Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 21 avril 2022 21:50

Lý nào cũng qua trừ lý lịch

Muốn được phụng sự quốc dân trong bộ máy hành chánh quản trị quốc gia, thường phải đáp ứng tiêu chuyển trong lý lịch là "đảng viên".

lylich1

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nói "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc"

Sau tháng 4/1975, người dân miền Nam dần làm quen với chuyện liên tục khai lý lịch trong hầu hết mọi thủ tục giấy tờ hành chánh.

Theo đó, mỗi công dân đều phải có một bản lý lịch, kê khai từ 3 đời : Từ ông nội bà nội ; ông ngoại bà ngoại ; cha mẹ ; cô ; chú ; bác cho đến anh em ruột của người khai. Tất cả đều phải trả lời những câu hỏi : Trước năm 1945 những người trên làm gì ? ở đâu ? Trong kháng chiến chống Pháp làm gì ? ở đâu ? Bất cứ ai trong số những người đó, hễ có một chút gì dính dáng đến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, là người khai bị ảnh hưởng.

Nhiều và rất nhiều những tài năng đã bị bỏ phí, thậm chí bị hủy hoại bởi thành phần xuất thân thời cải cách ruộng đất, hay là con em những người tham gia chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Đã có nhiều và rất nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch bởi ai làm người đó chịu.

Cho đến nay, nếu không có nhiều bạc tiền cho lót đường, thì quả tình lời nhận xét sau đây vẫn tiếp tục đúng : "mọi thứ lý đều có thể vượt qua, trừ một thứ lý là không tài nào vượt qua được". Thứ lý không thể vượt qua được chính là lý lịch. "Chủ nghĩa lý lịch" đã trở thành một vật cản đối với không biết bao nhiêu nhân tài trên khắp cả nước, dù ngày nay đã không còn quá khắt khe.

Và mặc dù hiến pháp và rất nhiều bộ luật khác đã quy định "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật". Bình đẳng, nghĩa là ai vi phạm pháp luật thì người đó chịu. Những người khác, dù là ruột thịt, cũng không liên quan. Nhưng dường như người ta đã quên béng mất những quy định đó.

Chủ nghĩa lý lịch còn thể hiện theo chiều ngược lại : khi người ta nhân danh quyền lực nhà nước để ưu tiên cho một ai đó vì lý lịch của họ. Chuyện cộng điểm thi vì "con em trong ngành" và "con của người có công" là một dẫn chứng.

Lịch sử nước nhà có những câu chuyện nhân văn như vua Trần Nhân Tông từng cho đốt hết thư tịch, bằng chứng tố cáo những người theo giặc, tránh tình trạng truy bức, trả thù để yên lòng dân.

Có một ý kiến khác biện minh cho phát biểu "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc" lúc bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rằng, "có thể sẽ xuất hiện một "chủ nghĩa lý lịch mới" nếu như chúng ta vẫn giữ nguyên suy nghĩ về lớp người "con ông cháu cha" mà cụ thể là con cái các vị lãnh đạo như dư luận hiện nay.

Đã có tư tưởng cho rằng "con ông cháu cha" phần lớn là "ngu dốt" và "kém cỏi". Trong khi đó, công bằng là thứ nhất, về khoa học, có thể họ được di truyền bởi tài năng từ cha mẹ như câu dân gian "Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh".

Thứ hai, nhiều người trong số họ rất có nghị lực, không nương bóng bố mẹ mà tự lập. Chỉ riêng việc tuổi trẻ, bố (mẹ) làm to, gia đình "có điều kiện" nhưng họ không ỷ thế làm càn, hư hỏng trước biết bao cám dỗ cũng là điều đáng ghi nhận".

Xin được luận bàn hai ý ở đây trong cách hiểu về nhân quyền theo cách hiểu của Việt Nam ghi tại điều 28 của Hiến pháp (*).

Thứ nhất, "Hồng phúc của dân tộc" là một khái niệm, hồi xưa, không đặt vào những cá nhân, mà đặt vào những gì mang ý nghĩa biểu tượng, mang giá trị đã được kiểm chứng, chứ không mang những giá trị giả định.

Không ai biết được con cái lãnh đạo là thế nào, sẽ như thế nào khi họ làm lãnh đạo, thì cũng đừng vội vàng cho đó là những "hồng phúc của dân tộc".

Thứ hai, "Con vua thì lại làm vua" thời nay là nếu thật sự có các "hồng phúc của dân tộc" thì những cá nhân này luôn được tạo mọi thuận lợi về lý lịch và tiêu chuẩn đảng viên.

Sự công bằng về nhân quyền ở đây rõ ràng có sự khiên cưỡng còn là vì cái gọi là "Quy trình công tác quy hoạch cán bộ", mà văn bản mới nhất trong chuyện này là "Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ" do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 27/12/2021 (**).

Sau đó đến ngày 15/02/2022, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính ký phát hành văn bản số 16-HD/BTCT, về "hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ" (***).

Trong văn bản nêu trên, phần dẫn chứng đều dùng từ "đồng chí" để chỉ những cán bộ được quy hoạch. Mà để là "đồng chí" thì người đó phải là "đảng viên".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 21/04/2022

Chú thích :

(*) Hiến pháp 2013, "Điều 28.

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội ; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân".

(**) Tham khảo :https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-50-qdtw-ngay-27122021-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-quy-hoach-can-bo-8172

(*** Chi tiết văn bản tạihttps://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2022/3/7/11/HD-16-BTCTW.pdf)

Published in Diễn đàn

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp Hội đồng Giáo sư nhà nước yêu cầu công khai lý lịch khoa học của các ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, nhưng không công khai lý lịch khoa học của lãnh đạo hội đồng này. Dự thảo được công bố lần đầu vào ngày 14/1/2019 và hiện đang gửi Vụ Pháp chế của bộ xem xét, trước khi trình Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo ký ban hành.

giau1

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước. Reuters

Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói rằng, họ giấu thông tin vì họ muốn đưa những người trong phe nhóm vào làm bất chấp việc không công khai lý lịch là một chủ trương không đàng hoàng. Lý lịch khoa học không phải bí mật của ngành nghề hay bí mật quốc gia. Ông nhấn mạnh :

"Chuyện công khai lý lịch khoa học có việc gì mà phải che giấu ? Che giấu vì sợ lòi cái dốt ra người ta chê cười. Lãnh đạo thì phải chọn người có lý lịch khoa học tốt nhất, tử tế nhất để người ta đánh giá. Theo tôi nghĩ đây là vấn đề lẩn quẩn mà thật ra nó chỉ xuất hiện trong một chế độ độc tài mà thôi, che giấu và dối trá".

Còn với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì đây là một minh chứng cho thấy rõ giới lãnh đạo không có trình độ học tập nghiêm túc nên họ phải giấu diếm, họ sợ lộ ra sẽ mất uy tín với người dân về vị trí lãnh đạo của họ. Và đây không chỉ là chuyện của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Ông nêu nhận xét :

"Tôi thấy lãnh đạo Việt Nam, không chỉ Hội đồng Giáo sư mà tất cả mọi ngành, mọi cấp đều không công khai lý lịch khoa học của mình. Đối với một người làm khoa học mà không công khai lý lịch khoa học của mình thì đây là điều không có gì vinh hạnh cho nền học thuật Việt Nam.

Khoa học mà không trung thực, không sáng tỏ, không minh bạch thì không còn là khoa học đúng nghĩa được".

Giáo sư không có công trình nghiên cứu

Hội đồng Giáo sư nhà nước hay Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam là một hội đồng quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam, có nhiệm vụ, vai trò như trọng tài đề cử, xem xét, và phong tặng chức danh giáo sư của Việt Nam.

Hội đồng hiện có 28 ủy viên và ba lãnh đạo do Thủ tướng bổ nhiệm, trong đó Giáo sư-tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng.

Phó Giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng hiện giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ông Nhạ giữ vị trí này là không hợp lý mà nên trả lại vị trí đó cho giới nghiên cứu, giới khoa học. Ông phân tích :

"Các thành viên mà không phải lãnh đạo thì có công trình nghiên cứu thật, do đó họ được đưa vào Hội đồng Giáo sư nhà nước. Còn Chủ tịch Hội đồng theo quy định ở Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Mà đã là Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì không có thời giờ đâu mà nghiên cứu".

Theo Phó Giáo sư Hoàng Dũng, việc công khai lý lịch khoa học của các vị lãnh đạo trong hội đồng, mà cụ thể là ông Phùng Xuân Nhạ, sẽ làm mất mặt ông Chủ tịch Hội đồng khi ông không có công trình nghiên cứu nào cả mà chỉ là con số trắng hoàn toàn. Ông nói tiếp :

"Ông Phùng Xuân Nhạ mà công bố lý lịch khoa học của ông thì may lắm ông chỉ có những bài nghiên cứu từ khi ông chưa phải là giáo sư, thậm chí chưa phải là hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi nghĩ chắc ông Nhạ ‘e thẹn’ nên không công khai luôn".

Tháng 2 năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, gửi một báo cáo 10 trang đến Tổng thư ký của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Nhung, nêu bằng chứng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ "tự đạo văn", "giả khoa học" cũng như "thiếu cả về đạo đức và trình độ" của vị bộ trưởng này.

Thật ra không chỉ ông Nhạ, trong số 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017, số người có công trình nghiên cứu khoa học hàng năm được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus rất thấp so với các nước trong khu vực. Ví dụ, chỉ tính trong năm 2016, Việt Nam có hơn 3.800 bài báo khoa học quốc tế thì Thái Lan đã có hơn 8.800 bài và Malaysia có hơn 14.000 bài.

"Vừa hồng vừa chuyên"

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhìn nhận đây là một cách thú nhận sự khuất tất của giới lãnh đạo nói về phương diện học thuật một cách rõ ràng nhất. Ông giải thích :

"Dễ hiểu thôi, đó là những lãnh đạo được chọn lựa không phải theo hướng có học thực sự nghiêm túc. Từ lâu Việt Nam vẫn đưa ra chủ trương ‘vừa hồng vừa chuyên’ mà theo tôi thấy thì ‘hồng nhiều hơn chuyên’ cho nên chuyên môn của họ không rộng, từ đó có những khuất tất. Có những bằng cấp, học vị có được không bằng con đường chính danh, nghiêm túc cho nên họ sợ mất uy tín thì họ phải khỏa lấp bằng cách giấu giếm".

"Vừa hồng vừa chuyên" mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vừa nói đến là dựa theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ khởi thảo vào năm 1965 và qua một số lần sửa chữa, được hoàn chỉnh vào tháng 5 năm 1969, trong đó có đoạn : "Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’.

Quyết định 37/2018/QĐ-TTg yêu cầu các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở đến cấp ngành và trên cả trang web chính thống của Hội đồng Giáo sư nhà nước để các đồng nghiệp và xã hội phản biện. Vậy việc không công khai lý lịch khoa học của các vị lãnh đạo có điều gì khuất tất hay không ?

Truyền thông trong nước dẫn lời Phó Giáo sư Trần Minh Tiến, Viện Vật lý - Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam rằng, bản dự thảo Thông tư sửa đổi này là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi. Phó Giáo sư Tiến lập luận rằng, trong khi lý lịch khoa học của các ứng viên giáo sư/phó giáo sư phải công khai trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước, mà bản tóm tắt lý lịch khoa học của những người xét duyệt lại giấu đi, không công khai thì thật là một điều khó hiểu!

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 21/02/2020

Published in Diễn đàn