Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/09/2018

EVFTA : cơ hội hành động

Thục Quyên

EVFTA là tên viết tắt tiếng Anh của Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam (EU-Vietnam Free Trade Agreement). 

evfta1

Tin tức liên quan đến diễn biến của EVFTA tương đối nhiều, nhưng cho tới nay trong gần hết tất cả những bài trên các báo lề trái cũng như lề phải , phần tin tức chính xác bị phần suy đoán phủ lấp :

- nhà cầm quyền Việt Nam và các báo lề phải bóp méo tin tức hoặc chỉ đưa những tin có lợi cho điều mình muốn tuyên truyền với dân là nhà nước đang thành công và EVFTA sắp được thông qua.

- các nhà hoạt động thì nhặt vài sự kiện rồi suy đoán theo mình và có vẻ chú tâm là nêu rõ tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam vì đã phạm rất nhiều lỗi lầm, kể cả phạm pháp, nên gây ra cản trở, và có nhiều triển vọng EVFTA sẽ không được phía Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.

Trong khi cả hai bên đều có vẻ đồng ý đặt kỳ vọng cao vào cây cầu thông thương giữa Việt Nam và "siêu thị trường" 27 nền kinh tế Châu Âu này, thì lại không bên nào cho thấy sẵn sàng có những hành động để EVFTA thành một thực trạng mang lợi ích cho nền kinh tếViệt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt .

Tiếng chuông báo động

Ngày 10/08/2018 ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Quốc hội Châu Âu, xác nhận trong thư riêng với người viết, là chính ông đã gợi ý, Việt Nam không nhất thiết phải hoàn tất phê chuẩn 3 công ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) còn lại là ILO 87 (Tự do liên kết), ILO 98 (Quyền thương lượng tập thể) ILO 105 (Chống lao động cưỡng bức), và lồng vào luật pháp quốc gia, trước khi EVFTA được phê chuẩn. Chỉ cần Việt Nam "phải thể hiện được cam kết mang tính ràng buộc về lộ trình phê chuẩn, thực thi và giám sát thực hiện các công ước này".

Trong những lần tuyên bố trước đó, ông Lange luôn luôn nhấn mạnh EVFTA là một hiệp định "dựa trên luật lệ". Chiều hướng mới mềm dẻo hơn của ông B.Lange hiện nay, hầu đạt tới việc phê chuẩn EVFTA trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới của Quốc hội Châu Âu (23 - 26/05/2019), là một tiếng chuông báo động để tất cả những ai muốn hiệp định thương mại này thực sự mang lợi ích đến cho người dân Việt, phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về vai trò của những bộ phận làm việc khác nhau của chính phủ và quốc hội Liên Hiệp Châu Âu, cũng như những lực đẩy chống hay thuận sự ký kết EVFTA mạnh yếu ra sao, để có hành động cụ thể hợp thời điểm.

Qúa trình tiến hành EVFTA cho tới nay có bị chậm trễ không ? Vì sao ? Có, quá trình tiến hành đã có chậm trễ. Sự chậm trễ này cho tới nay hoàn toàn do một thay đổi về thủ tục pháp lý từ phía Châu Âu, không hề có chút liên quan nào tới tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam hay vụ bắt cóc Trịnh xuân Thanh tại Đức.

Từ khi giai đọan đàm phán giữa Việt Nam và Châu Âu kết thúc ngày 2/12/2015, hai bước tiếp là rà soát pháp lý hiệp ước để ký kết và nhất là phê chuẩn để có hiệu lực, đã bị trì trệ vì cần chờ ý kiến của Tòa Công Lý Châu Âu (the European Court of Justice) liên quan đến Hiệp ước Thương mại Tự do giữa Châu Âu và Singapore, để theo đó, áp dụng cho Việt Nam. 

Trước đó Ủy ban Châu Âu (European Commission) đã hỏi ý kiến của tòa về một số nội dung trong hiệp định không thuộc thẩm quyền toàn bộ của EU, nhất là hai nội dung đầu tư gián tiếp (portfolio invesment) và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính quyền sở tại (investor-state dispute settlement). 

Ngày 16/05/2017 Tòa Công Lý Châu Âu đã đưa ra ý kiến rõ ràng : để được thông qua toàn bộ nội dung, cần sự chuẩn y của cả 27 nước thành viên EU (27 vì không còn tính Vương quốc Anh). Để tránh khó khăn này (chỉ cần một trong 27 nước thành viên không phê chuẩn một phần nào của hiệp ước thì hiệp ước không có hiệu lực), một bước đi mới của EVFTA được thống nhất : theo đó, EVFTA được tách làm hai hiệp định, một về Thương mại và một về Bảo hộ đầu tư (IPA). 

Điều này có nghĩa là gì ?

Là Hiệp định Thương mại không cần sự phê chuẩn của từng nước thành viên, mà chỉ cần sự phê chuẩn của Liên Hiệp Châu Âu là có triển vọng tạm thời có hiệu lực, mà không phải chờ Hiệp định bảo hộ đầu tư (chú ý chữ có triển vọng, vì hiệp định thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nhật sau khi hoàn tất, đã được gửi trình Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu xin ký chính thức mà không chờ Hiệp định bảo hộ đầu tư, và điều này cho tới nay chưa bị chỉ trích).

Tình trạng EVFTA hiện nay.

Ngày 26/06/2018, Ủy ban Châu Âu và Việt Nam đã công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại. Với Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA, hai bên mới chỉ kết thúc những thảo luận ban đầu và bước vào giai đọan rà sóat pháp lý. 

Theo quy trình, các hiệp định đã được Ủy ban Châu Âu hoàn tất đàm phán, sau khi rà soát pháp lý phải qua 3 giai đoạn tiếp : (1) được dịch qua 22 ngôn ngữ của 27 nước thành viên. Sau đó chuyển cho ; (2) Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng (Council of the European Union) bao gồm các bộ trưởng đại diện các nền kinh tế 27 nước thành viên, xem xét, quyết định việc ký chính thức hiệp định ; (3) được chuyển tới Quốc hội Châu Âu (European Parliament), với thành viên là hơn 750 đại biểu cử tri toàn Châu Âu, để phê chuẩn. 

Trong bối cảnh thương mại thế giới đầy bất ổn hiện nay, một cánh cửa đưa tới sự ổn định với thị trường Châu Âu là con đường sống cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là một Việt Nam đang qụy ngã, thoi thóp bởi lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc, thì giảm lệ thuộc kinh tế là ngõ thoát thiết yếu.

Ngược lại, đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong tình trạng chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, con đường thông thương này với Việt Nam cũng là một miếng mồi rất hấp dẫn mà họ đang cố đạt được. Hội đồng Bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu khó có thể quyết định ngược lại chiều hướng đó. Trong khi Trung Quốc không dễ gì nhả Việt Nam ra và chương trình "đặc khu" chỉ là một trong những âm mưu đang tiến hành với chủ đích nắm chắc Việt Nam của họ.

Có lẽ vì tin tưởng Liên Hiệp Châu Âu rất muốn và đang tìm mọi cách để thực hiện EVFTA, và tình trạng người dân Việt không chú ý hay không có khả năng tham gia trực tiếp, nhà nước Việt Nam đã không tỏ vẻ e ngại phạm pháp (vụ bắt cóc Trịnh xuân Thanh với tất cả những hệ lụy quốc tế) và còn tăng sức đàn áp, bỏ tù những nhà hoạt động dân chủ, ra luật an ninh mạng để kiểm soát và ngăn chặn sự tự do trao đổi tin tức, hoạt động xã hội trên mạng.

Cơ hội hành động

EVFTA là một hiệp định sẽ được ký kết giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Dù nhà nước Việt Nam không chấp nhận sự đóng góp của những cá nhân và tổ chức xã hội dân sự tự do, những cá nhân và tổ chức này vẫn có thể đối tác trực tiếp với những cơ quan của Liên Hiệp Châu Âu để có ảnh hưởng trên hiệp định này. 

Quan trọng là phương thức làm việc. Và EVFTA cần phải được phê chuẩn bởi Quốc hội Châu Âu để có hiệu lực. 

Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Quốc hội Châu Âu (INTA/European Parliament Committee on International Trade) với chủ tịch đương nhiệm là dân biểu Bernd Lange có nhiệm vụ :

- nhận định tình hình qua thông tin của đôi bên đàm phán (Ủy ban Châu Âu và nhà nước Việt Nam), 

- nhắc nhở đôi bên phải hoàn tất những điều kiện đã được định rõ trong văn kiện sau đàm phán và đề nghị cách giải quyết khi có khó khăn,

- sau đó trình bày trước Quốc hội Châu Âu để xin phê chuẩn.

Thời gian INTA đang làm việc cũng là thời gian những tổ chức phi chính phủ/tổ chức tình nguyện tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, quốc tế và nhất là Việt Nam, cần nổ lực tìm hiểu và chính thức liên lạc với các dân biểu của Quốc hội Châu Âu về những điều kiện phê chuẩn, để bảo đảm EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân Việt.

Cách lên tiếng chỉ qua những bài chung chung trên các mạng xã hội Việt Nam không thay thế được việc làm đứng đắn, nắm vững vấn đề dựa trên bằng chứng , phân tích có quy củ và trực tiếp đối tác với Quốc hội Châu Âu của những tổ chức kể trên. Một vài cái thư phản kháng, vài tiếp xúc ngắn ngủi trong những năm qua không đủ làm cơ sở cho Quốc hội Châu Âu nhận rõ những điều kiện cần thiết ̣để bảo đảm những đặc tính của EVFTA do chính Liên Hiệp Châu Âu đề ra.

Những cam kết của Liên Hiệp Châu Âu

Ông Mauro Petriccione, phó trưởng phái đoàn đàm phán EVFTA, phó tổng giám đốc Cơ quan Thương mại thuộc Ủy ban Châu Âu (EU Commission), đã viết trong lời mở đầu văn bản EVFTA (2).

FTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư chất lượng cao giữa Việt Nam và EU... thúc đẩy bền vững phát triển cho đôi bên, bao gồm cam kết mạnh mẽ bảo vệ quyền cơ bản của mọi người tại nơi làm việc, quyền con người được bao quát hơn, và bảo vệ môi trường... triển khai nền kinh tế vì lợi ích của người dân Việt Nam.

Trưởng Đại diện phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet viết : 

....(EV) FTA không chỉ có một mục tiêu riêng của nó mà đi cặp với Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện PCA. Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam có một chương trình chung để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh, và ngoài ra còn đấu tranh chống đói nghèo và củng cố sự canh tân.

Liên Hiệp Châu Âu sẽ không thi hành tốt hoặc chỉ thi hành lỏng lẻo những cam kết đó nếu không có sự ràng buộc bởi luật pháp và thường trực giám sát, và nhà nước Việt Nam hiện nay thì không phải là một đối tác chú trọng tới những khía cạnh như nhân quyền, quyền cơ bản của công nhân, bảo vệ môi trường, và không chứng tỏ có đủ chuyên viên để kiểm soát những khía cạnh khác trong Hiệp định.

Những diễn tiến đáng chú ý

1. Từ khi Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) được phê chuẩn năm 2012 tới nay, đã có 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam cho thấy những cuộc đối thoại này hoàn toàn không đạt được một kết qủa khả quan nào và Việt Nam không tôn trọng những điều đã ký kết.

Sau hoặc trước những cuộc Đối thoại, Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu luôn có những buổi tiếp xúc với một số nhân vật Việt Nam thuộc khối Xã hội Dân sự tự do, nhưng cho tới nay chưa thấy Liên Hiệp Châu Âu thực tình đặt điều kiện với nhà nước Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của các tổ chức độc lập vào công việc giám sát. Đại diện Phái đoàn EU đã tìm cách khỏa lấp bằng lập luận khó có thể biết tổ chức nào là chính quyền chỉ định, tổ chức nào thật sự độc lập (theo tin một ngừơi tham dự cuộc tiếp xúc tháng 11/2017) (3) Trong khi trong bản thông cáo báo chí ngày 23/02/2017 sau cuộc viếng thăm Việt Nam, ông Panzeri, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, đã có nhận định rõ ràng là (4) đòi hỏi đăng ký với Mặt trận Tổ quốc loại trừ khả năng độc lập (của các tổ chức phi chính phủ : xã hội, tôn giáo...), như vậy không hề có sự khó khăn để nhận định những tổ chức độc lập.

2. Ngày 26/02/2016 sau khi thụ lý hồ sơ khiếu nại của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt nam (VCHR) vì lý do Ủy ban Châu Âu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, bà O´Reilly, Thanh Tra Liên Âu, đã đưa ra phán quyết : Ủy ban Châu Âu đã không cắt nghĩa được một cách hợp lý việc từ chối thực hiện đánh giá tác động nhân quyền tiền hiệp định, trong khi các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đang tiếp diễn. Đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng (5).

Điều này cho thấy, Ủy ban Châu Âu tuy đã có những buổi tham khảo các tổ chức phi chính phủ nhưng tiến trình đàm phán đã được kết thúc với những sơ suất mà Quốc hội Châu Âu cần được lưu ý phải xem xét, đòi hỏi sửa đổi và bổ xung trước khi phê chuẩn. Đây là giai đoạn cần những hoạt động tích cực của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự độc lập.

3. Trong 7 thông cáo báo chí sau 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên, Liên Hiệp Châu Âu luôn đề cập tới vấn đề Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Quốc hội Châu Âu cũng đã ra những nghị quyết gần như mỗi năm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, mới đây là nghị quyết về quyền tự do bày tỏ ở Việt Nam (6) và đã bị ông Nguyễn Thanh Sơn – Chánh văn phòng - Văn phòng Thường trực Nhân quyền của Việt Nam, kết án là không khách quan, can thiệp vào công việc nội bộ củaViệt Nam, xử dụng những thông tin sai lệch qua những kênh không chính thống xuất phát từ những cá nhân có tư tưởng chống đốiViệt Nam, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam (7).

Những tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, cần nghiên cứu kỹ và phản biện chi tiết những lập luận của nhà nước Việt Nam, với những bằng chứng cụ thể, để trình Quốc hội Châu Âu trước khi 750 nghị viên biểu quyết phê chuẩn EVFTA.

4. Ngày 16/04/2018, 19 hiệp hội thương mại Việt Nam và quốc tế đã gửi một tuyên bố chung ủng hộ xúc tiến nhanh chóng EVFTA (8). Trong thư, họ đã chỉ trích : Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội Châu Âu hãy ngưng việc ngăn giữ EVFTA vì lý do quản trị, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đôi bên.

[...] Đưa ra các mối quan ngại trên, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chính sách thương mại của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục phục vụ lời hứa về tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cam kết phát triển bền vững.

5. Ngược lại, theo tài liệu của đảng Việt Tân (9), ngày 6/6/2018, một kiến nghị gửi theo dạng thư ngỏ, ký tên 90 tổ chức Việt Nam và quốc tế, trong đó có đảng Việt Tân, hội Bầu Bí Tương Thân, hội Anh Em Dân Chủ, hội Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Reporters without Borders (Phóng Viên không Biên Giới)... đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu bác bỏ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vì tình trạng quá tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam.

Lời bàn

Như đã viết trong phần 1 của bài, trong bối cảnh thương mại thế giới đầy bất ổn hiện nay, một cánh cửa đưa tới sự ổn định với thị trường Châu Âu là con đường sống cho doanh nghiệp Việt Nam. Giảm lệ thuộc kinh tế là ngõ thoát thiết yếu cho Việt Nam khỏi lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc. Còn đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong tình trạng chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, con đường thông thương này với Việt Nam cũng là một miếng mồi rất hấp dẫn mà họ đang cố đạt được.

Liên Hiệp Châu Âu cũng rất ý thức sự cạnh tranh với Trung Quốc tại Việt Nam là một vấn đề hóc búa, vì LM phải tôn trọng các giá trị nhân bản của Châu Âu. Cũng cần phải hiểu là hiện nay đường hướng của Châu Âu, để có thể ảnh hưởng tích cực nhất, là tham gia thay vì cắt đứt liên hệ. Chính vì những giá trị này mà Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác qúi báu của người dân Việt, một lý do chính đáng để mọi người, mọi tổ chức, cần thực tiễn hợp lực với Quốc hội Châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải hoàn tất một số điều kiện về tôn trọng quyền con người, quyền công nhân, bảo vệ môi trường trước khi EVFTA được phê chuẩn. 

Đòi bác bỏ hoàn toàn Hiệp định Thương mại tự do là một ý kiến không có lợi cho người dân Việt Nam và là một sự chống đối quá cực đoan, đẩy Liên Hiệp Châu Âu vào thế kẹt trong bối cảnh thương mại hiện tại, có thể đi đến hiệu ứng Boomerang.

Thục Quyên

Nguồn : VNTB, 06/09/2018

Chú thích :

(1) Có thể tìm hiểu thêm về EVFTA tại : https://bit.ly/2CnaR3G

(2) https://bit.ly/2MVGK8o

(3) https://bit.ly/2wLhab2

(4) https://bit.ly/2wW0yhV

(5) https://bit.ly/2PHzUQt

(6) https://bit.ly/2PBYEJS

(7) https://bit.ly/2PGwldg

(8) https://bit.ly/2MPL5cVhttps://bit.ly/2Q9tz1q

(9) https://bit.ly/2oMaHcp

Quay lại trang chủ
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)