Ngoài mối lo giảm phát, thay vì lạm phát, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề lớn nữa : Số người làm việc giảm xuống và hiệu năng sản xuất ngưng đọng.
Kinh tế xuống không phải chỉ do thị trường địa ốc. Nguyên nhân sâu xa là sự thất bại của cả mô hình kinh tế bất chấp thực tế cũng như lý luận, vì chỉ nhắm mục đích bảo vệ quyền hành của Đảng cộng sản.
Giá nhà cửa ở Trung Quốc từ tháng 9 qua tháng 10 đã tụt xuống năm tháng liền, mạnh nhất kể từ tháng 2/2015, theo bản tin kinh tế Bloomberg. Cả nền kinh tế xuống theo vì ngành xây dựng đóng góp một phần tư trong Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc. Kinh tế xuống không phải chỉ do thị trường địa ốc. Nguyên nhân sâu xa là sự thất bại của cả mô hình kinh tế bất chấp thực tế cũng như lý luận, vì chỉ nhắm mục đích bảo vệ quyền hành của Đảng cộng sản.
Sau vụ công ty Hằng Đại (Evergrande) phá sản, năm nay đến công ty Bích Nhai Viên (Country Garden) cũng không trả được nợ. Năm ngoái, 18 công ty xây cất không trả được nợ nước ngoài. Tháng 6 vừa qua, năm công ty lớn nhất đã không trả được nợ vay bằng đô la Mỹ, tổng cộng 226 tỷ đô la, cũng bằng trị giá những ngôi nhà họ đã bán trả góp trước, theo báoThe Wall Street Journal. Bích Nhai Viên không trả được 83 tỷ đô la tiền nợ, đã tuyên bố phá sản trong tháng 10.
"Tập Đoàn Hằng Đại" (恒大集团, nghĩa là Lớn Mãi Mãi) thành lập năm 1996, vào năm 2017 trị giá lên tới 50 tỷ mỹ kim, hiện nay chỉ còn đáng giá 3 tỷ trên thị trường chứng khoán. Hai năm trước Hằng Đại có 150.000 nhân viên ; với 1.300 dự án xây dựng tại 280 thành phố ; mang nợ 88,5 tỷ đô la nhưng còn nợ 1 triệu 600 ngàn căn hộ chưa xây xong mà người mua đang góp tiền trả trước. Hiện có 20 triệu đơn vị gia cư đã bán rồi nhưng phải ngưng vì các công ty địa ốc thiếu tiền, theo báoThe Wall Street Journal.
Tháng 7 năm ngoái, nhiều người mua nhà trả góp trước bắt đầu "đình công" ngưng đóng tiền vì lo không bao giờ xây xong, tạo ra một phong trào lan ra toàn quốc. Khi đặt tiền, người mua được hứa hẹn trong ba năm nhà sẽ xong, nhưng chờ mãi không được trao chìa khóa ! Những người lo lắng nhất tìm cách bán tống bán tháo khiến giá cả xuống theo, khiến các công ty xây cất thiếu tiền nặng hơn. Các ngân hàng không dám cho các công ty đó vay vì thấy giá trị của các công ty xuống thấp và người mua ngưng trả góp, khiến các công ty càng thiếu tiền. Những xí nghiệp cung cấp cho ngành xây cất bị cuốn theo. Tất cả tạo ra một cái vòng lẩn quẩn.
Công ty Bloomberg đã phân tích tình trạng bế tắc này. Trước năm 1998, Trung Quốc chưa cho phép mua bán nhà cửa tự do, chỉ có một phần ba dân chúng sống tại các thành phố. Sau 25 năm, số dân ở đô thị tăng thêm 480 triệu người, chiếm hai phần ba dân số. Đó là cơ hội cho các công ty xây cất. Họ đua nhau vay tiền dễ dàng từ khắp nơi vì ai cũng thấy viễn tượng phát triển tốt. Năm ngoái, tổng số nợ người nước ngoài đã lên đến 207 tỷ đô la, vay bằng đô la gồm vay từ các ngân hàng và bán trái phiếu, tức giấy nợ. Năm 2009 số trái phiếu bán ra nước ngoài chỉ có 675 triệu đô la, năm 2020 đã tăng gần gấp 100 lần, lên tới 64,7 tỷ đô la. Khi nợ đáo hạn mà không trả được thì phải khai phá sản. Trong khi đó dân số bắt đầu giảm bớt, cả nước còn 50 triệu căn hộ đang không có người ở, và nhiều công trường xây cất ngưng hoạt động.
Những chủ nợ lớn nhất của các công ty địa ốc là người mua nhà trả góp. Khi Tập Cận Bình ra lệnh các ngân hàng bớt cho vay tiền xây nhà, các công ty địa ốc gây vốn bằng cách bán trước các căn hộ sắp xây. Từ 2015 đến tháng 7/2021, loại vốn này tăng từ 39% lên 54% nguồn vốn của các công ty địa ốc.
Tiền tiết kiệm của 70% các gia đình trong lục địa đổ vào việc mua nhà, để ở hoặc đầu tư. Nhà cửa chiếm 60% tài sản của dân. Giá tụt xuống nghĩa là 70% dân Trung Hoa đang mất tiền dành dụm cả đời ; giống như dân Mỹ bỗng dưng mất hết tiền trong quỹ hưu bổng và mất bảo hiểm y tế khi về già ! Địa ốc không còn là một cơ hội kinh tế mà đã trở thành một vấn đề xã hội và chính trị.
Từ năm 2020 chính quyền cộng sản Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hạn chế số nợ của các công ty xây dựng, dựa trên ba tiêu chuẩn : tỷ lệ nợ tối đa, tổng số nợ, và tổng số tiền mặt. Năm ngoái chính quyền trung ương dành 48 tỷ đô la để giúp các công ty tiếp tục xây dựng, hứa sẽ cho các ngân hàng vay 27 tỷ đô la không cần trả lãi nếu cho các công ty xây cất vay ; nhưng đến nay số tiền đó vẫn chưa được dùng hết. Công việc xây cất giảm 14% trong năm 2021, xuống nặng nhất kể từ 6 năm. Tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh giảm số tiền phải đặt xuống để mua nhà (down-payment) ; cho phép các ngân hàng hạ thấp lãi suất. Trong khi ở Mỹ tăng lãi suất thì Ngân hàng Trung ương ở Bắc Kinh đã cắt để cứu thị trường nhà cửa, nhưng không thấy hiệu quả.
Kinh tế đang trở thành mối lo lớn nhất kể từ khi bắt đầu mở cửa đầu thập niên 1980. Chính sách đổi mới thành công, kinh tế Trung Quốc lớn dần. Trước đây 40 năm, Tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc chỉ bằng 2% GDP cả thế giới ; năm 2021 đã chiếm 18,4%, theo báoFinancial Times. Sau đó Trung Quốc bắt đầu đi xuống, trong khi Mỹ và nhiều nước khác, từ Ấn Độ đến Brazil vẫn tiến lên. Năm 2022, Trung Quốc chỉ còn chiếm 17% GDP toàn cầu.
Nhật báoFinancial Time mô tả địa vị của Trung Quốc đang xuống dần. Trong năm 2023 sản lượng toàn thế giới sẽ lên đến 105 ngàn tỷ mỹ kim, tăng thêm 8 ngàn tỷ. Trung Quốc không hưởng một phần nào trong số 8 ngàn tỷ đô la mới lên đó ; kinh tế Mỹ góp 45% ; các nền kinh tế đang lên đóng góp 50% ; một nửa là do năm nước : Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil và Ba Lan.
Số hàng xuất cảng của Trung Quốc đang giảm vì kinh tế các nước mua hàng cũng gặp khó khăn, hoặc đang tìm các nguồn cung cấp mới. Các công ty quốc tế đang rút tiền lời ra khỏi Trung Quốc, cắt số đầu tư bớt 12 tỷ đô la trong quý thứ ba năm nay. Đồng nhân dân tệ xuống giá, các xí nghiệp Trung Quốc cũng theo gót, chuyển đô la ra nước ngoài, mua bất động sản.
Ngoài mối lo giảm phát, thay vì lạm phát, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề lớn nữa : Số người làm việc giảm xuống và hiệu năng sản xuất ngưng đọng. Lực lượng lao động của Trung Quốc có lúc lên cao nhất, bằng 24% số người làm việc trên thế giới ; hiện xuống chỉ bằng 19% và trong 35 năm nữa sẽ xuống tới 10%. Tính số người làm việc cùng với sản năng lao động, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng 2,5% một năm, bằng nửa chỉ tiêu trên 5% của ông Tập Cận Bình, vẫn theoFinancial Times.
Đây là kết quả tự nhiên của mô hình kinh tế của Đảng cộng sản Trung Quốc từ khi "đổi mới". Họ từ bỏ kinh tế chỉ huy kiểu cộng sản cũ nhưng vẫn đề cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Đó là những xí nghiệp hiệu năng thấp nhất, nhưng được cung cấp tài chánh nhiều nhất. Các xí nghiệp tư nhân đóng góp cho sản lượng quốc gia nhiều hơn nhưng khó vay được tiền từ các ngân hàng.
Cán bộ cầm đầu các địa phương được chấm điểm theo tiêu chuẩn đã "sản xuất" được bao nhiêu, tính bằng số tiền sử dụng và số công nhân có việc làm. Các địa phương chọn lãnh vực dễ thực hiện và dễ phô trương nhất là xây dựng, từ đường sá, cầu cống, bến cảng, phi trường, và các khu cao ốc. Họ vay nợ dễ dàng, vì các ngân hàng do nhà nước kiểm soát.
Cơ cấu kinh tế Trung Quốc nặng về đầu tư, nhẹ về tiêu thụ, trái ngược với các nước theo kinh tế thị trường. Trong năm 2021, ở Mỹ và Anh quốc, 80% sản lượng nội địa là để cung cấp cho nhu cầu của dân tiêu thụ ; ở Trung Quốc người tiêu thụ chỉ hưởng 54%, theo Ngân hàng Thế giới. Đầu tư ở Trung Quốc chiếm 40% GDP, gấp đôi tỷ lệ ở nước Mỹ, vì các cán bộ đầu tư không cần tính toán đến mức lời. Khi trình độ phát triển còn thấp, như thời 1980, đầu tư sinh lợi cao vì thúc đẩy kinh tế lên. Nhưng càng về sau thì đầu tư thêm lợi ích càng giảm, theo định luật "năng suất tiệm giảm" trong kinh tế học.
Trong thời gian bệnh dịch Covid-19, chính phủ Mỹ trợ cấp tiền cho dân đóng thuế để giữ vững khả năng tiêu thụ của họ. Người Trung Hoa trong lục địa phải tự lo lấy mình. Khi kinh tế mở cửa lại, dân Mỹ đua nhau đi mua sắm, người Trung Hoa vẫn lo tiết kiệm, giữ tiền phòng bị tương lai.
Chúng ta có thể hiểu tại sao Đảng cộng sản chọn một cơ cấu kinh tế khập khiễng như vậy : Vì mục đích bảo vệ Đảng. Đảng nắm tiền đầu tư nên dân bị lệ thuộc. Nếu tư doanh phát triển mạnh, thì sẽ đến lúc không ai cần nhờ Đảng nữa !