Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2022

Lý nào cũng qua trừ lý lịch

Hoài Nguyễn

Muốn được phụng sự quốc dân trong bộ máy hành chánh quản trị quốc gia, thường phải đáp ứng tiêu chuyển trong lý lịch là "đảng viên".

lylich1

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nói "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc"

Sau tháng 4/1975, người dân miền Nam dần làm quen với chuyện liên tục khai lý lịch trong hầu hết mọi thủ tục giấy tờ hành chánh.

Theo đó, mỗi công dân đều phải có một bản lý lịch, kê khai từ 3 đời : Từ ông nội bà nội ; ông ngoại bà ngoại ; cha mẹ ; cô ; chú ; bác cho đến anh em ruột của người khai. Tất cả đều phải trả lời những câu hỏi : Trước năm 1945 những người trên làm gì ? ở đâu ? Trong kháng chiến chống Pháp làm gì ? ở đâu ? Bất cứ ai trong số những người đó, hễ có một chút gì dính dáng đến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, là người khai bị ảnh hưởng.

Nhiều và rất nhiều những tài năng đã bị bỏ phí, thậm chí bị hủy hoại bởi thành phần xuất thân thời cải cách ruộng đất, hay là con em những người tham gia chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Đã có nhiều và rất nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch bởi ai làm người đó chịu.

Cho đến nay, nếu không có nhiều bạc tiền cho lót đường, thì quả tình lời nhận xét sau đây vẫn tiếp tục đúng : "mọi thứ lý đều có thể vượt qua, trừ một thứ lý là không tài nào vượt qua được". Thứ lý không thể vượt qua được chính là lý lịch. "Chủ nghĩa lý lịch" đã trở thành một vật cản đối với không biết bao nhiêu nhân tài trên khắp cả nước, dù ngày nay đã không còn quá khắt khe.

Và mặc dù hiến pháp và rất nhiều bộ luật khác đã quy định "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật". Bình đẳng, nghĩa là ai vi phạm pháp luật thì người đó chịu. Những người khác, dù là ruột thịt, cũng không liên quan. Nhưng dường như người ta đã quên béng mất những quy định đó.

Chủ nghĩa lý lịch còn thể hiện theo chiều ngược lại : khi người ta nhân danh quyền lực nhà nước để ưu tiên cho một ai đó vì lý lịch của họ. Chuyện cộng điểm thi vì "con em trong ngành" và "con của người có công" là một dẫn chứng.

Lịch sử nước nhà có những câu chuyện nhân văn như vua Trần Nhân Tông từng cho đốt hết thư tịch, bằng chứng tố cáo những người theo giặc, tránh tình trạng truy bức, trả thù để yên lòng dân.

Có một ý kiến khác biện minh cho phát biểu "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc" lúc bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rằng, "có thể sẽ xuất hiện một "chủ nghĩa lý lịch mới" nếu như chúng ta vẫn giữ nguyên suy nghĩ về lớp người "con ông cháu cha" mà cụ thể là con cái các vị lãnh đạo như dư luận hiện nay.

Đã có tư tưởng cho rằng "con ông cháu cha" phần lớn là "ngu dốt" và "kém cỏi". Trong khi đó, công bằng là thứ nhất, về khoa học, có thể họ được di truyền bởi tài năng từ cha mẹ như câu dân gian "Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh".

Thứ hai, nhiều người trong số họ rất có nghị lực, không nương bóng bố mẹ mà tự lập. Chỉ riêng việc tuổi trẻ, bố (mẹ) làm to, gia đình "có điều kiện" nhưng họ không ỷ thế làm càn, hư hỏng trước biết bao cám dỗ cũng là điều đáng ghi nhận".

Xin được luận bàn hai ý ở đây trong cách hiểu về nhân quyền theo cách hiểu của Việt Nam ghi tại điều 28 của Hiến pháp (*).

Thứ nhất, "Hồng phúc của dân tộc" là một khái niệm, hồi xưa, không đặt vào những cá nhân, mà đặt vào những gì mang ý nghĩa biểu tượng, mang giá trị đã được kiểm chứng, chứ không mang những giá trị giả định.

Không ai biết được con cái lãnh đạo là thế nào, sẽ như thế nào khi họ làm lãnh đạo, thì cũng đừng vội vàng cho đó là những "hồng phúc của dân tộc".

Thứ hai, "Con vua thì lại làm vua" thời nay là nếu thật sự có các "hồng phúc của dân tộc" thì những cá nhân này luôn được tạo mọi thuận lợi về lý lịch và tiêu chuẩn đảng viên.

Sự công bằng về nhân quyền ở đây rõ ràng có sự khiên cưỡng còn là vì cái gọi là "Quy trình công tác quy hoạch cán bộ", mà văn bản mới nhất trong chuyện này là "Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ" do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 27/12/2021 (**).

Sau đó đến ngày 15/02/2022, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính ký phát hành văn bản số 16-HD/BTCT, về "hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ" (***).

Trong văn bản nêu trên, phần dẫn chứng đều dùng từ "đồng chí" để chỉ những cán bộ được quy hoạch. Mà để là "đồng chí" thì người đó phải là "đảng viên".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 21/04/2022

Chú thích :

(*) Hiến pháp 2013, "Điều 28.

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội ; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân".

(**) Tham khảo :https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-50-qdtw-ngay-27122021-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-quy-hoach-can-bo-8172

(*** Chi tiết văn bản tạihttps://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2022/3/7/11/HD-16-BTCTW.pdf)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn
Read 242 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)