Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

 

"Có những tuyến đường, vốn dĩ lòng đường đã hẹp (hai chiếc xe hơi chạy song song là xe máy "bí đường", giờ cao điểm xe đông, nhưng vẫn có những chiếc xe hơi đậu xe bất chấp, không quan tâm đến các phương tiện khác đang lưu thông như thế nào ? Một hai đồng thu phí đối với họ, có lẽ, cũng chẳng khó khăn gì nhưng đường sá là của chung, thế thì có khác gì họ đang thuê đường ? Rồi những chiếc xe hơi vô trách nhiệm đó sẽ còn bá đạo đến mức độ nào", sinh viên Long bức xúc mỗi khi đi học lại gặp kẹt xe do… xe hơi.

chiemleduong0

Câu chuyện vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để đậu, đỗ xe hoặc buôn bán hay đứng tràn ra đường, lấp lối đi… chờ đợi mua một món gì đó là điều hoàn toàn không khó bắt gặp ở cái đô thị phát triển kinh tế bậc nhất cả nước này.

Cũng có lực lượng chức năng, công an giao thông cũng "âm thầm" ghi hình những chiếc xe đậu, đỗ trái phép, rồi cũng phạt nhưng rồi cũng chẳng đi vào đâu.

Nhận thấy vấn đề còn đang tồn tại, thành phố dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo… có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.

Đây là một phần nội dung nằm trong dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố vừa được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh gửi các quận, huyện và Sở Tư pháp thẩm định.

Là một người buôn bán ở vỉa hè, bà Út chia sẻ : "Khó khăn quá mà, làm ăn dịch mới vừa hết mà giờ thu phí nữa thấy nó cũng sống ở đất thành phố này nó là cái gì cũng phải là mua sắm hết trơn, gạo chợ nước sông mà theo nó thu phí này nữa, quá là khó khăn cho người dân, thiệt đó".

Thu phí vỉa hè, nếu như làm đúng, sẽ đạt hiệu quả, sẽ là một nguồn thu nữa cho chính quyền thành phố. Nhưng nếu làm không đúng, hay có bất kỳ biến tướng nào từ chính quyền cấp dưới, từ những "thành phần" mà "mặt trời" không thể soi chiếu được, thì chẳng biết rằng, hậu quả sẽ nặng nề đến mức độ nào ?

Một trường hợp mà người viết đã được nghe chia sẻ từ bạn của mình. Tường nhà ngoài đường, hàng xóm bày bánh mì ra buôn bán. Gia đình cũng không nói gì hay đòi hỏi bất kỳ chuyện gì, chỉ nhỏ nhẹ sắp xếp xe khách mua sao cho gọn gàng, để gia đình có thể đi ra đi vào được thuận lợi. Thế nhưng, thực tế, họ vẫn để mọi thứ tràn lan, lấn chiếm và lấp cả lối đi của gia đình. Khi có nhu cầu, thì họ lại sẵn sàng nói xấu với khách hàng rằng gia đình này hung dữ, khó chịu. Có khách, chưa biết rõ sự tình, đã sẵn sàng kiếm chuyện với gia đình.

Buôn bán trái phép, lấn chiếm lối đi của người khác. Đúng ra phường phải xuống phạt, đằng này không. Giờ thì với cái quy định thu phí vỉa hè, lòng đường. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng, như trường hợp cụ thể nói trên, chiếc xe bánh mì đó sẽ còn bá đạo đến mức nào ? Và việc thu phí vỉa hè, lòng đường, có khác gì chính quyền đang tiếp tay cho sự bá đạo đó ?

Có thể thấy, không thu phí vỉa hè, người đi bộ đã rất khó khăn để đi trên vỉa hè, nhiều chỗ không thể đi trên vỉa hè do bị lấn chiếm. Nay thu phí, dù có quy định phải để khoảng trống cho người đi bộ thì người đi bộ trên vỉa hè sẽ khó khăn hơn, bởi "vỉa hè này tao thuê rồi nha, tao trả bằng tiền đó, muốn gì nữa hả ?".

Việt Nam là đất nước "của dân, do dân, vì dân". Xin đừng vì những đồng tiền thu phí mà gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân khác, trong đó, có cả dân nghèo khó đang buôn bán ngay trên vỉa hè.

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 12/03/2023

Published in Diễn đàn

Vâng, tôi nhớ. Rất nhớ. Từ tháng 1/2018, từ sau khi người anh em tuyên bố từ chức (rồi lại trở về), vỉa hè Sài Gòn không còn thông thoáng nữa. Thiên hạ mặc sức bày lò than, chậu nước, bàn ghế, máy cưa, máy cắt ra vỉa hè gia công sản xuất hay bán buôn, nhậu nhẹt. Chỉ còn cách nhảy tưng tưng để tiến tới, chứ chẳng còn đường nào cho người đi bộ. Xe máy cũng lao vù vù ngay trên vỉa hè, bất chấp người già trẻ con. Hỏi tại sao, bảo chờ dưới lòng đường biết bao giờ mới đi được.

viahe1

Điểm đỗ xe tự phát sau khi ông Đoàn Ngọc Hải ngừng ra quân. Ảnh: Báo Thời Đại

Tôi nhớ người anh em từng dẹp sạch lề đường quận 1, để các quận khác cũng mắt tròn mắt dẹt làm theo. Từ Bình Thạnh đến quận 12, bảng hiệu treo chìa ra vỉa hè đụng đầu người được tháo, bảng hiệu đứng dẹp vào bên trong gọn gàng. Các cửa tiệm ngoan như cháu Bác Hồ, bạo mấy cũng chỉ chất me mé ra ngoài một tẹo. Vỉa hè trống trơn, đi bộ thật hạnh phúc. Không có Trump, cũng không có Un ghé đến, thế mà thành phố bỗng như lột xác, đường phố phong quang hẳn ra.

Từ quận 1, phong trào lan ra cả Hà Nội (ngạc nhiên chưa ?) và các tỉnh thành khác.

Lòng dân đang náo nức thì bỗng như quả bóng xì hơi. Người anh em Hải chẳng thấy đi dẹp đường nữa. Ít lâu sau, người anh em ấy nộp đơn từ chức.

Rồi lại ít lâu sau nữa, người anh em ấy rút đơn, tự nguyện ở lại với chánh quyền.

Rồi chẳng thấy người anh em đi dẹp lòng lề đường nữa.

Cởi áo từ quan

Bức thư từ chức hôm đầu tháng 1/2018 vẫn còn đây :

"Nhìn nhận lại, tôi thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này, vì thế tôi xin từ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1, xin thôi Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận 1, thôi tham gia Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận 1 và xin thôi Đại biểu HĐND quận 1.

Khi trở lại là người công dân bình thường, tôi sẽ có thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về các giải pháp "căn cơ’’, "nhân văn", "không làm ảnh hưởng" đến mưu sinh của người nghèo" trong công việc này".

viahe2

Khi còn… sung độ, ông Hải đã dẹp tất cả chướng ngại vật chiếm lòng lề đường quận 1. Bất kể nó là gì (bộ bàn ghế quán cóc, hàng chục bậc tam cấp trước khách sạn New World, tòa nhà của Công ty quản lý nhà Tp, quán cà phê Starbuck, xe đậu trái phép trên lòng đường…). Bất kể nó thuộc về ai (rạp hát Công Nhân, trụ sở nhà nước, khách sạn nhà hàng tư nhân, quán cóc, nhà dân...).

Lúc ấy, ông Hải đã tuyên bố với báo chí : "Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu 'đánh trống bỏ dùi' như những năm trước" và "Nếu không lấy lại được vỉa hè, tôi sẽ cởi áo từ quan".

Ai ngờ được, sau những cuộc ra quân dũng mãnh, ông Hải phải "cởi áo từ quan" thật.

Có nghĩa ông đã không lấy lại được vỉa hè ngay ở địa phương mình phụ trách, cho dù đường đường chính chính là Phó chủ tịch UBND quận, Thường vụ Quận ủy, Đại biểu HĐND quận.

Ai đã làm cho ông Hải đánh trống bỏ dùi ?

Không phải là dân hay các hộ kinh doanh từng bị ông đập.

Trên báo Petrotimes, phóng viên dẫn lời bà Tú - người phụ nữ bán sinh tố ở ngã 6 Phù Đổng nói "Tui không có trách gì ông Hải cả. Nhiệm vụ của ổng thì ổng phải làm thôi. Hôm đó, bị tịch thu bàn ghế, của đau con xót thì tôi và gia đình có la hét, chứ không có ý gì. Nói đúng là hôm đó đoàn của ông Hải làm hơi căng. Tui năn nỉ để tui dẹp bàn ghế vô trong mà họ không chịu, cứ đòi tịch thu nên mới xảy ra giằng co".

Năm ngoái, quán sinh tố vỉa hè của bà Tú từng bị đoàn kiểm tra của ông Hải tịch thu bàn ghế 1 lần.

Bà Tú còn dành những lời tốt đẹp cho ông Hải : "Tui còn nghe nhiều người kể lại, ông Hải đi dọn dẹp vỉa hè, gặp người nghèo, ổng còn cho tiền nữa. Ổng thương dân nghèo, tạo điều kiện cho dân kiếm cơm chứ đâu có làm căng gì đâu".

Bà Tú cũng nói, do thấy ông Hải vẫn âm thầm ngồi xe kiểm tra trật tự vỉa hè, không bị "bó chân" như nhiều người lầm tưởng nên phải "nể mặt" , buôn bán trong ngăn nắp. Chỉ cuối tuần, bà mới dám bày bàn ghế ra cho khách ngồi uống sinh tố, ngắm phố phường.

Bà Tú cho biết vợ chồng ông bà cũng là người đi kháng chiến về, vì nghèo nên phải tìm cách buôn bán kiếm sống.

Trên các mặt báo của Việt Nam thời kỳ đỉnh cao chiến dịch lấy lại vỉa hè quận 1, phần lớn người dân đều biết việc lấn chiếm vỉa hè là sai và họ đồng tình với ông Hải.

Nhưng những người không phải là dân thì không nghĩ thế.

Theo báo Zing, cuối tháng 11/2018, trong khi gặp gỡ cử tri, một nữ cử tri ở phường Tân Định quận 1 cho hay ở hẻm 74 Thạch Thị Thanh chỉ rộng 2 m nhưng một vị cán bộ về hưu xây tường rào hết 1 m để làm hàng rào bảo vệ nhà mình. Người dân trong hẻm rất lo ngại nếu xảy ra tình huống khẩn cấp sẽ khó thoát hiểm.

Trả lời, ông Hải cho biết tường rào này là do nhà của "một đồng chí lão thành cách mạng" (sic) xây lên. "Thời gian qua, lãnh đạo phường Tân Định các thời kỳ, cả lãnh đạo quận cũng chưa xử lý được" - ông giải thích.

"Đến khi tôi phụ trách đô thị, lao vào xử lý thì có văn bản của Thành phố và các sở, ngành rằng khoan xử lý…" - ông Hải nói thêm.

Mặc dù ông Hải khẳng định quận 1 sẽ xử lý sao có lợi cho cái chung chứ không vì cá nhân nào, "đúng luật pháp thì thực hiện", nhưng có lẽ khó người dân nào tin được điều này.

Tuy nhiên vẫn phải ghi nhận sự dũng cảm của ông Hải khi nói (toẹt) ra sự thật đơn giản đằng sau bức tường chiếm hẻm đó.

Trước đó, cũng ngay trong cuộc gặp này, ông Hải khẳng định việc đập bỏ một trụ sở sinh hoạt khu phố là đúng. Lý do rất minh bạch : nó xây lấn ra trên vỉa hè, không nằm trong danh mục trụ sở các cấp được phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng và Sở Xây dựng đã nói rất rõ trường hợp này.

Đến đây có thể hiểu rõ hơn nguyên nhân khiến ông Hải từng cởi áo từ quan (cũng có thể là nguyên nhân khiến ông đã cởi rồi vẫn phải mặc lại cho đẹp mặt cấp trên). Là vì những gì liên quan đến dâ, ông có thể toàn quyền. Ngoài phạm vi ấy, ông phải biết thân biết phận.

Từ quận 1 Sài Gòn đến Sóc Sơn-Hà Nội

Tôi phải nhắc lại lần nữa, trong mắt tôi ông Hải là người dũng cảm.

Dũng cảm vì (khi chưa biết cái vòng kim cô của mình) ông rất quyết liệt và sòng phẳng dẹp tất cả chướng ngại trên vỉa hè quận 1.

Dũng cảm là nói được làm được, hứa cởi áo từ quan là cởi.

Dũng cảm là đang cởi thấy không thể cởi nốt thì mặc lại, bất chấp gièm pha, chế nhạo của nhiều luồng dư luận.

Dũng cảm còn là sau khi biết cái vòng kim cô quanh đầu, ông không quanh co giấu giếm mà nói thẳng trước công luận.

Ông Hải đáng trọng hơn nhiều tập thể những quan chức ở huyện Sóc Sơn, gấp bội những chủ sở hữu các biệt thự ở đó.

Sóc Sơn là vùng rừng phòng hộ của Thành phố Hà Nội. Trong năm qua, từ một phát ngôn của cô ca sĩ Mỹ Linh, địa danh này lại vụt sáng trở lại, đầu tiên trên mạng xã hội, sau đó trên báo chí Việt Nam.

Là vì tuy là rừng phòng hộ, nhưng suốt 10 năm nay, nó đã bị phá và chiếm hàng chục nghìn m2 để xây dựng hàng loạt biệt thự, nhà nghỉ tư nhân.

viahe3

Biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh lấn chiếm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Ảnh từ báo Zing

Ai xây ? Có lẽ lại cũng như ở hẻm 74 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, là của "các đồng chí cách mạng lão (và chưa lão) thành" chăng ?

Đây là câu trả lời của một vị từng giữ vị trí rất cao trong ngành, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ với báo chí vào cuối tháng 10/2018 : "Kể từ khi Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm về việc quản lý đất rừng ở Sóc Sơn năm 2006 đến nay đã 12 năm, các vi phạm, công trình xây dựng vẫn không bị chính quyền từ thành phố đến huyện, xã xử lý. Điều đó đặt cho dư luận nhiều câu hỏi nghi vấn", ông Võ nói.

Ông Võ vốn là quan chức cấp cao. Tuy đã về hưu (và từ đó ông bỗng trở thành người phản biện rất mạnh mẽ trong chính các lĩnh vực ông phụ trách trước kia) nhưng lời lẽ của ông vẫn phải thận trọng và "đúng quy trình".

Tuy nhiên, công luận và người dân không cần phải rón rén như ông Võ. Nhà báo Phạm Ngọc Dương huỵch toẹt "Còn lâu mới phá được nhà trái phép của Mỹ Linh ở Sóc Sơn".

Trong bài báo cùng tên tại báo VTC giữa tháng 10/2018, nhà báo này kể : năm 2004, ông lăn lộn tại hai xã là điểm nóng phá rừng ở Sóc Sơn và "lạnh người khi người dân chỉ trỏ, kể lể biệt thự này là của đại gia nào, quan chức nào (…) không dễ gì đăng báo được (…) thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, sự nghiệp".

Ông Dương kể : thấy một biệt thự kiểu Châu Âu ẩn hiện trong rừng, nuôi cả khỉ, vượn làm cảnh, ông chụp ảnh minh họa cho loạt bài điều tra.

"Báo đăng xong, ngay sáng, lãnh đạo gọi xuống phòng. Thấy một ông trán hói thấp bé ngồi trong phòng.

Lãnh đạo hỏi :

- Cậu biết ai đây không ?

- Em không biết anh ạ !

- Cậu biết nhà ai đây không ? - vị lãnh đạo chìa tờ báo có cái ảnh lâu đài trong rừng.

- Em cũng không biết nhà ai. Thấy to thì chụp thôi ạ.

Vị lãnh đạo báo liền quay sang người đàn ông hói đầu ngồi đối diện bảo : "Đấy ! Phóng viên không biết đây là nhà ông. Tôi cũng không biết".

Lúc đó mới biết, lâu đài mình chụp là nhà một ông quan chức cấp vụ.

Ngôi nhà của ông quan chức cấp vụ thôi, cũng không ai dám động vào. Còn nhà vi phạm của quan chức, đại gia lớn hơn thì phá sao đây ?" (trích bài báo Còn lâu mới phá được nhà trái phép của Mỹ Linh ở Sóc Sơn).

Có cái gì quen quen khi so sánh giữa câu chuyện trên với phát biểu của ông Đoàn Ngọc Hải.

Có (quái) gì mà nghi vấn, thưa ông Võ

Để mổ xẻ nguyên nhân, xin quay lại với nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

Ông Đặng Hùng Võ nói việc này trước tiên thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã.

Dẫn chiếu Luật đất đai Việt Nam, ông Võ nói UBND xã có trách nhiệm phát hiện các vi phạm pháp luật trên địa bàn, giải quyết, ngăn chặn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên cơ quan cấp trên".

Nhưng "họ không phát hiện ra đây là sai phạm, vi phạm pháp luật mà thậm chí còn chứng nhận vào hợp đồng chuyển nhượng đất".

Theo ông Võ, lãnh đạo xã có thể không hiểu biết pháp luật, hoặc biết nhưng có tiêu cực nên dung túng cho hành vi vi phạm.

"Tiếp đó là trách nhiệm của huyện, thành phố và các Bộ, ngành có liên quan khi không phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để việc xây dựng, chuyển nhượng sử dụng đất trái phép", ông Võ nêu.

"Điều đó đặt cho dư luận nhiều câu hỏi nghi vấn" - ông nói một cách uyển chuyển.

Ông nói khéo thế, chứ cần gì phải nghi vấn nữa thưa ông nguyên Thứ trưởng ! Chỉ một đoạn tường rào lấn ra hẻm chung 1m của "nguyên lão cách mạng" mà suốt 10 năm chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh còn không dám đập bỏ, thì cả ngàn điền trang biệt thự sừng sững ở Sóc Sơn kia chắc chắn phải của những siêu cấp nguyên lão, tổ sư nguyên lão cách mạng đang xưng hùng xưng bá. Có mà đập vào mắt !

Không khéo léo trong ăn nói như ông Võ, ông Đoàn Ngọc Hải từng khẳng định trong một video do báo Thanh Niên làm vào cuối tháng 3/2018 rằng "Doanh nghiệp phải chung tay với chính quyền thì xã hội mới thay đổi được. Không được chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà phải nghĩ đến quyền lợi của 90 triệu dân".

Ông Đoàn Ngọc Hải tuyên bố sẽ liên tục xuống đường giải cứu vỉa hè (07/08/2017)

Ông Đoàn Ngọc Hải dẹp bãi xe, phạt phòng tranh trong chung cư sau thảm họa Carina (28/03/2018)

Tôi thương anh quá hỡi người anh em thiện lành, Don Quixote Đoàn Ngọc Hải. Anh thật ngây thơ !

90 triệu dân là cái gì cơ chứ ? Trong con mắt những "đồng chí X" cấp trên tham tàn của anh, đó chỉ là một bầy cừu cần vắt nhanh, vắt mạnh, vắt triệt để trước khi thằng khác vắt mất.

Và, chúng biến anh thành một trò cười.

Tre

Nguồn : RFA, 06/03/2019 (Tre's blog)

Tham khảo :

https://news.zing.vn/cu-tri-chat-van-ong-doan-ngoc-hai-ve-viec-thao-do-tru-so-khu-pho-post893587.html

https://www.tinmoi.vn/vu-biet-thu-ca-sy-my-linh-va-cac-cong-trinh-o-soc-son-neu-vi-pham-can-cuong-quyet-thao-do-011500583.html

https://vtc.vn/con-lau-moi-pha-duoc-nha-trai-phep-cua-my-linh-o-soc-son-d433010.html

https://vnexpress.net/y-kien/ong-doan-ngoc-hai-se-lai-day-manh-cuoc-chien-dep-via-he-3834211.html

https://news.zing.vn/ong-doan-ngoc-hai-van-tiep-tuc-voi-cuoc-chien-dep-v...

Published in Diễn đàn
mercredi, 08 mars 2017 16:04

'Đừng kêu gọi hy sinh vô ích'

Một góc phố buổi sáng, hai ông bà già bán nước tấp tểnh cầm chồng ghế chạy khi hai anh công an từ ô tô lao xuống thu giữ cái quán trà đá bán trên vỉa hè. Tôi chợt nhớ ra cả nước đang trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

keugoi1

Công an dẹp bán hàng rong tại Hà Nội

Nhìn hai cụ già quỵ lụy xin xỏ thấy thương lắm,nhưng biết làm sao khi họ làm vì họ có lý, họ giành lại vẻ đẹp cho bộ mặt đô thị. Giờ đi đâu cũng nghe người ta nói, báo đài đưa tin rầm rộ, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh của soái ca Vertu "dẹp không cần hỏi".

Nói cho cùng thì mấy đồng chí quan chức ra chính sách bao giờ mà chẳng có lý, thậm chí là chí lý.

Mua một lít xăng thì đóng thuế một nửa để bảo vệ môi trường nhưng tiền đó không phải dùng tất cả để bảo vệ môi trường. Mua một cái ô tô thì phải nộp thuế cho nhà nước 2,5 cái ô tô vì hệ thống đường xá chưa đáp ứng được dù việc đó không thuộc trách nhiệm người dân. Một mảnh đất chuyển đổi từ nông nghiệp sang mục đích khác phải nộp thuế bằng giá trị mảnh đất đó dù ta đang trên con đường chuyển đổi thoát khỏi nông nghiệp.

keugoi2

Tiệm trà ở hè phố Hà Nội - Ảnh minh họa

Đất nước này giờ có nhiều cái có lý đến phát khóc. Nhìn hai cụ già bán nước tôi mới thấy cái kế hoạch hợp lý mà mọi người đang tung hô thật tàn nhẫn.

Xét ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn số lượng lao động tự do sống bám trên vỉa hè là bao nhiêu ? Vẫn chưa có một thống kê cụ thể nhưng chắc chắn con số này là vô cùng lớn.

Một cụ già bán trà đá, một cậu bé đánh giày, một cô bán hàng rong hay một bác xe ôm, tất cả họ đều có những mảnh đời riêng biệt, tất cả họ cũng đang cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền như mỗi chúng ta.

Họ có muốn một công việc tốt hơn không, có muốn chất lượng cuộc sống tốt hơn không, có muốn thoát khỏi những chuyến mưu sinh lòng đường vỉa hè không ? Tôi chắc chắn là có.

keugoi3

Phố Lò Rèn, Hà Nội

Thật dễ dàng khi bạn ngồi trong một chiếc ô tô đời mới, một văn phòng lịch sự hay một quán café sang trọng rồi hướng con mắt ra ngoài và nói rằng vỉa hè cần thông thoáng, đô thị cần mỹ quan, chúng ta cần hy sinh cái nhỏ vì mục tiêu chung.

Thật dễ để nói hy sinh khi đó không phải là mình. Điều tôi muốn nói không phải là duy trì sự nhếch nhách như hiện tại mà tôi muốn nói cần phải giải quyết đến tận gốc rễ của vấn đề mới mong có thể thay đổi thật sự.

Người ta mất cả thập kỷ, từ năm này sang năm khác để đưa ra giải pháp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, mật độ phương tiện tăng chóng mặt ở các thành phố lớn. Rồi người ta tính cấm hết xe máy vào nội thành và lại kêu gọi sự hy sinh vì mục đích chung.

Vấn đề mấu chốt là ở thành phố họ mới kiếm được tiền, ở quê đói nghèo họ phải lên thành phố mưu sinh. Sinh viên học xong thay vì trở lại quê hương phải ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm.

4keugoi4

Người lao động chờ việc trên đường phố Hà Nội

Khi dân số tăng nhanh thì chẳng có giải pháp nào triệt để có thể giải quyết vấn đề mà nó gây ra ngoài giải pháp về dân số.

Hãy thử tưởng tượng đất nước này có rất nhiều trung tâm công nghiệp, rất nhiều trung tâm tài chính. Ở bất cứ đâu cơ hội việc làm cũng nhiều, đời sống được đảm bảo thì những người dân ngoại tỉnh có phải đổ về thành phố hay không, liệu có còn tình trạng cơ sở hạ tầng không bao giờ theo nổi mức tăng dân số không, đường xá có còn tắc nghẽn không ?

Cả một đất nước có 63 tỉnh thành chỉ có 13 tỉnh thành có chỉ số đóng góp là dương, vậy người dân không đổ về các thành phố lớn mưu sinh là một điều tất yếu. Chưa kể khả năng quy hoạch "thiên tài" của các nhà lãnh đạo đang băm nát những đô thị lớn.

keugoi5

Ảnh minh họa - Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images

Đừng đổ hết tội lỗi lên đầu những con người nhỏ bé cặm cụi để kiếm kế sinh nhai, có những quyết sách lớn, những quy hoạch trí tuệ cao mang tính vĩ mô họ đâu được tham gia.

Xin hãy lấy dân làm gốc ! Xin hãy suy xét kỹ càng nghĩ đến lợi ích của tất cả nhân dân đồng bào trước khi buông ra những chính sách từ trên trời rơi xuống.

Đừng kêu gọi sự hy sinh vô ích khi đất nước này đã hy sinh 5 triệu người cho cuộc chiến để có một nhà nước xã hội chủ nghĩa như hôm nay.

Lu Bi (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 06/03/2017

Published in Diễn đàn