(Bài I)
Phía bỏ phiếu chống
Ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Những lời phát biểu của đôi bên được/thua là bàn đạp cho việc thực thi bản Hiệp định trong những ngày tháng tới (1).
Bà Heidi Hautala, Phó chủ tịch Nghị viện, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan. Ảnh minh họa
Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước và sau cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Một trong số 192 người bỏ phiếu chống là bà Phó chủ tịch Nghị viện Heidi Hautala, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan.
Bà Hautala là một vị dân biểu đã qua 4 nhiệm kỳ tại Nghị viện Châu Âu, và đã có trách nhiệm thay mặt Nghị viện qua Việt Nam vào đầu năm 2019, để khảo sát Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản EU-VN (gọi tắt là VPA).
Với tư cách Phó chủ tịch Nghị viện và cũng là thành viên của các Ủy ban Thương mại, Tiểu ban Nhân quyền, Phái đoàn quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dân biểu Hautala đã lên tiếng trong buổi họp Nghị viện ngày 11/02 trước cuộc bầu cử quyết định :
Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị, và Việt Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc cải cách luật lao động của mình – nhưng mặt khác, đã không sửa đổi bộ luật hình sự để cho phép người lao động được hưởng các quyền đó. Sự đàn áp đã trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện thỏa thuận này.
Nếu ngày mai Nghị viện đồng ý phê chuẩn EVFTA :
1. Nghị viện sẽ có trách nhiệm lớn trong việc đòi hỏi các yêu cầu của Nghị viện đã đưa ra (trong thời gian qua) về phát triển bền vững, nhân quyền và sự tham gia của một xã hội dân sự độc lập, phải được thực hiện.
2. và theo lời đòi hỏi của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban (Commission) vẫn còn phải cùng các đồng nghiệp đối tác Việt Nam thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về Nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập, với những đòi hỏi khắc phục vi phạm.
Đó là những lý do tại sao nhóm của chúng tôi, Đảng Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu chưa thể hỗ trợ Hiệp định này.
Ngày 12/02, sau khi có kết qủa thuận cho việc phê chuẩn EVFTA, bà Phó chủ tịch Nghị viện đã nhận định đúc kết như sau :
Nghị viện Châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại EU-Việt Nam. Nhóm Xanh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định này vì, bất chấp các cuộc đàm phán trong chương trình Hiệp định, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và gây áp lực lên các tổ chức của phe đối lập và công nhân. Hiệp định thiếu phương tiện hiệu quả để thực thi quyền con người, những ràng buộc luật pháp về môi sinh và các tiêu chuẩn xã hội. Ngoài ra, Việt Nam đã không can thiệp vào các phương tiện theo đúng khả năng để giải quyết nạn phá rừng.
EU cần phải làm tốt hơn trong chính sách thương mại của mình.
Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị, nhưng vẫn nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền. Một mặt, Việt Nam đã cải thiện luật lao động, nhưng đồng thời luật hình sự của Việt Nam ngăn cản việc thực thi hiệu quả các quyền này. Trong những năm qua, suốt thời gian tiếp diễn các cuộc đàm phán Hiệp ước, áp lực trên xã hội dân sự thậm chí còn tăng lên.
Vì những lý do đó, tôi đã không thể hỗ trợ Hiệp ước.
Khi tán thành Hiệp ước, Nghị viện Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng các đòi hỏi phát triển bền vững, nhân quyền và xã hội dân sự độc lập thực sự được đáp ứng. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không cung cấp những đảm bảo này. Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cùng với Việt Nam cần phải thiết lập một cơ chế giám sát nhân quyền độc lập có thể giải quyết hiệu quả mọi vi phạm (các quyền).
Bây giờ, sau khi Hiệp ước đã được phê duyệt, cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Hiệp định Thương mại không phải là sự kết thúc của phát triển tích cực, mà là sự khởi đầu của nó.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 14/02/2020
(1) https://baotiengdan.com/2020/02/13/evfta-bat-dong-y-kien-trong-dan-chu-phan-i/