Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/09/2018

Có âm mưu chính trị vụ "đường lưỡi bò" trong văn hóa phẩm thiếu nhi Việt Nam ?

Minh Hải

Cùng với bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Công Nghệ Giáo Dục lớp 1, một bộ sách khác cũng dành cho lứa tuổi học sinh đó là bộ sách "Wow !- Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh" nhiều ngày qua cũng bị dư luận Việt Nam chỉ trích khá nhiều bởi bộ sách này có hình minh họa là bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc…

sach1

Trang sách in bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Ảnh : V.T-VnEpress

Theo tìm hiểu, bộ sách "Wow !- Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh" gồm nhiều tập với nhiều chủ đề liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống, xã hội thường ngày. Tuy nhiên, tại cuốn sách có chủ đề "Tìm hiểu về phương tiện giao thông" ở trang số 27 lại để hình minh họa bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ôm trọn Biển Đông. Đây là bộ sách của một tác giả Trung Quốc, do Nhà xuất bản Thế Giới liên kết cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Đinh Tị xuất bản, phát hành. 

Trả lời báo đài Việt Nam vào ngày 4/9/2018, ông Đoàn Trần Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới thừa nhận đây là lỗi do sơ xuất đúng như dư luận đã phản ánh. Công ty Đinh Tị đã thu hồi, sửa lại toàn bộ cách đây một tuần và thay lại toàn bộ sách mới.

Một vụ việc tương tự diễn ra vào tháng 3/2013, Phòng Văn hóa – Thông tin Q.10 ở Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và phát hiện tại Nhà sách Nhân Văn có bộ sách "Tiếng Hoa dành cho trẻ em- Tập 1", tại trang 35, bài 14 có in bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Được biết, bộ sách Tiếng Hoa này gồm 3 tập do Công ty cổ phần Văn hóa Nhân Văn và Công ty cổ phần Giáo dục & Công nghệ Thế giới Thông minh liên kết phát hành, còn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị xuất bản. Trước sự phản ánh của dư luận và cơ quan chức năng, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là bà Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương sau đó cho biết đơn vị nhận trách nhiệm, xin lỗi độc giả về sai sót này. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi giúp nhà xuất bản những cuốn sách sai phạm này còn sót trên thị trường.

Qua hai trường hợp như đã nêu trên, người viết cũng như không ít dư luận thắc mắc là không hiểu vai trò của Ban Biên tập, Ban Dịch thuật tại các Nhà xuất bản Việt Nam ở đâu khi để xảy ra những sai sót trên ? Đồng ý là các nhà xuất bản và phát hành sách ở Việt Nam mua bản quyền sách từ Trung Quốc nên phải lấy hình ảnh và nội dung sách của họ nhưng vai trò của Ban Biên tập, Ban Dịch thuật Việt Nam phải kiểm tra, chỉnh sửa và dịch thuật lại sao cho phù hợp với phía Việt Nam rồi mới đem bản quyền đi in ấn, phát hành ra thị trường như vậy thì những sai sót nghiêm trọng như in bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam sao lại không phát hiện được ? Sai sót trong công việc là điều không tránh khỏi nhưng có những sai sót không thể chấp nhận được. Có chăng một sự cố tình hoặc tầm kiến thức kém, hay là mỗi lần sai sót thì nói lời xin lỗi, thu hồi và chỉnh sửa, sự răn đe "nhẹ nhàng" đến từ cơ quan chức năng nên các Nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách ở Việt Nam tỏ ra xem thường.

Thực tế bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc từ du khách, văn hóa phẩm không ngừng xâm nhập vào Việt Nam, không chỉ dừng ở sách thiếu nhi mà ngay cả đồ chơi thiếu nhi cũng có in hình bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Cụ thể vào tháng 8/2018 vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam cho biết sàn thương mại điện tử Shopee khi ra bán sản phẩm đồ chơi trẻ em có hình bản đồ "đường lưỡi bò". Cơ quan chức năng tại Hà Nội sau đó vào cuộc thu hồi được 30 thùng đồ chơi tại các địa chỉ người bán có hình ảnh sai phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bản thân sàn thương mại điện tử Shopee hứa thu hồi những sản phẩm đã lỡ bán ra thị trường.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "Đường 9 đoạn" được phía Trung Quốc dùng chỉ định chủ quyền lãnh hải của mình trên Biển Đông, đây là hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quyền lãnh hải của nhiều quốc gia sinh sống xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam.

Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (gọi tắc là PCA) ở The Hague, Hà Lan chính thức tuyên bố bác bỏ tính pháp lý của "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc, phán quyết Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông và "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương tuyên bố không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Ngay sau phán quyết của PCA về tính pháp lý "đường lưỡi bò", Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc bác bỏ phán quyết này, đồng thời không ngừng gia tăng quân sự theo cái gọi là "bảo vệ" chủ quyền lãnh hải quốc gia trên Biển Đông. Động thái này, không chỉ Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tình hình Biển Đông với các quốc gia chung sống trong khu vực mà còn lôi kéo Hoa Kỳ và Phương Tây vào cuộc, đẩy căng thẳng Biển Đông hiện tại là một trong những mối lo hàng đầu của toàn thế giới.

Như vậy, có thể nói việc "đường lưỡi bò" của Trung Quốc xuất hiện ở văn hóa phẩm thiếu nhi Việt Nam không hẳn đơn thuần là lỗi sai sót do sơ ý, bởi nó tái diễn khá nhiều lần, tràn lan. Không loại trừ có sự tiếp tay của những kẻ có âm mưu chính trị nằm trong các nhà xuất bản ở Việt Nam. Thực hư cơ quan chức năng Việt Nam cần làm rõ và phải làm mạnh tay, xử lý nghiêm những kẻ sai phạm để tránh tái diễn. 

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 08/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 803 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)