Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau 3 tháng bị khởi tố, ngày 15/1, truyền thông nhà nước đưa tin, người mẫu Ngọc Trinh bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng", với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

haichedo1

Người mẫu Ngọc Trinh tại đồn công an sau khi bị bắt. Ảnh VTC.vn

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/1 đưa tin "Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lên lịch xét xử Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng".

Bản tin cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng, truy tố nữ người mẫu Ngọc Trinh với tội danh "Gây rối trật tự công cộng", theo Khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Dự kiến, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 2/2, do thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh làm chủ toạ.

Viện Kiểm sát xác định, Ngọc Trinh có tình tiết giảm nhẹ hình phạt là đã ăn năn hối cải và thành thật khai báo. Nhưng Ngọc Trinh cũng có tình tiết tăng nặng, đó là phạm tội nhiều lần.

Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh là một nhân vật nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng, trong giới Showbiz Việt Nam. Không ít người đã thắc mắc, vì sao Ngọc Trinh lại bị truy tố đến mức hình phạt cao nhất có thể là 7 năm tù, hoặc nhẹ nhất cũng là 2 năm tù như vậy ?

Công luận so sánh với một số vụ án gần đây, và nhận thấy có sự bất công trong những vụ án "bất thường". Ví dụ như vụ án cựu Thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh, lái xe gây tai nạn, khiến một nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận. Vậy mà, tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ hai, ngày 5/12/2023, cựu Thiếu tá Hoàng Văn Minh chỉ bị Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) tuyên phạt 14 tháng tù, và phải bồi thường 245 triệu đồng, với tội danh "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" gây chết người.

Theo kết luận của Hội đồng xét xử, ông Hoàng Văn Minh có lỗi 80% ; nữ sinh bị tử vong có lỗi 20%, do không có bằng lái xe, không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Bản án vừa kể đã gây bức xúc trong công luận, vì sự bất công, khi Thiếu tá Hoàng Văn Minh, lái xe gây tai nạn chết người, nhưng chỉ bị phạt 14 tháng tù. Trên mạng xã hội, nhiều người nhận xét cho rằng, "Lái xe nghe điện thoại, lúc gây tai nạn xuống xe vẫn nghe điện thoại. Chưa kể đến các hành vi như, nhờ người nhận tội thay, cố tình thay đổi kết quả xét nghiệm máu… từng ấy tội mà chỉ bị có 14 tháng tù".

Hay mới nhất, trong phiên xét xử vụ án Việt Á, với 38 bị cáo, ông Chu Ngọc Anh – cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Chủ tịch Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, bị truy tố với tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", gây thất thoát của nhà nước 18,9 tỷ đồng. Nhưng ông Chu Ngọc Anh chỉ bị tuyên án 3 năm tù.

Đó là chưa kể đến việc, ông Chu Ngọc Anh đã nhận "quà biếu" tới 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, vậy mà ông không bị truy tố tội "nhận hối lộ" trong đại án này.

haichedo2

Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khai báo trước tòa.

Trong khi đó, theo quy định, tham nhũng 1 tỷ đồng trở lên, hay gây thiệt hại cho nhà nước lớn hơn 5 tỷ, sẽ phải chịu hình phạt từ 20 năm tù, chung thân hay tử hình. Tội của ông Chu Ngọc Anh phải nằm trong khung hình phạt này mới đúng luật.

Một vụ việc khác từng xôn xao dư luận, đó là Công an thành phố Hồ Chính Minh đã tha bổng cho 4 tiếp viên của VietnamAirlines xách hơn 11kg chất cấm.

Còn Ngọc Trinh, chỉ vì chạy xe motor thì lại bị truy tố ở khung hình phạt từ 2 đến 7 năm !

Rõ ràng, những so sánh kể trên đã cho thấy, có "tiêu chuẩn kép" trong việc áp dụng các điều luật thuộc Bộ luật Hình sự, và hoàn toàn thiếu vắng sự công chính.

Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, việc điều tra, xét xử các vụ án, nếu áp dụng "tiêu chuẩn kép" có nghĩa là, "hai vụ việc giống nhau nhưng được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau".

Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng : "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội".

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, có nghĩa là, nhà nước phải bảo đảm tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật, và có quyền không bị phân biệt đối xử, được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ; trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ.

Luật pháp Việt Nam luôn khẳng định, con người sinh ra có thể khác nhau về nhiều mặt, và kể cả địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo giới quan sát, "tiêu chuẩn kép" được áp dụng trong xét xử các vụ án tham nhũng của quan chức và cựu quan chức, hay những thành phần có tiền để chạy án… thì được áp dụng mức án "nhẹ" hơn theo luật định.

Phải chăng, ở Việt Nam hiện nay, vẫn tồn tại song song hai hệ thống áp dụng luật pháp khác nhau, trên cùng một nền tảng pháp lý giống nhau ?

Công luận đặt câu hỏi, để tình trạng "một quốc gia, hai chế độ" áp dụng luật pháp khác nhau như vậy, "lỗi tại ai ?"

Trà My 

Nguồn : Thoibao.de, 21/01/2024

Published in Diễn đàn

Việt Nam hiện nay đang đối mặt trước nhiều vấn đề nan giải : đối nội thì phát triển kinh tế ì ạch, nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp đảng và chính quyền, xã hội bất an dưới thì trộm cướp, trên thì lạm dụng quyền lực, mọi mặt văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội… đều tồi tàn, hạ tầng cơ sở yếu kém, tài nguyên dầu khí đã khai thác cạn kiệt trong khi nợ công ngày càng tăng cao, (lợi tức quốc dân sẽ không đủ để trả nợ)... Đối ngoại thì kém cõi trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông, thứ bậc uy tín quốc gia mỗi ngày mỗi suy giảm…

bacnam1

Lãnh đạo miền Bắc, trong suốt hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo, đã liên tục áp dụng những chính sách bất bình đẳng đối với dân chúng miền Nam.

Nhưng điều nan giải có thể đưa đến quốc gia phân liệt là nạn kỳ thị vùng miền.

Lãnh đạo miền Bắc, vốn là "bên thắng cuộc" trong cuộc chiến 75, trong suốt hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo, đã liên tục áp dụng những chính sách bất bình đẳng đối với dân chúng miền Nam. Trong một thời gian (rất) dài, trẻ em sinh trưởng ở miền Nam bị hạn chế trong việc học. Chính sách "tờ khai lý lịch" là rào cản khiến những đứa trẻ xuất thân từ thành phần "ngụy" không thể bước chân qua ngưỡng cửa đại học. Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh "vùng trũng giáo dục". Nhà thương, trường học, đường sá, cầu cống, điện nước… tức cơ sở hạ tầng cần thiết để miền Nam phát triển, không được nhà nước quan tâm. Dầu khí khai thác (các mỏ ở miền Nam) tính sơ cũng phải cả chục ngàn tỉ đô la mà ở miền Nam không có cây số nào đường xa lộ. Chỉ một đoạn đường được xây dựng chắp vá ngắn đi tắt qua Cai Lậy thì đặt trạm thâu tiền. Sản lượng miền Nam về lúa gạo đứng đầu thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn là những người vô sản chân chính (vì đất đai do nhà nước quản lý), nghèo cùng cực đến đỗi không đủ gạo mà ăn. Bao nhiêu của cải làm ra đều đưa về miền Bắc. Một thí dụ mỗi năm Sài gòn phải "tiếp máu" cho Hà Nội (tức trung ương) 82% của cải làm ra, chỉ được giữ lại 18% cho phát triển thành phố.

Về mặt lãnh đạo quốc gia, luật "bất thành văn" (của ông Trọng đặt ra), chỉ có "Bắc kỳ biết lý luận" mới được làm tổng bí thư. Luật này đã có từ lâu nhưng ông Trọng là người biểu lộ đầu tiên. Tức là, dưới một cái nhìn thực tế, miền Nam đang bị miền Bắc đô hộ. Điều tệ hại là sự "đô hộ" của miền Bắc còn khắc khe nhiều lần hơn thời Pháp thuộc.

Đứng trước những mâu thuẩn trầm trọng về nội bộ, gây ra do "bên thắng cuộc" Bắc kỳ, giải pháp nào để Việt Nam không bị tụt hậu do lãnh đạo vừa tham nhũng vừa bất tài, không bị phân liệt vì nạn kỳ thị vùng miền ?

Rừng đã hết và biển đã chết. Các mỏ dầu cũng cạn kiệt. Tài nguyên bây giờ chỉ còn mồ hôi, sức lao động của con người. Mà giá trị kinh tế của con người Việt Nam chỉ ngang hàng với "lao động thô sơ", vì con người Việt Nam không được giáo dục đến nơi đến chốn các kỹ năng về trí tuệ.

Theo tôi, trí thức Việt Nam cần phải can đảm nhìn vào sự thật để thấy Việt Nam đang bị đe dọa vừa tụt hậu, vừa phân liệt.

Vì vậy giải pháp phân chia Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc, hai miền hai chế độ. Quốc gia Việt Nam trở thành Cộng hòa liên bang Việt Nam với hai tiểu bang Nam Việt và Bắc Việt.

Điều này hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế, vì nó đặt nền tảng trên các hiệp định khai sinh quốc gia Việt Nam, đó là hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973.

Hai hiệp định khẳng định Việt Nam là một quốc gia "độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ bất khả phân, thống nhứt ba miền bắc, trung, nam". Hiệp định Paris 1973 qui định mỗi miền có "quyền lựa chọn chế độ chính trị thích hợp" (tức quyền dân tộc tự quyết).

Quốc gia liên bang (như Mỹ, Đức…) là "quốc gia độc lập có chủ quyền, thống nhứt các miền". Một quốc gia hai chế độ cũng là việc thường thấy, như TQ với lục địa và Đài loan, Hồng Kông...

Điều này được thực hiện thì vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được "đơn giản" hóa. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VN, trước 75 do miền Nam (VNCH) quản lý, có đầy đủ bằng chứng chủ quyền, lịch sử và pháp lý, thì bây giờ tiếp tục do "tiểu bang Nam Việt quản lý", với những bằng chứng pháp lý và lịch sử có giá trị không thay đổi. Công hàm 1958 của Phạm văn Đồng cùng những bằng chứng pháp ý và lịch sử khác, khẳng định HS và TS thuộc TQ, tự động sẽ vô hiệu hóa.

Điều này được thực hiện, dân chúng hai miền tranh đua với nhau để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, tổ chức xã hội v.v… Miển Bắc, nếu thích, cứ tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. cũng như tiếp tục xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Miền Nam thì đơn giản, chỉ cần xây dựng "quốc gia dân chủ pháp trị" và kinh tế tự do theo qui luật kinh tế thị trường.

Lãnh đạo miền nào sẽ do dân miền đó bầu lên. Tổng thống (hay chủ tịch) liên bang sẽ luân phiên, theo nhiệm kỳ định trước.

Điều này xảy ra, có lợi là toàn dân VN. Tất cả các "vấn nạn khó khăn" đều được đơn giản hóa. Phía bất lợi là đảng CSVN.

Các vụ kỳ thị vùng miền, chia để trị, gây mâu thuẩn để dễ cai trị… xưa nay là thủ thuật của đảng CSVN. Ông Trọng khi nói "Tổng bí thư phải do Bắc kỳ biết lý luận phụ trách" là có lý do. Vì vậy bất cứ đề nghị nào, cho dầu có hay cách mấy, làm lợi cho đất nước, cho dân tộc cách mấy, nếu nó có hại cho đảng thì đề nghị này trở thành "phản động". Ý kiến này rồi cũng sẽ vậy.

(Ý kiến này là "nho còn xanh", lẽ ra không nên nói trong lúc này. Nhưng vì thấy nhiều chính trị gia tâm thần tự phong tổng thống, có tham vọng phục hoạt VNCH, hoặc những người vĩ cuồng, người dốt nhưng nhiều tham vọng chính trị... E rằng dân mình trên facebook nhiều người bị mắc bẫy. Bất đắc dĩ phải đưa ra như một "đề nghị").

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 27/10/2017

Published in Diễn đàn