Gói kích thích mới của Bắc Kinh có thể giúp đạt được các mục tiêu ngắn hạn của Tập Cận Bình, nhưng triển vọng dài hạn vẫn chưa chắc chắn.
Khu tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 9/2024 - Tingshu Wang / Reuters
Cuối tháng 9, sau nhiều tháng không đạt được mục tiêu tăng trưởng hậu đại dịch, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một loạt các biện pháp kích thích kinh tế. Cho đến nay, các biện pháp này bao gồm hỗ trợ thị trường chứng khoán, nới lỏng chính sách tiền tệ, tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước lớn, và một số biện pháp kích thích tài khóa hạn chế. Tổng số tiền và thông tin chi tiết của các biện pháp kích thích tài khóa sẽ được tiết lộ sau kỳ bầu cử ở Mỹ, sau cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) vào đầu tháng 11, nhưng Thứ trưởng Tài chính Liêu Mẫn đã mô tả rằng chúng có "quy mô khá lớn". Bằng cách công bố các biện pháp này, Bắc Kinh cuối cùng cũng thừa nhận điều mà người dân Trung Quốc và thế giới đã biết từ lâu : nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn. "Trung Hoa mộng" – tầm nhìn của Tập về việc tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035 và đạt được sự thịnh vượng trên diện rộng – đang dần tan biến. Nhưng liệu các biện pháp kích thích mới này có hiệu quả hay không ?
Thách thức kinh tế ngắn hạn cấp bách nhất của Trung Quốc là cầu trong nước yếu, do người tiêu dùng thiếu niềm tin. Khi người tiêu dùng Trung Quốc từ chối chi tiêu, họ sẽ tích trữ tiền mặt, tạo ra tình trạng dư thừa tiền tiết kiệm, cùng với việc chính phủ đầu tư quá mức vào các ngành công nghiệp được chính trị ủng hộ, làm trầm trọng thêm vấn đề cấu trúc dài hạn nghiêm trọng nhất của Trung Quốc : tình trạng dư thừa công suất công nghiệp. Như tôi đã lập luận trên Foreign Affairs hồi tháng 8, cầu trong nước giảm kết hợp với dư thừa công suất công nghiệp đã tạo thành một vòng lặp diệt vong kinh tế mà Trung Quốc phải thoát ra để tránh rơi vào trì trệ. Giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố gói kích thích mới nhất là nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, bằng cách loại trừ gần như hoàn toàn các hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình trong các kế hoạch kích thích, chính phủ đã chứng minh rằng họ vẫn đang bám vào sách lược kinh tế cũ, là đầu tư do nhà nước chỉ đạo.
Vấn đề cốt lõi của cầu tại Trung Quốc là khủng hoảng niềm tin, bắt nguồn từ nỗi lo của người dân Trung Quốc về hoàn cảnh kinh tế và tương lai của họ. Năm 2017, thời điểm Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai và thắt chặt quyền kiểm soát nền kinh tế, các hộ gia đình thành thị đang được tận hưởng thành quả của nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, với thu nhập khả dụng tăng gấp đôi sau mỗi tám năm. Giờ đây, đối với các gia đình trẻ, những ngày tháng tươi đẹp đó đã qua rồi. Tính đến năm 2024, thu nhập khả dụng trung bình chỉ tăng 50% kể từ năm 2017 – nghĩa là tăng chậm hơn đáng kể so với kỷ nguyên trước – và mốc thời gian để thu nhập tăng gấp đôi đã lên đến 15 năm. Sự suy giảm này báo hiệu sự thay đổi từ một kỳ vọng vững chắc về cơ hội kinh tế sang một thực tế mới được đánh dấu bằng tăng trưởng bị kiểm soát và áp lực chồng chất. Việc đảo ngược quỹ đạo hiện tại của Trung Quốc sẽ đòi hỏi người ta phải tạo ra được một cỗ máy thời gian, và các kế hoạch kích thích đang được thảo luận vẫn không cung cấp loại hỗ trợ tài chính cấp hộ gia đình cần thiết để khôi phục niềm tin vào tương lai của Trung Quốc.
Những khó khăn không được giải quyết
Các biện pháp kích thích gần đây của Bắc Kinh dường như chủ yếu nhằm khôi phục lòng tin trong giới tinh hoa kinh doanh của đất nước. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang áp dụng một chiến lược tương tự như cách tiếp cận nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tập trung vào giá tài sản tài chính với hy vọng tạo ra hiệu ứng tài sản lan tỏa khắp nền kinh tế nói chung. PBOC đã thiết lập hai cơ chế, cả hai đều được thiết kế để bơm thanh khoản vào thị trường và trợ giá cho các tài sản tài chính rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, và quỹ giao dịch trên sàn. Cơ chế đầu tiên là chương trình trị giá 70 tỷ đô la do chính phủ điều hành, trong đó cho phép các nhà đầu tư tổ chức – chủ yếu là các công ty môi giới và bảo hiểm nhà nước, thường được gọi là "đội tuyển quốc gia" – mua các tài sản tài chính rủi ro và sau đó đổi chúng lấy trái phiếu chính phủ chất lượng cao. Kế đến, những trái phiếu này có thể được thế chấp lại làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng ; về cơ bản, đây là việc cấp cho đội tuyển quốc gia quyền tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ của ngân hàng trung ương để mua tài sản và trợ giá. PBOC từng triển khai một chương trình tương tự vào năm 2015 nhằm ổn định thị trường chứng khoán sau khi giá giảm hơn 40% chỉ trong vài tháng.
Cơ chế thứ hai là một chương trình tái cấp vốn trị giá 42 tỷ đô la được thiết kế để mở rộng các khoản vay cho các công ty niêm yết công khai, theo đó cho phép họ sử dụng số tiền thu được để mua lại cổ phiếu của chính mình trên thị trường chứng khoán – về cơ bản, nó hoạt động như một khoản cổ tức giúp tăng lợi nhuận cho các cổ đông. Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng điều này sẽ thúc đẩy một đợt tăng giá mới trên thị trường chứng khoán ; kể từ giữa tháng 9, giá cổ phiếu đã tăng khoảng 25%.
Bất chấp những nỗ lực này, việc nới lỏng định lượng theo kiểu Trung Quốc của PBOC khó có thể giải quyết được những khó khăn kinh tế lớn hơn của đất nước, vì nó không có tác dụng nhiều trong việc kích cầu thực tế của người tiêu dùng. Một số các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hạn chế dành cho hộ gia đình bao gồm các quy định mới cho phép người vay tái cấp vốn khoản thế chấp, giúp họ tận dụng mức giảm nửa phần trăm gần đây trong lãi suất cho vay thế chấp chuẩn. Sự thay đổi này dự kiến sẽ giúp khoảng 50 triệu hộ gia đình tiết kiệm được tổng cộng khoảng 21 tỷ đô la mỗi năm nhờ vào các khoản thanh toán lãi suất thấp hơn.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã giảm khoản thanh toán ban đầu cần thiết để mua ngôi nhà thứ hai, như một phần trong nỗ lực loại bỏ lượng nhà tồn khỏi thị trường và hỗ trợ phần nào cho giá nhà. Xét đến việc nhà ở chiếm khoảng 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc và thế chấp chiếm khoảng 75% nợ hộ gia đình, bất kỳ biện pháp nào nhằm ổn định giá nhà và giảm chi phí tài chính đều có khả năng củng cố bảng cân đối kế toán của hộ gia đình. Thiết lập mức sàn cho giá nhà là bước đầu tiên quan trọng trong việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vào triển vọng tài chính dài hạn của họ.
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc vẫn còn do dự khi thảo luận về việc chuyển tiền mặt trực tiếp cho người tiêu dùng bình thường. Nguyên nhân có thể là do kinh nghiệm chính sách hạn chế của chính phủ trong lĩnh vực này, và sự thận trọng của các quan chức kinh tế ở Bắc Kinh khi ra hiệu về bất kỳ thay đổi chính sách nào mà không có chỉ đạo rõ ràng từ Tập. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tài chính của Trung Quốc đã được chuẩn bị tốt để hỗ trợ cho một biện pháp kích thích hộ gia đình trực tiếp. Hầu hết các khoản tiền lương và phúc lợi an sinh xã hội đã được liên kết với các tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước, giúp việc chuyển tiền vào tài khoản trở nên đơn giản hơn nhiều.
Con đường của nhà lãnh đạo tối cao
Tập không phản đối việc đảo ngược chính sách đột ngột, như thể hiện qua việc ông đột ngột từ bỏ chính sách "zero Covid" vào cuối năm 2022, cũng như các sáng kiến kinh tế thường xuyên thay đổi của ông trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, điều không đổi trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông là việc ông không thích phân phát tiền mặt, bởi ông cho rằng nó có thể tạo ra một nhà nước phúc lợi. Ông đã cảnh báo các đảng viên không nên "rơi vào cái bẫy của ‘chủ nghĩa phúc lợi’, chuyên nuôi dưỡng những kẻ lười biếng". Không nên hiểu sai lời của Tập là ủng hộ một hệ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân thô bạo ở Trung Quốc. Thay vào đó, cách tiếp cận quản trị từ trên xuống của ông ưu tiên sự thống nhất về ý thức hệ hơn là các nhượng bộ theo chủ nghĩa dân túy, và ủng hộ đầu tư do nhà nước lãnh đạo hơn là hỗ trợ tài chính cho cá nhân.
Tập đã nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của ông là biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu tự lực cánh sinh. Ông muốn trở thành nhà lãnh đạo sẽ để lại "thế kỷ nhục nhã" của Trung Quốc – ám chỉ thời kỳ dài mà Trung Quốc bị cho là phải phục tùng các cường quốc phương Tây – lại phía sau. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP hiện tại của chính phủ là khoảng 5% và gói kích thích mà họ vừa công bố chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu đó mà thôi. Ngược lại, một gói kích thích trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình cá nhân sẽ chuyển sức mua từ chính phủ sang người tiêu dùng, theo đó để lại ít nguồn lực hơn cho tham vọng lớn của Tập – và khiến ông không còn nhiều quyền kiểm soát đối với định hướng chung của đất nước.
Các thông báo của chính phủ liên quan đến gói kích thích đã cố tình nhấn mạnh vào lời lẽ hoa mỹ, hơn là vào những thay đổi chính sách đáng kể nhằm tăng tiêu dùng. Cách tiếp cận này phù hợp với mục tiêu của Tập là thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế mà không chuyển hướng nguồn lực khỏi việc theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp của Trung Quốc. Lượng vốn được bơm vào hệ thống tài chính để hỗ trợ giá cổ phiếu và ổn định các ngân hàng nhiều khả năng sẽ lại được chuyển hướng sang các ngành công nghiệp chiến lược mà Trung Quốc cho là sẽ giúp họ vượt qua Mỹ về công nghệ và năng lực quân sự.
Hệ thống "toàn quốc" dành cho đầu tư công nghệ đảm bảo rằng tất cả các nguồn vốn lớn sẽ được huy động để đạt được những đột phá trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, và động cơ máy bay. Trái ngược với một gói kích thích thúc đẩy tiêu dùng thực sự, các biện pháp hiện tại dường như có một động cơ thầm kín : tăng cường khả năng cạnh tranh của Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự với phương Tây. Hiện tại, định hướng chính sách được nêu trong nội dung chi tiết của gói kích thích vẫn không cho các chính phủ phương Tây lý do nào để xem xét lại các rào cản thương mại hoặc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc.
Quy mô tiềm năng của việc phân phát tiền mặt cho các hộ gia đình bị hạn chế bởi tình hình tài chính khó khăn của chính quyền địa phương Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ bằng cách cung cấp các khoản hoán đổi nợ, để tái cấp vốn cho những khoản nợ ngắn hạn nhưng chi phí cao đang đè nặng lên nhiều chính quyền địa phương. Ngân sách địa phương đã trở nên eo hẹp do doanh thu từ việc bán đất giảm vì thị trường bất động sản suy thoái, chi phí y tế công liên quan đến hậu quả đại dịch, và chi phí phúc lợi xã hội tăng cao liên quan đến tình trạng dân số già hóa. Đối với nhiều quan chức địa phương, việc đạt được tiến bộ trong công nghiệp và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng vẫn được ưu tiên hơn việc kích thích chi tiêu của người tiêu dùng.
Nếu Bắc Kinh theo đuổi việc thanh toán tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình, họ sẽ phải đối mặt với thách thức là bỏ qua chính quyền địa phương, những người có thể chuyển một phần tiền sang hướng khác. Việc chuyển tiền trực tiếp từ chính quyền trung ương sang các kho bạc địa phương có rủi ro là tiền bị phân bổ sai, hoặc thậm chí là bị biển thủ trắng trợn, do đó hạn chế hiệu quả thực tế của việc chuyển tiền đến các hộ gia đình như một biện pháp kích thích. Nếu không có sự giám sát sát sao, các khoản thanh toán này có lẽ chỉ đến được các hộ gia đình như nước nhỏ giọt từ vòi nước bị rỉ.
Một trò chơi khác
Gói kích thích gần đây thực sự có thể đạt được các mục tiêu ngắn hạn của Bắc Kinh : thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, thị trường nhà ở ổn định, niềm tin của người tiêu dùng tạm thời được nâng cao, và GDP tăng trưởng 5% vào năm 2024. Tuy nhiên, nó không giải quyết được các vấn đề cấu trúc sâu xa hơn của Trung Quốc và không có khả năng khiến các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn trong dài hạn. Chính phủ dường như không muốn thực hiện các bước đi táo bạo cần thiết – chẳng hạn như hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình – vốn có thể thúc đẩy một sự tái cân bằng kinh tế có ý nghĩa. Thay vào đó, phần lớn các biện pháp kích thích mới nhất dường như chỉ củng cố các điểm yếu nhất của nền kinh tế, đủ để báo hiệu rằng đảng vẫn chưa từ bỏ vai trò là người quản lý tốt nền kinh tế và vẫn cam kết thực hiện đúng khế ước xã hội của Trung Quốc.
Nếu không có mức tăng trưởng thu nhập mạnh hơn, các hộ gia đình Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tiết kiệm ở mức cao đáng kể. Ngay cả khi các biện pháp kích thích gần đây đạt hiệu quả đáng ngạc nhiên, thì sự suy giảm dân số của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng với phương Tây cho thấy triển vọng kinh tế dài hạn của nước này là không chắc chắn. Kể từ giai đoạn phong tỏa đại dịch đến nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã trải qua tình trạng bất ổn kinh tế dai dẳng – một nhận thức sẽ mất nhiều năm để thay đổi.
Trong bốn thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc có lẽ đã trải qua giai đoạn tăng trưởng phi thường nhất trong lịch sử loài người. Năm 1981, hơn 90% dân số Trung Quốc sống trong cảnh nghèo đói nghiêm trọng như ở các khu vực kém phát triển nhất thế giới. Ngày nay, hơn một nửa dân số thuộc về tầng lớp trung lưu, với mức sống tương đương nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chưa bao giờ cảm thấy nghèo hơn lúc này. Cảm giác chất lượng cuộc sống của bản thân tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa ngày càng lớn, và cơ hội để con cái họ trở nên giàu có và được đi du học ngày càng xa vời hơn.
Lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc cải cách kinh tế, nhiều hộ gia đình lo sợ rằng ngày mai có thể không tốt hơn hôm nay – không phải vì lý do thất bại cá nhân, mà vì những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Những người trẻ mới bước vào lực lượng lao động đang cảm thấy bất lực, và ngày càng nhiều người trong số họ tin rằng mình không thể bắt đầu một sự nghiệp thịnh vượng, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vượt quá 17%. Các gia đình trẻ phải đối mặt với áp lực không ngừng chỉ để duy trì mức sống của họ. Các chuyến viếng thăm đền chùa đã tăng vọt hơn 300% vào năm ngoái, cho thấy ngày càng có nhiều người tìm đến các biện pháp mê tín để cầu may cho tương lai của mình. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đặt niềm tin vào lễ vật hoặc bùa hộ mệnh của nhà chùa, hơn là vào lời đảm bảo của đảng về thịnh vượng chung.
Chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc đang vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm lại, một tầng lớp trung lưu bất an, và một nhà lãnh đạo tập trung vào cam kết xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới hơn là một xã hội thịnh vượng. Tình hình phức tạp này đòi hỏi một chiến lược Trung Quốc trong đó đánh giá năng lực và hạn chế của Tập sát với thực tế – chứ không chỉ đánh giá mỗi tham vọng của ông. Dù người dân Trung Quốc chỉ có quyền tự quyết hạn chế, nhưng khi là một tập thể, họ vẫn có thể gây áp lực kinh tế lên Bắc Kinh. Bằng cách thắt chặt hầu bao và ưu tiên tiết kiệm, họ thực sự đã tạo ra một lá phiếu bất tín nhiệm âm thầm nhưng mạnh mẽ nhắm vào định hướng của đất nước. Nếu tình hình kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi, Tập có thể đột ngột xoay trục, hy vọng xoa dịu sự thù địch của mình đối với phương Tây. Trong lúc theo dõi các biện pháp kích thích của Trung Quốc phát huy tác dụng và chứng kiến Bắc Kinh không thể khắc phục những rắc rối kinh tế tiềm ẩn của mình, Washington cần tránh trở nên quá ám ảnh với mối đe dọa từ Trung Quốc mà bỏ lỡ các cơ hội tiềm năng để tái định nghĩa quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
Zongyuan Zoe Liu
Nguyên tác : "Why China Won’t Give Up on a Failing Economic Model", Foreign Affairs, 31/10/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/11/2024
Zongyuan Zoe Liu là nghiên cứu viên về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn sách "Sovereign Funds : How the Communist Party of China Finances Its Global Ambitions".
Suy giảm kinh tế cộng với suy thoái chính trị kéo dài và mang tính cơ cấu củng cố cho lập luận rằng mô hình phát triển có xuất sứ từ Trung Quốc đang kết thúc. Được dẫn dắt bởi tư tưởng thực dụng, "mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn bắt được chuột", và duy ý chí về năng lực lãnh đạo của chế độ chính trị tập quyền dựa vào chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa Mác – Lênin để chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, một mô hình chuyên chế - tăng trưởng được thiết lập. Nó đã làm Trung Quốc thoát nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình cao nhờ "đánh đổi" dân chủ, nhân quyền lấy tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh cho chế độ Đảng cộng sản toàn trị. Kết quả tăng trưởng "thần kỳ" kéo dài trong suốt hơn ba mươi năm khiến mô hình này trở thành "lý tưởng" cho nhiều quốc gia đang phát triển. Là nước láng giềng tương đồng về thể chế chính trị, Việt Nam đã noi theo áp dụng, nhưng ‘kém’ thành công hơn. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Trung Quốc, về cơ bản, cũng xảy ra ở Việt Nam. Cải cách mô hình chuyên chế - tăng trưởng thế nào đang là vấn đề lớn hiện nay hàm ý cho Việt Nam.
Hình chụp từ trên cao cầu Bãi Cháy ở Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hôm 28/12/2023 - AFP
Bài viết trước chỉ ra thực trạng chống tham nhũng của Đảng cộng sản vẫn khó khăn, nguy cơ tồn vong chế độ vẫn lớn, "Đảng – Nhà nước" vẫn chưa "trong sạch" trong khi dân chủ, nhân quyền bị cấm đoán và kinh tế trì trệ. Căn nguyên của vấn đề nằm ngay trong mô hình chuyên chế - tăng trưởng khi nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan, một trong những hình thức tham nhũng, chiếm vị trí thống trị, trong đó việc trao đổi quyền lực và của cải của giới lãnh đạo đã trở thành "luật bất thành văn". Nay, trong bối cảnh ‘khủng hoảng’ "nghịch lý" đã đảo chiều thành "thuận lý" khi quyền lực bị tuyệt đối hóa, lạm dụng bạo lực để chống lại sự tha hóa quyền lực đang làm hủy hoại động lực tăng trưởng nhờ thị trường.
Lý thuyết và thực tế đã chứng minh rằng, nghịch lý nêu trên, mặc dù không biểu thị mối tương quan nhân quả, nhưng từ các dữ liệu điều tra từ 65 quốc gia, tức một phần ba tổng số nước, tổ chức Hướng dẫn rủi ro quốc gia quốc tế (ICRS - International Country Risk Guide) đã xác lập mối quan hệ đồng biến giữa mức độ tham nhũng và tăng trưởng. Ngoài ra, một nghiên cứu thực tế ở Trung Quốc của phó giáo sư khoa học chính trị Yuen Yuen Ang (洪源远) có ý nghĩa ứng dụng quan trọng được trình bày trong cuốn "Thời đại vàng son của Trung Quốc : Nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng tràn lan" (China's Gilded Age : The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption, 2020). Học giả về Trung Quốc tại Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng, đây là quá trình ‘tiến hóa’ tương tự như Thời đại Vàng của Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, sự khác biệt các hệ thống chính trị ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đã dẫn đến những phản ứng trái ngược nhau trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Ở Mỹ là quá trình cải tiến thể chế dân chủ để kiểm soát quyền lực trong khi ở Trung Quốc củng cố chế độ tập quyền tuyệt đối bằng chống tham nhũng kiểu "đả hổ diệt ruồi".
Làm sâu sắc thêm thực tế này ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không những chỉ vì chiến dịch "đốt lò" đang gặp thách thức ngày càng lớn khiến niềm tin chính sách giảm sút, diễn ra đồng thời với việc hạn chế các quyền về tự do, dân chủ và nhân quyền khi mô hình chuyên chế ‘kiểu cũ’, kiểu Mao, đang quay trở lại "mạnh mẽ" mà còn vì động lực tăng trưởng nhờ thị trường bị hủy hoại nghiêm trọng dẫn tới kinh tế trì trệ, ảm đạm. Mặc dù, tỷ lệ tăng trưởng GDP theo thống kê là nhanh nhưng đã được ‘cảnh báo’ là "không bền vững", bất cập về cơ cấu. Nền kinh tế có độ mở cao cho thương mại nhưng ngày càng lệ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản trở thành trục tăng trưởng quan trọng nhưng "mong manh" trước vấn nạn đầu cơ, trong đó chủ yếu là nguyên nhân "sở hữu toàn dân" về đất đai và tính đại diện quản lý của nhà nước bị trục lợi do tha hóa quyền lực, đầu tư công cũng ì ạch… Hơn thế, một thể chế "khai thác" chi phối nền kinh tế khi lý luận giáo điều về chủ nghĩa xã hội lấn án kinh tế thị trường…
Gần đây, đã có sự thừa nhận quan trọng rằng các thể chế thực sự quan trọng. Nghĩa là, các cấu trúc chính trị – như quyền sở hữu, sự ổn định, cải cách luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng giao dịch thương mại… là nền tảng của tăng trưởng kinh tế. Giới điều hành kinh tế - Chính phủ luôn nhấn mạnh sự cấp thiết về cải cách thể chế. Điều khiến các nước nghèo trở nên nghèo không phải là thiếu nguồn lực. Nhật Bản và Hàn Quốc, các đối tác chiến lược của Việt Nam, cho thấy họ thiếu nguồn lực thế nào để bắt đầu con đường phát triển của mình. Đúng hơn, chính việc thiếu thể chế đã khiến các quốc gia trở nên nghèo nàn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc chống tham nhũng có thể ‘thành công’ chỉ khi được thực hiện bởi thể chế dân chủ, kiểm soát quyền lực bởi tam quyền phân lập, xã hội dân sự… Nhưng cải cách thể chế là một quá trình, vì vậy việc tập trung vào cải cách khu vực công, nâng cao năng lực công chức để làm những việc "vi dân" và đồng thời thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho kinh tế thị trường vận hành là những bước đi cần thiết. Việc dự báo kinh tế đang thiếu yếu tố thể chế sẽ giảm ý nghĩa cho việc hoạch định và thực thi chính sách !
Mô hình chuyên chế – tăng trưởng kiểu Trung Quốc đang ‘khủng hoảng’ ở Việt Nam, biểu hiện rõ rệt là sự suy giảm tăng trưởng và suy thoái chính trị. Thể chế chính trị đang suy thoái bởi hai cội nguồn chủ yếu, trước hết, là quốc nạn tham nhũng được che đậy bởi nghịch lý nêu trên, nghĩa là sự ‘chấp nhận’ hay ‘đánh đổi’ tham nhũng lấy tăng trưởng đã biến giới lãnh đạo, giới tinh hoa của chế độ thành tầng lớp quyền lực và giàu có trong khi phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Họ theo đuổi mục đích duy trì hệ thống chính trị tập quyền bằng bạo lực, trấn áp, từ mầm mống, xã hội dân sự, dân chủ và độc quyền về tư tưởng và truyền thông, ngăn cản các quyền tự do cá nhân. Chống tham nhũng kiểu "ta đánh ta" không thể hiệu quả khi nguyên tắc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình bị hủy hoại.
Thứ hai, đó là sự cứng nhắc về thể chế và nhận thức. Chế độ luôn nhấn mạnh vai trò của các tổ chức theo cách hiểu của V. Lenin về nhà nước chuyên chế. Theo đó, những quy tắc chi phối cuộc sống của mình cần được tạo ra và, sau đó cố bảo vệ nó bằng mọi giá theo cách "cực kỳ bảo thủ". Ngay cả khi thực tế chỉ ra thế giới không hoạt động theo cách đó, nhưng việc thay đổi mô hình khiến giới lãnh đạo rất ‘do dự.’ Fransis Fukuyama, giáo sư tại Đại học Stanford, Mỹ, trong một cuốn sách về thể chế chính trị, đã được dịch sang tiếng Việt, của mình cho rằng chủ nghĩa thân hữu ở Mỹ trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là "một cuộc đấu tranh kéo dài gần hai thế hệ". Mô hình chuyên chế - tăng trưởng ở Trung Quốc, theo Giáo sư Fukuyama, là một kiểu ‘mô hình tinh thần’, đã không thực sự tương ứng với thực tế thị trường nhưng người ta vẫn không muốn thay đổi chúng. Chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện của độc đảng cộng sản trong những năm gần đây đã quay lại mô hình toàn trị kiểu Mao với những chính sách mang tính đối phó với những bất cập, mâu thuẫn trong khi áp dụng những ‘tiêu chuẩn kép’. Điển hình như chính sách ‘nhích’ gần phương Tây - cơ chế dân chủ để ‘mời gọi’ đầu tư nước ngoài trong khi kiểm soát gắt gao tự do cá nhân, dân chủ và xã hội dân sự trong nước.
Sự suy giảm tăng trưởng và suy thoái chính trị mang tính xu hướng báo hiệu rằng mô hình chuyên chế - tăng trưởng kiểu Trung Quốc không còn phù hợp với thực tế với những mâu thuẫn ngày càng căng thẳng Trong trường hợp này lý thuyết của Các Mác về xung đột giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở sẽ dẫn đến sự thay đổi chế độ. Cải cách chuyển đổi dân chủ hướng đến một ‘thể chế bao trùm’ để tăng trưởng bền vững là tất yếu nhưng trước hết đòi hỏi sự thay đổi ‘đột phá’ về tư duy. Dù sự chuyển đổi dân chủ chỉ là một cái "hành lang hẹp" (Tiếng Anh : The Narrow Corridor) nhưng cần hy vọng. Mới đây, ngày 16/1/2024 ông Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, rằng : "Không quốc gia nào phát triển nhanh nếu giữ tư duy cũ !"
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 22/01/2024
Tham khảo :
(1) Tăng trưởng GDP trong thời kỳ đổi mới ; (Interactive) GDP của Việt Nam qua 35 năm đổi mới .
(2) Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) ; Corruption Perceptions Index.
(3) Mức tăng trưởng GDP so với chỉ số nhận thức tham nhüng (CPI) tai Việt Nam từ năm 2012-2022
(4) Vụ án AIC Đồng Nai ; Vụ án ‘những chuyến bay giải cứu’ ; Vụ án ‘Việt Á’ ; Vụ án ‘Vạn Thịnh Phát’
Ngoài mối lo giảm phát, thay vì lạm phát, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề lớn nữa : Số người làm việc giảm xuống và hiệu năng sản xuất ngưng đọng.
Kinh tế xuống không phải chỉ do thị trường địa ốc. Nguyên nhân sâu xa là sự thất bại của cả mô hình kinh tế bất chấp thực tế cũng như lý luận, vì chỉ nhắm mục đích bảo vệ quyền hành của Đảng cộng sản.
Giá nhà cửa ở Trung Quốc từ tháng 9 qua tháng 10 đã tụt xuống năm tháng liền, mạnh nhất kể từ tháng 2/2015, theo bản tin kinh tế Bloomberg. Cả nền kinh tế xuống theo vì ngành xây dựng đóng góp một phần tư trong Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc. Kinh tế xuống không phải chỉ do thị trường địa ốc. Nguyên nhân sâu xa là sự thất bại của cả mô hình kinh tế bất chấp thực tế cũng như lý luận, vì chỉ nhắm mục đích bảo vệ quyền hành của Đảng cộng sản.
Sau vụ công ty Hằng Đại (Evergrande) phá sản, năm nay đến công ty Bích Nhai Viên (Country Garden) cũng không trả được nợ. Năm ngoái, 18 công ty xây cất không trả được nợ nước ngoài. Tháng 6 vừa qua, năm công ty lớn nhất đã không trả được nợ vay bằng đô la Mỹ, tổng cộng 226 tỷ đô la, cũng bằng trị giá những ngôi nhà họ đã bán trả góp trước, theo báoThe Wall Street Journal. Bích Nhai Viên không trả được 83 tỷ đô la tiền nợ, đã tuyên bố phá sản trong tháng 10.
"Tập Đoàn Hằng Đại" (恒大集团, nghĩa là Lớn Mãi Mãi) thành lập năm 1996, vào năm 2017 trị giá lên tới 50 tỷ mỹ kim, hiện nay chỉ còn đáng giá 3 tỷ trên thị trường chứng khoán. Hai năm trước Hằng Đại có 150.000 nhân viên ; với 1.300 dự án xây dựng tại 280 thành phố ; mang nợ 88,5 tỷ đô la nhưng còn nợ 1 triệu 600 ngàn căn hộ chưa xây xong mà người mua đang góp tiền trả trước. Hiện có 20 triệu đơn vị gia cư đã bán rồi nhưng phải ngưng vì các công ty địa ốc thiếu tiền, theo báoThe Wall Street Journal.
Tháng 7 năm ngoái, nhiều người mua nhà trả góp trước bắt đầu "đình công" ngưng đóng tiền vì lo không bao giờ xây xong, tạo ra một phong trào lan ra toàn quốc. Khi đặt tiền, người mua được hứa hẹn trong ba năm nhà sẽ xong, nhưng chờ mãi không được trao chìa khóa ! Những người lo lắng nhất tìm cách bán tống bán tháo khiến giá cả xuống theo, khiến các công ty xây cất thiếu tiền nặng hơn. Các ngân hàng không dám cho các công ty đó vay vì thấy giá trị của các công ty xuống thấp và người mua ngưng trả góp, khiến các công ty càng thiếu tiền. Những xí nghiệp cung cấp cho ngành xây cất bị cuốn theo. Tất cả tạo ra một cái vòng lẩn quẩn.
Công ty Bloomberg đã phân tích tình trạng bế tắc này. Trước năm 1998, Trung Quốc chưa cho phép mua bán nhà cửa tự do, chỉ có một phần ba dân chúng sống tại các thành phố. Sau 25 năm, số dân ở đô thị tăng thêm 480 triệu người, chiếm hai phần ba dân số. Đó là cơ hội cho các công ty xây cất. Họ đua nhau vay tiền dễ dàng từ khắp nơi vì ai cũng thấy viễn tượng phát triển tốt. Năm ngoái, tổng số nợ người nước ngoài đã lên đến 207 tỷ đô la, vay bằng đô la gồm vay từ các ngân hàng và bán trái phiếu, tức giấy nợ. Năm 2009 số trái phiếu bán ra nước ngoài chỉ có 675 triệu đô la, năm 2020 đã tăng gần gấp 100 lần, lên tới 64,7 tỷ đô la. Khi nợ đáo hạn mà không trả được thì phải khai phá sản. Trong khi đó dân số bắt đầu giảm bớt, cả nước còn 50 triệu căn hộ đang không có người ở, và nhiều công trường xây cất ngưng hoạt động.
Những chủ nợ lớn nhất của các công ty địa ốc là người mua nhà trả góp. Khi Tập Cận Bình ra lệnh các ngân hàng bớt cho vay tiền xây nhà, các công ty địa ốc gây vốn bằng cách bán trước các căn hộ sắp xây. Từ 2015 đến tháng 7/2021, loại vốn này tăng từ 39% lên 54% nguồn vốn của các công ty địa ốc.
Tiền tiết kiệm của 70% các gia đình trong lục địa đổ vào việc mua nhà, để ở hoặc đầu tư. Nhà cửa chiếm 60% tài sản của dân. Giá tụt xuống nghĩa là 70% dân Trung Hoa đang mất tiền dành dụm cả đời ; giống như dân Mỹ bỗng dưng mất hết tiền trong quỹ hưu bổng và mất bảo hiểm y tế khi về già ! Địa ốc không còn là một cơ hội kinh tế mà đã trở thành một vấn đề xã hội và chính trị.
Từ năm 2020 chính quyền cộng sản Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hạn chế số nợ của các công ty xây dựng, dựa trên ba tiêu chuẩn : tỷ lệ nợ tối đa, tổng số nợ, và tổng số tiền mặt. Năm ngoái chính quyền trung ương dành 48 tỷ đô la để giúp các công ty tiếp tục xây dựng, hứa sẽ cho các ngân hàng vay 27 tỷ đô la không cần trả lãi nếu cho các công ty xây cất vay ; nhưng đến nay số tiền đó vẫn chưa được dùng hết. Công việc xây cất giảm 14% trong năm 2021, xuống nặng nhất kể từ 6 năm. Tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh giảm số tiền phải đặt xuống để mua nhà (down-payment) ; cho phép các ngân hàng hạ thấp lãi suất. Trong khi ở Mỹ tăng lãi suất thì Ngân hàng Trung ương ở Bắc Kinh đã cắt để cứu thị trường nhà cửa, nhưng không thấy hiệu quả.
Kinh tế đang trở thành mối lo lớn nhất kể từ khi bắt đầu mở cửa đầu thập niên 1980. Chính sách đổi mới thành công, kinh tế Trung Quốc lớn dần. Trước đây 40 năm, Tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc chỉ bằng 2% GDP cả thế giới ; năm 2021 đã chiếm 18,4%, theo báoFinancial Times. Sau đó Trung Quốc bắt đầu đi xuống, trong khi Mỹ và nhiều nước khác, từ Ấn Độ đến Brazil vẫn tiến lên. Năm 2022, Trung Quốc chỉ còn chiếm 17% GDP toàn cầu.
Nhật báoFinancial Time mô tả địa vị của Trung Quốc đang xuống dần. Trong năm 2023 sản lượng toàn thế giới sẽ lên đến 105 ngàn tỷ mỹ kim, tăng thêm 8 ngàn tỷ. Trung Quốc không hưởng một phần nào trong số 8 ngàn tỷ đô la mới lên đó ; kinh tế Mỹ góp 45% ; các nền kinh tế đang lên đóng góp 50% ; một nửa là do năm nước : Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil và Ba Lan.
Số hàng xuất cảng của Trung Quốc đang giảm vì kinh tế các nước mua hàng cũng gặp khó khăn, hoặc đang tìm các nguồn cung cấp mới. Các công ty quốc tế đang rút tiền lời ra khỏi Trung Quốc, cắt số đầu tư bớt 12 tỷ đô la trong quý thứ ba năm nay. Đồng nhân dân tệ xuống giá, các xí nghiệp Trung Quốc cũng theo gót, chuyển đô la ra nước ngoài, mua bất động sản.
Ngoài mối lo giảm phát, thay vì lạm phát, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề lớn nữa : Số người làm việc giảm xuống và hiệu năng sản xuất ngưng đọng. Lực lượng lao động của Trung Quốc có lúc lên cao nhất, bằng 24% số người làm việc trên thế giới ; hiện xuống chỉ bằng 19% và trong 35 năm nữa sẽ xuống tới 10%. Tính số người làm việc cùng với sản năng lao động, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng 2,5% một năm, bằng nửa chỉ tiêu trên 5% của ông Tập Cận Bình, vẫn theoFinancial Times.
Đây là kết quả tự nhiên của mô hình kinh tế của Đảng cộng sản Trung Quốc từ khi "đổi mới". Họ từ bỏ kinh tế chỉ huy kiểu cộng sản cũ nhưng vẫn đề cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Đó là những xí nghiệp hiệu năng thấp nhất, nhưng được cung cấp tài chánh nhiều nhất. Các xí nghiệp tư nhân đóng góp cho sản lượng quốc gia nhiều hơn nhưng khó vay được tiền từ các ngân hàng.
Cán bộ cầm đầu các địa phương được chấm điểm theo tiêu chuẩn đã "sản xuất" được bao nhiêu, tính bằng số tiền sử dụng và số công nhân có việc làm. Các địa phương chọn lãnh vực dễ thực hiện và dễ phô trương nhất là xây dựng, từ đường sá, cầu cống, bến cảng, phi trường, và các khu cao ốc. Họ vay nợ dễ dàng, vì các ngân hàng do nhà nước kiểm soát.
Cơ cấu kinh tế Trung Quốc nặng về đầu tư, nhẹ về tiêu thụ, trái ngược với các nước theo kinh tế thị trường. Trong năm 2021, ở Mỹ và Anh quốc, 80% sản lượng nội địa là để cung cấp cho nhu cầu của dân tiêu thụ ; ở Trung Quốc người tiêu thụ chỉ hưởng 54%, theo Ngân hàng Thế giới. Đầu tư ở Trung Quốc chiếm 40% GDP, gấp đôi tỷ lệ ở nước Mỹ, vì các cán bộ đầu tư không cần tính toán đến mức lời. Khi trình độ phát triển còn thấp, như thời 1980, đầu tư sinh lợi cao vì thúc đẩy kinh tế lên. Nhưng càng về sau thì đầu tư thêm lợi ích càng giảm, theo định luật "năng suất tiệm giảm" trong kinh tế học.
Trong thời gian bệnh dịch Covid-19, chính phủ Mỹ trợ cấp tiền cho dân đóng thuế để giữ vững khả năng tiêu thụ của họ. Người Trung Hoa trong lục địa phải tự lo lấy mình. Khi kinh tế mở cửa lại, dân Mỹ đua nhau đi mua sắm, người Trung Hoa vẫn lo tiết kiệm, giữ tiền phòng bị tương lai.
Chúng ta có thể hiểu tại sao Đảng cộng sản chọn một cơ cấu kinh tế khập khiễng như vậy : Vì mục đích bảo vệ Đảng. Đảng nắm tiền đầu tư nên dân bị lệ thuộc. Nếu tư doanh phát triển mạnh, thì sẽ đến lúc không ai cần nhờ Đảng nữa !