Kỳ vọng EVFTA nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam
Mai Lan, VNTB, 16/02/2020
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là : 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng. EVFTA được EU gọi là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển". Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.
Văn kiện Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020 - Ảnh minh họa
Câu hỏi đặt ra : thế nào là nhân quyền trong một quốc gia chưa có sự cạnh tranh về quyền quản trị quốc gia, chưa có sự cạnh tranh của các đảng phái chính trị, và lá phiếu của người dân vẫn dừng lại ở yêu cầu ‘Đảng cử – Dân bầu’, nghĩa là ‘bó đũa so cột cờ’ ?
Phạm vi hẹp hơn, kỳ vọng về EVFTA nếu nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam thì sẽ có diện mạo ra sao ?
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, vốn là một thầy giáo dạy văn cấp 3, có nhận xét như sau khi chúng ta thử đặt EVFTA vào góc nhìn giáo dục trong bối cảnh đang phải ứng phó với dịch virus Corona đến từ Trung Quốc : "Trong tình trạng độc canh, theo một học trình nhồi nhét, lại được quản lý và vận hành hết sức bao cấp, trình văn minh của thể chế giáo dục còn ở mức thấp cơ khí lắp ráp, nghỉ học một tuần lễ đã có thể diễn ra rối loạn. Nghỉ nhiều hơn phải cân lượng đến việc thủ tiêu kết quả của một năm học.
Đó là chưa kể tình trạng tư duy quản lý của kiểu xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị đang làm phát sinh ở các đô thị một chức năng máy móc khác của nhà trường, kiểu trại tập trung… giữ trẻ".
"Xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị" như nhận định của nhà báo và nhà giáo Đặng Tâm Chánh, cho nên diễn biến trong tuần qua về việc "nghỉ học hay đóng cửa trường" đã như một thứ đèn cù khi nhà nước toàn trị đó không thể đưa ra được quyết định cuối cùng.
Mặc dù ngay từ lúc mới ‘nhậm chức’ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh miệng nói rất nhiều lần trong các bài phát biểu về một nền công nghiệp thời đại 4.0 ; song thủ tướng Phúc không lý giải được yêu cầu 4.0 ấy liệu có ‘tương thích’ với ‘hệ điều hành’ như nhận xét của nhà báo Đặng Tâm Chánh là "xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị" hay không ?
Nếu câu trả lời là có, thì phải hiểu sao đây khi một nhiệm kỳ chính phủ sắp đi qua, nhưng ngành giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa chút nào ‘cập nhật’, hay có ý muốn ‘nâng cấp với bản sửa lỗi’ cho hệ điều hành hiện tại.
Khi dịch bệnh xảy ra với nhiều diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu, ngành giáo dục vẫn ở thế bế tắc khi chưa có hướng dẫn cụ thể việc đóng cửa nhà trường thì nhà trường, giáo viên, gia đình và các đối tượng liên quan khác phải làm gì nếu muốn duy trì việc học ?.
"Cũng như vậy trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện tại, không gian số hoàn toàn có thể đáp ứng dịch chuyển chương trình năm học sang phiên bản số, thiết lập giao thức số của lớp học, trường học… để năm học luôn có thể hoạt động. Trong bất kỳ tình huống bất trắc nào khiến phải đóng cửa nhà trường, hoạt động giáo dục theo chương trình năm học vẫn có thể được duy trì, nhất là duy trì với tiêu chuẩn tối thiểu là bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi học sinh. Đó cũng chính là một kiểu năng lực cần phải có của xã hội để thích ứng với những kiểu tai họa bất trắc được cho là sẽ thường xuyên xuất hiện". Nhà báo Đặng Tâm Chánh đề xuất.
Nếu nhìn về các dự báo cho triển vọng tốt đẹp mà EVFTA mang lại qua lăng kính hiện tại từ thực tế đang diễn ra trong nền giáo dục Việt Nam, xem ra "mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam" là một nhận xét quá đỗi lạc quan.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
*******************
Quyền tự do công đoàn : từ WTO cho đến kỳ vọng của EVFTA
Võ Hàn Lam, VNTB, 16/02/2020
Nhiều ý kiến của người Việt lại hy vọng với những gì hứa hẹn cho việc ký kết EVFTA, sẽ giúp người lao động có được quyền tự do công đoàn ; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tự do lập hội của người Việt Nam.
Người Việt lại hy vọng với những gì hứa hẹn cho việc ký kết EVFTA, sẽ giúp người lao động có được quyền tự do công đoàn ; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tự do lập hội của người Việt Nam.
Bên cạnh sự hồ hởi như kể trên, không ít ý kiến ngờ vực vì các quyền dân sự này vốn bàng bạc trong rất nhiều thỏa thuận mà nhà nước Việt Nam đã ký kết, như lúc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến gần đây nhất và cũng được kỳ vọng nhiều nhất là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Giờ thì vừa có thêm EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam).
Cách đây 14 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này, sau 11 năm chuẩn bị với 15 vòng đàm phán. Hơn một thập kỷ qua, tư cách thành viên WTO, nền kinh tế Việt Nam được gọi là gia nhập sân chơi toàn cầu, song trên thực tế vẫn là nền kinh tế gia công. Tiếp sau khi được công nhận là thành viên WTO, nhờ đó Việt Nam có thêm điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do khác (FTA).
Con số thống kê được Bộ Công thương Việt Nam đưa ra, thì tiếp nối sau WTO, các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Thế nhưng nếu xét về các quyền dân sự như quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội mà nhà nước Việt Nam đã có thỏa thuận về tính nguyên tắc trong các FTA, cho thấy vẫn dừng lại ở mức hứa hẹn. Một kỳ vọng về đòn bẩy trong thay đổi mạnh mẽ thể chế quản trị quốc gia của Việt Nam từ những FTA ấy, vẫn mang tính lý thuyết.
Hệ lụy của diễn biến kể trên là nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động… Trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Một vấn đề khác cần được công tâm xem xét ở đây cho mọi kỳ vọng liên quan đến quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội thông qua những thỏa thuận như CPTPP, EVFTA là đảng chính trị ở Việt Nam có chấp nhận về các quyền đó của người dân Việt Nam hay không, và ở mức độ nào ?
Dẫn chứng cho nhận định nêu trên, từ một đoạn trích sau đây ở Báo cáo về "Tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế từ sau khi gia nhập WTO" của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
"(…) Các kết quả hội nhập kinh tế quốc tế nêu trên có một phần quan trọng là từ những định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững khi là thành viên của WTO ; Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan khác.
Đặc biệt, vào tháng 11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng thời điểm với Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, và Nghị quyết 24/2017/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, công tác định hướng, chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế gắn chặt và nhất quán hơn với những chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế".
Cho đến nay, theo dõi hệ thống văn bản từ các tổ chức như Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị…, cho thấy chưa có bất kỳ nghị quyết nào về vấn đề quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội, quyền tự do chính trị.
Như vậy, xem ra mọi kỳ vọng về EVFTA như nhiều bài viết trong thời gian gần đây về các quyền dân sự hiến định, hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn ra sao của đảng cầm quyền hiện tại, cũng như nhiệm kỳ mới từ đầu năm 2021 ở Việt Nam.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 16/02/2020