Nguyễn Duy Hưng, RFA, 18/03/2022
Sáng 17/3, báo chí và mạng xã hội tiếng Việt bùng lên đủ sắc thái cảm xúc với vụ việc lư hương thờ Đức thánh Trần đã trở lại vị trí cũ tại công viên Mê Linh sau gần ba năm di dời.
- Facebook/RFA edit
Bối cảnh của việc này là lễ khánh thành dự án chỉnh trang công viên Mê Linh được tổ chức cùng ngày. Lư hương được an vị về vị trí cũ vào nửa đêm trước đó.
Cho những ai chưa biết, công viên Mê Linh là vòng xoay giao thông nằm ở quận 1, kề công viên Bến Bạch Đằng và sông Sài Gòn. Đây là giao điểm của sáu tuyến phố trung tâm quận 1, ở giữa có một hồ nước nhân tạo, nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo (theo báo chí Việt Nam).
Tượng đài được xây và khánh thành vào năm 1967. Theo lời ông Phạm Thông, tác giả thiết kế pho tượng, năm 1967, quân chủng hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hội Đức Thánh Trần ở Sài Gòn tổ chức cuộc thi tạc tượng Đức Trần Hưng Đạo, Thánh tổ Hải quân để đặt tại công trường Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, sát bờ sông Sài Gòn. Có 13 đồ án của các điêu khắc gia dự thi. Tác phẩm của ông Nguyễn Thông may mắn trúng giải. Ông cho biết đó cũng là tác phẩm đầu tay của ông về điêu khắc.
Vẫn theo báo chí Việt Nam : "Trước đó, vào tháng 2/2019, quận 1 chỉnh trang lại khu vực tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, đồng thời dời lư hương dưới tượng đài về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu. Việc dời lư hương gặp một số ý kiến phản ứng bởi họ cho rằng đã lấy đi chỗ thờ phụng Đức thánh Trần của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Hầu hết người dân đi ngang đều vui mừng, một số tỏ ra xúc động, bởi công trình là một phần ký ức của người dân và mang nhiều giá trị. Ông Sang ở quận Phú Nhuận đạp xe thể dục buổi sáng đi ngang qua cũng dừng lại chụp ảnh kỷ niệm".
Vô số status vui mừng, thành kính, hoặc… hả hê khi lư hương đã được trả về dưới tượng Đức thánh Trần. Có những người hoạt động (hoặc tự cho là mình là nhà) dân chủ của Việt Nam. Có những trí thức. Có những người dân nói cho hay đã quen với hình ảnh chiếc lư hương có tuổi đời… năm cùng thói quen ghé lại thắp nhang trước tượng Trần Hưng Đạo mỗi sáng hoặc khi đi ngang qua, đặc biệt khi ông được mệnh danh là Thánh tổ hải quân Việt Nam và trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt dàn khoan ở lãnh hải Việt Nam.
Với một số người khác, đó đơn giản là một hình ảnh đẹp hào hùng và có tính lịch sử của Sài Gòn.
Tại sao một số người lại vô cùng mừng rỡ khi chiếc lư hương được hoàn vị trước tượng Đức thánh Trần ?
Người dân đến thắp hương tỏ lòng thành kính trước tượng Đức Thánh Trần sáng 17 tháng 3 năm 2022. Facebook Luật sư Trinh Vinh Phuc
Tôi chọn trong số rất nhiều câu chữ na ná nhau một lời giải thích khá tròn của nhà báo Cù Mai Công (báo Tuổi Trẻ).
"Đôi khi có những chuyện xảy ra mà nhận định tùy thuộc vào mỗi người, có khi là ngẫu nhiên trùng hợp. Nhưng ngay chuyện tâm linh, không phải không ẩn chứa cốt nền lòng dân, năng lượng trong dân (…) Theo nhà nghiên cứu Phúc Tiến (ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), đoạn bờ sông ngày nay từ công trường Mê Linh đến bến Water Bus Sài Gòn và bến tàu cao tốc Greenlines là đất Bến Ngự. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ánh - Gia Long chọn khu đất làm "hành dinh" thủy bộ của mình. Hẳn người xưa cho rằng nơi đây là điểm "đắc địa" vì cảnh sắc khoáng đạt và thuận thiên theo thuật phong thủy phương Đông".
Cũng theo người viết, ở khu vực "khí thiêng thịnh vượng" này, "tượng đài cùng với chiếc lư hương uy nghi phía trước, được tạo dáng như một chiến hạm dũng mãnh, đã tạo ra ấn tượng lớn về lịch sử Việt Nam trong lòng nhiều thế hệ người dân và du khách. Từ ấy đến nay, công trường Mê Linh và tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là nơi chốn du ngoạn hay đẹp mà còn là một địa điểm bồi đắp tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn thờ tiền nhân bất khuất. Chắc chắn cái hồn thiêng sông nước được hun đúc qua bao năm tháng đã và đang là một nguồn sức mạnh độc đáo của Sài Gòn !".
"Cái hồn thiêng sông nước được hun đúc" ấy ít nhất với người Sài Gòn cụ thể là những bái lạy, thắp hương thành kính ở chiếc lư hương trước tượng đài. Nói như anh Nguyễn Văn Phước (founder & CEO của First News Trí Việt), "lư hương là nơi tích lũy nhiều năng lượng của bao nhiêu thế hệ người dân thắp hương, nguyện cầu. Nó có năng lượng chứ không như những thứ khác".
Năng lượng ấy có thật, ẩn chứa trong ước mơ, ý chí, quyết tâm... của dân mình xưa nay khi thành tâm thắp hương, cúng viếng. Đó là thực tế chứ không phải chỉ là tâm linh.
"Năng lượng" ấy rõ ràng cần cho đất nước ta trong công cuộc bảo vệ đất nước, trường tồn dân tộc. Lư hương xét cho cùng là năng lượng của lòng dân. Chọn phương án gì cũng được, trước hết xin trả lại năng lượng của lòng dân - lư hương của tượng đài Đức Thánh Trần về nơi năng lượng ấy tích lũy bao năm nay".
Ở một đoạn khác, tác giả nhắc về việc chiếc lư hương bị cẩu đi : "Chỉ biết là sau đó, Sài Gòn – Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra nhiều chuyện quá. Cũng Covid, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh bị thiệt hại đau xót, bi thương hơn ; tổn hại kinh tế tơi bời hơn ; hàng triệu bà con nhập cư bỏ về quê, dân Sài Gòn ở lại lao đao, lảo đảo… Cũng bắt cán bộ cấp lãnh đạo, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Một cơn mưa đêm dữ dội ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, giữa cơn ba đào Covid, sấm chớp vang rền, hàng loạt, tua tủa như phóng xuống Sài Gòn. Rồi một cơn mưa đá đổ xuống Thủ Đức…
Lòng dân Sài Gòn – Gia Định những ngày đó không thể nào nói là an được.
Giờ lư hương đã về chốn xưa, phục vị dưới chân Đức thánh Trần Hưng Đạo ba lần đại phá giặc phương Bắc. Bùng binh Cây Liễu cũng được "phục dựng" cả năm trước. Dân Sài Gòn đang vui hơn tết ; trông chờ "Quốc thái, Sài Gòn thái, dân an". Đó là cốt nền của tâm linh" (hết trích).
Đọc đến đây tôi bỗng thấy thương cho chiếc lư hương quá đỗi. Cứ theo tinh thần trên mà suy thì nó đã phải gánh toàn bộ trách nhiệm cho việc thịnh suy của Sài Gòn.
Thành phố Hồ Chí Minh có các bộ máy quản lý như sau :
- Hệ thống Đảng bao quát từ cấp thành phố đến cấp phường, xã. Hệ thống này cũng có đầy đủ các bộ phận quản lý các lĩnh vực như bên chính quyền, được gọi là các ban Đảng. Theo Hiến pháp Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
- Hệ thống chính quyền, gọi là Ủy ban nhân dân các cấp, cũng xuyên suốt từ cấp thành phố đến tận phường xã.
- Hệ thống dân cử gọi là Hội đồng nhân dân các cấp, theo cùng một mô hình với hai hệ thống nói trên.
Ngoài ra còn có các tổ chức đoàn thể theo sát từng lứa tuổi, ví dụ Ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Hội phụ nữ, Đội thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi…
Nói nôm na, mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh có ít nhất bốn người quản lý và đại diện : đảng, chính quyền và hội đồng nhân dân.
Tổng số các cán bộ này là hàng trăm ngàn.
Có những cán bộ lãnh đạo nào đã bị vô lò ?
Chỉ tính sơ vài năm qua, đầy đủ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các phó và cấp sở nối nhau vào tù đông vui. Bí thư Thành ủy có các ông Đinh La Thăng, ông Lê Thanh Hải (mới bị kỷ luật). Chủ tịch UBND đồng thời là Phó bí thư Thành ủy có ông Lê Hoàng Quân, ông Tất Thành Cang. Phó chủ tịch UBND Thành phố có các ông Trần Vĩnh Tuyến, ông Nguyễn Hữu Tín, ông Nguyễn Thành Tài. Giám đốc các sở trở xuống thì có cả trăm vị. Từ nguyên giám đốc Sở Xây dựng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, phó giám đốc Sở quy hoạch Kiến trúc, Phó phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng, Phó phòng quản lý đất Sở Tài nguyên và môi trường.
Mà đó mới chí là một góc nhỏ của nạn tham nhũng liên quan đến bất động sản. Một góc rất rất nhỏ, vì bức tranh Thủ Thiêm vẫn còn nguyên đó.
Năm ngoái thì Thành phố Hồ Chí Minh trở thành mũi nhọn tiên phong cả nước về số lượng người tử vong do Covid. Song song đó là thành tích phong tỏa khiến kinh tế ngưng trệ và hàng hóa nghẽn tắc.
Một cách đầy tế nhị mà cả nước đều biết rõ nguyên do, chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong được đẩy lên trung ương làm phó Ban kinh tế Trung ương. Mở ngoặc chút cho quý vị độc giả nào chưa biết, Ban này được mệnh danh là Ban thu thu dung cán bộ trung ương, do (không hiểu vì sao) nó tập trung các cán bộ lãnh đạo có thành tích đặc biệt yếu kém ở các địa phương.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các đồng chí lãnh đạo như trên suốt các thời kỳ, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặc biệt thụt lùi trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Danh xưng đầu tàu kinh tế đầy kiêu hãnh từ lâu nhưng phân tích ra thì các con số đóng góp ngân sách hầu hết do các công ty tư nhân, nước ngoài, cũng như các doanh nghiệp đặt nhờ trụ sở trên địa bàn.
Tất cả những bộ máy cồng kềnh chồng chéo, những sự tham nhũng, quan liêu, bắt chẹt doanh nghiệp và người dân, cũng như thảm cảnh trùm lên Sài Gòn năm ngoái như thế, mà nguyên nhân (một phần) chỉ là do sự di dời một chiếc lư hương ! Thì cho dù là lư hương rất thánh đi nữa-nói như ngôn ngữ teen đang thịnh hành-vụ này Đức Thánh Trần đã phải gánh team còng lưng.
Có lẽ với một số người, chiếc lư hương đã trở thành một biểu tượng tương tự 12 địa ngục trong tín ngưỡng dân gian ? Một công cụ nhằm răn đe-hơn thế nữa-nhằm cảnh cáo những quan chức đang và sẽ lãnh đạo mảnh đất Thành phố Hồ Chí Minh về một sự giám sát và trừng phạt luôn lơ lửng trên đầu họ. Sự giám sát và trừng phạt này đến tận từ một bậc thánh của lòng dân, một đấng linh thiêng chứ không do bàn tay con người (nhất là con người xã hội chủ nghĩa). Do đó, nó đáng sợ và bất khả tư nghì. Sấm sét, không thể lường trước, không thể chạy chọt và không có vùng cấm.
Sợ không các đồng chí chưa bị lộ ? Ai chẳng biết các đồng chí không sợ pháp luật, không sợ quả báo, chỉ sợ "cô" không thương. Lễ tết, cúng giỗ, nhà thờ họ, chữ ký, kiểu tóc, màu sắc trang phục, hướng xuất hành, giờ xuất hành, hướng bàn thờ, hướng bàn làm việc, hướng bếp, hướng phòng ngủ, tuổi vợ, tuổi con, tuổi đồng sự, tuổi lái xe riêng, tuổi bồ, biển số xe, màu sắc xe... các đồng chí chọn lựa, kiêng kỵ kính cẩn hơn cả giỗ cha. Thế cho nên gậy ông đập lưng ông, đem thần linh ra dọa các đồng chí là một nước đi chính xác.
Nhưng cũng vì lý do ấy mà cuộc đấu tranh này ngậm ngùi quá. Cán cân thiên lệch và tội nghiệp quá. Cũng đau cho cụ Tổng Trọng quá. Đến cả những nhà bất đồng, những người hoạt động, những người tiên phong trong xã hội, những người luôn phải có kiến giải sâu sắc và khoa học để lý giải những gì đang và sẽ xảy ra trong xã hội mà cũng phải trang bị sự bí hiểm làm vũ khí chiến đấu, thì hóa ra chiếc lò của cụ không có giá trị gì ư ? Hệ thống răn đe và trừng phạt của pháp luật vô hiệu chăng ? Bao lời hiệu triệu của cụ về một tổ chức Đảng trong sạch, gương mẫu và tự nguyện chẳng lẽ là lời cuốn theo chiều gió ?
Trong sự hoan hỉ trước chiến thắng mang tên lư hương, tôi trông thấy nỗi buồn và xót xa vì niềm tin vào sự công chính trong xã hội này đã yếu ớt và cô độc biết bao.
Nguyễn Duy Hưng
Nguồn : RFA, 18/03/2022
Tham khảo :
https://tienphong.vn/ky-luat-nhieu-lanh-dao-cuu-lanh-dao-ha-noi-va-tphcm-post1362666.tpo
https://zingnews.vn/lu-huong-duc-thanh-tran-ve-lai-vi-tri-cu-post1303091.html
https://tienphong.vn/ky-luat-nhieu-lanh-dao-cuu-lanh-dao-ha-noi-va-tphcm-post1362666.tpo
*************************
Lư hương tượng Trần Hưng Đạo : Niềm tin tiền nhân giữ an Sài Gòn
Song May, BBC, 17/03/2022
Vậy là lư hương của tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được tái an vị tại chỗ cũ, ở quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng, thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/3.
Ngay trong ngày khánh thành việc chỉnh trang công viên Mê Linh, công viên Bến Bạch Đằng và hoàn trả chiếc lư hương dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần, đã có rất nhiều người dân thuộc đủ mọi lứa tuổi đến thắp nhang và khấn vái.
*Sau hơn 1.000 ngày được di chuyển tới đền thờ Trần Hưng Đạo trong thành phố, lư hương đã được đưa về lại trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công viên Mê Linh.
Chính quyền thành phố nói do tượng bị xuống cấp nên giới chức cho tôn tạo lại cùng việc nâng cấp Công viên Mê Linh gần đó, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng.
Chiều nay 17/3, hơn một tiếng đồng hồ quan sát ở tượng đài, tôi nhận ra dân chúng Sài Gòn đặt niềm tin rất lớn vào ông, vị tiền nhân hiển hách trong lịch sử.
Ngay trong ngày khánh thành việc chỉnh trang công viên Mê Linh, công viên Bến Bạch Đằng và hoàn trả chiếc lư hương dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần, đã có rất nhiều người dân thuộc đủ mọi lứa tuổi đến thắp nhang và khấn vái.
Gần 5 giờ chiều, tôi thấy dưới chân tượng đài đã có thêm nhiều hoa, trái cây, bánh và nhang, còn chiếc lư hương thì tràn ngập nhang nghi ngút khói. Người ra, người vào lần lượt, không có cảnh chen lấn nhưng ai cũng có vẻ mặt thành khẩn, từ người trẻ đến người trung và lớn tuổi, từ nữ giới đến nam giới. Có người đi một mình.
Bà Dễ, 77 tuổi, nhà ở quận 10 dù phải ngồi trên xe lăn đã cùng các con đến tượng đài khấn vái. Bà bộc bạch : "Từ thời còn trẻ cho đến năm 60 tuổi, tôi ra đây thường xuyên để tụ tập cùng bạn tập thể dục và khấn vái ông. Khi chiếc lư hương bị dời đi tôi không đến nữa, nay nghe con bảo đã trả cái lư hương tôi bảo con đưa đến đây".
Hỏi bà cầu gì ? Bà cười : Tui cầu cho Việt Nam hết dịch bệnh, Sài Gòn bình an và làm ăn thịnh vượng.
Anh chỉ vào chiếc túi mình mang và bộ y phục của vợ là sắc cờ Ukraine và nói gia đình anh ủng hộ Ukraine, ghét chiến tranh và yêu hòa bình, tôn thờ chủ nghĩa dân tộc. Anh tin rằng một vị tướng hiển hách như Đức Thánh Trần sẽ phù hộ cho Việt Nam không bị xâm lược và anh muốn dạy các con về lịch sử và có lòng tự hào về tiền nhân.
Có vẻ như việc chỉnh trang công viên Mê Linh, công viên Bến Bạch Đằng và trả lại chiếc lư hương dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần là việc làm có tâm nhất của chính quyền thành phố từ lúc Sài Gòn bùng phát đại dịch hồi năm ngoái.
Bất chấp trên mạng còn tranh cãi có thể cái lư hương được trả lại không phải là "nguyên bản", bất chấp hành động trả lại lư hương vào ban đêm của chính quyền có bị thúc đẩy bởi một nỗi sợ nào đó thì ít ra việc sắp đặt một chiếc lư hương dưới tượng đài Hưng Đạo Vương thuận tiện cho việc khấn vái của dân chúng đã hợp lòng dân.
Tất nhiên, dân chúng Sài Gòn không phải cảm ơn chính quyền về việc này vì họ phải làm cái việc lẽ ra họ nên làm từ lâu.
Song May (Sài Gòn)
Nguồn : BBC, 17/03/2022
********************
Diễm Thi, RFA, 17/03/2022
Sau hơn ba năm bị cẩu đi mất, chiếc lư hương trước tượng Đức Thành Trần đã được trả lại vị trí cũ. Đây được cho là một hành động cầu thị từ chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
Photo : Facebook Trinh Vinh Phuc
Sáng sớm ngày 17 tháng 3 năm 2022, ngày diễn ra lễ khánh thành 'Dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng', người ta thấy chiếc lư hương trước tượng đài Đức Trần Hưng Đạo bị cẩu đi vào rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 2019 đã được trả về vị trí cũ.
Truyền thông Nhà nước cho hay, việc 'cung thỉnh' lư hương về chỗ cũ được thực hiện vào khuya 16 rạng sáng 17 tháng 3.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một trong những trí thức đầu tiên lên tiếng khi chiếc lư hương bị cẩu đi cách đây hơn ba năm nêu quan điểm của ông với RFA :
"Theo tôi được biết, sau khi chỉnh trang, tôn tạo xong công viên Mê Linh và tượng ĐứcThánh Trần thì chính quyền thành phố đã tổ chức cung thỉnh lư hương một cách rất trân trọng và đưa về đặt vào vị trí như đã được đặt trước đây để buổi sáng làm lễ khánh thành. Vấn đề trả lại vào ban đêm hay ban ngày thì theo tôi là không quan trọng, mà cách thức cung thỉnh lư hương và trả lư hương về chỗ cũ mới là chuyện phải nói.
Nhân đây tôi cũng nói rằng, vấn đề quan trọng nhất là thành phố đã lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phản biện của các nhân sĩ, trí thức. Đây là điều rất được người dân thành phố tôn trọng và hoan nghênh".
Hôm 17 tháng 2 năm 2019, khi một số nhà hoạt động tới tượng đài Đức Thánh Trần ở công viên Mê Linh dâng hương tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì thấy chiếc lư hương đã bị cẩu đi mất. Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân.
Trả lời với truyền thông Nhà nước, Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Kim Yến lúc đó lý giải, việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân nên việc dời lư đi là bình thường. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng đồng tình với việc dời lư hương đi vì theo ông, "không thể để một xã hội thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề, chỗ nào cũng hương khói. Một xã hội nghi ngút hương khói là một xã hội nhộn nhạo".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với RFA tối 17 tháng 3 năm 2022 :
"Ông Bí thư mới Nguyễn Văn Nên đã làm được việc hợp lòng dân là đặt lại lư hương trước tượng Đức Thánh Trần. Thực sự là người lãnh đạo họ cũng phải vượt qua nhiều khó khăn lắm họ mới làm được chuyện này, cho nên đầu tiên là tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, khi họ cẩu lư hương vào đêm trước ngày 17 tháng 2 năm 2019 thì bây giờ khi trả lại họ cũng trả vào ban đêm. Cẩu đi vì lo sợ lòng yêu nước của người dân. Khi trả về, một việc làm chính đáng, cũng vào ban đêm thực ra cũng vì sợ người dân.
Tôi biết chắc chắn quyết định này đã có trước từ lâu nhưng họ không trả trước ngày 14 tháng 3, ngày tưởng niệm Gạc Ma, cho nên trong cái cử chỉ rất đáng hoan nghênh đó nó vẫn có một chút gì thật ra cũng không đường hoàng lắm.
Và một điểm nữa là sáng nay, khi diễn ra lễ khánh thành, tập trung khá nhiều lãnh đạo nhưng vắng ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành ủy và bà Trần Kim Yến, đương kim bí thư quận 1. Hai người này chịu trách nhiệm trong việc cẩu cái lưu hương đi. Hai người nên đến để vừa cầu cho quốc thái dân an, vừa tạ lỗi với Đức Thánh Trần và tạ lỗi với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Người dân họ bao dung và Đức Thánh Trần cũng sẽ tha thứ nếu họ tạ lỗi thật lòng".
Chính quyền luôn có cái lý của họ và người dân cũng có cái lý của mình. Nhiều người dân dẫn chứng, hàng loạt nơi có tượng cụ Hồ có lư hương trước mặt và nhiều quan chức chính phủ đến sì sụp khấn vái. Chẳng lẽ cụ Hồ thì được phép có lư hương mà Đức Thánh Trần thì không ? Cho nên những lập luận của chính quyền để lý giải việc cẩu lư hương lại được coi là trò hề để dân cười.
Khi chiếc lư hương được trả lại vị trí cũ vào ban đêm, một số người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng đây là việc làm lén lút, không minh bạch của chính quyền thành phố.
Cô Tuyết, người làm việc tại trung tâm quận 1 nhiều năm qua nêu ý kiến của mình với RFA :
"Họ lấy đi thì dân chúng đã chửi họ rồi nên bây giờ họ phải âm thầm trả vào ban đêm khi dân còn ngủ. Trả vào ban ngày dân chúng họ chửi chết vì cái lư hương người ta thờ phượng từ hồi nào đến giờ, mắc mớ gì nó đem đi rồi giờ nó đem về. Nó coi như trò đùa vậy đó không ngờ cộng đồng mạng họ chửi quá. Đúng ra là ông Nguyễn Thiện Nhân phải đến thắp nhang để tạ tội với Đức Thánh Trần vì ổng là người ra lệnh cẩu cái lưu hương đó đi mà".
Truyền thống người Việt Nam vốn trọng nhân nghĩa và lễ nghĩa. Trong một bài viết khi chiếc lư hương bị cẩu đi, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết rằng : "Từ năm 2019, rộ lên tin đồn về chuyện chính quyền hiện nay muốn thủ tiêu các tượng đài, miếu đền… do chế độ cũ dựng nên, bởi muốn dứt điểm quá khứ. Chuyện dời lư hương và bỏ mặc như vậy, chỉ là nằm trong chuỗi hành động… Trả lại lư hương là cách chứng minh những lời đồn tồi tệ đó không có thật, và cũng để chứng minh rằng trong chế độ hôm nay, không có chuyện quyền lực cá nhân hay sĩ diện của một quan chức có thể ngồi xổm trên linh hồn tổ tiên, và của một cộng đồng dân cư đã sống với giá trị tâm linh đó suốt bao nhiêu năm nay".
Sau khi chiếc lư hương được trả về vị trí cũ, dưới tượng Đức Thánh Trần, rất nhiều người dân đã có mặt sau buổi lễ khánh thành để thắp nhang thể hiện lòng thành kính. Báo Thanh niên dẫn lời một người dân : "Hồi xưa tôi làm việc ở gần đây, chiều nào cũng chạy xe qua đây và thường xuyên thắp hương cho Ngài. Tuy nhiên từ ngày lư hương được chuyển đi, tôi hụt hẫng và thấy thiếu thiếu điều gì đó. Hôm nay có lại lư hương rồi, tôi ra đây thắp trong ngày đặc biệt này, cầu mong cho Sài Gòn mình luôn bình an, người Sài Gòn vượt qua mọi khó khăn, chướng ngại".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 17/03/2022
***********************
Báo chí nhà nước đăng nhiều bài tưởng nhớ trận Gạc Ma, gây ngạc nhiên
VOA, 15/03/2021
Truyền thông Việt Nam trong các ngày 13 và 14/3 gây ngạc nhiên trong dư luận khi đăng và phát sóng nhiều tin, bài tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh khi bảo vệ một cụm đảo ở Trường Sa và chỉ đích danh Trung Quốc gây ra cuộc tấn công cách nay 33 năm.
Các nhà hoạt động tưởng niệm liệt sĩ Gạc Mac tại tượng đài vua Lý Thái Tổ, Hà Nội, 14/3/2021
Trong loạt phóng sự mới đăng, đài VOV tường thuật rằng vào rạng sáng 14/3/1988, các chiến sĩ hải quân Việt Nam cùng một số tàu vận tải đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và xây dựng ở cụm đảo Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa thì bị các tàu chiến hạng nặng của Trung Quốc tấn công.
Cuộc đụng độ không cân sức có kết cuộc là 64 chiến sĩ Việt Nam tử chiến, Việt Nam giữ được Cô Lin và Len Đao, Trung Quốc chiếm Gạc Ma.
VOV nhấn mạnh sự kiện kể trên "đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt".
Một loạt cơ quan báo chí khác, trong đó có Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, Người Lao Động, Tiền Phong, VnExpress, v.v… cũng nhắc lại sự kiện và nêu cụ thể rằng vào sáng 14/3/1988, quân Trung Quốc nã đạn pháo vào đảo, vào các tàu công binh, tàu hải quân Việt Nam để cưỡng chiếm đá Gạc Ma.
Bên cạnh các tin bài nhắc nhở về cuộc đụng độ, các đài báo nhà nước Việt Nam cũng đưa tin về các hoạt động tưởng niệm chính thức tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đặt tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Dư luận trong nước bày tỏ thái độ tích cực trên mạng xã hội về việc báo đài nhà nước đăng, phát tin bài rộng rãi về trận Gạc Ma và nêu đích danh Trung Quốc, một sự thay đổi đáng kể so với những năm trước.
Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra nhận xét trên Facebook rằng "năm nay có vẻ khác mọi năm" và bình luận thêm rằng "ghi nhận một bước tiến bộ".
Nhà báo-nhà thơ Lưu Trọng Văn mô tả rằng ngày 14/3 "có thể nói là ngày hội đồng Tâm, đồng Lòng của truyền thông Nhà nước và truyền thông Dân" với việc có "các tin, bài, ảnh, clip tràn ngập về ngày cộng sản Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma".
Tượng đài tưởng nhớ sự kiện Gạc Ma, đặt tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa
Cũng bày tỏ quan điểm qua Facebook, nhà báo tự do Nguyễn Đình Ấm nói ông hoan nghênh lãnh đạo Việt Nam năm nay "cho phép truyền thông quốc doanh nói sự thật" về sự kiện Gạc Ma.
Tuy nhiên, ông Ấm nói thêm rằng khi một số người thuộc giới tranh đấu tại Hà Nội tưởng niệm sự kiện này, họ vẫn bị an ninh nhà nước và hai dư luận viên phá đám.
Hai nhà hoạt động thúc đẩy tiến bộ xã hội Trương Văn Dũng và Lã Việt Dũng xác nhận với VOA rằng họ và 9 nhà hoạt động khác đến tượng đài vua Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm, Hà Nội, vào sáng hôm 14/3 để thắp hương, cắm hoa tưởng niệm các liệt sĩ trận Gạc Ma.
Tại đó, họ bị một vài người thân chính quyền trong nhóm có tên là VietVision khiêu khích, phá rối. Những người đó không phải là các nhân viên an ninh nhà nước, ông Lã Việt Dũng cho hay.
Ông Trương Văn Dũng cho VOA biết rằng các nhà hoạt động không bị giới an ninh nhà nước canh hay bị chặn không cho ra khỏi nhà như những năm trước, và buổi tưởng niệm của hơn 10 nhà tranh đấu đã diễn ra thành công.
Nhận xét về việc truyền thông nhà nước đưa tin rộng rãi cũng như nêu đích danh Trung Quốc đã thảm sát binh sĩ Việt Nam và chiếm Gạc Ma, ông Trương Văn Dũng nói :
"Có thể thấy rõ họ cởi mở, thông thoáng hơn. Tôi không biết về nội bộ của họ nhưng có lẽ có sự chỉ đạo. So với trước, nhận thức của họ nay khá hơn".
Theo quan sát của VOA, trong các năm trước, chỉ một số ít đơn vị truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tin bài kỷ niệm trận Gạc Ma và thường không nêu tên Trung Quốc.
Ông Lã Việt Dũng bình luận về sự thay đổi trong năm nay :
"Tôi ngạc nhiên về việc họ cởi mở. Truyền thông đại chúng, kể cả truyền hình nói nhiều về Gạc Ma. Có thể hai đảng cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc có vấn đề. Khi họ hòa thuận, Việt Nam thường nói ít hoặc ỉm đi, hoặc chặn việc tưởng niệm của giới tranh đấu chúng tôi".
Trong bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Lưu Trọng Văn nhận định rằng việc báo chí Việt Nam mạnh miệng nói về sự kiện Gạc Ma "chắc chắn có sự bật đèn xanh" của Ban Tuyên giáo thuộc Đảng cộng sản.
Vẫn ông Văn suy luận rằng điều này liên quan đến vai trò của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, tân Trưởng ban Tuyên giáo, người bắt đầu nắm chức này cách đây chưa đầy 1 tháng.
Một số người khác cũng bình luận rằng có sự thay đổi trong cách đưa tin về Gạc Ma là do một tướng quân đội lên nắm Ban Tuyên giáo.
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng tỏ ra đồng tình với quan điểm này. Ông nói với VOA :
"Đúng, thấy rõ họ có sự thay đổi từ Ban Tuyên giáo. Nhận xét của mọi người cũng có lý. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng họ trong cùng một đảng cả, vì vậy, sự thay đổi này có lẽ không phải chỉ là riêng của Tuyên giáo mà do cả một hệ thống".
Trong khi đó, nhà hoạt động Lã Việt Dũng có suy nghĩ khác. Ông nói :
"Tôi không nghĩ vấn đề là như vậy. Có lẽ do có vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc chứ một ông tướng không quyết định được. Thường là họ phải họp bàn khá kỹ trong Bộ Chính trị. Trước đây, hai đảng cộng sản đã thỏa thuận không nhắc đến quá khứ. Cho nên, tôi nghĩ rằng diễn biến trên báo chí vừa qua là do có vấn đề trong quan hệ hai đảng".
Hai ông Lã Việt Dũng và Trương Văn Dũng nói thêm rằng việc phía chính quyền vẫn sử dụng dư luận viên để phá rối hoạt động tưởng niệm của giới tranh đấu vì tiến bộ xã hội cho thấy rằng nhà nước vẫn muốn độc quyền chân lý, độc quyền sự thật, không muốn người dân có các hoạt động tự phát.
**********************
Diễm Thi, RFA, 14/03/2022
Ngày 14 tháng 3 năm 2022 là đúng 34 năm Trung Quốc tiến chiếm nhóm đảo Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, thảm sát 64 lính hải quân Việt Nam. Lâu nay, những đồng đội của các người hy sinh trong trận thảm sát vẫn luôn nhớ về họ bằng hành động cụ thể trong những dịp tưởng niệm biến cố tang thương đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh : VGP
Anh Lê Hữu Thảo, cựu binh đảo Gạc Ma, trưởng ban liên lạc cựu chiến binh tàu HQ 604 nói với RFA :
"Trong nhiều năm qua, những lần bọn anh tổ chức tưởng niệm các đồng đội thì đều có sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền. Nếu không thì bọn anh không tổ chức được. Đây là lễ tưởng niệm rất là linh thiêng, rất là ý nghĩa. Riêng cái này thì chính quyền ủng hộ tuyệt đối.
Năm nay Thủ tướng đi thắp hương ở tượng đài Gạc Ma trong Khánh Hòa thì đây là hành động này rất giá trị, rất đáng quý. Các ông làm việc đó là tri ân, đền ơn đáp nghĩa với các bậc tiền nhân, với những người đã hy sinh. Các ông cũng là người bình thường, là người dân.
Nếu Thủ tướng không đi thắp hương thì bọn anh vẫn tổ chức và vẫn được chính quyền tạo điều kiện để tổ chức vì ngày này là ngày của bọn anh.
Cái này cũng có nhiều thứ để mà nói, để mà phân tích, nhưng thực sự mà nói thì đây là điều đáng quý, đáng trân trọng. Bọn anh là nội bộ những cựu binh hải quân và thân nhân liệt sĩ Gạc Ma cảm ơn thủ tướng đã đến dâng hương".
Cách đây hai tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Lê Đức Thái và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã đến Đài tưởng niệm Pò Hèn để thắp nhang cho các quân nhân qua đời trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc còn tại vị cũng từng đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong công cuộc chống bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến 1989. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1990 đến 1991 mới hoàn thành trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã chấm dứt và trong hoàn cảnh quan hệ Việt Trung đã trở lại bình thường.
Với những cuộc viếng thăm như vậy, đặc biệt là việc thắp nhang cho các liệt sĩ Gạc Ma cách đây hai hôm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, một số người quan tâm cho rằng đã có tín hiệu thay đổi trong tư duy của các quan chức cao cấp với mối quan hệ với Trung Quốc xưa nay.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét :
"Nó đánh đấu một bước nhích ra khỏi ảnh hưởng quá nặng nề trước đây của Trung Quốc. Tức là Hà Nội cũng cố gắng nhích dần ra bên cạnh việc tăng cường ngoại giao với khối các quốc gia phi cộng sản như Mỹ hoặc các nước Tây Âu khác. Họ đã nhận thức ra được là nếu cứ lệ thuộc mãi vào Trung Quốc thì cũng không ổn vì sẽ hạ đà phát triển chung của đất nước và vị thế của Việt Nam sẽ mất uy tín trên trường quốc tế, cho nên họ có những thay đổi nhất định.
Chiều 12 tháng 3 năm nay, đương kim Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đi công cán ở Khánh Hòa và ghé thắp nhang ở khu tượng đài tưởng niệm và tri ân 64 liệt sĩ đã hy sinh hôm 14 tháng 3 năm 1988. Tôi đánh giá đã có bước chuyển nhưng chưa thật chính thức, bởi ông Chính kết hợp với đi công tác, nó khác với chuyện Chủ tịch nước, Tổng bí thư hay Chủ tịch nước từ Hà Nội bay vào để tổ chức, đứng đầu một lễ tưởng niệm. Tính chất nó sẽ khác hẳn".
Sáng Chủ nhật 17/02/2019, một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Nhiều người cho rằng chuyện ‘di dời’ chiếc lư hương sang bên kia đường là nhằm mục đích phá buổi tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược 17/02/1979.
Một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn.
Chiều ngày thứ bảy 16/2, người viết có mặt ở khu tượng Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng, không hề thấy cảnh giăng dây sửa chữa gì cả tại đây. Như vậy phía công ty dịch vụ môi trường không thể viện cớ ‘chọn ngày nghỉ để đường vắng’ cho việc sửa chữa, tu bổ khoản công viên nhỏ xíu quanh tượng đài.
Trong tâm thức người miền Nam thường rất kỵ chuyện dời bàn thờ ông bà, nhất là vẫn còn trong tháng Giêng. Người miền Nam quan niệm động mồ động mả tổ tiên sẽ khiến con cháu làm ăn thất bại, không ngóc đầu lên nổi, do vậy cũng không thấy tục cải táng ở đất Nam bộ. Chiếc lư hương là vật tượng trưng cho phần linh thiêng trên bàn thờ.
Tết Mậu Tuất 2018 ở khu Lăng Ông Bà Chiểu, mấy chiếc lư bằng xi măng phía trước chánh điện đã được thay bằng ba chiếc lư bằng đồng rất lớn. Những người quản lý nơi đây cho biết đây là lư đồng cúng tế của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, kèm yêu cầu không gắn danh tính người phụng cúng. Lễ khai ấn Lăng Ông Bà Chiểu năm đó, theo lịch ban đầu sẽ có mặt của ông Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên ngày hôm ấy chỉ có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
Ông chủ tịch đã thấp nhang, khấn vái với vẻ ngoài đầy thành kính và… khiêm cung. Cánh an ninh ‘bỏ nhỏ’ với nhóm phóng viên truyền hình, với lời rất nhẹ nhàng, rằng ‘anh Tư nói xin đừng ghi hình ảnh’. Sau nghi thức cúng tế và làm lễ khai ấn, ông chủ tịch cùng đoàn tùy tùng rời Lăng trong lặng lẽ.
Trước đó vài năm, ở chùa Vĩnh Nghiêm cũng có chiếc lư đồng lớn do ông Trần Đại Quang phụng cúng. Bảng khắc tên danh tánh này sau đó được tháo gỡ.
Nhắc những chuyện cũ để thấy rằng có lẽ tâm thức của những quan chức từ cấp trung ương tới thành phố, họ đều tin vào một đấng bề trên phù trợ. Chiếc lư đồng phụng cúng là một sự thể hiện mà họ muốnn được bề trên đó ghi nhận tấm lòng thành ‘đầy vật chất’ đó. Gọi là ‘đầy vật chất’, vì giá gia công đúc đồng thô hiện là 500 ngàn đồng/ ký lô. Một chiếc lư nặng phải đến đơn vị gần cả tấn, và còn đòi hỏi tay nghề nghệ nhân chạm khắc.
Sinh tiền, chắc chắn ông Trần Đại Quang rất hiểu ý nghĩa của chiếc lư phụng cúng chùa Vĩnh Nghiêm. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không khác gì, nhưng có phần ‘giấu mình’ hơn. Ông Nguyễn Thành Phong cẩn kính trước bàn thờ vị danh tướng nổi tiếng cứng rắn với mọi tham nhũng, với ‘quân pháp bất vị thân’ của đất Gia Định, chắc hẳn ông Phong cũng ước muốn được cái dũng khí lẫm liệt ấy.
Vậy thì vì sao cả hai vị lãnh đạo cao nhất, nhì của Thành phố Hồ Chí Minh lại bỗng nhiên nhụt chí và công khai với bàn dân thiên hạ là họ đang sợ Trung Quốc ? Phải chăng thời cơ chưa thuận tiện, vì trong bộ máy công quyền ở Sài Gòn đã bị cài cắm quá nhiều tay chân của Chu Vĩnh Khang từ thời đế chế Lê Thanh Hải ?
Bài viết này muốn chia sẻ góc nhìn tâm linh từ chuyện chiếc lư nơi bàn thờ tổ tiên. Chắc chắn những ai đã đạp đổ bàn thờ ông bà, sẽ muôn đời bị nguyền rủa.