Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mùa tựu trường, trẻ em Việt Nam đối mặt nhiều hiểm nguy trên đường đi học

Khoảng 4.500 trẻ em, chỉ tính riêng ở tỉnh Sơn La, không được đảm bảo an toàn trên đường đi học trong khi mùa tựu trường đã cận kề.

tuutruong1

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở tỉnh Sơn La vào cuối tháng 7/2024

Đó là thống kê được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) công bố vào sáng nay 20/8.

Theo bài viết trên báo Tin tức ngày 19/8, những đợt mưa lớn từ cuối tháng 7/2024 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã khiến 13 người chết, 9 người bị thương và 283 gia đình phải sơ tán khẩn cấp. Tổng thiệt hại khoảng 555 tỷ đồng.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng đánh giá nhiều học sinh ở Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do cơ sở hạ tầng bị lũ lụt tàn phá. Ở các vùng nông thôn, cầu cống bị sập và đường sá hư hại nặng nề.

"Đường đến trường rất khó đi do sạt lở và sập cầu. Các em phải băng qua suối để tới trường và tôi lo lắng cho sự an toàn của các em. Tôi hy vọng sẽ nhận được kinh phí để khắc phục sạt lở trước khi năm học mới bắt đầu, để đường thông thoáng cho xe máy từ các làng lên trung tâm xã và trường học", một hiệu trưởng ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nói với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, nói rằng việc sửa chữa đường sá, cơ sở hạ tầng ở Sơn La sẽ mất nhiều tháng và nếu không hành động ngay, trẻ em ở đây có thể phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Tổ chức này cũng cho biết họ có kế hoạch giúp đỡ người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La khắc phục khó khăn sau lũ, dự kiến kéo dài từ tháng 11/2024 tới tháng 12/2025, bao gồm cả các sáng kiến liên quan tới giáo dục và y tế.

Một tỉnh khác ở miền Bắc là Hà Giang cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra từ đầu năm tới nay. Theo báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, thống kê từ đầu năm 2024 tới ngày 5/8 cho thấy trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 16 đợt thiên tai khiến 28 người chết, 17 người bị thương. Tổng thiệt hại hơn 340 tỷ đồng.

Trẻ em Việt Nam dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu

tuutruong2

Người dân dọn dẹp đất đá đổ nát do mưa lũ gây ra ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào tháng 8/2023

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam có mức độ rủi ro thiên tai cao và xếp đồng hạng nhất với Bangladesh về mức độ lũ lụt, bao gồm lũ ven sông, lũ quét và lũ ven biển.

Việt Nam cũng dễ bị bão nhiệt đới và các hiểm họa liên quan tàn phá.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam xếp thứ sáu trong số các quốc gia chịu ảnh nhất do biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn và khó dự báo hơn qua từng năm, gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng yếu thế.

UNICEF nhận định những thiên tai này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em Việt Nam. Việc tiếp cận thực phẩm, nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe bị đe dọa.

Bên cạnh đó, việc mất thu nhập, tài sản do lũ lụt khiến trẻ em dễ bị bóc lột, lạm dụng và bạo hành.

Phụ nữ cũng chịu những tác động tiêu cực tương tự. Do đó, khả năng chăm sóc con cái của họ bị suy giảm, theo UNICEF.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc ứng phó thảm họa thiên nhiên trong những năm gần đây.

Báo cáo được xuất bản hôm 15/8 của công ty tư vấn, phân tích Gallup (Mỹ) cho thấy Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ hộ gia đình có kế hoạch ứng phó thiên tai cao nhất thế giới với 83%.

Theo Gallup, vì Đông Nam Á nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên một số quốc gia ở khu vực này dễ bị thương tổn trong các thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt, các đô thị ven biển dễ chịu thiệt hại do bão và mưa gió mùa gây ra.

Có 40% người dân Đông Nam Á được Gallup khảo sát cho biết họ trải qua ít nhất một thảm họa thiên nhiên trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nguồn : BBC, 20/08/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới mùa tựu trường tại Việt Nam. Hiện giờ, nhiều phục huynh đang ‘gồng mình’, chắt bóp chi tiêu để chuẩn bị các khoản chi và phí cho con cái trong năm học mới. Không ít gia đình phải thu vén, xoay sở sao cho có đủ tiền nộp vào đầu tháng 9 khi con em trở lại trường. Những khoản chi lớn, nhỏ đủ kiểu đang biến mùa khai giảng trở thành ‘cơn ác mộng’ đối với nhiều gia đình mà VOA phỏng vấn.

tuutruong1

Phụ huynh học sinh bốc thăm may mắn để cho con vào trường công lập tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Dương, một người buôn bán lặt vặt tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết không cần phải đến tháng 9 mà ngay tuần rồi, cậu con trai lớp 4 của chị đã bắt đầu đi học thêm để gọi là ‘làm quen lại với trường lớp’ theo gợi ý của thầy, cô giáo. Lớp học thêm này, dù chỉ bắt đầu một tháng trước thềm năm học mới, nhưng cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với bà mẹ đơn thân có hai con nhỏ như chịDương, người thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng từ việc bán buôn lặt vặt.

"Đóng học phí gần như gấp đôi so với số tiền phải đóng hàng tháng trong năm học. Trong năm học thì phải nộp 1,4 triệu đồng/tháng kể cả tiền ăn bán trú. Còn học thêm hè này thì cô tính là mỗi cháu 2 triệu đồng/tháng", chị Dương cho VOA biết.

Chị Dương nói để chuẩn bị cho con trai khai giảng vào đầu tháng 9 tới đây, chị đã phải chắt bóp trong suốt mùa hè để gom góp hơn 10 triệu đồng cho rất nhiều khoản chi, phí khác nhau.

"Học hè xong là học chính luôn thì phải nộp tiền quỹ lớp, tiền quần áo đồng phục, tiền bảo hiễm cho con, tiền xây dựng trường để nhà trường mua điều hòa và các thứ cho các cháu nhưng thực ra chỉ mua một lần rồi các năm sau tính tiền đó vào tiền điện. Nhà trường cho biết các con đóng vào để trả vì nhà nước chỉ hỗ trợ phần nào đấy thôi", chị Dương than thở và cho biết 10 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn đối với gia đình chị, tương đương với hơn hai tháng buôn bán ‘đầu tắt mặt tối’ ngoài đường.

Có hoàn cảnh kinh tế khá giả hơn chị Dương một chút vì cả hai vợ chồng đều làm công chức nhà nước, anh Phạm Thành Trung, một cư dân tại quận Thanh Xuân, cho biết gia đình anh cũng đang siết chặt các khoản chi để có tiền cho con gái 2 tuổi chuẩn bị vào năm học mới. Con anh còn quá nhỏ, chưa gửi được ở các trường công lập nên phải gửi trường tư, với mức học phí hơn một đầu thu nhập của vợ chồng anh.

"Một tháng 10 triệu, còn hơn cả lương mình. Lương mình nhà nước còn chưa được 10 triệu/tháng. Mình hỏi cho con mình vào lớp chất lượng cao thôi thì người ta lại nói là lớp chất lượng cao không đủ học sinh để mở lớp, chỉ có lớp song ngữ thôi. Nên đành nghiến răng nghiến lợi cho con đi học thôi chứ biết làm sao", anh Trung than thở.

Anh Nguyễn Thành Nam, một cư dân ở quận Hai Bà Trưng, cho biết hai đứa con lớn của anh đều không đậu vào trường công cấp 3 nên phải theo học trường tư. Cứ tới mùa khai giảng là anh phải thắt lưng buộc bụng, chuẩn bị một khoản tiền lớn để đóng học phí.

"Đầu tháng 9 là phải đóng một đống tiền. Trường dân lập thì cứ đầu năm họ thu học phí cho cả năm là 50 triệu/cháu", anh Nam cho biết.

Tuy nhiên theo anh, thà một lần đóng một khoản lớn như vậy còn hơn là phải ‘chăm sóc’ thầy cô giáo thường xuyên, hay phải cho con đi học thêm tất bật như thường thấy ở các trường công lập.

Để đáp ứng các khoản chi mùa tựu trường, hầu hết các gia đình được VOA phỏng vấn đều cho biết họ đã có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu ngay từ khi năm học trước còn chưa kết thúc.

"Nói chung cả năm phải cày cuốc thôi và để riêng ra một khoản đưa cho vợ để đóng tiền học phí và chi phí cho con. Còn tiền lương hàng tháng thì để chi tiêu", anh Trần Quang Hạnh, một cư dân của quận Long Biên, cho biết.

Ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã đề nghị các ban ngành liên quan nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về mức thu học phí trong năm học 2024-2025. Các khoản thu ngoài học phí được chỉ thị phải theo đúng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành. Riêng đối với các trẻ học mầm non dưới 5 tuổi thì được miễn học phí, bắt đầu từ ngày 01/09/2024.

Tổng cục Thống kê thừa nhận giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của các hộ gia đình tại Việt Nam. Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu đời sống, chi tiêu cho giáo dục đang là một gánh nặng đối với phần đông các hộ gia đình Việt Nam hiện nay, bất kể con của họ học trường công hay trường tư.

Tổng Cục thống kê cho rằng, từ góc độ chính sách, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục-đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, vốn cũng là niềm mong mỏi của phụ huynh tại Việt Nam mà bấy lâu nay chưa được đáp ứng.

Nguyễn Lại

Nguồn : VOA, 09/08/2024

Additional Info

  • Author Nguyễn Lại
Published in Diễn đàn