Việt hải ngoại VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment),
-Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền DTD (Defend the Defenders),
cũng như một số cộng đồng người Việt tại hải ngoại đều đồng thanh cực lực đòi hỏi điều kiện nhân quyền tiên quyết trước khi phê chuẩn EVFTA/IPA.
Trong cuộc điều trần (3) trước Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu DROI ngày 26/09/2019, ông Vũ quốc Dụng thuộc mạng lưới VETO ! và bà Gaelle Desepulchre thuộc tổ chức FIDH đã trình bày và đưa ra những lý luận chặt chẽ cùng những bằng chứng là Việt Nam đã liên tiếp vi phạm PCA, và mặc dù Nghị viện Châu Âu nắm vững những điều này và đã ra những nghị quyết nhân quyền, mạnh nhất là nghị quyết 2018/2925 (RSP) ngày 15/11/2018 trực tiếp liên quan đến PCA và EVFTA :
Nguyên bản : Calls for the Vietnamese Government and the EU, as important partners, to commit to improving respect for human rights and fundamental freedoms in the country, as it is a cornerstone of the bilateral relations between Vietnam and the Union, notably in view of the ratification of the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) and in view of the EU-Vietnam Partnership and Cooperation Agreement (PCA) ;
Tạm dịch : Kêu gọi Chính phủ Việt Nam và EU, với tư cách là đối tác quan trọng, cam kết nâng cao sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước, vì đây là nền tảng của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh, đáng chú ý hơn hết (đây cũng là điều kiện) phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chiếu theo quan điểm của Hiệp định hợp tác và đối tác EU-Việt Nam (PCA).
Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu đã không hề đòi hỏi Việt Nam tôn trọng Hiệp định PCA mà vẫn tiếp tục tiến tới việc ký kết EVFTA/ IPA, và hiện đang gây ảnh hưởng để Nghị viện phê chuẩn thuận.
Những tiếng nói đòi phê chuẩn ngay EVFTA và EVIPA mà không bị ràng buộc bởi vấn đề đàn áp Nhân quyền.
Đây là những tiếng nói hoàn toàn chỉ có từ những xã hội dân sự trong nước, và cũng vì vậy mà rất quan trọng, và được EU cũng như chính phủ Việt Nam ưu ái.
Bỏ qua bên tất cả những xã hội dân sự quốc doanh, có một vài nhân vật được coi là những khuôn mặt của xã hội dân sự độc lập, cũng không đặt điều kiện Nhân quyền là tiên quyết cho việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA/IPA. Trong số những khuôn mặt này có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cũng là người duy nhất lên tiếng chính thức cắt nghĩa lý do.
Theo ông, khi Hiệp định thương mại này phê chuẩn thì sẽ có những ràng buộc về vấn đề nhân quyền mà Việt Nam phải thực hiện (những "cây gậy" như ông nói). Đây là một điều đáng ngạc nhiên khi Tiến sĩ Quang A khư khư giữ lập luận đó, dù rằng trước ông, khi chính Ủy ban Liên Minh Châu Âu đưa ra lập luận này thì đã bị toàn thể các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá và chứng minh là gian dối.
Hiệp định khung PCA là nền tảng của EVFTA/IPA, hay nói khác đi EVFTA/IPA không thể tách riêng khỏi PCA, vậy từ tháng 12/2015 PCA được phê chuẩn tới nay, thì EU có ảnh hưởng trực tiếp nào để Việt Nam "phải thực hiện những ràng buộc nhân quyền" ? "Cây gậy" EU nào đã được đem ra xử dụng hay chỉ thấy đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam mặc sức muá gậy vườn hoang ?
Nếu không có EVFTA/IPA thì Việt Nam sẽ rơi hoàn toàn vào tay Trung Quốc ?
Ngoài ra, cũng có lập luận cho rằng kinh tế Việt Nam kiệt quệ, nếu không có EVFTA/IPA thì Việt Nam sẽ rơi hoàn toàn vào tay Trung Quốc. Lập luận này cho thấy người đưa ra đã không đứng đắn tìm hiểu tình hình mà chỉ phiến diện, tuyên bố nổi.
Từ khi mở cửa quan hệ với Châu Âu, Việt Nam đã được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan GSP với tất cả 28 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Từ tháng 1/2014 một quy định mới đã được thay thế cho quy định GSP cũ, với mục đích là hỗ trợ các nước đang phát triển, bằng cách tạo thuận lợi cho những nuớc này xuất khẩu vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu, dưới hình thức giảm thuế cho hàng hóa của các nước đang phát triển khi xuất khẩu sang thị trường EU, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại các nước EU không đòi hỏi được đối xử có đi có lại.
Hệ thống GSP mới, tập trung ưu đãi các nước kém phát triển nhất và các nền kinh tế nghèo không được hưởng bất kỳ kênh ưu đãi nào khi tiếp cận thị trường EU.
Nếu EVFTA/IPA đi vào hiệu lực, Việt Nam sẽ bị loại, không được hưởng ưu đãi GSP nữa (do đó EVFTA/IPA không hẳn là hoàn toàn có lợi cho Việt Nam).
GSP cho thấy, EVFTA/IPA không phải là liên hệ kinh tế đầu tiên hay duy nhất giữa Việt Nam và EU. EU sẽ không biến mất để "bỏ mặc Việt Nam" cho Trung Quốc nếu EVFTA/IPA bị hoãn phê chuẩn.
Trong suốt thời gian hưởng thụ GSP, Việt Nam có thoát khỏi tay Trung Quốc không ? Hay lý do bị Trung cộng nuốt dần chính là sự ỷ lại vào những mơ ước hão huyền và một hệ thống hối lộ ?
Tìm hiểu về GSP còn cho thấy điều kiện để được hưởng chương trình ưu đãi này là "Tất cả các quốc gia thụ hưởng GSP phải tôn trọng các nguyên tắc của mười lăm công ước cốt lõi về quyền con người và quyền lao động", tương đương với điều kiện về nhân quyền trong PCA và EVFTA/IPA.
Có nghĩa là Việt Nam không hề tuân thủ những cam kết sau khi một hiệp định đã được ký kết, EU tự họ không bao giờ xử dụng sức ép có trong tay để đòi hỏi Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Đó là phần việc, là bổn phận của người Việt phải tìm hiểu và đòi hỏi EU, một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại thì EU phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.
Nếu người Việt trong nước không, hay không có khả năng, lên tiếng đòi Nhân quyền, nếu người Việt trong nước không coi Nhân quyền là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể ăn mừng chiến thắng EVFTA/IPA sẽ được phê chuẩn vào tháng 2/2020.
Cho tới nay người duy nhất sống tại Việt Nam lên tiếng là nhà báo Phạm Chí Dũng thì đã vào tù. Không cần cả triệu người như Hồng Kông, chỉ cần vài ngàn người sát cánh với ước vọng nhân quyền của Phạm chí Dũng, gửi thư cho EU, thì EU sẽ phả nghiêm chỉnh đặt lại vấn đề với nhà cầm quyền Việt Nam. Mong rằng Phạm chí Dũng không cô đơn trong biển người gần một trăm triệu của Việt Nam.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 08/12/2020
(1) https://boxitvn.blogspot.com/2019/05/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta.html
https: //baotiengdan.com/2019/05/24/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta/
(2) https: //boxitvn.blogspot.com/2018/10/gia-tri-nhan-quyen-trong-buoi-ieu-tran.html
https://baotiengdan.com/2018/10/17/gia-tri-nhan-quyen-trong-buoi-dieu-tran-ve-evfta/
(3) https: //boxitvn.blogspot.com/2019/11/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac.html
https://baotiengdan.com/2019/11/19/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac-xhds-doc-lap-viet-nam-can-lam-gi/
EVFTA là chữ tắt của European Union-Vietnam Free Trade Agreement/Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.
Cuộc điều trần EVFTA - Nhân quyền của EU tại Bỉ vào tháng 10 năm 2018.
Mạng lưới Người bảo vệ Nhân quyền VETO ! đã tổ chức một buổi thuyết trình ngày 18/05/2019 tại Bad Vilbel (gần Frankfurt), nhằm đưa tin tức chính xác liên quan đến những ràng buộc nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (1), đồng thời trình bày những cơ sở pháp lý VETO ! đã dựa vào để vận động hữu hiệu với Liên Hiệp Châu Âu trong một năm rưỡi qua, hầu đưa cao trọng trách của EVFTA trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
EVFTA và những ràng buộc nhân quyền
Nói tới Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam EVFTA thì phải nói tới :
- PCA Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện,
- FTA Hiệp định Thương mại, và
- IPA Hiệp định Bảo hộ Đầu tư.
PCA là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động ràng buộc vững chắc về Nhân quyền. FTA và IPA chịu sự ràng buộc nhân quyền định rõ trong PCA và đồng thời những cam kết đối với những luật nhân quyền quốc tế.
Vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chất của PCA, FTA và IPA.
Như vậy, chiếu điều 57 PCA, vi phạm bản chất của PCA, FTA và IPA có thể dẫn đến việc chế tài, kể cả ngưng thực hiện một phần hay toàn bộ những Hiệp định FTA và IPA.
Chỉ sau khi được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, FTA mới thực sự đi vào hiệu lực
FTA cần sự phê chuẩn của Nghị Viện Châu Âu.
IPA cần sự phê chuẩn của tất cả 28 quốc hội của các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu (27 quốc gia sau Brexit).
Hiện nay tin đồn EVFTA (FTA và IPA) có thể được "thông qua" hoặc "ký kết" chỉ vô tình hay cố ý gây ra hiểu lầm. Đây chỉ là dự tính của Hội đồng Bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu đem FTA và IPA ra cứu xét vào ngày 28/05/2019 để quyết định có cho phép ký hay không. Và dù quyết định thuận, dù những cơ quan trách nhiệm có gặp gỡ để ký kết, FTA và IPA cũng chưa có hiệu lực.
FTA phải chờ Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn và IPA phải chờ được toàn thể các quốc hội các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn. Việc phê chuẩn IPA có thể cần nhiều năm. Do đó mọi chú ý hiện nay phải nên được dồn vào quyết định của Nghị Viện Châu Âu đối với FTA.
VETO ! hỗ trợ việc thực hiện những khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định EVFTA
Sự tôn trọng các quyền con người là một bộ phận quan trọng của EVFTA và vi phạm các quyền này là một vi phạm nguyên tắc của thỏa thuận.
Kể từ khi triển khai thực hiện Hiệp định PCA vào năm 2012 và kể từ khi kết thúc đàm phán EVFTA vào năm 2016, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi một cách đáng kể : số lượng người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ và bị kết án vẫn đang tăng đều đặn, dù trong lĩnh vực tự do tôn giáo, ý kiến, báo chí hoặc hiệp hội, khiến chính Nghị Viện Châu Âu đã lên tiếng đặt vấn đề rất nhiều lần.
1. Trong tình huống này, quyết định của EU phải được dựa vào các hành động chứ không phải là lời hứa của Việt Nam trong quá trình phê chuẩn EVFTA.
2. VETO ! đưa ra 4 yêu cầu để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định.
Điều 1. EU chỉ nên phê chuẩn EVFTA sau khi Việt Nam phê chuẩn ba công ước cốt lõi ILO 87, 98 và 105, và ban hành Luật Lao động, cũng như Luật Công đoàn hoặc hiệp hội phù hợp.
Công ước ILO 87 về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập phải được ký đầu tiên để bảo đảm việc thực thi đứng đắn những công ước : Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 105 về chống lao động cưỡng bức.
Điều 2. Trả tự do trước khi ký EVFTA cho tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam đã bị bắt hoặc bị kết án kể từ khi hoàn tất PCA, đặc biệt là những người trong danh sách quan tâm của Nghị viện Châu Âu.
Điều 3. Phải thiết lập một cơ chế đền bù và giúp đỡ nạn nhân trong trường hợp bị tước đoạt bất hợp pháp quyền sở hữu bất động sản hoặc tài sản di động.
Điều 4. Phải thiết lập cơ chế đánh giá tác động của các phiên Đối thoại Nhân quyền EU-VN, với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ độc lập (NGO).
Cơ chế này (nhân quyền) phải được thêm vào các cơ chế hiện hành đánh giá những chính sách thương mại của EVFTA. Trong trường hợp vi phạm nguyên tắc điều 57 của PCA, trong đó bao gồm các vi phạm nhân quyền, phái đoàn Đối thoại NQ phải khuyến cáo Ủy ban Hỗn hợp EU-VN áp dụng các biện pháp thích hợp để sửa sai và tránh tái phát.
Tình trạng hiện nay
Dưới áp lực của những xã hội dân sự và một số dân biểu Nghị viện Châu Âu, ngày 10/10/2018, Ủy ban INTA (Thương mại Quốc tế) của Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một buổi điều trần công khai về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam (2).
Những dân biểu giữ những chức vụ then chốt trong các ủy ban của Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng mạnh mẽ, đưa vấn đề tôn trọng cũng như bảo vệ nhân quyền là điều kiện phải có, để Nghị viện Châu Âu có thể phê chuẩn EVFTA.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể, tiến trình phê chuẩn đã bị đình trệ. Nghị Viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 đã ngưng nhóm họp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ bầu nghị viện mới từ ngày 23 tới 26/05/2019.
Sau bầu cử, Nghị viện nhiệm kỳ 9 sẽ cần thời gian để tổ chức (3) :
Ngày 24/06/2019 Các khối đảng thông báo chánh thức thành phần của họ.
Ngày 01/07/2019 Nghị viện nhiệm kỳ 8 chính thức chấm dứt nhiệm kỳ.
Ngày 02/07/2019 Lễ bàn giao giữa các Nghị viện nhiệm kỳ 8 và 9.
Và cho tới tháng 10/2019 là thời gian để thành lập những Ủy ban để bắt đầu làm việc.
Dự tính hiện nay là mùa thu 2019 Nghị viện nhiệm kỳ 9 mới có thể họp bàn về EVFTA.
Trước đó, những nhóm xã hội dân sự, những tổ chức phi chính phủ quan tâm đến khía cạnh nhân quyền của EVFTA, nên tránh mất thì giờ vì những tin nhiễu và liên lạc sớm để vận động các nghị viên trúng cử.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 24/05/2019
Chú thích :
(1) http://www.boxitvn.net/bai/57097 ; https://boxitvn.blogspot.com/2018/09/evfta-co-hoi-hanh-ong-phan-2.html
(2) https://boxitvn.blogspot.com/2018/10/gia-tri-nhan-quyen-trong-buoi-ieu-tran.html#more
(3) http://www.europarl.europa.eu/news/en/press-room/elections-press-kit/0/key-dates-ahead
EVFTA là tên viết tắt tiếng Anh của Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam (EU-Vietnam Free Trade Agreement).
Tin tức liên quan đến diễn biến của EVFTA tương đối nhiều, nhưng cho tới nay trong gần hết tất cả những bài trên các báo lề trái cũng như lề phải , phần tin tức chính xác bị phần suy đoán phủ lấp :
- nhà cầm quyền Việt Nam và các báo lề phải bóp méo tin tức hoặc chỉ đưa những tin có lợi cho điều mình muốn tuyên truyền với dân là nhà nước đang thành công và EVFTA sắp được thông qua.
- các nhà hoạt động thì nhặt vài sự kiện rồi suy đoán theo mình và có vẻ chú tâm là nêu rõ tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam vì đã phạm rất nhiều lỗi lầm, kể cả phạm pháp, nên gây ra cản trở, và có nhiều triển vọng EVFTA sẽ không được phía Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.
Trong khi cả hai bên đều có vẻ đồng ý đặt kỳ vọng cao vào cây cầu thông thương giữa Việt Nam và "siêu thị trường" 27 nền kinh tế Châu Âu này, thì lại không bên nào cho thấy sẵn sàng có những hành động để EVFTA thành một thực trạng mang lợi ích cho nền kinh tếViệt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt .
Tiếng chuông báo động
Ngày 10/08/2018 ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Quốc hội Châu Âu, xác nhận trong thư riêng với người viết, là chính ông đã gợi ý, Việt Nam không nhất thiết phải hoàn tất phê chuẩn 3 công ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) còn lại là ILO 87 (Tự do liên kết), ILO 98 (Quyền thương lượng tập thể) ILO 105 (Chống lao động cưỡng bức), và lồng vào luật pháp quốc gia, trước khi EVFTA được phê chuẩn. Chỉ cần Việt Nam "phải thể hiện được cam kết mang tính ràng buộc về lộ trình phê chuẩn, thực thi và giám sát thực hiện các công ước này".
Trong những lần tuyên bố trước đó, ông Lange luôn luôn nhấn mạnh EVFTA là một hiệp định "dựa trên luật lệ". Chiều hướng mới mềm dẻo hơn của ông B.Lange hiện nay, hầu đạt tới việc phê chuẩn EVFTA trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới của Quốc hội Châu Âu (23 - 26/05/2019), là một tiếng chuông báo động để tất cả những ai muốn hiệp định thương mại này thực sự mang lợi ích đến cho người dân Việt, phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về vai trò của những bộ phận làm việc khác nhau của chính phủ và quốc hội Liên Hiệp Châu Âu, cũng như những lực đẩy chống hay thuận sự ký kết EVFTA mạnh yếu ra sao, để có hành động cụ thể hợp thời điểm.
Qúa trình tiến hành EVFTA cho tới nay có bị chậm trễ không ? Vì sao ? Có, quá trình tiến hành đã có chậm trễ. Sự chậm trễ này cho tới nay hoàn toàn do một thay đổi về thủ tục pháp lý từ phía Châu Âu, không hề có chút liên quan nào tới tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam hay vụ bắt cóc Trịnh xuân Thanh tại Đức.
Từ khi giai đọan đàm phán giữa Việt Nam và Châu Âu kết thúc ngày 2/12/2015, hai bước tiếp là rà soát pháp lý hiệp ước để ký kết và nhất là phê chuẩn để có hiệu lực, đã bị trì trệ vì cần chờ ý kiến của Tòa Công Lý Châu Âu (the European Court of Justice) liên quan đến Hiệp ước Thương mại Tự do giữa Châu Âu và Singapore, để theo đó, áp dụng cho Việt Nam.
Trước đó Ủy ban Châu Âu (European Commission) đã hỏi ý kiến của tòa về một số nội dung trong hiệp định không thuộc thẩm quyền toàn bộ của EU, nhất là hai nội dung đầu tư gián tiếp (portfolio invesment) và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính quyền sở tại (investor-state dispute settlement).
Ngày 16/05/2017 Tòa Công Lý Châu Âu đã đưa ra ý kiến rõ ràng : để được thông qua toàn bộ nội dung, cần sự chuẩn y của cả 27 nước thành viên EU (27 vì không còn tính Vương quốc Anh). Để tránh khó khăn này (chỉ cần một trong 27 nước thành viên không phê chuẩn một phần nào của hiệp ước thì hiệp ước không có hiệu lực), một bước đi mới của EVFTA được thống nhất : theo đó, EVFTA được tách làm hai hiệp định, một về Thương mại và một về Bảo hộ đầu tư (IPA).
Điều này có nghĩa là gì ?
Là Hiệp định Thương mại không cần sự phê chuẩn của từng nước thành viên, mà chỉ cần sự phê chuẩn của Liên Hiệp Châu Âu là có triển vọng tạm thời có hiệu lực, mà không phải chờ Hiệp định bảo hộ đầu tư (chú ý chữ có triển vọng, vì hiệp định thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nhật sau khi hoàn tất, đã được gửi trình Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu xin ký chính thức mà không chờ Hiệp định bảo hộ đầu tư, và điều này cho tới nay chưa bị chỉ trích).
Tình trạng EVFTA hiện nay.
Ngày 26/06/2018, Ủy ban Châu Âu và Việt Nam đã công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại. Với Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA, hai bên mới chỉ kết thúc những thảo luận ban đầu và bước vào giai đọan rà sóat pháp lý.
Theo quy trình, các hiệp định đã được Ủy ban Châu Âu hoàn tất đàm phán, sau khi rà soát pháp lý phải qua 3 giai đoạn tiếp : (1) được dịch qua 22 ngôn ngữ của 27 nước thành viên. Sau đó chuyển cho ; (2) Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng (Council of the European Union) bao gồm các bộ trưởng đại diện các nền kinh tế 27 nước thành viên, xem xét, quyết định việc ký chính thức hiệp định ; (3) được chuyển tới Quốc hội Châu Âu (European Parliament), với thành viên là hơn 750 đại biểu cử tri toàn Châu Âu, để phê chuẩn.
Trong bối cảnh thương mại thế giới đầy bất ổn hiện nay, một cánh cửa đưa tới sự ổn định với thị trường Châu Âu là con đường sống cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là một Việt Nam đang qụy ngã, thoi thóp bởi lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc, thì giảm lệ thuộc kinh tế là ngõ thoát thiết yếu.
Ngược lại, đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong tình trạng chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, con đường thông thương này với Việt Nam cũng là một miếng mồi rất hấp dẫn mà họ đang cố đạt được. Hội đồng Bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu khó có thể quyết định ngược lại chiều hướng đó. Trong khi Trung Quốc không dễ gì nhả Việt Nam ra và chương trình "đặc khu" chỉ là một trong những âm mưu đang tiến hành với chủ đích nắm chắc Việt Nam của họ.
Có lẽ vì tin tưởng Liên Hiệp Châu Âu rất muốn và đang tìm mọi cách để thực hiện EVFTA, và tình trạng người dân Việt không chú ý hay không có khả năng tham gia trực tiếp, nhà nước Việt Nam đã không tỏ vẻ e ngại phạm pháp (vụ bắt cóc Trịnh xuân Thanh với tất cả những hệ lụy quốc tế) và còn tăng sức đàn áp, bỏ tù những nhà hoạt động dân chủ, ra luật an ninh mạng để kiểm soát và ngăn chặn sự tự do trao đổi tin tức, hoạt động xã hội trên mạng.
Cơ hội hành động
EVFTA là một hiệp định sẽ được ký kết giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Dù nhà nước Việt Nam không chấp nhận sự đóng góp của những cá nhân và tổ chức xã hội dân sự tự do, những cá nhân và tổ chức này vẫn có thể đối tác trực tiếp với những cơ quan của Liên Hiệp Châu Âu để có ảnh hưởng trên hiệp định này.
Quan trọng là phương thức làm việc. Và EVFTA cần phải được phê chuẩn bởi Quốc hội Châu Âu để có hiệu lực.
Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Quốc hội Châu Âu (INTA/European Parliament Committee on International Trade) với chủ tịch đương nhiệm là dân biểu Bernd Lange có nhiệm vụ :
- nhận định tình hình qua thông tin của đôi bên đàm phán (Ủy ban Châu Âu và nhà nước Việt Nam),
- nhắc nhở đôi bên phải hoàn tất những điều kiện đã được định rõ trong văn kiện sau đàm phán và đề nghị cách giải quyết khi có khó khăn,
- sau đó trình bày trước Quốc hội Châu Âu để xin phê chuẩn.
Thời gian INTA đang làm việc cũng là thời gian những tổ chức phi chính phủ/tổ chức tình nguyện tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, quốc tế và nhất là Việt Nam, cần nổ lực tìm hiểu và chính thức liên lạc với các dân biểu của Quốc hội Châu Âu về những điều kiện phê chuẩn, để bảo đảm EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân Việt.
Cách lên tiếng chỉ qua những bài chung chung trên các mạng xã hội Việt Nam không thay thế được việc làm đứng đắn, nắm vững vấn đề dựa trên bằng chứng , phân tích có quy củ và trực tiếp đối tác với Quốc hội Châu Âu của những tổ chức kể trên. Một vài cái thư phản kháng, vài tiếp xúc ngắn ngủi trong những năm qua không đủ làm cơ sở cho Quốc hội Châu Âu nhận rõ những điều kiện cần thiết ̣để bảo đảm những đặc tính của EVFTA do chính Liên Hiệp Châu Âu đề ra.
Những cam kết của Liên Hiệp Châu Âu
Ông Mauro Petriccione, phó trưởng phái đoàn đàm phán EVFTA, phó tổng giám đốc Cơ quan Thương mại thuộc Ủy ban Châu Âu (EU Commission), đã viết trong lời mở đầu văn bản EVFTA (2).
FTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư chất lượng cao giữa Việt Nam và EU... thúc đẩy bền vững phát triển cho đôi bên, bao gồm cam kết mạnh mẽ bảo vệ quyền cơ bản của mọi người tại nơi làm việc, quyền con người được bao quát hơn, và bảo vệ môi trường... triển khai nền kinh tế vì lợi ích của người dân Việt Nam.
Trưởng Đại diện phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet viết :
....(EV) FTA không chỉ có một mục tiêu riêng của nó mà đi cặp với Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện PCA. Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam có một chương trình chung để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh, và ngoài ra còn đấu tranh chống đói nghèo và củng cố sự canh tân.
Liên Hiệp Châu Âu sẽ không thi hành tốt hoặc chỉ thi hành lỏng lẻo những cam kết đó nếu không có sự ràng buộc bởi luật pháp và thường trực giám sát, và nhà nước Việt Nam hiện nay thì không phải là một đối tác chú trọng tới những khía cạnh như nhân quyền, quyền cơ bản của công nhân, bảo vệ môi trường, và không chứng tỏ có đủ chuyên viên để kiểm soát những khía cạnh khác trong Hiệp định.
Những diễn tiến đáng chú ý
1. Từ khi Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) được phê chuẩn năm 2012 tới nay, đã có 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam cho thấy những cuộc đối thoại này hoàn toàn không đạt được một kết qủa khả quan nào và Việt Nam không tôn trọng những điều đã ký kết.
Sau hoặc trước những cuộc Đối thoại, Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu luôn có những buổi tiếp xúc với một số nhân vật Việt Nam thuộc khối Xã hội Dân sự tự do, nhưng cho tới nay chưa thấy Liên Hiệp Châu Âu thực tình đặt điều kiện với nhà nước Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của các tổ chức độc lập vào công việc giám sát. Đại diện Phái đoàn EU đã tìm cách khỏa lấp bằng lập luận khó có thể biết tổ chức nào là chính quyền chỉ định, tổ chức nào thật sự độc lập (theo tin một ngừơi tham dự cuộc tiếp xúc tháng 11/2017) (3) Trong khi trong bản thông cáo báo chí ngày 23/02/2017 sau cuộc viếng thăm Việt Nam, ông Panzeri, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, đã có nhận định rõ ràng là (4) đòi hỏi đăng ký với Mặt trận Tổ quốc loại trừ khả năng độc lập (của các tổ chức phi chính phủ : xã hội, tôn giáo...), như vậy không hề có sự khó khăn để nhận định những tổ chức độc lập.
2. Ngày 26/02/2016 sau khi thụ lý hồ sơ khiếu nại của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt nam (VCHR) vì lý do Ủy ban Châu Âu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, bà O´Reilly, Thanh Tra Liên Âu, đã đưa ra phán quyết : Ủy ban Châu Âu đã không cắt nghĩa được một cách hợp lý việc từ chối thực hiện đánh giá tác động nhân quyền tiền hiệp định, trong khi các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đang tiếp diễn. Đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng (5).
Điều này cho thấy, Ủy ban Châu Âu tuy đã có những buổi tham khảo các tổ chức phi chính phủ nhưng tiến trình đàm phán đã được kết thúc với những sơ suất mà Quốc hội Châu Âu cần được lưu ý phải xem xét, đòi hỏi sửa đổi và bổ xung trước khi phê chuẩn. Đây là giai đoạn cần những hoạt động tích cực của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự độc lập.
3. Trong 7 thông cáo báo chí sau 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên, Liên Hiệp Châu Âu luôn đề cập tới vấn đề Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Quốc hội Châu Âu cũng đã ra những nghị quyết gần như mỗi năm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, mới đây là nghị quyết về quyền tự do bày tỏ ở Việt Nam (6) và đã bị ông Nguyễn Thanh Sơn – Chánh văn phòng - Văn phòng Thường trực Nhân quyền của Việt Nam, kết án là không khách quan, can thiệp vào công việc nội bộ củaViệt Nam, xử dụng những thông tin sai lệch qua những kênh không chính thống xuất phát từ những cá nhân có tư tưởng chống đốiViệt Nam, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam (7).
Những tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, cần nghiên cứu kỹ và phản biện chi tiết những lập luận của nhà nước Việt Nam, với những bằng chứng cụ thể, để trình Quốc hội Châu Âu trước khi 750 nghị viên biểu quyết phê chuẩn EVFTA.
4. Ngày 16/04/2018, 19 hiệp hội thương mại Việt Nam và quốc tế đã gửi một tuyên bố chung ủng hộ xúc tiến nhanh chóng EVFTA (8). Trong thư, họ đã chỉ trích : Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội Châu Âu hãy ngưng việc ngăn giữ EVFTA vì lý do quản trị, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đôi bên.
[...] Đưa ra các mối quan ngại trên, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chính sách thương mại của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục phục vụ lời hứa về tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cam kết phát triển bền vững.
5. Ngược lại, theo tài liệu của đảng Việt Tân (9), ngày 6/6/2018, một kiến nghị gửi theo dạng thư ngỏ, ký tên 90 tổ chức Việt Nam và quốc tế, trong đó có đảng Việt Tân, hội Bầu Bí Tương Thân, hội Anh Em Dân Chủ, hội Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Reporters without Borders (Phóng Viên không Biên Giới)... đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu bác bỏ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vì tình trạng quá tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam.
Lời bàn
Như đã viết trong phần 1 của bài, trong bối cảnh thương mại thế giới đầy bất ổn hiện nay, một cánh cửa đưa tới sự ổn định với thị trường Châu Âu là con đường sống cho doanh nghiệp Việt Nam. Giảm lệ thuộc kinh tế là ngõ thoát thiết yếu cho Việt Nam khỏi lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc. Còn đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong tình trạng chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, con đường thông thương này với Việt Nam cũng là một miếng mồi rất hấp dẫn mà họ đang cố đạt được.
Liên Hiệp Châu Âu cũng rất ý thức sự cạnh tranh với Trung Quốc tại Việt Nam là một vấn đề hóc búa, vì LM phải tôn trọng các giá trị nhân bản của Châu Âu. Cũng cần phải hiểu là hiện nay đường hướng của Châu Âu, để có thể ảnh hưởng tích cực nhất, là tham gia thay vì cắt đứt liên hệ. Chính vì những giá trị này mà Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác qúi báu của người dân Việt, một lý do chính đáng để mọi người, mọi tổ chức, cần thực tiễn hợp lực với Quốc hội Châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải hoàn tất một số điều kiện về tôn trọng quyền con người, quyền công nhân, bảo vệ môi trường trước khi EVFTA được phê chuẩn.
Đòi bác bỏ hoàn toàn Hiệp định Thương mại tự do là một ý kiến không có lợi cho người dân Việt Nam và là một sự chống đối quá cực đoan, đẩy Liên Hiệp Châu Âu vào thế kẹt trong bối cảnh thương mại hiện tại, có thể đi đến hiệu ứng Boomerang.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 06/09/2018
Chú thích :
(1) Có thể tìm hiểu thêm về EVFTA tại : https://bit.ly/2CnaR3G
30/04 lần thứ 43 sau khi chiến tranh súng đạn chấm dứt trên lãnh thổ Việt Nam, cũng chỉ là một ngày như mọi ngày, đầy ắp những vấn đề nan giải sống chết cho Việt Nam : dân trí ? môi sinh ? lòng tự trọng quyết không để mất lãnh thổ vào tay ngoại bang ? Thái bình ? Thịnh vượng ?
30 tháng 4, một ngày như mọi ngày, đầy ắp những vấn đề nan giải sống chết cho Việt Nam
Nếu có chút thông minh thì người Việt có lẽ đã không còn cái trò hề vênh-váo-thắng hay ủy-mị-than-khóc-thua, để mà dồn hết sức lực tìm cách xây dựng lại ngay trên những đổ nát, yếu kém của mình, và bảo vệ những gì cha ông để lại ?
Nỗi bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam không phải là Đảng cộng sản Việt Nam với hơn 4 triệu rưỡi đảng viên mà là thái độ xuôi xị trong mọi lãnh vực, đầu hàng những cái ác, của hơn 90 triệu người còn lại. Cái thói nhanh chóng đổ hết tội lên đầu đảng cộng sản để biện hộ cho sự ù lì, vị kỷ của mình, cái thói ngồi nguyền rủa bóng tối mà không chịu nhìn thấy bổn phận của mình là phải cố gắng thắp lên một ngọn nến, chính cái thói đó là liều thuốc độc đang dần mòn giết chết dòng giống Việt Nam.
Không ai phải hiên ngang như những người mẹ trẻ Như Quỳnh, Thúy Nga, hay như những người tranh đấu khác đang trong vòng tù tội, nhưng nếu mỗi người chỉ hiểu quyền con người của chính mình và sẵn sàng bảo vệ nó, thì cả Như Quỳnh, Thúy Nga và những người khác không đang "bị làm anh hùng", gánh chịu một mình sự trù dập của chế độ độc tài.
Người mẹ trẻ Như Quỳnh hiên ngang trước tòa án. (Hình: Getty Images)
Tháng 4 năm 2012 tôi đứng trên đất Nam Hàn, trước hàng rào kẽm gai chia cách Nam và Bắc Hàn tại khu phi quân sự DMZ. Vì vô ý lùi lại và đụng phải một người đàn ông đứng sau lưng, tôi lên tiếng xin lỗi. Ông ta vui vẻ trả lời không sao bằng tiếng Anh và hỏi thăm tôi từ đâu đến. Giữa người giáo sư Đại Hàn sinh sống tại thủ đô Seoul và tôi, một người tỵ nạn Việt Nam sống tại Đức gần 40 năm, câu chuyện lập tức xoay quanh Cộng sản/Tự do, dân chủ/độc tài, sự thống nhất một quốc gia sau một thời gian chia cắt, số phận của người bỏ nước đi tỵ nạn, và sự sụp đổ không tốn một giọt máu của bức tường Berlin.
Tôi ngạc nhiên nghe ông giáo sư Đại-Hàn điềm đạm cắt nghĩa, một sự thống nhất nhanh chóng như của Đức không phải là giải pháp tốt cho quốc gia của ông. Ông nói, chúng tôi khâm phục sự thống nhất không cần bạo động của Đức nhưng chúng tôi không giầu và mạnh như Đức, nên chúng tôi sửa soạn cho một sự thống nhất từ từ, thống nhất dân trí trong khi đất nước vẫn còn bị chia cắt, và khi rào cản cuối cùng sụp đổ thì hy vọng không có sự khác biệt qúa lớn về các giá trị đạo đức, nếp sống, v.v. Tôi càng ngạc nhiên nghe ông ta kể, năm nào Nam Hàn cũng năn nỉ xin viện trợ thực phẩm cho Bắc Hàn. Xây dựng dân trí trước hết là phải lo cho người dân no bụng, ông ta nói, và họ là anh em của chúng tôi.
Bây giờ, tháng tư 2018, nhìn hình ảnh tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cười rạng rỡ bắt tay lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, tôi hiểu rằng ông Moon Jae-in đã chỉ thực hiện phần việc của ông bên cạnh những nỗ lực suốt bao lâu nay của người dân Nam Hàn. Lẽ dĩ nhiên cần thời gian mới có thể biết dự kiến chính thức chấm dứt xung đột vào cuối năm nay và khôi phục hòa bình cho Đại Hàn có thành tựu hay không, nhưng quan trọng là Nam-Bắc Hàn đang có những hành động thực tiễn. Tổng thống Moon Jae-in là con trai lớn của một gia đình Bắc Hàn đến Nam Hàn tỵ nạn. Ông đã từng bị từ chối không được làm thẩm phán vì tội khi còn là sinh viên đã tổ chức biểu tình chống Hiến pháp Yushin của Park Chung Hee, bị bắt và ngồi tù. Sau đó ông đã lựa chọn trở thành một luật sư nhân quyền.
Hôm qua, ngày 29/04/2018 có 4 người Việt gặp nhau tại Berlin để làm quen và bàn chuyện quê hương, không xa mấy chỗ xảy ra vụ bắt cóc đang gây nhiều rắc rối giữa Cộng hòa Liên Bang Đức và Việt Nam. Câu chuyện tuy có nhắc đến tình trạng đang tăng căng thẳng vì theo tin các báo Slovakia, có giả thuyết là người bị bắt cóc (Trịnh xuân Thanh) đã được đưa từ Pressburg về Việt Nam trên chuyến chuyên cơ của một phái đoàn cao cấp công an Việt Nam, nhưng phần quan trọng trong buổi trao đổi của chúng tôi là bàn bạc tìm những cách để đóng góp vào vấn đề nâng cao dân trí tại Việt Nam.
Kết quả buổi nói chuyện không phải là những hoạch địch chương trình vĩ đại mà chỉ là quyết định của mỗi người không cho phép mình trốn tránh trách nhiệm (dù chỉ là 1 phần trên 95 triệu nếu dân số Việt Nam ngày nay là 95 triệu), kẻ phải bớt thì giờ dưỡng già, làm vườn, người thì bớt thì giờ xem truyền hình, chơi với cháu… để làm một vài việc nhỏ nhưng cụ thể, theo khả năng của mình.
Nếu lộng ngôn một chút để so sánh với cuộc gặp gỡ của hai ông Nam và Bắc Hàn thì dự kiến và quyết định của chúng tôi có thành công hay không cũng chưa thể biết, nhưng một sự kỳ diệu đã xảy ra : cả bốn người, hai người gốc Việt Nam Cộng Hòa và hai người gốc Xã hội Chủ nghĩa (trong đó một người hoạt động nhân quyền và một người tuy hết sức chống độc tài nhưng vẫn mang thẻ đảng viên cộng sản từ hơn 40 năm) có thể ngồi chung với nhau, có thể có những lo lắng suy tư giống hệt nhau, làm sao để bảo vệ dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ ?
Có thể nào những khác biệt về ý thức hệ, ngay cả dĩ vãng chém giết nhau, chỉ còn là những vết sẹo xấu xí nếu con người Việt Nam chấm dứt mọi cuồng tín để tỉnh thức nhận ra, khi phải đối đầu với ngoại xâm thì bản chất chúng ta vẫn là anh em ?
Đừng chỉ nhận ra khi đã quá trễ.
Thục Quyên
Nguồn : Người Việt, 02/05/2018